Sự phát triển chợ Thủ Dầu Một theo thời gian

 Từ Minh Tâm
(Xin cám ơn BS Trương Hồng Tuấn – nhà thuốc Thiện Đức Đường –
đã cho phép tác giả sử dụng một số hình ảnh trong bài viết nầy)


Bình Dương - nơi đất lành chim đậu. Chợ Thủ Dầu Một là trung tâm mua bán lớn nhứt tỉnh nhà. Từ khi xây dựng, hình ảnh ngôi chợ với tháp đồng hồ cao nghệu luôn luôn in đậm trong tâm khảm của người Bình Dương. Theo thời gian, chợ Thủ Dầu Một đã phát triển như thế nào?. Đây là câu hỏi không dễ trả lời. Tuy nhiên, với cuộc cách mạng thông tin đang bùng nổ, nhiều hình ảnh xưa có tính cách lịch sử đã được phổ biến rộng rãi trên internet thì quá trình phát triển và hình thành của ngôi chợ dần dần được phát hiện…
*****
Địa danh Phú Cường xuất hiện năm 1838 dưới thời vua Minh Mạng.  Đại Nam Nhất Thống Chí - bộ sách địa lý được biên soạn trong khoảng thời gian từ năm 1864 đến1875 đã nhắc đến chợ Phú Cường như sau: “Chợ Phú Cường ở thôn Phú Cường, huyện Bình An tục danh gọi là chợ Thủ Dầu Miệt (hay Dầu Một) ở bên lỵ sở huyện, xe cộ, ghe thuyền tấp nập đông đảo”.  Rất tiếc kiến trúc của chợ Phú Cường ngày xưa như thế nào thì hiện nay chúng ta chưa tìm được tài liệu để nhận biết.
Năm 1861, Pháp chiếm ba tỉnh miền đông Nam Bộ trong đó có địa phận Thủ Dầu Một. Sau thời gian ổn định tình hình, họ bắt đầu xây cất những công trình để khai thác thuộc địa. Năm 1888, họ lấp con rạch Phú Cường ăn thông với sông Sài Gòn. Năm 1889, họ lập ra tỉnh Thủ Dầu Một, từ đó chợ Phú Cường được mang tên chợ Thủ Dầu Một.


Hình 1: Chợ Thủ Dầu Một cuối thế kỷ thứ 19.
(nguồn: La Cochinchine et ses habitants)

Hình ảnh đầu tiên của chợ Thủ Dầu Một cuối thế kỷ thứ 19 (hình 1) được đăng trong quyển La Cochinchine et ses habitants – Provinces de l’est -  của Dr. J.C. Baurac phát hành năm 1899. Trong sách, tác giả mô tả ngôi chợ và khu vực lân cận như sau:
“Le marché de Thudaumot, situé sur une place immense, est construit en briques, non loin de la rivière de Saigon, il est très grand et réunit, chaque jour, un grand nombre d'indigènes. De magnifiques habitations annamintes et chinois l'entourent et les magasins chinois qu'on y remarque sont très bien achalandés.”
Tạm dịch:
“Chợ Thủ Dầu Một được xây bằng gạch trên một nơi thật rộng, cách sông Sài Gòn không xa lắm. Chợ rất lớn và hàng ngày quy tụ đông đảo dân bản xứ. Xung quanh chợ là những ngôi nhà tuyệt đẹp của người An Nam và người Hoa và các cửa hàng của người Hoa lúc nào cũng đông khách.”
Cũng theo tài liệu nói trên, trong địa hạt Thủ Dầu Một lúc đó có 57.500 dân và 10 ngôi chợ là:
-    Chợ Thủ Dầu Một (tổng Bình Điền)
-    Chợ Búng (tổng Bình Chánh)
-    Chợ Lái Thiều (tổng Bình Chánh)
-    Chợ Bưng Cầu (tổng Bình Thổ)
-    Chợ An Phú (tổng Bình Thổ)
-    Chợ Ông Trao (tổng Bình Thổ)
-    Chợ Tổng Dơn (tổng Bình Thiện)
-    Chợ Tổng Thu (tổng Bình Thiện)
-    Chợ Bến Cát (tổng Bình Hưng)
-    Chợ Chơn Thành (tổng Bình Hưng)
Trong số những chợ nầy, ba ngôi chợ Thủ Dầu Một, Búng và Lái Thiêu được tác giả nhắc tới nhiều nhất.
Kiến trúc tiếp theo về ngôi chợ Thủ do người Pháp xây dựng là một khu nhà lồng làm bằng khung thép, lợp ngói với một tháp đồng hồ ở giữa như hình chụp trong một bưu thiếp dưới đây (hình 2). Ngoài Thủ Dầu Một, Mỹ Tho cũng có một ngôi chợ tương tự.


Hình 2: Chợ Thủ Dầu Một đầu thế kỷ thứ 20
(nguồn www.sugia.vn)

Chợ nầy không có vách, chỉ là nơi che mưa nắng cho các sạp hàng bên trong. Điều đáng chú ý là mặt tiền của chợ quay về tây là phía bờ sông chớ không phải hướng về phía đông như chợ hiện nay. Thời gian đầu, khi Pháp mới tới, giao thông đường thuỷ rất quan trọng. Từ năm 1885, hàng tuần thường có những chuyến tàu chạy bằng hơi nước chở binh lính, gạo, thực phẩm từ Sài Gòn. Do đó đối diện với chợ, người Pháp đắp một đoạn đường ngắn bằng đá ra sông và xây một kết cấu thép hình lục giác lợp tôn. Đó là bến tàu của tỉnh và mặt tiền chợ quay về bến tàu là đúng. Về sau, khi đường xe lửa và đường bộ phát triển, giao thông thuỷ ít quan trọng hơn thì nơi đâytrở thành chợ cá (hình 3). Bến đò đi Bình Mỹ thì nhỏ hơn và nằm kế cận.


Hình 3: Bến tàu sau đổi thành chợ cá
(nguồn www.sugia.vn)


Phía sau chợ (hình 4) quay về hướng đông, là bến xe nơi có nhiều xe bò, xe ngựa, xe ô tô… Đặc biệt ta thấy đường rầy xe điện chạy tới đầu chợ (nơi sau nầy làm Phòng Thông Tin). Tuy nhiên không thấy kiến trúc nhà ga. 


Hình 4: Chợ Thủ Dầu Một khoảng năm 1930,
mặt hướng đông
(nguồn: BS Trương Hồng Tuấn - Thiện Đức Đường)


Hình 5: Bến xe phía sau Chợ Thủ Dầu Một thời Pháp
(nguồn: BS Trương Hồng Tuấn - Thiện Đức Đường)

Hình 5 cho thấy khu vực phía đông của chợ Thủ Dầu Một khoảng năm 1930. Đó là một bến xe nơi có nhiều xe tải, xe nhà đang đậu. Điều nầy cho thấy nơi đây khá sung túc. Bên tay phải tấm hình ta thấy một xe điện đang chờ khách. Xe chỉ có hai hay ba toa nhỏ và trong hình cũng không thấy có nhà ga bán vé như những ga xe lửa thông thường. Cũng không thấy đầu máy hơi nước. Có thể đây chỉ là một nơi đón khách chớ không phải là nơi thực hiện các nghiệp vụ của đường xe lửa.
Theo hình trên, đường rầy trước chợ Thủ là để chạy xe điện. Thế nhưng trong bài viết “Xuân Vọng Cố Hương”, tác giả Hoa Trần, một vị tiền bối tuổi cũng đã hơn 80, người đã từng sinh sống ở Bình Dương thuở nhỏ đã viết như sau:
“… Mua vé xong, ông cháu lên xe. Đúng giờ xe khởi hành. Sau 3 hồi còi, xe bắt đầu chuyển bánh phát ra tiếng kêu xình xịch. Còi hụ vang rền. Khói bay mù mịt.
Xe lửa ngày xưa không nhiều toa như bây giờ, chỉ có một đầu máy và 6 toa thôi. Ba toa đầu gồm có hạng nhứt nhì và ba. Còn ba toa sau dùng chở hàng hoá.
Xe chầm chậm lướt qua hai bên phố chợ, thẳng đến hông Nhà Làng Phú Cường một khoảng dài mới bắt đầu tăng tốc lực. Tôi thích ngồi gần cửa sổ để nhìn cảnh vật hai bên đường. Xe chạy lướt qua thấy toàn ruộng đồng vườn tược, lâu lâu mới có vài mái tranh ẩn hiện cùng đồng cỏ mênh mông.
Xe chạy qua ga Phú Văn, Búng, Bình Nhâm, rồi đến ga Lái Thiêu.”…
Nhà văn Sơn Nam trong bài viết Người Bình Dương (Nam Bộ Xưa và Nay) cho biết: “Pháp cho mở thêm tuyến xe lửa (chạy hơi nước, sau chạy điện) từ Sài Gòn, Bà Chiểu, Hốc Môn lên Lái Thiêu, về sau nối lên Lộc Ninh nhằm chở mủ cao su về Sài Gòn.”
Như vậy có thể kết luận đường xe lửa trước Chợ Thủ dùng cho hai loại xe chạy hơi nước và chạy điện.
Nhu cầu mua bán tăng cao, khu chợ cũ không đáp ứng nổi. Giữa thập niên 1930, người Pháp cho tháo dở và dời khu chợ bằng thép về Trường Mỹ Thuật để làm xưởng thực hành. Ở vị trí chợ họ nhờ kiến trúc sư người Pháp là ông Bonnemain thiết kế một chợ mới. Chợ mới được khánh thành năm 1938. Đó là một khu chợ nhà lồng có 8 cửa với tháp đồng hồ ở phía đông cao 23,72 mét. Toàn kiến trúc trông giống như một chiếc tàu mà tháp đồng hồ là cột buồm. Từ đó, chợ Thủ mới đã trở thành một nơi mua bán nhộn nhịp và hình thành tình cảm quen thuộc, sâu sắc của người dân xứ Thủ. Hai bên chợ, từ trụ sở chánh quyền xã (lúc đó gọi là Nhà Làng) xuống tới mé sông, người ta xây hai dãy phố - gọi là Phố Làng - để làm nơi buôn bán. Chủ nhân các căn phố nầy có rất nhiều người Hoa. Họ mở tiệm ăn, bán gạo, dầu hoả, thuốc bắc, vật liệu xây dựng, mở phòng trồng răng, tiệm chụp hình… Thương mại khu vực Thủ Dầu Một lúc đó phần lớn nằm trong tay người Việt gốc Hoa.

Hình 6: Khu vực trước chợ Thủ năm 1949
(nguồn ảnh: http://saigon-vietnam.fr/thu-dau-mot.php)

Hình 6 do một người Pháp tên là Pierre Renaud chụp năm 1949. Hình chụp từ phía Nhà Làng (Uỷ Ban Nhân Dân Phường Phú Cường) xuống phía chợ. Hình cho thấy khu vườn hoa chưa hoàn thành. Xa xa là chợ Thủ với tháp đồng hồ cao nghệu. Đường ray xe lửa còn dấu vết nhưng có vẻ như đã không còn được sử dụng nữa. Dọc đường rầy không thấy bất cứ một cột điện nào để sử dụng cho xe điện. Đường rầy nầy chạy bên hông Nhà Làng, sau đó đi vào đường hẽm sau Nhà Làng để ra Nhà Ga ở khu Công Viên Phú Cường hiện nay rồi tiếp tục chạy về Lái Thiêu, Sài Gòn.


Hình 7: Cận cảnh chợ Thủ năm 1955
(ảnh BS Trương Hồng Tuấn)



Hình 8: Chợ Thủ năm 1957
(nguồn ảnh: BS Trương Hồng Tuấn)

Sau khi xây chợ Thủ, người ta tiếp tục xây kiến trúc hình chữ X (có thể là nơi bán vé xe lửa - Hình 7). Sau nầy phòng ở giữa trở thành Phòng Thông Tin của chế độ cũ. Ở bốn góc của chữ X có bốn tiệm bán văn phòng phẩm, cho mướn truyện… là: Minh Thành, Ngọc Thành, Quý Hữu và Việt Hưng. Sau lưng tiệm tạp hoá Minh Thành còn có tiệm Ánh Sáng, nơi phát hành báo chí. Sau 1975, kiến trúc nầy đã bị phá bỏ lấy chỗ xây cất các dãy tiệm ăn và bán trái cây.


Hình 8 chụp khu vực trước chợ Thủ vào năm 1957. Ta thấy phía trên đã có một vườn hoa nhỏ với bồn nước nhỏ hình chữ nhật. Giữa vườn hoa và chợ nhà lồng ở phía dưới là khu bến xe lô, xe đò đi Sài Gòn hay đi các tỉnh miền cao như Bình Long, Phước Long.


Hình 9: Những nhà hàng nhỏ khu bến xe trước chợ Bình Dương

Hình 9 chụp khu vực ở giữa bến xe trước chợ Thủ khoảng thập niên 1960. Ở đây có 4 nhà hàng nhỏ có tên là Mai Lan Đình, Tứ Lợi, Thái Bình Dương và Đông Tài. Hai bên là bến xe lam đi các làng xã lân cận và bến xe lô, xe đò.. 
Đầu thập niên 1970, bến xe Bình Dương dời về gần Nhà Ga xe lửa, trước trường Bồ Đề (nay là Công Viên Phú Cường). Khu vực nầy được xây cất một khu chợ mới gọi là Khu Thương Xá. Kiến trúc lúc đầu gồm những cửa hàng ở tầng trệt. Tầng hai là nơi chứa hàng hay cư trú của chủ tiệm. Sau năm 1975, khu thương xá được sửa chữa với hai cầu thang phía đông tây giúp khách hàng có thể lên thẳng các tầng trên (nay là một siêu thị).
Trước 1975, khu vườn hoa giữa Nhà Làng Phú Cường và Thương  Xá bị thương phế binh chế độ cũ chiếm dụng bất hợp pháp để xây thành ba dãy phố trệt để buôn bán. Sau nầy những dãy phố nầy bị dở bỏ nhưng vườn hoa cũng không được tái thành lập mà được san bằng thành cột cờ và bãi giữ xe (hình 10).


Hình 10: chợ Bình Dương năm 2000

Đầu thập niên 1970, chánh quyền chế độ cũ đã có kế hoạch xây dựng khu trung tâm tỉnh lỵ  Bình Dương mới ở Gò Đậu. Một chợ nhỏ đã được nhà thầu Nguyễn Thành Thiệt xây dựng, vài căn phố được xây cất ở đó nhưng quy mô không đáng kể và trung tâm của tỉnh vẫn là khu vực quanh chợ Phú Cường.  Qua thời gian, chợ Thủ Dầu Một đã chứng tỏ vị trí quan trọng của mình và phát triển mạnh mẽ để trở thành một trung tâm mua bán quan trọng của Bình Dương và các tỉnh lân cận với hai khu vực buôn bán lớn gồm chợ Cũ, chợ Mới và rất nhiều tiệm nhỏ buôn bán đủ loại thực phẩm, trái cây, nông sản của địa phương. Hiện tỉnh đã có dự án Thành Phố Mới Bình Dương nhưng vai trò thương mại của chợ Thủ Dầu Một chắc chắn vẫn không suy giảm trong một thời gian nữa.


****
Ngạn ngữ Tây Phương có câu: “Một tấm ảnh bằng ngàn lời nói”.  Với những hình ảnh trên đây, ta đã phần nào tìm thấy sự hình thành và phát triển của khu chợ Thủ Dầu Một qua thời gian. Chúng tôi xin cám ơn những người đã trân trọng giữ gìn các bức hình nầy, nhờ đó, chúng ta đã tìm thấy được phần nào những hình ảnh thân thương trong quá khứ về một vùng đất thân yêu và nhiều kỷ niệm../.
(12/2014)

Tham khảo:
1.    La Cochinchine et ses habitants, Provices de l’Est, Dr. J. C. Baurac – 1899 - Saigon
2.    Đại Nam Nhất Thống Chí - Lục Tỉnh Nam Việt - Tập Thượng - Người Dịch Nguyễn Tạo – 1959 (http://sachviet.edu.vn/threads/dai-nam-nhat-thong-chi-luc-tinh-nam-viet-tap-thuong-nguyen-tao-156-trang.7052/)
3.    Hình ảnh tư liệu của Bác Sĩ Trường Hồng Tuấn (Thiện Đức Đường)
4.    Bình Dương Xưa và Nay Facebook (https://www.facebook.com/binhduongxuavanay)
5.    Trang web Saigon/Vietnam: (http://saigon-vietnam.fr/thu-dau-mot.php)
6.    Chợ và Quán – Hoàng Anh (http://trinhhoaiduc.netfirms.com/choquan.html)
7.    Xuân Vọng Cố Hương – Hoa Trần  (http://trinhhoaiduc.netfirms.com/sangtac/xuanvongcohuong.html)
8.    Chợ Thủ Dầu Một – Trang Tin Điện Tử Tỉnh Bình Dương (http://www.binhduong.gov.vn/vn/sobannganh_detail.php?id=5137&idcat=143&idcat2=144)
9.    Chợ Thủ đất Bình Dương xưa và nay - Giản Thu Hiền (http://sugia.vn/portfolio/detail/825/cho-thu-dat-binh-duong-xua-va-nay.html)
10.    Nam Bộ xưa và nay – Nhà xuất bản TP Hồ Chí Minh - Tạp chí xưa và nay.1-2001.