Viết thêm về trường Nam Châu Thành

Nguyễn văn Đây
Nguyễn Phùng Quốc Thạnh
 

     Lời giới thiệu: “Trường Nam Châu Thành và những năm tiểu học” là bài viết của CHS Từ Minh Tâm đăng trong Đặc san Trịnh Hoài Đức xuân Quý Tỵ 2013. Sau đó, tác giả có liên lạc một đàn anh là anh Nguyễn văn Đây, người đã từng học ở trường Nam Châu Thành  thập niên 1950 để nhờ bổ túc thêm. Ngoài ra, mới đây, anh Nguyễn Phùng Quốc Thạnh đã đăng tải  trên facebook của mình hai hình ảnh rất quý về quý thầy cô của trường Nam Châu Thành trong thập niên 1960. Bài viết nầy là tổng hợp thư của anh Nguyễn văn Đây và hình ảnh của bạn Nguyễn Phùng Quốc Thạnh về trường Nam Châu Thành để bổ túc thêm bài viết của Từ Minh Tâm trong Đặc San Trịnh Hoài Đức năm Quý Tỵ. Xin chân thành cám ơn hai anh Nguyễn văn Đây và Nguyễn Phùng Quốc Thạnh về phần đóng góp dưới đây.

1.    Trường Nam Châu Thành thập niên 1950 (thư của anh Nguyễn văn Đây gởi Từ Minh Tâm):

Chú Tâm mến.       
Bài viết về trường Nam Châu Thành của chú anh thấy cũng đầy đủ những nét đại cương. Theo ý của chú muốn anh bổ sung thêm. Anh không nhớ nhiều chi tiết và viết văn không mạch lạc nên nhớ gì viết nấy coi như anh kể chuyện với chú để tuỳ nghi sử dụng nếu cần.
 Từ niên học 1948 đến cuối niên học 1954, anh theo học tại trường Nam Châu Thành tỉnh Thủ Dầu Một bắt đầu lớp năm với thầy Vinh, lớp tư với thầy Thốt, lớp ba với thầy Nguyễn Văn Rạng, lớp nhì với thầy Nghĩa, lớp nhứt với thầy Vô. Kỳ thi Tiểu học 1953, vì bệnh không dự thi nên học lại lớp Nhứt với thầy Nguyễn Văn Lưỡng. Ngoài ra tại trường còn có thầy Pháp, thầy Nguyễn Văn Cho, thầy Mùi, thầy Ngọc và vài thầy không nhớ tên mới đổi vể để thay các thầy đến tuổi về hưu.  
 Năm 1948, thầy Phẩm quản lý trường gọi là Đốc Học nhưng thường gọi là Ông Đốc khi tiếp xúc với thầy. Bên ngoài khi đề cập đến thầy thì gọi thêm tên vào: Ông Đốc Phẩm. Ở thời điểm nầy danh từ hiệu trưởng chưa được thông dụng.
 Khoảng năm 1952, thầy Nguyễn Văn An (Ông Đốc An) thay Ông Đốc Phẩm về hưu.
     Khoảng năm 1951- 52, thầy Xường về làm Thanh Tra. Thỉnh thoảng thầy đến trường và xuống lớp dạy 1, 2 tiếng để kiểm soát trình độ học của học sinh.
 Qua thời gian học tập, anh có nhận xét trường Nam Châu Thành dường như có hai cấp:
          - Cấp Sơ Học gồm các lớp Năm, Tư và Ba.  Khi anh học hết lớp Ba thì thi lấy bằng Sơ Học. Có một số học sinh khi đậu bằng nầy thì nghỉ học do hoàn cảnh gia đình khó khăn.
          - Cấp Tiểu Học gồm lớp Nhì 1, Nhì 2 và lớp Nhứt và cuối năm thi bằng Tiểu Học.
           Khoảng năm 1952 - 53, trường Nam có một số thay đổi như:
        + Tên lớp học từ tiếng Pháp đổi ra tiếng Việt.
             + Kỳ thi bằng cấp Sơ Học được bãi bỏ.
            + Bỏ lớp Nhì 2 lại thêm lớp Tiếp Liên sau lớp Nhứt dành cho học sinh đậu bằng Tiểu Học không có khả năng thi vào trường trung học công lập ở Sài Gòn hay trường tư vì tại thị xã Thủ Dầu Một lúc đó chưa có trường công cấp trung học.
Chương trình học gồm Toán, Sử, Địa, Văn, Vẽ, Thủ Công, Làm Vườn.
Môn Pháp Văn từ lớp Ba đến lớp Nhứt  không còn giảng dạy nữa.
Để thực hành việc làm vườn, Ông Đốc An lấy miếng đất trống sau nhà ông (sau nầy là Trường Trung Học Tư Thục Văn An) để trường Nam làm 'Vườn Nhà Trường'. Mỗi lớp được chia một liếp đất để trồng tỉa.
Khi anh học lớp Nhứt được học thêm Hán Văn do trường tổ chức. Mỗi tuần 2 giờ vào sáng Chủ Nhựt. Môn nầy không có trong chương trình chính thức nên không bắt buộc phải học.
Môn văn lấy từ các bài trong cuốn "Quốc Văn Giáo Khoa Thư".
Lớp Năm, lớp Tư học Luân Lý qua những câu ca dao, tục ngữ. Lớp ba trở lên học Công Dân Giáo Dục.
Thời gian học, mỗi ngày hai buổi nhưng chiều thứ năm và chiều thứ bảy được  nghỉ. Giờ học, buổi sáng từ 8.00 giờ đến 11:00 giờ. Buổi chiều từ 2:30 giờ đến 4:30 giờ. Mỗi buổi nghỉ giải lao 15 phút.
Trước giờ học và thời gian giải lao, học sinh thường chơi bắn đạn, thảy lỗ, bún hình (những tấm hình nhỏ in hình Tarzan hay Zoro), rượt bắt... Có những học sinh ở lại trong lớp hay chơi gạch ca-rô.
Về kỷ luật:
 Trong lớp bọn anh cũng hay nói chuyện gây ồn ào , thầy gõ thước trên bàn vài lần không im lặng, bất chợt thầy chộp trò nào thì phạt khẻ 5 thước trên bàn tay hay quì gối hoặc chép bài phạt. Khi anh học lớp Tư có một người khách vào lớp nói chuyện với thầy Thốt, anh và một số bạn đứng lên chào còn một số lớn ngồi im. Khi khách ra về thầy không nói gì bắt tất cả quì gối và đánh mỗi trò một thước  kẻ vào mông. Sau cùng thầy giải thích bọn anh không đứng lên chào khách mà thầy đã dạy trước đây. Oan cho anh quá!. Một kỷ niệm anh nhớ suốt đời.
Mặc dầu được thầy nhắc nhở nhiều lần một số học sinh đến trường không chịu vào cổng mà tụ tập ở khu vực bên ngoài trường gần tiệm sách Phát Anh mua đồ chơi, rút thăm trúng thưởng, ăn quà (trong lúc bên trong trường cũng có bán). Ông Đốc An đã ra lệnh khi đánh trống nhập học thì cổng trường khoá lại. Học sinh nào vô trễ sau đó sẽ bị đưa vào phòng Ông Đốc bị phạt quì gối và thêm mấy roi. Anh bị phạt một lần vì ham tắm piscine nên vô trễ.
Mỗi lớp học có khoảng 40-50 học sinh.
      Mỗi năm, chấm dứt niên học trường tổ chức phát thưởng cho học sinh giỏi có phần văn nghệ do học sinh trường Nam và Nữ phối hợp trình diễn.
      Ngoài ra, trường Nam còn tổ chức kỳ thi Tiểu Học cho toàn tỉnh. Thí sinh các nơi xa như: Hớn Quản (sau nầy tách ra thành tỉnh Bình Long), Bến Cát, Dầu Tiếng, Lái Thiêu, Búng... phải tập trung về trường Nam để thi. Thầy cô các trường xa cũng về trường để coi (gác) thi.
      Viết về trường cũ lòng anh lại thấy buồn man mác , nhớ bạn, nhớ thầy của những năm mới bắt đầu đi học. Bây giờ quý thầy và một số bạn đã an nghĩ nơi cõi vĩnh hằng. Nhân dịp nầy trò Đây tưởng nhớ và biết ơn quý Thầy.
       Chỉ nhớ được bấy nhiêu anh dừng nhé.
 Chào chú.


          2. Hình ảnh thầy cô Trường Nam Châu Thành (thập niên 1960) do bạn Nguyễn Phùng Quốc Thạnh đăng trên facebook của mình.