Năm mươi năm kỷ niệm
Lý Thành Phước
Năm mươi năm, thời gian khá
dài cho một đời người. Có người đã vội vã ra đi khi tuổi đời chưa được
50. Có người lại ra đi khi gần đến ngày kỷ niệm 50 năm thi đậu vào học
tại trường trung học Trịnh Hoài Đức tỉnh Bình Dương. Thế nhưng vào ngày
1/5/2014 tôi nao nức cùng với bốn người bạn là Lộc, Phong, Tân, Nhượng
- cùng thi đậu vào học lớp đệ thất P3 năm 1964 - đi đến trường Trịnh
Hoài Đức họp mặt và để nhận huy hiệu kỷ niệm 50 khóa 10, 1964 – 2014.
Đêm hôm đó, những cảm xúc, những kỷ niệm ngày xưa ùa về tràn ngập trong
tâm hồn tôi.
… Ngày xưa đó, muốn thi đậu vào lớp đệ thất của trường Trịnh Hoài
Đức không phải dễ. Năm lớp nhất tôi phải học thật cật lực, nhất là môn
toán tôi phải luyện thật nhiều. Nhớ lại, khi ra đề toán xong, thầy giáo
đi một vòng qua các bàn học trò. Trở lại bàn giáo viên, thầy gõ thước
một cái, xong thầy tiếp tục đi vòng lớp và gõ thước. Thời gian thầy
chép đề xong cho đến lần gõ thước thứ ba khoảng từ ba đến năm phút mà
thôi. Nếu ai nộp bài trước lần gõ thước thứ ba của thầy thì ngoài số
điểm tối đa là 10 điểm, sẽ được thầy thêm chữ giỏi bên trên để đem về
khoe với gia đình. Ngoài ra thầy còn cho ra chơi ngay khi nộp bài, sau
khi cả lớp nộp bài xong thầy mới kêu vào học tiếp. Chỉ những bài toán
khó thầy mới làm như vậy. Có hôm vì bài toán quá khó chỉ có tôi và
người bạn tên Sơn làm được nên chúng tôi được ra chơi gần ba tiếng đồng
hồ. Khi thầy kêu vào lớp thì tiếng chuông tan học cũng vừa reo lên và
cả lớp lục tục ra về luôn. Tuy học tốt như thế nhưng ban đêm tôi và các
bạn vẫn phải học thêm lớp luyện thi đệ thất. Vất vã như thế rồi ngày
thi đệ thất cũng đến sau khi phải trải qua kỳ thi lấy bằng tiểu học.
Bằng tiểu học lúc đó có nhiều giá trị. Sau khi thi đậu thí sinh
chỉ được phát chứng chỉ tạm thời để tiện dụng. Bốn năm sau mới lấy được
bằng chính thức từ Ty Tiểu Học. Kỳ thi Tiểu Học thì ba người ngồi
một bàn. Còn kỳ thi vào đệ thất một bàn chỉ có hai người. Thầy cô gác
thi có phần nghiêm khắc hơn, từ lúc bắt đầu thi cho đến lúc nộp bài, cả
lớp yên lặng như tờ chứ không ồn ào như kỳ thi Tiểu Học. Nhờ học được
cách giải toán nhanh nên khi làm xong bài thời gian còn lại khá nhiều
nên tôi cẩn thận xem lại đề toán và phát hiện phần đố của bài toán nằm
ở câu hai. Tôi lật đật sửa lại lời giải. Khi làm bài xong chỉ còn không
đầy năm phút là hết giờ. Thi xong tôi gặp những người bạn cùng lớp, hỏi
ra ai cũng không phát hiện phần toán bị đố đó. Tôi buồn bã nghĩ mình đã
làm trật có lẽ thi rớt vì phần thi văn tôi làm bài rất tệ, cả bài luận,
tôi chỉ viết được khoảng mười dòng rồi đem nộp vì hết giờ.
Đến ngày xem kết quả thì thật bất ngờ: Tôi thi đậu vào lớp đệ thất
trường Trung Học Trịnh Hoài Đức!. Lòng hớn hở quay về nhà báo tin xong,
tôi đi tìm những người bạn cùng lớp đã đi thi với tôi để hỏi kết quả
của các bạn ấy. Tôi thấy bạn Sơn đang ôm gối khóc nức nở vì thi rớt.
Bất ngờ không phải đối với tôi mà cả với thầy dạy của chúng tôi vì
trong năm học lớp Năm, Sơn đứng nhất lớp còn tôi thì đứng nhì lớp. Tiếp
tục hỏi thăm các bạn khác tôi chỉ nhận được những cái lắc đầu buồn bã.
Thì ra trong đám nam sinh của lớp năm chỉ có hai người thi đậu. Thi Đệ
Thất quả là một cuộc thi đầy gay go, và nhiều khó khăn của chúng tôi!
Buổi sáng tôi thật hớn hở vì thi đậu. Buổi chiều tôi cảm thấy lòng
buồn vô hạn. Vì thế khi nghe thầy dạy lớp năm kêu các bạn của tôi làm
đơn thi vào lớp đệ thất trường Nông Lâm Súc tôi bèn năn nỉ xin thầy cho
tôi mẫu đơn để tôi đi thi. Thầy la tôi: “Em thi đậu vào trường Trịnh
Hoài Đức là hạnh phúc lắm rồi, nhường chỗ cho các bạn không thi đậu đi
thi”. Thầy dứt khoát không cho tôi mẫu đơn mặc dầu tôi năn nỉ nhiều
lần. Thầy đâu có hiểu nỗi lòng của tôi lúc đó. Tôi xin mẫu đơn để thi
là thật tình vì tất cả các bạn thân của tôi có ai thi đậu đâu. Tôi chỉ
muốn theo họ cho vui và kết quả là sáu bạn cùng lớp Năm với tôi đều thi
đậu vào trường Nông Lâm Súc. Họ chính là những người bạn thân của tôi,
những người đã cùng tôi nỗ lực thi đua nộp bài giải toán sớm để được có
chữ giỏi trong tập và để được ra chơi sớm hồi học lớp Năm.
Thế là tôi phải “đơn thương độc mã” vào học lớp đệ thất của trường
Trịnh Hoài Đức vì những người bạn cùng thi đậu không phải là bạn thân
của tôi. Có lẽ vì thiếu động lực để cạnh tranh nên trong năm đệ
thất tôi chỉ đạt kết quả cuối năm học là trên trung bình mà thôi. Sau
nầy có dịp suy nghĩ lại việc làm của tôi lúc đó có thể đúng vì những
năm tiếp sau đó chiến tranh ngày càng ác liệt. Trường Nông Lâm Súc là
trường nghề nên được rất nhiều ưu đãi, học sinh trường nầy được hoãn
dịch thêm một năm, trong khi đó ở trường Trịnh Hoài Đức do phải vật lộn
vài năm mới vào trường được nên trong lớp tôi số học sinh lớn
tuổi khá nhiều vì vậy số học sinh rời trường sớm cũng rất nhiều. Tôi
nhớ:
Lớp đệ thất P3 (niên khóa 64 -65): sỉ số cuối năm được 54 học
sinh.
Lớp đệ lục P3 (niên khóa 65-66): sỉ số cuối năm được 51 HS.
Lớp đệ ngũ P3 (niên khóa 66-67): sỉ số cuối năm được 46 HS.
Lớp đệ tứ P3 (niên khóa 67-68): sỉ số cuối năm được 38 HS.
Lớp 10 B4 (niên khóa 68-69): sỉ số cuối năm được còn 28 HS.
Lớp 11B4 (niên khoá 68-70): sỉ số cuối năm được chỉ còn 26 HS.
Sở dĩ sỉ số học sinh bị tuột dốc không phanh như vậy vì năm 1968
chiến tranh nổ ra ác liệt, lệnh tổng động viên được ban hành và rất
nhiều bạn hơi lớn tuổi phải rời bỏ mái trường ra đi nhập ngũ. Sỉ số học
sinh so với ban đầu giảm đi gần phân nữa, lớp học trống vắng đến lạ
lùng khiến động cơ học tập của chúng tôi đi gần đến số không.
Cũng trong năm lớp 10, tôi có một người bạn cùng xóm xin vào học
lớp 10 Nông Lâm Súc. Anh ta nói gia đình anh ta phải chật vật chạy
nhiều nơi mới xin vào học được vì không còn chỗ ngồi. Do đươc ưu đãi
(được hoãn dịch thêm một năm) nên lệnh tổng động viên không ảnh hưởng
đến họ vì vậy sỉ số lớp của họ còn nguyên. Trong khi đó nhớ lại trong
lớp 10 B4 trống trơn, những ghế ở phía sau không có ai ngồi. Có hôm vì
đi đường mắc mưa bị cảm sốt, tôi xin phép thầy cho tạm nghỉ, được thầy
đồng ý tôi xuống dãy bàn trống cuối lớp nằm nghỉ một cách ngon
lành.
Bảy năm ngồi dưới mái trường Trịnh Hoài Đức đã để lại cho tôi quá
nhiều kỷ niệm không thể nào quên, nó trở thành một tình cảm thân thiết
không thể nào lãng quên cho được.
Hôm trước ngày 1/5/2014 thấy trang nhà Trịnh Hoài Đức có đăng tin
sẽ họp mặt và trao tặng huy hiệu kỷ niệm 50 năm, tôi liền thông báo cho
các bạn chung lớp biết và rủ các bạn cùng nhau đến trường họp mặt.
Trong khi các bạn học chung lớp từ đệ Thất đều tỏ vẻ vui mừng thì có
một người chỉ vào học năm lớp 12 thì quyết liệt từ chối. Anh lấy lý do
phe phái và gì nữa mà chúng tôi không hề biết, theo tôi thì chả cần
biết để làm gì, tôi đến trường để ôn lại kỷ niệm bảy năm mài đũng quần
thời học sinh mà thôi.
Tôi nhớ lại, sau kỳ thi Tú tài Một, tỷ lệ nam sinh lớp tôi thi đậu
không tới hai mươi bốn phần trăm. Cả lớp được lên lớp 12 không quá mười
người, nên lớp 12 đa số nam sinh là học sinh trường từ các khác vào và
số đông là học sinh trường nữ. Vì thế nên đến dự họp mặt kỷ niệm 50 năm
chỉ có 5 bạn nam sinh (đa số chỉ học hết lớp 11 mà thôi), bên phía nữ
tham dự cũng được 5 người, tổng số người tham dự là 10. Mười người của
khóa 10 đến tham dự buổi lễ kỷ niệm 50 năm của khóa 10 trong tổng số
trên 250 học sinh lúc mới tuyển vào trường. Con số hôm nay thật ít ỏi
làm sao!.
Dù sao đi nữa thì tuy số nam sinh tham dự chỉ có 5 người nhưng tất
cả đều là học sinh lớp đệ thất P3 năm 1964 và cùng học chung một lớp
với nhau được 6, 7 năm trời nên chúng tôi có dịp cùng nhau ôn lại kỷ
niệm những ngày còn học dưới mái trường thật vui vẻ. Chúng tôi
cũng có quá nhiều chuyện để nhắc lại, đến nỗi sau khi xong lễ chúng tôi
còn kéo nhau ra quán cà phê gần đó để tâm sự tiếp. Lòng chợt buồn khi
nhắc đến tên của những người bạn đã vĩnh viễn ra đi trong đó có bạn Tư
Hà. Trong một lúc hàn huyên tôi còn nhớ lại lời của bạn ấy đã nói đùa
với tôi là: “Nếu ở giữa chiến trường chắc mầy bắn tao chết”. Tôi trả
lời: “ Mầy đợi vài trăm năm nữa thì lời nói của mầy mới thành sự thật
được, lúc đó thế giới mới chế tạo được một cây súng bắn trúng mục tiêu
cách xa hàng mấy trăm cây số, vì trước 1975, tao ở tận miền Trung xa
xôi. Nơi ở của tao và nơi ở của mầy cách xa nhau gần năm trăm cây số”.
Bạn Hà mỉm cười rồi gật đầu: “Mầy nói trúng”.
Lòng tôi cũng chợt nặng trỉu khi nghĩ đến lời thầy Võ Tấn Phước đã
nói: “Định mệnh của một con người như một dòng sông”. Tôi chợt so sánh
định mệnh lớp tôi đúng là như vậy. Mùa tựu trường cách đây 50 năm học
sinh chúng tôi như những dòng nước nhỏ ở nhiều nơi chảy về tụ lại thành
một dòng sông nhỏ đó là lớp đệ thất P3 niên khóa 64-65. Dòng sông nhỏ
đó êm đềm chảy cho đến năm 1968 Mậu Thân. Dòng sông đột ngột gặp phải
một khúc quành rất dữ. Lệnh tổng động viên như khúc ghềnh thác hiểm trở
khiến cho dòng chảy chỉ còn phân nữa. Đến khúc quành thứ hai mới thật
ác nghiệt. Kỳ thi tú tài Một như một cồn cát chắn ngang khiến dòng sông
chỉ còn là một dòng chảy nhỏ lặng lờ chảy ra biển. Kỷ niệm 50 năm thi
đậu vào trường Trịnh Hoài Đức cũng là một kỷ niệm thật đẹp, chúng tôi
cùng nhau nâng niu cái huy hiệu nhỏ nhỏ xinh xinh, tuy nhỏ bé nhưng đối
với chúng tôi nó có một ý nghĩa thật lớn lao, một phần thưởng tinh thần
thật hạnh phúc, để những khi nhìn vào nó những ngày thật êm đềm ở
trường Trịnh Hoài Đức sẽ tái hiện trong đầu óc chúng tôi.
Nhân ngày kỷ niệm, tôi cũng xin chúc cho
quý vị giáo sư, những người đã đón nhận để truyền thụ kiến thức
học vấn và giảng dạy đạo đức làm người cho khóa 10 chúng tôi được nhiều
sức khỏe, gia đình được an khang thịnh vượng. Ngoài ra tôi cũng xin
chúc riêng cho thầy Võ Tấn Phước có thêm những quẻ bói xuất thần.
Bản tính của tôi là tôn trọng sự thật, khi kể lại hoặc viết lại
một câu chuyên tôi đem sự thật vào câu chuyện một cách tối đa, nếu
trong bài viết của tôi đôi chỗ lời văn hoặc ý tưởng thật khô khan, nhàm
chán xin các bạn thông cảm, dù sao thì sự thật cũng phải được bảo lưu
trên hết./.