Lễ hội Chùa Bà Thiên Hậu
Ngô thị Nguyệt
Cỗ xe thời gian vẫn đều đặn
lăn bánh. Ngày Tết cổ truyền của dân tộc đang còn lưu luyến chưa vội
qua đi trong lòng người phố Thủ thì những ngày tháng giêng đáng yêu lại
đến theo chu kỳ. Mọi người khắp các tỉnh thành đều hân hoan, chờ đợi
chào đón lễ hội chùa bà Thiên Hậu tại trung tâm thành phố Thủ Dầu Một
với tâm trạng náo nức, rộn ràng.
Người đến chùa Bà cúng
bái và nhang khói nghi ngút không lúc nào ngớt. Đặc nghẹt. Chen chúc.
Từ những giờ phút thiêng liêng của ngày khởi đầu năm mới, các tín đồ
khắp nơi đã đổ xô về thắp hương dâng Bà. Không khí sôi động, ồn ào diễn
ra liên tục đến ngày rằm tháng giêng. Các trường tiểu học, trường cấp
hai tại trung tâm thành phố Thủ phải tạm đóng cửa trong ngày rằm để
tránh những va quẹt đáng tiếc do đi lại có thể xảy ra.
Chiều ngày rằm tháng giêng, lễ rước Bà diễn ra
thật là long trọng. Trong phạm vi năm sáu cây số các ngã đường vào chùa
Bà, hầu như tất cả các xe nhỏ, xe lớn đều bị chặn lại nhường đường cho
người đi xe máy và người đi bộ. Quen thuộc và thân yêu lắm hình ảnh
khách vừa xuống xe đã lần lượt sóng bước bên nhau, trên tay ôm hoa
trái, nhang đèn, dầu ăn, khênh cả lợn quay… cùng nhau hướng về nơi sùng
kính mà tiến bước. Ấn tượng nhất là từng đôi, từng cặp đèo nhau trên xe
máy, một tay ôm chặt người thân, một tay giơ cao cây nhang to đùng có
đính những cánh hoa giấy kiếng màu vàng óng bay bay trong làn khói mỏng
manh lan tỏa…, hoặc tay họ nâng một vài cành hoa huệ trắng dành mang về
nhà cắm vào nơi trang trọng nhất với niềm tin một năm mới sẽ được đón
nhận nhiều phúc lộc và may mắn. Chao ôi! Một ngày lễ hội tưng bừng,
đông vui hết mực khiến cho người tham dự cũng cảm thấy sung sướng, tự
hào.
Vào được đến sân chùa Bà cũng khá
là vất vả. Mọi người phải nhích từng bước, từng bước một. Trước mặt ta
chỉ toàn khói nhang và đầu người. Cùng hướng vào đại sảnh tất cả mọi
người đều yên lặng chắp tay ngang ngực, mắt nhìn về cõi xa xăm nào và
miệng thì lâm râm khấn nguyện. Không gian như lắng đọng lại. Thinh
lặng… Có cái gì thật hư vô, hư vô… Rồi sau đó họ cùng nhau đi từng bàn
thờ dâng lễ vật cúng bái và khấn nguyện, cắm nhang, rồi cùng nhau xin
lộc: lộc hoa, quả, lộc vàng, lộc tiền, gạo, trầu cau … trong một không
khí đầy trang nghiêm và ấm cúng.
Thoát ra ngoài khuôn
viên chùa, từng đoàn người bị thức ăn, đồ uống thơm lừng dọc theo hai
bên đường quyến rũ nên cùng nhau dừng lại nghỉ chân, ăn uống, trò
chuyện giải lao lấy sức để đi sang chùa Ông, chùa Tây Tạng, chùa Hội
Khánh và nhiều chùa lân cận như chùa Bửu Nghiêm, chùa Phổ Thiện Hòa,
chùa Phước An, chùa Đức Sơn, Chùa Phổ Tịnh… Tiếp theo, dòng người lại
chạy dọc theo đường Cách Mạng Tháng Tám lên viếng chùa Phật Học (Ngã tư
Chợ Cây Dừa) rồi thẳng lên chợ Bưng Cầu cách chùa Bà khoảng năm bảy cây
số để viếng các chùa chiền nơi đó. Đông nghịt là thời điểm rước Bà vào
khoảng ba giờ chiều ngày rằm. Biển người ào ạt từ khắp các nẻo đường
hướng về chợ Thủ, nơi mà lịch trình kiệu Bà sẽ đi qua. Họ tranh nhau
giành chỗ đứng để được tận mắt chứng kiến cảnh đoàn người đi cộ rước Bà
vòng quanh chợ Thủ.
Các đoàn múa lân (dân Bình
Dương gọi là múa cù) khắp nơi tề tựu về đây mỗi năm một nhiều. Họ múa
biểu diễn rộn ràng khắp phố chợ từ những ngày đầu tháng giêng đến ngày
rằm. Hiện tượng nghẹt đường trong những ngày trước rằm là thường xuyên
xảy ra bởi đâu đó tiếng trống lân inh ỏi vang lên hấp dẫn, mời gọi mọi
người đến xem Rồng uốn lượn, Hẩu vái lạy, Lân múa say sưa, ông Địạ
giương mắt và nhảy nhót làm trò. Tất cả đều tràn ngập khí thế tưng bừng
nhằm xua đuổi mọi thứ còn u uất, lạnh lẽo, trì trệ cuả năm cũ để chào
đón một năm mới với những khởi sắc mới, mọi sự tốt lành mới.
Ai chưa có dịp đến thăm Bình Dương
hoặc không đến đúng dịp rằm tháng giêng sẽ phải tiếc nuối thở dài, vì
đã bỏ qua cơ hội được tận mắt chứng kiến cảnh lễ hội chùa Bà, cảnh rước
Bà Thiên Hậu dạo quanh thành phố long trọng và hoành tráng đến thế nào.
Hơn 40 đoàn Lân từ nhiều nơi hội tụ về. Đến giờ rước Bà đi dạo, đoàn
Lân thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu tiếp theo là đoàn Lân Thành Phố Thủ
Dầu Một múa mở đường thật là long trọng. Bốn người khỏe đẹp, tề chỉnh
sắc phục khiêng Kiệu Bà, kế đến là các xe hoa: nào là xe hoa chở Thánh
Gióng cưỡi ngựa, xe hoa chở ba ông Phước Lộc Thọ, xe hoa chở các em nhỏ
rải kim tuyến, tiếp theo là Lân, Rồng của các đoàn cùng đi cộ, sau đó
là đoàn người gánh bông với các cô thiếu nữ trẻ trung duyên dáng, rồi
các đoàn Lân theo thứ tự mà nối gót múa những điệu thật đẹp trong tiếng
trống kèn vang dội. Các ông Địa thì gương mặt luôn tươi cười, một tay
sờ bụng, một tay phe phẩy quạt, nhảy nhót làm trò thật ngộ nghĩnh như
thăm hỏi, chào sơ giao với mọi người. Trống kèn inh ỏi nổi lên, Lân múa
say sưa, Rồng uốn lượn những điệu đẹp hộ tống kiệu Bà đi dạo các đường
phố tại trung tâm chợ Thủ Dầu Một với những khúc múa nhịp nhàng, ẻo lả,
điệu đàng đầy hào khí. Ấn tượng nhất là những ông Rồng uốn lượn luôn
tỏa rạng cái linh thiêng đầy uy lực, cái quyền quý cao sang, cái
kiêu sa oai dũng. Ôi chao! xem đến hoa cả mắt, ù cả tai đến hơn 3 tiếng
đồng hồ mà tiếng trống lân vẫn chưa ngớt. Rồng thì đủ sắc
màu, nào là Rồng vàng óng ánh kiêu sa, nào là Rồng hồng đào, Rồng năm
màu, bảy màu, Rồng to Rồng nhỏ, đủ kiểu đủ màu sặc sỡ. Kiệu Bà kia rồi.
Bốn người khỏe đẹp, tề chỉnh sắc phục khiêng Kiệu. Phía trước kiệu là
lư nhang. Mọi người gởi những cây nhang vào cắm trên lư hương và nhân
lại những cây nhang khác từ đó để đem về cắm trên bàn thờ ở nhà... Sau
kiệu bà luôn luôn có đoàn lân hộ tống.
Mọi người đông đảo, chen chúc để
xem Cộ Bà. Đặc biệt là giữa biển người đen nghẹt và sát rạt ấy lại
không nghe một tiếng than van nào về cái nắng gay gắt, cháy da giữa
rừng người nhấp nhô. Dường như mọi người quên hẳn những giọt mồ hôi túa
ra đến ướt cả áo, cay cả mắt, mặn cả môi… Hội chùa Bà là đông vui,
hoành tráng như vậy đó, đáng nhớ như vậy đó. Ấn tượng và cảm xúc mỗi
năm một mới đến với chúng ta thật là khó quên…