Lái Thiêu - nhớ nhớ quên quên
 
Lưu Thanh Bình
 
1.
Người ta thường nói: “kẻ đi xa hay nhớ về quê cũ, người già hay sống với những hồi ức”. Như tôi đây, tuổi tác thì chưa thể gọi là già vì mới có 58 cái xuân xanh; lại cũng chưa hề xa xứ lâu, cuộc sống từ nhỏ đến lớn chưa ra khỏi lưu vực sông Sài Gòn, từ học hành đến làm việc hay vui chơi giải trí đều quanh quẩn hai bờ tả hữu. Nên viết về quê hương Lái Thiêu cũng giống như người mù sờ voi, nhưng trộm nghĩ đời người là hữu hạn, những gì ta thấy, cảm nhận hôm nay thì ngày mai đã trở thành ký ức, huống chi Lái Thiêu của ngày hôm nay đã khác Lái Thiêu xưa khá nhiều; nếu không ghi chép lại thì những ký ức ấy sẽ bị bụi thời gian phủ mờ nhanh chóng, vài mươi năm sau có còn ai biết đến, ấy là một thiệt thòi đáng tiếc cho lớp hậu sinh , hay là một lỗi lầm đáng trách của người biết đọc biết viết đối với quê hương đất nước chăng? Nên mạn phép ghi chép ra đây những gì còn nhớ được về Lái Thiêu của tôi thời thơ ấu; trước để ôn cố tri tân, sau gọi là “mua vui cũng được một vài trống canh”. Đầu năm đầu tháng, nói chuyện vui lấy hên, nên nếu kể chuyện xưa lan man không đầu không đuôi hay có hơi cường điệu mong các bạn bỏ quá cho,  xin cám ơn trước. Thật hân hạnh nếu được quý đồng hương xa gần đóng góp, nối dài thêm những kỷ niệm hoài hương như chút tình uống nước nhớ nguồn.
Đầu tiên, xin nói về con sông chợ, con sông có hình dạng cong cong chạy từ đầu vàm vô tuốt trong Phú Hội rồi trổ ra cầu Vĩnh Bình, con sông gắn liền với bao kỷ niệm thời thơ ấu của nhiều thế hệ người Lái Thiêu. Thật tức cười khi những mái đầu bạc ngồi uống cà phê kho trong tiệm nước Hưởng Ký, Vạn Lâm nhắc lại chuyện xưa, thuở ở truồng leo lên lan can cầu Đúc quơ tay múa chưn rồi nhảy tùm xuống sông, càng văng lên nhiều nước càng tốt. Khi chán tắm lên bờ tìm quần áo, dép guốc thì … không còn. Con sông này một thời nổi tiếng lắm tôm nhiều cá, nhiều ghe chài thả lưới ngay khúc sông chợ rồi lên bờ cân cá tươi rói cho bạn hàng tại chỗ khỏi đi đâu xa. Thuở nhỏ, cái nhà sàn chợ cá bằng xi măng đúc là nơi tôi thường xuyên thả cần câu khi con nước chớm lớn. Ví thử nếu tôi nói là hồi xưa, con cá lòng tong ở bến tắm ngựa hoặc chợ cá Lái Thiêu dài cả gang tay thì nhiều người sẽ cho là tôi nói xạo, hay cống chợ có  trăn, rái cá…thì lại càng không tin. Cây dầu cổ thụ cạnh nhà làng Tân Thới có thể minh oan cho tôi thì nay cũng không còn.  
Trước kia, khi chọn đất lập chợ, người xưa thường chọn vùng bến bãi ven sông cho thuận tiện vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy, như Lái Thiêu là hàng gốm sứ, lu hủ khạp xuất về Lục Tỉnh và gạo thóc, cá mắm chở ngược lên. Đến lúc cần phát triển thì con sông vô tình lại trở thành vật cản trở khiến thị trấn khó mở rộng. Nếu nói về quy mô thì chợ Lái Thiêu bây giờ không lớn hơn các chợ vệ tinh như Bình Hòa, Thuận Giao, Bình Chuẩn hay An Phú là những chợ tân lập sau này rất nhộn nhịp sung túc, do lượng công nhân từ các nơi đổ dồn về tạo ra nhu cầu, nhiều ngành nghề ăn theo (nhà trọ, hàng quán), dân địa phương cũng hưởng lợi là giá đất tăng cao. Thời trước đất gò miệt An Phú, Thuận Giao chỉ sống được nhờ sáu tháng mùa mưa, đến kỳ nắng hạn cuốc đất tưng tay, giếng sâu thả không nhìn thấy gàu, khoai mì muốn nhổ phải tưới đẩm nước; bò gầy ốm giơ xương đếm đủ mấy cọng xương sườn, phải lùa ra Bình Nhâm, An Sơn gặm cỏ. Lần hồi kinh tế phát triển, mạng lưới giao thông mở rộng khiến ngã tư An Phú giờ trở thành khu đất vàng, nhà xưởng phố xá liền kề kéo dài hàng chục cây số. Khi trước, đất Bình Nhâm là đất thuộc loại thượng đẳng điền, một thước đất Bình Nhâm đổi ba thước đất An Phú, giờ ngược lại.  
     Cuối những năm 50, đầu những năm 60 của thế kỷ trước, thị trấn Lái Thiêu với vài ngàn dân hãy còn là một chợ quận êm đềm như những ngôi phố chợ khác ở miền Nam: nhỏ nhắn, sạch sẽ, ngăn nắp. Hàng hóa được chia ra từng khu vực: ở giữa là nhà lồng dành cho bán vải vóc, giày dép, tạp hóa, phía cuối là dãy sạp bán thịt với những móc sắt và mấy tấm thớt bự lõm sâu ở giữa, hai bên hông là hai dãy phố bán đủ thứ mặt hàng, đa số do người Hoa làm chủ, còn dọc dài theo con đường Châu Văn Tiếp ven sông là khu bán cá, rau cải, hàng bông. Mặt tiền chợ Lái Thiêu hướng lên phía bắc, đối diện với nhà làng Tân Thới, ở giữa là quảng trường rộng lớn một phần làm bến xe ngựa xe lam; về sau có thêm mấy kiến trúc như nhà đèn, phòng thông tin, chợ thiếc Tân Tây Lan, nhà thương Đại Hàn - do bác sĩ quân y Hàn Quốc khám bịnh phát thuốc miễn phí cho dân chúng mà ế ẩm quá phải phát kem, kẹo cho con nít bu lại; nhiều nhứt là nhổ răng, xức cồn , thuốc tím trị ghẻ chốc lở đầu và chân tay. Đầu chợ có cái giếng nước công cộng, nước trong vắt không hề bị nhiễm phèn, nhiều người sống nhờ cái giếng này : nghề gánh nước mướn; trong khi bên kia sông chỉ cách vài chục thước, dù giếng đóng sâu bốn năm chục thước vẫn bị hôi phèn. Một phần có lẽ do cấu tạo địa lý của vùng đất nơi đây: bên kia sông chợ là vùng đất thấp sình lầy, phù sa bồi tụ của sông Sài Gòn qua hàng bao thế kỷ; còn từ bờ hữu cao dần lên phía bắc là những gò đồi thoai thoải về hướng truông Nhà Đỏ. Đất ở đây là đất đỏ nham thạch chứ không phải đất phù sa cổ cát pha sét như thường thấy ở Đông Nam Bộ. Biết đâu triệu năm trước, biển tiếp giáp đất liền nơi đây chăng ?


Sông Chợ Lái Thiêu hồi đầu thế kỷ 20
(Ảnh www.sugia.vn)


Bến sông chợ, nơi ghe thuyền Lục Tỉnh chở gạo thóc cá mắm lên
và chở lu hũ khạp về xuôi. Xa xa là chùa Bà Thiên Hậu
của người Hoa.

     Chợ Lái Thiêu còn một khu vực buôn bán nữa gọi là Chợ Mới, cách chợ cũ vài dãy phố về hướng đông. Chợ Mới là chợ kiến thiết lại sau khi bị Việt Minh đốt (chính sách vườn không nhà trống, chống Pháp tái chiếm năm 1945) không có nhà lồng nhưng có những dãy kiosque  khang trang hướng ra bốn phía. Chợ này chuyên bán trái cây và đồ ăn đồ uống, có những món ngon nổi tiếng như bánh ướt & bánh tôm khô, cháo lòng & giò chá quảy, bánh canh giò heo, bì bún, bún chả giò, miến vịt, bánh canh ngọt, chí mà phù (chè mè đen),  nhứt là tiệm phở Bắc lâu đời mà Hoàng Anh cho là một trong những tiệm xưa nhứt Lái Thiêu, nay không biết chủ nhân dời về đâu. Thuở nhỏ tôi có nhiều kỷ niệm không vui với cái chợ này: má dặn mua tương hột thì tôi mua tương ngọt, dặn mua tương ngọt thì tôi mua tương … hột. Nếu ai có hỏi đi làm ăn xa quê, nhớ Lái Thiêu nhứt là về cái gì thì tôi sẵn sàng trả lời ngay: tôi nhớ tô mì chỉ ba vắt của Chị Ui (Xem bài “Người Hoa ở Lái Thiêu” của Lưu Thanh Bình trên trang nhà THĐ) và nhớ ly đậu đỏ bánh lọt của chú Chín đầu chợ. Sau này nhớ thêm ly chè bà ba nổi tiếng. Quán chè bài trí đơn sơ chỉ là những chiếc bàn thấp lè tè và mớ ghế đẩu ngắn ngủn nhưng không bao giờ vắng, khách ăn đa số là những tà áo dài trắng đeo phù hiệu Phan Văn Hùm, Trịnh Hoài Đức, ngồi e ấp với chiếc cặp xếp gọn trong lòng và chiếc nón lá bên cạnh, thỉnh thoảng có thêm mấy vạt áo nâu Nông Lâm Súc duyên dáng. Lái Thiêu còn hai món ăn độc đáo nữa là bánh đúc chiên hột vịt và đậu phọng rang muối có vị mẳn mẳn và thơm mùi tỏi khét (bớp bớp xôi ?) của ông Tàu già với cái thùng thiếc đeo trước ngực, không có chỗ bán cố định mà đi bán dạo, khi có khách mua thì ông múc từng chung nhỏ cho vào gói giấy xếp hình cái phễu. Ngon đến nỗi muốn nhai luôn giấy. Ông chết rồi là tuyệt nghệ, không có truyền nhân. Lái Thiêu có nhiều món ngon, một phần nhờ đa số cư dân người Tàu sinh sống ở chợ. Một nhận xét chung là dân Lái Thiêu kén ăn, nếu nấu dở đừng hòng bán được ở xứ này. Có lẽ đây là ưu điểm mà cũng là nhược điểm của dân Lái Thiêu nói riêng, dân Nam Bộ nói chung. Chuyện xưa, trong một lần đàm đạo cùng vua Minh Mạng, Tổng Trấn Gia Định Thành là Nguyễn Văn Nhân có chê dân xứ ấy (Gia Định) “ngày thường không biết tích trữ” (Đại Nam Liệt Truyện). Món ngon truyền thống ở Lái Thiêu ngoài nem Ngã Năm nổi tiếng còn có kẹo hột điều, lò kẹo ở gần trường cô Tám Diệp - cô giáo lớp đồng ấu của chị em tôi và nhiều bạn đồng trang lứa, trong số có Huỳnh Hữu Thế, CHS khóa 13 - và bánh tráng Đông Nhì. Hàng năm gần Tết, má tôi lo đặt trước ba món này để kịp đóng gói gởi về làm quà Tết cho bà con thân tộc ở Sài Gòn.

2.

     Mùa mưa chấm dứt khi buổi sáng có gió hanh se lạnh thổi về, lá khô rơi xào xạc trước sân, bầu trời xanh cao hơn và ngày ngắn dần đi. Trung Thu đã qua và mùa Noel sắp đến. Cũng là lúc trẻ con được may sắm thêm quần áo mới, vì chúng hay ăn chóng lớn, hay nói theo giọng Lái Thiêu là “ nhổ giò” mau quá. Tuổi trẻ vô tư, chỉ mong cho Tết mau tới, có tấm áo mới mặc đem khoe chúng bạn, nào biết đến nổi cực khổ lo toan mưu sinh của các đấng sinh thành, đôi khi còn giận hờn áo xấu áo tốt. Giờ lớn lên mới biết áo mới, dù vải ba tít hay vải ú in bông nhúng nước lấm lem, nhưng là tấm lòng cha mẹ thương con, áo ấy đọng lại biết bao mồ hôi nước mắt trong lò lu, lò khạp miệt Đông Tư, Đông Nhì hay gánh hàng bông Sở Cải, Bạch Đằng.  Ngày Tết, hãnh diện nhìn con xúng xính trong bộ đồ mới, gọi lại vuốt phẳng phiu vạt áo, dúi cho đồng bạc cắc 50 xu trước khi cho theo chúng bạn ra rạp hát, ra đình hoặc theo đoàn lân; tấm lòng người làm cha làm mẹ lấy làm mãn nguyện lắm rồi.  
           Chợ Tết  nhóm chánh vào các ngày 28 hoặc 29 âm lịch, đó là chợ tết của nhà giàu. Thịt cá, rau trái tươi ngon đầy ắp. Còn chợ 30 là chợ của nhà nghèo, công nhân lao động và dân nhập cư xa quê. Giá giảm nhiều, có khi chỉ còn phân nửa hay một phần ba giá hôm trước, người ta xả hàng bán xổ bán lỗ để thu vốn về. Thê thảm nhứt là chợ hoa. Mới buổi sáng Lan, Huệ, Hồng, Cúc còn đua nhau khoe sắc khoe hương, vài tiếng sau nằm lăn lóc hoặc vùi trong đống rác thải đủ loại. Chợ Lái Thiêu xưa, ngày cuối năm chỉ bán một buổi. Trưa 30, tiếng trống cù và tiếng pháo nổ ì đùng làm bọn con nít nôn nao muốn bỏ cơm; nhiều nhà đã sắp sẵn mâm cỗ, hương thơm nhang khói lan tỏa ra ngoài đường càng khiến khách bộ hành thêm rảo bước, người buôn bán cũng thu dọn sạp hàng về cúng lễ rước ông bà về ăn Tết với con cháu. Tục lệ này cùng với lễ giỗ kỵ và tảo mộ ngày 25 tháng chạp là ba lễ chánh của đạo thờ cúng ông bà của đa số người Việt. Cuộc tranh cãi của giám mục Bá Đa Lộc với chúa Nguyễn Ánh về ý nghĩa của mâm cỗ ngày cuối năm cho ta thấy bề dày truyền thống của tục lệ này : “ … ngày Cảnh không lạy ông bà, Nguyễn Ánh đã tìm gặp Pigneau để phàn nàn sao Thiên Chúa giáo dạy tín đồ quên ông bà… Pigneau cãi rằng vì lối thờ cúng đó ngược với sự thực nên không được đạo ông công nhận là lẽ đương nhiên… Pigneau gọi lễ rước ông bà cuối năm là dị đoan … Nguyễn Ánh cho rằng không thể bỏ được vì sợ gây loạn. Ông nói: “Tôi đã cấm phù thủy, thiên văn; tôi đã coi đạo Thần tượng (đạo Phật- LTB) là xấu và sai, nhưng tôi phải giữ đạo thờ ông bà như tôi đã trình bày, vì theo tôi đó là một trong những căn bản giáo dục của xứ tôi”. (Tạ Chí Đại Trường, Lịch sử nội chiến ở Việt Nam 1771-1802,NXB Tri Thức 2012, Tr. 268, 269).
     Chiều 30, sau khi xe rác hốt dọn xong có xe tẹc kéo vòi phun nước rửa sạch lòng đường, chợ Lái Thiêu vắng như cái … chợ chiều. Rước ông bà xong rồi, mọi nhà lo chuẩn bị hoa trái cúng giao thừa, thời khắc đất trời giao hội. Đa số mâm quả người miền Nam đều là mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài. Cầu vừa đủ xài ! Có nơi thêm sung và thơm. Kỵ chuối vì sợ sang năm chúi nhủi. Còn hoa thì hầu hết là những đóa vạn thọ vàng rực và những nhánh phát tài xanh biếc. Quả thật giây phút giao thừa thiêng liêng ấy mà không có tiếng pháo nổ nghe sao … vô duyên quá, dù tôi thuộc phe ủng hộ cấm đốt pháo. Thực ra bản thân viên pháo không có tội, tai nạn là do ý thức con người gây ra mà thôi. Mong một ngày dân trí cao, nâng ý thức lên cao theo và tiếng pháo lại trở về với ngày vui dân tộc. Nghe nói ngày trước có tập tục không đòi nợ ngày 30 để con nợ trở về nhà cúng ông bà, tôi nghĩ đó là một mỹ tục, nhưng bây giờ tục lệ này không còn nữa, mùng 1 cũng đòi sút quần không tha.
     Ngày xưa Lái Thiêu ít có tụ điểm vui chơi như bây giờ. Sân rạp hát thường là nơi tụ tập của bọn trẻ. Ở đó có bán mía ghim, đậu phọng, nước đá bào xi rô, me cóc ổi ngâm đường và mấy chiếc xe đẩy bán bánh kẹo ... Ngày Tết có thêm mấy sòng Bầu Cua Cá Cọp (nhưng không có cọp, mà có nai ?). Rạp Tân Lạc bên chợ Mới chuyên chiếu phim Ấn Độ, anh hùng cưỡi ngựa rượt đuổi kẻ cướp cứu mỹ nhân hoặc phim cao bồi Zoro đeo mặt nạ đánh kiếm chẻng chẻng trên nóc xe lửa. Rạp Phương Lạc bên chợ Cũ lớn hơn, ngoài chiếu phim còn có hát cải lương, cũng là nơi phát thưởng cuối năm của trường tiểu học Tân Thới và biểu diễn văn nghệ học đường. Bây giờ rạp Tân Lạc biến thành nhà thờ công giáo, còn rạp Phương Lạc là nhà sách Fahasa kiêm siêu thị mini. Hồ bơi, sân banh và rạp hát là ba công trình phúc lợi công cộng đã biến mất ở Lái Thiêu ngày nay.
     Ngày đầu năm, nhà tôi thường tiếp đón một đoàn khách rất đặc biệt: những người bạn của ba tôi. Họ tập trung tại nhà người anh cả trong nhóm là ông Năm Trầm, một thân hào nhân sĩ có tiếng tăm nhờ nhân cách tốt và quảng giao chứ không phải là người dư dả có của ăn của để. Bạn bè của ba tôi gồm nhiều vị mà tôi vừa kính vừa sợ, chỉ dám khoanh tay cúi đầu chớ không dám nhìn, như ông Hai Kỳ (thân phụ của hai chị Lâm Thúy Nga và Lâm Thúy Vân) , ông Tám Mầy (cha kế của anh Lê Việt Dũng), ông Đức Khánh (cha bạn Khánh Hòa), ông Năm Xướng (cha bạn Nhiều), ông Sáu Sơn, ông Ba Đực (cha chị Lê Thị Bạch), ông Bảy Huê, ông Cả Kiết, ông Tư Trai, ông Hai Tôn… và nhiều vị nữa mà mình không nhớ hết. Người viết xin lỗi vì đã mạo muội nhắc trực tiếp tên các bậc trưởng thượng đáng kính nay đa số đã ra người thiên cổ, chỉ vì muốn minh họa người thật việc thật cho bài viết.  
     Phái đoàn lần lượt đi chúc Tết từng nhà theo lộ trình từ xa tới gần, mỗi nơi nhấp chút rượu, thưởng thức chút hương vị món ăn ba ngày Tết, rồi tất cả cùng đứng lên chúc Tết gia chủ trong không khí đầm ấm và niềm hân hoan chung. Mỗi nhà chỉ xẹt qua khoảng 15, 20 phút vậy mà khởi hành từ xế chiều cho đến tối mịt mới xong. Nhà tôi nằm ở cuối lộ trình, gần đến lượt thì ba tôi thường tách đoàn về sớm để chuẩn bị đón tiếp. Má tôi là tổng chỉ huy nên cũng là người cực nhứt, từ nấu nướng tới sắp dọn nhưng khi thấy mọi việc đã tươm tất ổn định, khách đã an vị là bà lại biến mất, chỉ khi ba tôi gọi vói vào trong thì bà mới ra, cùng đứng cạnh ba tôi để nghe lời chúc Tết của quý thân hữu và đáp lời cảm tạ. Đúng là tề gia nội trợ (Xin mấy chị B5 đừng giận, ý tôi không phải nói giờ mấy chị chảnh đâu nha ! – LTB ). Tôi còn nhớ lời của Bác Hai Kỳ, khen món canh khổ qua của má tôi nấu ngon hết sẩy, làm năm nào má tôi cũng chăm chút món này. Ngẫm lại thật đáng ngưỡng mộ tục lệ ăn Tết của người xưa: giản dị, đầm ấm mà thân mật; không ồn ào, say sưa quá trớn, dễ sinh hiềm khích vì lỡ lời, làm mất đi tình bạn thâm giao.

3.

     Lái Thiêu là xứ sở thuộc Hai Huyện. Năm 1698, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vâng lịnh chúa Nguyễn vào nam kinh lược, thiết lập nền hành chánh buổi đầu trên vùng đất mới để xác định chủ quyền, Lái Thiêu thuộc tổng Bình An, huyện Phước Long, dinh Trấn Biên; đa số là lưu dân có gốc gác từ miệt Ngũ Quảng, như làng Tuy An (sau gọi An Phú Xã) là lấy theo tên gọi quê gốc ở miệt ngoải. Người Lái Thiêu chính gốc nói Lái Thiêu thành “Lái Khiêu”, thiệt tình thành “khiệt tình”; con lân gọi con cù, đi Sài Gòn gọi là “đi xuống” chứ không gọi “đi lên”; gọi “sông Cái” chứ không gọi sông Sài Gòn, gọi “Ba Thôn” chứ không gọi Thạnh Lộc. Những năm chiến tranh, Lái Thiêu lại trở thành nơi tạm cư cho dân nạn nhân chiến cuộc ở Nhị Bình, Phú Hội, Tuy An hay xa hơn như Bến Súc về lánh nạn (bài vị thành hoàng đình Phú Hội phối thờ chung trong đình làng Tân Thới). Người mới người cũ ở lẫn lộn đông đúc chen vui không hề có nạn kỳ thị phân biệt. Trong chiến tranh mà kinh tế - xã hội lại phát triển nhanh chóng; mười năm 65-75 là mười năm Lái Thiêu thay da đổi thịt, đường rộng hơn, phố cao hơn, hàng hóa dồi dào hơn; các công trình phúc lợi như nhà thương, trường học mọc nhiều hơn; các phương tiện giao thông cá nhân và công cộng cũng thay đổi nhiều hơn.
     Đất nước sản sinh ra con người, đất ấy nước ấy sinh ra con người ấy … Lái Thiêu không phải vùng đất địa linh nhân kiệt nhưng là nơi đất lành chim đậu, đất cũ bao dung đãi ngộ người mới; dân tình hiền hòa chơn thật với tấm lòng tôn sư trọng đạo.  Ngoài phố, học sinh thấy thầy cô từ xa là đã lo chạy lại khoanh tay cúi đầu; thanh niên chỉ mặc áo phạch ngực không cài cúc là đã bị cho là lưu manh cao bồi rồi, rất hiếm kẻ xâm mình; hướng đạo sinh ngả nón khi có đám tang ngang qua, trong rạp hát không có cảnh bật ngửa người gác chân lên thành ghế trước, mọi người tự động tắt thuốc đứng lên khi chào quốc kỳ; sân banh ít có tiếng chửi thề; trẻ con vô lớp một đã được dạy cách băng qua đường … Đất ấy đã từng lưu dấu những danh nhân văn võ nổi tiếng một thời như Phan Văn Hùm, Nguyễn Bình; sau này là Phú Đức, Bình Nguyên Lộc … ; gần hơn nữa là Ngụy Văn Thà, Lý Lan … Một minh chứng nữa cho sự chung sống hòa hợp giữa các thành phần tầng lớp cư dân Lái Thiêu là khu phố Bình Đức, nơi có hai cộng đồng người Hoa làm nghề gốm sứ và người Việt theo đạo Công Giáo sống chung đụng đan xen mà không hề có xô xát, kỳ thị mặc dù có khác biệt về phong tục tập quán, văn hóa cũng như tôn giáo.

Nhà thờ Lái Thiêu, một trong những ngôi giáo đường sớm nhứt miền Nam,
do cha sở  Henry Azéma xây dựng năm 1894,
cũng là người đã thành lập Viện Câm Điếc còn tồn tại đến ngày nay. (ảnh www.sugia.vn)


     Lái Thiêu nay phát triển mở rộng về hướng Đông, nơi có cuộc đất địa lý quá tốt, với đủ  tả Thanh Long (Đông Nhì) hữu Bạch Hổ (Gò Cát), thêm Minh đường thoáng đãng là cánh đồng Gò Chai rộng rãi tràn đầy ánh sáng, phía trước có long mạch là con suối chảy xuôi từ trái sang phải (không chảy nghịch như sông Hương) đổ vào Minh đường rồi thoát ra ở thủy khẩu tiêu thủy là cầu Ông Bố. Chỉ tiếc con suối nay đã tắc mạch (giống như Piscine mạch Chà của ông Lâm Lễ Trinh cũng đã bị san lấp để làm bệnh viện), giờ nó chỉ còn chức năng tiêu thoát nước thải cho khu công nghiệp gần đó chứ không còn làm nhiệm vụ cung cấp nước cho cây trồng nữa. Gò Chai là nơi quần ngựa đua của ông nội tôi (thầy cai Tổng), nay là địa điểm xây dựng một khu dân cư mới, còn miếu Thần Nông với cây đa cổ thụ trên trăm tuổi thuộc ấp Đông Ba nay nằm lọt thỏm giữa những khu phố dân sinh đông đúc, đa số là công nhân ngụ cư từ miền Bắc vào. Hoành tráng nhứt là Bệnh Viện Đa Khoa Quốc Tế Miền Đông, tọa lạc ngay vị trí xưa là nghĩa địa Gò Cát cạnh cầu Ông Bố và một phần của trường trung học Phan Văn Hùm. Nhiều người cứ tiếc cái sân banh Ấp Trưởng không còn, nhưng riêng tôi lại mừng vì nay nó trở thành khuôn viên rộng lớn của một trường tiểu học nội trú đẹp đẽ, còn hơn để nó biến thành vũ trường, sờ-nách-ba hay chịu cảnh hoang tàn như cái đồi hoa sim của Piscine Bạch Đằng.  
     Sự phồn vinh của Lái Thiêu do công nghiệp hóa đem lại là điều không phải bàn cãi, vì một nghề phát triển thường lôi kéo theo hàng chục nghề ăn theo tạo ra công ăn việc làm cho hàng ngàn người. Tuy nhiên, kinh tế Lái Thiêu đi lên không phải tất cả bằng sự phát triển nội lực: nhà xưởng mọc lên do vốn đầu tư nước ngoài bị hấp dẫn bởi giá nhân công rẻ mạt, còn người lao động đa số từ miền ngoài chuyển vào sinh sống với hy vọng đổi đời, thoát khỏi cuộc sống bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Doanh nghiệp nước ngoài chủ lực , đem lại nguồn thu thuế lớn cho địa phương là Đài Loan, Đại Hàn, Hồng Kông, Trung Quốc … là những doanh nghiệp có hàm lượng chất xám trong sản phẩm không cao; phần lớn những mặt hàng gia công cho nước thứ ba như giày da, đồ gỗ, hàng may mặc chỉ là hoàn tất các công đoạn xử lý thô bằng lao động cơ bắp con người, nhưng có ưu điểm là thu hút một lượng lớn lao động phổ thông, điều mà các doanh nghiệp phương Tây như hãng sữa Foremost - Hà Lan không cần. Khủng hoảng kinh tế thế giới lan sang, các khu công nghiệp bộc lộ ngay tính không bền vững của nó: nhà máy đóng cửa tạm ngưng sản xuất, công nhân thất nghiệp hàng loạt trong lúc Tết Quý Tỵ đang lảng vảng trước mắt.
     Người đi xa trở về, nhìn con sông Chợ nước chảy êm đềm gợi nhớ trò vui thả vịt phóng sinh ngày rằm tháng bảy, nhớ bè chuối tống ôn lễ Kỳ Yên trên có cái thủ vĩ lợn (chưa ra khỏi đầu vàm đã bị lính quận kéo vô ních hết trong khi đúng ra là của trẻ chăn trâu con cháu Thần Nông), nhớ những đêm vui cộ Trung Thu, cộ Bà mặt nước lung linh sắc màu nhờ con nước lớn ngày rằm. Dãy phố lầu bờ sông nay không còn nữa, nơi bar Mỹ Lan xưa giờ là công viên thoáng mát rộng rãi, vỉa hè ven sông dành cho người tập thể dục đi bộ sáng sớm và chiều tối. Thời cuộc thay đổi, giờ nhắc Nhà Ga, Đầu Truông, Mạch Chà, Bến Tắm Ngựa, Chợ Cá, Nhà Làng, tiệm mì Chú Hớ … còn có mấy ai biết; hay như Xóm Xe Bò giờ chẳng thấy có con bò nào hoặc Vườn Nhãn không còn một gốc nhãn làm thuốc. Người tại chỗ còn quên, huống gì kẻ đi xa vạn dặm tìm về hình bóng cũ với những hoài niệm êm đềm một thời đã qua. Con chim Việt chọn đậu cành Nam vì nhớ nắng ấm, con ngựa Hồ hí vang khi gió Bấc thổi về … Như có lúc đi làm ăn xa tận miệt Tây Ninh, nhìn hình ảnh chiếc Cầu Quan giữa lòng thị xã, tôi chạnh nhớ đến cầu Ông Bố, cầu Bà Hai, cầu Cây Trâm với kiến trúc y hệt; hay những năm đi làm gỗ ở Đường 10 (sóc Bom Bo), gặp dân Lái Thiêu là sán lại hỏi thăm nhà cửa, người quen tới nơi tới chốn. Mới hay quê hương nằm trong máu thịt, chỉ một chút nhắc nhớ là kỷ niệm ùa về, nhất là với những người lớn tuổi xa quê …
(12- 2012)