Nguyễn
thị Cẩm
Tết
với lũ trẻ quê tôi bắt đầu từ rất sớm,
từ dạo má dặn bác Hai ở xóm trên để
dành cho má mấy ký gừng, nhắn bà
Chín xóm
bưng lựa dùm mấy trái bí đao già… Má
dặn cả nhà đừng ai hái dừa, để dành quày
dừa
vừa cứng cạy cho má làm mứt Tết. Lũ nhỏ thì cứ
ngóng mỗi buổi má đi chợ về, thế
nào trong đôi quang gánh kia cũng có, khi
thì đôi dép cho đứa lớn, bộ quần áo
cho đứa nhỏ bởi má không đủ tiền sắm Tết gộp một lần. Đứa
nào cũng nôn nao đếm từng tờ
lịch, và than thở sao
mà lâu Tết vậy?!
Càng
gần Tết không khí càng rộn ràng, hối
hả. Nào mứt, nào kiệu, nếp… Má chuẩn bị với tất cả
tấm lòng thành kính thiêng
liêng dành cho ngày Tết. Mang nia củ kiệu đi phơi,
má dặn phải đi vòng, đừng
làm biếng đi tắt chui dưới sào phơi đồ, mang
tội. Lá gói bánh không được để dưới bộ
ván ngồi, mang tội. Chị tôi xăm gừng
lâu nhăn nhó than mỏi tay má cũng rầy:
“Làm để cúng ông bà, không được cằn
nhằn”, mang
tội! Lũ nhỏ chúng tôi không có việc
gì cứ chạy ra, chạy vô lăng xăng chỉ
thêm vướng chân người lớn.
Nôn
nao là vậy nhưng chẳng khi nào tôi
thức nổi đợi đến giao thừa. Khi tôi thức dậy thì trời
đã sáng trưng. Xâu bánh
tét dài treo nơi góc bếp vẫn còn chưa
ráo nước. Ăn vội khoanh bánh tét hãy
còn
vương chút tàn nhang, chúng
tôi thay quần
áo mới rồi ra ngõ ngóng chờ gia đình
chú Ba tôi về chúc Tết, bởi tiền lì
xì của
chú bao giờ cũng rất nhiều so với các cô chú
khác. Năm nào cũng vậy, cứ
sáng mùng một là chú thím
bao nguyên cỗ xe ngựa đến thăm viếng và chúc Tết
nhà tôi. Nhà chú ở ngoài chợ
Búng cách nhà tôi gần ba cây số.
Nhà chú là dân chợ nên có bề
ngoài tươm tất lắm.
Tôi nhìn con Điệp trạc tuổi
tôi lộng lẫy
với chiếc áo đầm màu hồng, đôi giày săng đan
trắng tinh mà thèm thuồng, ao ước.
Thường thường gia đình chú ở lại chờ cúng
ông bà, ăn cơm, chuyện vãn đến quá
trưa. Xế chiều, sẵn xe chú thường cho tôi và đứa em
trai kế đi theo ra Búng để
chơi Tết. Nhà lồng chợ Búng thường ngày bán
thịt cá rau dưa, mấy ngày Tết thành
nơi đánh bài, lô tô, bầu cua cá cọp…
Vui là vậy nhưng cứ đến chạng vạng tối là
tôi lại chui vào góc nhà khóc thầm
vì nhớ nhà, nhớ má.
Làm
dâu trong gia đình gốc Bắc với món Tết
như bánh chưng, giò chả, thịt đông, nhưng tôi
vẫn nhớ biết bao nồi khổ qua hầm,
trã thịt kho tàu mềm rục. Nhớ món bánh
tráng cuốn thịt ram dưa giá giòn tan,
chén nước mắm thơm lừng mùi giấm chua củ kiệu. Đường
Sài Gòn –Bình Dương chỉ ba
mươi cây số nào có đâu xa, vậy mà
tôi chỉ được về khi những ngày Tết đã qua đi.
Ngày mùng một, sau khi
nấu nướng tươm tất bữa ăn
cho đại gia đình, tôi mới về phòng riêng gọi
điện thoại về nhà. Tiếng anh hai ấm
áp: “Cả nhà về đủ hết, chỉ thiếu
gia đình em thôi”. Tiếng nhỏ em hờn
dỗi: “Người ta ở nước ngoài còn được về quê ăn Tết, còn bà…!”. Tiếng đám cháu
ồn ào: “Tại cô Mười sợ tốn tiền
lì
xì đó mà!!!”.
Cả
nhà ơi, mùng bốn Tết, Mười sẽ về nhà.
Với Mười, mùa Tết hãy còn dài. Tết muộn,
nhưng khi được trở về với mái nhà thân
yêu thuở nhỏ, thực sự lúc đó mùa Tết mới bắt
đầu!