Thôi Những Giấc Mơ
Thuý Đinh
(Gửi Tím k20 NCT, người không có Tết từ ngày mẹ mất)
Mơ
Đã nhiều lần tôi mơ thấy mình sống lại trong căn phố nhỏ ngày ấy.
Tôi vẫn thấy mình ngồi tựa cửa nhìn ra con đường nằm cạnh đường rầy xe
lửa, nơi mỗi ngày đưa bước tôi tới trường. Lúc chuyển đến đó thì tôi
vừa đậu Tú Tài I nên không còn học trường Nữ THĐ nữa, không còn được
khoe với bạn bè khoảng cách từ nhà đến lớp thật gần, gần nhất lớp…
Căn nhà nằm bìa dãy phố mới xây, đối diện có Quyên dịu hiền, có
Nguyệt ngây thơ thân thiện. Một giếng nước cuối góc, một tàng khế đầy
lá xanh trái vàng và những chiều vang vang tiếng cười tiếng nói. Chỉ
hai năm thôi, chừng ấy thời gian mà vẫn còn đọng mãi trong tôi bao
nhiêu là nhung nhớ. Dù bây giờ Quyên hay Nguyệt đều đã xa mịt mù với
từng số phận của mỗi người, sướng khổ của mỗi cuộc đời mà tôi không hề
biết.
Buổi sáng, khi các lớp đàn em tung tăng đi vào thì tôi lại ngược
ra, qua ngang nhà Sáu, nhà Hiếu để lên trường Nam. Lối đi là bờ cỏ ven
quốc lộ, nhiều người lắm xe. Đôi khi áo dài trắng được cỏ may ghim cho
mấy mũi thêu xinh xắn dưới tà. Lâng lâng một niềm vui khó tả lúc tôi
mân mê gỡ từng cánh hoa nhỏ, ví như món quà hiếm hoi mà thiên nhiên
trao tặng vậy.
Ôi những năm tháng không thể nào quên! Sân trường cỏ xanh, hành
lang ngập nắng, lớp học đông vui. Những sớm mai chào cờ gió se se lạnh,
những trưa tan học nắng nóng trên đầu. Những gương mặt A1, A3, B4, B5
nghịch ngợm trêu đùa. Những Ngày-Xưa-Hoàng-Thị, những đón đợi âm thầm,
những chuyến xe đò xe lam chật cứng học trò. Đôi mắt vừa vướng buồn,
đôi tay nào ngại ngần che nón, đôi chân nào ngập ngừng bước dài bước
ngắn. Qua cụm huỳnh đàn vàng hoa bên hàng rào kẽm gai nhìn lên cây soan
tây nở tím cạnh cửa sổ văn phòng. Là đường sỏi cát trắng ngập hố nhảy
xa giờ thể dục để nhìn vào ô kính phòng thí nghiệm mang đầy dấu tích
chiến tranh…
Chiếc bàn ngồi hai đứa, bảng đen, phấn trắng, thầy cô và bọn tôi
đăm chiêu mùa cuối. Lạ với Triết Học, khó với Toán, Lý, Hóa, thích thú
với giờ Vạn Vật, Sử Địa… Nhưng thi cử luôn là nỗi ám ảnh ngày đêm. Thi
cử cứ chực chờ phía trước những gương mặt xanh xao. Bánh xe thời
gian cứ quay đều trên cung quan lộ không nhường đợi ai đâu. Rồi hạ đỏ
cũng làm một cuộc chia tay cho đám học trò lớn nhất trường. Phượng
không còn diễm lệ như hồi còn cô Hạnh nữa phải không A2?. Thôi không
còn ép lá đề thơ nữa. Bảy năm đồng hành, buồn vui cuộn tròn rồi
buộc lại bằng sợi dây kỷ niệm dài như trời tới đất. Mỗi đứa mang về,
giấu kín và giữ trong cái cõi riêng mình, mãi mãi…
Cũng có nhiều đêm trong chiêm bao tôi thấy mình ngược về tuổi mười
lăm, mỗi ngày đạp xe trên con đường làng đất đỏ đến trường. Những chiều
mưa mênh mông nước không nhận ra đâu là lối mòn đâu là hầm hố. Áo dài,
nón lá và những vòng xe cứ xuôi theo lời nguyện cầu đi về bình yên,
bình yên. Mẹ thường xót xa thương cảm, Ngoại vẫn khe khẻ thở dài. Một
người ở xa, một người kề cận cho tôi chảy nước mắt từng đêm lặng lẽ. Em
gái nhỏ vô tư ngủ dưới hầm tránh đạn, em trai sợ co ro ngồi khóc. Ngọn
đèn dầu nhỏ không sáng bằng ánh hỏa châu ngang nhà. Tuổi thơ em tôi
nhọc nhằn, tuổi tôi vừa đủ biết âu lo và bài vở cứ chập chờn từng đêm
như thế.
Dòng sông trước nhà vẫn lên xuống theo con nước lớn ròng, vẫn nằm
nghe tiếng xe tôi qua sáng chiều. Có ai đó gọi mùa cuối năm về giữa
hàng hiên nắng gió. Có ai đó nhìn dịu dàng với áo trắng quá đỗi đơn sơ
mộc mạc. Có nỗi bâng khuâng xen trong những rộn ràng ngày giáp Tết.
Ngoài sân phơi đầy kiệu dưa bánh mứt, hàng mai trước nhà lung linh hoa
nở sớm. Mộng mị cũng dài như con đường tới lớp, bè bạn cũng cười giòn
tan khoe guốc mới, áo mới, tóc mới, nhân ảnh mới…
Không biết mùa xuân ẩn giấu bất an từ bao giờ cho mọi người, cho
tôi, cho những ngày đầu năm ấy. Một khởi đầu sớm kết thúc, ngậm ngùi
buồn tủi khi khăn tím bay xa tận chân trời mới. Bao nhiêu điều chưa nói
hết, bao nhiêu buồn vui chưa kể hết, bao nhiêu ngậm ngùi chưa tan biến
hết… Thế nên quê hương đành ngủ vùi trong giấc mơ tôi từ đó. Để mãi
hoài nhủ thầm thôi tiếc nhớ mà chi, thôi thương khó mà chi tôi ơi!
Tỉnh
Từ cõi hư vô thức dậy là tôi với lời nhắn vội của người bạn thân
thương ở nơi xa lắc xa lơ gởi về. Chờ bài của nhỏ là xong rồi đó. Ngắn
gọn chỉ nằm trong hai chữ bí quá. Bởi chưng lâu nay đầu óc đã đông
thành đá, những ngón tay đã cứng đơ không gõ được tròn câu. Tất cả như
bóng mây tan dần, như cơn mưa tạnh khô mà đất trời vẫn chưa thấy
sáng.
Nhớ tuần trước mấy đứa A2 ngồi lại với nhau ở Bình Dương, một cuộc
hội ngộ nho nhỏ vừa gặp gỡ vừa chia tay với Bì. Cả nhóm bạn thân bảo
nhau đừng nghĩ đến tân niên hay sinh nhật nữa. Hãy để thời gian tự nó
trôi đi, chỉ cầu sức khỏe ở lại, thế là đủ. Vậy tôi biết viết gì về mùa
Xuân đây?
Một ngôi trường đổi mới, một thời cũ đứng lạc loài phía ngoài cánh
cổng nhìn vào. Chắc chỉ lạc tiếp một cơn mê khác, cái vòng luẩn quẩn
không thoát ra được. Những kỷ niệm ngủ yên mất rồi, không muốn đánh
thức nữa khi mà trái tim mỗi người đã bắt đầu khô cằn, tội nghiệp!
Bây giờ tôi giống như buổi chiều chìm trên sông Thủ, mặt nước im
lìm không gợn chút sóng. Nhìn xung quanh, vẫn không sao tìm thấy Tết dù
trên đường Bạch Đằng có cả một vườn hoa đầy sắc màu, dù những phiên chợ
cuối năm vẫn đang nhộn nhịp dưới phố. Bên kia là bờ hay là dốc, chuyến
đò hay chuyến xe chậm chạp đưa đời tới bến? Tôi hay hỏi mình như thế
khi về ngang sông xưa để nghe lòng chơi vơi trong nỗi trống vắng lạ
lùng. Tuổi trẻ đã bay theo tiếng chuông nhà thờ, mất hút giữa
rừng núi biển đảo nào rồi.
Thôi ngày tháng đã rơi xuống lưng chừng vực thẳm, đan hai tay xin
giữ chút tro bụi trần gian làm vốn lúc tàn hơi đi. Ngược đường
gió, ngược cả những giấc mơ không tưởng cho tôi về lại chốn của mình,
một mình. Kỷ niệm bỏ vào ngăn kéo, khép lại thời gian, xóa nhòa không
gian. Trường xưa bạn cũ nằm trong tận cùng ngăn tim xơ cứng. Những hình
với bóng đã in đậm vào trí nhớ, tuy mỏi mòn nhưng sẽ không phai.
Thôi cũng đành, cho tôi ru tôi bằng lời kinh nguyện muôn thuở muôn
đời. Ở đó có Người nghe thấu để an ủi và chở che suốt quãng đường ngắn
ngủi còn lại.
Thôi dù tôi mơ hay tỉnh thì mùa mới cũng đã đến, xin cầu chúc mọi
người Xuân Như Ý – Tết Bình An.
Thúy Đinh
(01/2015)