Những Khu Rừng Đã Mất

Nguyên Thảo

 
Ngày xưa, rừng là nơi mà người ta cần khai phá để lấy đất đai canh tác hay làm môi trường sống. Ngày nay rừng lại cần được bảo vệ vì hệ thống cây xanh của nó đáp ứng cho nhu cầu Oxy khí quyển, lẫn bảo vệ mặt đất được êm mát cùng giữ được nguồn nước ngầm không bị trở nên khan hiếm hay khô cạn. Thiếu rừng mặt đất trở nên nóng và trơ trọi, gió mưa có thể thổi bay hay cuốn trôi đi những lớp đất cát trên mặt (mà người ta gọi là hiện tượng xói mòn, xâm thực) làm cho mặt đất càng trở nên nóng và đưa con người chật vật hơn trong việc đối phó, thích nghi trong môi trường. Các nhà khoa học đề cập đến hiện tượng “biến đổi khí hậu toàn cầu”, “hiệu ứng nhà kính”, “Tầng Ô-Zôn bị mỏng, hay hỏng ở hai cực càng ngày càng lớn”, “hiện tượng Il Nino, El Nina” (mưa bão bất thường)… để rồi người ta khuyến khích “trồng cây gây rừng”, “bảo vệ rừng”, “thân thiện với môi trường”…vv..và vv…

Còn tôi khi viết bài nầy chẳng có mục đích gì gọi là lớn cả, chẳng qua những năm đi qua trong cuộc đời của mình có vài kỷ niệm lưu luyến lẫn các cảm giác hồi hộp, sợ sệt mà bây giờ nhớ lại, rồi viết để mọi người, bạn bè đọc vui chơi gọi là chia sẻ một thời đã qua vậy thôi.

Ngày tôi còn nhỏ tôi sợ nhất là phải đi qua mấy gò mã, nơi yên nghỉ của những người chết vì bệnh, già hay vì mọi lý do dù là còn trẻ. Đi qua đó là một cực hình, nhất là về buổi trưa, vì người ta kể ma quỷ hay hiện hình vào buổi trưa hay về ban đêm; cho nên khi tôi phải băng qua mấy gò mả thường thì chạy trối chết hoặc đạp xe đạp như tên mà không hề dám ngoái lại. Đường về quê ngoại có đến hai gò mả kế bên nhau, mà má tôi thì lại thường kêu tôi đem thức ăn về cho bà ngoại, nhất là món cua đồng “um” hay “khèo” nước mắm. Còn về quê nội thì phải băng qua gò mả kế đình Phước Lộc, là nơi mà tôi sợ ghê gớm vì phải băng qua khu gò mả rất vắng vẻ có nhiều tre rậm rạp, nghe lạnh tới gai xương sống. Băng qua gò mả thì sợ người chết “đứng dậy”, “hiện lên”; còn đi qua những cánh rừng thì  có nhiều nỗi sợ, sợ bị cọp vồ, sợ rắn, sợ ma, sợ sự âm u, vắng lặng của nó. Thế mà bây giờ nó không còn, tôi lại nhớ nhung nó như nhớ đến cái gì thân thiết quá, bây giờ đã bị mất đi rồi!

Lúc còn bé tí teo, có lần tôi theo má đi đâu không biết (chắc là Phú Trung, Phú Chánh gì đó) qua cánh đồng Gò Bèo, mà tiếng thông thường cứ kêu là đồng Bà Bèo. Lúc đó còn nhiều cây cao su. Sau nầy cao su bị phá lần để lấy đất trồng trọt. Mùa mưa ở đây có nhiều ruộng lúa gò và mùa nắng có nhiều nơi trồng củ cải, dưa gan, đậu hay vài loại hoa màu khác dù phải đào giếng sâu để lấy nước tưới. Công việc cũng khá là vất vả, nhưng người ta có thể có thêm thức ăn hoặc lợi tức, để đời sống vật chất được tốt hơn.

Rừng chồi đình Vĩnh Trường là nơi mà tôi đã từng theo mấy bạn hái trái sim hay trái cơm rượu ăn nghe mùi ngọt, thơm thơm hay những trái mù cua làm cho lưỡi của mình bị tím ngắt. Hoặc rừng chồi Hố Khởi kế bên có nhiều trái cò ke, đuôi chồn, trái táo gai, mà nhiều lúc tôi thường chạy vào đó sớm để kiếm bắt mấy con quít nho nhỏ, trên cánh có đốm đỏ mỗi bên hay quít Tàu lớn hơn mà cánh toàn là màu xanh bóng trên mấy cây súng rắn. Tất nhiên với sự phát triển dân chúng đông đúc như hiện nay nó  đã không còn.

Rừng mà tôi nghe nói từ lúc còn nhỏ đó là rừng Khánh Vân, không biết nó là bao lớn và to như thế nào mà có băng cướp “Rừng Xanh” do hai anh em ông Bời, ông Liễu cầm đầu. Chỉ nghe họ cướp nhà giàu chia cho nhà nghèo, nhưng chia hay không thì không rõ mà đến đỗi chính quyền lúc đó treo giải thưởng để thanh toán họ. Một người cận vệ thừa lúc ông Bời ngủ trưa, giết ông rồi ra đầu thú, lãnh tiền treo thưởng. Sau ông cận vệ nầy bị tai nạn xe chết gần Đình ở ngã ba Cây Sao Quỳ. Đó là gốc tích của cái miễu tai nạn ở gần chợ Đình bây giờ.

Lúc tôi đi học trên Tân Uyên, có lần xuống Khánh Vân dự lễ khánh thành khu trù mật Khánh Vân thì rừng đã bị tàn phá mất rồi, chỉ còn lại những khoảng đất phân lô chia cho dân cư cùng con lộ 50 (rộng 50m) chạy dài vô gần Tân Long. Sau đến thời gian chiến tranh ác liệt, nhiều nơi rừng bị rải thuốc khai quang, rừng Cò Mi bao trùm khu vực rộng từ Dĩ An qua An Phú đến khu vực Nhà Thơ của xã Tân Khánh (nay thuộc xã Bình Chuẩn) bị thuốc rụng lá và được khai quang cả, rồi người ta làm con đường nối dài từ ngã ba Bình Thung chạy về Bình Dương qua An Phú, Bình Chuẩn, Phú Lợi gọi là xa lộ Đại Hàn. Thế là từ đó An Phú trở thành vùng đất trống trơ trống lốc mà vào mùa mưa người ta mới trồng khoai mì hoặc khoai lang trên những cánh đồng rộng. Còn mùa nắng không có nước người ta đành bỏ không. Sau nầy nhờ sự phát triển về công nghiệp mà bây giờ người ta ở đông đúc hơn .

Khoảng năm 1962, chính phủ làm con đường từ ngã tư Nhà Thơ băng qua khu rừng Phước Hải, Thái Hòa vượt Hố Đá, Phước Lương chạy qua Khánh Vân, ngã ba Bình Chánh, vô Ông Đông Bà Tri. Công trình đang làm thì gặp lúc đảo chánh, thế rồi con đường bị ngưng ở đó và những cánh rừng tre và nhiều rừng khác thì đã bị tàn phá nặng nề. Ngày nay đi kiếm những rừng chồi hay rừng thưa ở khu vực nầy để hái trái mù cua, trái giấy, cò ke, trái sim, cơm rượu không còn dễ dàng gì. Ngay cả các khu rừng ở kế sở 49, sở Bác Vật phải nhường chỗ cho những công trình hãng xưởng cùng mở rộng đường sá để phát triển hạ tầng cho khu vực công nghiệp Nam Tân Uyên.

Ngày xưa khi đi về phía chợ Búng, tôi sợ khu rừng hai bên đường từ cống ông Huyện chạy ra rừng cây Chàm vì vừa sợ ma do đường vắng mà nghe nói rừng thì cứ sợ cọp, thú dữ nó chụp vồ; nhứt là cây chai ở Thuận Giao, cứ sợ rủi mình đi ngang thì nó rớt xuống cái tay, cái chưn, cái mình, rồi cái đầu để ráp lại thành ma mà nhát mình giống như mấy ông lớn kể để nhát mấy đứa nhỏ làm cho chúng phài sợ ma đó mà! Rồi rừng thưa ở Thuận Giao ra Hòa Lân hay rừng chồi của Hưng Định, Bình Hòa lẫn rừng đường qua An Phú đều biến mất.

Nếu tôi nhớ không lầm vào những năm nửa sau 60, do nhu cầu chiến tranh cũng như bất tiện khi đường chạy vòng vòng quanh co trong con đường cũ băng vào những khu vực đông dân nên quốc lộ 13 được mở rộng từ Ngã Tư Hàng Xanh qua cầu mới Bình Triệu để về Bình Dương đến Phú Long được tẻ sang một nhánh khác chạy về Cầu Ông Bố băng qua Hưng Định Hòa Lân, cánh đồng Hòa Thạnh để nối về Phú Văn Phú Lợi qua ngã tư Cây Sao Quỳ lên Chợ Cây Dừa và về Bưng Cầu, Cầu Định qua Bến Cát, Bàu Bàng, Chơn Thành, Bình Long, rồi từ rừng lớn thành rừng chồi và trở thành khu kỹ nghệ, dân cư đông đúc, chen chúc nhau mà sống.

Con đường tôi để dành về sau rốt là con đường từ Tân Khánh ra Bình Dương. Từ xưa, muốn đi lên chợ Thủ Dầu Một sau đổi lại là Bình Dương, tôi phải đi qua rừng Bà Đôn ở sân bay và khu rừng tương đối rộng chạy dài là khu rừng từ Phú Lợi ra đến ngã ba Cây Sao Quỳ, và tiếp nữa là hai bên đường thuộc khu vực gò mã , dưới sâu dưới kia là vài thửa ruộng đất không được tốt lắm. Khu rừng nầy thường có cướp nhỏ hiện ra để đón khách vãng lai cướp của.

Nhưng từ khi quân đội Mỹ vào tham chiến có nhiều sự thay đổi. Sư Đoàn Không Kỵ I của Mỹ chọn sân bay làm căn cứ, từ đó vườn Bà Đôn tức là khu rừng chồi nầy đã biến mất, và đường từ Bình Hòa ra miễu Hoa San (cô Hoa San bị tai nạn xe cộ chết ở đó) thành hình. Kế đến là khu rừng Phú Hòa ra ngã ba Cây Sao Quỳ được khai phá thành khu gia binh của Sư Đoàn 5, nhà thờ Vinh Sơn và bệnh viện 4 Dã Chiến, trường học Nguyễn Văn Thành. Đến khi đường 13 tẻ chi nhánh ngoài khu vực đông dân nối về ngã ba Cây Sao Quỳ để trở thành ngã tư, từ đó người ta gọi là Ngã Tư Cây Sao Quỳ. Cho nên cuộc đời thay đổi, đổi thay khó mà ai biết cái gì sẽ xảy ra trong mai sau. Đó là những chuyện trước mắt và nhỏ nhoi của một địa phương. Nếu lớn hơn chúng ta tưởng tượng vỏ trái đất chỉ dày bằng vỏ của một trái cam mà ruột là chất lỏng, mềm nhão đang sôi thì sự bùng nổ, rạn nứt, sôi sục ở nơi nào đó sẽ biến đổi dữ dội hơn, cho nên người xưa đã nói: “Thương hải biến vi tang điền, tang điền biến vi thương hải” cũng không có gì là lạ! Xa hơn nữa là định luật: Có sinh thì có diệt, cái nầy mất đi thì cái khác được sinh ra. Đó là “sinh sinh, diệt diệt” vậy!