Chuyện ít người biết
Học sinh Trịnh Hoài Đức chiếm giải nhứt
cuộc thi luận văn toàn quốc

Bài viết: Minh Tâm
Hình ảnh: Nguyễn Đình Dũng
 

Dẫn nhập:

Trung Học Trịnh Hoài Đức Bình Dương tuy nhỏ nhưng có rất nhiều thành tích về học tập của học sinh rất đáng khích lệ. Một trong những thành tích đó là chiếm giải nhứt cuộc thi luận văn do tuần báo Thằng Bờm tổ chức.
Thằng Bờm là tuần báo do nhà văn Nguyễn Vỹ làm chủ bút với độc giả tập trung vào lứa tuổi thanh thiếu niên. Năm 1970, ông tổ chức một cuộc thi luận văn với đề tài phân tích và phê bình bài ca dao Thằng Bờm. Cuộc thi nầy dành cho học sinh các trường trung học trên toàn quốc. Ban giám khảo gồm các nhà văn nổi tiếng đương thời là Minh Quân, Võ Phiến, Tam Ích và Bình Nguyên Lộc.
 Có rất nhiều học sinh từ khắp nơi tham gia. Sau khi chấm bài, người trúng giải đồng hạng nhứt là Nguyễn Đình Dũng, học sinh lớp Đệ Nhị trường trung học Trịnh Hoài Đức – Bình Dương. Đồng hạng nhứt là một học sinh trường trung học Hùng Vương – Quảng Ngãi.
    Nguyễn Đình Dũng đã theo học trung học Trịnh Hoài Đức – Bình Dương từ lớp Đệ Thất tới lớp Đệ Tam. Cuối năm 1970, theo gia đình về Sài Gòn học trung học Chu Văn An. Bài luận văn của anh đăng trên báo Thằng Bờm số 29. Bài tường thuật về buổi Lễ phát giải có cả hình ảnh ông Mai Thọ Truyền – Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa trao giải thưởng cho Nguyễn Đình Dũng,  được đăng vào tuần san Thằng Bờm số 30.
 Tôi có đọc bài viết và hiểu tại sao Dũng đoạt giải thưởng nầy. Đó là nhờ anh nhớ những lời giảng của GS Nguyễn Tư Sán dạy Việt Văn. Thầy đã dạy bài nầy khi chúng tôi học lớp Đệ Tam ở Trịnh Hoài Đức. Thầy giảng rất kỹ nên chúng tôi làm bài luận rất dễ và nhanh. Nguyễn Đình Dũng có công diễn tả lại những lời thầy dạy cụ thể qua bài luận đồng thời có thêm thắt một số ý kiến cá nhân rất đặc sắc, do đó anh xứng đáng chiếm giải nhứt trong cuộc thi.
Tuần báo Thằng Bờm chỉ phát hành được vài chục số thì đình bản vì chủ bút Nguyễn Vỹ mất đột ngột vì tai nạn giao thông. Sau 40 năm, bài viết nầy đã thất lạc. Tôi có đọc bài luận của Nguyễn Đình Dũng nên ráng nhớ viết lại như dưới đây. Hy vọng ghi lại được những nét chính của bài luận để bạn đọc biết thêm và cùng vui với Nguyễn Đình Dũng cũng như tự hào về Trường Trung Học Trịnh Hoài Đức, nơi đã đào tạo được những học sinh ngoan, xuất sắc của một thời ...

******

Thằng Bờm- Bài ca dao thâm thuý của người Việt

Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, bài ca dao Thằng Bờm được rất nhiều người biết. Bài thơ theo thể lục bát như sau:

    Thằng Bờm

Thằng Bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu
Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu
Phú ông xin đổi ao sâu cá mè
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè
Phú ông xin đổi một bè gỗ lim
Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim
Phú ông xin đổi con chim đồi mồi
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi
Phú ông xin đổi nắm xôi, Bờm cười.

Với từ ngữ phổ thông, dễ nhớ, bài thơ đã được truyền khẩu từ đời nọ qua đời kia. Thằng Bờm trở thành một nhân vật nổi tiếng tiêu biểu cho sự hiền lành nhưng không ngu dốt. Dưới đây ta hãy thử phân tích bài thơ và tìm hiểu những ý nghĩa sâu sắc của nó.
Bài thơ có tựa đề Thằng Bờm. Qua đó ta có thể hiểu không gian của nó là vùng đồng quê Việt Nam. Ở đó tên của người dân thường được đặt một cách bình dân, không hoa mỹ. Tác giả dùng chữ “thằng” để gọi nên ta có thể hình dung Bờm là một chú bé chừng trên dưới mười tuổi mà thôi.
Câu chuyện bắt đầu với hai câu thơ:

    Thằng Bờm có cái quạt mo
    Phú ông xin đổi ba bò chín trâu

Quạt mo làm bằng mo cau. Đây là loại quạt thông dụng ở nhà quê. Người ta dùng dao cắt tàu cau khô thành hình cái quạt và dùng để quạt cho mát vào những buổi trưa hè. Quạt mo là một vật không có giá trị gì cho lắm, vì ai cũng làm được và thường không mất tiền để mua. Không biết vì sao mà chú bé Thằng Bờm lại có một cái quạt mo và rất thích cái quạt nầy.
Phú ông là một người giàu có ở trong vùng. Ông muốn gì được nấy. Thấy Bờm có cái quạt mo thì ông hơi ganh tị và sau đó ông mới dụ nó đổi quạt bằng ba con bò và chín con trâu. Đây là cả một tài sản rất lớn ở vùng nông thôn. Sở hữu ba con bò, chín con trâu, Bờm có thể trở nên giàu có và được nhiều người nể trọng. Bờm có chịu đổi không? Ta hãy đọc tiếp:

    Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu
    Phú ông xin đổi ao sâu cá mè

Bờm không chịu đổi. Lạ thật!. Một sự trao đổi rất có lợi cho Bờm tại sao em không chịu?.       Ta có thể giải thích như sau:
     Có thể Bờm không hiểu giá trị của ba con bò và chín con trâu lớn như thế nào. Một chú bé mới 10 tuổi nếu sở hữu ba bò chín trâu thì chắc cũng không biết làm gì.
Có thể Bờm rất khôn. Nó biết giá trị của ba bò chín trâu là lớn chớ. Nhưng nó không chịu đổi quạt với phú ông. Bởi vì nó hiểu rằng: đây là một cuộc trao đổi không cân xứng. Phú ông có thể gạt nó để lấy quạt mà không đổi ba bò chín trâu cho nó. Nếu nó có khiếu nại, thưa kiện với quan thì không ai tin rằng một cái quạt mo tầm thường lại đổi được với ba bò chín trâu là một tài sản lớn.
Tóm lại không đổi là tốt nhứt. Quạt của mình vẫn còn của mình. Tài sản to lớn nhưng chỉ là lời hứa, không chắc chắn sẽ có! Ta có thể thấy được đây là một Thằng Bờm rất khôn chớ không phải là một đứa trẻ khờ khạo như mọi người thường lầm tưởng.
Thấy Bờm không chịu đổi, phú ông dụ tiếp: “Nếu cháu không chịu đổi ba bò chín trâu vậy hãy đổi cái quạt với một ao sâu đầy cá mè nhé?”. Ôi, cả một ao cá rất to lớn và có rất nhiều cá mè. Tha hồ mà bắt lên đem bán lấy tiền xài thoải mái. Ông dụ tiếp như vậy. Bờm có chịu đổi hay không? Ta hãy đọc tiếp:

    Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè
    Phú ông xin đổi một bè gỗ lim

Ủa, Lạ kìa, Bờm lại không chịu đổi nữa. Phú ông lẩm bẩm như vậy. Cả một ao cá mà chỉ đổi một cái quạt mo. Thằng nầy ngu quá. Phú ông bực tức nghĩ trong bụng như vậy. Ông không hiểu rằng, Bờm nhà ta, vì còn nhỏ nên:
Có thể em không biết giá trị của ao cá. Mới chín, mười tuổi mà có cả một ao cá thì em cũng chẳng thích và chẳng biết làm gì.
Có thể em rất khôn. Em biết rằng phú ông chỉ gạt em, nói là đổi quạt lấy ao cá, nhưng không bao giờ ông giao ao cá cho em vì không ai tin rằng ông có thể đổi một cái ao cá giá trị lấy một vật tầm thường như một cái quạt mo.
Thấy Bờm không chịu đổi quạt, phú ông dụ tiếp: “Thôi nếu vậy cháu hãy đổi quạt lấy một bè gỗ lim đi?” Gỗ lim đem về xây nhà tốt lắm. Ông nói tiếp như vậy. Bờm có chịu đổi không. Ta hãy đọc tiếp:

    Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim
    Phú ông xin đổi con chim đồi mồi

Bờm lại lắc đầu. Bờm lấy gỗ lim về làm gì. Xây nhà thì cần nhiều công. Rồi đất đâu mà xây. Đúng là phú ông dụ Bờm một vật tuy quý giá đối với ông mà lại vô ích đối với Bờm.
Kỳ nầy phú ông khôn hơn. Ông nghĩ rằng: “À, chắc thằng bé nầy ham chơi. Nó không thích tài sản, vậy ta hãy dụ nó bằng đồ chơi. Ông nói: “ Nầy cháu, nếu cháu không thích gỗ lim thôi hãy đổi cái quạt lấy con chim làm bằng đồi mồi đi”. Con chim nầy đẹp lắm. Cầm chơi rất thích. Đem khoe với bạn cũng hay lắm. Bạn cháu sẽ trầm trồ vì cháu có món đồ chơi rất đẹp. Dụ dỗ như vậy mà Bờm có chịu đổi không? Ta hãy đọc tiếp hai câu cuối:

    Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi
    Phú ông xin đổi nắm xôi, Bờm cười.

Bờm lại lắc đầu. Chim đồi mồi tuy đẹp nhưng chỉ là một món đồ chơi. Chơi hoài sẽ chán. Còn giữa trưa hè có quạt mo quạt rất mát, thật thú vị hơn nhiều.
Thấy Bờm cứ lắc đầu hoài, phú ông đã phát tức lên rồi. Cái mà ông muốn thì phải được. Thằng bé nầy thật khó dạy. Dụ cái gì cũng không được. Lúc nầy giữa trưa hè, trời đang nóng bức. Có được cái quạt nầy để quạt thì thích thú biết bao!. Có thể lúc nầy phú ông đang đi ăn giỗ ở đâu về. Đường xa, đi nhiều, nên ông đang ra mồ hôi và rất cần cây quạt mo để quạt. Sẵn nắm xôi trên tay ông hỏi Bờm: “Vậy có nắm xôi nầy, Bờm có chịu đổi lấy cây quạt không?”. Lúc nầy thì Bờm cười. Chữ cười nầy có nghĩa là gì?. Không phải dễ hiểu đâu.
Trong cách cư xử của người Việt chúng ta, đôi khi cái cười rất khó hiểu. Trong trường hợp nầy chữ cười ở đây có thể có 2 nghĩa: Cười mỉa mai, khinh dể và cười vui chấp thuận.
Có thể Bờm cười mỉa mai. Trong bụng em nghĩ rằng: “Lão phú ông keo kiệt nầy thật tức cười. Bao nhiêu tài sản, bao nhiêu đồ chơi quý đẹp đem đổi với cây quạt của ta mà ta còn chưa đổi, huống chi đem quạt chỉ đổi lấy nắm xôi”.
Có thể Bờm cười vui và chấp thuận đổi chiếc quạt của em lấy nắm xôi. Đó chỉ vì em nghĩ rằng đây là một cuộc trao đổi: thuận mua vừa bán. Hai vật có giá trị tương đương. Nắm xôi thì có ngay và có thể ăn no lòng. Đổi mấy thứ kia chưa chắc đã có còn lấy nắm xôi thì chắc chắn sẽ có ngay. Ăn xong ta sẽ đi kiếm mo cau làm quạt mới. Dễ quá.
Tác giả kết thúc bài thơ bằng chữ cười rất khó hiểu như vậy và để cho người đọc tự suy nghĩ...
Trên đây là những phân tích về nội dung. Về hình thức, ta thấy người sáng tác đã sử dụng những câu chữ hết sức bình dân. Câu thơ hơi lặp đi lặp lại nhưng nhờ đó mà dễ nhớ dễ truyền khẩu từ đời nọ sang đời kia. Bờm là một chữ thuần Việt, nếu sử dụng chữ Hán hay Nôm để viết thì không biết sẽ viết như thế nào?. Thế nhưng bài ca dao đã truyền khẩu từ bao đời nay cho thấy nó rất được dân ta yêu thích.
Qua phân tích bài thơ Thằng Bờm, ta thấy rằng người sáng tác đã gởi gắm tâm tình của mình rất nhiều trong đó. Bài thơ thể hiện sự đấu tranh giữa người giàu và kẻ nghèo. Giàu thì muốn giàu thêm, muốn chiếm đoạt của kẻ khác. Kẻ nghèo nhưng không ngu, cụ thể như chú Bờm không vì những lời hứa hão huyền của phú ông mà chịu trao đổi cái quạt mo, một vật tuy nhỏ, ít giá trị nhưng do công sức của mình làm ra. Đọc bài thơ Thằng Bờm ta thấy văn chương bình dân của dân tộc ta rất thâm thuý và rất đáng tìm hiểu./.