Xuân tha hương nhớ Tết quê nhà

Từ thị Cảnh


    Tôi đã xa quê hương gần 20 năm. Cứ mỗi độ xuân về, lòng tôi lại se thắt khi nhớ lại những mùa xuân năm cũ nơi quê hương Bình Dương thân yêu .
Mùa xuân ở quê tôi có bông mai vàng nở rực trước sân nhà, có  những  tiếng pháo nổ đì đùng trong đêm giao thừa. Còn nơi đây, tôi không còn nghe tiếng pháo nổ và nhìn thấy những bông mai vàng thực sự nữa. Hồi nhỏ, tôi rất mong đến Tết  để  được mặc quần áo mới, được đeo bông tai bằng vàng y, được đeo kiềng vàng để về quê nội ở Tân An Xã. Tôi được ông bà, cô, bác, anh, chị lì xì rất nhiều tiền. Tôi còn được chơi bầu, cua, cá, cọp, được đánh bài cào, dì dách rất vui. Khi lớn lên, vì cha mẹ bận lo buôn bán ngoài chợ, tôi phải lo sắp xếp mọi việc trong nhà, lo trang hoàng nhà cửa, lo đi chợ mua thực phẩm về làm những món ăn truyền thống của ngày Tết. Nào là thịt kho, thịt hầm, khổ qua nhồi thịt. Nào là thịt phá lấu, lỗ tai heo nhúng giấm, dưa giá để cúng ba bữa cơm  trên bàn thờ gia tiên ... Má tôi lại mua cả chục con cá lóc và rộng trong một cái lu khá lớn. Những con cá to đùng sẽ được nướng lên và trét mỡ hành thơm ngậy để chúng tôi thết đãi bà con, bạn bè trong ba ngày Tết.
    Riêng ông ngoại tôi, cứ đến rằm tháng chạp là lặt lá cây mai to lớn trước sân nhà để kịp nở vào ngày mồng một Tết. Ngày 23 tháng chạp, cả nhà xúm xít lại để chùi bóng các bộ lư đồng để chưng lên bàn thờ cho đẹp.. Mấy đứa em lại lo đi dẫy mả ông bà ở vùng Tân An Xã. Sau đó lại lo sơn sửa, rửa nhà, chưng bông kiểng để làm đẹp nhà mình. Riêng tôi, phải lo cắt lá chuối, phơi nắng, lau chùi sạch sẽ để má tôi gói bánh tét, bánh ít để cúng ông bà và biếu cho bà con hàng xóm. Với phong tục, tập quán của người Việt Nam chúng ta, trong dịp Tết, bà con thân thuộc thường hay tặng quà cho nhau, nào là bánh mứt, rượu, trái cây... Do đó tình bà con, láng giềng càng ngày càng khắng khít hơn. Nhà tôi gói bánh tét nhiều lắm. Mấy chục đòn chớ không ít. Khi có bà con tới thăm như dì Ba, dì Hai Bé, thím Mười, thím Một ... thì má tôi hay tặng họ một đòn bánh làm quà để “ăn lấy thảo”. Mấy mươi năm đã qua nhưng tôi vẫn còn nhớ như in câu nói của bà.
    Ngày xưa ở quê nhà, ngày mồng một Tết là đi chùa cúng Phật hoặc mở sòng bầu cua, cá, cọp, hay đánh bài cào, bài “cát tê” ăn tiền. Trong gia đình vui chơi với nhau thôi chớ không phải là cờ bạc chuyên nghiệp bởi vì ông bà cha mẹ đều chơi với nhau. Có khi đánh bài “cát tê” mà có tới 8 tụ thay vì 4. Có gia đình nhà như nhà ông Mười Láng ở sau nhà tôi thì mở sòng tứ sắc và đánh từ  sáng đến tối. Chợ búa không bán ngày đó. Qua mồng hai Tết, con cháu tụ họp về nhà từ đường để  mừng tuổi ông bà và nhận tiền lì xì từ người lớn sau đó cùng ăn bữa cơm trưa với nhau rồi mới trở về nhà mình. Ngày mồng ba Tết là ngày Tết Thầy. Học trò rủ nhau đến nhà thầy, cô giáo để chúc Tết, tặng quà thầy cô và được thầy, cô mời ăn bánh mứt, và cùng vui vẻ chuyện trò với nhau. Mùng ba cũng là ngày Tết nhà. Sau khi cúng, ba tôi hay dán những tấm giấy tiền vàng bạc vào giếng nước, cây to, chuồng gà ... để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi.
    Ở xứ người, ngày Tết khác xa ở quê nhà. Trước Tết, người ta cũng mở ra những chợ bán hoa rất đẹp. Trong các chợ Việt Nam có những gian hàng bán bánh chưng, bánh tét. Trước khu Phước Lộc Thọ lại có chợ Tết bán đủ loại như hoa kiểng, bánh mứt, trái cây ... Tóm lại là không thiếu món nào tạo cho mọi người nhớ lại không khí Tết ở quê nhà. Đó là ở khu Little Saigon, còn những nơi xa thì hoàn toàn không có hương vị mùa xuân, thậm chí có nơi còn có tuyết rơi buồn bã.
    Những năm đầu tiên đến Mỹ, khi nghe bài hát "Xuân Nầy Con Không Về" thì tôi rất buồn. Hình ảnh má tôi hiện lên trong tâm trí khiến tôi buồn vô hạn khi nghĩ đến người mẹ hiền đang mong ngóng người con gái ở quê xa không biết bao giờ mới trở về được ... Ở nơi đây, nếu Tết nhằm ngày thường, không phải ngày cuối tuần thì học sinh vẫn đi học bình thường, con cháu vẫn đi làm không nghỉ. Mọi việc đều không có gì thay đổi. Trong đêm giao thừa, người ta thường đi chùa cúng giao thừa, xin xăm, lễ Phật, xin lộc đầu năm vào đúng 12 giờ khuya. Họ thắp nhang lạy Phật, lạy bàn thờ cha mẹ đã qua đời để chúc thọ ông bà và cầu mong sang năm được bình yên. Có nhiều chùa lại cho xin xăm và có bản giải đoán kiết hung tại chỗ. Đa số chùa đều có Phật Tử đến cúng đông lắm nên kiếm chỗ đậu xe không phải dễ dàng. Qua 12 giờ đêm, mình tự về nhà rồi xông đất luôn. Người có đạo thì đến những nhà thờ trong vùng. Ở đó cũng có làm lễ để cầu cho gia đình được yên vui hạnh phúc trong năm mới.
    Mấy năm gần đây, trong dịp Tết, Cộng Đồng Việt Nam có tổ chức đi diễn hành trên đường phố Bolsa vào ngày thứ bảy của tuần lễ Tết. Trong buổi diễn hành có nhiều xe hoa trang trí rất đẹp. Có xe của dân biểu, nghị viên của thành phố Westminster và các thành phố lân cận tham dự. Ngoài ra, còn có các hội đoàn tham dự rất đông. Người xem đứng chật cả hai bên đường. Riêng cháu của tôi cũng được tham gia trong ban nhạc của trường McGarvin. Cháu mặc  áo dài cổ truyền để tham dự trông rất vui. Có cả múa lân và biểu diễn võ thuật trong dịp nầy. Ngoài ra, còn có  các  dân  tộc  khác tham gia như Mexico, Hàn Quốc v.v. nữa.  
    Hội chợ Tết cũng được mở ra hằng năm ở  Garden Grove Park vào 3 ngày thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật của tuần lễ Tết. Buổi lễ khai mạc được tổ chức thật long trọng. Trong hội chợ có nhiều trò chơi dân gian và tái dựng lại phong cảnh của làng quê Việt Nam, có ông đồ ngồi viết liễn, có vinh quy bái tổ, kiệu anh đi trước, võng nàng theo sau ... Ngoài ra còn có thi hoa hậu liên trường, thi trẻ em mặc quốc phục đẹp. Hàng đêm có văn nghệ với nhiều ca sĩ nổi danh tới biểu diễn.
    Tôi có dịp về ăn Tết với má tôi và gia đình vào năm 2007. Tôi có cảm tưởng Tết ở quê mình bây giờ không còn vui vẻ như xưa. Không biết tại mình đã lớn hay do hoàn cảnh đổi khác. Ngày Tết, rất ít người đi thăm viếng nhau, nhà ai nấy ở, đường phố vắng vẻ, ngay trung tâm thành phố cũng vậy. Ngược lại ở Sài Gòn chắc vui hơn nhiều vì có đường hoa Nguyễn Huệ , mỗi năm trang trí khác nhau với nhiều loại bông hoa đủ loại. Du khách đi xem rất đông, nhưng ở đó lại có rất nhiều xe cộ và kẹt xe vô cùng. Tôi có cảm tưởng ngày Tết ở Việt Nam bây giờ, người ta hay thích phô trương bề ngoài hơn là thể hiện những tình cảm của con cháu đối với ông bà cha mẹ hoặc bạn bè với nhau như hồi xưa.
    Ngày Tết là dịp để con cháu về thăm ông, bà, cha, mẹ. Nhưng giờ đây, các con bận lo làm ăn kiếm tiền sinh sống, không có thì giờ về thăm, chỉ chúc Tết qua điện thoại mà thôi. Ngày xuân không còn ý nghĩa thiêng liêng như ngày xưa nữa. Mùa xuân tha hương không có gì đặc sắc. Tuy rằng trên bàn thờ tổ tiên cũng có đủ bánh chưng, bánh tét, dưa hấu, trái cây, bông hoa tươi thắm nhưng mùa xuân ở quê người rất buồn vì không có bạn bè, bà con, thăm viếng, không có những bữa ăn chung trong gia đình.
    Mùa xuân đến, chúng ta lại thêm một tuổi. Thời gian trôi qua không bao giờ trở lại. Nhắc lại những cái Tết ở quê nhà đã đi vào tâm tưởng của chúng ta để nhớ về quê hương nghìn trùng cách trở. Nói về cái Tết ở phương xa để bạn hình dung được một phần cuộc sống của người viễn xứ mà lòng vẫn nhớ cố hương. Bạn và tôi mỗi người mỗi nơi, chúng ta phải chấp nhận hoàn cảnh hiện tại để vui sống. Chúng ta phải tận hưởng những gì đang có, cố gắng sống vui, sống khỏe để được trường thọ cùng với các con và các cháu. Đó phải chăng là ước mơ đẹp của tất cả mọi người ...
    Thân chúc tất cả bạn bè, thầy cô một năm mới an khang, thịnh vượng và có được sức khỏe dồi dào ...

(12/2011)