Nhớ Những Dòng Sông

Nguyễn Kim Nên

Những ngày đầu mùa Thu mưa rơi tầm tã. Dưới gốc cây tường vy trước sân nhà nàng rơi đầy những chiếc lá màu vàng nâu, mình sũng nước nằm chết ướt lạnh cô đơn. Trên con đường dẫn đến sở làm sáng thứ bảy cuối tuần thưa vắng xe cộ, mưa vẫn rơi những làn nước sáng loáng dưới ánh đèn xe đang chảy vội bên đường … Bất chợt nàng nhớ về ngày tháng cũ với những dòng sông của một quê hương quá xa vời.

Nhớ con sông nhỏ chảy ngang làng quê hẻo lánh Bến Súc chỉ còn lại một chút nhung nhớ hình ảnh hai cha con nàng trên chiếc thuyền con qua sông năm nào. Đây sông Sa Đéc, Lấp Vò nhiều kỷ niệm. Chiếc cầu khỉ bắc qua con kinh nhỏ trước nhà bà cố, đối diện bên kia đường là trường trung học Thoại Ngọc Hầu(1). Nhớ những trưa hè được nằm ngủ trưa trên căn nhà sàn đưa mắt nhìn qua kẽ hở thấy được cả ruộng lúa xanh bao la bát ngát. Dòng An Giang chạy quanh khúc cù lao ông Hổ xanh tươi cây trái, nơi yên  nghỉ ngàn đời của ông bà bên họ ngoại. Nhớ Bà Cố, người sống gần trăm tuổi để đặt tên cho nàng. Nhớ mắm Châu Đốc. Nhớ chuột đồng ướp muối xả ớt chiên dòn. Nhớ bánh tằm bì… Nhớ ơi là nhớ.

Bên kia bờ sông Bình Dương trong thời chiến luôn luôn là vùng đất bí ẩn với nàng. Chưa bao giờ nàng được đặt chân đến. Nó có một cái gì đó không yên ổn và xa xôi quá. Nàng có thể nhìn được vài mái nhà ngói lá đơn sơ nằm an phận bên bờ sông. Những đêm về dưới ánh đèn dầu leo lét, ai đó nghĩ gì khi nhìn qua sông chợ Bình Dương tràn ngập ánh đèn màu. Nhớ người bạn học có mái tóc dài đen mượt với chiếc kẹp ba lá đơn sơ. Nhớ làn da mặn mà dễ thương làm sao ấy.

Nhớ đêm chợ Tết, hai đứa bạn gái quấn quýt bên nhau dạo phố cuối năm chợt thấy lòng vẩn vơ buồn … Sang năm biết có còn ông già bán hoa Tết bên bờ sông?… Cũng bờ sông này với cây cao bóng mát đã từng ôm ấp những hình bóng áo trắng học trò vui tươi hồn nhiên, chở nhau trên những chiếc xe đạp chạy tới nhà Thanh Diệu theo đường Ngô Quyền hay chạy qua ngã tư “Piscine” rẽ vào  xóm Giếng Máy đến nhà Phúc Hậu họp nhau làm bích báo Hoa Nắng.

Con sông Bình Dương chảy vào nhánh sông nhỏ… Qua chiếc cầu đi về xóm Lò Heo, hướng về Cầu Ngang cạnh trường trung học Nghĩa Phương. Dòng nước đau buồn chảy qua khu phố Tàu để rồi hấp hối chảy đến cầu Võ văn Vân nơi xóm nhỏ nhà nàng. Nhớ con nước ròng trốn nhà rủ nhau vớt cá lìm kìm chơi. Nhớ những ngày nước lớn ôm bè chuối bì bõm tập lội cho đến một chiều thứ bảy cái miểng chai bể dưới đáy sông cắt đầu gối nàng máu chảy lênh láng làm cả xóm làng xôn xao… Từ đó ba nàng cấm không được tắm sông nữa.

Nhớ hàng dừa xanh nằm đưa mình trên dòng sông nhỏ gần chợ Búng. Tàng cây che bóng nắng hè tạo thành những hoa nắng đong đưa trên chiếc thuyền con nằm an bình hòa nhịp đàn giọng hát trầm ấm  của anh Mạnh, nam sinh Trịnh Hoài Đức năm xưa. Dư âm như vẫn vương vấn đâu đây, còn người ở phương nào? Trên chiếc cầu Bà Hai vài cô học trò  áo trắng ngây thơ đang đứng chờ chuyến xe về.

Nhớ chiều nào trên sóng nước bao la Vĩnh Long, chiếc thuyền ba lá chở đám nữ sinh xứ Thủ về thăm quê Ngoại. Căn nhà  “hương hỏa”  của Ngoại nằm cạnh bờ sông, phía sau là nhà sàn. Bên kia bờ sông là khu vườn xanh tươi trù phú. Ngoại bảo bên ấy đất bồi bên mình đất lở … Bên hông nhà Ngoại có cây mận trắng. Nhớ dòng sông Cần Thơ với bến Ninh Kiều một lần ghé thăm nơi nàng mở mắt chào đời.

Nhớ tuổi ấu thơ bao lần nắm tay mẹ qua đò Thủ Thiêm. Nhớ sông Sài Gòn đẩy đưa con tàu mang nàng đi xa thật xa rời quê hương một buổi sáng mưa rơi, ... Một mất mát đau thương trong cuộc đời.

Đêm trên sông Hương gió đưa nhè nhẹ, người con gái Huế đôi  tay mềm mại nhịp đểu khua tách hát ca. Sông Hồng nhưng tình không nồng thắm, nhớ quê chồng nàng bỡ ngỡ bước chân đi.

Nhớ dòng sông Seine(2) đôi lần gặp gỡ những ước vọng bay xa còn lại và những hoài niệm khó quên bên dòng sông Thames(3) phủ sương mù. Chúa vẫn bao dung giơ tay đứng chờ bên bờ sông Tagus(4), Lisbon … Nàng vẫn suy tư cho một kiếp con người.

Những dòng sông nàng đã đi qua trong cuộc đời tạm bợ. Sông nhớ sông quên, bên lở bên bồi như tình người phiêu bạt trở về tìm chốn cũ dãy nhà bên bờ sông đất lở của bà Ngoại đã biến mất theo thời gian chỉ còn trơ trọi cây mận già cô độc đứng bơ vơ giữa độ Xuân về.

 

Ghi chú:

(1) Trường Thoại Ngọc Hầu ở tỉnh Long Xuyên

(2) Sông Seine ở Paris nước Pháp

(3) Sông Thames ở Luân Đôn nước Anh

(4) Sông Tagus ở Lisbon nước Bồ Đào Nha.