Một chuyến đi nhiều kỷ niệm

Ngọc Sương - k12

              
Lễ Độc Lập (July 4th ) hai năm trước, tôi có duyên được chào đón đoàn Cựu Học Sinh Trịnh Hoài Đức từ Nam Cali đến tham quan cầu Golden Gate - một thắng cảnh thế giới của thành phố San Francisco. Và sợi dây liên kết trong đại gia đình trung học Trịnh Hoài Đức Bình Dương đã thôi thúc tôi quyết tâm đi dự đại hội kỳ 3 năm 2014 được tổ chức tại Nam California.
Ngày July 4th năm nay, tôi khởi hành từ "Thành Phố Sương Mù" (tên một bản nhạc của nhạc sĩ Huỳnh Anh viết về thành phố San Francisco). Sáng hôm nay trời trong, nắng ấm áp (có lẽ ông trời đãi ngộ chăng !). Tôi chỉ đi bộ khoảng 15 phút thì tới trạm xe đò Hoàng. Thật ra, đó là nhà hàng McDonald's. Hành khách nào đến sớm thì vào tiệm mua một ly cà phê, vừa nhâm nhi, vừa có chỗ ngồi an toàn, chờ đợi xe đến. Khoảng 6 giờ sáng hành khách đã tập trung khá đông ở góc đường Golden Gate và Van Ness … Sau khi đón khách ở San Francisco, xe chạy qua thành phố Oakland để rước tiếp một số khách rồi bắt đầu thẳng hướng về miền Nam Cali. Khoảng 90% hành khách là người Việt trong đó có nhiều người từ Việt Nam du lịch sang Mỹ, rồi từ Bắc Cali đi thăm Nam Cali… cho nên không khí trên xe rất thân mật, vui vẻ … Xe chạy boong boong … Trước lạ, sau quen bởi vì mình là những người Việt sống trên đất người cho nên chẳng bao lâu thì tâm tình bắt đầu cởi mở…. Trong dịp này tình cờ tôi quen được một người bạn của thầy Nguyễn Thuận Nhờ, thuở còn là học sinh trung học Petrus Ký, tạm gọi là thầy Đán - hiện đang du lịch ở Mỹ…. Qua thầy Đán tôi được biết thầy Nhờ có hai con trai học Đại Học Bách Khoa… Tự nhiên trí tôi tưởng tượng ngược dòng thời gian trở về với giờ học toán lớp đệ ngũ với thầy Nhờ. Tôi còn nhớ những bài toán mà thầy Nhờ đã dạy như về phương trình bậc nhất … "điều kiện để phương trình ax+b=0 có nghiệm số là a phải là một số khác zero...", và hầu như giờ toán nào thầy cứ lập đi lập lại cụm từ: "May cho tôi."... . Đám học trò tỉnh lẻ miền Nam chúng tôi không phân biệt được hai tiếng "May" và "Mai" hình như cũng thoang thoáng biết được ẩn tình của thầy ngày ấy... Thầy Đán còn cho biết - theo lời tâm sự của thầy Nhờ với thầy Đán: " ..Tôi đã học làm thơ tình và cưới được vợ…”. Em xin lỗi thầy nhé vì đã tiết lộ chi tiết này - cho dzui tuổi già mọt chút mà thôi.
Đây là lần đầu tiên tôi đi xe đò Hoàng - một dịch vụ di chuyển của người Việt khá lớn chẳng thua kém với công ty xe Gray House của Mỹ. Xe rộng rãi thoải mái, giá vé cũng vừa túi tiền. Khoảng hai giờ chiều, xe bắt đầu vào thành phố Los Angeles và trạm đầu tiên để thả khách xuống là khu Phố Tàu (China Town). Khoảng ba mươi phút sau đến trạm thứ hai là chợ Thuận Phát; và hai mươi phút nữa thì đến trạm cuối là chợ ABC thuộc thành phố Westminster. Đây là một trong những trung tâm thương mại khá lớn của người Việt ở Nam Cali; bao gồm nhiều dịch vụ khác nhau như địa ốc, thẩm mỹ viện, phòng mạch của bác sĩ, văn phòng luật sư, kế toán, khai thuế, nhà thuốc tây, trung tâm băng nhạc… của người Việt ở Nam Cali. Kiến đã cắn bụng, tôi đảo mắt tìm kiếm cửa hàng phục vụ bao tử… Đủ thứ bạn ơi. Nào là bánh ướt Tây Hồ, bánh cuốn Bắc Ninh, giò chả, phở, chè Hiển Khánh Đa Kao. Thêm vào đó là các cửa hiệu trái cây Việt Nam bán nào là mít, sầu riêng, chôm chôm, nhãn, xoài, thanh long, chuối sứ, măng cụt, mãng cầu nhìn mà chảy nước miếng… Tôi bước vào cửa tiệm cơm tấm Thuận Kiều bởi vì cơm là món ăn chính của chúng ta, ăn cơm cho chắc dạ đó mà...
Sau khi về đến khách sạn, việc đầu tiên là tôi liên lạc với anh Toàn và chị Cảnh để nhờ sáng mai anh chị cho tụi em quá giang đến nơi họp mặt nhưng may mắn thay sáng hôm sau tôi tình cờ gặp anh Thân, chị Dung và chị My ở phòng ăn sáng của khách sạn Best Western. Các anh chị từ Texas đến… Thế là tôi nhanh nhẩu xin quá giang xe ngay… và một điều làm em cảm động khi anh Toàn đến nơi họp mặt là nhà hàng Emerald đã hỏi ngay: "Cô Sương đã đến chưa ạ?”. Em xin chân thành cám ơn anh Toàn .
Như thế là mơ ước được gặp lại thầy cô và các anh chị em trong đại gia đình Trịnh Hoài Đức Bình Dương sau hơn 40 năm trôi qua đã trở thành sự thật… Những ánh mắt, gương mặt  ngày xa xưa đã theo năm tháng tàn phai đến nỗi mặt đối mặt mà chỉ mang máng là ai… Nhưng những tâm hồn này bỗng dưng tươi trẻ lại với những câu chuyện thuở học trò… Tôi ngạc nhiên khi thấy chị My đang khoe những tấm hình cũ hồi học Trịnh Hoài Đức của khóa 8 mà trong đó lại có ... tôi. Thế mới lạ.. Đang huyên thuyên nói chuyện với các chị khóa 8, khóa 9… Một anh phó nhòm :
- Rồi! Các anh chị đứng xích xích gần nhau chút xíu đi, tôi chụp vài tấm hình kỳ niệm.. Ai muốn có hình, cho tôi địa chỉ email, tối nay tôi gửi cho…
- Tôi trông anh quen … Ở Bình Dương anh ở khu nào?
- À! Tôi tên là Tống Anh Dũng - khóa 9, tôi ở xóm chùa Đức Sơn… còn cô?
- Em là Ngọc Sương khóa 12, em ở xóm Giếng Máy… Em có đọc một vài bài viết của anh trên “Sổ Tâm Tình” trang nhà Trịnh Hoài Đức…
-Thôi! Tôi ngưng rồi cô ạ! À, nhà cô có gần khu vườn mít nhà ông chủ xe đò Bình Dương -Sài Gòn không?. Hồi đó tôi thường đi gánh nước ở mội nước cạnh đó.
- Dạ, đúng rồi anh.
Thế là gặp lại ông anh hàng xóm thứ hai (sau anh Luân Hữu Đức - khóa 3) trên đất khách quê người. Không chừng hồi đó anh em mình đã có vài lần cải vã trong việc xếp hàng lấy nước từ dưới “mội”nước (đó là một mạch nước) vào những giờ đông người…
Thầy giáo đầu tiên mà Ngọc Sương được diện kiến là thầy Nguyễn Kim Long- giáo sư dạy toán trường Bồ Đề. Dù thầy không dạy ở trường Trịnh Hoài Đức nhưng hầu hết học sinh Trịnh Hoài Đức đều là học trò của những lớp toán mùa hè mà thầy đã bổ sung những khiếm khuyết của tụi tôi. Riêng tôi, sau một khóa học thêm toán vào hè năm 1969, tôi cảm thấy tự tin và thích học giờ toán hơn so với trước đó. Có một sự kiện mà tôi không bao giờ quên được là phương pháp dạy của thấy; sau định nghĩa, một vài thí dụ , tiếp theo là một loạt bài tập, thầy chấm bài ngay và bài sửa để học trò xem lại bài làm của chính mình và theo đó thầy theo dõi tình hình học tập của học sinh. Sau bài tập đầu tiên thầy hỏi:
- Em Sương là em nào?
- Dạ, em là Sương. Tôi giơ tay lên.
- Lên lấy bài về sửa đi em. Thầy nói như vậy.
Giờ học toán tiếp theo, thầy chỉ tôi và bảo lên bảng sửa bài… Teo ruột… Thầm nghĩ đã dốt toán mình mới đi học thêm ai ngờ phải gánh thêm phiền phức…. và sau khi lấy lại căn bản về toán tôi đã thầm cám ơn những cái phiền phức này của thầy. Thêm một bài học ghi nhớ suốt đời. Đó là bài học về “căn số bậc hai”. Thầy thường hỏi học trò những câu hỏi lắt léo mà học trò dễ mắc sai lầm.
- Căn số bậc hai của 1 là mấy? Thầy hỏi.    
- Tụi tôi trả lời: "là 1".
- Thầy: "Đúng! Căn số bậc hai của 4, 9 là mấy?"
- Học trò: "là 2, là 3".
- Thầy: "Giỏi"! Vậy căn số bậc hai của 10 là mấy?”
- Học trò: " là 1".
- Thầy: "Coi chừng méo miệng nhé! Có những số như 6, 10 không rút ra được căn số bậc hai nguyên mà là những con số lẻ rất nhiều, gọi là số vô tỉ. Để dễ nhớ người ta có đáp số vẫn là căn 6, căn 10…".
Vậy mà ba năm sau đi thi tú tài 1, tôi đã giải bài toán vật lý với đáp số là căn 10=1… Tôi lo lắng dữ lắm. Tôi luôn thầm nghĩ: "Kỳ này chắc không những méo miệng mà còn méo mặt nữa bởi vì đó là  khóa thi cuối cùng của tú tài 1 ( năm 1972 )…" Tâm trạng bất an kéo dài cho đến ngày xem kết quả thi tôi mới xả được cái lo âu mà tươi cười… Đúng là hú hồn hú vía!.
Nhìn về bàn dành riêng cho các thầy cô, tôi nhận ra thầy hiệu trưởng Nguyễn trí Lục. Thầy vẫn hiền hòa, trầm tĩnh như người cha tinh thần lo lắng, dìu dắt học sinh THĐ như thuở nào. Nhớ lại những năm 1966, 67, 68… Thỉnh thoảng thầy lái xe hơi qua trường nữ xem xét tình hình dạy và học… Một hôm thầy bước vào lớp 7 A2 , vì lúc đó lớp vắng thầy giáo dạy Anh Văn nên hơi ồn ào. Sau một vài câu hỏi thăm tình hình, thầy gọi lớp trưởng và trưởng ban học tập dặn dò… Sau đó dưới sự điều động của 2 bạn, lớp tổ chức trò chơi đố vui ngữ vựng Anh Văn. Lớp được chia làm 3 nhóm ; mỗi nhóm sẽ có những tình nguyện viên… thí dụ:
-Nhóm 1 (N1), một bạn cho một chữ cái (alphabet), thí dụ chữ T.
-Nhóm 2 (N2), một bạn cho một chữ cái, thí dụ chữ E.
-Nhóm 3 (N3), một bạn cho một chữ cái A và giải đáp TEA = TRÀ (Noun).
-N1, tôi không ngừng ở chữ TEA, cho thêm một chữ cái C.
-N2, tôi cho thêm chữ cái H và giải đáp TEACH = DẠY HỌC (Verb = Động từ).
-N3, tôi cho thêm chữ cái E.
-N1, tôi cho thêm chữ cái R và giải đáp TEACHER = THẦY GIÁO (Noun= Danh từ).
Và theo đó chúng tôi tìm ra những từ mới… rồi từ những từ này chúng tôi ghép lại thành cụm từ: "Today, our teacher is absent" ( Hôm nay, thầy giáo chúng ta vắng mặt ). Từ đó, trò chơi này phổ biến hầu như mỗi ngày trước giờ học trong những nhóm 2 hoặc 3 học sinh…. Ngày ấy, tôi chỉ biết thầy Nguyễn trí Lục là hiệu trưởng trường Trịnh Hoài Đức; ngày nay nhờ đi họp mặt cựu học sinh THĐ mà em biết thêm thầy còn là giáo sư dạy Vạn Vật, và phu nhân của thầy là cô Hà Thị Liên, giáo sư dạy Anh Văn…
Các thầy cô từ từ đến khá đông, tôi nhìn ra thầy Phạm đức Liên - vẫn phong cách ồn ào, hoạt bát như xưa. Rồi bạn Lý Thường (khóa 12) đến chào thầy, tay bắt mặt mừng, một vài lời thăm hỏi… Thầy còn nhớ Lý Thường có biệt hiệu là Thường "Thái Lan". Thầy còn nhờ một anh phó nhòm chụp một tấm hình với thầy và hai CHSTHĐ - khóa 12 từ thành phố San Francisco đến, nhưng cho đến nay Ngọc Sương chưa nhận được hình ảnh này trên trang mạng hình ảnh sinh hoạt của trang nhà Trịnh Hoài Đức. Xin anh phó nhòm nào đã chụp hình hôm đó cho Ngọc Sương xin ạ!..
A! Đây rồi, thầy Lê đức Cửu. Thầy từ VN sang. Ở tuổi gần 80 mà giọng nói, phong cách của thầy vẫn như ngày xưa. Phải học ở thầy một nhân sinh quan sống rất là hay: Lúc nào cũng vui vẻ, tươi trẻ, yêu đời… Qua tâm sự thầy bảo: "Thầy rất là hạnh phúc trong chuyến đi này! Được gặp lại đồng nghiệp, học trò ngày cũ và đặc biệt nhìn thấy sự thành công của các em trong cuộc sống… Đó là niềm vui lớn của các thầy…’’.
Chợt nhớ lại những kỷ niệm của nhóm bạn 10A2, 11A2 và 12A3 khóa 12. Mỗi khi thấy thầy Cửu đậu chiếc xe vespa xanh da trời dưới những tàng cây điệp vàng khoảng giữa văn phòng và công viên nhỏ là tụi em tiến đến nói ba láp, ba xàm:
- Hôm nay thầy có giờ dạy ở trường nam hả thầy?
- Thầy dạy lớp mấy? hoặc…Thầy dạy mấy lớp..?
Để rồi sau đó một bạn lên tiếng: "Thầy ơi! Tụi em muốn đi uống nước mía nhưng hết tiền rồi…". Thế là thầy mở cái ví ra lấy tờ giấy bạc ….$ và nói:
- Nè! Các em cầm….$ đi uống nước mía xong rồi vào lớp học nhé!.
Thế là cả nhóm tụi em kéo qua quán nước của dì Ba phía bên kia đường trước cổng trường THĐ nam… Ở đó có cả bánh mì, bánh ú, bánh tét chuối, bánh ngọt, chuối, cà phê, đá chanh, kem chuối và nước mía … Em xin đại diện nhóm bạn ngày xưa xin cám ơn thầy với những ly nước mía ngọt ngào đậm đà tình thương của thầy.
-Đã đến giờ khai mạc, xin mời quí thầy cô và các anh chị em cựu học sinh Trịnh Hoài Đức ổn định chỗ ngồi”… Lời tuyên bố của anh hội trưởng Nguyễn văn Diệp…
Sau phần nghi thức của buổi lễ là phần giới thiệu các thầy cô và các cựu học sinh đến từ các quốc gia trên thế giới như: Thụy Sĩ, Canada, Úc Đại Lợi… và cả từ Việt Nam đến. Tiếp theo là các cựu học sinh và thầy cô từ các tiểu bang khác trong nước Mỹ… Tôi nhìn ra thầy Trần văn Em dạy triết, cô Đặng Ngọc Liên dạy toán… Trong khi đó lại không nhận ra bạn Bùi thị Bích Liên, một người đẹp và chính là em gái thầy Bùi thế San, bạn học cùng lớp 9A2… từ Texas đến… cho đến khi có người nói cho biết. Mấy mươi năm rồi còn gì!
Vỗ nhẹ trên vai thầy Trần văn Em, tôi mừng rỡ vội nói: "Em nhìn thầy mãi mà không nhận ra… Thầy khỏe không?. Em là Ngọc Sương khóa 12 niên học 72-73. Ngày học cuối cùng của lớp 12A3 thầy có xem chỉ tay nhóm bạn K, O, S, N… mà ngày nay tụi em nghiệm thấy đúng. Bây giờ thầy xem cho em một quẻ hậu vận nha…”.
-Thôi! Thôi! . Nghề xem bói giờ hết linh rồi, xem không có đúng nữa đâu…”
Trông thầy vẫn “khỏe vì nước kiến thiết quốc gia, đoàn thanh niên ta góp tài ba…’’, và phong độ sinh hoạt văn nghệ, quân sự học đường, thể thao… còn sung mãn lắm… dù thầy gần bước vào tuổi thất tuần… Rồi hoạt cảnh văn nghệ “ 24 giờ phép” chỉ được thảo luận giữa thầy và chị Lâm Kim (CHS-khóa 9 từ Thụy Sĩ qua) chỉ khoảng từ 5’đến 10’ nhưng đã góp phần sôi nổi cho không khí văn nghệ hôm ấy…
Và đây rồi, vị nữ giáo sư dạy toán cho khối lớp đệ thất, đệ lục của khóa 12 (niên khóa 66-67; 67-68…) trường nữ Trịnh Hoài Đức là cô Đặng ngọc Liên... Gần nửa thế kỷ mới gặp lại cô… Nếu như tình cờ cô trò mình gặp nhau nơi công cộng chắc em không biết cô đã từng là cô giáo của em… Ngày ấy em thuộc loại học sinh dốt toán nên sợ học giờ cô lắm. Đến năm lớp đệ lục sau khi nghỉ hậu sản thì cô không còn dạy Trịnh Hoài Đức nữa… Theo lời cô kể trên chuyến xe đi tham quan San Diego… Cô nghỉ dạy về Sài Gòn học về điện toán và sau đó cô làm việc cho công ty điện lực… Tôi còn nhớ cô là nữ giáo sư đầu tiên lái xe hơi đi dạy và thường hay cho các giáo sư khác như cô Tính, cô Thảo, cô Liễu, cô Lệ...  quá giang về Sài gòn…
Kết luận: Đây thật là một chuyến đi đầy ý nghĩa và nhiều kỷ niệm. Tôi đã được gặp gỡ các thầy cô, các anh chị em trong đại gia đình Trung Học Trịnh Hoài Đức Bình Dương. Điều nầy làm cho tôi có cảm tưởng như mình có dịp về Việt Nam thăm lại ngôi trường thân yêu 40 năm trước nơi mình được giáo dục nên người…Một lần nữa xin cám ơn ban tổ chức đã bỏ rất nhiều công sức cho đại hội kỳ 3 thành công tốt đẹp, cám ơn anh Thân và chị Dung - CHS khoá 8 và cũng không quên cám ơn ông xã Ngọc Sương đã nhiệt tình hổ trợ cho Ngọc Sương trong chuyến đi này. Kính chúc các thầy cô, các anh chị em trong đại gia đình Trung Học Trịnh Hoài Đức Bình Dương một năm mới Ất Mùi được nhiều sức khỏe và vạn sự tốt lành. Hẹn gặp nhau trong đại hội kỳ 4 - 2016.
(San-Francisco, ngày 31 tháng 12 năm 2014)