Kỷ Niệm Trường Xưa

Huỳnh Thanh Hùng

Thuở ấy

 

Năm 1965 mình nhập học trường Trịnh Hoài Đức với niềm kiêu hãnh vì được thi đậu vô trường công lập duy nhất của tỉnh Bình Dương thời ấy. Giáo sư Nguyễn Trí Lục là Hiệu Trưởng của trường. Năm ấy mình học lớp Đệ Thất A5 với sinh ngữ chính là Anh Văn.

Trường có hai nơi để theo học, nam thì học tại trường ngoài quốc lộ, nữ thì học ở trường Nữ, từ Chợ Búng đi lên khoảng 100 mét rẽ tay mặt đi vào non cây số nơi trước gọi là Ấp Thạnh Bình. Học sinh nam mặc sơ mi trắng quần dài xanh dương hay đậm, nữ áo dài trắng quần dài trắng hoặc đen còn giày dép không bắt buộc, chỉ có học sinh nam phải bỏ áo vào trong quần và cả nam nữ phải có phù hiệu của trường trên túi áo. Phù hiệu là vải trắng thêu máy ngang khoảng 4cm cao khoảng 2cm, tên trường thêu đỏ còn lại thì chữ nhỏ hơn màu xanh dương.

Thời gian ấy được mang danh là học sinh trường Trịnh Hoài Đức là niềm hãnh diện của phụ huynh lẫn học sinh toàn trường. Còn một trường trung học công lập nữa ở xã Phú Mỹ là trường trung học An Mỹ nhưng tiếng tăm và thành tích không bằng. Nếu thi rớt không đậu vào hai trường công thì còn các trường tư thục là Nghĩa Phương và Bồ Đề ở Thủ Dầu Một. Lái Thiêu có trường tư thục Thống Nhứt sau đổi lại là Trường Khai Trí. Vài năm sau lại có Trường Bán Công, sau đổi là trường Phan văn Hùm. Học ở các trường này học sinh phải đóng học phí từng tháng. Cạnh trường Nam Trịnh Hoài Đức còn có Trường Nông Lâm Súc dạy hơi khác với chương trình trung học phổ thông.

Vì vậy được học ở trường Trịnh Hoài Đức là niềm mơ ước của tất cả học trò lớp Nhất bậc tiểu học vì phải khá giỏi mới thi đậu vào trường chứ ngày xưa không có chuyện lót tay hay gởi gắm đâu nhé. Trong trường giàu nghèo lẫn lộn vì học khá mới qua nổi kỳ thi tuyển vào lớp đệ Thất của Trường.

 

Với số lượng học sinh của hai trường Trịnh Hoài Đức và trường Nông Lâm Súc thì khu vực chợ Búng là cái nôi giáo dục của Tỉnh Bình Dương. Từ sáng đến chiều, lũ lượt từng đàn học sinh đến rồi về như đàn ong làm cho khu vực này là một bức tranh sinh động, hoạt náo và thơ mộng mà tất cả học sinh cũ nay tuy đã già nhưng vẫn còn hoài niệm về tuổi học trò.

 

Về trường cũ


     Một mình rảo bước theo tường rào, trường vẫn còn đó nhưng khang trang, đẹp hơn xưa rất nhiều. Vài cánh phượng rơi theo gió làm lòng mình sống lại những kỷ niệm ngày xưa.
Không gì đẹp bằng cảnh tan trường, những áo trắng ùa ra cổng như một đàn bướm trắng bay đầy theo hai bên đường thật thơ mộng. Bên trường THĐ Nữ còn tuyệt vời hơn với những tà áo dài bay bay theo gió như những dải lụa mềm trên con đường nhỏ mà hai bên là ruộng rẫy tươi màu xanh lá.

Ồn ào, náo nhiệt hơn chính là ở bến xe Chợ Búng. Có bạn tụ năm tụ ba kéo vào ăn đậu xanh đậu đỏ bánh lọt với đá bào hay ly xi rô đá màu xanh bạc hà, đỏ, hay cam và vui đùa đủ mọi chuyện sau buổi học. Trước chợ những tốp học sinh chen chúc lên xe lam, xe đò để về Bình Dương hoặc Lái Thiêu. Một ít bạn có xe gắn máy cũng tung tăng mau chóng chạy về nhà trên những chiếc xe Suzuki, Mobillete, Goebel, Push, Honda Dame … thời kỳ đó. Chợ Búng rộn rịp chừng nửa tiếng là trở về im ắng như thường lệ.

Đến ngồi trên thềm mà ngày xưa là Phòng Giám Thị và Phòng Hiệu Trưởng, mình lại nhớ thêm nhiều chuyện buồn vui khi còn đi học tại Trường Trịnh Hoài Đức này. Cảnh vật đã nhiều đổi thay theo năm tháng mà mình vẫn tưởng như mới ngày hôm qua, nhất là dịp cắm trại Tết năm Đệ Lục. Toàn khu vực sân trước Phòng Thí Nghiệm cho đến sau dãy lầu lớp học là nơi dành cho dựng trại. Trại được phân chia theo từng phân lớp. Đệ Thất các lớp sẽ là trại Liên Thất. Lớp mình ở trại Liên Lục. Với nhiệm vụ là Trưởng Ban Văn Nghệ mình được phân công trang trí cổng trại cùng Thầy Lê văn Bình (dạy môn Vẽ). Thế là với tất cả năng khiếu, mình đã nắn nót tên cổng trại thật đẹp: Liên Lục. Lúc đó, cô Liên dạy Anh Văn là hoa khôi của các giáo sư toàn trường. Tụi mình cứ mời cô chụp hình trước cổng trại. Không biết cô có biết ý của đám trẻ lúc đó ghép đôi cô với thầy hiệu trưởng hay không?. Trại Tết năm đó thật vui, sân khấu được kê sau phòng Hiệu trưởng và trước nhà để xe hướng mặt ra các Trại. Nào ca nhạc, thể thao, báo tường … Ôi thôi đủ hết. Trước cổng trại Liên Lục có thêm phần nổi bật với hai câu đối tếu do chính tay Thầy Bình vẽ:

 

Pháo nổ đì đùng vang đích đít Bố.

Heo kêu í éc điếc tai Ông.

 

Cả ngày vui chơi thi đua toàn trường, bây giờ ngồi đây ôn lại rồi tự mình mỉm cười vì nhớ lại những niềm vui thuở học trò. Buổi sáng đó còn rộn ràng hơn khi có một chiếc máy bay L19 lượn quanh trường. Bà con xì xào bàn tán thì ra do một cựu học sinh của Trường lái ngang sà xuống vẫy tay chào toàn trường.  Những niềm vui không phai nhoà theo cuộc sống, biết đến bao giờ được gặp lại tất cả thầy cô và bạn bè thân thương xa xưa đó. Gửi những ý tưởng của bài viết này đến với tất cả mọi người đã theo học tại trường Trịnh Hoài Đức Bình Dương. Bạn và tôi tóc đã bạc dần theo mong đợi, kẻ còn người mất và ít người ở tận phương xa. Nếu tình cờ đọc được những ý tưởng nhỏ nhoi này xin hiểu cho mình là vẫn còn một học trò, một người bạn vẫn còn nhớ đến trường xưa.

 

Tuổi Ngọc


     Ngày tháng theo thời gian trôi mãi nhưng ký ức lại lội ngược dòng. Bất chợt bắt gặp tấm ảnh gói bánh ngày tết, mình liên tưởng đến kỳ Trại Tết năm 1966 tại Trường. Năm ấy chúng mình mới là những cậu học trò Đệ Lục, lứa tuổi hồn nhiên thơ dại trong như giọt sương buổi ban mai.

Mình là trưởng ban văn nghệ lớp Đệ Lục A5 có nhiệm vụ trang trí và tổ chức văn nghệ cho lớp, nhưng nhờ năng khiếu bẩm sinh mình được thầy Lê Văn Bình gọi lên giúp thêm việc nữa là trang trí báo xuân toàn trường tại Phòng Thí Nghiệm.
Sáng hôm ấy mình đến trường thật sớm. Thầy đến còn sớm hơn và đang chờ đợi mình trước cửa Phòng Thí Nghiệm. Thầy dạy môn Vẽ cho lớp và cả trường. Với dáng người nhỏ nhắn vui tươi thân thiện mà ai cũng mến, thầy vẫy tay gọi: 
     - Nào vào đây phụ với thầy một tí cho xong để còn về phụ cho lớp.

Theo thầy vô phòng thì la liệt trên nền rất nhiều bích báo của các lớp, giấy dầy trắng, màu nước, dây bông, dây màu trang trí… Mình cùng thầy viết, vẽ… trong khi có vài bạn khác cũng vừa đến. Thầy thường nhấc chiếc kính cận lên để nhận xét mỗi khi có bạn làm xong và hướng dẫn để treo hoặc vẽ thêm khẩu hiệu, chú thích. Thầy xắn tay áo tất bật với công việc nhưng luôn tươi cười với học sinh. Mình không bao giờ quên được người thầy đáng kính và rất hào hoa nghệ sĩ.

Xong việc chung của trường mình ra nơi lớp cắm trại. Kỳ ấy, năm lớp Đệ Lục cắm trại chung một chỗ được mang tên trại là Liên Lục. Không khí rộn rã hơn vì có 2 lớp P1 và A2 bên Trường Nữ cùng cắm trại chung. Những vui thích, những trêu đùa và lẫn những ga lăng hết cỡ hầu để lấy lòng và cả những nụ cười của các nàng tiên tóc dài, lần đầu tiên được sinh hoạt chung với các bạn nam, vì hai trường cách xa nhau hơn cây số.

Trước cổng trại có trồng hai cây cau do các bạn gần trường dẫn nhau đi xin về. Rồi dây bông nho, thúc vũ, tép lá dừa kẹp vào để trang trí. Mình vừa treo bảng tên trại  lên là được nhiều bạn khác lẫn thầy cô khen ngợi liền. Không khí còn náo nhiệt hơn với phần dựng lều. Lúc đó lều trại làm bằng màn vải treo cửa lẫn nilon trải bàn do các bạn đem đến. Chúng tôi hì hục đào lỗ trồng cột bằng tầm vông cùng dây thừng căng kéo. Các trại dựng xong. Sân trường lúc đó có vô số màu chấp chắp vá như một bức tranh ghép hình đủ màu tuyệt đẹp. Trại sinh chúng tôi họp lại, xôm tụ bàn tán chuẩn bị tham gia chương trình văn nghệ, thể thao, trang trí, nấu nướng… Chúng tôi sẽ cố gắng nhiều với hy vọng sẽ dành giành giải thưởng cao do Ban Tổ Chức của trường đi chấm điểm. Khi ấy không còn rào cản nào cả, mọi người chỉ biết góp ý, góp công sức để trại mình đạt hạng cao. Rồi cũng nhờ những bàn tay tiểu thư áo dài trắng đã góp phần vào mà thành tích đạt được năm ấy vào hạng khá.

Thấm thoát đã đến giờ thi đua văn nghệ, thể thao và các trò chơi dân gian như nhảy bao bố, đập hủ lấy quà, kéo co... Sân trường lúc nầy ồn ào, náo nhiệt. Tiếng ca hát, tiếng trống đàn, tiếng vỗ tay cổ vũ, tiếng cười đùa thích thú đã tô điểm cho sân trường đón chờ một cái Tết tràn đầy hạnh phúc. Những kỷ niệm về lứa tuổi hồn nhiên tươi sáng ấy vẫn sống mãi với bao thế hệ được mang danh học trò Trường Trịnh Hoài Đức Bình Dương.

(Viết năm 2014 để gửi đến những người bạn học thân thương với lời đa tạ của mình)

 

Tự tình


     Chiều mưa, ngồi nhìn những bong bóng lăn tăn trước sân mà suy tưởng đến những chuyện vui buồn đã đến với mình chạy dài theo ngày tháng.
     Thuở đi học, đến trường sau chuyện học hành thì vui đùa với bạn bè cùng lớp, khi đến bậc trung học đã viết thư tỏ tình bằng lời ngỏ làm quen. Đón đưa mỗi ngày như không muốn rời xa nhau dù một phút. Thư viết trên giấy tập còn thơm mùi giấy mới nhưng cũng nhỏ một giọt dầu thơm. Trao nhau trong cuốn tập hay cuốn sách English for Today. Ngày chủ nhật hoặc nghỉ lễ là chạy xe mobilette màu xanh qua lại nhà bạn, cố nhìn coi có bóng hình người thương có ở trong nhà hay không?.

Có lần đón bạn cách nhà gần trăm mét, chở nhau đến trường thì gặp phải giáo sư Vạn Vật của lớp. Vào lớp, sau khi thầy vừa ra dấu nói: “Các em ngồi xuống” thì thầy cười mỉm nói ngay với tôi: “Vui nhỉ ! Được chở người đẹp đến trường là nhất rồi”. Với bản tính văn nghệ, mình đáp cho thầy một câu: “Thì em cũng như thầy, thầy chở cô em thì em cũng chở bạn em”. Gan quá phải không bạn!. Rồi cũng tại lãng mạn quá không chuyên tâm học hành, cuối năm Đệ Lục phải ở lại lớp trong khi hầu hết bạn bè đều lên lớp.

Tình yêu thuở ấy là vậy, chỉ đón đưa mà thôi, chở nhau còn không dám vịn vai chứ đừng nói tới ôm eo ếch. Trong sáng hồn nhiên với những ước mơ trong trên những dòng thư qua lại, những cánh hoa, cánh bướm ép khô hay lãng mạn là chiếc nhẫn cỏ làm tin. Những giận hờn cỏn con như đến trễ chứ không có chuyện nổi ghen. Mùa Hè đến thì trao cho nhau tập nhật ký để ghi cho nhau những chuyện như chuyện thời sự toàn cầu. Ai nghĩ gì cứ viết, trao nhau suốt cho đến ngày phát thưởng cuối năm của trường.

Trong thời gian đó, từng tốp thân nhau hùn tiền mở tiệc chia tay. Có lớp thì làm lớn hơn, mời vài thầy cô đến dự, cũng có đàn thùng, trống thì vỗ bàn. Cũng “Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn”, rồi tới bài “Thiên thai ánh trăng xanh mơ tan thành suối trần gian”, và rên rỉ: “Ngày mai em đi biển nhớ tên em gọi về...”. Tình tứ nhất là sau tiệc chia tay, hai đứa đứng dưới gốc phượng nở đầy sắc đỏ, lén hôn lên má người thương mà tim đánh như trống trường.Và sau ngày đó, sân trường vắng lặng chỉ có lá rơi và hoa phượng héo rụng theo làn gió vô tình đưa đến. Những kỷ niệm đẹp êm đềm như một bức tranh thuỷ mặc cứ ở mãi trong tôi cho đến ngày không còn nhớ được.

(Tặng các thầy cô, bạn bè trường Trịnh Hoài Đức Bình Dương. Hè 2014)

Hoa học trò

 

Trên chuyến xe Lam về nhà hôm ấy sau buổi tan trường, tình cờ anh ngồi đối diện với em. Nét duyên dáng và dễ mến của em đã làm cho anh len lén trộm nhìn. Em vô tư trò chuyện với các bạn ngồi cạnh. Khi em cười, anh thêm thích vì cái răng khểnh cùng một đồng tiền không rõ lắm nhưng làm anh mê mẩn.

Tâm trí xôn xao, hồi hộp với ý nghĩ làm cách nào làm quen với em, suy tưởng mãi cho đến khi em gọi chú lái xe cho em xuống.
Thôi đánh liều vậy!. Khi em vừa bước xuống, anh cũng vội lồm cồm vội vàng xách cặp theo sau. Không hiểu vì xe chật hay do bạn em phá, anh vấp và chúi đầu lủi trúng lưng em, dù nhẹ nhàng nhưng em la lớn:

- Hai con mắt để đâu mà lủi vào lưng tui vậy ?

Anh lúng túng trả lời nhỏ nhẹ:

- Xin lỗi... tại vấp, cho mình xin lỗi, mình không cố ý đâu.

Anh tưởng là em sẽ còn tiếp tục buông ra những lời trách móc nhưng em nói gọn một câu làm cho hồn anh bay bổng tận mây xanh:

- … Đâu phải ở xóm này, trước giờ đâu gặp... Em nói với vẻ rụt rè e thẹn.

Xe lam rồ ga chạy tiếp, vẳng trên xe có tiếng trêu đùa:

- Rồi gặp người trong mộng rồi nhé, công nương nhõng nhẽo.

Sau khi nghe lời chọc ghẹo, má em phớt hồng vì e thẹn em trả lời với theo: 

-Tao đâu có quen đâu. Đồ quỷ!

Anh lấy hết sức can đảm để nói với em:

- Mình xin lỗi việc hồi nãy, nhà mình không phải ở đây nhưng...

Em hỏi tiếp nhưng không quay lại:

- Không ở đây mà xuống xe làm gì?. Tới bến còn cả cây số.

Nghe em nói tim anh như muốn rớt khỏi lồng ngực vì quá vui mừng được nói chuyện với người mình để ý làm quen.

- Nói thiệt là mình xuống xe theo bạn...

Em cắt ngang:

- Theo tui làm gì, nhà tui kia. Có nuôi chó dữ lắm.

Anh bối rối vì nhà em nhìn là biết nhà giàu liền nhưng vẫn cố trả lời như sợ làm mất dịp may không tưởng này:

- Theo bạn để cho biết nhà, nhưng cám ơn bạn đã chỉ nhà, mong sẽ được gặp bạn.

Em liền quay lại với vẻ mặt ngạc nhiên lẫn thẹn thùng nhìn anh vừa đi vừa chạy với nỗi vui mừng vì ước muốn đã thành công.

Mấy hôm sau, dù có xe gắn máy anh vẫn để nó nghỉ mát ở nhà để lết bộ cả cây số lên nơi em đứng đón xe đi học. Lên xe chỉ dám ngồi đối diện, len lén nhìn nhau là lòng vui như Tết, không nói với nhau một lời. Có hôm vì xe chật không có chỗ, anh và em được ngồi cạnh bên nhau để rồi tối hôm đó sau khi học bài, anh rứt giấy tập ra làm bài luận văn ngỏ ý rằng anh muốn kết bạn cùng em.

Thư qua thư lại, rồi được đưa đón em đi về. Đó là thời gian thơ mộng trữ tình dù hai đứa chưa lần nào hôn nhau trên má. Quà cho nhau là những cánh phượng hồng báo hiệu mùa hè tới. Trao nhau trong những quyển vở ghi là nhật ký, cẩn thận ép hoa phượng sao cho có dáng đẹp tặng nhau lẫn những cành lá thuộc bài. Thuở học trò ngày xưa là thế, đẹp như chuyện thần tiên, không một chút buồn giận nhau dù rất nhỏ.
      Hoa phượng vẫn nở hằng năm. Tuổi đời trôi qua không dừng. Anh với em không cùng chung sống như những lời nhắn nhủ trong thư. Anh nghĩ rằng tình chúng mình mãi đẹp, vẫn lung linh trên nhánh phượng hồng và cũng được gọi với cái tên trìu mến: Hoa học trò.