Kể chuyện thể thao ở Bình Dương

Minh Tâm

(ghi lại theo lời kể của anh Nguyễn văn Xây – CHS khoá 3 THĐ)

 
Thỉnh thoảng đọc trang web và đặc san Trịnh Hoài Đức thấy các bạn kể chuyên thể thao vui quá. Tôi cũng có vài chuyện muốn kể cho các bạn nghe mà làm biếng viết quá.
... Quê tôi là Búng, một thị trấn nhỏ nhưng sung túc. Thưở nhỏ tôi hay chơi đá banh và bóng chuyền.
Tôi học khoá 3 Trịnh Hoài Đức. Nhớ hồi học lớp Đệ Tứ có đội bóng tròn của lớp Đệ Ngũ (khoá 4) đá hay lắm. Mới lớp Đệ Ngũ mà hạ hết mấy lớp đàn anh, gần như vô địch Trịnh Hoài Đức năm đó. Một ngày kia, thủ quân đội lớp đệ Ngũ mời  lớp đệ Tứ chúng tôi đá giao hữu. Đội Đệ Tứ chúng tôi ra quân với thành phần chủ lực trong đó có vài bạn như Dương, Vui… Thủ môn là Nguyễn văn Mười Một (em thầy Bé Tám). Tụi tôi biết đội kia đá hay nên chơi theo kiểu phòng thủ. Chín đứa hàng tiền vệ rút về đứng đầy trước khuôn thành. Tụi đệ Ngũ tấn công ào ạt nhưng không làm gì được. Tới gần hết trận, nhân một quả chuyền xa, một tiền đạo của đệ Tứ đem banh xuống khuôn thành đội đệ Ngũ và dứt mạnh. Bóng lọt vào lưới ghi bàn thắng đầu tiên. Chơi kiểu nầy  ngày nay gọi là “phòng ngự kết hợp phản công nhanh”. Sau đó đệ Ngũ liên tiếp hãm thành lớp đệ Tứ nhưng cũng không ghi được bàn thắng. Kết cuộc, chúng tôi thắng 1-0 làm cho đội đệ Ngũ tức lắm. Sau đó, mấy bạn khoá 4 cứ rủ tụi tôi đá lại để gỡ mà tụi tôi nói bận học nên trận phục thù không bao giờ có. Đúng là “ăn chạy gạo”.
Ngoài chơi đá banh tôi cũng thích môn vũ cầu. Khoảng năm 1964-65, ở Búng có quý anh Hoàng phú Sinh, Nguyễn văn Là … thường chơi vũ cầu ở sân trường tiểu học An Thạnh. Tôi cũng ra tập tành chơi cho vui. Nhờ các anh Sinh, Là là những tuyển thủ rất giỏi nên tôi học hỏi được nhiều và nhờ vậy đã tiến bộ rất nhanh trong bộ môn nầy.
Tôi nhớ anh Sinh (hiện ở Missouri) là sĩ quan của Sư Đoàn 5.  Anh là tuyển thủ xuất sắc về vũ cầu và chỉ dẫn cho chúng tôi rất nhiều. Anh Là (hiện ở Washington DC)  là hiệu trưởng trường Tiểu Học Thạnh Bình (gần trường Trịnh Hoài Đức Nữ). Anh là người rất đẹp trai. Trong thời gian làm hiệu trưởng, anh đã chịu khó học thêm Anh Văn và có chứng chỉ tiếng Anh do nước ngoài cấp nên sau nầy anh Là có dạy Trịnh Hoài Đức nữa. Anh đánh vũ cầu rất bay bướm nhưng kỹ thuật rất cao nên lúc nào cũng đại diện tỉnh Bình Dương thi đấu với các tỉnh bạn. Bên nữ thì có cô Loan Anh. Còn thiếu niên thì có Liên, Nguyện …
Bộ môn vũ cầu của tỉnh Bình Dương là niềm tự hào của thể thao tỉnh nhà. Trong Đại Hội Thể Thao cấp khu vực tổ chức ở Bình Dương , trong khi các môn bóng tròn, bóng chuyền, bóng rổ, tỉnh Bình Dương đều thua trước các đội của những tỉnh lớn như Gia Định, Tây Ninh, Biên Hoà… thì vũ cầu lại khác. Chúng tôi đã chiến thắng oanh liệt các tỉnh bạn để đem về cho Bình Dương nhiều huy chương vàng. Tôi nhớ anh Nguyễn văn Là và tôi chiếm huy chương vàng trong giải đôi nam vũ cầu. Ngoài ra còn nhiều huy chương vàng vũ cầu khác. Có thể nói Búng là một trung tâm vũ cầu có hạng ở Miền Đông Nam Phần lúc đó.
Năm đó, ngoài vũ cầu, thì môn nhu đạo với Trần Thiện Thắng (Trần Hà) cũng là người đem huy chương vàng về cho Bình Dương. Theo Từ Minh Thạnh, Trần Thiện Thắng là huyền đai Đệ Nhị Đẵng nhu đạo. Trong giải vô địch Nhu Đạo vùng 3 tổ chức tại Bình Dương năm 1973, Thắng đã thắng võ sĩ Vũng Tàu với một thế đánh tuyệt kỹ. Mọi người đều biết thế nầy mà ít ai chống lại được. Trọng tài trận nầy là võ sư Phạm Lợi.


CHS Trần Thiện Thắng, người đem vinh quang về cho nhu đạo Bình Dương

Trở lại chuyện đánh vũ cầu. Tôi nhớ có một lần tôi được tham dự đội thể thao đại diện Tỉnh Bình Dương đi đấu giao hữu ở Vĩnh Long. Chuyến đi do ông Phó Tỉnh Trưởng Vĩnh Long tên Tiên tổ chức. Ông nầy có thời làm việc ở Bình Dương nên quen biết nhiều nhân vật quan trọng của tỉnh. Khi xe chúng tôi tới bến phà Mỹ Thuận thì thấy phà kẹt lắm. Xe chờ dài mấy cây số chắc phải 2 giờ sau mới qua phà được. Nhưng ông tỉnh trưởng Vĩnh Long đã phái cảnh sát qua bờ bắc, đón chúng tôi và đưa phái đoàn ưu tiên qua phà nên tới nơi kịp giờ.
Bình Dương đấu giao hữu với Vĩnh Long nhiều bộ môn thể thao trong đó có quần vợt và vũ cầu.
Về quần vợt, khi đấu cặp đôi, vì Bình Dương chơi hay nên phải chấp Vĩnh Long là đấu thủ không được lên lưới, chỉ đứng phía dưới mà thôi. Vậy mà tiền cá độ cũng cao lắm, hình như một triệu một trận.
Về vũ cầu, thi đấu toàn đội. Lúc đầu quy định đấu 3 trận, bên nào thắng 2 trận coi như thắng. Sáng ra, Bình Dương còn sung sức nên thắng liền hai trận, coi như thắng rồi. Thấy có thì giờ, hai bên nói thôi đâu tiếp cho vui và tính thi đấu 5 trận. Ai thắng 3 thì thắng. Ai dè, ba trận sau, Bình Dương thua hết. Thành ra, chuyến đi nầy, không biết tính thắng thua như thế nào. Dù sao đây cũng là một chuyến đi có kỷ niệm thật vui vì tối đó, chúng tôi được chiêu đãi trọng thể và nghỉ tại nhà khách của tỉnh vốn là một biệt thự của bà Ngô Đình Nhu trước đó.
Tôi đậu vào khoá 4 Trường Sư Phạm Thực Hành. Ở trường Sư Phạm, tôi cũng chơi đá banh, bóng chuyền và vũ cầu và đạt nhiều thành tích đáng kể. Sau nầy ra trường về dạy ở Bình Dương thì lại thích chơi bóng chuyền. Khi đi dạy ở Trịnh Hoài Đức và trường Châu Thành ở Tân Khánh thì có dịp đánh bóng chuyền với Từ văn Nhung là anh của Tâm.
Sau năm 1975, tôi được phân công dạy môn Toán và Lý Hoá cho trường Trịnh Hoài Đức. Lúc đó ở Búng có đội bóng tròn (mà lúc nầy gọi là bóng đá) và tôi đá ở vị trí trung phong. Một hôm đang dạy học thì ở dưới xã cho người vô trường gọi tôi đi đá banh. Tôi không bao giờ bỏ lớp để đi chơi mà phải dạy cho hết giờ học rồi mới ra sân. Hôm đó, sau khi hết tiết, tôi đạp xe vô sân Gò Đình thì trận đấu đang hồi nghiêng ngửa. Thấy tôi vô, bà con người thì phụ giữ xe, người thì giúp tôi thay đồ cho lẹ để ra sân. Sau đó trận đấu trở nện sôi động hơn và đội bóng tròn Búng đá khởi sắc hơn nhiều.
Khoảng năm 1977-78, vào cuối tuần ở Bình Dương hay có các giải thể thao cấp xã. Tôi nhớ có một lần đội Búng lên Tương Bình Hiệp để đá tranh giải. Giải thưởng là một trái banh da “ngoại”. Đây là một thứ khó kiếm lúc đó. Đội Tương Bình Hiệp có tăng cường cầu thủ Tư Lê (tuyển thủ quốc gia trước 75). Anh nầy đá hậu vệ cho đội Tương Bình Hiệp. Tôi đá trung phong đội Búng nên thường xuyên “chạm trán” với Tư Lê. Tôi lùn hơn nhưng cũng nhanh nên đôi khi cũng gây khó dễ cho Tương Bình Hiệp, mà anh Tư Lê đá hay quá nên cũng khó làm bàn.
Rồi có một lần, đội Búng tham gia một giải “tứ hùng” ở Bình Chuẩn. Ba trong bốn đội là Bình Chuẩn, Búng, Lái Thiêu. Đội thứ tư tôi không nhớ tên. Giải thưởng là một con heo sống, được thả chạy vòng quanh sân. Vào chung kết là hai đội Búng và Bình Chuẩn. Đội Búng ngoài tôi còn có anh Năm Vinh (đội Địa Phương Quân cũ), thủ môn là anh Tuyết (hiện là chủ tiệmTuyet’s Fashion ở Nam Cali). Đôi Bình Chuẩn có tăng cường các danh thủ Ngôn 1, Thăng… Anh Thăng đá hậu vệ hay quá, tôi không thể nào qua được để đem banh tới gần khuôn thành. Trong giờ nghỉ, huấn luyện viên nói nhỏ: “Phải chơi tiểu xảo”. Thế là tôi tìm cách đá banh cho chạm tay anh Thăng để hưởng một quả phạt đền. Búng thắng 1-0. Tuy nhiên ở hàng tiền đạo, anh Ngôn 1 đá hay quá. Ảnh lừa banh qua hàng phòng thủ của Búng dễ dàng và làm cho anh Tuyết phải vào gôn ôm ra ba quả. Kết quả Bình Chuẩn thắng 3-1. Con heo của Bình Chuẩn lại do xã nhà lãnh về!.
Nam Dương là một nước nổi tiếng giỏi về vũ cầu. Nhớ lúc vượt biên qua đảo ở Nam Dương, thấy mấy em học sinh ở địa phương chơi vũ cầu tôi cũng vào chơi. Tôi thắng hết mấy em nầy. Tụi nhỏ vào làng kiếm mấy người đánh giỏi ra chơi thì tôi cũng thắng luôn. Từ đó tụi nó nể tôi quá nên thỉnh thoảng đem rau, khoai đến tặng và rủ tôi chơi vũ cầu và chỉ dẫn cho tụi nhỏ vài “chiêu” kỹ thuật.
Về đá banh, khi ở trại tỵ nạn có anh Phạm Thái Hoà (người Bình Dương là huấn luyện viên hội tuyển) và tôi nằm trong ban tổ chức giải bóng tròn với hơn 10 đội tham dự với giải thưởng hạng nhứt 500 USD hạng nhì 300 USD. Lúc đó có cả ngàn khán giả và cũng có nhiều cầu thủ hay. Những trận thi đấu nầy đem lại chút sinh khí cho trại trong thời gian chờ định cư của hơn 17,000 người tỵ nạn lúc đó.
Khi tới Mỹ, tôi cũng tiếp tục chơi đá banh. Một anh trong đội bóng nói : “Anh Bảo ở Bình Dương là thủ quân của đội bóng ở đây”. Tôi nhớ ngay anh Bảo chính là thầy Bảo (chồng của cô Oanh) - dạy ở An Mỹ. Tôi có dịp cùng đá banh với anh trong đội Ty Tiểu Học Bình Dương ở Việt Nam. Anh đá giỏi lắm. Nhờ người bạn mà tôi gặp được anh Bảo ở San Jose. Anh nhớ tôi và có tặng cho tôi 100 đô la. Đây là món quà đầu tiên khi tôi mới định cư ở Mỹ, do đó tôi nhớ hoài. Anh Bảo rất tốt. Mấy lần về Việt Nam thăm gia đình, ảnh đều tìm những bạn đá banh cũ như các anh Hai (Tôn), Francoise (nhà ở Ngã Tư Quốc Tế) … để giúp đỡ.
Hiện ở tôi ở Missouri. Ở đây tôi cũng chơi đá banh và quần vợt. Nhớ có lần đội bóng tròn Việt Nam đá với đội Lào. Trận nầy đội Việt Nam đá hay và sắp thắng nhưng lúc đó thì căng thẳng quá và suýt xảy ra ấu đả (mặc dù giải thưởng không quan trọng). Lâu lâu địa phương nầy có tổ chức giải quần vợt thì gia đình tôi cũng tham gia và chiếm thứ hạng cũng khá.
Bây giờ lớn tuổi, nhớ lại thời trai trẻ nhiều hăng say thấy cũng vui.
Nhắc lại chuyện xưa không phải để khoe mà để nhớ lại những kỷ niệm về thể thao mà tôi không bao giờ quên được./.