Cánh Thiệp Đầu Xuân

Nguyễn Thị Hai

 
    Thời gian lặng lẽ trôi qua theo từng tờ lịch. Cứ vào khoảng cuối tháng 12, sáng sớm trời se se lạnh, ngoài vườn lá vàng cũng thôi rơi, những vệt nắng lùa qua cửa sổ ấm áp vô cùng, mùa xuân sắp đến rồi đó!
    Thành phố hay làng quê như bừng lên sức sống mới để chào đón một mùa xuân nữa lại về.
    Lịch năm mới được bày bán đầy trên đường Lê Lợi và nhà sách, có rất nhiều mẫu mã, màu sắc rực rỡ vô cùng, nhưng nhìn vào quầy thiệp xuân thì ôi những tấm thiệp này lại càng dễ thương và xinh xắn hơn nhiều.
    Đối với học sinh thì việc tặng nhau những tấm thiệp chúc Tết hay còn gọi nôm na là cánh thiệp đầu xuân là điều ai cũng thích nhất.
Ngày xưa cứ hễ đến tháng 12 có thiệp xuân lại rủ nhau lang thang tới những quầy bán thiệp mà lựa chọn xem tấm nào đẹp, tấm nào ưng ý mới mua, có khi đi xuống tận nhà sách Khai Trí ở Sài Gòn. Khi mua về lại phải suy nghĩ xem tặng cho thầy, cô tấm nào, tấm nào cho người bạn thân nhất, và lời chúc phải viết ra sao nữa! Ôi thật vui quá đỗi!!!
    Tôi nhớ mãi tấm thiệp xuân đầu tiên tôi đã tặng cho cô giáo Kim Anh năm học lớp 5 trường Bình Nhâm. Tôi mua được tấm thiệp khi đi mua lịch với bà ngoại. Về nhà tôi đã phải viết đi viết lại câu chúc đến 10 lần. Cuối cùng câu chúc mà tôi ưng ý nhất là: “Con chúc cô mạnh khỏe và ăn nhiều cho mau mập. Con thương cô lắm”. Đó là vì tôi thấy cô ốm quá nên chúc như vậy. Khi vào lớp học, phải đợi lúc tan trường, sau khi các bạn đã lục đục ra khỏi lớp, tôi mới dám lên đưa cho cô và ù té chạy. Ngày hôm sau trong giờ học, cô đã đến xoa đầu tôi và nói: “Cô cám ơn con nhe”. Các bạn trong lớp chẳng hiểu điều gì. Chỉ có tôi, trong lòng dâng lên một niềm vui khó tả!!!
Ngày xưa tấm thiệp xuân đơn giản với những câu chúc quen thuộc như: “Chúc mừng năm mới”, “Cung chúc tân xuân” hay “Năm mới an khang, thịnh vượng”. Bên cạnh là hình ảnh của cành mai vàng, cành đào, cành trúc, hoa lan, hay ba ông Phước, Lộc, Thọ. Ngoài ra, còn có hình của quả dưa hấu và dây pháo chuột v.v…
    Ngày nay thiệp xuân làm đẹp hơn ngày xưa, giấy tốt, kỹ thuật in tân tiến. Thêm vào đó, còn có các loại thiệp do sinh viên làm bằng tay mà vật liệu là những loại hoa khô, cỏ khô ép rất khéo léo nhìn đẹp và độc đáo vô cùng.
    Trường Trịnh Hoài Đức hồi xưa, mỗi khi Tết đến cũng có làm thiệp xuân và đặc san của trường. Báo do học sinh trong trường viết và bán giao lưu với các trường khác trong tỉnh như Nghĩa Phương, Bồ Đề, cũng như những trường ở xa như Ngô Quyền (Biên Hòa), Hóc Môn (Gia Định)…
    Tôi còn giữ được tấm thiệp xuân của trường Trịnh Hoài Đức năm 1972(1). Tấm thiệp in hàng chữ “Cung Chúc Tân Xuân” “Năm Nhâm Tý 1972”. Hình ảnh mà họa sĩ vẽ có lẽ là nữ sinh Trịnh Hoài Đức với mái tóc dài, rải rác là những cánh hoa mai. Bên dưới là hàng chữ Trịnh Hoài Đức, Bình Dương. Nay giấy đã ngả màu nhưng hình ảnh họa tiết vẫn còn rõ nét.
    Thầy cô người đã có công dạy dỗ thì qua những lời chúc sức khỏe của học sinh trong những tấm thiệp là một món quà tinh thần luôn được thầy cô trân trọng.
    Những lời chúc đơn sơ, mộc mạc mà chân thành trong những cánh thiệp đầu xuân đã mang đến nhiều niềm vui và ý nghĩa cho cuộc sống.
    Tấm thiệp đầu xuân 1972 đối với tôi là một kỷ niệm đẹp thuở còn đi học. Tôi sẽ giữ mãi vì đó là một trong những niềm vui nhất của tuổi học trò…