Một Thuở Học Trò
dưới mái trường Trịnh Hoài Đức

Ngọc Sương - K12

Một: Thi đậu vào lớp đệ thất trường Trịnh Hoài Đức:

    Nhà nghèo, mồ côi cha lại đông anh chị em cho nên việc tôi thi đậu vào lớp đệ thất trường THĐ là một niềm vui lớn của mẹ tôi vì ít nhiều nó đã hé mở cánh cửa  tương lai của tôi. Năm ngoái, tôi thi rớt đệ thất, mẹ tôi không có tiền cho tôi học trường tư như các bạn khác cùng lứa: đứa vào trường Bồ Đề, đứa vào trường Nghĩa Phương hoặc Nguyễn Trãi... Còn tôi, tựu trường năm ấy, bà dẫn tôi trở lại trường Nữ Châu Thành để xin bà đốc Phạn cho tôi học lại lớp nhất thêm một năm nữa. Năm ấy tôi học lại lớp nhất A với cô giáo Thái Thị Liên. Cuối năm, cô có hỏi thăm một số học trò trong đó có tôi rằng:
    - "Các em có đi học thêm luyện thi vào đệ thất không?"
     - "Dạ, má em không có tiền cho em học thêm cô à!"  
    Và cô mở một lớp kèm luyện thi đệ thất miễn phí tại nhà với khoảng 5-6 bạn trong đó có tôi và bạn Trần Thiện Tứ (vì nhà tôi và nhà của bạn Tứ cùng ở trên đường Phạm Ngũ Lão cho nên tôi chỉ còn nhớ lại tôi và bạn Tứ). Cả hai chúng tôi đều đậu vào đệ thất THĐ năm đó - niên khóa 1966-1967 - ngày nay gọi là khóa 12. Cô còn gợi ý giúp đỡ bạn Minh - nhà ở đường ga (vì hồi đó khi học sinh trường Nữ Châu Thành khi ra về thường xếp thành 4 hàng chia ra đường ga, đường chợ và bến xe, đường nhà thương, đường piscine). Cô hỏi:
    - "Sao em không nạp hồ sơ thi đệ thất ?"
    - "Dạ, má em nói không có tiền may áo dài. Hơn nữa em phải ở nhà phụ má giữ em vì em đông."
    - "Em cứ thi, nếu đậu thì mỗi năm cô cho 2 chiếc áo dài, loại vải thường thường thôi vì cô thấy em có khả năng thi đậu". Cô nói như vậy...  Nhưng vì má của Minh tính như vậy rồi nên cô đành phải chịu  thôi.
    Gần nửa thế kỷ rồi cô Liên ạ, sau lần ghé lại báo tin thi đậu, tụi em đã ra đi biền biệt mà quên trở lại thăm cô. Tụi em vô tình quá phải không cô? Bây giờ trong ký ức em còn nhớ rằng cô rất thích ca hát. Cô đã tập cho học sinh đóng kịch "Nàng Tro" tức "Cô Bé Lọ Lem"... Còn bài hát "Dấu Chân Kỷ Niệm" mà cô đã trình diễn thì rất tình cảm và chẳng thua gì ca sĩ chuyên nghiệp. Hôm nay, em viết ra những lời này để tưởng nhớ và tri ân tấm lòng của cô dù chỉ trong tâm tưởng. Vì năm 1976 có một đôi lần trở về trường Nữ công tác, em có hỏi thăm về cô, thì được biết cô đã chuyển nhiệm sở theo chồng.

Hai: Chiếc áo dài đầu tiên của tôi.
 
    Vui mừng và vội vã là hai tính cách thường đi chung với nhau. Vài hôm sau khi hay tin tôi thi đậu vào THĐ, mẹ tôi mua hai xấp vải "ba tít phin" một xanh, một trắng cho tôi may áo dài mà quên đi hỏi thăm các chị hàng xóm đang học THĐ. Bà đi nhờ cô Ba Rãi - là một thợ may hàng xóm đo và cắt dùm chiếc áo dài đầu tiên.
    - "Đậu THĐ giỏi quá há. Bây giờ muốn may áo màu gì trước?". Cô Ba hỏi tôi.
    - "Dạ, con thích màu xanh ạ". Tôi trả lời.
    Thế là cô Ba đo và cắt dùm chiếc áo màu xanh và chị tôi dùng ni mẫu này cắt chiếc áo màu trắng. Không biết vì lý do kỹ thuật nào mà sau khi chị tôi may xong, chiếc áo màu trắng cài nút ngược về phía trái; còn chiếc áo xanh thì không được mặc vì nhà trường đã bãi bỏ việc mặc áo xanh lâu rồi mà mẹ tôi không biết. Thế là tôi chỉ có mỗi một chiếc áo dài trắng cài nút ngược để mặc đi học. Vì vậy mỗi chiều thứ tư sau khi đi học về tôi phải giặt, treo lên cho nó ráo rồi sáng hôm sau - khoảng hơn 10 giờ sáng, tôi ké một tí than lửa của nồi cơm, ủi sơ một tí để đi học cho đến cuối tuần.

Ba: Trại tất niên năm 1966.

    ... Năm ấy (1966), trường tổ chức cắm trại. Đây là trại tất niên đầu tiên trong đời học sinh nên tôi còn nhớ rõ là mỗi khối lớp là một tiểu trại. Riêng lớp đệ thất của tụi tôi lại chia làm 2 tiểu trại nam và nữ kế nhau và địa điểm là ở sau phía dãy lầu. Nhóm nữ của tụi tôi thì quá hiền như các bé gà con mới nở. Ai có anh chị hoặc chị kết nghĩa học trên lớp thì đáo qua, đáo lại các trại của đàn chị để xem sinh hoạt như kể chuyện cười, trò chơi, ca hát… và cũng để tránh những viên pháo của các bạn nam cùng khối ở trại kế bên liệng qua. Lúc đó, thầy Thuật và cô Thảo hướng dẫn trại tất niên khối đệ thất có cảnh cáo một số bạn nam đã chơi trò chơi ấy. (Xin mời các bạn nam khối đệ thất k.12 ra nhận tội). Sau đó là tiết mục phát "bánh chưng":
- Thầy Thuật: ''Nhà trường có cho mỗi tiểu trại một số bánh chưng 1, 2, 3, 4, 5.... nhưng không đủ cho mỗi em 1 cái, thầy đề nghị các em mở ra ăn chung với nhau".
- "Tụi em không ăn thầy à!".
- "Hay là bắt thăm". Thầy Thuật nói.
Một bạn nói: "Thầy quăng ra ai lượm được thì nhờ thầy ạ"
Thầy Thuật hỏi ý kiến học sinh và mọi người đều đồng ý. Thế là một màn giống như rằm tháng bảy diễn ra. Thầy quăng bánh ra (loại bánh chưng nhỏ cỡ bàn tay) và đám học trò nhỏ xô đẩy lẫn nhau giành bánh rất vui. Thầy Thuật ơi ! Sao thầy chìu học sinh quá dzậy?
Đến buổi chiều là chương trình văn nghệ và thể thao toàn trường ... Tôi vẫn nhớ rõ màn kịch do nhóm kịch của các chị Đỗ My, Mỹ Châu, Huê Mỹ và Lý Ngọc Loan của lớp đệ tam A1 (k.8) trình diễn. Mấy chị đã diễn vở hài kịch Lý Toét và Xã Xệ Ra Tỉnh, một người đòi ăn cơm Tàu, một người đòi ăn cơm Tây... Cho đến nay đã hơn 40 năm rồi, chị Mỹ Châu à, em vẫn không quên cặp mắt trợn dọc, trợn ngang vì ngạc nhiên của chị... Một thiên tài diễn kịch đó các anh chị... (xem hình ở trang 91).
Tháng 7/2012 nhân đoàn du ngoạn của CHS Trịnh Hoài Đức đến San Francisco, em có dịp gặp lại chị Huê Mỹ và chị Mỹ Châu. Trông chị Mỹ Châu lúc này phát tướng hơn xưa. Cả ba đều vui vẻ nhận ra nhau vì thuở ấy (lớp đệ thất) em thường đến lớp các chị chơi vào ngày mà các chị phải học thêm vào buổi chiều. Ngày ấy, em có nhân duyên gặp các chị đệ tam A1 nên có tấm hình chụp chung (do chị Huê Mỹ đăng trên mạng THĐ) với các chị - cô bé ngồi giữa chị Lý Ngọc Loan (là chị kết nghĩa) và chị Huê Mỹ chính là Ngọc Sương k. 12. Gần nửa thế kỷ rồi các chị hỉ, em hy vọng nhờ trang mạng THĐ có ngày em sẽ tìm và gặp lại chị Lý Ngọc Loan.

Bốn: Một lần cuốc bộ từ trường về nhà.
(Thân tặng bạn Nguyễn Thị Kim Oanh - một bạn đồng hành trong chuyến đi bộ này.)

    Một hôm không biết tại sao tôi và bạn Kim Oanh hứng chí rủ nhau đi bộ từ trường THĐ nữ về nhà với ý định để tiết kiệm tiền xe. Hai đứa tính với nhau thử mỗi ngày hai đứa mình đi bộ được (lượt về thôi, vì nếu lượt đi thì khi đến trường mình không còn sức để tiếp thu bài giảng của thầy cô) thì mỗi ngày mình tiết kiệm được một chuyến tiền xe là ...$, mỗi tuần được....$, ... Tính toán nghe qua cũng có lý. Thế là chúng tôi lên đường. Lúc mới ra đi còn nhiều nhiệt quyết, phấn khởi, hào hứng... vừa đi vừa nói chuyện... Tới trường Nam THĐ rồi kìa ... Nhanh quá ... Đi tiếp... Tới ngã ba An Sơn ... Gắng lên ... Tới Cầu Lớn... Tới Cầu Nhỏ, nhà thầy Võ Kim Lân ... Cả hai đều không có chuẩn bị nước uống. Tôi bắt đầu cảm thấy khát nước, mỏi chân nhưng đã “quyết chí ra đi” cùng Kim Oanh nên không dám hó hé... Mà có lẽ Kim Oanh cũng cảm thấy khát nước chăng... nên bớt trò chuyện. Tôi làm bộ hỏi:
    - "Ê! Oanh mày có khát nước không?"
    - "Một chút xíu...". Nhỏ Oanh trả lời.
    - "Mày có cảm thấy mỏi chân không?". Tôi hỏi nó.
    - "Có. Thôi mày đừng hỏi nữa... Cứ nhắm mắt mà đi thế nào rồi cũng tới". Oanh nói với tôi.
    Tới ngã tư Phú Văn, tôi mở miệng nói với Kim Oanh:
    - "Tao với mày đứng lại đón xe đò về".
    - "Mày tính lại đi. Lên xe ở Phú Văn cũng bằng giá tiền lên xe ở Búng. Lãng phí công tao với mày đi bộ từ nãy giờ... Thôi tiếp tục đi tiếp... Mày đừng có nhìn thẳng sẽ thấy đường dài thăm thẳm... Cứ cúi mặt nhìn đất mà đi". Oanh nói.
    Thế là tôi riu ríu đi theo nó nhưng thỉnh thoảng buông một vài câu: ..."Trời ơi! Mới tới Gò Đậu" ... "Tới Lò Chén"... "Tới Ty Cảnh Sát" ..."Tới rạp hát Bình Minh... rồi đó" ... "Tới nhà mày rồi đó Oanh" (nhà Oanh ở cạnh trường tiểu học Nam Châu Thành). Tôi vào nhà Oanh uống miếng nước rồi đi tiếp liền về nhà ở Giếng Máy. Nếu tôi ngồi nghỉ mệt một chút, tôi không biết một chút này sẽ kéo dài bao lâu?
    Một chuyến đi bộ không bao giờ có lần thứ hai, phải không bạn Kim Oanh? Tại hồi đó tụi mình quá ngốc, không biết chuẩn bị đem theo nước uống.

Năm: Đội bóng đá Nữ THĐ
(Thân tặng các bạn 7P1 và 7A2 khóa 12 và xin mời những bạn đã từng tham gia trận bóng đá Nữ THĐ năm xưa bổ sung chi tiết hoặc sửa chữa những chi tiết nào không chính xác. Cám ơn! Ghi chú: kể từ năm học 1967 trở về sau, hệ thống giáo dục đổi tên gọi từ lớp 1 đến lớp 12 cho nên NS cũng cập nhật theo tên gọi mới).

    Trong giờ nhạc của lớp 7A2, một hôm thầy Bé Tám gợi ý về một số hoạt động ngoại khóa như  hợp ca, múa, kịch, bóng bàn, vũ cầu.... Một bạn ngồi gần cuối lớp thuộc dãy ngay cửa bước vào nói :
    - "Đá banh thầy".
    Thầy Bé Tám:
    - ''Ờ ! ý kiến hay đó em. Chúng ta thành lập đội bóng đá nữ các em nhé !".
    Thầy đem ý kiến này bàn với học sinh lớp 7P1. Thế là đội bóng đá nữ đã được thành lập nhưng chỉ trong tư tưởng của học sinh 7P1 và 7A2 chứ chưa có danh sách học sinh ghi tên tham gia đội banh nữ nầy. Thầy hứa là sẽ hướng dẫn cho chúng tôi tập đá banh cũng như một vài luật lệ trong thi đấu... Thế nhưng kế hoạch chưa được tiến hành thì một hôm đột xuất có lệnh triệu tập tất cả học sinh trường nữ chiều hôm ấy phải qua trường nam... Hình như là dự lễ cầu siêu các võ sư Đại Hàn - người đã dạy Thái Cực Đạo cho nam sinh THĐ ... hay là ngày... ca sĩ Khánh Ly, nhạc sĩ Trịnh công Sơn.. đến trường... hay là Đại Hội Thể Thao Học Sinh... Sau chương trình chính của trường là phần sinh hoạt thể thao... Đội bóng chuyền, vũ cầu, bóng bàn... lần lượt thi đấu và thầy Bé Tám xuất hiện hỏi tụi tôi:
    - "Sao? Các em có muốn ra đá banh không?"
    - ''Tụi em không có chuẩn bị gì hết thầy ơi!''. Đám học sinh trả lời, bởi vì lúc đó tụi này đang mặc đồng phục áo dài trắng, chân mang guốc, giày, dép... Nói chung là không có một sự trang bị tối thiểu về vật chất cũng như kỹ thuật đá banh, luật lệ...
-Thầy Bé Tám “Mặc áo dài mà đá bóng thì mới gọi là ‘bóng đá nữ’ chứ”.
Cuối cùng đám học trò đồng ý ra làm nữ cầu thủ đá banh. Tụi này liệng cặp táp, quăng nón lá qua một bên. "Đội tuyển" gồm có Ngọc Sương, Hòa Nam, Ngọc Điệp, Kim Chi (ái nữ của thầy giám học Phạm Ngọc Em), Kim Oanh, Kim, Ngọc, Bạch, Mười, và mấy bạn ở Lái Thiêu (xin lỗi NS quên tên các bạn rồi)... Nhiều lắm... Đây là đội 7A2. (Xin các bạn bổ sung thêm danh sách cầu thủ 7A2 và 7P1 ). Lúc đó nếu lấy cột cờ làm trung tâm thì sân banh là 1/4 của sân trường nằm sát bờ ruộng và tiếp giáp với bốn phòng học và dãy nhà vệ sinh của học sinh (chắc có lẽ các bạn hình dung ra được địa điểm này chứ !).
    Thầy Bé Tám ra sân tuyên bố đội bóng đá nữ 7P1 sẽ đấu với 7A2. Thầy vừa là hướng dẫn viên vừa là trọng tài của trận đấu này. Thầy hướng dẫn dàn đội hình, giải thích sơ lược về luật lệ... Nhiều quá, trong một thời gian ngắn làm sao tụi em hiểu hết được. Tụi em chỉ nhớ có một điều duy nhất là nếu đội nào đá trái banh lọt vào vùng cấm địa mà gôn của đối phương không chụp được thì đội đó thắng, và trong khoảnh khắc đội A2 chọn bạn Ngọc Điệp  làm cầu thủ ‘Gôn’ đầu tiên. Bên ngoài vòng đai rất là đông đúc các bạn nam, nữ học sinh và ngay cả một số thầy cô, quan khách... đã ủng hộ tinh thần thể thao của tụi em.. Sau hồi còi tu huýt, hai đội ra "chân”. Thay vì các nữ cầu thủ phải biết đá nhẹ, chuyền banh trong đội rồi thừa cơ đá vào vùng cấm địa của đối phương; trái lại mọi người đều chạy theo và nhắm vào trái banh mà đá không cần biết phạm luật... Tôi nghe loáng thoáng bên tai các bạn ngoài vòng đai nói: ''Thầy, việt vị... me...''. Các nữ cầu thủ tiếp tục chạy theo banh, xô đẩy lẫn nhau, đá loạn xà ngầu... Nhiều lần, thầy Bé Tám thổi tu huýt để ''stop'' đội đá banh, phân bố lại đội hình và giải thích thêm luật lệ… Còn các nữ cầu thủ thì cột hai vạt áo dài qua một bên, nhanh chóng thay đổi ‘gôn’ và tiếp tục đá tự do, bất chấp hướng dẫn viên cũng như trọng tài và mặc cho thầy Bé Tám nhăn nhó… Lúc đó bạn Mười đang giữ chân ‘gôn’ cảm thấy ngứa chân nên nói nhỏ với Hòa Nam
-“Ê! Hòa Nam, mày nhanh nhẹn nên thay tao mà giữ ‘gôn’ đi, cho tao ra chân một chút”. Hòa Nam đồng ý và hai bạn tự hoán chuyển vị trí (bóng đá ‘tự do’ mà!).
Hai đội  tiếp tục gườm banh… Nhanh như gió thổi đội 7P1 do bạn Trương Thị Bạch Mai (ái nữ của thầy đốc Trương Văn Di ) đá lọt vào lưới của đội 7A2 mà ‘gôn’ Hòa Nam không trở tay kịp. Một tràng vỗ tay như pháo nổ, tiếng huýt sáo của các bạn khán giả nam và thầy Bé Tám cười toe toét tuyên bố kết quả: 7P1 thắng 7A2 :1-0
 Giải thưởng là một số các nữ cầu thủ phải cột hai vạt áo dài với nhau,  đi chân đất, tay cầm guốc, tay xách dép, giày ... về nhà.
     Ôi ! vui quá xá là vui phải không các bạn nữ cầu thủ?
    Một bạn nói:
    - ''Mình đặt tên đội banh này là đội ''Bất Hiếu'' nhé!
    - ''Tại sao?''. Bạn khác hỏi lại.
    - ''Ủa! mày không biết ''đá banh'' là gì hả? Là ''đánh ba'' đó, là ngày mai tụi mình phải xin tiền mua giày, dép mới đó.
    Ngọc Sương nói:
    - ''Như vậy là tao không thuộc diện này tại vì ba tao mất sớm''.
    Bạn khác nói:
    - ''Xí ! mày thuộc loại ''đá mánh''. Tao thấy mày lừa banh mánh thấy mồ. Thử coi ngày mai mày có xin tiền má mày đóng đôi guốc dông mới không?''.
    Kết luận: Tường thuật trận bóng đá nữ năm xưa để ôn lại những kỷ niệm của một thuở học trò sôi nổi, hăng say thi đấu với tinh thần thể thao và quậy cũng nhiều… Dĩ nhiên bài viết còn nhiều thiếu sót, NS mong đón nhận những ý kiến bổ sung của các bạn và nhân dịp này NS xin đại diện các nữ cầu thủ năm xưa kính chúc thầy Bé Tám - “ linh hồn của đội bóng nữ” một năm mới được nhiều sức khỏe và vui vẻ.

San-Francisco, ngày 30 tháng 12 năm 2012.
Ngọc Sương k12 CHS THĐ