Một nhạc sĩ tài hoa
Cựu học sinh
 

Cựu học sinh Trịnh Hoài Đức khi ra đời làm việc và nổi tiếng trong lãnh vực âm nhạc có ba người. Người thứ nhứt là anh Trung Nghĩa (CHS khóa 9) rất giỏi về đàn ghita và được khen ngợi là người có “Mười Ngón Tay Vàng”. Tiếp theo là anh Lê Quang Phước (tức Lê Đức Cường – CHS khóa 11) là Giám Đốc Trung Tâm Băng Nhạc Người Đẹp Bình Dương đã sản xuất được nhiều sản phẩm rất hay hồi thập niên1980-1990. Người thứ ba mới nổi tiếng sau nầy nhưng lại là người có nhiều người biết nhứt. Đó là nhạc sĩ Võ Đông Điền (CHS khóa 10).
Một điều ngạc nhiên là thời học sinh, anh Điền hầu như không tham gia vào các sinh hoạt văn nghệ của trường nên ít người biết đến anh. Sau nầy khi anh đã thành danh rồi thì bạn bè mới khám phá ra rằng anh ấy là CHS của Trịnh Hoài Đức.
Bài hát làm cho nhạc sĩ Võ Đông Điền trở thành quen thuộc với quần chúng là bài Tiếng Hát Chim Đa Đa. Xin ghi lại lời bài hát như sau:

Tiếng Hát Chim Đa Đa
Nhạc và lời: Võ Đông Điền

Ngày nào em tuổi mười lăm
Em hay nghe tôi ngồi đánh đàn
Tiếng đàn làm nỗi nhớ mênh mang
Rồi thời gian dần trôi mau
Em không nghe tôi dạo phím đàn
Mà chỉ nhìn lén lén bên sông

Sao em không như ngày nào sang đây nghe tôi ngồi đàn
Để điệu đàn buồn mênh mang
Em như mây trôi dịu dàng trôi lang thang trên bầu trời
Và mây đã xa tôi
Ấu ơ, ầu ơ ...

Có con chim đa đa nó đậu cành đa
Sao không lấy chồng gần mà đi lấy chồng xa
Có con chim đa đa hót lời nỉ non
Sao em nỡ lấy chồng từ khi tuổi còn son
Để con chim đa đa ngậm ngùi đành bay xa

Tình cờ tôi gặp lại em
Ta đi chung trên một chuyến đò
Con đò chiều đưa khách sang sông
Tình cờ ta nhận ra nhau
Nghe mênh mong nhớ chuyện hôm nào
Để đò chiều sóng vỗ lao xao

Hôm cô dâu sang nhà chồng qua sông trên con đò hồng
Mà giọt buồn nhỏ bên sông
Hôm cô dâu sang nhà chồng ai ru con nghe buồn lòng
Lời ru nghe nhớ mong
Ấu ơ, ầu ơ ...

Có con chim đa đa nó đậu cành đa
Sao không lấy chồng gần mà đi lấy chồng xa
Có con chim đa đa hót lời nỉ non
Sao em nỡ lấy chồng từ khi tuổi còn son
Để con chim đa đa ngậm ngùi đành bay xa..

Nội dung ca khúc không có gì mới lạ. Bài hát kể chuyện một người con trai thầm để ý cô bạn hàng xóm nhưng không nói ra, đến khi cô đi lấy chồng xa thì tiếc và mượn hình ảnh con chim đa đa để nói lên tâm sự của mình. Điều đã làm cho bài hát trở nên nổi tiếng là nhờ lời hát bình dị, giai điệu dễ ca, dễ nhớ và có hơi hướng dân ca. Nhưng con đường để bài hát được quần chúng biết đến cũng không phải dễ dàng. Theo tác giả cho biết, anh đã sáng tác bài nầy từ năm 1993 và có nhiều ca sĩ trình bày trên các đài phát thanh tại Bình Dương nhưng chưa được nhiều người biết đến. Đến năm 1999, anh đưa bài hát cho nhạc sĩ Vy Nhật Tảo để tập cho các em ở câu lạc bộ sáng tác ở Saigon. Tình cờ ca sĩ Quang Linh nghe bài hát và thấy hay nên hợp tác và thu vào đĩa Saigon Audio. Từ đó, bài hát mới được phổ biến rộng rãi, đi vào lòng người, và được công chúng hoan nghinh.

Một điều đặc biệt khác của bài hát chính là tác giả đã dùng hình ảnh của con chim đa đa. Nhạc về chim sáo, chim họa mi, chim bìm bịp ... thì đã có nhiều người viết nhưng về con chim đa đa thì hầu như Võ Đông Điền là người đầu tiên. Tác giả cho biết anh đã lấy ý từ những câu hát ru:

Chim đa đa đậu nhánh đa đa   
Chồng gần sao em không lấy, lại đi lấy chồng xa?
Mai sau cha yếu mẹ già
Chén cơm đôi đũa bộ kỷ trà ai dưng.

Nhưng chim đa đa là con chim như thế nào? Nếu hỏi mười người thì có hết chín người không biết (kể cả người viết bài nầy). Đại khái người ta chỉ biết chim đa đa là một con chim rừng mà thôi, còn nó lớn hay nhỏ, biết hót hay không thì ít người biết. Có người hỏi Võ Đông Điền chim đa đa có phải là con gà gô hay không thì anh cũng ừ hử mà không trả lời dứt khoát. Nhà văn chuyên viết về chuyện đồng quê là Nguyễn Viết Tân có bài “Chim Đa Đa” trong tác phẩm Chuyện Miền Thôn Dã của mình. Ông đã viết về giống chim nầy như sau:

...“Con đa đa lớn gần bằng con gà, lông nâu, thỉnh thoảng có vài lông màu trắng. Nó thường được nhìn thấy đậu đơn lẻ chứ không ở thành bầy.”...
...“Con chim này không hót, không thể nói là nó gáy nữa, mà phải dùng từ "kêu". Giọng nó ồ ề như tiếng quạ già, chỉ có mấy chữ đầu đa đa đa.. là nó cất cao giọng, chứ một tràng tiếng về sau thì nó xuống giọng rất trầm như giọng thuốc lào của một ông già  đang cằn nhằn con cháu:
-Đà, đa đa đa.. đá đá đa đà.. đà đa đá đa.”...

    Ông còn cho biết ở Bình Dương chỉ có vùng Dầu Tiếng mới có chim đa đa mà thôi.
 
    Tham khảo trên internet, chúng tôi thì tìm được hình con chim đa đa như trên đây. Nó có lông màu xám và lốm đốm đen trắng. Thành ra, đa đa không phải là một con chim có lông đẹp hoặc có giọng hót hay. Nên hát rằng “có con chim đa đa hót lời nỉ non” thì không đúng sự thật cho lắm. Nhưng nghệ sĩ lúc nào cũng có quyền sáng tạo. Ngày xưa, “lá diêu bông” còn được các nhà thơ đặt ra, thì chuyện cho chim đa đa “hót lời nỉ non” có gì là lạ!. Khi bài hát đã trở nên phổ biến, có nhiều người hát thì công chúng cũng chấp nhận và con chim đa đa nhờ đó cũng trở nên một giống chim nhiều người biết và nó đã “tượng trưng cho mối tình bí ẩn và huyền hoặc mà người nhạc sĩ đa tình đã chôn sâu vào tận đáy lòng.” (Mây Ngàn Phương)
Sau ca khúc trên, tác giả sáng tác thêm một bài nữa đó là:

Xin đừng trách đa đa
Nhạc và lời: Võ Đông Điền

Rồi con chim đa đa ngẩn ngơ đứng trông về trốn xa
    Còn âm vang câu ca ngày em bước chân đi theo chồng
    Lời ru nghe mênh mông ngày đưa tiễn em rời bến sông
Nhìn mây trôi mênh mông nơi quê chồng em còn buồn không?

Thời gian trôi qua mau nhiều khi ngỡ như là giấc mơ
Đời không như trong mơ tình yêu có mấy ai đâu ngờ
Thà như mây lang thang nhờ cơn giớ đưa về trốn xa
Đừng như chim đa đa sao vô tình cho buồn người ta

Ai làm, ai làm cho giọt mưa tuôn
Ước con bướm vàng khi đậu nhánh mù u
Chim chuyền nhành ớt nhành dâu
Lấy chồng xa xứ biết đâu mà tìm
Tìm em như thể tìm chim,
Chim bay biển bắc anh tìm biển nam
Chiều chiều, chiều chiều ra đứng bờ sông
Giây phút chạnh lòng em có trách đa đa
    Xin em đừng trách đa đa
    Xin em đừng trách đa đa ...

     Khác với bài trước, bài thứ hai nầy mới vừa ra đời là thành công và được công chúng ủng hộ ngay. Từ đó Võ Đông Điền trở nên một nhạc sĩ được nhiều người mến mộ, thậm chí ở hải ngoại, nhiều bạn trẻ cũng thích và tìm hiểu xem con chim đa đa là con gì và câu chuyện chim đa đa mà tác giả đã kể trong bài hát bắt nguồn từ đâu. Trong một blog của một bạn trẻ yêu nhạc, tôi tìm thấy lời phát biểu sau đây: “I do not know the song’s author, just the singer name which is Quang Linh.   In my younger day, I might just have overlooked the song because it was not my type.  But now when Vietnam is many thousand miles away and when everything about Vietnam becomes nostalgic, I find the song particularly interesting”. Tạm dịch: “Tôi không biết tác giả bài hát mà chỉ biết người ca sĩ hát bài nầy là Quang Linh. Khi còn nhỏ tôi không để ý đến bài hát vì nó không thuộc thể loại mà tôi thích. Nhưng bây giờ khi mà Việt Nam đã ở xa hàng ngàn dặm và khi mà mọi điều về Việt Nam đã trở nên nhung nhớ, tôi lại cảm thấy thích thú đặc biệt về bài hát nầy”.
Trong khi đó, nhà văn Mây Ngàn Phương lại viết rằng: “Bản nhạc gợi hồn người xa xứ, như một bài ca dao, dân ca mang âm điệu buồn quyến rũ, êm ả ru ta vào cõi bềnh bồng của những mối tình câm lặng, tan vỡ, đầy hoài niệm và nhân bản”.
Nhạc sĩ Võ Đông Điền còn sáng tác trên dưới 100 bài hát khác trong số đó có nhiều nhạc phẩm rất hay như: Bất Chợt Ta Nhìn Nhau, Đêm Giao Thừa Nghe Một Khúc Dân Ca, Người Đẹp Bình Dương, Cánh Diều Quê Hương, Em Tôi ... Trong số đó tôi thích nhứt là ca khúc:

Màu Hoa Bí
Nhạc và lời: Võ Đông Điền

Đâu có thể phai mờ
Kỷ niệm tuổi thơ đâu có thể phai mờ
Cho ta còn đó chút ngây thơ
Đến mãi bây giờ nhớ hoài
Hoa bí vàng của tuổi thơ
Nhớ hoài con bướm vàng thời mộng mơ.

Ôi cái thuở ban đầu dệt mộng ngày xanh
Ôi cái thuở ban đầu
Bâng khuâng một mái tóc bay bay
Tóc xõa vai gầy tóc dài hoa bí cài vào làn mây
Bóng chiều đang xuống dần mà nào hay.

ĐK:

Nhớ lúc tan trường anh cùng em bắt bướm
Bướm bay vô vườn mà nước mắt rưng rưng
Anh đền em màu hoa bí
Hoa bí vàng thay con bướm vàng
Nghe thương nhớ mênh mang.

Nay bí trổ hoa vàng về lại trường xưa
Nay bí trổ hoa vàng
Bâng khuâng chợt nhớ sắc hoa xưa
Hoa vẫn tươi màu
Mái trường xưa có là Hoàng Hạc Lâu
Biết tìm con bướm vàng giờ ở đâu.

 

Đối với một nhạc sĩ có tài thì bất cứ một hình ảnh tầm thường nào cũng có thể thành điều làm cho ông ta cảm hứng mà viết thành ca khúc. Như bài hát nầy: hoa bí là một hình ảnh quá đơn sơ, quá bình dị, nhưng với năng khiếu và tài nghệ tuyệt vời, tác giả đã kết hợp màu hoa bí với một mối tình học sinh trong trắng ngây thơ rồi viết thành một ca khúc rất đậm đà tình cảm. Mỗi khi nghe ca khúc nầy tôi lại  bâng khuâng nhớ về một thời áo trắng nhiều mộng mơ, nhiều kỷ niệm.

*****

    Từ ngày thành lập đến nay, trường Trịnh Hoài Đức đã góp phần đào tạo rất nhiều người tài giỏi cho tỉnh nhà. Nếu chịu khó học tập, một học sinh có thể trở nên một bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo... dễ dàng. Nhưng để trở nên một nhạc sĩ có tài thì ngoài việc cần cù và chịu khó học hỏi, người nghệ sĩ cần có tài năng, niềm đam mê âm nhạc, một chút thiên khiếu và một phần may mắn. Cựu học sinh chúng ta đã có hàng trăm bác sĩ, kỹ sư nhưng chỉ có một Võ Đông Điền làm rạng danh tỉnh nhà qua những sáng tác của anh.
Tôi không quen nhạc sĩ Võ Đông Điền dù anh chỉ học Trịnh Hoài Đức trên tôi có một lớp. Nhưng anh làm tôi rất tự hào khi có môt người nào đó nói chuyện với tôi về ca khúc Tiếng Hát Chim Đa Đa. Lúc đó tôi “dựa hơi” anh và nói với họ là: “Nhạc Sĩ Võ Đông Điền là đàn anh của tôi ở trường Trịnh Hoài Đức – Bình Dương đó”.
Tôi nghĩ không phải chỉ riêng tôi mà các bạn CHS khác của trường cũng có cùng một niềm tự hào như vậy. /.

Tham khảo:

1.    Nhạc sĩ Võ Đông Điền: Còn nghe Tiếng Hát Chim Đa Đa (Tuy Hòa).
2.    Võ Đông Điền và Tiếng Hát Chim Đa Đa (Nguyễn Quốc Đông)
3.    Tiếng chim, hoa bí và những tà áo trắng (Hoàng Anh)
4.    Xin đừng trách đa đa (Mây Ngàn Phương)
5.    Chim đa đa (Nguyễn Viết Tân)