Ai là tác giả?

Minh Tâm
(với sự hợp tác của Huỳnh Hoàng Anh)
 

Tỉnh Bình Dương chúng ta không có nhiều tác phẩm điêu khắc. Một tác phẩm nghệ thuật được may mắn tồn tại tới ngày nay là bức tượng danh nhân Trịnh Hoài Đức đặt trong khuôn viên của ngôi trường cùng tên. Đối với nhiều cựu học sinh Trịnh Hoài Đức, đặc biệt CHS các khóa từ 11 về sau thì bức tượng nầy có nhiều kỷ niệm vì mỗi ngày đi học các bạn đều nhìn thấy và đó cũng là nơi có nhiều tấm ảnh kỷ niệm đã được ghi lại.
Tuy nhiên một câu hỏi được đặt ra: Ai là người đã sáng tác bức tượng nầy?.  Trả lời thắc mắc nầy không phải là chuyện dễ dàng.
Ngược dòng thời gian, khoảng năm 2009, trên trang nhà CHS Trịnh Hoài Đức xuất hiện bài viết: "Lê Thành Nhơn, niềm kiêu hãnh bị lãng quên" của Hoàng Anh. Trong bài nầy, Hoàng Anh đã cho biết điêu khắc gia Lê Thành Nhơn là tác giả của bức tượng Trịnh Hoài Đức. Đây cũng là tác phẩm duy nhứt của anh Nhơn ở Bình Dương. (Anh Lê Thành Nhơn đã mãn phần. Anh là một CHS của trường Mỹ Thuật Bình Dương, cũng là một nhà điêu khắc nổi tiếng ở trong nước vào thập niên 70 và sau nầy thành danh với nhiều sáng tác "để đời" ở Úc).
Tuy nhiên, một thời gian sau, trong tinh thần tôn trọng sự thật, Hoàng Anh lại nghi ngờ về điều anh đã viết về tác giả bức tượng và có email cho tôi để nhờ hỏi quý thầy Lê Tấn  Lộc và Nguyễn Văn Phúc là hiệu trưởng trường THĐ đầu thập niên 1970. Sau đó, tôi có email cho thầy Lộc để hỏi, thì thầy cho biết công việc thực hiện bức tượng được tiến hành sau khi thầy rời trường về đảm nhận chức vụ Trưởng Khu 3 Học Chánh nên thầy không rõ. Thầy có nói nên hỏi thầy Phúc thì tốt hơn. Do lúc đó tôi chưa có email của thầy Phúc nên câu chuyện bị lãng quên.
Năm ngoái, tôi nhận được email của một CHS trường Mỹ Thuật Bình Dương. Anh hiện là một họa sĩ và nhà điêu khắc có tiếng ở Canada. Trong thư anh cho biết có đọc bài viết của Hoàng Anh và cho biết rằng: "Điêu khắc gia Lê Thành Nhơn không phải là tác gỉa bức tượng Trịnh Hoài Đức ở Bình Dương". Anh dựa vào hai lý do:
- Bức tượng được tạc không giống với sở trường của anh Lê Thành Nhơn.
- Trong danh sách những tác phẩm của anh Nhơn không có bức tượng Trịnh Hoài Đức.
Anh còn cho biết thêm, người thực hiện bức tượng Trịnh Hoài Đức là thầy Nguyễn văn Yến, một điêu khắc gia nổi tiếng ở Bình Dương và cũng là vị giáo sư trường Mỹ Thuật Bình Dương. Thầy Yến là người đã từng có dịp đi du khảo tại La Mã về nghệ thuật điêu khắc. Ông đã sáng tác một tượng tương tự là tượng An Dương Vương ở Trường Công Binh. Anh bạn còn nói, anh biết điều nầy vì có hai người bạn đã từng giúp thầy Yến thực hiện mẫu tượng THĐ ở Bình Dương và sau đó đem mẫu qua Biên Hòa để đúc, vì chỉ ở Biên Hòa mới có kỹ thuật đúc đồng.
Nghe anh nói có lý, tôi đã đưa tin nầy vào đặc san Xuân Giáp Ngọ - 2014 để thông báo với CHS và GS của trường. Khi bản nháp tới tay Hoàng Anh, thì anh khuyên tôi nên khoan công bố điều nầy vì có thể có sai lầm, cần thời gian để chứng thực. Với sự dè dặt, chúng tôi gỡ bỏ tin nầy ra khỏi đặc san Xuân Trịnh Hoài Đức năm Giáp Ngọ 2014.
Nhờ có một người bạn cho địa chỉ email của bạn Nguyễn Tường Phương là con trai của thầy Nguyễn văn Yến, chúng tôi liền email cho anh Phương để hỏi. Vài ngày sau, Phương trả lời như sau: "Ba tôi không phải là người sáng tác bức tượng Trịnh Hoài Đức. Tôi và ba rất gần gũi nên mọi hoạt động nghệ thuật của ba tôi đều biết rõ".
Thế là rõ.
Hành trình tìm kiếm tác giả bức tượng lại một lần nữa đi vào ngõ cụt.

***
Trong email qua lại về việc nầy, Hoàng Anh có nhắc tôi nên tìm hỏi anh Nguyễn Ngọc Phát (CHS khóa 1 THĐ). Anh Phát là một Thanh Tra làm việc ở Bộ Giáo Dục và cũng có thời gian làm việc dưới quyền của thầy Lê Tấn Lộc vào thập niên 70 ở Biên Hoà.
Tháng 1 năm 2014, trong dịp thăm thầy cô Nam Cali, tôi có dịp gặp anh Phát và đề cập đến câu hỏi về tác giả bức tượng. Anh Pháp hẹn khi nào rảnh sẽ nói rõ về điều nầy.
Dịp may đã đến. Ngày 22/3/2014, nhân dịp có cuộc họp bàn về tổ chức họp mặt mùa hè CGS và HS Trịnh Hoài Đức  ở nhà anh Diệp, anh Phát đã trình bày những điều anh biết về chuyện nầy như sau:
Khoảng năm 1971-1972, GS Nguyễn Văn Phúc là hiệu trưởng trường Trịnh Hoài Đức (cũng là bạn cùng khóa 1 THĐ với anh Phát) có gặp anh và đề xuất ý tưởng thực hiện bức tượng danh nhân Trịnh Hoài Đức để đặt trong sân trường. Lúc đầu, hai người dự định tìm điêu khắc gia Lê Thành Nhơn để nhờ sáng tác mẫu tượng. Tuy nhiên, lúc đó anh Nhơn mới xuất ngũ và anh Phát cố tìm mà không biết anh Nhơn đang ở đâu.
Sau đó, anh Phát gặp một người bạn đang dạy Mỹ Thuật ở Biên Hòa và đặt vấn đề làm tượng ông THĐ. Anh bạn nầy lại giới thiệu một điêu khắc gia khác là anh Hội (không nhớ họ). Anh Hội cũng là giáo sư đang dạy tại Trường Mỹ Thuật ở Biên Hòa nên phải gọi là thầy Hội mới đúng. Lúc đầu, thầy Hội cũng không nhận làm tượng, nhưng do anh em bạn bè khuyến khích và ủng hộ thì thầy Hội mới nhận. Sau đó, Anh Phát và thầy đã đi Thư Viện Quốc Gia ở Sài Gòn với mục đích tìm tài liệu và hình ảnh về danh nhân Trịnh Hoài Đức để giúp cho ý tưởng sáng tác của thầy Hội.
Sau khi quyết định thực hiện, việc làm mẫu và đúc tượng được thực hiện ở Biên Hòa. Công việc hoàn tất khá nhanh. Chỉ hai tháng sau thầy Phúc đã nhận tin nhắn để cử người qua Biên Hòa (1) đem tượng về.
Khu công viên trước văn phòng đã được chuẩn bị và tượng được đặt trên bệ, quay mặt vào bên trong. Lễ khánh thành tượng Hiệp Biện Đại Học Sĩ Trịnh Hoài Đức được thực hiện sau đó với sự hiện diện của GS Lê Tấn Lộc, Trưởng Khu 3 Học Chánh (2) .
Tôi có hỏi anh Phát về kinh phí thực hiện thì anh nói sau khi anh giới thiệu thì thầy Hội làm việc trực tiếp với Ban Giám Đốc trường Trịnh Hoài Đức, nên anh không rõ về vấn đề tài chánh.
Hành trình đi tìm tác giả của bức tượng Trịnh Hoài Đức tương đối khó khăn vì chuyện đã hơn 40 năm và đối với nhiều người, đây không phải là chuyện quan trọng. Tới nay, chúng ta đã biết được hơn 90% sự thật. Hiện giờ ta cần tìm hiểu thêm vài điều như: họ của thầy Hội, ngày bức tượng được hoàn tất, cũng như kinh phí thực hiện là bao nhiêu. Việc nầy chỉ có những bạn thích tìm tòi về lịch sử hiện còn ở trong nước mới có thể làm được.
Sau khi hoàn tất bài viết nầy, tôi có gởi cho Hoàng Anh để góp ý. Hoàng Anh liền liên lạc với Trường Mỹ Thuật Biên Hoà để thử tìm hiểu xem thầy Hội ở Biên Hoà còn sống hay không thì rất tiếc trường Mỹ Thuật Biên Hoà cho biết không có thầy nào tên Hội hiện còn cộng tác ở trường. Điều nầy làm cho việc tìm hiểu về tác giả bức tượng Trịnh Hoài Đức tưởng đã bế tắc. Tuy nhiên, sau khi Hoàng Anh bị bịnh nặng và sau đó mãn phần, tôi lại không nản chí mà lại nhờ một cựu học sinh Trịnh Hoài Đức hiện sống ở Biên Hoà là bạn Nguyễn Đình Dũng để hỏi về vấn đề nầy. Dũng có người bạn là Hiệu Phó Trường Mỹ Thuật Biên Hoà. Nhờ người bạn nầy chúng tôi biết thêm là có thầy Hội dạy ở Biên Hoà. Đó là thầy Tăng văn Hội. Ông là giáo sư của trường, nhưng thầy lại sống ở Sài Gòn. Tới đây việc tìm hiểu bị bế tắc. Cho hôm nay chúng tôi vẫn chưa tìm ra thầy Hội ở đâu, còn sống hay đã mất.
Đến nay, việc tìm kiếm tác giả bức tượng không tiển triển thêm ngoài những điều ta biết như đã trình bày trên đây. Dù công việc chưa hoàn tất, tôi cũng xin cám ơn Hoàng Anh, người bạn ở Canada, anh Nguyễn Ngọc Phát, bạn Nguyễn Đình Dũng và nhiều vị khác đã cho biết những tin tức về vấn đề nầy. Nhờ đó thế hệ mai sau có thể biết được phần nào những sự thật khá thú vị về một bức tượng đẹp và nhiều kỷ niệm (3) (viết xong tháng 7/2014)

Chú thích:

(1): CHS Lưu Thanh Bình cho biết: Người đi Biên Hòa đem bức tượng THĐ về Bình Dương là GS Nguyễn Bé Tám có sự giúp đỡ của 6 em học sinh khóa 12.
(2): Bức tượng Trịnh Hoài Đức được hoàn tất năm 1972. Năm đó tôi đang học lớp 12 và không biết có lễ khánh thành. Hình như lễ nầy không có học sinh tham dự (?). Ngoài ra, trong chương trình học, không có giờ nào nói về công đức của ông Trịnh Hoài Đức.
CHS Đinh Quang Hạnh (K11) hỏi tôi về chuyện nầy. Lý do là con gái của anh hỏi: "Ba là CHS trường Trịnh Hoài Đức, mà ông Trịnh Hoài Đức là ai?”. Anh trả lời: "Ba không rõ, để ba xem trên trang nhà Trịnh Hoài Đức và hỏi lại mấy người bạn". Đây là điều thiếu sót tuy nhỏ nhưng Ban Giám Hiệu trường THĐ hiện nay nên chú ý để giảng cho học sinh của trường.
(3): Bức tượng nguyên thủy làm bằng vật liệu đồng đen. Có lúc, tượng lại được sơn nhủ vàng lóng lánh. Điều nầy làm tăng sự hào nhoáng của tượng, nhưng theo tôi điều nầy không thể hiện đúng ý tưởng của tác giả khi ông sử dụng đồng đen để làm. Tượng màu đen không sơn thể hiện sự bình dị, đơn giản của một danh nhân đáng kính có công về văn học và địa lý nước nhà chớ không có màu vàng thể hiện sự khoe khoang, trịch thượng./.