Tết
và tôi
Nguyễn Kim Nên
Người bạn học
thật dễ thương từ quê nhà thăm hỏi tôi đã
viết bài cho báo Xuân THĐ chưa… Đang viết dở dang
bạn ạ!. Nguồn cảm hứng chợt đến rồi lặng lẽ ra đi trả lại cho tôi
những trống vắng không tên khó viết thành
lời… Nhưng dù sao đi nữa cũng phải cố gắng viết cho trọn vẹn một
bài tản mạn về những khoảnh khắc mùa xuân trong
cuộc đời, để từ đó xin gởi đến trường xưa bạn cũ chút
tình nồng giữa độ Xuân về.
San
Antoinio, Texas năm 1976. Thánh lễ Tết Nguyên Đán
dành cho những người Việt tỵ nạn được tổ chức trong một căn
nhà nhỏ chật hẹp với hơn mười gia đình giáo
dân. Sau thánh lễ mọi người tề tựu ăn mừng với vài
thức ăn đơn sơ của ngày Tết. Tôi và người bạn mới
quen chợt bùi ngùi, xúc động không ngăn được
giọt nước mắt chảy dài… nhớ nhà.
Lúc đó, tôi
thường cố níu kéo những ngày tháng cũ để
vơi đi nỗi buồn xa quê hương, để tự an ủi mình ngày
tháng này tôi còn ở trên quê
hương tôi… Rồi thời gian vô tình trôi
qua, tôi không còn ngày tháng
nào để nhớ, để níu kéo nữa vì tuổi
tôi ở đây đã hơn gấp đôi tuổi tôi ở
quê nhà … Để rồi từ đó, nỗi buồn xa nhà cũng
vơi nhòa theo tuổi đời, riêng niềm nhớ vẫn vương vấn hồn
tôi. Ước gì Tết đến với tôi tràn đầy hoa mai
vàng đua nở, gió Xuân ấm ấp tình người để ba
mươi bảy cái Tết tha hương giữa mùa Đông lạnh
giá phai mờ vào lãng quên.
Bến Súc(1)
bình dị với tuổi ấu thơ hồn nhiên, vô tư. Tôi
thích nhất là được mặc quần áo mới trong ba
ngày Tết. Nhà tôi ở làng quê
không có gian hàng bán quần áo con
nít nên chị Mai của tôi phải may áo mới cho
tôi. Tết năm ấy chị đang vào lứa tuổi trăng tròn,
cái tuổi có nhiều bạn bè rong chơi. Chiều ba mươi,
chị Mai vẫn còn đi chơi chưa về. Xấp vải má tôi mua
đã cắt xong chỉ chờ chị may vẫn còn nằm im lìm như
nét buồn ủ rủ của tôi chờ áo mới. Mấy đứa nhỏ
hàng xóm chạy qua lại trước sân nhà khoe
áo mới càng làm tôi tủi thân. Trời tối
dần, chị Mai mới hí hửng trở về nhà …
Bình Dương
với tôi thật nhiều kỷ niệm... Bạn Lan và tôi
thích đi dạo phố Tết đêm Xuân. Chợ hoa được
bày bán dọc theo bờ sông Bình Dương. Hoa
Xuân đủ màu sắc, hương hoa ngào ngạt như nét
đẹp dậy thì của tuổi học trò đầy mộng mơ. Tuy nhiên
cũng có những nỗi buồn không tên chợt đến với
hình ảnh ông già bán hoa cũng dễ làm
hai đứa xao xuyến vấn vương.
Tôi yêu cái
hình ảnh chiều 30 Tết ở chợ Bình Dương thưa vắng
người. Hình như ai ai cũng vội vã trở về nhà
để chuẩn bị rước cúng ông bà và đón
giao thừa. Má tôi cũng thu xếp đóng cửa hàng
sớm. Hai anh em tôi lộc cộc chở nhau trên chiếc xe đạp chạy
lên hướng Miễu Tử Trận để mua dưa cải chua về ăn Tết. Hình
ảnh sinh hoạt chợ Bình Dương là một phần cuộc đời
niên thiếu của tôi. Ngoài giờ đến trường học
tôi thường lân la quanh quẩn ngoài chợ vì
má tôi buôn bán nơi ấy. Có những buổi
sáng thật sớm, bầu trời còn tối mịt, khí trời
mát lạnh sương mai, tôi đạp xe vòng quanh chợ ngắm
nhìn người người xôn xao mua bán đủ loại hoa quả
xanh tươi, những bó hoa bí vàng thắm …
Chúng sẽ được chở đi đến những chợ xa như Hớn Quản, Lộc Ninh.
Những phụ nữ buôn bán là những người vợ, người mẹ,
dầm sương dãi nắng phụ giúp chồng nuôi đàn
con dại. Ôi những bà mẹ ngàn đời tôi
tôn kính thương yêu … Thương làm sao
trên đôi vai bé nhỏ một đầu mẹ gánh con thơ,
một đầu mẹ gánh bí bầu lặn lội ra chợ buôn
bán nuôi con đến trường. Có lần tôi xin được
gánh nước sông với chị tôi… Sức con gái 16
mà sao cái đòn gánh làm tôi
đau vai quá. Tôi gồng mình cố gắng đi cho lẹ
mà mặt mày nhăn nhó chứ không nhẹ
nhàng như nhịp bước của những bà mẹ Việt Nam nặng
trĩu đôi gánh mà trên môi vẫn nở nụ
cười tươi.
Mấy ngày Tết,
các anh tôi tha hồ đi chơi chiều tối mới về nhà …
Con trai mà lỵ … Riêng tôi là con gái
út nên phải quanh quẩn trong nhà để phụ giúp
ba tôi nấu cơm cúng ông bà. Cũng may, gần
nhà tôi có cô bạn học chạy qua chạy lại
nên cũng đỡ buồn. Đôi khi ba tôi bắt gặp
nét mặt không vui của tôi thì ông cho
tôi niềm hy vọng: “Con gái phải ở nhà. Khi
nào có chồng thì “ tự do” đi đâu thì
đi”. Thế là mùa Xuân đó tôi có
một mơ ước … để rồi bốn mươi bốn mùa Xuân chờ đợi
ngày “ tự do” mà ba tôi dạy bảo vẫn mịt mù
xa.
Tết Sài
Gòn với tôi thường là những tiếc nuối, trầm tư
thiếu vắng không khí của những ngày Tết bên
cha mẹ. Làm con gái út miền Nam lấy chồng trai
trưởng miền Bắc sao khó khăn quá đi thôi… Nhớ
nhà. Nhớ cái dễ dãi mộc mạc. Nhớ món dưa
giá thịt kho Tàu của má. Nhớ những sợi chỉ cắt
đòn bánh tét. Ba thích ăn bánh
tét chấm với đường. Ngày con được phép về thăm ba
má thì đã mùng ba Tết rồi. Bốn mẹ con
tôi ngồi trên chiếc xe thổ mộ từ bến xe đò ở gẩn
trường học Bồ Đề về đến căn nhà yêu dấu nhưng thật vắng
lặng. Các anh đã trở lại đơn vị xa. Mấy đứa con chị Hai
còn đang mải mê chạy chơi ngoài ngõ.
Má đi thăm bạn bè hàng xóm nhưng
không quên luộc một con gà để tiễn đưa ông
bà sau ba ngày về ăn Tết với con cháu. Đó
cũng là phần ăn cho mấy mẹ con tôi.
Quảng Đức(2) với
tôi, Tết đong đầy tình người của những gia đình
lính chiến tạm cư ngụ trong một tỉnh lỵ bé nhỏ được
xây dựng trên những ngọn đồi bằng phẳng. Phố xá
mênh mông buồn. Đường không tên, phố
không đèn. Mùa Xuân về trên
thành phố địa đầu chiến tranh với những đêm văn nghệ bỏ
túi ban nhạc là những người lính trẻ. Ca sĩ
là những người vợ lính… Những bữa ăn thanh đạm với dĩa
rau “tàu bay” luộc chấm nước mắm cay mặn hương vị miền Trung vẫn
còn vương vấn trong tôi.
Xuân về
trong căn nhà nhỏ ở Katy, Texas. Cũng bánh chưng xanh,
hoa trái, nhang thơm trà nóng cúng
ông bà, màu vàng rực rỡ hoa mai Mỹ. Nhớ Tết
năm nào, nhớ cha, nhớ mẹ nhớ cả bầu trời quê hương….
(12/2012)
Ghi chú:
(1) Bến Súc
nằm giữa Bến Cát và Dầu Tiếng.
(2) Thị xã
Quảng Đức nằm giữa 3 tỉnh Phước Long, Lâm Đồng và Ban
Mê Thuột.
*****
Thơ
Đôi gánh
Một chiều Xuân về thăm
quê mẹ
Sỏi đá miền Trung dải đất sầu
“Kinh hoàng đại lộ” buồn hiu
hắt
Bơ vơ trăm mộ dọc bên đường
Nghe đâu đây bình
an chợt mất
Xót xa nhiều số kiếp
không may
Dương liễu trần mình trong
bão cát
Nghe mặn lòng ruộng muối xa xa
Nước biển xanh tình người
gánh muối
Áo cứng tà , muối mặn
bao năm
Xa lạ quá cô
nàng gái Việt
Gò má cao khắc khổ
muôn bề
Gió cát điểm tô
đôi mắt nhỏ
Gánh muối về sưởi ấm con thơ
Quê hương nghèo
gánh gồng chuyên chở
Gánh dùm tôi
đôi gánh chợ quê mình
Lý Thường Kiệt gánh
xôi đầu ngõ.
Chè dì Năm dạo phố
Cây Dừa
Cơm rượu nồng say dì Tư
gánh
Bánh đúc chấm đường
gánh má Lan.
Gánh rau gánh
cải gánh con thơ
Gánh nặng đôi vai những
mẹ hiền
Đầu Xuân đổ gánh sầu
không tiếc
Xin nàng một gánh,
gánh quê hương.
Nguyễn Kim Nên