Rất
đáng tự hào
Minh
Tâm
Lời
giới thiệu:
Một
trong những nhà tạo mẫu thời trang nổi
tiếng ở Pháp là Ngô Kim Khôi. Anh làm
việc cho các nhà Christian Dior, Yves
Saint-Laurent, Jean-Louis Scherrer, Hermès, Givenchy… Anh cũng
thực hiện trang
phục cho nhiều ngôi sao, như Catherine Deneuve, Nicole Kidmann,
Madonna,
Charlotte Gainsbourg… Ít ai biết rằng Ngô Kim Khôi
là cựu học sinh khóa 17
trung học Trịnh Hoài Đức Bình Dương. Sinh năm 1960,
Khôi định cư ở Pháp từ năm
1985. Thời gian sau đó, anh tự học
vẽ, học
đàn, học hát, và học may. Chỉ có một
môn anh phải học từ thầy đó là Thái Cực
Quyền. Hiện nay anh còn là giáo sư Thái Cực
Quyền có võ đường tại Paris. Hàng
năm có trên 200 học viên theo học với anh phần lớn
là người Pháp. Ngô Kim Khôi
còn nghiên cứu về lịch sử hội họa Việt Nam với những
bài biên khảo giá trị về
Trường Cao Đẵng Mỹ Thuật Đông Dương. Mới đây, tạp
chí thể thao văn hóa có một
bài phỏng vấn Ngô Kim Khôi tựa đề “Ngô Kim
Khôi – với tôi áo là người” đăng
trong số tất niên năm 2012. Đặc san xuân Trịnh Hoài
Đức xin đăng lại bài nói
trên để giới thiệu thêm với cựu học sinh chúng ta
trong sự tự hào và trân trọng
một nhân tài trong lãnh vực thời trang quốc tế.
****
-
Paris được biết đến với cụm từ “kinh đô thời trang”, để “chen
chân” vào thế giới
này, với những người làm nghề như anh, có
khó lắm không?
-
Thú thật, nói về mình là một điều tôi
rất ngại, vì “cái tôi” bao giờ cũng đáng
ghét, chính vì vậy, tôi chỉ xin được kể ra
đây vài kỷ niệm... Tôi nghĩ mọi việc
trên đời thường do duyên đưa đẩy. Kinh đô thời trang
Paris là một thế giới “có
rất nhiều người được triệu đến song rất ít người được chọn”,
nhiều người đã gõ
bao nhiêu cánh cửa song phải ngậm ngùi vì
chúng chưa bao giờ mở. Đối với riêng
trường hợp của tôi, do duyên đưa đẩy, vì trước
đó chẳng bao giờ tôi nghĩ mình
theo nghiệp thời trang, vậy mà tôi bước chân
vào nghề đến nay đã hơn 25 năm.
Bắt
đầu là ngày nọ nhà Hermès cần một chỗ cho
nhà thực hành mẫu, có 5 người nộp
đơn. Họ cho cả 5 người cùng thử một kiểu áo giống hệt
nhau, tôi còn nhớ đó là một
bộ váy áo phụ nữ bằng hàng kẻ ô prince de
Galle đen và đỏ, cổ áo bằng nhung và
lót áo bằng carrée Hermès, là chiếc
khăn vuông lừng danh đặc biệt của nhà
Hermès. Kết quả của 5 người có thể nói không
hơn kém bao nhiêu, nhưng họ chọn
tôi. Suy nghĩ lại, có lẽ tôi là người biết
hát, biết vẽ, tâm tình của mình gửi
gắm vào tấm áo khác với những người học từ trường
chuyên môn ra. Đó là ngày tôi
mở được cánh cửa bước chân vào thế giới thời trang
Paris.
-
Sau khi khởi nghiệp, anh mất bao lâu để đến được với các
thương hiệu lớn như
Christian Dior, Givenchy, Scherrer…? Thông thường họ làm
việc với những nhà thực
hành mẫu theo hướng nào?
-
Tôi bước chân vào nghề, rụt rè bỡ ngỡ…,
tôi đã từng bị người đồng hương “bóc lột”,
trả lương rẻ như bèo, nhưng ngược lại, tôi được “học” nghề
và hiểu rất nhanh.
Sau hai năm ngỡ ngàng, tôi chính thức vào
nghề với nhà Hermès như đã nói ở
trên, và sau đó đã lăn lộn với nhiều
nhãn hiệu như Christian Dior, Yves
Saint-Laurent, Jean-Louis Scherrer… Người Pháp họ không
đặt nặng vấn đề bằng cấp,
nhất là với ngành nghề mà họ có thể
đánh giá qua sản phẩm mình tạo ra. Thông
thường tôi làm cho các buổi trình diễn thời
trang, các mẫu tạo ra được gọi là
prototype, nghĩa là “nguyên mẫu”, hay “mẫu chính”.
Những mẫu này dùng để bước
lên sàn trình diễn, sau đó, mẫu có
thể thay đổi tùy theo yêu cầu, hoặc đôi khi
chỉ là mẫu duy nhất, nôm na là “độc nhất vô
nhị”, không phát triển hay thay đổi
gì nữa.
-
Anh “thuận tay” về thực hành mẫu trong lĩnh vực nào, khi
thế giới thời trang vốn
rộng lớn, đa dạng?
-
Trong mênh mông thời trang haute couture, người “biết nghề”
là người chú trọng
về “chi tiết”. John Galliano của nhà Dior cho rằng đó
là vấn đề của từng
milimét. Chuyên môn của tôi là
hàng phụ nữ. Có người bạn đùa rằng “mày cả
ngày
vục mặt trong váy phụ nữ”. Rủi hay may? Tôi thuận tay về
các mẫu classique (cổ
điển) vì tính ưa chuộng những gì mẫu mực,
không thích cực đoan. Tôi cho rằng điều
gì “quá đáng” đều không tốt, nhưng tất cả
đều do mình đặt giới hạn ở chỗ nào mà
thôi. Thời nay, có nhiều bạn trẻ đặt ra những kiểu quần
áo… khác thường, để được
thiên hạ chú ý, thành ra “quái dị”.
Tôi thuộc lớp… già!
-
25 năm nhìn lại cái nghề này, những kỷ niệm đầy
thử thách của anh là gì?
-
Trong hơn 25 năm hành nghề, có hai kỷ niệm đáng
nhớ. Năm 2006, khi làm cho nhà
Balenciaga, tôi phải thực hiện một áo cưới với mấy chục
loại đăng-ten khác
nhau, do Nicolas Ghesquiere vẽ kiểu. Chiếc áo tỉ mỉ, công
phu đến nỗi tôi phải
mất hơn một tuần mới xong. Đó là chiếc áo cưới của
minh tinh Nicole Kidman! Xin
nói cho rõ, tôi chỉ thực hiện chiếc áo,
còn khăn voan và găng giày do bộ phận
khác làm.
Kỷ
niệm thứ hai diễn ra trong năm 2008,
tôi thực hiện kiểu vẽ do Riccardo Tisci của nhà Givenchy,
một chiếc áo choàng
(redingote) bằng satin, trang trí với những nếp gấp cầu kỳ,
trên tay áo điểm
trang đá quý… Đó là áo của nữ
hoàng nhạc pop Madonna mặc trong dịp lưu diễn tại
Âu châu.
-
Được biết anh tự học đàn hát và là
võ sư Thái Cực Quyền. Mấy bộ môn này
đã bổ
túc cho anh những gì trong công việc thực
hành mẫu thời trang?
-
Theo tôi, đây là chính là những yếu tố
quan trọng để giúp mình tiến bước trên
đường đời, nên xin nói chi tiết một chút. Ông
ngoại tôi là một danh họa tại Việt
Nam (họa sĩ Nam Sơn, đồng sáng lập trường Cao đẳng Mỹ thuật
Đông
Dương-TT&VH), tôi rất yêu chuộng những gì
liên quan đến văn hóa mỹ thuật.
Do hoàn cảnh, tôi không được theo học tại các
trường chuyên môn, nên tôi tự học,
học hát, học đàn, học vẽ, học chữ, học may…
Trên
đường nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam,
tôi đã gặp bao nhiêu người đóng góp
cho nền mỹ thuật nước nhà. Khi viết về Trường
CĐ Mỹ thuật Đông Dương, tôi đã phỏng vấn họa sĩ
Lê Phổ, Vũ Cao Đàm khi họ còn sống,
tôi đã viết về họ khi họ qua đời. Tôi nhớ rõ
họa sĩ Lê Phổ đã nói một câu: “Tôi
không phải là học trò của họa sĩ Nam Sơn, nhưng nếu
không có Nam Sơn thì không
có Trường CĐ Mỹ thuật Đông Dương”.
Tôi
cũng từng ghé qua Bắc Kinh và hội kiến
Từ Bi Hồng phu nhân (bà Liêu Tĩnh Văn), để hỏi
thêm về hội họa Trung Quốc, Việt
Nam và Nhật Bản vào thập niên 1920, khi mà 3
danh họa Á châu là Từ Bi Hồng của
Trung Quốc, Nam Sơn của Việt Nam và Foujita của Nhật Bản
đã có duyên may gặp
nhau trên mảnh đất nghệ thuật Paris. Tôi đã học hỏi
được rất nhiều ở họ, và
khám phá rất nhiều điều thú vị khi viết những
bài biên khảo về mỹ thuật Việt
Nam.
Còn
về Thái Cực Quyền, tôi không tự học, mà
có thầy dạy. Thầy tôi theo Dương gia,
chân truyền từ Vương Duyên Niên (1914-2008). Thầy
tôi từng đoạt huy chương ở
Đài Loan. Tôi đã dạy Thái Cực Quyền tại
Paris từ 12 năm nay, mỗi năm có khoảng
200 học trò, phần lớn là người Pháp. Ngoài
ra, niềm vui của tôi là đọc sách,
nghe nhạc cổ điển (tôi rất thích Schubert và Bach)
và sưu tầm cổ vật. Tôi nghĩ
rằng những kiến thức về mỹ thuật nói riêng và nghệ
thuật nói chung đã giúp tôi
thực hiện những kiểu áo “khác” với những người
không biết đàn hát hoặc không biết
vẽ, hay là không biết… Thái Cực Quyền!