Thơ về Bình Dương

Đồ Ngông


Lên Thủ

Có ai về chợ Thủ
Đi ra phía bờ sông
Dọc theo đường Bạch Đằng
Đi lên Miễu Tử Trận.

Bên kia Thành Săn Đá
Bên đó lại Thành Quan
Quan, lính ở hai đàng
Gò Cầy theo ông lớn!

Tòa Tỉnh ở đồi cao
Cây dầu kêu lao xao
Nhìn ra sông lờ lửng
Cảnh đẹp, đẹp thế nào!

Ngày xưa ở chỗ nầy
Đò đưa chuyến mỗi ngày
Chợ cá qua Bình Mỹ
Giờ khách ít sang sông!

Sông ven sau đít chợ
Chợ xưa đẹp nên thơ
Hai bên hai dãy phố
Tấp nập bán buôn vào.

Nhà làng* ngó lên chợ
Đâu mặt lại đứng nhìn
Đồng hồ chợ trên cao
Xuyên hàng cây bồ-kết!

Bến xe của ngày xưa
Nhường cho Khu Thương Mại
Ồn ào thay cảnh cũ
Người chỉ nhớ năm nào…!

Cái gì cũng đã qua
Sự thay đổi mỗi ngày
Bình Dương giờ khác quá
Thủ Dầu Một đổi thay!

* Trụ sở hành chánh xã Phú Cường

Ông Đông, Bà Tri.   (Nói lái: Ông đi bà trông!)         (Tân Uyên)

“Ông” đã “đi” rồi, “bà” lại “trông”
Vô tình! Chẳng nói, khiến bà mong
Sao ông không nói cho bà biết
Để khổ thân bà, bà lại trông!

Xóm vắng, thân bà lại ốm đau
Xa nơi phố chợ, huyện phương nào?
Đường xa, xa lắc xa lơ mãi
Bà cứ trông chờ, ông ở đâu?

“Ông” đã “đi” rồi, “bà” cứ “trông”!
Bà Tri mãi ngóng, ngóng Ông Đông
Ông Đông không nói, bà đâu biết
Bởi thế “ông đi”, “bà” lại “trông”!

Búng!

Quê hương xứ Búng an lành (An)
Được ra giàu có (Thạnh), lại thêm có phần
Đã xây trường Trịnh (Hoài Đức) nổi danh
Thêm trường Bá Nghệ (tên cũ cơ sở trường Nữ THĐ), lại giành Nông Lâm
Ngày xưa Dẫn Đạo Cộng Đồng
Tỏ ra có tiếng cả vùng miền Nam
Thế mà lại chẳng chịu kham
Lại thêm danh giá: Có Phan Văn Hùm!

Bánh Bèo, Bì!   (Búng)

Bánh bèo xếp tròn trên cái dĩa
Xoay xoay thật khéo, khéo làm sao
Mỡ hành, nhân đậu trông bong bóng
Dưa, giá, bì thơm, nước mắm vào!

Mặn mặn, cay cay, hơi ngọt ngọt
Thêm rau ăn thử, thử xem sao?
Thơm thơm, mát mát qua cổ họng
Nước mắm mà ngon, tuyệt… thế nào!

Cầu Ngang.    (Bình Nhâm)

Cầu nào mà chẳng bắt ngang
Lạ chưa! Con rạch sao mà bắt xuôi
Bắt xuôi, sao tới được bờ?
Để ngang, người mới đi về, đi qua
Thế mà tên chẳng đặt ra
Cầu ngang lại đặt, lấy tên giành phần!

Trường Trịnh Hoài Đức!    (Búng)

Lạ sao cho một cái trường
Ngôi trường danh giá nhất vùng Bình Dương
Thế mà lại đóng giữa đường
Lái Thiêu - Tỉnh lỵ, cánh đồng bao quanh
Bao nhiêu thế hệ sản sanh
Phải là thuộc giỏi mới “anh (chị) học trò”
Đồn rằng tiếng nói nhỏ to
“Học sinh trường Trịnh có “chì” (học chì, học giỏi) phải không?

Trường Cộng Đồng Dẫn Đạo.    (Búng)

Nhớ rằng: Lại một thuở xưa
Có trường Tiểu học Cộng Đồng gọi tên
Dẫn đường, Dẫn Đạo mà nên
Dạy vừa văn hóa, lại nghề “ngỗng” luôn
Nuôi gà, nuôi vịt, nuôi tôm
Nuôi heo, nuôi cá, lại thêm dệt hàng
Gọi là tơ lụa tầm tang
Cho nên trường mới ở nơi ruộng vườn
Kéo theo trường Trịnh (Hoài Đức) chơi luôn
Bởi vì một Đốc, hai trường nhỏ to
Mở hông qua lại quản trò
Công lao hạn mã, kéo dài nhiều năm
Thế mà sao lại nở quên
Đốc Di (Trương Văn) có tiếng nhất nhì Bình Dương!

 Nhẫn Tế Thiền Sư.      (Búng)

Một vị nhà sư
Sang miền Ấn Độ
Đi tới Lhassa (Tây Tạng)
Tìm thầy học đạo.

Trở về xứ Búng
Lập chùa Thiên Chơn
Rồi lên đắt Thủ (Dầu Một)
Tây Tạng nên chùa.

Biệt danh Nhẫn Tế
Người gọi Thiền sư
Dựng nên phái Thiền
Giúp người tu tập!

Dập Dồn Xứ Búng.      (Búng)

Ngày tôi còn bé nhỏ
Xứ Búng đã ồn ào
Người buôn bán xôn xao
Thêm tiếng ồn xe lửa!

Tiếng lách cách máy dệt
Xen lẫn chuông nhà thờ
Những ghe bụi lên tro (đưa tro lên bờ)
Người gọi nhau ơi ới!

Rền rền xe hơi chạy
Xe ngựa tới liên miên
Thợ tiện làm liền liền
Lạch cạch nghề (đóng) móng ngựa!

Lanh canh cho tiếng gỗ
Guốc được đếm sang tay
Đưa đi xa mỗi ngày
Như loại hàng cây trái!

Những chuyện trò rôm rả
Hàng quán bún bì, bèo
Chuyện bàn tính đi theo
Cho chuyện đời mỗi bữa!

Ánh chiều dần buông xuống
Những vạt nắng lên cao
Phố chợ chiều lao xao
Cho mọi ngưòi ăn uống!

Khói chiều vừa giăng mắc
Tiếng chuông chùa công phu
Ếch nhái cùng trỗi dậy
Trong đèn sáng mù mù!

 Quê Tôi.    (Tân Khánh)

Ai về Tân Khánh quê tôi
Mà nghe tiếng vọng Bà Trà năm xưa
Bây giờ như gió thoảng đưa
Ông Ất, ông Giá như chưa có gì
Đã qua cái thuở xuân thì
Chạy theo cuộc sống, đua thi với đời
Có chăng là mệt cầm hơi
Cái vùng đất võ, lắm thời bỏ quên!

Con Suối Ngày Xưa!    (Tân Khánh)

Con suối ngày xưa nước rất trong
Chảy vào hàng dứa, chảy cong cong
Qua bao lùm chuối, rong xanh mướt
Chảy suốt quanh quanh dọc cánh đồng!

Ngày nao cũng tại chốn nơi nầy
Từng đám trẻ thơ chơi ở đây
Tập lặn, tập bơi, cùng tát nước
Tuổi thơ rón rén, bỏ nơi nầy!

Mạch chợ, mạch to hay mạch nhỏ
Bàn chân in dấu bước chân đi
Xóm trên xóm dưới “cày” (đi tới, đi lui) hằng bữa
Mà thuở ngày xưa… lại mất rồi!

 Rừng Cây Chàm!    (Tân Khánh)

Cái rừng cây chàm thuở ban trưa
Văng vắng ghê ghê thấy chẳng vừa
Ngó quất ngó quanh sao giởn óc
Nắng vàng nắng chói lạnh da gà
Cây chàm to lớn cao ghê tợn
Đường đất vắng hoe cứ nghĩ ma
Con nít hú hồn lo hoảng chạy
Chạy mau, mau chạy tới khu nhà!

 Lò Chén.     (Tân Khánh)

Từ xóm đầu trên, tới xóm cùng
Đâu đâu lò chén cũng lung tung
Dọc theo bờ suối lò ngang dọc
Chạy suốt bãi dài củi tứ tung
Khói bốc lên cao lò đang chụm
Nước xáo lao xao thợ quậy hồ
Đất sét làm nên hình dáng cả
Chậu, bình, chén, dĩa, tộ cùng tô!

 Lò Nùng!     (Tân Khánh)

Lò Nùng lại lấy đất cao-lanh
Lại đúc thành khuôn, lại đổ bình
Bình tích kiểu nầy hay kiểu khác
Chén men dáng đẹp hoặc dáng xinh
Khởi đầu chén kiểu vùng Tân Khánh
Chén đá chào thua ở xứ Bình
Sao lại “lò Nùng” kêu lạ nhỉ?
Chẳng qua ông chủ gốc dân Nùng!
Minh Long.      (Tân Khánh)

“Cáo lớn” (Minh), “thằng Long” (Long) hùn với nhau
Ra lò mỹ nghệ ở nơi đây
Phen nầy làm khác hơn lò chén
Nhất quyết ra tay thử cái tài
Phải thế gặp thời nên nghiệp lớn
Vang danh có tiếng lại vô tiền
Bây giờ doanh nghiệp ra ngoài nước
Sành sứ “Minh Long” có kém ai!

Miểng hộp!     (Tân Khánh)

Xứ người có lắm trái cây
Sầu riêng, măng cụt, chôm chôm dẫy đầy
Lại thêm tố nữ trao tay
Bòn bon ngọt lịm, trái dâu nức lòng
Xứ mình sao cứ mãi trông
Thay bằng các miểng mênh mông khắp làng
Miểng sành, miểng chén, miểng lu
Lại thêm miểng hộp cho khu hầm lò
Nhưng mà tuổi nhỏ chẳng lo
Có ngay miểng hộp mở trò tạt chơi
Chôm chôm (con vật sống trên mặt nước) mặt nước rã rời
Tính bao nhiêu cái định phần hơn thua!

Guồng Quay Nước.     (Tân Khánh)

Guồng quay theo dòng nước chảy
Xoay xoay quanh trục suốt ngày
Mang trên mình thêm nhiệm vụ
Những cối giả chẳng ngưng tay!

Trục kéo dài qua các cối
Hai cánh ngắn vươn ra ngoài
Thay nhau đè trên trục giả
Trục giương cao lại rơi ngay!

Suốt ngày đêm cùng nhịp điệu
Trục giả chẳng được nghỉ ngơi
Sức người nhường cho sức nước
Sức nước lại lấy phần rồi!

Thời cơ giới lại sang mau
Guồng xưa, xưa cũ mất rồi
Giả hồ men bằng máy móc
Guồng quay nước đành tiêu thôi!

 Cầu Xéo.       (Tân Khánh)

Có cầu lại chẳng bắt ngay
Hay là cầu đã gãy hồi chiến tranh
Khiến người bắt tạm bên kia
Đường đi xéo xẹo lại ra tên cầu
Đến nay lại chẳng có cầu
Mà tên “Cầu Xéo” vẫn còn lưu danh!

Hàng Tre Dài.      (Tân Khánh)

Hàng tre đi suốt con đường
Đường không dài mấy, nhưng dài hàng tre
Những ngày gió lộng đong đưa
Ngọn tre nghiêng ngã, chào thưa khách về
Khách đi khách vẫn ủ ê
Nửa đêm vẫn nhớ hàng tre quê nhà!

Bưng Cù!      (Tân Khánh)

Ra bưng chẳng thấy con cù
Cứ nghe mà chẳng biết cù ra sao!
Tiếng rằng cù dậy xôn xao
Điềm lành sẽ tới, anh hào xuất thân
Có chăng cù chắc ở bưng
Nếu không sao gọi “Bưng Cù” từ xưa!

Cầu Đúc.      (Tân Khánh)

Cây cầu Tây đúc đã lâu
Bắt ngang suối nhỏ băng đồng đi qua
Đi qua Hố Khởi, Tân Long
Xuôi về Bình Hóa, đi về Tân uyên
Đi về: “Chợ Thủ (Đồng Sứ)” trên miền  
Đem theo ve, hủ .. để còn bán buôn
Bán buôn những thứ người cần
Bán cả đồ chè, lẫn cối đâm tiêu!”

Công Xi.    (Tân Khánh)

Công xi, chùa không lớn
Thờ ông Thánh Quan Công
Ba năm thì đáo lệ
Người Hoa họp thật đông!

Có từng đàn con hẩu (múa giống con lân)
Từ Hưng Định, Lái Thiêu
Xúm nhau mà nhảy múa
Theo trống giục nhanh đều!

Có thêm phần Ông Bổn
Người khiêng lắc tứ tung
Tượng trên kiệu chễm chệ
Dí (đuổi) Bát Tiên (kép hát đóng vai bát tiên) trên đồng!

Lễ hội cũng vui vầy
Tâm linh cùng lệ này
Hàng năm chia (nhau) tổ chức
Ba nơi đều vui thay!

Mắm Nêm Đồng Ván.       (Tân Ba)

Ai về Đồng Ván Tân Ba
Hỏi thăm ghe mắm nay đà lên chưa?
Mua về rồi lại ướp dưa (dưa gang non)
Làm ra dưa mắm để dùng quanh năm
Lại thêm có những miếng thơm
Làm cho cá mắm bớt hăng dịu mùi
Ủ lâu ăn hết cả nhà
Mắm nêm, dưa mắm, cải (củ) dài làm dưa
Mắm nêm, mắm xắt, mắm bằm
Nguồn ăn như chính của người dân quê! (Bình Dương)

Bến…!        (Bình Dương)

Lên miền Dầu Tiếng mà xuôi
Xuôi dòng sông nhỏ có tên Sài Gòn
Đi qua nhiều bến bôn chôn
Ghé bên Bến Củi mà rinh củi về.
Đi ngang nhìn thấy Bến Chùa
Có người đứng đợi bên chùa cứ mong
Có chừng suy nghĩ lại trông
Xuôi về Bến Cỏ tìm cô người tình!
Bước lên Bến Súc cảnh xinh
Hằng cây gỗ lớn đợi về miền xuôi
Xuôi qua Bến Thế nằm chờ
Mua chôm chôm chín cùng về chuyến luôn.
Nhưng bên Bến Cát trộn hồ
Chưa xây dinh được, phải chờ năm sau.
Thôi rồi đành phải về mau
Xuôi qua tỉnh Thủ, An Sơn, Nhị Bình
Lái Thiêu cầu Sắt xinh xinh
Đừng vương Bình Triệu cầu Gành bắt ngang
Đừng vương vào đất Thanh Đa
Mà dang tay với Nhà Bè phân đôi:
“Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về”       (ca dao).

Rừng Cò Mi.          (An Phú)

Cái tên nghe lạ, hơi kỳ
Rừng đâu có của ông Cò (cảnh sát) tên Mi
Rừng từ khu vực nhà Thơ
Bao trùm An Phú (Xã) chạy về Dĩ An
Trong thời ác liệt chiến tranh
Rừng đành tiêu hết cũng vì khai quang
Lại thêm xa lộ Đại Hàn
Dĩ An – Bình Chuẩn xuôi lên Chợ Đình
Phá tan đi những chiến khu
Để giành phần thắng, chỉ thương dân lành!

An Phú Xã.

An Phú Xã ngày nao
Nắng đổ lửa thế nào
Rừng Cò Mi tan nát
Đất khô cằn làm sao!

Chỉ đợi trời mưa xuống
Khoai lang lại khoai mì
Đồng thênh thang mút mắt
Mồ hôi thấm ướt mi!

Bây giờ người chen chân
Hảng xưởng đã ngập tràn
Biết bao là công việc
Khách xưa thốt ngỡ ngàng!

Bến Đò Trạm.      (Tân Ba)

Bến đò nầy là trạm
Mà trạm của gì đây?
Hỏi ai mà có biết
Xin cho biết nghĩa nầy!

Chắc là nơi nghỉ ngơi
Đợi đò ta phải ngồi
Đợi lâu đò mới tới
Rồi ta mới sang sông!

Bên bờ đó Bửu Long
Bên nây ta nóng lòng
Đi qua rồi đi lại
Ta mỏi mắt chờ trông!

Nhà Máy Nước Hóa An!       (Tân Hạnh)

Nhà máy nước Hóa An
Là tiếng gọi dân gian
Dành riêng cho nhà máy
Chuyên lọc nước để xài!

Nằm bên dòng Đồng Nai
Tiếp thu nước mỗi ngày
Lọc đưa về Thành Phố
Dân Sài Gòn may thay!

Câu ngày xưa đã nói:
Uống nước thì Đồng Nai
Ăn gạo thì Cần Đước
Quả thật chẳng có sai!

Chợ Đồn.

Chu choa, sao gọi “Chợ Đồn”?
Bên nây là chợ, lại đồn bên kia
Đồn nầy đóng chốt ven rìa
Bên đường xe lửa, băng qua Cầu Gành.
Cầu Gành hai cái hai bên
Nối Cù lao Phố, rồi lên Biên Hòa
Và đường xe lửa còn xa
Đi ra Hà Nội mới là Bắc Nam!

Cù Lao Phố.

Cù lao tuy nhỏ mà hay hay
Trần Thượng Xuyên đi đến chỗ này
Đã chọn nơi đây dừng lại bước
Và làm chỗ ở bắt đầu xây
Cù lao tiếp nhận người xa tới
Đất địa luyến thương khách lưu đày
Một cõi trăm năm chia để sống
Cùng nhau ai lại cũng như ai!

Tân Vạn.

Đã Tân mà lại Vạn lần
Hay là lò gạch quá chừng mọc lên
Gạch đinh, gạch lỗ lềnh khênh
Bán qua xứ Bắc, bán về xứ Tây
Ai dè môi trường không hay
Phải đành giải tỏa, lò nay đi rồi!

Tân…!

Bắt đầu Tân Vạn mà đi
Đi qua Tân Hạnh, đi về Tân Ba
Lại vô Tân Khánh la cà
Nhào qua Tân Hóa (Khánh), sẵn đà Tân An
Tân Long, Tân Hội lang chàng
Thả rong ta lại trôi về Tân Uyên
Tân Hòa ta lại huyên thuyên
Đến qua Tân Tịch, thì Tân “tịt” rồi!
Nhưng nay lại có Tân Thành
Mà chăng có thật là “Thành” “Mới” không?

Núi Châu Thới.                   (Dĩ An)

Núi không cao, núi lại xinh xinh
Trên đỉnh, chùa riêng cảnh hữu tình
Có tượng tam giáo đồng ngự trị
Quan Âm cứu độ đứng riêng mình
Vươn lên trời cao nhìn ra khắp
Để lắng tai nghe hạnh tầm thinh
Đường dốc lên lên duyên mới lớn
Núi non, non nước đượm ân tình!

Bình Thung.                  (Dĩ An)

Bình Thung nghe lạ cái tai
Giống như món vật thun ra thun vào
Ngã ba thiên hạ đi mau
Chạy về An Phú, đi về Bình Dương!

Sưối Lồ Ồ!             (Dĩ An)

Sao người ta gọi lồ ồ?
Hay là dòng nước chảy ra khá nhiều
Trên cao đổ xuống ồ ồ
Nước phơi lồ lộ, bắt đầu suối con
Suối con róc rách khơi nguồn
Chảy ra suối lớn để về chốn xưa!

Con Đường!            (An Phú Xã)

Đường về An Phú xa xưa
Con đường than lậu, nắng mưa dãi dầu
Những người da sạm, canh thâu
Thồ từng xe đậu, than từ điểm xa
Kiếm nuôi những miệng trong nhà
Trong cơn khốn khó, nước nhà tang thương!

Vĩnh Phú!

Qua cầu Vĩnh Phú đây rồi
Bình Dương chưa đã.., mà nghe mùi đường
Bây giờ nhường lại nhà thương
Bên lề chen chút nhà lên chật rồi
Đâu là đất của Phương Nam
Làm khu du lịch, người vào người ra!

Phú Long!

Phú Long bắt (đầu) ở mũi dùi
Một bên xa lộ, cũ: Đường mười ba
Mười ba len lỏi gần xa
Đi qua các xóm, các nhà ngày xưa
Cong cong, quèo quẹo có thừa
Cho nên xa lộ kịp thời thế thay!

Lái Thiêu.

Lái Thiêu coi thế mà sung
Có dòng sông lớn ghe vào ghe ra
Ghe ra chở đặc sản nhà
Toàn lu, hủ, khạp đưa về miền Tây
Lại thêm chén dĩa chất đầy
Phen nầy cho đã.., miền Tây cứ xài!

Cúng Công-Xi!

Lái Thiêu, Hưng Định công xi
Cũng cùng Tân Khánh chia nhau  ra làm
Mỗi năm mỗi chỗ một lần
Đem theo con “hẩu” lắc đầu múa may
Cùng nhau lại cố tranh tài
Có khi tức khí, bày trò “chơi” nhau!

Trường Câm Điếc!             (Lái Thiêu)

Lái Thiêu có trường câm điếc
Dạy người bất hạnh chẳng may
Học hành dấu hiệu đặc biệt
Tỏ ra để hiểu ý người!

Cuộc đời có lắm trái ngang
Ông trời lại ở bất công
Đem người ra thân đày đọa
Thế Ông mới thích, vừa lòng!

Ai bảo: Trời yêu thế gian?
Ai bảo: Tình yêu ngập tràn?
Cứ nhìn tai họa mà biết
Những gì trời cho thế gian!

Miệt Vườn!

“Miệt” nghĩa là gì? Đó hỡi anh?
Người ta hay nói, tôi chưa rành!
Chắc hay có lẽ…là khu ấy
Khắp cả mấy khu lại có vườn!

Ừ thế! Cứ hay là thế đó
Bình Nhâm, Hưng Định qua An Sơn
Phú Văn, An Thạnh lên Bà Lụa
Khắp cả đâu đâu cũng có vườn!

Vườn cây ăn trái vườn râm mát
Không khí trong lành ta thở chơi
Nhởn nhơ ta hái vài cây trái
Ổi, mít, mận, đào ta cứ xơi!

Muốn nghe tiếng dế đêm mang đến
Rộn rã âm vang ve gọi hè
Có cả rắn lục đêm hút gió
Lặng: Nàng tiên thoáng…thoáng đi qua!

Ừ đó bóng hồng con chủ vườn
Dáng thơ yểu điệu lắm yêu thương
Bòn bon, tố nữ, dâu thua dáng
Măng cụt, chôm chôm lại phải nhường!

Miệt vườn có cách riêng mà sống
Sinh hoạt đan xen cùng uống ăn
Bởi thế cho nên văn với hóa
Riêng riêng cái nét của nơi vườn!

Cô Hàng Năm Xưa!                (Bình Nhâm)

Cô hàng cây trái của năm xưa
Ngày đó thơ ngây, chửa có chồng
Nhỏ nhẹ lời ru như tố nữ
Dáng thơ ngọt lịm kể bòn bon!

Năm nay ta gặp lại cô nàng
Thoáng chốc cùng nhau thật ngỡ ngàng
Nhìn thấy nhau rồi mà chẳng biết
Biết bao cách biệt lần thu sang!

Lò Đường Bà Lụa.                (Thị Xã)

Một thời nổi tiếng của Bình Dương
Nhà máy chuyên môn sản xuất đường
Tiêu thụ mía trồng khu vực lớn
Chuyên cung sản phẩm khắp thương trường!

Bà Lụa.         (Thị Xã)

Một trong tứ giác của công-xi
Tân Khánh, Lái Thiêu có khác chi
Hưng Định, lại thêm Bà Lụa nữa
Luân phiên tổ chức mỗi năm (một) kỳ!

Thế rồi cuộc chiến lại tăng thêm
Chiến sự gay go bẻ gãy nền
Bà Lụa mất dần trong cuộc lễ
Chỉ còn ba cẳng hội thường niên!

Cầu Tam Bản.          (Xã Thạnh Phước)

Nghe đâu ta tưởng lạ lùng
Chỉ ba miếng ván làm nên cái cầu
Thế thì xe chạy vào đâu
Làm sao lại đủ bắt cầu đi qua
Ai dè tên chỉ đặt ra
Cầu cần nhiều bản, ghép nhau thành cầu.

Khánh Vân.              (Xã Khánh Bình)

Khánh Vân nho nhỏ mà to
Chỉ là một ấp thế mà nổi danh
Vào giai đoạn trước miền Nam
Hai Khu Trù Mật được thành lập nên
Khánh Vân, Chương Thiện hai miền
Có Ông Tổng Thống khánh thành xôn xao
Có đường gọi “Lộ năm mươi”
Rộng năm mươi thước có nơi nào bằng
Lại thêm có Đảng Rừng Xanh
Ông Bời, ông Liễu vang danh một thời!

Cù Lao Sáu Xã.

Cái cù lao lớn thế sao?
Bao gồm sáu xã làm nên một nhà
Bình Hưng, Mỹ Quới, Mỹ Hòa…
Còn ba xã nữa thì không biết rồi
Nói ra chỉ để mà chơi
Bây giờ thiên hạ lấy hơi “Bạch Đằng”!

Tân Uyên.

Tân Uyên thị trấn ven rìa
Khu D lớn nhất rừng già Miền Đông
Đưa lưng mà dựa bờ sông
Đồng Nai con nước, theo dòng thuyền trôi.
Có Bình Nguyên Lộc lên ngôi
Nhảy lên múa bút, văn đàn nổi danh
Lại thêm Văn Nghệ họ Huỳnh
Cũng dân Xứ Thủ (Đồng Sứ) lưu tên của miền!

Dốc Bà Nghĩa!           (Tân Uyên)

Đường lên cái dốc khá cao
Có tên Bà Nghĩa thật là nổi danh
Ở đây đã biết bao người
Bỏ thây vì bởi trong thời chiến tranh
Giựt mìn, đụng độ liên miên
Ngày xưa có cọp, nhất miền tại đây
Cọp vô sử sách xứ nầy
Có tên “Ba móng” ai người nhớ chăng?

Thường Lang, Đất Cuốc.                (Thường Tân, Tân Uyên)

Nghe tên mà lại lạnh lùng
Nghe sao khổ não, dành trong cuộc đời
Đã đành “Cuốc đất” chơi vơi
“Trồng lang” mãi mãi để dành mà ăn
Thế mà lại mỏ “Cao lanh”
Thế mà cũng chỗ “Đặc Công” ra đời!

Điểm!              (Tân Uyên)

Tưởng rằng điểm ở nơi đâu
Ai ngờ điểm đã ở đây rành rành
Điểm là khu vực rừng xanh
Bây giờ được phá để anh cấy trồng,
Đi vào kinh tế, canh nông
Làm cho điểm phải gánh gồng giàu sang.
Nhưng mà điểm cũng là than
Bao người vất vả đi than xe thồ!

Quốc lộ 16.

Đường chạy đi về nơi chốn xa
Băng qua khu điểm những rừng già
Cao su thẳng tắp thay rừng lớn
Đường sá chun vào vọng tiếng vang.
Bình Mỹ, Bình Cơ qua Bố Lá
Tân Uyên, Hội Nghĩa đến Phước Hòa
Qua sông ta lại về Phước Vĩnh
Đã đến nơi rồi ta hát ca!

Phước Hòa.           (Phú Giáo)

Khu sở lớn rồi, đây Phước Hòa!
Ngày xưa dân đến từ nơi xa
Làm phu cạo mủ bao nhiêu lớp
Đổi sức công lao những mạng già
Chăm bón cao su giành sự sống
Vun bồi miếng mủ đổi tiếng ca
Nằm nghe gió thổi rung rừng lá
Lặng ngắm mây trời ta với ta!

Sông Bé.          (Phú Giáo)

Cái con Sông Bé thế mà ghê
Ta thấy nó rồi ta chẳng mê
Không biết ngày xưa chăng có dữ
Nào nghe thuở ấy có đường về.
Bé con hoảng sợ vì câu sấu
Người lớn e dè tại chướng ghê.
Thời buổi ngày nao giờ đã mất
Thảnh thơi, ta ngắm…ngắm mây về!

Phước Vĩnh.            (Phú Giáo)

Phước Vĩnh! Có lần tớ đến đây
Ngày xưa xa vắng chốn nơi nầy
Lưa thưa nhà cửa còn đang cất
Phố xá nào đâu được thế này!

Đã mấy mươi năm thời đã qua
Qua rồi của cuộc chiến tranh xa
Có bao thế hệ luôn bồi đắp
Cố sức mà xây, xây nước nhà!

Dốc Dài.           (Bình Hóa)

Dốc dài Bình Hóa thật là dài
Từ đỉnh đồi cao thả chạy ngay
Khéo khéo coi chừng xe lủi đó
Khôn khôn xem kỹ người đây nầy
Khi lên cũng đạp rời chân cẳng
Phải xuống mà dìu mỏi cánh tay
Cứ thế mà ngày về lẫn đến
Đi đi lại lại ngày qua ngày!

Bà Trắng!

Cái bà đồ trắng đã đi qua
Từ đó Bà Trắng được đặt ra
Bến Sắn trại cùi thay tên gọi
Bà Sơ áo trắng ấy cơ mà!

Đường Về!

Đường qua Bốn Chín sở đây rồi
Bên đó Số Mười chỉ vậy thôi
Cái dốc Hố Cao cao thật đó
Cầu ngang Suối Cái nước dần trôi
Tân Long, Tân Hội rồi qua dốc
Cây Trắc, Dốc dài lại đến nơi
Tân Khánh ồn ào thêm chợ búa
Vang vang tiếng vọng chỗ đông người!

Vĩnh Trường.

Vĩnh Trường có những vuông tre
Có con đường đất cho xe quanh làng
Nối nhau tre tới Tân An
Xóm trên, xóm dưới tre đan khắp cùng
Tới mùa (chim) dòng dọc tập trung
Trên tre lủng lẳng hàng ngàn ổ chim
Vui sao chim quá là chim
Chim con chim mẹ vang rền hót ca!

Sân Bay.               (Tân Vĩnh Hiệp)

Sân bay của sở Con Rồng
Hay là của đám Nhật lùn dựng xây
Sân bay lại rộng lắm thay
Để người bay tập, lúc hay nhảy dù
Khi thì lại để ném bom
Nhưng mà lính Mỹ (Sư đoàn I Không Kỵ) làm căn cứ rồi
Sau nầy Bộ Đội ở thôi
Sân bay đã mất với vườn Bà Đôn!


Vườn Bà Đôn.

Rừng thưa nho nhỏ rừng chồi
Sao người ta gọi là Vườn Bà Đôn?
Chỉ nghe thiên hạ cứ đồn
Bà Đôn đâu thấy, thấy rừng lưa thưa!
Đường Ra!

Đường ra Thị Xã lắm Bình
Đi qua Bình Quới, Bình Hòa quanh quanh
Xong rồi Bình Thoại thoáng nhanh
Bình Điềm lại có sở xoài ngày xưa
Đừng vào Hòa Thạnh mà mua
Heo nái với lại rượu ngon, bả hèm
Đi qua Phú Lợi mà xem
Có hàng khối xóm, cơ quan dập dồn
Đi qua cái gọi chợ Đình
Qua luôn cả cái Ngã Tư Sao Quỳ
Đi về cái dốc Nhà Thương
Đi qua Ngã Sáu, Phú Cường là đây!

Bình Chuẩn.

Bình Chuẩn lại có cái hay
Luôn ba ấp cả nằm ngay trục đường
Con đường huyết mạch giao thương
Cho nên không khá, đợi thời nào đây!

Thuận Giao.

Đã “Thuận” rồi lại “Giao”nhau
Bán buôn đất sét đưa về lò nhen!
Xe bò, xe tải liên miên
Giao cho đủ số mới nên hợp đồng
Xứ này lại được số đông
Đào lên đất sét, bây giờ “Cao lanh”
Lại thêm Hòa Thạnh bên ranh
Một phần Bình Chuẩn tranh giành chút chơi
Cả ba hợp lại: Ba nơi
Chuyên cung đất sét cho lò chén thôi!

Ngã Tư Hòa Lân.            (Thuận Giao)

Hòa Lân trục lộ dập dìu
Tiếng còi inh ỏi, tiếng người xôn xao
Bán buôn lắm cái ồn ào
Ừ thôi! Thì cũng lăn vào ngủ trưa!

Đi Lên.

Phú Lợi nằm giữa Phú Văn
Đi lên Phú Thuận mà băng qua đường
Đi vô Phú Hữu chơi luôn
Lại qua An Mỹ thăm trường Ông Trai (Trần Văn Trai)
Ông Trai mới chết năm này
Thọ vào trăm tuổi, có tài, phước sâu
Nhờ Ông An Mỹ dẫn đầu
Đình to cao lớn; trường này trường kia
Trường tư có cả trường công
Có Trung, Tiểu học góp phần giúp dân!

Chợ Đình.            (Thị xã)

Chợ chi nhóm họp ở đình
Thành ra người gọi chợ Đình chẳng sai
Hay là vị trí khá hay
Nên người nhóm họp, ngày ngày bán buôn!

Ngã Tư Sao Quỳ!               (Thị xã)

Ngày xưa nó lại ngã ba
Có cây sao ngã như ta đang quỳ
Cho nên mới đặt “Sao Quỳ”
Ngã ba chết tiếng, bây giờ còn tên
Đường vô Phú Thuận vắng tênh
Đường về Phú Lợi, đường ra Phú Cường
Từ khi xa lộ mở đường
Ngã ba nay đã ngã tư đổi rồi!

Xóm Mương.             (Thị xã)

Xóm nầy chắc có nhiều mương
Trồng cây ăn trái, lập vườn trồng cao
Gần ga xe lửa ngày nào
Đã chen cái cảnh ồn ào điếc tai
Chiều về nghe tiếng công phu
Bên chùa Tây Tạng, ru ru gọi lòng!

Chợ Cây Dừa.           (Thị xã)

Cây dừa ở khoảng góc đường
Người qua người lại khu nầy khá đông
Lần lần nhóm họp bán buôn
Chợ nầy chết tiếng thành tên “Cây Dừa”!

Bưng Cải.            (Thị xã)

Đường sao xuống dốc thấy mà ghê
Cố ráng đi lên bước nặng nề
Đã vậy mà còn “bưng” mớ “cải”
Đem rao thiên hạ thấy mà mê!

Nói thế mà chơi chứ xuống “Bưng”
Trồng ba mớ “Cải” lên tưng bừng
Đem ra chợ bán thêm tiền bạc
Mua sắm chút đồ, thế được hưng!

Nhà Thương!              (Thị xã)

Nhà thương nầy ngày xửa ngày xưa
Tiếng gọi dân gian chẳng phải thừa
“Thương thí” vô nằm không phải trả
Dân nghèo, kém đói thật là ưa!

Bao năm nó vẫn nhà thương công
Cứu giúp dân đen kẻ khốn cùng
Những lúc đau thương và bệnh hoạn
Có nơi nương tựa lúc đau lòng!

Chùa Hội Khánh.               (Thị xã)

Chùa ở vào khu yên tĩnh thay
Cảnh quang khoáng đảng, thoáng nơi này
Cánh đồng phía trước đầy mầm sống
Chánh điện trong nầy hướng kiếp sau
Có Kệ, có Kinh lòng hướng thiện
Có Tu, có Hạnh giữ tương lai
Cuộc đời đạo đức cho nhân quả
Thế giới, nhân sinh, cuộc sống này!

Lễ Hội Chùa Bà.            (Thị xã)

Chùa Bà Thiên Hậu tới hằng năm
Cứ đến tháng Giêng lệ đúng rằm
Lễ hội tưng bừng người náo nhiệt
Đám đình vui vẻ khách vào thăm
Nào lân, nào trống vang inh ỏi
Rước cộ, rước Bà có tiếng tăm.
Chiêm bái người người lòng kính ngưỡng
Vay vay, nợ trả, khấn âm thầm!

Ngã Tư Piscine.          (Thị xã)

Cái ngã tư nầy dính tuổi thơ
Của nhiều đứa trẻ giống như mơ
Ngày xưa còn nhỏ thường hay đến
Tới tắm Piscine với bạn chờ!

Lớn rồi chẳng để ý gì đâu
Thỉnh thoảng gặp nhau nhắc chuyện lâu
Kỷ niệm ngày nao đầy luyến nhớ
Ngã tư, hồ tắm, sóng dâng trào!

Cầu Ông Đành!             (Thị xã)

Có phải ông Đành xưa ở đây?
Mà nay lưu dấu mãi tên nầy
Tên cầu, tên dốc, luôn tên xóm
Ông hỡi! Ông Đành ông có hay?

Xưởng Sơn Mài.

Sơn mài có tiếng ở Bình Dương
Một thuở xa xưa chiếm đoạn đường
Thành Lễ, Trần Hà đua đối mặt
Sông Gianh chen lấn ở thương trường!

Trường Mỹ Nghệ Thực Hành.        (Bình dương)

Xưa trường Mỹ Nghệ Thực Hành
Ngó ra sông Thủ mà vào thế gian
Họa viên, Điêu khắc, Sơn mài…
Là nơi đã tạo nhân tài mai sau
Mấy người được thỏa ước ao
Có danh, có tiếng đời sau nhắc hoài!

Trường Trung Học Tư Thục.

Ngày xưa Trí Đức ai đi
Tôi vô An Mỹ vào khi đầu đời
Sau nầy những hè chơi vơi
Chui qua Nguyễn Trải mà nghe giảng bài
Có khi theo bạn lai rai
Bên rào săn đón cô nàng Văn An (sau là Đăng Khoa)
Đi qua, đi lại lang thang
Giu-Se chẳng ghé, lại ngang Bồ Đề
Bán Công lạ chỗ lạ quê
Thì thôi, cứ lại quay về Nghĩa Phương!

Cầu Phú Cường.

Chiếc cầu đã bắt qua sông
Khiến người chẳng phải ngóng trông đợi đò
Nhưng mà lại chạy vòng vo
Khiến người cũng phải gọi đò, đợi mong!

Ngã Ba Lò Chén.         (Thị xã Phú Cường)

Ngã Ba ở chỗ lưng đồi
Vừa khi đổ dốc chạy về Nghĩa Phương
Chạy qua những phố những phường
Đầy đầy chén bát, ồn ào dĩa khua
Vui vầy kẻ bán người mua
Đúng khu lò chén, tiếng “khua” có thừa!

Quốc Lộ 13.

Bình Dương có lộ mười ba
Đi qua Thị xã, đi về Lộc Ninh
Trong thời tàn khốc chiến tranh
Nhiều nơi chiến tích, nhiều nơi xác người!

Bưng Cầu!

Tay “bưng” lấy rỗ mãng “cầu”
Lên Tương Bình Hiệp mà rao bán hàng
Nếu nào ai chẳng chịu sang
Thì xin trao đổi sơn mài được không?

Lên.

Bưng Cầu, Cầu Định lại lên
Đi lên Bến Cát, Bàu Bàng xa xôi
Lai Khê thì đã qua rồi
Đợi chờ xe “cát” (bến cát) chở lên Chơn Thành
Đường đi khó bởi chiến tranh
Thôi thì quay lại, về xây nhà mình!

Khu Du Lịch Đại Nam.

To lớn là to, khu Đại Nam
Có vô mới thấy thật chàm vàm
Người đâu lại có khu to quá
Hàng khối người vào khu vẫn kham!

Ăn!

Qua sông Thị Tính tới An Điền
Ta về Rạch Bắp sẽ ăn thêm
Tha hồ nướng bắp nghe dòn dã
Đánh giấc trưa hè, sướng như tiên!

Bánh tráng Tây Nam dẻo lại thơm
Cứ cuốn đi rồi khỏi ăn cơm
Rau rác đây nầy cần đâu kiếm
Đầy đủ cả rồi, quả thật xôm (xôm tụ)!

Bến Thế.

Đã là cái “Bến” ở ven sông
Chẳng biết ra sao lại “Thế” không
Làm chứng cho đời “Đình” đứng đó
Để “Tân An Xã” lại bằng lòng!



Bến Súc.

Bến Súc nghe qua tưởng gỗ rừng
Cây to cưa khúc nửa lưng chừng
Đem đưa ra bến thuyền chuyên chở
Thuyền tới, thuyền lui chẳng lúc ngưng.

Bến Súc ngày nao, lúc chiến tranh
Điểm “Tam Giác Sắt” hai bên giành
Đưa dân di tản về Gò Đậu
Luôn cả bò heo…Ôi! Chiến tranh!

Bến Súc đi rồi bỏ áo xưa
Thanh Tuyền xanh mướt đẹp duyên ưa
Dập dìu người đến, đi lưu luyến
“Bến” vẫn hãy còn, “Súc” đã xưa!

Bến Chùa.

Rằng sao lại gọi Bến Chùa
Ngày xưa ở “Bến” có “Chùa” đó chăng?
Chùa nay có có còn không
Qua thời chinh chiến có mong chi còn!

Bến Tranh.

Thuở nào rừng có lắm tranh
Cắt tranh để đánh lợp lên mái nhà
Hay là “Bến” chỗ đem ra
Gom tranh lại bán cho người đến mua?

Cỏ Trách.

“Trách” chi loài “Cỏ” vô tình
Thế mà “Cỏ” lại “Trách” đường nhân gian
“Cổ” hay là “Cỏ” nội ngàn
Người ưa gọi “Cỏ”, trách than làm gì!

Cổ Cò.                (Dầu Tiếng)

Cong cong như cái cổ cò
Người ta cứ gọi cổ cò cho sông
Vào mùa mưa lớn không thông
Nước sông dâng lớn mênh mông cánh đồng
Nước qua Bến Củi, sát đường
Thế mà mang lại có nhiều cá tôm!

Dầu Tiếng Ngày Nao!

Dầu Tiếng ngày nao có cổng Bo (Port?)
“Tiếng” cây “Dầu” nổi rất là to
Hàng ngày nghe tiếng còi ốc hụ
Giờ giấc công nhân đến hoặc về!

Dầu Tiếng trong thời buổi chiến tranh
Nằm trong cái thế hai bên giành
Giằng co kéo mãi làm dân khổ
Chỉ thấy là riêng mệt dân lành!

Dầu Tiếng ngày nao có bấy nhiêu
Có đâu dân số gọi là nhiều
Bao nhiêu dân chúng đều đi cả
Đi hết, dân còn có bấy nhiêu!

Lòng Hồ Dầu Tiếng.

Tớ đã đi từ Dương Minh Châu
Chạy vòng, vòng theo hồ xứ Dầu
Đường lún, sao xe hay nhún nhảy
Trên hồ có những ghe buông câu!

Tớ đã ghé thăm khu của hồ
Làm ăn có khá, tiền có vô
Mà sao thưa thớt, hàng quán vắng
Lặng lẽ, lao xao sóng mặt hồ!

Đây đó tình nhân ghé nơi đây
Nhìn trời, nhìn nước, tâm sự nầy
Càng vắng thưa người, đời lại thú
Cũng rằng, ta lại đến nơi đây!

Thoáng Qua!               (Dầu Tiếng)

Tớ về, nhưng lại chỉ thoáng qua
Ghé thăm Dầu Tiếng của thuở xưa
Đổi thay! Phải chứ đời thay đổi
Dầu Tiếng cũng thay mới là vừa!

Bây giờ Dầu Tiếng đã đẹp hơn
Trù phú năm nao cũng lại về
Thời buổi chiến tranh, thôi “ốc đảo”
Mấy mươi năm qua rồi, một cơn mê!

Bạn bè, trường học của năm nao
Thoáng nhớ ngày xưa, tại nơi nầy
Biết bao kỷ niệm, giờ trải lại
Chạnh lòng trong cảm giác, mây bay!

Tiếng Trái Cao Su Nứt Vỏ!       (Dầu Tiếng)

Trái cao su nứt vỏ trưa hè
Tiếng hạt rơi khua lẫn tiếng ve
Lặng lẽ, ta ngồi tâm sự vắng
Xa nhìn, nắng trải lên hàng me!

Trái cao su nứt vỏ trong vườn
Lãng đãng mây trời, nắng hắt vương
Gió thoảng hiu hiu, nghiền ngẫm tới
Như như chiếc lá thoáng trong vườn!

Cao Su Mùa Thay Lá!     (Dầu Tiếng)

Cao su thay lá sao mà nhớ
Nhớ nhớ vì sao lại nhớ hoài
Mùa thu! Có phải? Ta không biết
Có biết gì đâu mùa thu sang!

Cao su thay lá nhớ Tết thôi!
Nhớ đến hàng cây rụng lá đầy
Nhớ khu vườn đó khua xào xạc
Nhớ gió hiu hiu thổi lá bay!

Cao su thay lá đợi mầm non
Nhìn lá xanh xanh, tán lá tròn
Qua lá nhìn trời thoang thoáng đẹp
Cao su thay lá, chẳng thu sang!

26/04/12