Những dấu ấn của trường Trịnh Hoài Đức trong cuộc đời tôi

Lý Thành Phước
(CHS Khóa 10 &11)


Thời học sinh của tôi, muốn học chuyển cấp từ bậc tiểu học sang bậc trung học tôi phải trải qua kỳ thi để lấy bằng tiểu học. Kỳ thi không khó lắm nhưng cũng có nhiều người thi rớt. Có những người lớn tuổi lấy bằng tiểu học xong,  xin đi làm sẽ tìm được những việc làm tương đối nhẹ nhàng, đỡ phải lao động chân tay vất vả.

Sau khi đậu tiểu học, tôi phải thi tiếp vào lớp đệ thất trường trung học Trịnh Hoài Đức Bình Dương, thời đó là trường trung học công lập duy nhất của tỉnh. Đây là một cuộc thi tuyển rất khó, muốn đậu, một người phải loại khoảng mười người. Trải qua những kỳ thi căng thẳng như thế, tôi may mắn thi đậu vào lớp đệ thất của trường trung học Trịnh Hoài Đức niên khóa 1964 – 1965, do thầy Đặng Trần Thường làm hiệu trưởng. Được vào học Trịnh Hoài Đức, tôi cảm thấy mình vô cùng hạnh phúc vì qua hai kỳ thi gian khổ. Số học sinh năm lớp nhất bậc tiểu học cùng lớp với tôi bị loại rất nhiều, trong đó có nhiều người học rất giỏi.

Tôi được xếp vào học lớp đệ thất P3. Những ngày đầu tiên vào lớp, tôi có một cảm giác rất lạ. Ngôi trường nằm kế bên những cánh đồng lúa rộng thênh thang. Những ngọn gió từ cánh đồng thổi vào thật trong lành, mát mẻ. Khung cảnh ngôi trường thật thơ mộng. Nhà trường phân ra: từ lớp đệ thất đến lớp đệ ngũ học buổi chiều, từ lớp đệ tứ đến lớp đệ nhất học buồi sáng.

Những ngày học buổi chiều đã đem lại cho tôi những ký ức đẹp nhất. Khi vào học lớp đệ thất, tôi còn nhớ như in những ngày được nghỉ học hai giờ đầu, tôi cùng các bạn lén chun rào ra những miếng ruộng xung quanh trường mót củ sắn, bắt dế ... Bắt được dế chỉ chơi một lúc rồi thả, vì nếu đem vào lớp lỡ nó gáy lên thì bị thầy la. Thỉnh thoảng đi nhằm vào những ruộng củ sắn người ta còn chừa lại để nhổ sau, bị chủ ruộng la và dí cả đám chạy băng đồng chun rào trở lại lớp thật là vui. Có lần bạn Hiển học cùng lớp bị đám chăn bò dùng giàn thun bắn trúng đầu chảy máu. Thầy Bé Tám dẫn cả lớp ra dí đám chăn bò đó chạy thục mạng. Từ đó về sau họ không còn bắt nạt bọn học sinh chúng tôi nữa.

Nhà tôi cách xa trường khoảng 5 cây số nên phương tiện di chuyển lúc đó của chúng tôi là đi xe đò hoặc xe lam. Bọn tôi thích đi xe đò hơn vì rẻ và hợp với túi tiền của học sinh. Còn nếu sắp đến giờ học thì bắt buộc phải đi xe lam. Bọn con trai chúng tôi thường ngồi trước cạnh tài xế nhường băng ghế phía sau cho các bạn nữ. Khi tan học, cả trường đi bộ xuống chợ Búng cách trường hơn 1 km để đón xe đò về nhà.  Có những ngày gặp trời mưa lớn chúng tôi phải dầm mưa tiếp tục đi. Đến chợ Búng mới vào nhà lồng chợ đụt mưa chờ xe đò đến. Khi về đến nhà vì lạnh nên môi bị thâm tím hết. Đoạn đường từ trường xuống Búng tuy ngắn ngủi nhưng đầy ắp những kỷ niệm khó quên.

Tuy phải học hành trong bối cảnh chiến tranh ác liệt nhưng đến ngày 23 tháng chạp hàng năm trường Trịnh Hoài Đức vẫn có tổ chức trại Tết. Bọn học sinh nam chúng tôi được tham dự trại Tết là một điều thật sung sướng vì được ở cùng chung trại và được giao lưu với các bạn bên trường nữ. Ngày thường nếu nam sinh nào léng phéng sang trường nữ cua đào nếu bị bắt gặp sẽ bị đuổi học từ 3 đến 5 ngày. Cùng chung sinh hoạt với các bạn nữ trong hội trại thật là vui. Tôi còn nhớ có lần đi đến nhà bạn Hoàng gần Ngã Ba An Sơn để chặt tàu dừa về trang trí cho trại, bọn tôi mải mê xuống rạch học bơi lặn đến  nỗi quên cả xin tàu dừa. Khi về đến nơi dựng trại, các bạn chờ không được bỏ về gần hết. Năm đó lớp tôi không có trại để sinh hoạt, phải nhờ thầy Đỗ Anh Tài xin các bạn nữ cho sinh hoạt ké.

Trong lớp còn có các bạn nhà ở vườn trái cây Bình Nhâm nên tôi có dịp cắm trại ở vườn trái cây với những cảm giác thật tuyệt vời. Năm học lớp đệ ngũ, lúc gần hè, lớp đệ ngũ P3 có gần 20 học sinh đến vườn trái cây của gia đình bạn Lê Tấn Thạnh ở gần vườn cây Âu Cơ để cắm trại. Chúng tôi cắm trại bắt đầu từ 8 giờ sáng rồi cùng nhau sinh hoạt tập thể thật là vui.

Riêng bạn Thạnh, có tật ở chân, hôm đó được đón các bạn cùng lớp đến nhà mình vui chơi nên rất cảm động, nhiều nó lúc ngồi nói chuyện với bạn bè mà hai tay cứ dụi mắt. Bữa ăn trưa chúng tôi được má bạn Thạnh giúp đỡ lo cho tươm tất. Nơi đây, lần đầu tiên tôi mới biết được con ve măng, tuy nhỏ nhưng kêu cũng rất vui tai. Đến khoảng 4 giờ chiều, chúng tôi ra con rạch gần bên tập bơi, lặn. Tôi còn nhớ bạn Nguyễn Thế Sang ôm trái banh thả trôi theo dòng nước từ đầu mương chảy ra rạch. Bạn Sang cứ làm đi làm lại nhiều lần đến lúc cặp mắt đỏ kè lên. Các bạn ở trên bờ thấy vậy sợ quá kêu lên bờ, nhưng vì quá khoái chí nên bạn vẫn tiếp tục bơi. Riêng tôi thì cố gắng tập bơi nhưng không được đành phải quay sang tập nín thở lặn. Đến hơn 5 giờ chiều, buổi cắm trại kết thúc. Giờ chia tay thật cảm động, má bạn Thạnh vừa lau nước mắt vừa cám ơn chúng tôi vì đến nhà bà cắm trại giúp cho bạn Thạnh đỡ được mặc cảm vì bị tật, lúc nào cũng sợ bị bạn bè bỏ quên. Thay mặt cho cả nhóm, trưởng lớp An cám ơn gia đình bạn Thạnh đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trong suốt ngày cắm trại. Chúng tôi chia tay nhau ra về mà trong lòng đứa nào cũng có một niềm vui lâng lâng khó tả.

Sau nầy khi học đệ tứ, tôi có dịp đến nhà bạn Điền chơi. Gần nhà bạn Điền cũng có một con rạch nhỏ. Chúng tôi cũng tiếp tục tập lội. Tôi cố gắng tập bơi rất nhiều nhưng cũng không bơi được đành phải tập nín thở lặn như trước.
               
Năm tôi học lớp đệ lục, phong trào thể thao lên rất mạnh. Lớp tôi có bạn Nam mập nằm trong đội tuyển bóng tròn của nhà trường được đi thi đấu cấp tỉnh. Có những lần đội tuyển trường đấu với đội tuyển Nông Lâm Súc trên sân cỏ trước phòng thí nghiệm. Tất cả học sinh được nghỉ học ra sân cổ vũ cho đội nhà thật vui vẻ.

Năm đệ ngũ, có sự kiện một trái mìn gài trong sân trường đã phát nổ làm tử thương hai sĩ quan Đại Hàn. Họ tổ chức dạy Thái Cực Đạo cho học sinh Trịnh Hoài Đức. Hai ông nầy đến dạy từ sáng sớm và bị nạn.

Cũng năm nầy, một buổi chiều khi ra chơi, chúng tôi ùa ra sân cỏ trước phòng thí nghiệm chơi đá banh.  Bỗng nhiên nghe tiếng la: "Có lựu đạn". Nhiều người chạy lại xem, trong đó có tôi, thì thấy một quả lựu đạn do hai bạn Phú và Nguyện đá bật lên nằm lăn lóc trên sân cỏ. May mắn là sợi dây gài kíp nổ còn dính lại. Khi lính ở An Thạnh lên phá nổ thì mọi người đếm được cả thảy khoảng 9 quả lưu đạn. Thật là may vì nếu các quả lựu đạn trên phát nổ thì số thương vong rất lớn vì lúc đó học sinh chúng tôi trên sân rất nhiều.

Có lẽ do sự cố đá banh nói trên và cửa kiếng phòng thí nghiệm thường xuyên bị bể nên học sinh bị cấm ra sân cỏ dợt banh. Sau nầy phong trào bóng chuyền, bóng bàn phát triển mạnh hơn bóng tròn. Tôi cũng thường xuyên tập dợt chơi bóng chuyền và bóng bàn với các bạn cùng lớp. Có lẽ lớp tôi chơi quá dở nên không có ai vào được đội tuyển của trường cả. Về văn nghệ cũng vậy, tôi nhớ chỉ có một lần duy nhất lớp tôi có thành lập đội kịch đi tranh giải với các lớp khác và bị loại ngay từ đầu.
                
Sang năm đệ tứ, lớp tôi được học buổi sáng. Tôi cảm thấy như mình được làm người lớn. Những lần chun rào mót củ sắn không còn nữa. Chúng tôi có vẻ chững chạc hơn. Trong năm nầy có nhiều sự kiện đáng nhớ. Thầy Bé Tám bắt đầu dạy cho chúng tôi những bài nhạc của Trịnh Công Sơn như bài Gia Tài Của Mẹ, Ngày Dài Trên Quê Hương... Nhà trường còn mời anh Trịnh Công Sơn, chị Khánh Ly, anh Miên Đức Thắng đến trình diễn. Tôi còn nhớ buổi sáng hôm ấy, nhà trường cho tất cả học sinh được nghỉ học xem văn nghệ. Sân khấu chỉ là vài cái bàn học sinh ghép lại. Phần âm thanh chỉ có một ampli phóng đại và một chiếc loa thông tin. Về nhạc chỉ có một cây đàn ghi ta. Đầu tiên chị Khánh Ly hát do anh Trinh Công Sơn đệm đàn. Kế tiếp anh Trịnh Công Sơn vừa hát vừa đệm đàn. Sau cùng là phần trình diễn của anh Miên Đức Thắng. Mỗi người hát mười mấy bài. Trước mỗi bài hát họ giới thiệu hoàn cảnh nào đã khiến họ có cảm hứng để sáng tác ra bài hát đó. Tuy sân khấu mộc mạc, phần âm thanh đơn sơ, nhưng họ hát rất say sưa và rất hay. Sau nầy, khi họ trở thành những ca sĩ tài danh, nghe họ hát tôi có cảm nhận là không hay bằng lúc họ hát trước sân trường Trịnh Hoài Đức. Đến khi Anh Trịnh Công Sơn hát bài Gia Tài Của Mẹ thì thầy Đỗ Anh Tài kêu gọi cả trường cùng cất giọng hát theo thật khí thế. Đến phần anh Miên Đức Thắng, có một bài hát anh giới thiệu là khi anh sáng tác xong đem ra trình diễn thì bị chính quyền thời bấy giờ kêu án ba hay sáu tháng tù (lâu quá tôi không nhớ rõ). Trong bài hát có câu : "Mẹ ơi nuôi con lớn đi làm tù binh". Bài hát trên đã ảnh hưởng đến tôi sau nầy rất nhiều. Ở Sài Gòn, mỗi khi trình diễn xong thì anh phài trốn ngay, nếu chậm chân thì bị cảnh sát ập đến bắt bỏ tù. Khi anh Miên Đức Thắng đang say sưa hát bỗng trong đám học sinh có tiếng la: “Cảnh sát dã chiến tới”. Tôi nhìn ra ngoài đường thì thấy một xe nhà binh chở đầy cảnh sát dã chiến chạy ngang qua trước trường. May quá, nó chạy luôn chứ không vào sân trường đề giải tán. Sợ quá, nhiều học sinh bỏ về, chỉ còn một số ít  trong đó có tôi ở lại cho đến hết. Cuối chương trình, họ bán tập nhạc Ca Khúc Da Vàng của anh Trịnh Công Sơn có chữ ký của chị Khánh Ly. Bữa đó vì xài hết tiền nên tôi không mua được. Sau nầy cứ nuối tiếc mãi.

Năm l967, có lần SV Huỳnh Tấn Mẫm và HS Lê Văn Nuôi đến tại phòng thí nghiệm gặp mặt ban đại diện học sinh của trường và sau đó thì Thầy Bé Tám và cô T. dẫn một số học sinh của trường, xuống Sài Gòn tham gia biểu tình cùng với sinh viên học sinh Sài Gòn. Lớp tôi có bạn Lộc do có đi sinh hoạt hiệu đoàn nên theo. Đoàn biểu tình bị cảnh sát dã chiến đàn áp. Trong lúc lộn xộn, thầy Bé Tám và cô T. lạc mất. Đám học sinh chúng tôi bị bơ vơ. Riêng bạn Lộc vì khói cay làm mờ mắt suýt đâm phải xe bồn chở xăng. Cũng may, tất cả đều trở về bình yên.
               
Đến đầu năm 1968 xảy ra biến cố Tết Mậu Thân. Lò gốm của gia đình nhà tôi bị máy bay thả bom làm sập đổ và hư hại hoàn toàn. Sau khi đi tản cư về, nhìn khung cảnh tan hoang, má tôi xỉu luôn. Khốn khổ cho gia đình tôi, vì lò Thanh Lễ kế bên và các lò gốm xóm trên chỉ bị hư hại nhẹ, trong khi lò của nhà tôi thì bị bom miểng phá tan nát.  Nhà lò bị bom na pan đốt cháy hoàn toàn. Cũng may là số vàng ba má tôi chắt chiu dành dụm, mà khi đi chạy loạn, má tôi dấu vào đống khuôn chén bể thì vẫn còn nguyên. Nhờ số vàng trên và kêu hụi mượn vốn nên lò gốm nhà tôi xây dựng lại được và tiếp tục sản xuất gốm trong hoàn cảnh thật khó khăn vì thiếu vốn.
                
Sau một thời gian nghỉ Tết hơi dài vì chiến tranh, chúng tôi tiếp tục học tiếp đệ nhị lục cá nguyệt của năm đệ tứ. Chấp hành lệnh tổng động viên., lớp tôi có vài người phải nghỉ học đi lính vì lớn tuổi như tôi đã nói phần đầu. Có người bắt đầu đi học trễ. Có người thi rớt vào lớp đệ thất đến ba lần nên khi học đến lớp đệ tứ là đã đủ 18 tuổi, đúng tuổi bị động viên. Tuy hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn nhưng tôi cũng hoàn tất xong năm học với điểm trên trung bình.

Trong năm học lớp đệ tứ, người thầy làm tôi nhớ đến nhất là thầy Nguyễn Đông Ngạc dạy môn Việt Văn. Thầy thường đi qua lại trong lớp và ngâm hai câu thơ của Xuân Diệu: “Hôm nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm, Anh nhớ em em hỡi anh nhớ em”. Trước khi nghỉ hè, chúng tôi phải làm đơn chọn ban cho năm học lớp đệ tam. Sự việc trên cũng khiến cả lớp bàn bạc và suy nghĩ rất nhiều. Sau nhiều lần đắn đo suy nghĩ, tôi xin vào ban B vì tôi mê làm kỹ sư mặc dù môn Toán tôi không được khá lắm, còn các môn nhiệm ý khác tôi rất khá.

Tôi được xếp vào học lớp đệ tam B4. Một số bạn cùng lớp đệ tứ P3 chuyển sang học lớp đệ tam A3 và một số bạn lớp đệ tứ P4 chuyển sang học lớp đệ tam B4 . Vì thế, khi chuyển sang bậc trung học đệ nhị cấp, chúng tôi mất đi một số bạn cũ và có thêm một số bạn mới. Nói vậy chứ trong thời gian ở bậc trung học đệ nhất cấp phòng học lớp P3 và P4 lúc nào cũng ở sát bên nhau nên cũng quá quen thuộc. Sau khi làm xong thành tích biểu thì chúng tôi được thầy giám thị thông báo lớp được chuyển thành lớp 10 B4 thuộc hệ 12 năm. Vài ngày sau thì tấm bảng đề tên lớp đệ tam B4 được gỡ bỏ và đổi thành lớp 10 B4. Riêng về thành tích biểu đã lỡ ghi lớp đệ tam B4 đươc giữ nguyên, vì nếu đổi lại sẽ tốn rất nhiều chi phí. Vài ngày sau đó, lại thêm một số bạn lớn tuổi phải giã từ đời học sinh vì lệnh tổng động viên. Lớp học trở nên vắng vẻ vì chỉ còn 28 học sinh gây nên một cú sốc cho chúng tôi. Tuy rất buồn, nhưng tôi vẫn cố gắng học vì thấy mình may mắn chưa bị cuốn vào dòng xoáy chiến tranh.

Trong năm lớp 10 có một chuyện làm tôi rất buồn chán suýt phải nghỉ học. Chuyện xảy ra trong kỳ thi đệ nhị lục cá nguyệt. Hôm đó lớp tôi thi môn Anh Văn vào 2 giờ sau. Trong giờ ra chơi, khi đi ngang qua lớp 10 A3 học ở phòng thí nghiệm, chúng tôi ngạc nhiên khi thấy giờ ra chơi mà sao cửa vẫn đóng. Điều nầy làm nhiều học sinh tò mò ngó vào xem. Riêng tôi và bạn Lộc thì thò hẳn đầu vào xem cho rõ. Thầy P. dạy Anh Văn thấy vậy la lớn đuổi chúng tôi đi. Chúng tôi bỏ đi mà không biết tại sao mình bị la. Đến giờ vào lớp để thi, thầy P. giận dữ kêu hai đứa tôi lên đứng bên bàn thầy và đòi đuổi học không cho thi khiến cả lớp chưng hửng. Lý do thầy đưa ra là chúng tôi đã cóp pi đề thi vì đề thi của lớp 10 A3 và lớp 10 B4 như nhau. Chúng tôi bèn năn nỉ thầy và kêu oan là chúng tôi không biết lớp 10 A3 đang thi, vì nếu có thi thì thầy đã thu bài trước giờ ra chơi và chúng tôi chỉ vừa ngó vào xem chưa được nửa câu thì bị la nên bỏ đi ngay. Chúng tôi cũng không biết là thầy P. cho hai lớp thi chung một đề. Cuối cùng, thầy P phải cho chúng tôi thi. Trong lúc cả lớp làm bài thi thì ông làm đơn gửi cho thầy Hiệu Trưởng là thầy Nguyễn Trí Lục đề nghị đuổi học tôi và bạn Lộc. Bài thi quá dễ nên tôi làm đúng không sót một câu. Khi cả lớp thi xong, ông hùng hồn tuyên bố nếu Hiệu Trưởng không đuổi học chúng tôi thì ông cương quyết nghỉ dạy.

Đến ngày trả bài thi, ông nói thầy hiệu trưởng không muốn làm buồn lòng học sinh nên không chịu đuổi hoc chúng tôi. Ông sẽ kiện lên Ty Giáo Dục và ông không chấm điểm bài thi của chúng tôi. Ông cho điểm zero và phê vào học bạ là vô kỷ luật, đáng phạt. Đáng nói hơn là kỳ thi đệ nhất lục cá nguyệt môn Anh Văn cũng do thầy P. đảm trách mà không có sự cố nào xảy ra. Chúng tôi làm bài thi đàng hoàng và làm bài thật tốt nữa, không hề có vi phạm nào hết. Thế nhưng ông vẫn phê vào học bạ của tôi là vô kỷ luật đáng phạt (thật lạ lùng vì tôi đâu có phạm lỗi ).

Sau nầy khi tôi kể chuyện nầy cho các bạn học trường khác nghe thì họ nói là: “Từ trước đến nay chưa thấy có ông thầy nào mà khó khăn, rắc rối với học trò dữ như vậy”. Nhiều thầy dạy môn khác khi thấy lời phê, nghe trưởng lớp tôi trình bày câu chuyện đều cho là ông đã ra tay với học trò một cách quá đáng. Riêng tôi đến tận bây giờ, khi nhìn vào học bạ, tôi cảm thấy thật chua xót. Tôi thầm cảm ơn thầy Nguyễn Trí Lục đã có tấm lòng nhân hậu. Nhờ thầy mà tôi vẫn tiếp tục đến trường, mặc dù khi bị phạt một cách oan ức, tôi có ý định nghỉ học chuyển sang trường khác.
                   
Sự việc trên ám ảnh tôi suốt nhiều năm liền. Lúc nào tôi cũng thầm cầu mong được học với những thầy cô có tấm lòng nhân hậu biết thương yêu học trò. Đến nỗi sau nầy khi con tôi đi học, tôi thường van vái cho con tôi không gặp phải một ông thầy khó khăn như thầy P..

Trong năm đệ Tam, tôi còn nhớ đến thầy Nguyễn Nhật Duật dạy môn Công Dân Giáo Dục. Cũng như thầy Ngạc, thầy thường đi đi lại lại trước mặt học sinh và luôn miệng nói câu ngạn ngữ của Hy Lạp: “Từ cái không có gì đến cái không có gì”. Tôi cũng phải nhắc đến thầy Nguyễn Minh Châu. Thầy dạy toán rất dể hiểu, nhờ thầy tôi gần như lấy lại được căn bản của môn Toán, nếu như không phải phụ việc nhà (do hoàn cảnh khó khăn của gia đình sau biến cố Mậu Thân),  có thời gian nghiền ngẫm có lẽ tôi sẽ học giỏi môn Toán hơn nhiều.

Sang năm lớp 11, lớp có thêm vài người bạn mới ở các trường khác chuyển đến. Lớp học có thêm nhiều sinh khí. Thầy Lê Tấn Lộc thay thế thầy Nguyễn Trí Lục làm hiệu trưởng. Trong số những giáo sư dạy lớp chúng tôi trong năm nầy tôi nhớ nhất là thầy Nguyễn Tường Thụy dạy môn Toán. Thầy yêu cầu học sinh vứt hết sách vở đi, đừng dồn nén quá nhiều vào đầu óc, đến ngày thi sẽ không còn nhớ gì cả và kết quả là thi rớt. Đó là kinh nghiệm của thầy và thầy cũng từng thi rớt kỳ thi Tú Tài 1 như thế.

Thầy Võ Tấn Phước dạy môn Việt Văn. Vào lớp, thầy thường hay xem tướng của học trò và thầy cũng giới thiệu với học sinh những quyển sách ngoài chương trình. Trong số nầy tôi thích nhất là khi thầy nói về quyển Dòng Sông Định Mệnh. Thầy nói nhiều về cuộc đời người như một dòng sông. Mỗi dòng sông đều có những khúc quanh và cuộc đời người cũng có những khúc quanh định mệnh như thế.
                
Trong năm nầy, gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn. Sự hư hại của lò gốm nhà tôi năm Mậu Thân kéo theo nhiều nợ nần chưa trả hết, do thiếu nợ chành chén hơi nhiều nên họ giao cho nguyên liệu xấu, làm hư nước men cả năm. Sản phẩm làm ra bán giá thấp hơn lò gốm khác, nhiều lúc hàng loại 1 phải bán cùng giá với hàng loại 2 của lò gốm khác, gây ra lỗ vốn nặng.

Còn một việc khác cũng làm khó khăn thêm cho gia đình tôi. Số là ba tôi có một người cháu kêu bằng chú, tên Hổ. Do cha mất sớm, mẹ đi lấy chồng khác, bị dượng ghẻ hắt hủi, ba tôi mới rước anh về cho cô tôi nuôi. Năm Mậu Thân 1968, do lệnh tổng động viên, anh phải đi lính. Ba tôi thấy vậy mới nhờ người quen giúp đỡ lo giấy tờ lớn tuổi và xin cho anh làm nhân viên gác lò đường. Việc nầy làm ba tôi phải tốn một số tiền. Nhưng không ngờ anh ta quá ham đi lính và anh ta quá làm biếng vì tối đi gác lò đường, ngày phải về làm lò gốm phụ giúp cô tôi vì thế anh ta bỏ việc ở lò đường và lấy lại giấy tờ nhỏ tuổi cũ đi đăng lính nghĩa quân. Từ khi đi lính, anh ta lập được nhiều chiến công, nhờ thế anh ta có thêm vợ nhỏ nữa . Anh ta không còn phụ lò gốm của cô tôi , lại còn giao vợ con cho cô tôi nuôi vì tiền lương lính ít ỏi chỉ đủ nuôi vợ nhỏ. Cô tôi bị tật ở chân không làm được việc nặng nên hoàn cảnh gia đình của cô tôi trở nên khốn đốn.

Cô tôi than thở quá nhiều khiến ba tôi động lòng phải ra tay giúp đỡ, mặc dù má tôi phản đối kịch liệt. Bà yêu cầu ba tôi phải ưu tiên lo cho con, nhưng ba tôi vẫn cương quyết không nghe. Việc làm của ba tôi làm cho gia đình tôi đã gặp nhiều khó khăn do làm ăn lỗ lã, nay khó khăn lại càng chồng chất thêm làm má tôi nhiều khi phải khóc.

Ba tôi quyết định không thuê mướn người làm công việc nặng nhọc nhất của lò vì công việc trên phải chi trả rất nhiều tiền và ông giao cho anh em tôi làm phần việc đó. Đi học về đến nhà là phải nhào lên lò làm việc ngay. Có bữa thầy cho bài về nhà,  tôi phải lấy tập ra làm liền vì sợ để lâu sẽ quên không làm được. Khi lên lò không thấy anh em tôi , ông xuống nhà thấy tôi đang làm bài ông bèn la cho một trận, khiến tôi phải bỏ ôn tập tức tốc lên lò làm việc ngay. Nhiều lần như vậy, có lúc tôi nghĩ quẩn, muốn tự tử chết cho xong.

Những trận la rầy thường xuyên của ba tôi làm cho đầu óc của tôi bị mệt mỏi. Việc học hành của tôi vì thế càng ngày càng đi xuống. Tuy thế, tôi cũng cố gắng đạt được trên trung bình.

Không biết ai bày vẽ mà ba tôi đã cho tôi nghỉ làm trước ngày thi khoảng một tháng. Trong một tháng trời mà tôi phải ôn tập một khối lượng bài thi khổng lồ của một năm. Sức người có hạn, đầu óc tôi làm sao chất chứa nổi. Kết quả là tôi thi rớt kỳ thi tú tài 1 năm 1970. Khi xem bảng điểm, tôi càng buồn hơn vì tôi được 108/115 điểm, thiếu chỉ có 7 điểm, tương  đương 1,75 điểm toán hay 2, 3 điểm  Lý Hóa. Chỉ cần làm trúng thêm một câu hỏi giáo khoa, hoặc chỉ cần làm trúng thêm vài câu môn phụ (nếu tôi có được thời gian ôn bài) là tôi đã thi đậu.

Sau khi thi rớt, đến ngày tựu trường tôi phải làm đơn xin học lại lớp 11. Ngoài những bạn đủ tuổi không còn được hoãn dịch phải đi lính, tôi và 3 bạn tên là Phong, Nguyện, Xuân được nhà trường xếp vào học lớp 11B4 khóa 11. Tôi được học chung các bạn mới như Hoàng, Thạnh, Nam, Khương, Mến, Bình v.v.... Trong đó, một số bạn trước đây đã cùng thi với tôi vào lớp đệ thất khóa 10 nhưng không đậu phải vào học lớp đệ thất khóa 11 như bạn Hoàng, Thạnh .....

Trong năm học nầy, tinh thần học hành của tôi bị giảm sút rất nhiều,.Vì sợ phải đi lính, tôi và bạn Phong cùng nộp đơn vào học lớp trắc lượng viên của Bộ Công Chánh nhưng vì không có tiền để lo lót nên hồ sơ bị trả lại. Rút kinh nghiệm kỳ thi rớt năm rồi, tôi năn nỉ ba tôi: “Ba cho con nghỉ làm phụ gia đình để con có thời gian ôn tập bài vở, nếu không , con sẽ tiếp tục thi rớt và bị đi lính”". Ba tôi suy nghĩ hồi lâu rồi nói: “Được rồi, để tao tìm người làm thay thế cho mày học”. Lúc nầy anh tôi đã đi lính nên công việc nặng nề trên tôi phải làm một mình không ai phụ giúp, khiến thời gian học hành và ôn tập bị thu hẹp thêm.

Ba tôi đi tham khảo ý kiến của cô tôi xong, ông về nhà kêu tôi lại và bảo: “Nếu trước đây tao đẻ ra cái hột gà, hột vịt tao luộc ăn còn tốt hơn tao đẻ ra mầy”. Sau nầy tìm hiểu tôi mới biết, vì vợ lớn và vợ nhỏ của anh Hổ cùng đẻ con trong năm, nhiều lần bà vợ lớn của cháu ông gặp ông đòi tự tử nên ông phải tăng cường phụ giúp tiền bạc cho cô tôi vì thế ông mới bắt buộc tôi phải tiếp tục làm công việc nặng nhọc kia. Có như vậy ông mới có tiền để lo cho cháu ông.

Việc học lại lớp 11 dễ dàng hơn trước rất nhiều, nhưng vì phải phụ làm việc lò gốm nhà nhiều hơn, hầu như không còn thời giờ nhìn vào sách vở, trừ những lúc ngồi học trên lớp, vì vậy việc học của tôi không tiến bộ mấy. Tuy thế tôi vẫn cố gắng học không nản chí. Một phần lo sợ phải đi lính, một phần vì mắc cỡ với bạn bè.  
                 
Tôi nhớ có lần thầy Võ Tấn Phước ngồi coi tướng cho đám học sinh, khi coi đến tôi thầy chỉ mỉm cười rồi lắc đầu không nói gì. Có lẽ thầy đã nhìn thấy số phận của tôi không tốt, gặp nhiều rủi ro hơn là may mắn. Gần hết niên học, một bữa ra chơi tôi lang thang đi đến gần gốc điệp tây có người còn gọi là cây đa già sau văn phòng trường, bỗng tôi nghe có tiếng la của thầy Ba Viên tổng giám thị. Tưởng ổng la mình, tôi ngoái đầu nhìn lại thấy ông đưa tay chỉ vào một cặp trai gái đang khắc những chữ lưu niệm vào gốc đa già. Nghe la hai người liền bỏ chạy. Tò mò tôi đến xem thì thấy tên của hai người kia và ngày tháng năm ghi lưu niệm được khắc trên cây. Những dòng nhựa cây còn ứa ra hai bên. Bỗng nhiên một cảm giác buồn khó tả xuất hiện làm tôi ứa nước mắt. Tâm trạng tôi lúc đó như người phải từ biệt mái trường mãi mãi.

Sau đó, anh của tôi may mắn trúng được hai tờ vé số được tám trăm ngàn đồng. Đây làmột số tiền khá lớn thời bấy giờ. Nhờ số tiền nầy, ba tôi trả hết nợ và mua thêm một số nguyên liệu mới. Do mua được nguyên liệu tốt nên không còn hư nước men nữa và ba tôi cũng có tiền để hổ hỗ trợ cho cô tôi lo cho đứa cháu báo đời của ông, vì thế ông mướn người làm thay thế tôi cho tôi nghỉ làm để ôn bài.

Cũng như năm trước, tôi chỉ còn vỏn vẹn có một tháng ôn tập bài vở để thi Tú Tài 1. Tôi cũng cố gắng nhồi nhét kiến thức vào đầu. Nhưng kết quả như thầy Thụy đã nói: “ Việc học như trên đã làm cho đầu óc tôi quá tải”. Thêm vào đó là áp lực thi rớt sẽ phải đi lính nên đến giờ thi Tú Tài môn Toán (là môn thi chính hệ số 4) đột nhiên đầu óc tôi trống rỗng, cầm đề thi trên tay mà mồ hôi tuôn ướt đẫm. Giờ làm bài là 3 tiếng đồng hồ thế mà gần hai tiếng đầu óc tôi như một đứa trẻ lên tám tuổi chỉ biết cộng trừ nhân chia chứ không còn biết gì hết. Sau khi qua cơn sốc đầu óc trở lại bình thường thì chỉ còn hơn một tiếng đồng hồ để làm bài. Tôi vội vã làm bài không kịp xem lại nên khí giám thị thu bài, tôi vẫn còn làm dang dở.

Đến môn Lý Hóa hệ số 3 tuy áp lực có giảm, thời gian bị sốc cũng ít đi, nhưng vì sợ và không tin tưởng vào bài làm của mình, tôi hỏi người ngồi bên cạnh đáp số và tôi đã sửa lại một câu giáo khoa. Sau khi thi xong, tôi mua bài giải về phòng trọ xem lại. Tôi tá hỏa vì tôi đã làm đúng mà vì không tin tưởng sức mình tôi đã sửa lại sai, làm mất đi 2,5 điểm nhân hệ số tôi mất đi 7,5 điểm, một số điểm quý giá, nếu trong năm trước tôi có được số điểm trên thì tôi đã thi đậu rồi.

Thêm một sai lầm nữa của tôi là trong giờ thi môn Vạn Vật, do lo sợ như năm trước tôi có lật sách chép khoảng hai câu. Tôi bị cô giám thị trong lớp nhìn thấy, và bị thầy giám thị hành lang bắt gặp. Nhưng cả hai chỉ nhìn tôi mỉm cười không thu bài và không lập biên bản vi phạm (không biết họ có lập biên bản ngầm không). Thi xong về nhà xem kết quả giải đáp so với bài làm của tôi, tôi thấy mình chắc chắn thi đậu, nếu tôi tính đúng tôi có thể đậu hạng Bình Thứ. Đến ngày xem kết quả, khi chạy xe đi ngang trường đến chỗ bán cây giống Nguyễn Thị Chín tôi gặp bạn Nguyện kêu tôi lại và nói: “Mầy thi rớt rồi”. Nghe xong, tôi cảm thấy trời đất đảo lộn. Tuy thế, tôi vẫn tiếp tục đi đến trường thi xem kết quả. Tôi càng đau lòng hơn khi thấy người bạn ngồi cạnh tôi, người mà tôi đã chỉ anh ta làm đúng hai câu vật lý và bạn ấy làm bài thi ít hơn tôi lại thi đậu. Đến giờ tôi cũng không hiểu vì lý do gì tôi thi rớt. Tôi đã bị thầy cô giám thị lập biên bản ngầm để đánh rớt hay trong lời giải bài toán vì làm vội vã tôi đã làm sai trong phần chứng minh mặc dù khi so với kết quả bài giải tôi đã ra kết quả đúng.
                  
Mặc dù vậy, không nản lòng, tôi và  người bạn tên Phong cố gắng tiếp tục tìm kiếm nộp đơn xin vào học trường Quốc Gia Thương Mại. Do không biết trường toa lạc tại đâu, sau nhiều lần tìm kiếm không được và thời hạn hoãn dịch đã hết, tôi và bạn Phong phải nộp hồ sơ xin đi lính ngành với cấp bậc binh nhì mong được yên thân khỏi phải ra chiến trường.

Sau sáu tháng quân trường gian khổ tôi được đổi ra một đơn vị ở Pleiku. Trong thời gian nầy, tiểu đoàn của tôi có vài tù binh người miền Bắc làm tạp dịch. Do lòng thương hại và do nhớ tới lời hát của nhạc sĩ Miên Đức Thắng mà tôi đối xử tử tế với họ. Cấp trên thấy vậy không bằng lòng và còn nghi tôi có cảm tình với phía bên kia nên giao cho an ninh quân đội điều tra. Tôi không bị kỷ luật nhưng phải chuyển qua đơn vị khác.

Sau đó vài tháng tôi được đơn vị cho đi phép về thăm nhà. Khi ngang qua trường Trịnh Hoài Đức, xe đò ngừng lại để rước học sinh. Số học sinh nầy thuộc lớp sau vì các bạn cùng lớp khóa 10 và khóa 11 đã ra trường hết rồi. Đột nhiên, những kỷ niệm lúc còn đi hoc ùa về và những ẩn ức vì phải rời trường sớm khiến tôi bật khóc như một đứa trẻ nít. Trên xe có hai bà già nhìn tôi ái ngại và nói với nhau chắc nó mới đi lính nhớ nhà nên khóc như vậy. Sự thật là tôi không nhớ nhà, chỉ nhớ trường thôi. Khi về đến nhà tôi càng bị sốc hơn khi hay tin người bạn ở kế bên nhà tôi (người bạn cùng học chung với tôi năm lớp nhất khi tôi thi đậu vào trường Trịnh Hoài Đức bạn ấy thi rớt phải học Nông Lâm Súc) cùng với một bạn học ở trường được đi du học bên Nhật Bản. Suốt đêm đó tôi thức cả đêm, tuy mắt tôi khô ráo nhưng hình như nước mắt cứ tuôn chảy trong đầu tôi. Một sự tuyệt vọng ghê gớm ập vào người tôi, có lúc tôi như mê sảng ước ao ba tôi có được cách nghĩ như ba của người bạn tôi, không lo cho gia đình đứa cháu ác ôn mà chăm lo cho con cái thì tôi đâu có khổ sở như thế nầy. Tôi lại mơ thấy ba tôi không có gia đình của người chị và những đứa cháu ác ôn đeo bám nên ông chăm lo đầy đủ cho con cái. Cuộc sống của chúng tôi thật hạnh phúc và tôi được học hành đến nơi đến chốn và được đi du học như các bạn của tôi.                     
         
Lúc nầy Bộ Giáo Dục đã bỏ kỳ thi tú tài 1 và thay vào đó là tú tài phổ thông nên học sinh không còn phải dang dở rời xa mái trường mà được học hết trọn vẹn bậc trung học. Tuy đi lính nhưng tôi vẫn cố gắng học thêm lớp 12 vào ban đêm. Do đời lính rày đây mai đó nên tôi ghi danh học thêm lớp 12 của trường hàm thụ Hạnh Nghĩa. Đến kỳ nộp hồ sơ thi tú tài, ông đại đội trưởng vì có ác cảm với tôi nên ông không chịu ký hồ sơ tại ngũ của tôi để tôi làm hồ sơ dự thi,. Nhưng vì tôi có học thật sự với bằng chứng rõ ràng là toàn bộ sách lớp 12, tài liệu ôn tập được trường Hạnh Nghĩa gởi đến cho tôi và nhờ sự can thiệp của các đồng đội làm việc ở ban tham mưu đại đội, nên ông miễn cưởng ký hồ sơ cho tôi đi thi.

Không từ bỏ ý định hại tôi, ông bèn cấp phép cho một đồng đội tôi tên Phú cầm hồ sơ của những người dự thi trong đại đội (thực chất chỉ có 2 hồ sơ dự thi mà thôi, vì khi vào lính rồi ít có người còn theo đuổi việc học hành nữa) đem nộp cho hội đồng thi Sài Gòn. Khi hết phép trở lại đơn vị, Phú thông báo là chỉ nộp một hồ sơ còn hồ sơ của tôi thì không nộp được. Lúc đó thời hạn nộp hồ sơ chỉ còn 1 ngày và hồ sơ của tôi bị anh ta xé bỏ nên không thế nào làm lại kịp.

Nhận thấy anh ta có âm mưu hại tôi nên tôi giận quá cầm cây súng M16 lên đạn chĩa thẳng vào đầu anh ta bóp cò, vì quá uất ức nên tôi bật chốt an toàn sang chế độ tự động bắn hàng loạt với hy vọng càng nhiều viên đạn găm vào đầu anh ta càng tốt. Cũng may cho nó, và cũng may cho tôi khỏi bị tội tử hình, vì từ ngày ra đơn vị đến lúc đó, tôi chỉ làm việc văn phòng nên không quen sử dụng súng. Thay vì bật chế độ tự động tôi bật sang chế độ khóa an toàn vì thế tôi bóp cò mấy lần mà súng không nổ. Thấy vậy nhiều người xông đến ôm tôi giật lấy khẩu súng. Còn anh ta hoảng hốt đứng như trời trồng, mặt xanh như tàu lá không còn chút máu.

Hai ngày sau các anh trong ban tham mưu đại đội mới kêu tôi và Phú ra quán cà phê giải thích rõ câu chuyện. Số là ông đại úy đại đội trưởng thấy tôi cố gắng học hành thật tốt nên ông tiên đoán tôi sẽ thi đậu kỳ thi tú tài và ông ghét nên mới sai Phú làm như vậy. Còn Phú chỉ là người thừa hành lệnh của ông ta mà thôi. Sau sự cố trên tôi phải giảm bớt việc học để tránh sự căm thù của ông ta.
                 
Trong đời binh nghiệp ngắn ngủi, có một lần tôi và bạn tôi đã ra tay cứu giúp một người tù binh miền Bắc bị thương nặng tay còn đang chuyền nước biển, vậy mà vẫn bị viên sĩ quan an ninh của trung đoàn liên tiếp hỏi cung. Chúng tôi đã giúp anh ta thoát chết và thả anh trở về đơn vị cũ khi sư đoàn của tôi di tản khỏi tỉnh Bình Định. Đó là nhờ tôi đã được thầy cô trường Trịnh Hoài Đức dạy cho tôi hiểu được chữ nhân, và nhờ bản nhạc của anh Miên Đức Thắng giúp tôi có được tình người.

Ngày di tản khỏi tỉnh Bình Định, trên bờ biển Qui Nhơn, tôi phải lội ra tàu (vì tàu đổ bộ khi vào đến gần bờ bị xe thiết giáp cản trở nên không ủi bãi được phải đậu cách bờ gần 30 mét). Đi được một khoảng khá xa, bỗng dưng tôi bị hụt chân rơi vào một xoáy nước. Khi nhìn lên tôi thấy nước ngập khỏi đầu tôi hơn một mét. Dưới chân thì bị nước rút kéo ra ngoài khơi. Trong lúc thập tử nhất sinh tự nhiên những ký ức khi còn học ở trường Trịnh Hoài Đức hiện rõ mồn một trong đầu tôi và những kỹ năng khi tập bơi lặn mà các bạn đã dạy cho tôi khi đi cắm trại ở nhà bạn Thạnh hay những lần tập bơi lặn ở nhà bạn Hoàng, bạn Điền đã giúp cho tôi thoát chết một cách kỳ diệu.

Khi sư đoàn di tản về Vũng Tàu, trong lúc dưỡng quân, tôi có dù về thăm nhà. Khi ra trình diện, tôi bị ông đại đội trưởng đánh cho một trận thật kinh hoàng còn hăm dọa sẽ bắn tôi nữa.

Trưa ngày 30/4/1975, tôi có mặt tại thương cảng Sài Gòn. Lúc đó còn vài chuyến tàu rời bến đi ra nước ngoài . Nhà bạn tôi ở gần đó, gia đình bạn tôi có nhờ người liên lạc với các tàu trên. Họ nhận lời giúp đưa chúng tôi ra nước ngoài. Người liên lạc đến kêu đi ba, bốn lần mà tôi chần chừ hồi lâu. Chợt nhớ đến trận đòn và lời hăm dọa bắn tôi của ông đại đội trưởng nên tôi đổi ý định, nhờ ba của bạn tôi đưa tôi về nhà người bà con ở đường Yên Đỗ tạm lánh. Ngày hôm sau, tôi quá giang xe về Bình Dương đoàn tụ với gia đình.
               
Trưa ngày l/5/75 tôi mới về đến nhà, gặp mặt người thân trong gia đình,. Mọi người đều mừng rỡ tưởng tôi bị mất tích rồi. Sáng hôm sau như mọi người khác, tôi phải đi trình diện học tập cải tạo tại ủy ban quân quản tỉnh Thủ Dầu Một (Bình Dương được thay thành Thủ Dầu Một). Trình diện xong tôi được cấp một giấy chứng nhận và trở về nhà.

Đến lần trình diện thứ 3, tôi gặp người trông coi lính Sài Gòn rã ngũ đến trình diện tên là Đ.. Anh là người đã học chung với tôi từ lớp đệ thất đến lớp đệ tứ. Đến năm lớp đệ tam thì tôi học lớp 10 B4 còn Đ. học lớp 10 A3. Mừng rỡ vì gặp được bạn học ngày nào, tôi định tới chào và hỏi thăm (lúc đó Đ. đứng trên bàn như thầy giáo còn tôi tay cầm tờ khai lý lịch đem nộp như học trò nộp bài ) thì tôi nhận được một thái độ lạnh nhạt của Đ.. Anh ta nhìn tôi mà tảng lờ như không quen biết. Sự việc trên làm tôi bị sốc nặng nề vì lúc ở Pleiku tôi do quá thân thiện và giúp đỡ những người tù binh mà tôi bị đày ra làm việc ở sư đoàn bộ binh khổ sở rất nhiều. Mới đây chỉ hơn một tháng tôi đã cứu mạng một đồng đội của Đ. ở Qui Nhơn và tôi cũng phải chịu một trận đòn chí tử suýt chết từ người chỉ huy.

Trình diện xong, tôi thất thểu ra về như người mất hồn và cảm thấy thật buồn.
Trên đường về nhà, khi đi ngang chợ, qua khỏi nhà thầy Võ Tấn Phước vài căn phố, tôi bỗng gặp bạn Tư Hà mặc quân phục quân giải phóng miền Nam đang đứng nhìn tôi. Bạn Hà học lớp đệ thất P4, khi lên lớp đệ tam thì học lớp đệ tam B4 chung lớp với tôi. Học hết năm lớp 11 B4 thì bạn Hà bỗng nhiên biến mất.

Bị cơn sốc vừa rồi nên tôi giả bộ như không biết và đi thẳng. Bạn Tư Hà bèn đi theo, đến trước tiệm chụp hình Đại Đồng bạn Hà tiến lên trước mặt tôi và hỏi : “Xin lỗi, có phải anh tên Phước không?”. Tôi gật đầu nói phải. Nghe xong bạn Hà reo lên: “Mầy không nhớ tao hả Phước? Tao học chung với mầy ở trường Trịnh Hoài Đức đây. Lúc còn đi học tao tên Tư Hà, vô bộ đội tao đổi tên là Nguyễn Thanh Tùng”. Nghe xong tôi đáp lại: “Tao thấy mầy tao nhớ liền, nhưng tao mới vừa bị một cú sốc nên tao không dám nhìn”. Bạn Hà liền nói: “Nếu tao không vào vùng giải phóng thì tao cũng phải trình diện đi lính như mầy”.
               
Sau đó tôi và bạn Tư Hà vẫn thường xuyên gặp nhau. Bạn Hà đã chuyển công tác sang làm ở Bưu Điện. Chúng tôi hay đi uống cà phê, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm lúc còn đi học ở trường Trịnh Hoài Đức, về những thầy cô đã truyền đạt kiến thức cho chúng tôi, kể cho nhau nghe về những tháng ngày gian khổ. Tôi kể cho bạn Tư Hà nghe về những tháng ngày bị đày ải lúc còn mặc áo lính, còn bạn Hà kể cho tôi nghe về những lần đi công tác ngang qua rừng Cò Mi bị lính nghĩa quân phục kích suýt chết.          
     
Thời gian sau, bạn Tư Hà được nhà nước cho đi học đại học. Bạn chuyển ngành theo học ngành kinh tế kế hoạch. Trong thời gian học, bạn lập gia đình với một cô bạn học chung trường. Ra trường về làm ở một đơn vị vật tư của tỉnh. Những tưởng cuộc đời của bạn Hà sẽ hanh thông, tương lai sẽ làm một quan chức cao cấp. Ai dè bạn lại bị tai nạn mà chết. Sau nầy nghe kể lại: trong lúc đứng chờ băng qua đường trước cửa cơ quan nơi làm việc thì bạn Hà bị một quái xế chạy xe gắn máy tốc độ cao tông phải. Số phận con người thật lạ, trong chiến tranh bạn Tư Hà bị bao nhiêu tay súng nhắm bắn nhưng không chết. Hòa bình rồi lại bị chết một cách oan uổng.             
            
*****
           
Lúc còn mài đũng quần ở mái trường Trịnh Hoài Đức, mỗi dịp xuân về, tôi thường ước ao được một lần viết bài đăng trên báo xuân của trường, nhưng khi cầm bút ngồi thừ ra cả buổi mà tôi không viết được câu nào. Nay đọc trên trang web CHS Trịnh Hoài Đức thấy có ra báo xuân, ước mơ thời xa xưa trỗi dậy. Tôi cố gắng viết một bài cho báo xuân Trịnh Hoài Đức 2012 nhưng cũng trễ hẹn,. Không phải là văn sĩ nên tôi chỉ viết lại những kỷ niệm, những hồi ức rất chân thật của tôi với trường Trịnh Hoài Đức. Không phóng đại, không tô hồng, chỉ viết ra sự thật tôi đã trải qua mà thôi vì thế nên lời văn giản dị, cục mịch, khô khan đôi khi có lỗi chính tả. Mong các bạn thông cảm và tôi hy vọng nó sẽ được đăng trên trang web của CHS Trịnh Hoài Đức hoặc trong số báo Xuân gần nhất để thỏa niềm ước mơ đã nhiều năm qua không thực hiện được.