Cầu
Ông Bố
Lưu Thanh Bình
Cầu
Ông Bố xưa (ảnh Bình Dương xưa và nay FB)
Không biết
từ bao giờ, nếu dùng tên người mà đặt cho cầu thì người ta lại thường lấy
tên “Bà” chứ ít khi lấy tên “Ông”. Không hiểu tại sao ? Hay tại phái nữ
tượng trưng cho phồn thực, viên mãn chăng? Như cầu Bà Hồng, cầu Bà Năm ở
Nhị Bình, cầu Bà Hai ở Búng, cầu Bà Hên ở trên Thủ, cầu Bà Bếp bên Bình
Mỹ, cầu Bà Tàng ở … quận 8. May mà phe ta cũng còn được lưu danh đôi chỗ,
theo tôi biết ít nhất là vài cầu, như cầu Ông Đành (Bình Dương), cầu Ông
Thìn (đi Gò Công) và cầu Ông Bố ở Lái Thiêu quê tôi, mặc dù tôi cũng không
biết Ông Bố là ông nào. Tuổi thơ tôi có nhiều kỷ niệm với chiếc cầu này,
đất đai họ tộc cũng ở đó, mộ phần ba má tôi cũng gần đó, có lúc đi làm ở
Khu công nghiệp Sóng Thần ngày hai lượt đi về qua đó, khi ấy chiếc cầu hãy
còn bắc ván ghép chứ chưa đổ bê tông như sau này. Trong bài “ Lái Thiêu,
nhớ nhớ quên quên” tôi có nhắc sơ qua về chiếc cầu này, chiếc cầu mà tôi
chắc những ai là dân Lái Thiêu ly hương cũng có ít nhiều kỷ niệm với nó.
Cá biệt có cầu Ông Đụng bên Thạnh Lộc, “Ông” không phải người mà là gọi tránh
con sấu, con cọp. “Ông Đụng” có nghĩa là cọp, sấu đánh nhau.
Những năm 60,
lúc tôi cắp sách đến trường học vỡ lòng, thì không phải trường tiểu học gần
dinh quận, mà là trường Ấp Trưởng gần cầu Ông Bố. Đến bây giờ đầu đã hai
thứ tóc nhưng tôi vẫn nhớ đến thầy cô khai tâm mở trí cho tôi, thầy Ren lớp
1, cô Quýt lớp 2, cô Điệp lớp 3, thầy Ích lớp 4 và thầy Nghĩa lớp 5. Những
vị ân sư này hầu hết đã ra người thiên cổ nhưng mỗi khi nhắc đến, với tấm
lòng tôn sư trọng đạo, tôi xin cúi đầu tri ân. Khi đó, cầu Ông Bố nằm trên
hương lộ 43 dẫn từ Lái Thiêu đi Thủ Đức. Chưa có Ngã Tư cầu Ông Bố, vì Quốc
lộ 13 mới chưa có. Bên cạnh cầu có chiếc cầu sắt nhỏ hơn, là cầu tuyến đường
xe lửa Lộc Ninh - Dĩ An. Sau này dù đường xe lửa đã ngưng hoạt động vì chiến
tranh nhưng chiếc cầu sắt vẫn còn tồn tại một thời gian dài. Còn chiếc cầu
Ông Bố có kiến trúc y hệt cầu Bà Hai, cầu Cây Trâm. Đó là cầu bê tông cốt
thép, có hai khung vòm chạy dọc hai bên, phía ngoài là lối đi riêng cho khách
bộ hành, ngoài có lan can, không phải kiểu cầu Bailey thay thế sau này. Cầu
trông vừa đẹp, vừa bền chắc, lại an toàn. Hiềm nỗi hơi hẹp, chỉ vừa một làn
xe, phù hợp với mật độ xe cộ lưu thông lúc đó. Còn nhớ cuối thập niên 60,
các vị “anh hùng xa lộ” thường khoe bản lãnh để tự khẳng định bằng cách cỡi
Honda 67 chạy trên vòm cầu hoặc nằm ép mình chui qua dưới lườn xe be.
Cầu đã đẹp,
suối chảy dưới cầu còn đẹp hơn. Con suối phát nguyên từ những mạch nước trên
vùng đất cao hội tụ về, lượn lờ qua cánh đồng lúa như dải lụa vắt ngang qua
tấm thảm xanh rì. Biết bao thế hệ trai trẻ đã vui chơi tắm mát dưới dòng
suối này. Ba tôi có lần kể rằng, ông và bác Chín tôi (liệt sỹ chống Pháp)
thuở nhỏ cũng từng tắm táp thỏa thuê ở đấy. Một lần, ông bạn văn Hoàng Anh
của tôi cũng nói rằng đã từng tắm suối cầu Ông Bố. Tôi quên hỏi lại, sao ở
Bình Dương mà lặn lội xuống Lái Thiêu tắm suối làm chi ?
Ba tôi là
tư chức, làm cho hãng thuốc lá MIC (Manufacturing Indochine de Cigarette),
ngày thứ bảy chỉ làm một buổi. Chiều cuối tuần, ông thường chất hết vợ con
lên chiếc traction đen ra Đông Ba đổi gió. Đậu xe tại nhà người quen gần
cầu Ông Bố, ông dẫn anh em tôi ra cánh đồng đã gặt xong để thả diều. Nắng
đã nhạt, gió chiều nổi lên nâng hai cánh diều xanh đỏ vút cao. Ông lại dạy
cách thả thơ: vòng mảnh giấy tròn, giữa soi lỗ theo sợi nhợ chạy lên. Ngắm
nghía chán, chúng tôi bèn cột sợi nhợ vào hòn đá rồi tung tăng chạy trên
cánh đồng như chim sáo sổ lồng, ba chỉ đứng nhìn theo. Giờ dắt cháu nội đi
thả diều, lòng tôi cũng lây cái hào hứng của chúng nó, bất giác nhớ đến
tấm lòng cao cả của ba khi xưa. Thời gian trôi như nước chảy dưới chiếc cầu
kia, rồi sẽ có lúc đám cháu con nhớ đến tôi như vậy. Lại có lúc, ba tập lái
xe đạp cho tôi. Khi rành rẽ rồi thì ba tôi gỡ hai bánh phụ phía sau ra, tôi
bèn đạp một mạch thẳng tới… cầu Ông Bố mà không biết bóp thắng ở đâu. Hoảng
quá tôi buông hai chân thòng xuống, miệng la bài hải. May mà có anh lính
gác cầu chạy theo rị lại, không thì chắc đi Thủ Đức ăn nem quá.
Qua khỏi
cầu Ông Bố độ dăm chục thước, bên phải đường đi Thủ Đức là một triền dốc
đổ xuôi xuống cánh đồng Đông Ba, cuối dốc là Piscine Mạch Chà. Đây là một
hồ tắm độc đáo có một không hai: mạch nước từ trong lòng đất trào tự nhiên
ra ngoài, người ta tận dụng xây thành hồ tắm, nước xanh trong chảy suốt
ngày đêm. Chính tại nơi đây, tôi đã tự học bơi mà không cần thầy dạy. Năm
học lớp 4 với thầy Ích (sau này là Huynh trưởng Hướng Đạo), nhà trường tổ
chức cho học sinh cắm trại ở Mạch Chà, lần đầu tiên tôi nấu cơm dã chiến
ngoài trời. Lửa táp làm chiếc nồi nhôm đen thui, cơm sống lớp trên đổ màu
vàng khè vì gạo góp thập cẩm đủ loại, đít nồi một lớp cơm cháy muốn thành
than luôn. Vậy mà đâu có ế, thậm chí còn cạo “sồn sột” suýt thủng nồi, thật
vui. Bài học thì quên hết ráo, mà sao vui chơi thì nhớ dai quá đỗi, hơn năm
mươi năm còn nhớ! Cả hai lượt đi và về, tất cả học sinh đều lội bộ, đi qua
cầu Ông Bố còn dương oai bằng cách gõ thau, nồi kêu “lẻng xẻng”. Bây giờ
thì Mạch Chà đã bị san bằng, trên đó người ta xây một bệnh viện địa phương
cấp xã, phường. Mỗi lần qua đây, tôi cố liếc nhìn tìm chút dấu xưa, cảnh
cũ nhưng than ôi không còn sót chút gì. Làn sóng dân ngụ cư tràn vào, khu
vực cầu Ông Bố không còn giữ vẻ phong quang như cũ mà đã trở thành khu dân
cư nhà phố liền kề, tấc đất tấc vàng, tìm cho ra hình ảnh một con bò, con
trâu đang đứng gặm cỏ hơi bị khó.
Khoảng
năm 1969-1970, hãng thầu RMK của Mỹ trúng thầu làm đường QL13 mới, khởi đi
từ Bình Triệu lên Bến Cát, cắt ngang qua hương lộ 43 ở đoạn gần cầu Ông
Bố, chỗ giao cắt ấy nay có tên gọi là Ngã tư cầu Ông Bố, cũng là trạm dừng
chân của các hãng xe đò đường dài, lâu ngày trở thành bến xe dù. Đi xe buýt
Bình Dương-Sài Gòn, muốn ghé Lái Thiêu chỉ cần nói xuống trạm cầu Ông Bố
là lơ xe biết liền.
Năm 1963,
chiến tranh lan rộng, khu vực cầu Ông Bố trở thành vùng xôi đậu, một phần
do vị trí “đắc địa” của nó: phía Bắc là Rừng Cò Mi rậm rạp, phía Đông là
Dĩ An thuộc Biên Hòa, phía Nam là Thủ Đức thuộc Gia Định và phía Tây là Lái
Thiêu thuộc Bình Dương. Muốn hành quân tảo thanh phải có sự phối hợp của
ba địa phương. Cái khó của bên này lại trở thành thuận lợi của bên kia. Lần
hồi, hương lộ 43 mất an ninh luôn. Điện lưới quốc gia kéo từ nhà đèn Thủ Đức
về Lái Thiêu dọc theo hương lộ 43 chập chờn khi có khi không. Năm Mậu Thân
68, một đơn vị bộ đội ém quân ở Phú Hội chờ tổng công kích đợt 2. Quận Lái
Thiêu mở cuộc bố ráp, vô tình xua toàn bộ đại đội địa phương quân rơi vào
ổ phục kích. Thiệt hại cả hai bên đều lớn: quận trưởng, cố vấn Mỹ và gần hết
binh sĩ chết tại trận, bên bộ đội cũng bị thiệt hại nặng vì phi pháo. Khu
vực xảy ra chiến sự bị bỏ hoang vắng một thời gian dài, dân chúng di tản ra
chợ quận Lái Thiêu, một số xuống Thủ Đức hoặc Dĩ An lập nghiệp, xa hơn đến
Nhị Bình, Hóc Môn. Lần hồi, những địa danh như Cống Ba Miệng, Bót Sư Tử,
Đồng An …ít người còn nhớ. Cầu Ông Bố bị hư hại nặng cũng được thay bằng cầu
sắt kiên cố, bề ngang rộng hơn nhưng không đẹp bằng. Sau 1975, cầu sắt được
thay bằng… cầu ván đóng đinh. Mãi đến sau năm 2000, cầu Ông Bố mới được xây
mới như trong hình bên dưới.
Cạnh bên
cầu Ông Bố có một đồi cát thấp, dân gian quen gọi Gò Cát, là một nghĩa trang
công cộng hình thành hơn trăm năm trước, đa phần là mả đá ong. Ngày còn bé,
chúng tôi hay theo ba đi tảo mộ vào ngày 25 tháng chạp. Ông bà cố tôi nằm
nơi đây. Trong lúc ba tôi cắm cúi tô sơn đỏ lên những nét chữ mờ trên bia
hay dẫy cỏ, gom đốt lá khô, thắp hương khấn vái tổ tiên thì anh em chúng tôi
tha thẩn gần đó tìm trái cò ke làm ống thụt, bứt cỏ gà đá chơi. Dây chùm bao,
nhãn lồng, hà thủ ô cũng mọc hoang đầy mặt đất. Bây giờ (2015) nghĩa trang
đã bị giải tỏa để lấy đất xây Bệnh viện Quốc tế Miền Đông thật hoành tráng
và siêu thị Lotte của Hàn Quốc, Gò Cát chỉ còn trong ký ức mà thôi. Bên cạnh
cầu Ông Bố, trên đường đi Dĩ An còn một nghĩa trang nữa tuy mới mà cũ, đó
là những ngôi mộ cải táng từ Nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi di dời về trong đó
có ngôi mộ của cố tổng thống Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu nhưng bia mộ
chỉ đề là Huynh và Đệ.
Cuối cùng
là ngôi trường tiểu học Đông Ba, tuy nhỏ hơn trường Ấp Trưởng nhưng gần với
cầu Ông Bố hơn. Không hiểu sao tôi thấy ngôi trường này giống hệt như mô tả
trong bài “Trường làng tôi” của nhạc sỹ Phạm Trọng Cầu: cũng hai gian lá
đơn sơ, cũng mảng sân vuông, cũng cây điệp cổ thụ tỏa bóng mát xuống sân trường,
cũng “muôn chim hót vang lên êm đềm”, có lẽ bởi ngôi trường xa thị tứ ồn
ào, khung cảnh đồng quê yên tịnh … Sau này có thêm mấy phòng học mới, mái
tôn Fi-bro xi măng tường gạch dùng làm phân hiệu cho trường Nông Lâm súc
ở Búng. Năm 2010, trường được xây mới, trở thành trường mẫu giáo, học sinh
đa số là con em công nhân ở các khu công nghiệp gần đó. Đẹp hơn nhưng không
có hậu.
Cầu Ông Bố nằm trong khu vực đang trong quá trình đô thị hóa, sự đổi mới diễn ra hàng ngày, những công trình xây dựng lớn mọc lên ngày càng nhiều, người ở đâu về ở cũng đông hơn, tiến bộ đan xen với phức tạp. Những con hẻm nhỏ dẫn vào các khu nhà trọ đều được bê tông hóa, quán xá ven lộ đầy ắp hàng hóa. Tệ nạn xã hội cũng theo về lẽ đương nhiên. Con suối thơ mộng chảy dưới chân cầu nay nước đen thui ngầu bọt do nước thải từ khu công nghiệp Việt Nam – Singapore trên Thuận Giao theo dòng kênh dẫn về, xuôi theo cầu Tân Phú rồi ra sông Chợ trước khi hòa vào sông Cái. Cái giá phải trả cho công nghiệp hóa khá đắt. Cầu Ông Bố chỉ còn cái tên gọi, khung cảnh xưa không còn./.