Quê Ngoại

Nguyên Thảo

(Thân Tặng: Gia đình Lê Văn Chánh - CHS khoá 4)
 

Tôi về quê ngoại từ lúc còn thật nhỏ nên những kỷ niệm chỉ còn mang máng, không liên tục. Nhưng đối với thuở tuổi thơ của tôi, như vậy cũng là quý lắm rồi! Chúng là những hành trang mà tôi đã đem theo cho đến bây giờ, để lâu lâu ngồi nhớ lại một vùng quê trước kia có tên gọi là Vĩnh Trường. Và nay nó được mang tên chung là Tân Vĩnh Hiệp gồm các xã Tân Hóa Khánh, Vĩnh Trường, Tân Hiệp Xã. Có thể trong tương lai nó sẽ còn thay đổi rất nhiều theo thời gian cùng với sự phát triển cận kề của một thành phố mới.

Quả thật, chiến tranh đã  làm cho con người không thể sống được yên ổn chút nào. Bọn Tây đi bố thường xuyên, chúng trấn áp lực lượng kháng chiến chống lại chúng để giành độc lập cho đất nước. Chúng bắt người, đốt nhà, cướp của, hãm hiếp … khiến người dân phải bỏ dần làng mạc đi tản cư đến nơi khác sinh sống. Âp Phước Lương, quê nội tôi, cũng không thể tránh khỏi tình trạng ấy, nên một đêm kia cả nhà đã chất hết lên xe trâu đi tản cư. Vừa ra khỏi nhà không bao xa, có một bóng trắng giống như con heo từ bên nây đường băng qua bên kia làm cho bà Út tôi phải van vái để đi êm xuôi. Sau giây phút ấy, tôi đã ngủ mê mệt nên không biết gì nữa. Từ hôm ấy tôi được sống và lớn lên trên quê ngoại trong mấy năm để rồi lại tiếp tục tản cư thêm một lần nữa và chọn xứ chợ làm nơi cư trú tức là Tân Phước Khánh hay thường gọi là Tân Khánh về sau nầy.

Tôi theo ba má về quê ngoại Vĩnh Trường có lẽ lúc ba bốn tuổi gì đó tôi không nhớ rõ. Tôi chỉ nhớ lúc đầu ba má tôi tá túc ở nhà của bà Ngoại. Rồi sau đó, ba má tôi cất nhà tranh vách đất khoảng giữa đường từ nhà Cậu Hai đi vào nhà bà Ngoại. Và từ đó, ba má tôi bắt đầu canh tác mảnh đất gò mà ông bà ngoại chia phần cho má tôi cùng Dì Tư và Dì Năm ở trong bìa rừng, đường vô Tân An. Lúc ấy ba tôi có nhờ chú Ba Nức ở phụ giúp các công việc và chăn, giữ trâu. Chú Ba thương tôi lắm. Chú thường dẫn hay cõng tôi đi chơi và hái trái gì có ba khía bện lại để làm cho tôi những chiếc ghế nhỏ xinh xinh, hoặc lấy những lá dừa đan thành con cào cào có râu và có cọng dừa để quây quây, hoặc những bông cỏ gấu kết lại thành ổ tò vò. Chú Ba ở với ba tôi cũng khá lâu, khi chú bắt đầu lớn, chú đi theo Việt Minh khiến tôi buồn và nhớ chú nhiều. Lâu sau, ba tôi có chú Chang thay chú Ba, nhưng rồi chú Chang ở cũng chẳng lâu và bỏ đi nữa. Từ đó hình như ba tôi không còn giữ trâu để làm. 

Sau khi tỉa đậu trong đất rừng xong, ba tôi đi mua tre và tầm vông để đẽo đòn gánh và làm giường ngủ để bán cho những ai cần đến. Ba tôi rất có khiếu về đan đát, ông đan rế (rế là dụng cụ để lót nồi, chảo), đan toi (hình dáng giống như con vịt để đựng cá) rất đẹp. Ông đẽo đòn gánh không những đẹp mà lại gánh rất êm vai, không bị cấn đau khi cần gánh lâu. Tôi không nhớ hồi tôi về nhà Bà Ngoại, Cậu Sáu có ở nhà hay không, sau nầy tôi nghe ba tôi nói Cậu Sáu lúc ấy đi theo Việt Minh và gặp mợ sáu ở trong Tân An. Có một lần tôi theo má vào trong Tân An ghé nhà mợ Sáu. Chỉ một lần đó thôi! Mợ Sáu tôi sau khi sanh anh Đức thì bị bệnh mất. Ngày Bà Ngoại vào trong Tân An bồng anh Đức về nuôi, tôi đứng ở cửa sau ngó Bà Ngoại bồng anh Đức đang khóc như mưa.

Những ngày tôi bị bệnh, má tôi đón xe ngựa của Ông Út Bẹt để lên nhà Thương Thí (bệnh viện Thủ Dầu Một) ở Dốc Nhà Thương khám bệnh và chích thuốc. Lúc ấy tôi không khóc nên Ông y tá khen: “Thằng nầy lì thiệt, không khóc he!”. Có hôm má tôi dẫn tôi xuống chợ Thủ, vào tiệm chụp hình để chụp tấm hình hai má con. Lúc ấy tôi lại khóc rất nhiều, trên đầu tôi có đội cái nón bánh tiêu (cái bêrê) của lính commando Pháp mà ba tôi không biết kiếm ở đâu đã cho tôi đội. Hình ấy đến trước khi ba tôi mất cách nay hai năm ông còn giữ, mà em trai tôi cứ ngỡ là hình của nó chụp với má tôi. Cái nón bêrê nầy về sau khi lính đóng ở đồn Tân Khánh đi bố lên Vĩnh Trường đã lấy mất của tôi, khiến cho tôi phải khóc vài ngày. Tôi nhớ đến cái chóp nho nhỏ trên đỉnh mũ mà tôi hay mân mê hoặc cầm nó để cho cái nón xoay vòng vòng.

Đường ra Thủ phải đi qua sân bay, lên Bình Thoại, Phú Hòa rồi đến ngã ba Cây Sao Quỳ. Thuở ấy đường còn nhiều chỗ vắng vẻ, riêng ở Bình Thoại có những hàng cao su của sở Con Rồng nên đường râm mát. Hình như lúc ấy xe bò không được đi trên đường cái trải nhựa mà đi theo con đường đất nằm dọc hai bên đường. Còn từ Phú Hòa ra tỉnh thì hai bên là rừng chồi hoang vắng. Từ ngã ba Cây Sao Quỳ đến nhà thương là nghĩa địa đầy gò mã, dưới trũng là những thửa ruộng khô, không được mầu mỡ cho lắm!

Những đêm mưa ở quê ngoại,  ễnh ương kêu  uềnh oang nghe mà phát sợ, nhất là ở phía sau nhà của bà ngoại có cái trũng chứa đầy nước lại sát hàng rào, nơi ếch nhái ễnh ương nhảy ra tha hồ mà la lối ỏm tỏi. Tôi thấy hình dáng con ễnh ương mà ghê quá: da nó bóng láng, lại có hai sọc vàng ở hai bên hông. Đầu mùa mưa tôi hay đi theo mấy người lớn hơn để “xắn” dế cơm. Những con dế nầy khi gáy  thường ra  gần miệng hang. Mình soi đèn thấy nó thì dùng dao xắn chặn đường không cho nó chun ngược xuống hang để bắt. Nếu xắn trật hang thì phải đào hoặc đổ nước vào hang khiến dế ngộp, bò ra mà mình bắt. Rút ruột dế cơm rồi bỏ hột đậu phọng vào đem chiên ăn thật là béo. Hoặc có những lúc bắt cóc đem về nấu cháo cóc rất ngọt. Lại có những ngày đi theo anh chị con cậu Hai đi “câu” cắc ké. Mình dùng cây dài giống như cần câu, đầu có cái vòng khi gặp cắc ké thì mình hút gió để nó lắng nghe, rồi vòng cái vòng qua cổ nó, giật ngang mạnh để vòng xiết cổ nó rồi bắt. Hoặc đi ngoài đồng hái trái sim, hay trái mua ăn đến tím ngắt cái lưỡi.

Có lần tôi theo má đi với mợ Ba, về nhà má của mợ bên Phú Hữu. Đường đi lúc ấy tôi cảm thấy thật là dài, vì còn nhỏ, thấp nên lại thấy cánh đồng ở sân bay và đồng Bàu Bèo thật là rộng lớn và mênh mông. Thuở đó trên đường còn một số ít cây cao su để trú nắng trong những lúc nắng gắt hay trú chân. Cánh đồng nầy rộng lắm, từ bên nây là xã Vĩnh Trường, bên kia là rìa xã Phú Hữu, An Mỹ chạy dài tuốt vô Phú Trung, Phú Chánh. Đường từ Phú Chánh chạy về Vĩnh Trường có cái bàu lớn nhiều bèo, có lẽ từ đó có cái tên Bàu Bèo mà người ta có khi nói không đúng lắm trở thành Bà Bèo; nhưng Bà Bèo hay Bàu Bèo gì thì cũng trở thành một cái tên quen thuộc. Bây giờ cánh đồng ấy đã trở thành một phần của khu phố mới và xóm trên của Vĩnh Trường đã trở thành “phường”. Cánh đồng nầy đầy lúa gò vào mùa mưa với nước thật nhiều. Những lúc mưa lớn, nước đổ về vùng thấp đầu sân bay nơi có lồ ồ và nhập lại với dòng suối con đổ qua Bình Hòa, Tân Khánh ra bưng để đi vào suối Cái, ra cầu Bà Kiên ở Tân Ba và nhập vào dòng Đồng Nai. Vào mùa nắng những người dân chân chất, lam lũ lại tỉa đậu phộng,  đậu xanh… Họ cũng trồng đậu đũa, khổ qua, bí đao, củ cải trắng… nói chung là hoa màu để tăng thêm thu nhập nên cuộc sống của người dân ở Vĩnh Trường khá bận rộn.

Nhớ ngày đầu tiên đi với thằng To lên An Mỹ trình giấy chuyển trường từ Tân Uyên về. Hôm đó mưa thật lớn, nước chảy lênh láng trên đường, khiến tôi không thấy được ống cống bên lề đường nên đã đun xe đạp xuống bìa cống, té ướt hết quần áo. Thằng To ở đàng xa kêu tôi lấy quần áo nó thay. Tôi thấy không cần thiết nên không mượn. Từ đó tôi mới thật sự biết thằng To là tốt bụng, còn trước kia chỉ nghe mà không biết. Trong hai năm học An Mỹ tôi với thằng To rất thân nhau vì hoàn cảnh hai đứa tương đối giống nhau.

Nhà của Bà Ngoại tôi thuộc xóm dưới, gần xã Tân Khánh hơn. Từ đây băng qua hai gò mã rồi đi vào xóm dọc suối, qua suối là vào địa phận của xã Tân Phước Khánh. Người ta thường đi bộ hay gánh hàng ra chợ bằng con đường tắt nầy cho gần. Nếu đi bằng xe, thì đi con đường qua đình Vĩnh Trường nối với đường đi Tân Uyên ở  ngã ba Vĩnh Trường, sau nầy gọi là Ngã Ba Cây Gòn (vì ngày trước ở đây có trồng cây gòn thật lớn). Nhà Bà Ngoại tôi cũng như bao nhiêu nhà ở Vĩnh Trường, xung quanh đều có vuông tre bao bọc, nhà cũng có thể trồng thêm tầm vông hoặc trúc để khi cần có thể sử dụng mà khỏi phải đi kiếm, hay mua. Chung quanh nhà trồng cây ăn trái như mít, ổi, vú sữa, khế, bưởi, cam, quít, chuối... Cách kiến trúc nhà cửa gần như là mô hình chung và từ đó cũng là căn bản để tôi thu thập và viết nên bài “Nhà Ba Gian, Hai Chái” trước kia. Ngoài những vuông tre, Vĩnh Trường còn có những con đường chạy dọc theo các hàng tre từ đầu sân bay chạy dọc xuống Vĩnh Trường xóm dưới, bọc vòng vô tới Tân An. Con đường nầy người ta có thể đánh xe ngựa hay xe bò đi thoải mái. Những con đường đi vào xóm chun vào giữa hai hàng tre mát rượi, nhưng thỉnh thoảng làm cho người ta nhức nhối nếu dậm phải gai tre. Đường nhiều bụi vào mùa nắng và cũng rất lầy lội vào mùa mưa. Cũng trên những con đường nầy, lần đầu tiên tôi mới biết cây cà rem khi đòi má mua cho ăn, khi nghe tiếng chuông leng keng và tiếng rao: “Cà rem đây năm cắc một cây, đồng hai cây, cà rem đây”.

Ngày còn ở quê ngoại, ba tôi cũng thường hay tập đờn độc huyền,. Ông có chỉ cho tôi nhưng tôi vốn thật là ngu hay vì còn nhỏ mà không học được. Nhưng có lẽ do tôi ngu, vì nhiều đêm ba tôi chỉ cho tôi tập đếm số, thế mà tôi không đếm được, có khi tôi đếm đến chín mà không biết đến số mười. Bị ăn đòn tôi khóc tức tưởi, rồi ông không thèm dạy tôi nữa, lúc ấy tôi đã năm tuổi rồi còn gì. Có đêm đang ngủ ba tôi vực dậy, đem tôi bỏ lên xe đạp chạy băng đồng, gò mã để chạy để trốn bọn cướp. Người ta chạy khắp đồng giữa đêm khuya. Cậu Ba tôi ngày xưa cũng bị cướp đánh mà bệnh chết. Quả thật lòng dạ con người, làm không muốn làm cứ muốn trộm cướp của người ta mà ăn, bất chấp tàn sát cả mạng người!

Ở Vĩnh Trường thì tre, tầm vông thật là nhiều! Nhà nào cũng có, nơi nào cũng có vì tàng tre và tầm vong cản được lượng gió rất lớn trong những ngày mưa bão, bảo vệ được cây trái nhà cửa ở phía trong vuông. Mùa nắng thì lại được mát bởi những tán cây xanh. Đường đi không quanh co lắm vì chạy theo bìa vuông. Tôi rất thích đi trên những con đường ấy vì nên thơ và râm mát. Những hàng tre như vậy khiến tôi luôn nhớ đến Vĩnh Trường dù tôi đã xa Vĩnh Trường thật là lâu.

Nhắc tới tre, tôi lại nhớ đến mùa chim dòng dọc làm ổ trên những cành tre. Ổ dòng dọc thật là đẹp, có thể nói dòng dọc là loài có khả năng kết tổ đẹp nhất từ trước tới nay mà tôi biết. Tổ treo lủng lẳng trên cành tre, miệng ở dưới để tránh mưa ướt, phía trong có chỗ trũng để chim đẻ trứng, nở con. Tổ có bờ để chim đứng. Những ngày gió lớn cũng có nhiều con chim con bị văng rớt xuống đất, chết đi. Đâu đâu cũng thấy ổ chim dòng dọc. Tiếng kêu ríu rít tối ngày! Sau nầy, theo chiến sự càng ngày càng tăng, tre bị xe ủi sạch đi nhiều nơi, khiến Vĩnh Trường bị khác đi, nắng chói nhiều hơn và quang cảnh cũng khác đi nhiều, nhất là trong việc thực thi “Hiệp định đình chiến tái lập hòa bình” khiến Vĩnh Trường trở nên trống trải, tang thương hơn vì bom đạn cày nát từ xóm dưới cho đến xóm trên vào mùa hè đỏ lửa.

Tôi rời quê ngoại từ năm tôi bảy tuổi, về xóm chợ Tân Khánh để cuộc sống được tương đối yên ổn hơn nhưng thỉnh thoảng tôi cũng theo chúng bạn lội khắp các cánh đồng hay gò mã trên Vĩnh Trường để vạch đá, đất cục hay đào đường bờ mà bắt những con dế mèn về đá chơi. Tôi cũng hay đi vào những khu rừng chồi với nhiều trái cơm rượu, trái sim, trái giấy, trái cò ke, trái táo gai… Tôi lặn lội từ ruộng bìa suối lên Bình Hòa để bắt cá lia thia, tắm ở những hầm đất sét nước đục ngầu, hoặc lội rừng chồi từ bìa Hố Khởi Hóa Nhựt lên đình Vĩnh Trường thả dọc lên đường vào Tân An, và lại băng ruộng gò qua Hóa Nhựt mà trở về.

Hình ảnh quê xưa không bao giờ phai mờ trong tôi. Tôi nhớ hoài hình dáng ôm ốm, cao cao, mắt hơi mờ của bà ngoại tôi với giọng nói yêu thương: “Nào đó bây?. Thằng Thạch hả?. Lợi gần cho bà coi coi! Ra hái ổi ăn đi con!”. 

Giọng nói ấy đã đi xa tự lâu lắm rồi  nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn thường nghe văng vẳng và vẫn còn thương nhớ không nguôi./.

(11/2014)