Gió
Thổi Chiều Cuối Năm
Thúy Đinh
(tặng Kim Nên, Từ và những ngày ở Houston)
Lại thêm một chiều cuối năm trong bốn mươi bốn
năm trôi qua. Thời gian, đôi khi giống như chiếc lá
rơi nhẹ nhàng trên mặt hồ đời
êm ả; đôi khi lại là hòn đá ném
xuống biển đời làm nổi sóng không yên.
Ngày
tháng cứ cuốn đưa tới phía trước nên thời khắc
này phải hụt hơi lội ngược
dòng trở về. Tôi đã quay về
khung trời cũ, ngồi thật lâu bên mộ em giữa vườn măng
bóng mát âm u. Ngồi thật
im và thương em ròng ròng nước mắt.
Bốn mươi bốn mùa Xuân đã âm thầm ghi dấu
rêu
phong trên chỗ em nằm, vậy mà mỗi bận về lại tôi vẫn
quay quắt nhớ thương. Nhớ một
nụ cười hồn nhiên, một ánh mắt trong veo ngây thơ…
là em những ngày không thể
nào quên được…
Chiến tranh đã đi qua một
thời tuổi trẻ của tôi, của em, của mùa-thu… và của
mọi người. Dấu ấn đã khắc
sâu trong trái tim nhiều buồn nên chưa hề phôi
phai một chút nào. Súng đạn vô
tình đã làm em ngã xuống, cũng một chiều
Xuân bên chiếc cầu nhỏ đó. Thời loạn lạc
thông tin đến thật chậm, chỉ khi tôi đứng bên thềm
nhà bà; chỗ tôi vẫn thường đứng
trông một vòng xe đạp qua ngang để gật đầu cho một
đôi mắt; chờ dứt cơn mưa buổi
sáng trên vòm trời xứ Búng mới sững sờ nhận
được lời nhắn vội vàng. Tôi đã quỵ
xuống trong vòng tay những người thân, tên em cũng
không gọi nỗi, tim tôi như
ngừng đập, khoảnh khắc thật kinh khủng ùa đến, bao vây bất
ngờ.
Làm sao để hiện thực biến thành giấc mơ, ý nghĩ
ngược đời khi mà ai cũng muốn mơ thành thực. Làm
sao để tin dữ hóa lành, để
nghe là báo nhầm địa chỉ… và em vẫn đang tung tăng
ở góc phố đó. Làm sao đây
khi mà đất trời như sụp đổ và đôi chân
tôi đã hóa đá nặng nề, thật nặng nề.
Nhưng rồi tôi cũng tới nơi, mẹ khóc, tôi
khóc, họ
hàng khóc còn em thì nằm im lìm.
Bàn tay khẽ khàng chạm vào gương mặt em lạnh
giá, bàn tay vuốt đôi mắt to tròn nhắm
kín mãi mãi...muôn đời muôn kiếp
không
nhìn tôi nữa.
Mùa Xuân
bay đi mang theo tuổi mười sáu tôi đến một chốn mù
xa, mờ mịt. Mùa Xuân đưa em
về giữa mảnh vườn quê nhà quen thuộc. Mùa
Xuân khép lại giấc mộng cùng tôi bước
chân qua cổng Trịnh Hoài Đức với áo dài
trắng em từng ước ao. Mùa Xuân lặng lẽ
nhớ em trong hầm tránh đạn pháo kích những
đêm giao tranh không ngủ. Mùa Xuân
không còn em tóc mẹ thêm nhiều sợi trắng,
tóc tôi dài thêm trên những ngón
tay
đan.
Và
cứ thế, cứ thế chất chồng những năm tháng cuộc
đời trên đôi vai mà lầm lũi đi, lầm lũi bước tới.
Mãi đến kỷ niệm lần thứ bốn
mươi ba tôi nhận được những lời sẻ chia chân tình
của mùa-thu-xa, muộn còn hơn
không, một email đầy nước mắt trong hàng trăm email
mùa-thu đã viết. Thấy lại một
Tết Mậu Thân kẹt ở Saigon,
thương mẹ già mỏi mắt
đứng ngồi không yên chờ tin con, thương con đường
chông chênh Gò Vấp - Lái
Thiêu về xóm đạo … Thương em đã bay về Trời,
mùa-thu đã bay bên kia trời, chỉ
còn tôi ngồi ôm kỷ niệm buồn đau một mình.
Tất cả trống không, mênh mông những
cơn mộng du từng đêm, từng đêm.
Tháng Giêng mang Tết
về đây thật sớm,
mùi vôi còn nồng ngôi mộ nhỏ. Em làm
sao nghe được tiếng tôi thì thầm trong gió
chiều se se lạnh. Em làm sao thấy một khóm hoa cúc
vàng tôi mừng em tuổi mới.
Em làm sao biết vườn nhà sẽ đổi chủ, sẽ không
còn mẹ quét lá cho em mỗi ngày nữa.
Sẽ không còn vườn măng giống như mùa-thu
không còn vườn đất ở gần nhà thờ nữa.
Không còn những ngày hè trèo
cây hái trái, không còn những
vòng xe đạp ngày
xưa. Không còn, không còn…sương khói
mờ ảo quá…áo em trắng quá nhìn không
ra…
Chuyến xe buýt cuối cùng mang tôi trở lại
thành
phố, nghe trái tim mình hát bài tình
buồn chiều cuối năm, thật lạ. Xe qua ngang
trường cũ, học trò Trịnh Hoài Đức nghỉ Tết cả rồi
nên cổng vắng không người. Thấp
thoáng bóng cây đa già của mùa-thu lẻ
loi bên ngôi nhà ngói mới. Con đường 13
phố xá lao xao, hai quán bánh bèo Mỹ
Liên cũng ngưng bán nghỉ Tết. Ngõ vào trường
Nữ không như ngày xưa. Đổi thay… thay đổi hết rồi.
Góc chợ Búng sáng đèn như soi rõ hai
câu thơ
“góc nào anh đứng chờ em đó, giờ không ai
gọi để em thưa…”. Qua phở Cây Xoài,
qua đường Thủ khoa Huân có cổng nhà hoa giấy
tím dẫn lối lên Dốc Sỏi, rẽ phải
là của mùa-thu. Xe qua ngang cầu Bà Hai thấy
tháp cao ngôi giáo đường có đèn
sao lấp lánh mà nghe chừng tiếng chuông vọng hồn ai
chấp chới trong gió trong
mây. Dọc bờ sông nhỏ xuôi về cầu Cây
Trâm, Cầu Ngang nhộn nhịp hàng hoa và trái
cây, người mua kẻ bán cười nói xôn xao một
đoạn đường đẹp nhất quê nhà. Ngồi
trên xe ngắm nhìn và nhớ bài thơ của
mùa-thu đăng trong báo Xuân năm ngoái
quá…
những địa danh một thời bây giờ tôi lặp lại, chắc đọc thấy
là buồn cười. Chỉ có
Bình Sơn thôn, nhà thờ Bình Sơn nhỏ
bé nằm khiêm nhường bên sông là xe
tôi
không đi qua. Nơi mà mùa-thu sinh ra, nơi mà
tôi có ba năm ngồi học ở đó, nơi
có thầy Thiển tận tụy dạy dỗ bao nhiêu lớp học trò
giỏi thi đỗ vào đệ Thất Trịnh
Hoài Đức ngày xưa.
Và ngày xưa tôi vẫn từng đạp xe chở em về ngang,
dừng lại vào viếng Chúa. Nhớ em vẫn cười ngơ ngác
trên lưng tôi mà không hỏi vì
sao như thế…Có mùa-thu biết vì sao nhưng hờn
nên im lặng không chịu mở lời.
Sài Gòn đón tôi trong đêm ồn
ào, người xe chen
nhau vội vã, nhìn thôi đã muốn ngạt thở.
Chia tay em, gởi lại góc vườn yên ả đó
một hình bóng thân thương để bước lại đường trần
gian nghiệt ngã này, thật tình
tôi chỉ muốn khóc, muốn quên. Nhưng không sao
bỏ quên được, mùa-thu-em-tôi đã
mãi gắn dính muôn năm rồi.
Ở đâu đó hình như còn âm vang nhắc nhớ
và mỗi bận
giao mùa tôi vẫn thường ngâm nga:
Chiều cuối năm vẫn chiều cuối năm cũ
Gió tự trong lòng gió thổi ra…