Chùa Bà Bình
Dương
Hoàng Anh
Trên khắp đất nước ta
có vô vàn những ngôi đền thờ Bà,
cách gọi tôn kính các vị nữ Thần, dù
là có gốc gác người Việt, Chăm, hay Hoa…
Riêng ở Bình Dương, chùa Bà, là
cách gọi nơi thờ Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu, vị
nữ thần của người Trung Hoa. Dù có sự nhầm lẫn khi gọi
“miếu” hay “cung” là “chùa”, nhưng cách nói
này đã thành thói quen trong dân
chúng địa phương từ ngày xửa ngày xưa. Trong
bài viết này, chúng tôi cũng gọi là
“chùa Bà”, đơn giản theo như số đông mà
không ngại người đọc ở Bình Dương có ai đó
hiểu lầm. Có một đặc điểm đáng chú ý nữa
là, ở những nơi thờ Bà có nguồn gốc từ các
vị nữ thần của người Việt hay Chăm, dân chúng đều gọi
là miễu hay miếu, mà không gọi là
chùa, như trường hợp trên.
Khắp thế giới có khoảng 5000 ngôi đền
thờ Bà Thiên Hậu ở trên 20 quốc gia, nhiều nhất
là vùng châu Á. Tại Việt Nam, từ Bắc tới Nam
ở nơi nào hễ có người Hoa sinh sống thì cũng
có nhiều đền miếu như vậy. Tập trung nhiều nhất là
vùng Sài Gòn, Chợ Lớn và Bình Dương.
Điều đáng nói là dù
những người viết sinh sống tại Bình Dương nhưng trong một số
bài đăng báo hoặc các công trình
chuyên khảo đồ sộ, số lượng đền thờ Bà mà
các tác giả đưa ra lại không thống nhất với nhau
như:
“Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu ở Bình Dương được
thờ trong bốn ngôi chùa ở Bưng Cầu, Lái
Thiêu, Búng và ở Thủ Dầu Một là lớn nhất”
(Địa Chí Bình Dương, nxb. Chính Trị Quốc Gia,
2010, tr.107)
Chùa Bà Bưng Cầu
Trong một tài liệu khác:
“Tại BD, ngoài ngôi chùa
Bà tại TX. TDM nói trên, còn có
không dưới 5 nơi thờ Bà như: 1/ Chùa Bưng Cầu,
xây dựng năm 1887 ở cạnh đình Bưng Cầu, năm 1967 dời về ấp
3, xã Tương Bình Hiệp, 2/ Thiên Hậu Cung ở khu phố
Thạnh Hòa, thị trấn An Thạnh, huyện Thuận An xây dựng năm
1879, 3/ Thiên Hậu Mẫu ở đường Châu Văn Tiếp, thị trấn
Lái Thiêu, 4/ Thiên Hậu Miếu ở khu phố 3, Dầu Tiếng
xây dựng năm 1937”. (Nguyễn Hiếu Học, Dấu Xưa Đất Thủ, 2009,
tr.127-128)
Trong 5 ngôi mà tác giả kể ra,
chỉ có 4, liệt kê vẫn còn thiếu 1.
Một quyển sách được biên soạn
khá công phu khác, nhưng về số lượng chùa
Bà, lại ghi rất bất nhất (Huỳnh Ngọc Đáng chủ biên,
Người Hoa ở Bình Dương, nxb. Chính Trị Quốc Gia-Sự Thật,
2012):
-Trang 180, ghi ở Bình Dương có 6
ngôi chùa thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu.
-Trang 311, lại ghi có 7 ngôi, ở Thuận
An có 2 ngôi (1 ở Lái Thiêu, 1 ở gần chợ
Búng), có nêu ra thêm ngôi chùa
mới lập ở Tân Phước Khánh.
-Tại trang 490, ghi có 7 ngôi, liệt
kê ở huyện Thuận An có 3 ngôi, (2 ở chợ Lái
Thiêu và 1 ở gần chợ Búng, An Thạnh) như vậy
là ở Lái Thiêu có thêm 1 ngôi
nhưng bỏ sót không kể đến ngôi chùa ở
Tân Phước Khánh, Tân Uyên. Như vậy nếu đầy đủ
thì phải là 8 ngôi.
Theo sự tìm hiểu riêng của chúng
tôi, có thể liệt kê các ngôi
chùa Bà ở BD như sau:
-Tại thị xã TDM có 3 ngôi: một,
nằm ở phường Chánh Nghĩa là ngôi xưa nhất; hai, nằm
ở phường Phú Cường, đường Nguyễn Du; ba, nằm ở gần chợ Bưng Cầu,
nay thuộc phường Hiệp An, nơi đây cũng có tổ chức lễ rước
Cộ Bà vào buổi sáng ngày rằm tháng
giêng.
-Huyện Thuận An có 2 ngôi: một, ở chợ
Búng, xã An Thạnh; hai, ở chợ Lái Thiêu,
trên đường Châu Văn Tiếp. Tại Lái Thiêu
còn một ngôi miếu thờ bà Thiên Hậu, được cho
là ngôi miếu xây dựng đầu tiên ở vùng
đất này, nay nằm trong đất tư nhân, thuộc khu phố Long
Thới, người ngoài không vào nhang khói được,
do đó chúng tôi không tính đến.
-Huyện Dầu Tiếng có một ngôi, tổ chức
lễ rước cộ vào ngày 11 tháng giêng.
-Tại Tân Phước Khánh, huyện Tân
Uyên, vào năm 2006, người Hoa Phước Kiến và
Sùng Chính có xây dựng thêm một
ngôi Thiên Hậu Cung bên cạnh chùa Ông.
Như vậy, tính cho đến nay, trên
toàn tỉnh có tổng cộng 7 ngôi miếu thờ Bà.
Ngoài ra, một ngôi chùa nữa đã làm lễ
động thổ vào ngày mùng 8 năm Tân Mão
(2011) tại thành phố mới Bình Dương. Hiện đang trong tiến
trình xây dựng và dự kiến hoàn thành
vào đầu năm 2013. Chùa nằm trên một diện
tích khoảng 4.000 mét vuông, dự trù kinh
phí lên đến 30 tỉ đồng. Khi hoàn thành, với
cả ngàn mét vuông xây dựng, đây
có lẽ là ngôi chùa Bà rộng lớn nhất
trong tỉnh.
Đến đây, xin nói kỹ hơn về hai
ngôi chùa Bà ở trung tâm thị xã.
Đã có vài tác giả nói về chuyện
này, và lại cũng vẫn có nhiều điểm sai biệt với
nhau, cần viết lại cho rõ hơn.
1. Chùa Bà Chánh Nghĩa:
“Miếu Thiên Hậu ở thị xã Thủ Dầu Một,
tỉnh Bình Dương, được thành lập vào giữa thế kỷ
XIX, nằm trên bờ rạch Hương Chủ Miếu. Năm 1880, người Hoa xin
phép xây thêm nhà túc. Đầu thế kỷ XX
(1923), miếu được di dời về vị trí hiện nay (nằm cạnh trường
Phú Cường 2, đường Nguyễn Du). Dân gian vẫn quen gọi
là chùa Bà Thủ Dầu Một.” (Nguyễn Thị Lan, Miếu
Thiên Hậu (chùa Bà), Một tín ngưỡng
dân gian của cộng đồng người Hoa ở Bình Dương, tập san
Khoa Học Lịch Sử Bình Dương số 4, 2005, tr. 26 )
Tài liệu khác:
“Theo truyền thuyết, chùa Bà
Bình Dương còn có tên gọi là
dân gian là Miễu A Phó, được xây dựng từ thế
kỷ XIX nay thuộc xã Chánh Nghĩa, thị xã Thủ Dầu
Một. Đến năm 1923, chùa được xây dựng với quy mô lớn
trên vị trí hiện nay (đường Nguyễn Du, trung tâm thị
xã) (Địa Chí Bình Dương, nxb. Chính Trị
Quốc Gia 2010, tr.248)
Một tác giả nữa:
“Chùa Bà đầu tiên nằm ở vị
trí bên bờ rạch Hương Chủ Hiếu. Có lẽ xây
dựng vào giữa thế kỷ XIX. Năm 1880, những người Hoa có
xin phép chính quyền huyện Bình An xây dựng
thêm phần nhà túc, tức chùa hậu ở
phía sau. Đến năm 1925, thì chùa được dời về vị
trí hiện nay.” (Huỳnh Ngọc Đáng, Phú Cường, Lịch
sử -Văn Hóa và truyền thống cách mạng, 1990, tr.
46)
Một tài liệu khác cung cấp thông
tin như sau:
“Miếu Bà Thiên Hậu được người Hoa
Phúc Kiến xây dựng vào năm 1867 bên bờ rạch
Hương chủ Hiếu ở Phú Cường, gần chợ Thủ Dầu Một. Năm 1871, miếu
được tôn tạo, cất thêm 3 gian nhà bếp ở bên
phải. Đến năm 1880, chính quyền địa phương cho phép cất
thêm dãy nhà bếp bên trái. Năm 1945,
cơ sở này bị phá hủy trong chiến tranh, sau đó
người Hoa di đời tượng Bà và đồ thờ tự về Thiên Hậu
cung tại Phú Cường.” (Huỳnh Ngọc Đáng chủ biên,
Người Hoa ở Bình Dương, nxb. Chính Trị Quốc Gia-Sự Thật,
2012, tr. 57)
Phần chú thích cho biết thêm chi
tiết chính xác hơn:
“Trong một văn bản ghi ngày 10 tháng
03 năm Canh Thìn (1880), bang trưởng Triều Châu -
Khách Gia là Văn Dịch cùng với các bang
chức là Phương Phát, Quách Xương Nguyên,
Tăng Phúc xin chính quyền thuộc địa Thủ Dầu Một
làm thêm 3 gian bếp, ghi rõ “Trước đây
chúng tôi đã lập một miếu thờ tại địa phận
thôn Phú Cường, sau đó dân bang Triều
Châu được làm thêm 3 gian nhà bếp phía
bên phải miếu. Nay dân bang Khách Gia cũng được
Bà bảo hộ muốn xin làm thêm ba gian bếp nữa ở
phía bên trái”
Chùa BÀ Chánh Nghĩa
Cũng trong sách này, ở một trang
khác, lại viết:
“Năm 1945 cơ sở này bị phá hủy trong
chiến tranh, sau đó người Hoa di dời tượng bà và
đồ thờ tự về Thiên Hậu Cung tại Phú Cường hiện nay. Đến
năm 1996, Thiên Hậu Cung được xây dựng mới lại trên
nền cơ sở xưa” (Huỳnh Ngọc Đáng chủ biên, Người Hoa ở
Bình Dương, nxb. Chính Trị Quốc Gia-Sự Thật, 2012, tr.311)
Về vị trí ngôi chùa, dọc con
đường Nguyễn Tri Phương có rạch “Hương Chủ Hiếu” mà
không có rạch “Hương Chủ Miếu” như tác giả Nguyễn
Thị Lan nói.
Theo các cụ già ở địa phương, rạch
Hương Chủ Hiếu nằm trên cùng một con đường, gần
phía chợ Thủ hơn, và cách cầu Thủ Ngữ độ trăm
thước, nếu như vậy, chùa không nằm cạnh rạch Hương Chủ
Hiếu như hầu hết tài liệu xưa nay đã ghi. Trong thực tế,
ngôi chùa bà Chánh Nghĩa hiện nay nằm cạnh
cầu Thủ Ngữ.
Về khoảng thời gian xây dựng chùa, đối
chiếu các đoạn vừa trích dẫn, tuy có ít
nhiều sai khác, có thể thấy rằng vậy là ngôi
chùa được xây trong khoảng những thập niên giữa của
thế kỷ 19. Riêng con số có tính khẳng định
chính xác là năm 1867 (Người Hoa ở Bình
Dương, nxb. Chính Trị Quốc Gia-Sự Thật, 2012, tr. 57), có
đôi điều cần bàn thêm. Đáng lưu ý
là, trong các đoạn trích dẫn trên,
thì Huỳnh Ngọc Đáng đều có liên quan hoặc
là tác giả hoặc đồng tác giả hay có nhiệm
vụ chủ biên, thế nên sự sai khác về niên đại
của các tài liệu này khiến chúng ta
không khỏi hoài nghi về mốc 1867 đã nêu, thời
gian mà các vị trong bang người Hoa hiện nay chúng
tôi đã tiếp xúc thì không ai
xác định được. Phần chúng tôi, do chưa tìm
ra tài liệu nào khác để đối chiếu, nên vẫn
xin ghi lại để độc giả cùng tham khảo thêm.
Thời gian vì chùa bị hư hại phải dời
đến cơ sở mới, những trích dẫn trên đưa ra các con
số như 1923, 1925, và 1945, nay vẫn không có cơ sở
để xác định con số nào là đúng nhất. Tuy
vậy, nếu đối chiếu với thời gian trong một vài tài liệu
và ký ức của nhiều vị bô lão tại địa phương
về lúc ngôi chùa Bà Phú Cường
có mặt ở Thủ Dầu Một, thì khoảng thời gian thập
niên hai hay ba mươi của thế kỷ trước là hợp lý.
Theo trí nhớ dân gian, thì
ngôi miếu thờ Bà ở Chánh Nghiã lúc
đầu tiên do các bô lão người Phước Kiến
và Triều Châu cùng hợp sức dựng nên.
Từ chợ Thủ đi vào, qua khu Lò Heo một
đoạn, sẽ đến con rạch Hương Chủ Hiếu, đi tiếp sẽ tới cầu Thủ Ngữ,
chùa nằm phía tay trái, trên một mũi đất
có hai con rạch chảy hai bên. Qua khỏi cầu, là khu
vực người Phước Kiến cư ngụ đông đúc và xây
dựng rất nhiều lò chén, hình thành
nên khu lò chén nổi tiếng của tỉnh. Miếu nằm ở
bên cầu, từ đó có thể nhìn thấy dòng
sông Sài Gòn chảy lững lờ ngang phía trước.
Phong cảnh nơi đây rất đẹp, hiền hòa, thơ mộng, có
thể nói là một vị trí đắc địa để xây cất
những nơi thờ tự. Tiếc rằng vì thời trước đây là
vùng nông thôn vắng vẻ, đường xá khó
đi, lại mất an ninh vì chiến tranh nên một năm kia miếu bị
đốt cháy, sụp đổ, chỉ còn lại phần nhỏ. Người ta cứ để
phần ngôi miếu còn lại này nằm quạnh quẽ trải qua
nhiều năm, những người tin tưởng thỉnh thoảng vẫn đến thắp nhang van
vái, hàng ngày trẻ con thường kéo đến chơi
đùa.
Bên cạnh miếu, phía tay trái,
có một vị tên là Nguyễn Văn Mơ, người gốc Tương
Bình Hiệp, sinh năm 1930, về cất nhà ở đây từ 1962,
nay tuy đã là một vị bô lão nhưng vẫn
còn khá minh mẫn. Ông kể lại rằng trước năm 1975,
một đêm kia ông nằm mộng thấy có một bà
già từ dưới con rạch bên phía tay trái của
chùa đi lên gặp ông nói rằng ngôi miếu
sắp sập. Hôm sau, ông thông báo với người
gác miếu điều ấy để ngăn không cho trẻ con vào khu
vực miếu chơi đùa như mọi khi sợ nguy hiểm. Quả nhiên, chỉ
hai ba ngày sau,trong một buổi tối, ngôi miếu đã
sập đổ.
Người ta dọn dẹp hết tàn tích rồi dựng
tạm một cái miếu nhỏ để tiếp tục thờ cúng. Mãi đến
đầu năm 1998, các vị trong hai bang Phước Kiến và Triều
Châu mới xây dựng lại ngôi miếu khang trang, đẹp đẽ
như hôm nay. Lại có những người nhiệt tâm đã
làm cuộc hành trình gian nan vất vả sang tận Trung
Quốc thỉnh một bức tượng Bà từ bên ấy về đây để thờ.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hiếu Học thuật lại việc ấy như sau:
“Đầu những năm 90 các vị chức sắc trong bang
Phước Kiến đã trùng tu lại ngôi cũ và đề
nghị xin thỉnh tượng Bà về lại chùa này, nhưng
các bang trong hội đồng quản lý chùa hiện nay
không tán thành. Thực hiện tâm nguyện của
mình, vào năm 1998 đoàn đại diện bang Phước Kiến
tại Bình Dương gồm các ông Trưởng Bang Trần Liễu,
và các ông Dương Nam, Trần Quốc Lương … đã
tìm cách về tỉnh Phước Kiến, Trung Quốc, tìm đến
tận ngôi chùa thờ Bà Thiên Hậu ở làng
quê My Châu của Bà (nơi đã sinh ra Bà
cách đây khoảng 900 năm) để chiêm bái
và xin cung thỉnh một pho tượng Bà (cao chừng 60cm) tại
đây đem về thờ tại chùa được xây dựng lần đầu tại
Thủ Dầu Một”
(Nguyễn Hiếu Học, Dấu Xưa Đất Thủ, tr.133)
Trong chùa, nếu từ ngoài nhìn
vào, bàn thờ Bà đặt ở chính giữa,
bàn thờ Ngũ Hành Nương Nương bên trái;
phía bên phải là bàn thờ Ông. Bố
trí thờ cũng có phần giống như ở chùa Bà
phường Phú Cường. Vào ngày vía Bà 23
tháng 3 âm lịch hàng năm, tại đây đều
có lễ cúng với sự tham dự của đông đảo người
dân địa phương.
2. Chùa Bà Phú Cường:
Ngôi chùa này nằm trên đường Nguyễn Du,
phường Phú Cường, nơi tổ chức lễ Cộ Bà hàng năm
lớn nhất trong tỉnh, và có lẽ lớn nhất Việt Nam nữa.
Đây là ngôi chùa nổi tiếng nhất, thu
hút lượng người hành hương, chiêm bái
hàng năm đông đảo nhất.
Về thời điểm thành lập chùa,
các tác giả đưa ra nhiều niên đại khác nhau:
1. Đầu thế kỷ XX (1923), miếu được di dời về vị
trí hiện nay (Nguyễn Thị Lan)
2. Đến năm 1925, thì chùa được dời về
vị trí hiện nay.” (Huỳnh Ngọc Đáng, Phú Cường,
Lịch sử -Văn Hóa và truyền thống cách mạng, 1990,
tr. 46)
3. Đến năm 1923, chùa được xây dựng với
quy mô lớn trên vị trí hiện nay (đường Nguyễn Du,
trung tâm thị xã) (Địa Chí Bình Dương, nxb.
Chính Trị Quốc Gia 2010, tr.248)
4. “Chưa có cứ liệu xác định năm
thành lập, nhưng theo một số người lớn tuổi cho biết khoảng năm
1934-1935 cơ sở thờ Bà đã có. Vậy, có thể
Thiên Hậu cung ở Phú Cường được lập khoảng từ sau năm
1920, khi ở khu vực chợ Thủ Dầu Một đã thành lập bốn bang
người Hoa riêng theo từng nhóm phương ngữ” (Huỳnh Ngọc
Đáng chủ biên, Người Hoa ở Bình Dương, nxb.
Chính Trị Quốc Gia-Sự Thật, 2012, tr. 311)
5. “Năm 1945 cơ sở này bị phá hủy
trong chiến tranh, sau đó người Hoa di dời tượng bà
và đồ thờ tự về Thiên Hậu cung tại Phú Cường hiện
nay. (Người Hoa ở Bình Dương, nxb. Chính Trị Quốc Gia-Sự
Thật, 2012, tr. 311).
Các con số chỉ thời gian tuy không
hoàn toàn giống nhau, nhưng đều nằm ở khoảng thập
niên hai mươi hay ba mươi của thế kỷ trước. Qua tìm hiểu
thêm các cụ già lứa tuổi trên tám mươi
đến nay hãy còn minh mẫn, chúng tôi nhận
thấy rằng thời gian đó là tương đối hợp lý.
Chùa BÀ Phú Cường
Về việc thờ tự trong ngôi chùa này, có
tài liệu viết:
“Thiên Hậu Thánh Mẫu tại Bình
Dương thường được thờ cùng với Chúa Xứ Thánh Mẫu,
Chúa Tiên Nương Nương và được dân làng
tổ chức cúng vào ngày 22-3 hàng năm” (Địa
Chí Bình Dương, 2010, tr.73)
Khác với tài liệu ghi trong Địa
Chí, người ta cúng vía bà vào
ngày 23 tháng 03, và trong chùa, Bà
được thờ chung với Ngũ Hành Nương Nương chứ không phải thờ
với Chúa Xứ Thánh Mẫu và Chúa Tiên
Nương Nương là hai vị nữ Thần của người Chăm và người
Việt. Nơi khác, trong cùng quyển sách này
lại viết, đúng với thực tế hơn:
“Ngoài pho tượng chính Thiên Hậu
Thánh Mẫu thờ ở chính điện được chạm khắc công phu
tạo nên nét đẹp trang nhã, dung dị nhưng
thiêng liêng siêu phàm theo phong cách
hiện thực, chùa còn có các tượng thờ
kích thước nhỏ hơn như tượng ông hổ, tượng Ngũ Hành
Nương Nương, tượng Bổn Đầu Công.” (Địa Chí Bình
Dương, 2010, tr.248)
Theo lời kể dân gian, thời xưa, sau khi
ngôi miếu ở phường Chánh Nghĩa bị hư hại, một số vị trong
hai bang Quảng Đông và Sùng Chính đứng ra lo
việc xây dựng lại một ngôi chùa mới. Các đại
gia người Hoa ở Chợ Lớn lên chung tay góp sức phụ việc
xây dựng. Họ rước cả thầy phong thủy từ bên Tàu qua
để chọn cuộc đất tốt nhất để làm nơi cất chùa. Lúc
đầu họ chọn khu đất nằm trên đồi cao bên dốc ông
Cò, gần Tòa Bố nhưng không được chính quyền
chấp thuận. Theo họ, đây là cuộc đất “Giao Long đắc địa”,
Tòa Bố là đầu rồng, con đường Yersin là thân
rồng nằm uốn lượn, khu đất nhà thờ là chân
bên phải của rồng, do vậy họ chọn vị trí tốt còn
lại là chân bên trái của rồng tức vị
trí hiện nay. Mặt trước của chùa hướng về phía
sông Sài Gòn. Có người giải thích
rằng hầu hết các ngôi chùa Bà đều được
xây dựng hướng về phía sông nước vì Bà
nguyên là vị nữ thần phù hộ cho những người đi
biển.
Trước khi làm một việc quan trọng, hoặc đi xa, nhất là đi
trên biển, người Hoa ở địa phương thường phải vào
chùa xin keo, nếu được keo tốt thì họ mới đi, bằng
không thì ở lại. Mỗi năm, các bang người Hoa họp
lại để chọn một bang lo việc coi sóc chùa. Sau rằm
thì bang mới chính thức nhận bàn giao công
việc từ bang cũ, từ đó trong năm có trách nhiệm
phải lo toan mọi việc trong chùa như cúng vía
Bà, tổ chức rước Bà du xuân...
Hồi trước, trừ dịp rằm tháng giêng,
còn lại quanh năm chùa vắng vẻ. Bọn trẻ con, nhất
là lũ trẻ học trường tiểu học Nam Châu Thành ở
sát vách, coi sân chùa như là
sân chơi của chúng. Khi rảnh, chúng kéo tới
nô đùa, đá banh, cười giỡn huyên náo
mà chẳng ai la rầy. Ngày nay đã khác nhiều,
suốt năm đều có người đi lễ, chùa trở thành chốn
cho nhiều người đến buôn bán, sân chùa
và ngoài cổng có nhiều sạp hàng bán
nhang đèn, vé số, chim chóc cho ai muốn
phóng sanh. Con đường nhỏ chạy ngang trước chùa với hai
hàng cây cao tỏa bóng mát ríu
rít tiếng chim và mấy đứa học trò nhỏ qua lại giờ
cũng không còn. Cái hình ảnh tôn
nghiêm và thơ mộng của chùa ngỡ mới còn như
hôm qua mà giờ đã quá đỗi xa xăm./.