Năm Đệ Thất
Từ Minh Tâm


Lời nói đầu:

Nhớ lại hồi nhỏ, mỗi năm tới Tết Âm Lịch thì trường Trịnh Hoài Đức hay thực hiện báo xuân của học sinh. Truyền thống đó không biết ngày nay còn giữ hay không?. Riêng cựu học sinh Trịnh Hoài Đức chúng ta tuy già nhưng vẫn còn ... sung. Năm nào anh chị em chúng ta cũng rủ nhau viết bài về những kỷ niệm thời học trò nhiều thơ mộng. Tôi xin góp một bài hồi ức về năm tôi mới vào học ở Trịnh Hoài Đức. Nhớ gì viết nầy, mong bạn đọc thông cảm, có gì sai xin góp ý  ...

*****

Tuổi trẻ ham chơi, sau khi tham dự cuộc thi tuyển vào lớp Đệ Thất trường Trịnh Hoài Đức xong thì tôi cứ tà tà ở nhà vui chơi mà không đi coi kết quả. Lúc nầy đang vào mùa hè, ve đang kêu rang ở ngoài vườn. Một hôm đang lấy mủ mít quấn vào đầu một cây sào tính sẽ chích vào cánh, bắt mấy con ve sầu để chơi thì thầy Vân và hai bạn Sơn và Hà tới nhà cho hay tôi đã đậu vào trung học lớn nhứt tỉnh Bình Dương. Thầy Vân là thầy dạy tôi năm lớp Nhứt ở trường Nam Châu Thành. Sơn và Hà là hai anh em ruột mà lại cùng học chung lớp nhứt với tôi. Tôi mừng thì ít mà ba tôi thì mừng nhiều bởi vì nhà tôi rất đông anh em. Lo cho các con ăn học rất tốn kém. Nay tôi đậu vào trường công khỏi đóng học phí thì ông cũng nhẹ lo phần nào. Ông tỏ lời cám ơn thầy Vân và mấy ngày sau nói tôi dẫn ông vào nơi thầy Vân ở trọ trong xóm Bưng Cải để tặng thầy một món quà kỷ niệm.

Đầu tháng 9 năm 1965, tôi cùng với các bạn học hồi lớp Nhứt là Trần Công Hảo, Lê quang QPhước cũng như Từ Minh Thạnh là em chú bác cùng vào nhập học lớp Đệ Thất. Chúng tôi được tự do chọn sinh ngữ. Lúc đầu thấy anh chị trong nhà đều học Pháp Văn nên tôi tính chọn Pháp Văn, nhưng chị Tư tôi khuyên rằng tôi nên học Anh Văn vì lúc nầy ảnh hưởng cuả người Mỹ đã rất mạnh trên khắp thế giới. Còn ở Việt Nam người Mỹ đã vào khá nhiều. Học Anh Văn sau nầy dễ có cơ hội thăng tiến hơn. Quả là một lời khuyên rất chí lý và giúp cho tôi khỏi phải lãng phí thì giờ sau nầy.

Năm nầy có hơn 150 học sinh được tuyển vào đệ thất trường Trịnh Hoài Đức. 100 nữ sinh chia làm hai lớp Đệ Thất P1 (Pháp Văn), Đệ Thất A2 (Anh Văn). Hai lớp nầy học bên trường Nữ. 150 nam sinh chia làm ba lớp Đệ Thất P3 (Pháp Văn), Đệ Thất P4 (Pháp Văn), Đệ Thất A5 (Anh Văn). Ba lớp nầy học bên trường Nam. Lớp học là dãy ba lớp trệt ở sát hàng rào gần Trường Nông Lâm Súc.

Thạnh được xếp vào lớp Đệ Thất P4 (Pháp Văn). Hảo, Phước và tôi được xếp vào lớp Đệ Thất A5. Ở đây tôi gặp rất nhiều bạn mới nhưng tôi thân nhứt là hai bạn Nguyễn Hữu Hiệp, Nguyễn văn Đức. Tôi không thích (thậm chí sợ hai bạn Nghĩa và Quý). Hai bạn nầy là anh em ruột, cao lớn và hơi ... quậy. Ban Đại Diện lớp là: Trần Văn Lực được bầu làm Trưởng Lớp, Nguyễn Đình Dũng làm Thư Ký, Trưởng Ban Thể Thao là Dương Quang Phước, Trưởng Ban Văn Nghệ: Từ Minh Tâm
Đồng phục khi đi học Trịnh Hoài Đức là quần xanh áo trắng cho nam sinh và quần trắng áo dài trắng cho nữ sinh. Học sinh phải có phù hiệu trên ngực trái, nếu không thì không được vào trường. Thường chúng tôi đi xe đò Đồng Hiệp từ Bình Dương xuống Búng. Lớp học bắt đầu lúc 1 giờ trưa thì khoảng 11 giờ rưởi đã phải có mặt ở bến xe trước Phòng Thông Tin chợ Bình Dương để khi xe đò tới chuyến thì lên. Khoảng 1965, bến xe đò Bình Dương - Sài Gòn nằm ở đó, sau nầy dời về trước trường Bồ Đề. Học sinh Trịnh Hoài Đức chỉ được ngồi ở phía sau. Mỗi xe chừng 15-20 em mà thôi. Phần phía trước xe để dành cho người lớn đi xa tới Lái Thiêu hay Sài Gòn. Vào buổi chiều, khi tan học lúc 5 giờ thì chúng tôi phải đi bộ chừng 1 cây số xuống Búng để đón xe đò trở ngược về Bình Dương vì xe hay ngừng ở Búng mà không ngừng ở trường Trịnh Hoài Đức vì đã hết chỗ. Bạn nào có tiền thì đi xe lam. Vài bạn khá giả như Tuyết Đông thì có xe nhà đưa đón. Điều nầy làm cho mấy bạn trai nào cũng hơi ... ngưỡng mộ.

Hồi học lớp Nhứt tôi học giỏi nhứt lớp. Lúc vô Đệ Thất thấy bạn bè cùng lớp lại siêng năng lắm. Nguyễn Hữu Hiệp, Nguyễn Văn Đức là hai người thông minh và chăm chỉ nên lúc nào cũng có điểm lớn hơn tôi. Tôi cũng tức lắm và cố gắng học thêm. Ganh đua là bản tính của tôi đó mà. Nhưng do sức khỏe không tốt và môi trường học cũng mới. Mạnh ai nấy học một cách tự giác chớ không bị thầy quở mắng như hồi tiểu học nên có khi tôi cũng lơ là đôi chút. Thêm vào đó lại ham vui, lại tham gia văn nghệ văn gừng với thầy Bé Tám nên cuối năm kết quả thua hai bạn trên, chỉ đứng hạng ba trên số 53 học sinh.

Về bạn bè trong lớp, năm nầy mới quen nhau nên không nhớ nhiều về tánh tình của họ lúc đó. Chỉ nhớ nhiều nhứt là Hiệp và Đức là hai bạn hiền lành và siêng năng. Hai anh nầy đều đã mãn phần rất sớm. Nguyễn Hữu Hiệp mất khoảng năm 1980 vì bịnh gan. Nguyễn Văn Đức mất khoảng năm 1995 trong một hoàn cảnh rất đáng thương. Ngoài ra, có hai bạn có năng khiếu về vẽ là Huỳnh Thanh Hùng (ở Lái Thiêu) và Lê Thanh Sơn (ở Búng). Hai anh nầy rất có hoa tay nhứt là Hùng.

Về thầy cô, nhờ có học bạ do ba tôi cất giữ cẩn thận mà có đủ danh sách nên xin ghi lại nơi đây:

Danh sách giáo sư dạy lớp Đệ Thất A5 niên khóa 1965-1966:

Cô Tiêu Thị Tú (Quốc Văn): Cô là một cô giáo rất hiền, rất đẹp và dạy cũng rất hay nên tôi học môn  nầy cũng siêng. Chương trình quốc văn đệ thất ngoài Nhị Thập Tứ Hiếu hơi không đúng sự thật thì có những bài ca dao rất hay như:

Hôm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen ...
hoặc
Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em đã có chồng anh tiếc lắm thay...

Thầy Nguyễn Văn Phúc (Công Dân Giáo Dục): Năm nầy chắc thầy mới về dạy ở Trịnh Hoài Đức. Tôi không nhớ rõ, và không có ấn tượng gì về thầy trong thời gian nầy. Chỉ nhớ là thầy nghiêm nghị và dạy đúng giờ, đúng bài như một công chức gương mẫu. Riêng bạn Nguyễn Đình Dũng thì nhớ thầy ở chỗ thầy hút thuốc lá (hiệu Bastos) liên miên, hết điếu nọ thì châm điếu kia. Dũng nhắc lại là anh ta lấy viết gạch xuống bàn mỗi khi thầy hút một điếu thuốc để coi trong một buổi dạy thì thầy hút bao nhiêu điếu.

Thầy Huỳnh Ngọc Anh (Anh Văn – sinh ngữ 1): Thầy là người Trung, hình như Quảng Nam, Quảng Ngãi. Thầy dạy học rất siêng năng nhưng do thầy nói tiếng Trung nên chúng tôi cũng không nghe rõ lắm và cũng không thích thầy lắm. Bạn Dũng nhớ rằng khi thầy Anh kêu chúng tôi đọc bài mà anh ta lại nghe là “đạp” bài nên cứ cười thầm hoài. Năm đệ thất chúng tôi học theo cuốn Let’s Learn English. Cuốn này có phần dạy phát âm rất hay, nhưng cũng rất khó. Thí dụ như cách phát âm chữ “th” trong các từ this, that .... Qua năm sau do ảnh hưởng của Mỹ chương trình Anh Văn trung học đổi qua học cuốn English for Today.

Nguyễn Thị Lệ (Sử Địa): Hoàn toàn không nhớ gì về cô.

Đoàn Văn Vượng (Toán): Thầy người mập mạp, dạy Toán dễ hiểu. Trong phần đại số, chúng tôi bắt đầu biết số âm và giải phương trình có một ẩn số x.
Nguyễn Đức Giang (Lý Hóa): Thầy hơi ốm, và chịu khó giảng bài nhiều lần cho học sinh hiểu. Gần cuối năm, tới giờ của thầy là tôi lại đi tập văn nghệ cho chương trình lễ phát thưởng với thầy Bé Tám nên cũng ít nhớ về thầy. Về môn Lý Hoá, học lớp đệ thất thì biết cách ký hiệu Hoá Học và biết rằng nước được cấu tạo từ hai chất khí là Hydrô và Oxy. Trường có Phòng Thí Nghiệm nhưng trong bảy năm học chúng tôi không bao giờ được xem một thí nghiệm nào dù rất đơn giản như phân tích nước hay biết được những hoá chất thông thường như acid, base hay thí nghiệm về vạn vật.

Đoàn Văn Vượng (Vạn Vật): Không ngờ thầy có dạy môn Vạn Vật nữa.

Lê Văn Bình (Vẽ): Thầy là người ốm yếu. Mỗi tuần chỉ học vẽ có 1 giờ nên cũng không dạy được nhiều. Đa số là vẽ tự do, vẽ trang trí, kẻ chữ ... Tức cười là hồi trung và đại học, tôi học Toán rất giỏi. Hiện giờ làm kỹ sư tưởng rằng phải dùng toán rất nhiều. Té ra không phải như vậy mà tôi lại làm về nghề vẽ (bằng máy vi tính) và vẽ họa đồ công chánh chớ không phải vẽ nghệ thuật. Tuy nhiên kiến thức về môn vẽ và thủ công cũng giúp cho tôi rất nhiều trong công việc.

Nguyễn Bé Tám (Nhạc): Thầy rất khó tánh, hay la rầy học trò. Cách cho điểm của thầy cũng lạ: thuộc bài 20, không thuộc: “ăn hột vịt”, chớ ít khi thầy cho điểm ở khoảng giữa như 15, 16. Thầy chỉ dạy đúng giờ vào đầu năm. Tới cuối năm thì thầy lo tập văn nghệ để hát trong lễ phát thưởng nên lúc đó học trò được nghỉ, thành ra, cả năm học nhạc thì bài vở chỉ có chừng bốn, năm trang nhạc lý mà thôi. Tôi còn nhớ bài hát đầu tiên thầy dạy cho tụi tôi là bài Xuất Quân của Phạm Duy (mà đám con nít quỷ sửa lại là bài Xúc ... Quần).

Hiệu trưởng của trường vào niên khoá nầy là thầy Nguyễn Trí Lục, giám học là thầy Phạm Ngọc Em, giám thị là thầy Công, bác Phu ...

Trong sổ học bạ không thấy có môn thể dục. Hình như trong chương trình dạy thì có môn nầy học mỗi tuần một giờ nhưng kiếm không ra huấn luyện viên.

Cuối năm Đệ Thất, do thầy Bé Tám kêu gọi và bản tánh ham vui. Tôi tham gia chương trình  văn nghệ của Lễ Phát Thưởng với màn hợp xướng mở đầu là bài Hè Về và màn kết thúc là bài Thiên Thai. Mỗi tuần chúng tôi tập khoảng 2 giờ vào chiều thứ năm cho tới ngày nghỉ hè. Ban hợp xướng có khoảng 30-40 học sinh chia làm bốn nhóm: thiếu niên, thanh niên, thiếu nữ thanh nữ. Mỗi nhóm hát khác nhau nhưng hoà hợp với nhau thì rất hay. Thầy Tám tập văn nghệ khó lắm và hay la rầy học sinh vì muốn chương trình phải thật hoàn hảo. Mấy bạn cùng lớp bên trường Nữ như Ngọc Sương, Ngọc Tuyết, Xuân Mai, Xuân Đào, Phùng và Tuyết Đông ... cũng tham gia bài vũ Trấn Thủ Lưu Đồn do thầy hiệu trưởng là Nguyễn Trí Lục đề xướng. Về ban nhạc tôi không nhớ tên mấy anh khác mà chỉ nhớ có anh Trương công Bình đàn mandoline. Chương trình văn nghệ năm nầy rất xôm tụ với những màn ca múa, kịch, hoà tấu, hợp xướng ... Bạn Hồ Thị Kim Ngân còn giữ được tờ chương trình lễ phát thưởng đính kèm (trong phần Hình ảnh). Trong chương trình có vở kịch mang tên Khơi Lòng, nói lái là Không Lời và bản song ca Tình Lính do hai cô nữ sinh trình diễn trong đó có một cô mặc áo lính giả trai. Về đơn ca có anh Hải hát rất hay, không bao giờ bị thầy Tám rầy. Anh hát bài Biết Đâu Tìm rất vững nhịp và đi vào lòng người. Ngày nay khi viết bài nầy tôi vẫn cảm giác nghe lại đoạn mở đầu của bài hát thật hay do anh trình diễn:

Năm năm mỗi lần nghe hè đến
Lòng đắm đuối những giờ phút hè xưa
Hồn lâng lâng như buồn nhớ bâng khuâng
Và thương tiếc vô cùng ...

Về vũ ngoài bài Trấn Thủ Lưu Đồn của nhóm lớp đệ thất, còn có vũ khúc Nhịp Sống Vui với (bản nhạc Quãng Đường Mai) và Trao Duyên (với bản Tình Bắc Duyên Nam) do những chị học lớp đệ ngũ trình bày.

 Trong dịp nầy tôi biết thêm vài chị rất đẹp ở các lớp trên như chị Kim Nên, Xuân Diệu, Minh Lan ...

Lễ phát thưởng năm nầy được thực hiện ở Tòa Hành Chánh Tỉnh Bình Dương và có ông Tỉnh Trưởng tới tham dự. Tôi lãnh phần thưởng hạng ba, bên trong có một cuốn kỷ yếu in rõ danh sách ban lãnh đạo, các giáo sư, bạn đại diện học sinh và tên của từng học sinh được lãnh thưởng từ đệ nhứt tới đệ thất. Không biết có bạn nào giữ được tài liệu nầy sau 45 năm biến đổi?. Do tập luyện công phu nên chương trình văn nghệ đã hoàn thành rất tốt đẹp, không sai sót. Sau đó mấy ngày, Ban Văn Nghệ có họp nhau ở Phòng Thí Nghiệm để liên hoan vui vẻ. Dịp nầy mỗi thành viên được thầy Tám tặng một bản nhạc là Nỗi Buồn Hoa Phượng. Chúng tôi dùng bản nhạc nầy để “xin chữ ký” của các bạn cùng tham gia văn nghệ, không biết có ai còn giữ được hay không sau mấy mươi năm biến đổi.

Sau lễ phát thưởng, chúng tôi về nghỉ hè, nhưng ngoài chuyện vui chơi như đá banh, câu cá, bắn chim ... tôi và các bạn khác như Thạnh, Phước, Ngô Quý Nam ... đi học thêm Toán với thầy Nguyễn Kim Long ở nhà của thầy (gần tiệm hủ tiếu Cây Me – đối diện nhà bà Bảy Lìn). Lúc nầy tôi học chung với nhiều bạn khác lớp từ Trịnh Hoài Đức, An Mỹ ... nhưng tôi chỉ nhớ bên nữ lúc đó có bạn Nguyễn Thúy Việt là đẹp nổi tiếng và có nhiều bạn trai để ý. Học thêm Toán với thầy Long vui lắm. Thầy dạy hay và dễ hiểu nên sau nầy khi lên Đệ Lục tôi không cần học gì nhiều mà cũng giải được những bài toán Đại Số, Hình Học rất nhanh, hơn hẳn Hiệp và Đức.

Bài đã dài, xin tạm chấm dứt ở đây hẹn với các bạn sang năm sẽ kể tiếp chuyện học năm Đệ Lục nếu bạn không thấy chán ...