Năm Đệ Ngũ
(niên học 1967-68)

Từ Minh Tâm



 
… Cuối tháng 5/ 1967, sau khi lãnh thưởng, chúng tôi bắt đầu ba tháng hè rong chơi. Phần lớn thời gian, chúng tôi chơi bóng chuyền ở sân Ty Thanh Niên, đôi khi lại đi đá banh ở sân làng Garden – khu vực ở gần chùa Tây Tạng. Ở Bình Dương lúc đó chỉ có sân banh nầy nên thanh niên trong tỉnh dồn về đó để chơi. Chiều chiều, khoảng 4-5 giờ thì mấy anh lớn sẽ ra sân. Tụi tôi còn nhỏ thì phải đá banh vào lúc giữa trưa. Đường vào sân banh cũng xa lắm vì lúc đó chưa có đường Thích Quảng Đức nên chúng tôi phải đi vòng. Khoảng từ 1-2 giờ trưa là đạp xe đi tới Ngã Ba Cây Sao Quỳ, sau đó có đường mòn chạy băng qua một nghĩa địa cũ, qua làng Garden rồi mới tới sân banh. Trưa nắng mà đá banh tới chiều nên dần dần nước da đứa nào cũng đen nhẽm.
Vui chơi không quên học hành. Mỗi tuần chúng tôi đều dành vài buổi sáng đi học thêm Toán, Lý Hoá với thầy Nguyễn Kim Long. Nhà thầy Long ở trên đường Đinh Bộ Lĩnh, gần bến xe ngựa, góc đường Bà Triệu. Lớp học chừng 20-25 học sinh. Nam nữ học chung nên chúng tôi có dịp học với các bạn nữ. Trong lớp có nhiều người đẹp như Nguyễn Thuý Việt, Lê Thị Phùng … làm các bạn nam xao xuyến. Nhờ học thêm vào dịp hè nên sau nầy khi vào trường học chính thức thì chúng tôi không cần học bao nhiêu mà vẫn giải toán ào ào.
Tháng 9 năm 1967, chúng tôi trở lại trường để học lớp đệ ngũ. Lục cá nguyệt đầu chúng tôi học trên lầu của dãy lầu chính, qua Tết thì học dưới lầu. Thầy cô dạy lớp Ngũ A5 của chúng tôi như sau:
Việt Văn: Cô Lương Thị Thanh Kiệm.
Công Dân Giáo Dục: Thầy Phạm Viết Tích.
Anh Văn: Cô Hà Thị Liên
Sử Địa: Thầy Nguyễn Thiện Thuật (cũng là Giáo Viên Hướng Dẫn)
Toán: Thầy Đoàn Văn Vượng     Lý Hoá: Thầy Đoàn Văn Vượng
Vạn Vật: Cô Trần Thị Hương
Nhạc: Thầy Nguyễn Bé Tám (chỉ dạy có nửa năm đầu)
Vẽ: Thầy Lê Văn Bình.
Xin ghi lại vài ghi nhớ về thầy cô như sau:
Cô Lương Thị Thanh Kiệm: cô dạy môn Việt Văn. Một hôm sau khi dạy bài Vịnh Bức Dư Đồ Rách của Tản Đà, cô phân tích và chỉ dẫn cách thức làm thơ Đường Luật. Sau đó cô ra đề tài và bắt chúng tôi làm một bài thơ theo thể nầy. Đề tài là Trường Tôi. Thơ Đường Luật rất khó, nào là phải theo bố cục: nhập, thực, luận, kết… rồi phải biết luật bằng trắc, câu đối, niêm… Khó ơi là khó!. Thời hạn nộp bài là một tuần. Trong suốt tuần đó tôi suy nghĩ từng câu của bài thơ. Ăn cũng nghĩ về nó, ngủ cũng nghĩ về nó, khi ngồi xe lam đến trường cũng nghĩ về các câu thơ mà quên cả “người đẹp” đang ngồi trước mặt. Không phải một mình tôi mà các bạn khác cũng khổ vì vụ thơ phú nầy. Cuối cùng tôi cũng làm được một bài. Không hay lắm, chỉ đúng luật mà thôi. Tuần sau trả bài lại thì thấy bài thơ của tôi là bài thơ Đường luật duy nhứt của lớp. Còn các bạn khác không có đứa nào “rặn” ra nổi bài thơ Đường luật nào hết. Bạn Trần công Hảo có bài thơ tả ngôi trường nhưng theo thể tự do. Thế mới biết làm thơ Đường luật là khó!.
Năm nay chúng tôi học Sử Địa với thầy Nguyễn Thiện Thuật. Phải công nhận thầy Thuật giảng bài về lịch sử rất hay. Thầy giảng như kể chuyện, nên học sử địa với thầy rất lý thú. Thường học sinh chú trọng các môn chánh như Toán, Lý Hoá … Ít ai thích sử địa, nhưng bảo đảm nếu bạn có dịp học với thầy Thuật thì sẽ thích môn nầy. (Thầy là thủ khoa ĐHSP ngành Sử Địa). Nhờ có kiến thức sử địa nên sau nầy khi đi du lịch nhiều nơi trên thế giới tôi ít bị bỡ ngỡ khi tìm hiểu và viết ký sự về các chuyến đi. Tôi còn nhớ hình như Thầy Thuật bị tai nạn xe cộ mà thầy phải băng bột hết một cánh tay (phải) và khi giảng bài thì viết trên bảng bằng tay trái. Chắc thầy phải tập viết rất lâu. Thầy có chiếc xe Yamaha mà xanh mà tôi không nhớ lúc đó thầy bị thương thì đi xe gắn máy như thế nào.
Thầy Vượng dạy Toán và Lý Hoá. Hai môn nầy tôi học rất giỏi. Thầy vui tánh và giảng cũng hay. Thật ra, tụi tôi đã đi học thêm hồi hè rồi nên khi vào học chỉ cần học sơ sơ cũng giải Toán Hình Học “ào ào”. Kỷ niệm mà tôi nhớ về thầy Vượng là thầy biết tụi tôi bắt đầu dậy thì và biết yêu nên cảnh cáo rằng: “Các em còn nhỏ, nhớ đừng có ghiền!”. Chữ “ghiền” ở đây không phải là ghiền xì ke ma tuý, mà là đừng có “mê gái” mà bỏ học. Mỗi lần nói như vậy thì thầy và cả lớp đều cười vui vẻ. Học Toán thật ra cũng hơi nhức đầu. Những câu nói đùa làm cho không khí bớt căng thẳng và học sinh dễ tiếp thu bài vở hơn!.(Riêng câu nói của thầy thì tôi vẫn nhớ tới ngày nay).
Cô Trần Thị Hương dạy môn Vạn Vật. Năm nầy chúng tôi học địa chất. Cô dạy về các loại đá và những biến đổi của võ địa cầu. Sau nầy khi đi du lịch khắp nơi, nhìn những vách đá có từng lớp thì tôi biết ngay là đá trầm tích, còn những loại đá nguyên khối thì là đá magma hay đá hoa cương … Nhớ lần tôi đi du lịch Canada, có dịp đặt chân lên một băng hà, tôi lại nhớ tới bài học về băng hà do cô Hương dạy năm đệ ngũ. Ngày xưa, tôi không bao giờ nghĩ rằng mình có cơ hội đặt chân lên một băng hà như hôm ấy. Cảm giác lúc đó thật là khó tả. Nhiều bạn nữ nói cô Hương làm Tổng Giám Thị bên trường THĐ nữ và rất khó, nhưng tôi thấy cô đẹp mà lại hiền nữa. Chắc tại mình học hành đàng hoàng nên cô đâu có phạt. Ngạc nhiên hơn là sau mấy mươi năm không gặp, khi cô qua Pháp chơi, từ Mỹ tôi có viết thư cho cô thì cô có hồi âm và cho biết cô vẫn nhớ tên tôi cũng như Từ Minh Thạnh, Từ Minh Loan …
Cô Hà Thị Liên dạy Anh Văn. Cô đẹp, nói tiếng Anh đúng giọng và dạy rất hay nên chúng tôi học rất siêng. Nếu cô mở lớp dạy thêm chắc lớp sẽ đầy học trò.

Những kỷ niệm về niên học 1967-1968:
Khánh Ly &Trịnh công Sơn lên hát ở trường Trịnh Hoài Đức:
Chúng tôi học buổi chiều. Sau khi vào học chừng 2 tháng, một ngày kia, khi vào lớp tôi nghe một bạn nói:
-    “Hồi sáng mầy có coi văn nghệ hay không?”
-    “Văn nghệ gì”. Tôi hỏi lại.
-    “Do Khánh Ly và Trịnh Công Sơn hát”.
-    “Họ là ai?” Tôi ngạc nhiên hỏi thêm.
-    “Trời, mầy lạc hậu quá. Hai người nầy là ca sĩ và nhạc sĩ đang lên trong phòng trào sinh viên học sinh”.
Như vậy, tôi đã bỏ qua một dịp rất hiếm là được thưởng thức một chương trình văn nghệ đặc sắc. Mà tại sao không thấy nhà trường quảng cáo gì hết, chắc tại tổ chức bất ngờ và cũng không quảng cáo rầm rộ, sợ chánh quyền biết!. Sau nầy mới biết thêm là trong buổi văn nghệ nầy ngoài Khánh Ly, Trịnh Công Sơn còn có Miên Đức Thắng. Lúc nầy có phong trào hát nhạc phản chiến nên thanh niên, học sinh, sinh viên thì thích, mà chánh quyền thì không. Dù sao, ban giám hiệu của trường mời được những vị nầy đến hát thì cũng ngoại giao rất giỏi vì chắc chắn là hát miễn phí chớ đâu có trả tiền. Trong bức ảnh chụp lưu niệm thì thấy có thầy Nguyễn Trí Lục và Phạm Đức Liên, vậy thì chắc chắn hai thầy nầy là người tổ chức rồi.

Làm bích báo:
Năm nay, trường không tổ chức thi đua làm bích báo nhưng anh em trong lớp đề nghị tôi làm chủ bút cho tờ bích báo mừng xuân Mậu Thân của lớp. Thế là chúng tôi cùng nhau sáng tác và làm được một tờ báo cũng hay. Tôi nhớ bạn Lê Thanh Sơn trang trí bích báo với nhiều con khỉ, con nầy nắm đuôi con kia. Anh nầy (đã mất) và Huỳnh Thanh Hùng là hai người có tài vặt là vẽ khá hay. Báo làm xong, đem lên cho thầy Phạm Ngọc Em ký duyệt và dán ở nhà để xe đạp. Chỉ có một tờ báo cô đơn nên không thấy ai khen hay chê gì hết!.

Thiệp xuân Trịnh Hoài Đức:
Thông thường, cứ mỗi độ xuân về, trường Trịnh Hoài Đức đều thực hiện Báo Xuân. Tôi hoàn toàn không nhớ gì về tờ báo xuân Mậu Thân của THĐ. Năm ngoái, trong khi thực hiện đặc sạn Xuân Giáp Ngọ, tôi nhận được hình chụp thiệp xuân THĐ năm Mậu Thân do bạn Hồ Thị Huyền Chi gởi. Thật quá ngạc nhiên khi thấy trường mình có thiệp xuân năm 1968. Thiệp đơn giản in hai màu đen và xanh lục vẽ hai em bé đang đón mừng những chú bồ câu hoà bình và hàng chữ Xuân Mậu Thân 1968. Trang trong của thiệp có thêm hàng chữ đỏ Trường Trung Học Trịnh Hoài Đức Bình Dương – Cung Chúc Tân Xuân. Cám ơn Huyền Chi đã gởi cho hai tấm hình quý về một mùa xuân với hy vọng hoà bình mà lại đầy biến động.

 
Thiệp xuân Trịnh Hoài Đức – năm Mậu Thân (ảnh của Hồ thị Huyền Chi)

Hội Tết mừng xuân Mậu Thân:
Đầu năm 1968, một hội Tết được tổ chức tại trường. Cách thức tổ chức giống như hội Tết năm ngoái là chia các khối lớp ra thành từng làng và có thi văn nghệ, thể thao, vẽ….
Anh Trịnh Phi Anh, lúc nầy đang là sinh viên kỹ sư Điện (lúc nầy đã là cựu học sinh) về trường chơi. Anh hướng dẫn chúng tôi làm thành một đoàn lân “dã chiến” để đi múa chúc mừng các làng khác. Khoảng 10 giờ, lại thấy có ông tỉnh trưởng xuống thăm viếng và sinh hoạt với học sinh thật vui. Ông không phát biểu gì mà chỉ đến từng ‘làng” để chào hỏi và khuyến khích học tập. Vậy mà tôi nhớ tới ngày nay. Đó quả là một đòn tâm lý rất tốt!
Trước Tết, Thầy Lê Văn Bình đã hướng dẫn và ra đề tài vẽ tranh Tết. Thế là chúng tôi cùng tham gia rất nhiệt tình. Các sáng tác được đem triển lãm ở Phòng Thí Nghiệm trong dịp nầy. Hỏi thầy nói đề giá bao nhiêu thầy nói: 500 đồng. Hôm triển lãm thấy có rất nhiều tranh đẹp, khổ lớn hơn mà đề giá chỉ có 50 đồng. Tôi thích nhứt là bức tranh vẽ cô thiếu nữ đang dạo bước qua một chiếc cầu gỗ cong với tựa đề: Về Quê Ăn Tết. Một số tranh cũng bán được. Còn tranh của tôi thì nhỏ xíu nét bút còn yếu ớt nên không ai mua. Tuy nhiên, ban tổ chức cũng tặng cho chúng tôi nhiều giải khuyến khích. Mỗi giải là một hộp màu nước và vài cây cọ. Tranh chiếm giải nhứt là bức tranh Tết Trung Thu, với nhiều thiếu nhi đang rước đèn.
Sau Hội Tết, chúng tôi được nghỉ Tết, một cái Tết có nhiều biến động.

Trịnh Hoài Đức sau Tết Mậu Thân:
Đầu năm Mậu Thân, chiến sự xảy ra ở khắp nơi. Ngay cả trường Trịnh Hoài Đức Nam cũng là một chiến trường khốc liệt. Đây là nơi hai bên đụng độ cấp tiểu đoàn (vào đêm 3/2/1968) với nhiều thương vong. Sau Tết, đường bộ từ Sài Gòn lên trường bị gián đoạn ở khu Cầu Bình Lợi nên thầy cô không đi dạy được. Thường, sau Tết chúng tôi đi học lại vào ngày mùng 5 Tết thì năm nay mãi tới sau rằm mới tựu trường. Vết tích chiến tranh còn lưu lại trên vách, trên cửa của các lớp học.
Kiểm điểm danh sách lớp thì thấy có vài bạn đã không tới trường nữa. Trong số những người vắng mặt có bạn Nguyễn văn Hoà. Anh đi khu.  Sau năm 1975, anh xuất hiện ở Búng và làm Chủ Tịch Xã An Thạnh. Lúc đó anh có bí danh là Bảy Nam. Sau nầy, anh đã làm tới Tỉnh Uỷ Viên tỉnh Bình Dương. Sau 25 năm thất lạc, năm 2000, khi tôi về thăm nhà thì gặp anh. Tôi không nhìn ra Hoà, nhưng anh ta nhìn ra tôi và nhắc lại tôi là bạn học cùng lớp. Hỏi Hoà nhớ điều gì nhất khi học Trịnh Hoài Đức thì anh nói rằng: “Nhớ nhứt chính là học Anh Văn với cô Liên”.
Nữ sinh qua học bên trường Nam:
Sau Tết Mậu Thân, do mất an ninh nên trường Trịnh Hoài Đức nữ ở Thạnh Bình phải tạm thời đóng cửa. Học sinh phải dời ra học ở trường Nam. Hai lớp đệ ngũ, một học ở Phòng Thí Nghiệm và một học ở thư viện (sửa thành một phòng học nhỏ). Lớp đệ thất, đệ lục phải học bên trường Cộng Đồng. Do học chung nên có vài mối tình đã bắt đầu nẩy nở.

Chuyến du ngoạn Vũng Tàu bất ngờ:
Ngoài việc lo học thì thể thao, nhứt là bộ môn bóng chuyền là niềm ham thích của tôi và các bạn cùng lớp. Chúng tôi thường đi học sớm. Tới trường trước 12 giờ trưa để chơi bóng tới gần 1 giờ mới vào lớp học. Một hôm có người bạn nói:
-    Cuối tuần nầy có đứa nào muốn đi Vũng Tàu chơi hai ngày không? Thứ bảy đi chủ nhựt về, bao ăn uống luôn. Chuyến đi do thầy Nhượng tổ chức. (Lúc đó thầy Nguyễn Trọng Nhượng là người phụ trách Chương Trình Phát Triễn Sinh Hoạt Học Đường – CPS).
Cả nhóm thích quá đều lao nhao nói: “Tao đi”. “Tao cũng đi”.
Nghe vậy, tôi về nhà xin phép má tôi để thứ bảy đi chơi với các bạn. Má tôi lạnh lùng trả lời: “Không được đi. Ra đó tụi bây ham chơi rồi chết đuối hết”. Tối hôm thứ sáu, tôi trằn trọc hoài ngủ không được vì tưởng tượng ra cảnh vui vẻ trên đường du ngoạn. Tôi sẽ thấy núi Bà Rịa, Tôi sẽ thấy biển Vũng Tàu. Ôi biết bao điều mới lạ mà tôi sẽ thấy!
Bạn bè đứa nào cũng đi hết, làm sao tôi có thể ở nhà. Tới trưa ngày thứ bảy tôi … trốn nhà đi theo đám bạn thể thao.
Khoảng 2:30 thầy Nhượng tới và hỏi:
-    “Các em có giấy phép của cha mẹ không?”
Không có đứa nào có, vì thầy đâu có chuẩn bị mẩu đơn để điền gì đâu.
-    “Thôi cũng được. Lỡ rồi biết làm sao”. Thầy ngao ngán nói như vậy.
(Mới đây có tin đoàn học sinh DầuTiếng đi du ngoạn ở Cần Giờ bị nước cuốn đi chết 7 em. Nhớ lại thấy thương thầy Nhượng đã dám “gồng mình” đưa chúng tôi đi du ngoạn xa. Rủi có tai nạn thì thầy phải gánh chịu hết trách nhiệm).
Lúc 3 giờ, một chiếc xe nhà binh của Trường Công Binh tới đón khoảng hơn 30 nam nữ học sinh Trịnh Hoài Đức lên đường du ngoạn Vũng Tàu. Có 4-5 thầy đi theo. Tôi chỉ nhớ có thầy Nhượng và thầy Tích. Chúng tôi dùng băng ghế học trò đem lên xe  làm băng ghế để ngồi. Do đường Tân Ba qua Biên Hoà không an ninh nên xe phải chạy xuống Bình Triệu, vòng qua Thủ Đức, xa lộ Biên Hoà để đi Vũng Tàu.
Khi xe qua khỏi Long Thành, thấy ngọn núi ở gần Bà Rịa thì lòng tôi đã nôn nao. Từ nhỏ sống ở đồng bằng, chưa bao giờ thấy núi nên bây giờ thích lắm. Học địa chất của cô Hương về sự tạo sơn gì đó cũng không bằng hôm nay, tận mắt thấy một ngọn núi như thế nào. Gần 6 giờ chiều, khi gần tới Vũng Tàu, ngửi được mùi gió mặn thì càng thêm náo nức. Tới Bãi Trước, cảnh đẹp quá chừng!. Xe chạy vòng lên Núi Nhỏ, đến Bãi Dứa thì ngừng. Đoàn xuống xe vào trú ngụ tại một căn biệt thự nằm dọc bờ biển. Chiều hôm ấy, chúng tôi tắm ở Bãi Dứa. Bãi có nhiều đá nhưng tắm biển lần đầu tiên trong đời nên rất thú vị.
Sáng hôm sau, chúng tôi được đưa đi tắm biển Ô Quắn và Bãi Sau. Hôm qua mấy bạn nữ còn mắt cỡ nên chưa tắm. Hôm nay thấy đám con trai vui quá nên cũng xuống biển luôn, tới giờ về thầy gọi mãi mới chịu lên.
Khởi hành từ Vũng Tàu lúc 2 giờ trưa. Về tới Bình Dương lúc 5 giờ chiều. Tới nhà cứ sợ má tôi sẽ đánh đòn, nhưng bà cũng không nói gì. Riêng tôi thì có một kỷ niệm đầy vui vẻ và nhớ hoài.

Kết thúc niên học 1967-68:
Niên học kết thúc cuối tháng 5/1968 trong khi chiến sự vẫn còn âm ỉ. Năm nay tôi học giỏi, qua mặt Nguyễn Hữu Hiệp và Nguyễn Đình Dũng và chiếm hạng nhứt trong số 48 học sinh. Thầy Thuật phê trong học bạ: “Học giỏi, ngoan ngoản và sinh hoạt học đường rất tốt”. Do chiến sự đang ác liệt nên nhà trường không tổ chức lễ phát thưởng. Ngoài ra, sau Mậu Thân, không thấy thầy Bé Tám làm việc hay dạy nhạc ở trường nên không có các chương trình tập văn nghệ hay ca hát gì cả.
Niên học 1967-68 kết thúc một cách thầm lặng trong sự bất ổn của chiến tranh./.