Nhớ Những Mái Trường
Từ Minh Tâm
Trên trang nhà CGS và HS Trịnh Hoài Đức có những bài nghiên cứu
của GS Phạm Đức Liên về Giáo Dục ở Việt Nam qua các thời đại. Bài viết
nầy xin tiếp tục bổ túc công trình của thầy nhưng ở phạm vi nhỏ hẹp về
những ngôi trường ở Bình Dương trước 1975. Do tài liệu thiếu thốn nên tác
giả biết tới đâu thì viết tới đó, coi như viên gạch làm nền cho những bài
viết tiếp theo. Mong quý độc giả góp ý về những thiếu sót nếu có và bổ sung
để đề tài được đầy đủ giúp cho những bạn trẻ thế hệ sau hiểu thêm phần nào
về giáo dục ở Bình Dương trước năm 1975...
***
Trước khi người Pháp đến nước ta, việc giáo dục ở các làng xã,
thị trấn do các Giáo Thụ hay Huấn Đạo thực hiện. Ở Thủ Dầu Một, khó tìm thấy
tài liệu nói về các trường tỉnh hay trường làng vì lúc đó nơi đây là huyện
Bình An thuộc tỉnh Biên Hoà với dân số không nhiều lắm. Dưới triều Nguyễn
có một số người ở Bình Dương (đặc biệt ở Tân Uyên) đỗ đạt làm quan lớn nhưng
không rõ họ học ở đâu, trường sở như thế nào?.
Đến khi người Pháp chiếm Nam Kỳ làm thuộc địa, do nhu cầu cần
người giúp việc cho chánh quyền, họ bắt đầu xây trường và dạy học cho người
Việt. Ở Bình Dương, những ngôi trường đầu tiên được xây cất là trường Bá
Nghệ, trường Nam Châu Thành, Nữ Châu Thành …
1. Các trường tiểu học:
Trường Nam Châu Thành:
Nếu không tính những ngôi trường làng nho nhỏ thì đây có thể là
ngôi trường phổ thông xưa nhất Bình Dương. Theo Hoàng Anh, trường được
xây khoảng năm 1905 - 1907. Từ đó cho tới năm 1938 thì có hiệu trưởng là
người Pháp. Văn phòng Thanh Tra Hàng Tỉnh cũng đặt tại trường nầy. Thời
Pháp, trường có tên là École de Thudaumot, École chef-lieu de Thudaumot.
Quý thầy cô dạy ở trường lúc đó có hai người mà tôi biết tiếng là thầy Trần
văn Thiết và Lê văn Kỹ. Ngoài ra còn có thầy giáo Chương là người từng dạy
ở trường nầy. Thầy là một nhà cách mạng chống Pháp và tên thầy được đặt cho
một con đường ở Bình Dương.
Trường nằm cạnh chùa Bà nhưng cổng quay ra đường Bác Sĩ Yersin.
Trường có hai dãy phòng học, mỗi dãy có 5-6 phòng. Nhiều vị hiệu trưởng
của trường (lúc đó gọi là ông Đốc) là quý ông: Đốc Phẩm, Nguyễn văn An,
Nguyễn văn Lưỡng, Nguyễn văn Cho, Vị hiệu trưởng có công với trường trong
thời gian tôi học (1960-65) là thầy Nguyễn văn Mãn. Những thầy khác tôi
biết tên là quý thầy: Vô, Thốt, Rạng, Que, Bình, Thủ, Vân, Gắt, Thu, Mùi,
Ngọc … (xin tha lỗi vì lúc còn học tiểu học, đa số học sinh không biết họ
của quý thầy).
Trường Nam Châu Thành giữ một vai trò quan trọng trong nền giáo
dục ở tỉnh nhà. Hầu như những người có chức vụ trong chánh quyền đều xuất
thân từ trường nầy. Gần đây, trên facebook BinhDuongxua có một ảnh chụp
thiệp mời dự Lễ Phát Thưởng. Thiệp do Chủ Tịch Uỷ Ban Tổ Chức là ông Phó
Tỉnh Trưởng ký. Phần tiếng Pháp lại do ông Tỉnh Trưởng ký. Điều nầy cho
thấy chánh quyền trước đây đã rất quan tâm tới công tác giáo dục của trường.
Chi tiết về trường Nam Châu Thành xin tìm đọc trong đặc san Trịnh
Hoài Đức – Xuân Quý Tỵ 2013. Trường Nam Châu Thành đã bị phá bỏ và xây
mới. Hiện nay nơi đây là trường Nguyễn Du.
Trường Nữ Châu Thành:
Lúc đầu Trường Nữ Châu Thành thuộc trường Nam Châu Thành, đến
năm 1928 thì tách ra. Trường có kiến trúc tương tự trường Nam Châu Thành
nhưng ít lớp hơn. Cổng hướng ra đường Đồ Chiểu. Người có công với trường
là bà hiệu trưởng Đinh Thị Phạn. Những cô giáo nhiều người biết là cô Loan,
cô Bèo, cô Phú …
Trường Tiểu Học Tân Thới:
Ở Lái Thiêu, trường nầy cùng thời với trường Nam và Nữ Châu Thành.
Trường tọa lạc tại một khu đất đắc địa ngay trung tâm thị tứ đối diện quận
đường. Đây là ngôi trường công lập duy nhất nơi đây suốt từ đầu thế kỷ
20 đến năm 1963. Đã thành thông lệ, ngày khai trường luôn luôn có mặt ông
chủ quận (quận trưởng) để đánh trống khai giảng. Ở Lái Thiêu, có nhiều
gia đình trải qua bốn năm thế hệ đều khai tâm mở trí ở trường này. Nhiều
người gốc gác Lái Thiêu, xa cách vạn dặm vẫn giữ những ký ức tốt đẹp thời
thơ ấu với ngôi trường này, nhớ trường, nhớ bạn và đội ơn thầy cô. Trong
hồi ký của mình ông Phạm Đình Hưng (Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện VNCH) có
nhắc về cô giáo Ba, nghiêm khắc nhưng rất nhân hậu. Thập niên 70, hội trưởng
hội Cựu học sinh trường Lái Thiêu là ông Lưu Tấn Kính, thân phụ của các bạn
Lưu Ánh Tuyết (K11) Lưu Thanh Bình (K12), Lưu Thanh Dương (K13) và Lưu Tuyết
Trinh (K15).
Trường Cộng Đồng:
Tên đầy đủ là Trường Cộng Đồng Dẫn Đạo Búng. Đây là trường tiểu
học nằm bên Quốc Lộ 13, gần Búng. Trường là thí điểm cải cách giáo dục
có mục đích đào tạo kỹ năng hoà nhập cộng đồng cho học sinh với những kiến
thức gần với cuộc sống. Những năm 1950, thầy Trương văn Di làm hiệu trưởng
trường nầy. Nhờ có thầy Di mà từ trường Cộng Đồng Búng khu vực nầy đã phát
triển thêm hai trường nữa là Nông Lâm Súc và Trịnh Hoài Đức.
Ngoài các trường lâu đời kể trên, ở những nơi có nhiều dân cư
như Trị Tâm, Bến Cát, Tân Khánh, An Mỹ, Phú Lợi, An Thạnh, Bình Nhâm, Vĩnh
Phú … đều có trường tiểu học. Riêng khu vực thị xã Thủ Dầu Một, thập niên
1950-60 còn có những trường tiểu học nhỏ như: trường Trí Tri, Thiện Tâm,
trường Thầy Thọ, trường Tân Ánh Mai, Thanh Trước … và các trường tư như:
Trường Tiểu Học Công Giáo Lái Thiêu:
Trường được xây dựng trong khu vực nhà thờ Lái Thiêu từ năm 1936.
Lúc mới thành lập, trường có 4 lớp. Đến năm 1960, xây thêm hai dãy phòng
học gồm 12 lớp và một hội trường lớn có sức chứa vài trăm người. Tất cả
giáo viên của trường đều là Nữ tu dòng Thánh Saint Paul. Học sinh theo học
đa số là con em giáo dân các họ đạo Lái Thiêu, Tân Quy, Búng và một số học
sinh nội trú đến từ Sài Gòn. Học sinh được học cả hai chương trình Pháp
và Việt. Sau 1975, trường đã được chuyển giao cho chánh quyền mới. Qua nhiều
thay đổi, hiện nay cơ sở to lớn của trường đã bị chia hai. Dãy các phòng
học là trường Trung học cơ sở Tân Thới, phần trung tâm làm Phòng Giáo Dục
Thị Xã Thuận An.
2. Các trường Trung Học:
Trường Trịnh Hoài Đức:
Đây là ngôi trường công lập đầu tiên của tỉnh nhà. Trường
được bắt đầu xây cất và thành lập năm 1955. Trường có hai cơ sở. Trường THĐ
Nam nằm kế bên trường tiểu học Cộng Đồng Búng gồm một dãy lầu (10 phòng học)
một dãy trệt (3 phòng), văn phòng, và phòng thí nghiệm. Ở Bình Dương, chỉ
có trường Trịnh Hoài Đức là có phòng thí nghiệm nhưng do chiến tranh nên
cũng không hoạt động được hữu hiệu. Trường Trịnh Hoài Đức nữ nằm cách xa
đường quốc lộ 13 khoảng 1 km. Trường nữ lúc đầu là trường dành cho những học
sinh di cư từ miền Bắc vào sau 1954. Do trường ở vị trí không thuận tiện nên
số học sinh nầy không thích và không tiếp tục theo học. Khi trường bỏ trống
thì Bộ Giáo Dục mới bàn giao lại cho trường Trịnh Hoài Đức và thành trường
nữ. Đó là lý do tại sao trường nữ lại quá xa trường nam và ở một nơi không
thuận tiện cho lắm trong việc đi lại của học sinh và giáo sư.
Hiệu trưởng đầu tiên của trường Trịnh Hoài Đức là thầy Nguyễn
văn Trương, sau đó là thầy Trương văn Di... Thầy cô nhiều người biết là
quý thầy Nguyễn trí Lục, Lê tấn Lộc, Nguyễn văn Phúc, Nguyễn vũ Hải, Phạm
ngọc Em, Trần thị Hương, Nguyễn bé Tám …
Học sinh khoá đầu tiên của trường được tuyển vào từ niên khoá
1955-56. Đến năm 1975 trường tuyển được gần 20 khoá. Thập niên 1970, những
học sinh các khoá đầu tiên đã thành tài và trở thành những thẩm phán, chuyên
viên kinh tế, thanh tra, bác sĩ, dược sĩ … Nhiều người trở về trường để
giảng dạy. GS Nguyễn văn Phúc (CHS khoá 1) là hiệu trưởng của trường niên
khoá 1972-73, sau một năm, thầy được thăng chức lên làm Giám Đốc Sở Học Chánh
Bình Dương. Vài CHS khác được đi du học và học cao lên thành Tiến Sĩ như
các anh Ngô Trọng Hải, Nguyễn Ngọc Cẩn… Một học sinh ít nổi tiếng trong trường
nhưng sau nầy đã anh dũng hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa nên có nhiều
người biết là hải quân thiếu tá Nguỵ văn Thà.
Sau năm 1975, trường chỉ hoạt động có một niên khoá, sau đó thì
giải thể. Học sinh chuyển về Trường Cấp 3 Thị Xã (Thánh Giuse cũ) và Cấp
3 Lái Thiêu (Trường Câm Điếc cũ). Đến năm 1990, trường được tái thành lập
với tên Trịnh Hoài Đức cho tới ngày nay.
Trường An Mỹ:
Trường được thành lập năm 1958 nhưng phải mượn tạm cơ sở của trường
tiểu học An Mỹ. Hiệu trưởng đầu tiên là Luật Sư Trần văn Trai (nên dân
địa phương gọi là trường nầy là Trường Ông Trai). Sau đó ba tháng, học
sinh chuyển vào học ở trường mới được xây dựng tại Bàu Ông Đặng, xã An Mỹ
với một dãy nhà có 7 phòng (1 làm văn phòng và 6 phòng học).
Năm 1959 trường trở thành chi nhánh của trường Trịnh Hoài Đức
và do thầy Trương văn Di làm hiệu trưởng (1959-1962) và sau đó thì tách
riêng.
Năm học 1966-1967: trường có đủ 7 cấp lớp từ đệ thất tới đệ nhất.
Lúc nầy hiệu trưởng là thầy Bùi ngọc Ấn. Học sinh An Mỹ gồm 2/3 từ thị
xã Phú Cường vào học và 1/3 là người địa phương lân cận như Phú Lợi, Phú
Hữu, Phú Chánh, An Mỹ, Tân Uyên, Bình Chuẩn…
Năm 1968: trường bị hư hại nặng do chiến cuộc Mậu Thân. Học sinh
phải dời ra học ở trường tiểu học quận lỵ Châu Thành, trường Garden (Phú
Thọ) …
Nhờ sự vận động của Luật Sư Trần văn Trai, trường An Mỹ được xây
lại và niên học 1970-71, học sinh đã trở lại học ở ngôi trường mới nhưng
cũng ở cùng địa điểm.
Sau năm 1975, trường An Mỹ trở thành Cao Đẳng Sư Phạm một thời
gian. Đến năm 1993 trở thành trường cấp 2 An Mỹ. Ngày nay nơi đây là trường
trung học phổ thông An Mỹ (cấp 3).
Bên cạnh trường Trịnh Hoài Đức và An Mỹ, trong tỉnh còn có các
trường Bán Công (Châu Thành, Lái Thiêu..) và các trung học ở các quận Phú
Giáo, Dầu Tiếng, Tân Uyên… nhưng chỉ dạy đệ nhứt cấp. Học hết đệ tứ, học sinh
muốn lên đệ nhị cấp phải xuống Trịnh Hoài Đức hay An Mỹ. Trường Trịnh Hoài
Đức còn tiếp nhận học sinh từ Củ Chi, Bình Mỹ qua học.
Thập niên 1970 ở Bình Dương mở thêm hai trường trung học mới là:
Trường Nguyễn Văn Thành: cơ sở nằm ở khu vực Gò Đậu.
Trường Phan Văn Hùm: là tiền thân của trường Nguyễn Trãi (Lái
Thiêu) sau nầy.
Hai trường trên đây mới tuyển học sinh vào đệ thất vài năm thì
biến cố 1975 xảy ra nên chưa có thành tích đáng kể.
Bên cạnh những trường công, hệ thống trường tư ở Bình Dương cũng
đóng góp rất nhiều vào việc đào tạo kiến thức cho học sinh tỉnh nhà.
Trường Trí Đức:
Trường do thầy Lê Văn Ngữ thành lập trong khuôn viên tư gia của
thầy ở đường Bạch Đằng (nối dài) gần Miễu Tử Trận. Trường có 4 phòng học
nằm rải rác trong khu vườn xanh mát. Trước năm 1960, trường Trí Đức dạy
từ tiểu học đến lớp đệ nhị. Sau khi thầy Ngữ mất thì chỉ còn dạy tiểu học.
Học sinh trung học của trường được chuyển ra học ở trường Nghĩa Phương.
Trường Trí Đức là nơi học tập của học sinh Bình Dương ở Khu Miễu Tử Trận,
Mỹ Hảo và các nơi khác. CHS Nguyễn văn Đây nhớ về ngôi trường nầy như sau:
“Tôi được biết trường Trí Đức mở cửa vào những năm đầu 1950. Lúc
đó trường chỉ mở cấp tiểu học, cô Cho đã dạy ở đây một thời
gian. Giữa năm 1954 trường treo bảng chính thức là Trung Học Tư Thục
Trí Đức do đó ba tôi đưa tôi đến đây ghi tên học lớp Đệ Thất. Lớp
học nầy có khoảng 50-60 học sinh. Có một số học sinh từ Búng,
Bình Nhâm lên học vì lúc đó ở Búng chưa có trường Trịnh Hoài
Đức. Năm 1955 trường mở nội trú đầu tiên ở thị xã thu nhận một
số học sinh từ An Lộc xuống ở đây để ăn học. Trước trường có cây
mai và cây sứ màu tím đỏ, bên hông trường có cây vú sữa to cao tàng
lá sum sê. Dù là trường tư thục nhưng thầy Lê Văn Ngữ rất nhân ái
đã cấp học bổng cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Hôm
nay viết những dòng nầy là dịp để tôi tưởng nhớ đến các thầy
và bạn cùng trường năm xưa”. Một CHS khác là Tất Từ Lợi viết: “Trường
Trí Đức là nơi tôi đã học lớp năm (lớp 1 bây giờ) ở đây vào năm 1962.
Tôi không biết thầy Ngữ, chỉ nhớ thầy Sáu và thầy Vinh. Giờ không
biết quý thầy ở đâu nữa...”
Trường Nguyễn Trãi:
Trường do thầy Nguyễn văn Pháp thành lập ở kế bên tư
gia của thầy trong một con hẻm của con đường Hùng Vương (đối diện sơn mài
Trần Hà). Thầy Pháp mất đi, con trai của thầy là Nguyễn Tiên
Sanh nối nghiệp.. Trường gồm một dãy lầu (6 phòng) và một dãy
trệt (2 phòng). Trước khi có trường Trịnh Hoài Đức, đây là nơi học sinh tỉnh
nhà theo học khá đông (nếu không phải họ phải về Sài Gòn mới có trung học
đệ nhị cấp). Một vị thầy ở Nguyễn Trãi được nhiều học sinh nhớ đến là thầy
Lắc (dạy Toán – thân phụ của CHS Lê Tâm – K11). Ngoài ra, còn có thầy Nguyễn
Ngọc Châu (thân phụ của CHS Nguyễn Ngọc Nhơn – K3) . Thêm vào đó, trường
còn mời nhiều giáo sư nổi tiếng từ Sài Gòn lên giảng dạy như GS Thanh Tâm
Tuyền, Phạm Duy Nhượng (anh của nhạc sĩ Phạm Duy), Lê Thương (nhạc sĩ, dạy
Sử Địa), GS Ngọc Dũng (hoạ sĩ, dạy Vẽ) … Những năm 1970, trường Nguyễn Trãi
là nơi học hè rất tốt của chúng tôi do quý thầy Phạm Ngọc Em (Lý Hoá), Võ
Kim Lân (Pháp Văn) , Phạm Minh Châu (Toán) tổ chức.
Trường Nghĩa Phương:
Trường rất đẹp do kiến trúc sư Lê Bích thiết kế và xây cất tại
góc đường Lý thường Kiệt và Võ Tánh (trước đó trường
có tên là Lý Thường Kiệt). Ông cũng là hiệu trưởng của trường. Trường gồm
một dãy lầu với khoảng 6-8 phòng học và một văn phòng. Học sinh của trường
tiếp nhận từ trường Trí Đức chuyển qua, và sau đó là những học sinh không
được tuyển vào trường công. Một trong những giáo sư của trường có nhiều người
biết là tiến sĩ Trần Đại Trung, người có thời làm cố vấn cho tổng thống
Nguyễn văn Thiệu. Nhiều giáo sư Trịnh Hoài Đức cũng về dạy tại đây như:
giáo sư Phạm Đức Liên, Đoàn Phế, Nguyễn Trọng Nhượng … Niên khoá 1972-73,
trường có những lớp 12 đầu tiên. Riêng giáo sư Lê Bích là người có công xây
trường và giảng dạy (môn Pháp Văn) từ Trí Đức ra tới Nghĩa Phương nhưng vì
không phải là người Bình Dương nên ít người biết (trừ những học sinh của thầy).
Sân trường Nghĩa Phương khoảng năm 1965 (hình của GS Phạm Đức Liên)
Trường Bồ Đề:
Trường nằm ở phía sau chùa Cô Hồn (chùa Thiện Đức). Trường gồm
một dãy lầu và hai dãy trệt. Số phòng học khoảng 10 phòng. Trường do giáo
hội Phật Giáo xây cất. Mỗi tuần ngoài giờ học phổ thông còn có một giờ dạy
về Phật Giáo. Hiệu trưởng đầu tiên là thầy Đào Đăng Vỹ (người soạn cuốn tự
điển Pháp - Việt) - nhưng thầy Huấn là người thường xuyên có mặt
lo lắng về học vụ - sau đó là thầy La … .Ngoài các giáo sư riêng
của trường như thầy Võ văn Long (Pháp Văn), Phạm Đình Lân (Sử Địa), Nguyễn
Kim Long (Toán, Lý Hoá), nhiều thầy cô của trường Trịnh Hoài Đức cũng được
mời dạy thỉnh giảng ở trường Bồ Đề như thầy Phạm Ngọc Em, Bùi Thế San … Hai
nhà thơ Phạm Công Thiện và Nguyễn Đức Sơn cũng từng là giáo sư giảng dạy
ở đây. Người có công nhiều trong việc giáo dục ở trường Bồ Đề là GS Nguyễn
Kim Long (làm Tổng Giám Thị). Một người rất tận tâm trong việc giáo dục ở
đây là bác Sáu Từ Văn Xẩn (giám thị).
Trường Văn An:
Trường do thầy Nguyễn văn An thành lập. Trường nằm ở gần Ngã Sáu
(trước chùa Bà). Trường có 5 phòng học, dạy tiểu học và trung học đệ nhứt
cấp. Thập niên 1970, trường chia làm hai: trường Văn An dạy tiểu học và trường
Đăng Khoa dạy trung học. Hai người con của thầy Nguyễn Văn An có nhiều người
biết là nhạc sĩ Nam Phong (tên thật là Nguyễn Trường Xuân) và thầy Nguyễn
Trung Thu. Một học sinh của trường sau nầy trở thành một người nổi tiếng.
Đó là ca sĩ Mai Lệ Huyền.
Trường Thánh Giuse:
Nằm sau nhà thờ Phú Cường, trường Thánh Giuse được xây cất cuối
thập niên 1960. Kiến trúc của trường rất to lớn và có nhiều lớp học. Đây
có thể là ngôi trường lớn nhứt Bình Dương lúc đó. Trường do giáo hội Công
Giáo quản trị. Trong khuôn viên của trường có một phòng tập võ Nhu Đạo
do võ sư Lê Thanh Vĩnh giảng dạy. “Lò” Nhu Đạo nầy đã đào tạo được một môn
sinh làm rạng danh cho Nhu Đạo Bình Dương và chiếm nhiều huy chương vàng
trong các cuộc thi đua thể thao vùng 3. Đó là CHS Trần Thiện Thắng (Trần
Hà). Trường Thánh Giuse cũng là trụ sở của Hướng Đạo Công Giáo. Sau 1975,
trường Thánh Giuse trở thành trường Sư Phạm, đào tạo giáo viên cấp tốc cho
Sở Giáo Dục. Sau đó trường lại chuyển thành trường Cấp 3 Thị Xã, rồi lại
đổi tên là trường cấp 3 Nguyễn Đình Chiểu trước khi được hoàn trả lại cho
giáo hội công giáo.
Trường Tiểu Chủng Viện:
Trường toạ lạc tại khu đất ở sau Thành Quan. Trường dành cho những
nam sinh học để tu thành tu sĩ công giáo bắt đầu tuyển học sinh vào những
năm 1970. Do mới thành lập nên chưa có học sinh tốt nghiệp. Sau 1975 thì
nơi đây bị lấy làm Trường Đảng.
Trường Tư Thục Thống Nhứt Lái Thiêu: chỉ có khoảng 5 hay 6 lớp.
Tài liệu tham khảo:
1. Website của trường An Mỹ: http://violet.vn/thpt-anmy-binhduong/entry/show/entry_id/4061120/cat_id/3046649
2. Kỷ yếu Giáo xứ Lái Thiêu, Giáo phận Phú Cường, 2012
3. Trang nhà ĐH Sư Phạm TPHCM: http://hcmup.edu.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=5709%3Atrung-tam-giao-dc-tr-khuyt-tt-thun-an&catid=2535%3Acac-n-v-trc-thuc&Itemid=4357&site=144
4. Bài viết có sự đóng góp bổ túc của các bạn Hồ thị Kim Ngân,
Lưu Thanh Bình và Huỳnh Hoàng Anh (2013). Xin cám ơn các bạn.
(còn tiếp)
* Sau 1975:
- Nghĩa Phương và Nguyễn Trãi là trường Phú Cường 4 ( Nghĩa Phương
là cơ sở 1 gồm lớp 6, 7, 8, 9- Nguyễn Trãi là cơ sở 2 có lớp 1 tới 5 )
- Nam Châu Thành: Phú Cường 2, có các lớp từ 1-9
- Nữ Châu Thành: Trường mẫu giáo Măng Non
- Trường Bồ Đề: Phú Cường 1,có các lớp từ 1-9
* Từ 9/1982: Thực hiện tách cấp 1 và 2 riêng.
- Trường Nam Châu Thành: Phú Cường 2, có các lớp từ 1-5( cấp 1)
- Nghĩa Phương và Bồ Đề: Phú Cường 1 , lớp 6 đến 9 ( cấp 2)
- Nguyễn Trãi: Phú Cường 4 , có các lớp từ 1-5( cấp 1)
* Sau một thời gian lại tách Nghĩa Phương thành trường Phú Cường
5, sau này lại đổi thành trường tiểu học Nguyễn Trãi, trường Bồ Đề thành
trường trung học cơ sở Phú Cường, Nam Châu Thành = Tiểu học Nguyễn Du, Nguyễn
Trãi thành trường mẫu giáo...
Nhớ Những Mái Trường
- (tt)
Từ Minh Tâm
Đặc san xuân Trịnh Hoài Đức năm Bính Thân 2016 đã trình bày về các trường
phổ thông ở Bình Dương. Năm nay xin tiếp tục nói về các trường dạy nghề
và trường của người Hoa.
Các trường dạy nghề:
Trường Mỹ Thuật:
Đây là một ngôi trường có lịch sử lâu dài. Trường do người Pháp thành lập
năm 1901với tên gọi là École d’Art Indigène de Thudaumot (Trường Mỹ Nghệ
Bản Xứ Thủ Dầu Một ). Đến năm 1932 trường đổi tên là École d’Art Appliqué
de Thudaumot (Trường Mỹ Nghệ Thực Hành Thủ Dầu Một). Dân gian thường gọi
đây là trường Bá Nghệ, tuy nhiên lúc đầu trường chỉ đào tạo 4 ngành chính
là:
Làm mộc, đóng bàn ghế.
Sơn mài.
Điêu khắc.
Vẽ kiểu mộc và trang trí.
Năm 1964, trường được viện trợ của Mỹ giúp thêm nhiều máy móc và đổi tên
là Trường Kỹ Thuật Bình Dương với một số ngành nghề mới như kỹ nghệ sắt,
điện kỹ nghệ … (Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng trường đổi tên là Kỹ Thuật
thật ra cũng không đúng lắm vì dạy Mỹ Thuật nhiều hơn và số lớp học về Kỹ
Thuật còn ít và chưa đáp ứng đúng nhu cầu của một trường Kỹ Thuật).
Từ khi thành lập trường Mỹ Thuật đào tạo không nhiều nghệ nhân nhưng họ
đã đem lại tiếng tốt cho tỉnh nhà. Học sinh tốt nghiệp từ trường đã mở nhiều
cơ sở kinh doanh thủ công mỹ nghệ với những sản phẩm lừng danh khắp nơi
như các hãng sơn mài: Thanh Lễ (Trương văn Thanh, Nguyễn thành Lễ), Trần
Hà, Lại Lô (Đặng Thành Nghị), Văn Thoạt, Sông Gianh, Phát Anh, Cảnh An… Nhiều
điêu khắc gia, hoạ sĩ tốt nghiệp từ trường đã trở nên nổi tiếng như: Nguyễn
Văn Yến, Nguyễn Văn Thạnh, Lê Thành Nhơn, Hồ Hữu Thủ, La Toàn Vinh…
Ngày nay, trường có tên là Trường Trung Cấp Mỹ Thuật Bình Dương đào tạo
hệ trung học cơ sở (4 năm) và trung học phổ thông (2 năm) với các ngành:
Đồ hoạ công thương nghiệp.
Sơn mài trang trí.
Điêu khắc trang trí.
Thiết kế đồ gỗ và Trang trí nội thất.
Thiết kế thời trang.
Một số thầy của Trường Kỹ Thuật Bình Dương trước 1975
(ảnh của Tài Nguyễn)
Trường Nông Lâm Bến Cát:
Bên cạnh Trường Giáo Dục Thiếu Niên Ông Yệm, năm 1897, ở Bến Cát còn có
Trung Tâm Thử Nghiệm Canh Nông Ông Yệm. Đây là nơi trồng thử các loại cây
mà người Pháp dự định sẽ trồng ở Nam Kỳ như cà phê, ca cao, cao su … Năm 1917,
Pháp mở trường Nông Lâm Bến Cát với mục đích đào tạo nhân viên trung cấp
về nông lâm nghiệp để trở thành đốc công, giám thị cho các đồn điền tại các
địa phương lân cận. Chương trình học sẽ là 2 năm. Năm 1918, tuyển lớp đầu
tiên với 28 học viên và có 16 học viên tốt nghiệp. Do chiến tranh, sau nầy
trường nầy không còn hoạt động.
Trường Nông Lâm Súc:
Tiền thân của trường Nông Lâm Súc chính là trường Cộng Đồng. Học sinh trường
Cộng Đồng Búng sau khi hết tiểu học được tiếp tục học lên trung học tại
trường. Đến năm 1964 thì trường Nông Lâm Súc được chánh thức thành lập.
Vị hiệu trưởng đầu tiên của trường là thầy Trần Hồng Đức sau đó là Kỹ Sư
Huỳnh Kim Ngọc. Lúc đó, cơ sở của trường được xây cất thêm một dãy lầu ở
phía sau trường Cộng Đồng nhưng phương tiện chuyên môn hay các nhà trại về
các ngành nông, lâm, súc đều rất thiếu thốn. Tuy nhiên thầy cô và học trò
của trường lại rất thân mật và tìm biện pháp thích ứng bằng cách nhờ các
gia đình có đất đai ở địa phương để làm chỗ thí nghiệm trồng trọt, chăn nuôi...
Học sinh Nông Lâm Súc dù nam hay nữ đều mặc đồng phục với chiếc áo sơ mi
màu nâu để đi học. Để khuyến khích, về hoãn dịch, học sinh Nông Lâm Súc được
thêm một tuổi so với học sinh phổ thông. Năm 1974, trường nầy được nâng lên
bậc Cao Đẳng Nông Lâm Súc và bắt đầu dạy năm thứ nhất bậc Cao Đẳng. Do mới
thành lập nên trường Nông Lâm Súc chưa có nhiều học sinh tốt nghiệp hay thành
tài. Trường có hai học sinh tương đối có nhiều người biết ở Bình Dương là
Trương Công Chánh (sau là hiệu phó trường chuyên Hùng Vương) và Lâm Minh
Châu “Đen” (vì lai) Anh nầy chơi thể thao rất giỏi (đã đi Pháp sau năm 1975).
Tuy gần nhau nhưng học sinh hai trường Nông Lâm Súc và Trịnh Hoài Đức hầu
như không liên hệ với nhau nhiều, thậm chí có thể nói là không thích nhau,
có thể vì mỗi lần tranh giải đá banh học sinh thì Nông Lâm Súc hay thắng.
Sau 1975, trường Nông Lâm Súc bị đổi tên nhiều lần. Hiện nay là Trường
Trung Cấp Nông Lâm Bình Dương. Có lúc cơ sở của trường lại là Đại Học Thủy
Lợi.
Cổng trường Nông Lâm Súc
Ngoài trường Nông Lâm Súc ở Búng, thập niên 1970, kế bên trường An Mỹ có
phát triển thêm một trường Nông Lâm Súc nữa, trường chỉ mới đang trong giai
đoạn khởi đầu mà thôi nên chưa có thành tích gì nổi bật.
Các trường của người Hoa:
Trước 1975, người Hoa ở Bình Dương có dân số khoảng 20,000 người sinh sống
ở Thủ Dầu Một, Tân Khánh, Lái Thiêu. Để phục vụ cho việc giảng dạy tiếng
Hoa cho cộng đồng của họ, các bang hội đã xây dựng các trường tiểu và trung
học như sau:
Trường Trung Dung:
Trước khi có trường nầy người Hoa có một ngôi trường khác trên đường Nguyễn
Tri Phương nhưng bị người Pháp chiếm làm trại lính nên trường Trung Dung
có thể coi như là một trong ngôi trường đầu tiên của người Hoa ở Bình Dương.
Trường do bang Hẹ xây dựng khoảng những năm 1920 và được ông Quảng Xương
giúp xây rộng thêm. Trường có 4-5 phòng học nằm trên đường Hai Bà Trưng,
gần trường Nghĩa Phương. Sân trường tráng xi măng làm thành sân bóng rổ.
Sau năm 1975, trường chuyển thành trường Mẫu Giáo Hoa Lan.
Trường Nghĩa An:
Do bang Triều Châu xây năm 1955 và được trùng tu nâng cấp năm 1965. Trường
nằm trên đường Võ Tánh (Văn Công Khai). Cơ sở của trường là một toà nhà
to lớn với nhiều lớp học và một sân bóng rổ. Hiệu trưởng của trường Nghĩa
An là ông Thái Kiến Sanh. Sau 1975, trường chuyển thành trường Mẫu Giáo
Sơn Ca.
Trường Việt Trí:
Nằm trên đường Nguyễn Tri Phương đối diện hãng mực Song Long. Trường được
bang Quảng Đông xây dựng năm 1942 và có tên là trường Quảng Triệu. Đến năm
1972, trường được xây lớn thêm và đổi tên là Việt Trí. Lúc đó, ngoài chương
trình phổ thông của Bộ Giáo Dục, trường còn dạy thêm tiếng Hoa bậc sơ, trung
cấp do các giáo viên trong tỉnh và từ Sài Gòn lên dạy. Sau 1975, trường
Việt Trí đổi thành tiểu học Lê văn Tám.
Trường Bình Dân: là một trường nhỏ ở khu Lò Chén.
Trường của người Hoa ở Lái Thiêu:
Xin trích facebook của Hội Người Quảng Đông Lái Thiêu:
Khoảng những năm đầu thập niên 40 thế kỷ 20, ở Lái Thiêu trong mỗi nhóm
phương ngữ đều có trường học riêng: người Quảng Đông có trường Dục Tài (Dục
Tài học hiệu) dạy ngôn ngữ Quảng Đông, người Triều Châu có trường Triều Quang
(Triều Quang học hiệu) và trường Dục Anh (Dục Anh học hiệu) của người Phước
Kiến cùng dạy ngôn ngữ phổ thông Trung Hoa. Đến năm 1969 con em cả 4 bang
đều tập trung học tại trường Dục Anh cho đến năm 1975, các trường Triều
Quang và Dục Tài không còn hoạt động.
Bên trong sân trường Dục Anh có sân bóng rỗ. Đây là nơi sinh hoạt thể thao
của cộng đồng người Hoa ở Lái Thiêu.
Trường cho người khuyết tật:
Trường Câm Điếc Lái Thiêu:
Đây là một trường đặc biệt và hình như cũng là trường duy nhứt ở Miền Nam
trước 1975 để dạy cho học sinh câm điếc. Trường được linh mục chánh xứ họ
đạo Lái Thiêu tên là Azema thành lập năm 1886 sau khi gởi một người điếc
tên là Nguyễn văn Trường sang Pháp để học về phương pháp dùng ký hiệu ngôn
ngữ điệu bộ. Năm 1903, trường được giao cho các nữ tu dòng Thánh Phaolồ tiếp
tục quản lý và giảng dạy cho số học sinh khoảng 250 đến 300 em (nhiều nhất
là 600 em (niên học 1972-73). Các em được ở nội trú và học tập về cách giao
tiếp để có thể hội nhập với xã hội. Trường còn dạy thêm các nghề thủ công
như thêu, may, vẽ, lọng, mộc để các em có thể kiếm việc làm khi trưởng thành.
Ngày nay, trường đổi tên là Trung Tâm Giáo Dục Trẻ Khuyết Tật Thuận An do
trường Đại Học Sư Phạm TPHCM quản lý.
Trên đây là một số hiểu biết ban đầu của người viết khi tìm hiểu về các
trường học ở tỉnh nhà, đặc biệt là khu vực xung quanh thị xã Phú Cường và
quận Lái Thiêu. Bài viết chắc chắn có nhiều thiếu sót, mong bạn đọc bổ túc
thêm để giúp thế hệ mai sau biết ít nhiều về giáo dục ở Bình Dương trước
1975.
Tham khảo:
1. Website trường Trung Cấp Mỹ Thuật Bình Dương: http://violet.vn/thpt-trungcapmythuat-binhduong/entry/show/entry_id/6125792
2. Người Hoa ở Bình Dương – Hội Khoa Học Lịch Sử tỉnh Bình Dương -TS
Huỳnh Ngọc Đáng chủ biên – năm 2010.
3. Kỷ yếu Giáo xứ Lái Thiêu, Giáo phận Phú Cường, 2012
4. Trang nhà ĐH Sư Phạm TPHCM: http://hcmup.edu.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=5709%3Atrung-tam-giao-dc-tr-khuyt-tt-thun-an&catid=2535%3Acac-n-v-trc-thuc&Itemid=4357&site=144
5. Dấu xưa Đất Thủ - Nguyễn Hiếu Học – Nhà xuất bản Trẻ và Hội Văn Học
Nghệ Thuật Tỉnh Bình Dương xuất bản năm 2009.
6. Facebook: Hội Người Quảng Đông ở Lái Thiêu .
7. Bài viết có sự đóng góp bổ túc của các bạn Hồ thị Kim Ngân, Lưu Thanh
Bình và Huỳnh Hoàng Anh (2013).