Một Thuở Thanh Bình
Kim Nên
 



    Từ Bình Dương đi về hướng bắc, theo một tỉnh lộ đất đỏ thì đến Bến Súc rồi lên Dầu Tiếng. Ngoài ra, cũng có thể đi lên Bến Cát rồi vòng qua Bến Súc thì cũng tới nhưng đường sẽ xa hơn. Bến Súc còn có tên rất đẹp là Thanh Tuyền. Nó nhớ thật rõ ràng mặc dù lúc ấy nó mới khoảng 8, 9 tuổi. Đây là vùng đất mới, từ Dầu Tiếng chạy xuống Bến Súc trước khi tới chợ, bên phải là trường học nơi nó học hết lớp nhì thì gia đình nó dọn về quê nội dưới Bình Dương. Đó là ngôi trường đầy kỷ niệm ấu thơ. Nhớ lại, một buổi trưa nọ cả dám học trò rủ nhau vào vườn hái trộm hột điều, trái điều ăn vị chát tụi nhỏ không thích, nên rủ nhau vặn lấy hột để đem về nướng hoặc nấu chè. Mải mê phá phách nên đám nhóc quên cả giờ học. Trở về đến trường thì thấy ông hiệu trưởng tên Trên cầm roi đứng chờ. Ông bắt cả đám nằm xuống đất lấy roi quất cho một trận. Một đứa  sợ đòn quá lấy giấy báo bỏ vào quần che cái đít để khi bị roi quất thì đỡ đau. Khi ông hiệu trưởng quất roi vào đít nó nghe bình bịch, làm cả đám học trò nhỏ vừa khóc vừa cười. Học ở trường đó năm nào anh em nó đều được lãnh thưởng.

    Nhà thương ở cạnh trường. Bên kia đường là sân vận động nơi các anh nó thường vui chơi đá banh. Chạy qua vài căn nhà là lò đường. Nhà nó ở không xa có miếng đất nhỏ ba má nó trồng mía lao. Đến mùa mía già, cả nhà cùng chặt, bó đem lên lò đường cho thợ xay ép và nấu làm đường thẻ. Nó thích nhất là những buổi trưa hè ở quê. Không có gì ăn vặt, chị nó mua bánh đa nướng đem lên lò đường, nhờ chú thợ nhúng bánh đa vào chảo đường đang sôi nhảy bọt. Thế là chị em nó có một món kẹo bánh đa giòn tan ngon thật là ngon. Bên kia lò đường là một bãi xác mía cao như đồi núi, nơi đó bọn trẻ nhà quê của nó thường leo lên chạy nhảy nô đùa trong những đêm sáng trăng.

    Qua dốc Năm Vồ có một cây đa to lớn trước căn nhà âm u, vắng lặng. Tụi trẻ trong làng đồn nhau là nhà đó có ma. Chạy xe về hướng chợ là những căn nhà với hàng cây trứng cá chạy dài hai bên đường là công lao của ba nó trồng cho đẹp đường phố. Đám trẻ trong làng thích trèo lên cây hái mấy trái chín ăn rất thơm ngọt. Đến ngã ba là chợ Bến Súc, trước chợ có xây một bia đá có cẩn một miếng phản chiếu (luminer) màu vàng để chiếu sáng khi ánh đèn xe chiếu vào lúc ban đêm. Cái bia đá đó là nơi vui chơi của nó và đám trẻ, nhất là những ngày cùng nhau tắm mưa, rượt nhau chạy chung quanh bia đá và đưa con mắt thật gần miếng luminer màu vàng  để xem bên trong có những vết sáng màu vàng xen lẫn, di chuyển theo con mắt ngây thơ quê mùa của đám con nít. Tại ngã ba đường, quẹo trái là đường đi Bến Cát, quẹo mặt đi về phía sông Bến Súc, bên kia sông là Phú Mỹ Hưng.

    Con sông này đã ghi lại hình ảnh thân yêu của người cha khuất bóng thường đưa con gái út sang sông chữa bịnh. Con đò cập bến, nó được ba nó chở trên chiếc xe đạp chạy lọc cọc trên con đường đất gồ ghề đến nhà bên chồng của dì Năm. Cái bịnh của nó thật lạ kỳ không hiểu tại sao ngón tay cái của nó thường sưng to và đầy mủ. Bác Ba nói tay nó bị nhiễm độc vì lông sâu rọm, cái con sâu màu đen đầy lông nhìn thấy ghê sợ. Bác Ba chữa bịnh bằng cách lấy trái chanh cắt làm hai rồi chà trên ngón tay cho đến khi da tay mỏng ra (trong chanh có chất acid).. Bác dùng gai chanh khều lông sâu rọm ra, sau đó bác lấy một trái cà tím nướng chín còn nóng đắp trên chỗ ngón tay bị nhiễm trùng. Thế là vài ngày sau ngón tay lành lại.

    Con sông này cũng là nơi ba nó thường rửa xe. Vui lắm vì ở quê ít ai có cơ hội được đi xe hơi nên hôm nào ba nó rửa xe là hầu như cả xóm đi theo. Dù lên xe chỉ được chở đi một chút nhưng cũng đủ làm cho mọi người hớn hở vui tươi. Một hôm xe đậu rất gần mực nước sông không ngờ nước lớn lên quá nhanh, tràn vào máy xe, thế là xe không nổ máy, mọi người phải hì hục nhau đẩy xe về nhà.

    Ban đêm ở Bến Súc khung cảnh rất êm đềm có khi lại quá yên tĩnh. Đường đêm thanh vắng đi qua bãi tha ma sao mà ớn lạnh. Chập chờn mấy chiếc xe tăng rỉ sét của mấy ông lính Tây năm nào bị bắn chết, hư hại nằm chơ vơ giữa trời trông thật buồn thảm. Xa xa bên kia đường những mái nhà tranh của những người Bắc mới di cư vào Nam.

    Ngày xưa ở Bến Súc đa số là người miền Nam, sau này có một số người Bắc đến định cư. Họ đã gây nhiều chú ý, thắc mắc cho dân làng, từ cách sinh hoạt, ăn mặc, giọng nói. Đám con nít như nó thì thường bị người lớn doạ nhát không dám ra đi chơi nhiều vì sẽ bị họ bắt làm chả lụa, vì thế mỗi lần đi thăm dì Năm của nó có căn nhà ở gần bờ sông và phải đi ngang qua xóm nhà người Bắc là nó vắt giò lên cổ chạy một hơi về nhà. Năm ngoái họp mặt Trịnh Hoài Đức ngồi nhớ chuyện xưa, mấy bạn Nam kỳ nhắc chuyện ”Bắt con nít làm chả lụa” rồi cùng nhau cười rũ rượi cho cái ngu ngơ của mình, trong lúc hai cô bạn Bắc kỳ ngỡ ngàng: “Thiệt hả?”.

     Ngôi nhà đầu tiên ba má nó cất là nhà tranh vách đất ba gian rộng rãi, phía sau là rừng cao su xanh thẳm. Đây là chỗ cho nó và người anh thứ sáu hay trốn ngủ trưa chạy rong chơi, đi lượm hột cao su cho đầy thùng đem đi bán, cái loại thùng đựng dầu lửa, còn gọi là dầu hôi. Có khi trời đang nắng mà đôi khi xảy ra một cơn mưa bất chợt. Đó là lúc trong rừng có nấm mối. Lúc nầy lũ nhỏ rủ nhau chạy vào rừng cao su để tìm nấm, nhổ về cho má nấu món nấm chưng hột vịt ngon số một. Bến Súc về đêm với vài ánh đèn dầu leo lét, khá giả lắm thì đèn “ măng sông”. Ba nó quen sống ở thành thị, về đây ông nhớ những ánh đèn điện màu. Tánh ba vui vẻ, thích trang trí… Ông mua vài chục cây đèn dầu nhỏ, rồi sơn cái chụp đèn đủ màu xanh đỏ tím vàng. Mỗi buổi chiều ông bảo người anh thứ ba của nó châm đầy dầu. Đêm về, ông đốt đèn và treo lên. Từ xa nhìn thấy trông như đèn điện chói sáng muôn màu rực rỡ

    Ngôi nhà thứ hai ba má nó cất gần chợ hơn, được xây cất bằng vật liệu gạch, xi-măng, đá rửa, lót gạch tàu. Nhà rộng lớn, phía trước một gian bán tập hoá, kế là phòng ngủ có một gác lửng. Một gian có bàn bi da, bóng bàn, banh lắc .v.v. Nó thích chơi banh lắc với mấy đứa nhỏ hàng xóm. Nó thua thì không phải trả tiền. Mấy đứa kia thua thì phải bỏ tiền vào trong máy mới được chơi nữa. Nơi đây là nơi giải trí của những thanh thiếu niên trong làng, cũng là nơi nhiều người đến để trồng cây si vì chị Mai của nó đẹp. Nhà bếp được nối liền với nhà trên qua một phòng ăn rộng rãi, hai bên là khoảng trống lộ thiên, ba nó trồng một cây bông giấy thật to trổ đầy hoa thật đẹp, loại hoa hai màu trắng, hồng mà ba nó công phu ghép tỉa.

    Bến Súc là cả bầu trời thương yêu của tuổi ấu thơ đơn sơ, mộc mạc, vui đùa với thiên nhiên luôn sống động trong tâm hồn nó. Nhớ những đêm sáng trăng anh Vân hàng xóm đánh đàn dạy nó hát, để có dịp làm quen chị Mai nó. Vui làm sao trên tay cầm gói kẹo chocolate ”kiss” là món quà của người anh đi học ở tỉnh về thăm nhà cho nó. Nhớ sao là nhớ những ngày anh em nó đi theo thầy giáo lên Dầu Tiếng làm văn nghệ, đi xem đá banh. Nhớ nhất là khi anh nó đem chiến thắng cho đội banh nhà bằng một cú đá rất ngoạn mục. Trên đường trở về làng, bà con lối xóm ngồi trên chiếc xe đò của ba nó vẫn còn háo hức, vui mừng thắng trận. Nhớ những trưa hè ra ngoài đồng lượm mót những trái dưa hấu èo uột nhỏ đem về nấu canh tôm, mót giá đậu phộng về cho má làm món giá xào ăn rất ngon. Những ngày nghỉ học đu đưa tòn ten sau chiếc xe bò đi chơi suối Cát. Rừng sâu âm u cây cao vời vợi vang rền tiếng ve kêu hạ, tìm hái trái cây rừng, vú bò, gùi, nhãn lòng… Nhớ biết bao nhiêu cái không gian tĩnh mịch của một quê hương thật thanh bình!.

(Houston, Hè 2011)