Nhớ Hoàng Anh

Lưu Thanh Bình
 

Lần đầu tôi gặp Huỳnh Hoàng Anh là vào một buổi sáng sau Tết năm 2009 tại tiệm giày của anh ngoài chợ Bình Dương. Đã hẹn trước nhưng tôi cố tình chạy chầm chậm ngang qua để kín đáo quan sát cái gã ốm nhom đang ngồi trên chiếc ghế đẩu, tay cầm điếu thuốc lá tay cầm tờ báo. Áo bỏ trong thùng ra vẻ ông cụ non. Hao hao giống Trịnh Công Sơn, nhất là vầng trán rộng. Nhận xét đầu tiên của tôi là : Khóa 17 sao coi già dữ vậy ? Nhưng coi bộ hiền. Xong rồi tôi quay đầu xe lại, tấp bên lề và móc điện thoại di động ra gọi cho anh: “Tôi đang ở sau lưng anh nè, cái thằng cha đeo mắt kiếng đó”. Anh xoay lại, nhận ra rồi bèn đứng lên “bủa xua” lia lịa. Hai đứa rủ nhau ra quán cà phê trên Dốc Nhà Thương tán dóc đủ thứ chuyện trên đời, hai ly cà phê phin mà tới ba bốn bình trà, hôm đó quán kể như lỗ nặng.  
Anh khuyên mới cầm bút nên viết truyện ngắn, tạp văn hoặc tùy bút chớ không nên viết biên khảo hay nghị luận, vì loại sau đòi hỏi công phu sưu tầm, tính chính xác cao, kiến thức phải sâu rộng kiểu biết mười viết một. Đi đâu, làm gì, lúc nào trong túi cũng thủ sẳn sổ tay và cây viết để nếu cần rút ra ghi chép liền kẻo về nhà quên đi. Bài “Người Hoa ở Lái Thiêu” của tôi đăng trên trang nhà, anh phê bình dữ quá : đang nói về người Hoa ở Lái Thiêu lại phang ngang nói về người Hoa ở tuốt …bên Tàu. Viết văn phải khiêm tốn, tôn trọng người đọc, đừng tham lam chuyển tải kiến thức nhiều quá để tỏ ra thông thái, giống như mấy cụ viết sách giáo khoa cho con nít học bây giờ. Tôi thấy đúng quá nên gật đầu tiếp thu.
Từ đó vài bốn tuần tôi lại có việc lên Bình Dương một lần, xong việc thế nào cũng cố gắng hẹn uống cà phê với anh. Khi thì ở đường Yersin, khi ở đường Võ Tánh, khi ở đường Bàu Bàng …nhưng lại chưa bao giờ uống ở quán Tỉ Muội kế bên nhà. Không biết tại sao, hay tại bụt nhà không thiêng chăng ? Chỉ có một lần duy nhất ở quán cơm Diệu Hạnh cùng với  Thầy Phúc, thầy Hiếu Học, anh Hạnh K10 và Chu Ngạn Thư nhưng không phải dùng cơm. Có lần anh khoe với tôi một xấp hình sưu tầm về Lái Thiêu thập niên 60 làm tôi bồi hồi quá đỗi vì tôi như sống lại thời con nít và thấy mình trong đó. Tự nhủ thằng cha này tiền đâu mà làm những chuyện tào lao thế này. Gần hai trăm tấm hình màu hoặc đen trắng chớ đâu ít. Thật đúng như thầy Phước nhận xét, nếu trời còn để cho Hoàng Anh sống vài năm nữa thì Bình Dương sẽ có thêm một nhân tài vừa đạt độ chín.
Có lần anh gởi bản nháp bài nghiên cứu về cầu đường, khi nhắc đến một nhân vật có tiếng ở Lái Thiêu, anh dùng lời lẽ mang tính xúc phạm hơi nặng khiến tôi đổ quạu và góp ý thẳng: không nên gọi người đã khuất là “thằng” hoặc “tên” dù người đó khác chính kiến hay thậm chí là kẻ thù đi nữa, huống chi người đó đáng bậc cha chú chúng ta và cũng có nhiều đóng góp cho các công trình phúc lợi-xã hội cho Lái Thiêu. Đúng sai sẽ có lịch sử phán xét. Tôn trọng kẻ thù tức là tự nâng mình. Cuối thư tôi cũng thòng câu khách sáo cảm ơn anh đã cất công sưu tầm những tư liệu về địa phương Lái Thiêu của tôi và xin lỗi nếu có quá lời. Anh hồi đáp thư ngay, tỏ ý tiếc và xin lỗi. Bài lên trang mạng, quả thật anh đã làm “mềm” đi theo ý tôi và có nhắc đến việc tốt của người này. Về sau tôi mới biết anh trích lại nguyên văn từ một đoạn tài liệu tuyên truyền chính trị ( nhân vật - địa phương chí) chứ không phải do anh viết.
Tôi là người Lái Thiêu cố cựu, ba đời nội ngoại đều sinh quán tại đây, vậy mà không hề biết Lái Thiêu có hai chùa Bà . Khi được anh hỏi, tôi còn cực lực phản đối và giải thích rằng cái chùa ngoài vàm sông chợ là chùa của họ tộc họ Nguyễn (tướng Cao Đài Nguyễn Hòa Hiệp) nay là quán cà phê Thùy Linh chứ đâu có mắc mớ gì tới bà Thiên Hậu của người Hoa. Nghe xong anh có vẻ băn khoăn, không thỏa mãn lắm nhưng không nói nữa mà lảng sang chuyện khác. Sau này, tình cờ tôi được một người bạn người … Bắc nói cho biết quả thật đó là cái chùa Bà nguyên thủy, có trước khi dời vào bến chợ bây giờ. Hai trăm năm năm trước, chợ Lái Thiêu tọa lạc bên bờ sông Sài Gòn, nơi bây giờ gọi là Cảng Hàng Dừa ( hay nói lái là Cửa hàng vàng). Nghe có lý vì tôi biết chợ thường là do người Hoa lập, mà ở đâu có người Hoa là ở đó có chùa. Thêm một bằng chứng nữa là mỗi năm vào dịp Tết nguyên tiêu và cộ Bà, nhà chùa luôn cho người mang hương, đăng, trà, quả sang cúng bên chùa cũ. Bản tính tôi vốn ơ hờ, tôi cũng chưa có dịp đính chính với Hoàng Anh, và cũng sẽ không còn dịp nào nữa.  
 Tôi cũng không biết đức ông Huỳnh Công Thới (Huỳnh Công), thành hoàng của làng Phú Hội xã Vĩnh Phú (ghép tên của hai làng Vĩnh Bình và Phú Hội) là người thật, có mộ táng tại chùa Thiên Phước (cũ), hay “Ngã Ba Cây Liễu” là (có thể) đọc trại ra từ “Ngã Ba Cai Liễu”. Không biết anh lượm lặt ở đâu những chi tiết quý giá như vậy. Anh lại đố tôi cây cầu sắt xe lửa Phú Long xây dựng năm nào ? Thấy mặt tôi nghệch ra, anh khoái trá ngã người ra ghế rồi phán chắc như đinh đóng cột : 1913. Để chứng minh, anh đưa cho tôi coi tấm hình chụp cái biển trên thành cầu có ghi ngày tháng khánh thành bằng chữ Pháp. Bây giờ tấm biển này cũng còn, mỗi lần qua cầu tôi hay liếc nhìn nhưng bị tróc sơn loang lỗ rất khó đọc.
Tháng năm năm 2013, nhân dịp về thăm quê hương, chị Kim Nên có nhã ý tổ chức buổi họp mặt một số thân hữu cựu học sinh THĐ tại quán Tây Hồ. Tôi hẹn với Hoàng Anh ở nhà, chờ tôi đến rồi cùng đi, sẵn cho biết nhà bạn luôn. Nhà Hoàng Anh ở trong một ngõ nhỏ gần bệnh viện “512 giường” rất yên tĩnh, có sân rộng thoáng mát và nhiều hoa kiểng, thật phù hợp cho người cầm bút như anh. Nhưng cũng nhờ anh có người vợ đảm đang, quán xuyến trong ngoài cho anh yên tâm không phải lo cơm áo gạo tiền, nhất là ba cái tàu há mồm nếp có tẻ có. Chị không phải là dân Bình Dương mà là dân …Định Quán, quen anh trên đó rồi về làm dâu Bình Dương luôn. Một lần anh tâm sự, nhiều khuya nổi hứng muốn gõ “lóc cóc” mà ngại chị tỉnh ngủ nên thôi, chờ gần sáng dậy sớm viết bài và meo qua lại với các thân hữu, các CHS THĐ như Từ Minh Tâm hoặc các GS như thầy Lộc.   
Là bạn vong niên, tôi vẫn giữ khoảng cách với anh chớ không quá thân mật như với các bạn B5. Có khi mấy tháng liền không liên lạc nên anh lâm bệnh mà tôi không hề hay, đến khi được Võ Hồng Khanh tình cờ báo cho biết trong tiệc sinh nhật Khánh Hòa, tôi giựt mình cảm thấy như người có lỗi. Ngay chiều hôm đó tôi đội mưa lên Bình Dương thăm anh mà trong lòng bứt rứt không thôi. Đến nhà , tôi thấy ngay không khí u buồn phảng phất, mấy chậu bông xếp gọn vào một chỗ, bàn nước tiếp khách đưa ra hiên nhà cùng bộ ván gỗ. Rõ là có sự chuẩn bị hậu sự. Tiếp tôi là thân mẫu của anh, bác cho biết anh rất mệt không thể tiếp ai được, chỉ có vợ anh cùng các cháu đang xúm xít bên cạnh. Tôi than thầm: Thôi rồi đã muộn, không mong gì gặp mặt anh lần cuối được. Chỉ dám nhờ bác nói giùm nếu anh tỉnh lại là có Bình Lái Thiêu đến thăm. Bác gật đầu và nói thêm: Cái thằng, không biết làm sao mà nó quen người ta nhiều quá chừng. Đủ tứ xứ đến thăm. Trên đường về lòng tôi nặng trĩu. Tối đó tôi mail cho Từ Minh Tâm biết tình trạng Hoàng Anh, đoán không quá 10 ngày. Quả nhiên hai hôm sau thì anh mất, tôi biết qua những dòng tin nhắn trong ĐTDĐ, sau này mới hay do con anh gởi, căn cứ theo danh sách bạn hữu mà anh đã trối lại cho con.
Tôi vẫn còn giữ mấy cuốn Đặc San Xuân Trịnh Hoài Đức in màu do anh gởi tặng, tôi lại sơ ý không xin anh đề từ, mà tính anh lại khiêm tốn, có khi anh nhớ nhưng do tôi không mở lời nên anh thôi chăng. Nay anh đã đi xa, xuân năm tới Ất Mùi 2015 chắc là không còn báo biếu nữa. Anh mất đi thật là một tổn thất lớn cho gia đình và xã hội, nhất là trang mạng Cựu Giáo sư & học sinh Trịnh Hoài Đức chúng ta. Ở Bình Dương bạn anh có nhiều, nhất là các hội viên Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật tỉnh Bình Dương mà anh cũng là hội viên. Đọc lại các bài viết khóc bạn của anh như bài về Trần Bình Dương, thi sĩ Đơn Phương .. thật chân tình làm sao. Tôi cũng xin mạo muội bắt chước viết đôi dòng về anh, để chúng ta cùng nhớ về một người cựu học sinh THĐ đã có công đóng góp cho sự phong phú của trang nhà. Xin vĩnh biệt con chim Hoàng Anh đã thôi hót.

( 7/2014)