Trường xưa ngày trở lại
NTĐ

(Tưởng nhớ về quý thầy cô với lòng tri ân, đặc biệt đối với những vị đã mãn phần: Nguyễn Hiển, Nguyễn Tường Thuỵ, Nguyễn Trọng Nhượng)


Tôi về đất Búng vào một ngày cuối năm giáp Tết mong tìm lại chùm khế ngọt ngào của những ngày xưa thân ái, tìm lại một thời tuổi trẻ hồn nhiên trong trắng, tìm lại con đường xưa giữa cánh đồng lúa vàng ngập hương lúa chín dẫn đến trường trung học, ngôi trường chứa một quãng đời hạnh phúc nhất .

…Tôi đi lại con đường xưa với tâm trạng của người lữ hành cô độc, với nỗi bẽ bàng của người bị lỗi hẹn, vì con đường xưa không còn nữa, không còn là em nữa. Cánh đồng lúa chín vàng đã biến mất thay thế bằng những dãy phố, hàng quán xô bồ. Con đường giữa cánh đồng lúa ngày xưa, rợp những tà áo trắng bay trong gió, với tiếng guốc gõ lóc cóc, nón lá che nghiêng mái tóc thề chỉ còn trong ký ức. Giờ đây con đường đã được trải nhựa rộng thênh thang xe cộ ngược xuôi chóng mặt.
Trường nữ trung học cũ năm nào vẫn còn đó ẩn mình sau ngôi trường tiểu học bán trú bề thế mới xây sau nầy, như một chứng tích hoang phế ngậm ngùi thân phận. Ôi, thời oanh liệt nay còn đâu!

...Tôi lặng lẽ bước lên bậc tam cấp có  mái hình vòng cung. Tôi nghe  như có tiếng người xưa gọi về. Dòng sông ký ức ngược dòng quay trở lại những tháng năm đẹp nhất đời người cách đây hơn bốn mươi năm về trước…

Khoảng rộng thênh thang cạnh cầu thang lên lầu là nơi thầy cô để xe. Tôi nhớ như in chiếc xe vespa xanh nhạt của thầy Lê Đức Cửu thường dựng sát vách tường cạnh chiếc bàn đôi dành cho học sinh trực. Xe Sach của thầy Phán để kế đó. Chiếc Suzuki của thầy Thuật màu đỏ. Còn chiếc Yamaha màu xanh là của cô Đàn Hội… Bọn học trò chúng tôi thường liếc qua đó để coi thầy cô vô chưa. Tuy là toàn nữ nhi nhưng chúng tôi phá phách không kém ai. Có hôm cả bọn hái hoa dại trước sân trường cắm đầy xe vespa của thầy Cửu để làm xe hoa. Có khi không chơi hoa nữa mà rắc đầy cát lên xe. Ôi, nhứt quỷ nhì ma, thứ ba là học trò … nữ.
Từ mái hiên hình vòm cung nhìn ra sân trường rộng mênh mông ở giữa có cột cờ cao vút. Mỗi sáng và chiều các lớp ra sân cỏ sắp hàng chào cờ. Nơi đây có hình ảnh cả lớp năm đệ lục bị quì gối dưới sân cờ vì tội cười (hay lây) khi hát quốc ca.

Bước qua phòng giám thị là tầng trệt có bốn lớp. Ký ức năm  đệ lục cả bọn tôi gồm Xuân Dung, Huỳnh Chân, Huỳnh thị Mỹ, Thái Hảo… chui hàng rào mua củ sắn ăn nhiều đến đau bụng bị "Tào Tháo rượt”. Xuân Dung có một bộ đồ chơi bán hàng bằng nhôm má mới mua cho. Học lớp đệ lục rồi nhưng chúng tôi vẫn còn thích mê tơi. Đi học xong hai giờ đầu buổi sáng rủ nhau về ngõ ruộng, qua đám đậu que đầy trái lủng lẳng. Chợt một đứa có ý nghĩ  hái mấy trái đậu que về nhà Xuân Dung chơi nấu ăn. Thế là đứa nào cũng bứt lia lịa bỏ vào cặp. Đang hái, bỗng từ sau lưng có tiếng chạy thình thịch và tiếng la ỏm tỏi của bà chủ ruộng: “Ai cho tụi bây hái đậu?”. Cả bọn xanh mặt cắm đầu chạy thoát thân không dám ngoảnh mặt lại, áo dài bay phất phới trong nắng trưa. Ôi, tuổi nhỏ dại khờ!.

Lớn hơn một chút, lên lớp đệ ngũ, không còn chơi trò bán quán nữa. Không thể giải thích tại sao. Sáng nào tôi với Xuân Dung cũng đi bộ vô chùa Phước Tường chơi. Ngôi chùa cổ kính nằm dưới những tàng cây cổ thụ và giữa rừng sim tím, tím cả mắt môi mỗi mùa trái chín. Trong chùa có nhiều học trò trọ học. Có bạn cùng lớp là chị Hồng, chị Niềm. Em của chị Hồng là Hữu Lịnh. Thêm vào đó là các anh học lớp đệ nhị, đệ nhất là anh Châu, anh Thạch. Nhìn các anh ngồi học bài chăm chỉ, tôi và Dung thật ngưỡng mộ. Tôi còn nhớ bên hông chùa Phước Tường có cái giếng nước rất trong, chung quanh giếng trồng đầy rau trái thật mát mắt. Có bà sư già gọi là bà Ba, vào buổi trưa bà thường hay vo gạo nấu cơm ở đó. Ôi một thời tuổi nhỏ hồn nhiên, sau nầy mỗi lần Xuân Dung về thăm quê hương, tôi và Dung thường ngồi nhắc lại những kỷ niệm ngày nào, rồi nhớ lại những người xưa để xem ai còn ai mất. Ngày đó, trong mắt tôi và Dung , chị N. là một nữ sinh thật xinh đẹp và có nhiều chàng trai vây quanh. Tuy cùng lớp nhưng tôi và Dung chỉ là những đứa trẻ con bên chị. Chị H. thường đi chung với chị N. Cả hai cùng từ Phú Hoà Đông qua trọ học. Chị H. không đẹp như chị N. nhưng có gương mặt rất có duyên, đằm thắm, tự tin, nói năng dịu dàng nhỏ nhẹ. Cuộc đời sau nầy không ai ngờ được “hồng nhan đa truân”. Chị N. vẫn ở quê cũ. Còn chị H. là một người thành đạt và có một gia đình viên mãn ở Sài Gòn. Anh Châu không biết bây giờ ra sao, còn anh Thạch được biết là một "người làm vườn" thành đạt ở Úc Châu. Anh Thạch chắc không còn nhớ hai đứa bé con này đâu!.  Và hai đứa bé con ngày xưa, sau những  tháng ngày khó khăn gian khổ của thời bao cấp, bươn chải tất bật nuôi con, khi con cái trưởng thành, ngước mặt lên thì “chiều đã tím loang vỉa hè”. Dung định cư cùng gia đình bên kia bờ đại dương. Tôi về làm dâu nơi xứ lạ, xin nhận nơi ấy làm quê hương thứ hai, để: “Chiều chiều ra đứng ngõ sau, trông  về quê mẹ ruột đau chín chiều”.
Lớp đệ tứ học lại phòng học của lớp đệ thất, phòng kế chót. Tôi nhớ trước hết là thầy Đệ dạy toán. Thầy trẻ đến nỗi có đứa nói các anh lớp đệ nhất bên trường nam qua dạy. Cô Tính dạy quốc văn. Thầy Đặng Thanh Châu dạy vạn vật. Thầy đi dạy tay không cầm một thứ gì. Thầy vẽ cơ thể con người rất nhanh và rất đẹp. Thầy giảng bài như kể một câu chuyện, thật giản đơn, không lý thuyết. Năm ấy, những ngày tháng 12 rất lạnh, bông bù xít nở trắng cả một góc rào sau cửa sổ, thầy nhìn ra lặng yên một chút rồi kể cho chúng tôi nghe, lúc thầy còn trong lính đi hành quân, mùa lạnh bông bù xít nở đầy cả núi rừng, thầy gọi là Vương Hậu Rừng Hoang. Sau nầy chúng tôi thường bắt chước thầy cũng gọi bông bù xít là Vương Hậu Rừng Hoang.

Năm đệ tứ lớp có một thành viên mới từ trường ngoài vô. Bạn tên T., ốm như sợi dây leo, đôi mắt tròn xoe đen thui thật ấn tượng. Vì bạn vô sau nên cô xếp bạn ngồi bàn chót. Ngày đầu tôi chỉ biết bạn vậy thôi. Sau nầy tôi được biết thêm một điều nghiệt ngã nữa. Bạn là em gái của người xưa, của mối tình đầu trong trắng đã vỡ tan. Ngày ngày nhìn T., tôi nhớ lại anh. Những ký ức ngọt ngào, những cảm xúc nồng ấm trở về. Phải thật lâu tôi mới lấy lại thăng bằng, và coi T. như những người bạn bình thường trong lớp. Tuổi trẻ hồn nhiên và thời gian một lần nữa làm lành lại vết thương ngày xa xưa ấy. Tôi còn nhớ những năm sau nầy T. học rất giỏi. T. và bạn B. thường đi học chung vì gần nhà. Tin cuối cùng là T. và B. cùng thi đậu vào Đại học sư phạm. Sau biến cố 1975 tôi không còn biết tin gì về bạn. Nghe B. nói bạn và gia đình định cư bên kia bờ đại dương xa thẳm. Ôi không bao giờ tôi quên đôi mắt của bạn T., tròn xoe, đen thật đen, ngơ ngác bước vào lớp tứ P1 lần đầu tiên. Đôi mắt thật đẹp.

Trở lại kế bên phòng giám thị là lớp đệ tam, năm ấy trường đổi lại là lớp 10. Tôi bỗng nghe văng vẳng tiếng thầy Cửu giảng ca dao, giọng Bắc kỳ của thầy ngọt ngào, sâu lắng, buồn mênh mông :

    …Ba đồng một mớ trầu cay,
    Sao  anh không hỏi những ngày còn không?
     Bây giờ em đã có chồng….

    Hay nghe như có tiếng người thiếu phụ ru con giữa trưa hè như khóc thầm cho thân phận mình :

    Ầu ơ, tưởng giếng sâu, tôi thắt sợi dây dài.
    Ai ngờ giếng cạn, tôi tiếc hoài sợi dây.

Tôi lại nhớ tới hình ảnh thầy Trần Khắc Cung dạy Pháp Văn. Thầy đi chiếc mobylette xanh nhạt. Nhớ tới lúc thầy thở dài ngao ngán cho lớp Pháp văn vì cả kỳ thi cá nguyệt ít ai trên điểm trung bình, trừ  Lâm Thuý Vân, Lê Tâm, Trương thị Bảy…

Thầy Bùi Thế San dạy Vạn vật, đeo kiếng cận trắng, cao lớn đẹp trai. Thầy đi chiếc xe vespa màu trắng, giọng Bắc giảng bài của thầy thật truyền cảm. Tôi còn nhớ cuối năm lớp 10 thầy đem vào lớp những logo đủ màu hình bông hoa thật đẹp, cho mỗi đứa một cái. Tôi cũng được thầy cho một cái bông màu xanh dán lên cặp táp, và chiếc cặp da dán bông tròn màu xanh đã theo tôi hết quãng đời trung học.     Cô Hoàng Thị Đàn Hội năm ấy dạy Sử Địa lớp tôi. Cô mới ra trường rất trẻ và năng động. Cô như một làn gió mới, nóng bỏng thổi vào trường. Khi giảng bài, nhất là những bài sử ký, cô giảng với tất cả tâm huyết nên rất sinh động, hết giờ hồi nào không hay. Hình ảnh sinh động của cô còn ở chỗ cô có giọng Huế dịu dàng đầm thắm. Dáng nhỏ xinh, trẻ trung của cô thật duyên dáng di chuyển từ bục giảng qua tấm bảng đen hay xuống bàn học trò như con chim se sẻ nhảy chuyền cành. Hình ảnh của cô chắp cánh cho ước mơ làm cô giáo của tôi bay cao (nhưng không thành).
Tôi nhớ năm ấy Ngọc Liễu làm trưởng lớp. Liễu rất đẹp nhưng hơi đẫy đà. Tuy vậy, dáng đi của cô nàng nhẹ nhàng như lướt gió. Lưu Ánh Tuyết làm trưởng ban thể thao, làm trưởng đoàn lớp 10 A1 theo thầy Nguyễn Trọng Nhượng đi cắm trại ở Bãi Dâu Vũng Tàu. Còn tôi trong ban báo chí với Hoàng Mai. Năm ấy (lớp 10) cả lớp ra được tờ báo Xuân đặt tên là Cỏ May. Toàn ban chấp hành lớp qua bên trường nam bán báo. Báo Cỏ May của chúng tôi đắt như tôm tươi, bán hết trơn trong một thời gian ngắn thật là vui.

Tôi leo từng bậc cầu thang lên lầu. Kỷ niệm lớp 11 ùa về. Ký ức một thời con gái đã biết làm dáng, tóc dài ngang vai, nón lá bài thơ che nghiêng tà áo trắng, đôi guốc gỗ khua lóc cóc mỗi khi lên trả bài.

Thầy Nguyễn Hiển dạy Pháp văn chỉ mấy tháng đầu năm. Nhà thầy ở Sài Gòn. Thầy đi dạy bằng chiếc xe Honda màu xanh biển. Tôi còn nhớ thầy đeo kính cận gọng đen, và Pháp văn vẫn là món ăn khó nuốt của phần đông chúng tôi. Một hôm, tới giờ học mà cả lớp đợi hoài không thấy thầy Hiển vô. Hơn một tiếng sau thì được tin thầy Hiển trên đường đi dạy bị tai nạn giao thông, gãy chân, đang nằm ở bệnh viện Bình Dân. Thế là cả lớp, leo lên xe đò Đồng Hiệp chạy đường Bình Dương – Sài Gòn để đi thăm thầy. Áo dài của lớp tôi trắng cả phòng bệnh viện Bình Dân ngày hôm ấy và nhiều tháng ngày sau nữa. Xóm nhà lá thường xuống thăm thầy, vì vết thương nặng nên thầy nằm ở đây thật lâu. Sau nầy thầy phải đi với một chân bị tật…Và cuộc đời như gió cuốn, tôi còn nhớ khi tôi tất bật đèn sách những năm đầu đại học, thầy có tới ký túc xá thăm tôi. Thầy đi với cây gậy… Sau cơn bão 1975, không có tin gì của thầy đến khi 40 năm sau đọc trên trang nhà Trịnh Hoài Đức mới biết thầy đã mãn phần. Ôi! thầy ơi!

Thầy Nguyễn văn Mẹo thay thầy Hiển. Thầy thật hiền, vui tánh, thầy có lối kêu trả bài thật lạ, cả lớp im phăng phắc trong giờ trả bài, thầy nhìn sổ điểm gọi tên:

-Năm nhơn hai trừ một (5x2) - 1.

Không khí căng thẳng đã giãn ra nhưng thầy gọi ai? Tíc tắc còn chưa kịp hiểu ra thì có một bóng áo dài cầm tập đi lên.

Cả lớp  “à” lên một tiếng và phục lăn trí thông minh của bạn Nguyễn thị Chín (Chín đã mãn phần sau tết 2011). Lớp có bạn tên Đỗ thị Năm, thầy gọi ngược lại là Năm thi đỗ, bạn Năm rất thích thú với cái tên thầy gọi và năm ấy bạn Năm thi đỗ tú tài phần một kỳ đầu. Bạn Xuân Mai bị bệnh tim thường hay mệt xỉu. Hôm ấy, giờ trả bài, thầy kêu Xuân Mai. Nhỏ Mai đứng lên chưa đầy một phút rồi từ từ ngã quỵ xuống sàn nhà bất tỉnh vì sợ hãi (ai làm học trò mà không sợ bị kêu lên trả bài), làm cả lớp và thầy Mẹo một phen hú vía. Còn Phương Loan mồ hôi ra ướt đẫm cả hai tay khi giải bài toán trên bảng.

Thầy Trà văn Gởi dạy Vạn Vật. Lớp 11 học Thực vật. Thầy dạy tới bài Hoa và Trái, thầy sai tôi, Xuân Mai, Hoàng Mai (ngồi bàn đầu) đi xuống lầu hái cho thầy thật nhiều bông. Ba đứa qua trường tiểu học Thạnh Bình cạnh trường nữ xin hái bông để học, không những được tặng rất nhiều bông, mà còn được thầy Nguyễn văn Là (hiệu trưởng trường tiểu học Thạnh Bình) chụp tặng cho mấy tấm hình thật đẹp, giờ là những tấm hình kỷ niệm rất quí mà chúng tôi còn giữ mãi.

Thầy tên Gởi nhưng chúng tôi đặt thầy là Chùm Gởi, chẳng hạn như: “Ê, hôm nay thầy Chùm Gởi trả bài đó” (xin thầy Gởi tha lỗi cho nhân vật thứ ba.. tụi em). Lớp 11, xóm nhà lá chúng tôi ngồi gần nhau chơi chung một nhóm (học trung bình) Nguyễn thị Tư, Bạch Vân, Nguyễn thị Chín, Phương Loan, Đỗ Năm, Huỳnh Chân, Xuân Dung, Huỳnh thị Mỹ, Thái Hảo… Mỗi tuần mấy lần, có giờ trống là leo lên xe đò xuống nhà bạnTư tận Vĩnh Phú chơi. Chúng tôi mê xuống nhà bạn Tư như mê đi chùa Phước Tường ngày xưa. Cả bọn phá phách, hái trái, đùa giỡn la hét. Ba má bạn Tư không những không la rầy, mà rất thương, còn làm đồ ăn khoản đãi. Tôi nhớ hoài món gỏi bông sầu riêng má bạn Tư cho ăn. Lạ và ngon không thể tưởng!. Giờ được ăn nhiều món ngon, đắt tiền hơn, sang trọng hơn, nhưng không bao giờ tìm được hương vị ngon ngọt tuyệt vời của gỏi bông sầu riêng ngày xưa ấy. Hồi học lớp 11, bạn Bạch Vân xinh nhất, có nhiều người theo đuổi. Có anh Hùng nhiều lần đi theo bọn chúng tôi đến nhà bạn Tư chơi. Hùng có máy chụp hình chụp cả bọn rất nhiều hình. Bây giờ xem lại những tấm hình nầy thì thấy như cả một thời con gái hiện về, hồn nhiên, vô tư lự. Cuối năm lớp 11 ấy, Bạch Vân theo chồng bỏ cuộc thi, và kỳ thi tú tài phần một cũng làm tứ tán mỗi đứa một phương trời. Bạch Vân giờ ở phương xa chắc vẫn còn nhớ những ngày rong chơi ở Vĩnh Phú ...

Lớp 12 qua trường nam học. Con đường đến trường nam cũng đầy bướm vàng bay. Sau kỳ thi tú tài phần một, tôi chia tay tất cả, chỉ còn Huỳnh Chân, Hoàng Mai là bạn thân. Lớp 12 A1 là lớp đầu tiên của dãy lớp mới do công binh Đại Hàn xây tặng, nằm kế bên hàng rào trường Nông Lâm Súc. Mỗi sáng, tôi hồn nhiên xách cặp đi bộ tới nhà Huỳnh Chân gần trạm xá Búng rủ nhỏ đi học. Hai đứa nói đủ thứ chuyện trên đường đến trường. Thích nhất là những ngày cuối năm. Tiết trời lành lạnh. Cánh đồng lúa vàng bát ngát cạnh trường nam có đám đã gặt còn trơ gốc rạ. Khói đốt đồng bay trong nắng hoà cùng sương mù buổi sáng sớm, thơm mùi lúa chín, mùi đất, mùi sương khói và vương vương lên tà áo dài đi học buổi sớm mai. Gió lập đông thổi về làm những tà áo dài trắng bay bay, làm mái tóc dài ai đó rối tung. Qua sân trước văn phòng rộng mênh mông, tượng danh nhân Trịnh Hoài Đức uy nghi thâm trầm dưới tán những cây dầu to lớn. Sau văn phòng là khoảng sân cát trắng rợp bóng những cây me Tây già, chạy dài tới cột cờ. Dưới bóng mát me Tây già cạnh văn phòng là chiếc xe hơi màu trắng của thầy hiệu trưởng và của thầy Nhượng thường đậu. Lá vàng rụng đầy xe thật đẹp. Tôi và nhỏ Chân thường vào quán bác Trầm mua bánh mì ăn sáng. Bác Trầm gái rất thương bọn học trò con gái, nhận bánh mì toàn thịt nạc. Bác nói còn thịt mỡ để dành cho bọn con trai. Ăn thêm một ly đậu đỏ bánh lọt là vừa lúc chuông vào học.

Năm học lớp 12 là mùa hè đỏ lửa 72. Chúng tôi học Pháp văn với thầy Nguyễn Trọng Nhượng. Thầy ăn mặc rất đẹp, đúng mốt. Thầy thường nói: “Chỉ còn một năm nay nữa thôi, sang năm không còn ai ở bên cạnh các em để dạy bảo nữa đâu”. Thầy thường dạy chúng tôi cách ăn nói, đi đứng như thế nào cho lịch sự, như không bao giờ bỏ dép ra khỏi chân khi ngồi trong lớp hay những chỗ đông người… Những lời dạy dỗ ấy quí báu biết bao cho cuộc sống sau nầy của chúng tôi.
Lớp chúng tôi học sử địa với thầy Nguyễn Thiện Thuật. Thầy rất đẹp trai, ăn nói lưu loát như bôi mỡ vào miệng. Thầy dạy sử địa rất hay. Cả lớp rất thích giờ thầy. Thầy Thuật có hai kỷ niệm với lớp tôi năm ấy. Tôi nhớ lớp qua học ở dãy trệt, phòng đầu tiên của trường nam. Chuyện cũng không có gì to lớn lắm, nói chuyện trong giờ học thường thì thầy cô chỉ nhắc nhở rồi thôi, trước thầy cũng vậy, nhưng hôm ấy bạn Q. cũng nói chuyện, không hiểu sao thầy kêu lên tát vào mặt Q. một cái thật mạnh, rồi đuổi ra khỏi lớp. Q. ôm mặt ra ngoài đứng một hồi rồi ôm cặp về luôn. Cả lớp sững sờ im lặng. Mấy hôm sau có giờ của thầy, bạn Q. cũng đi học bình thường, và tưởng thầy đã nguôi cơn giận, nhưng không ngờ, thầy đuổi bạn Q. ra ngoài tiếp và nói bạn Q. ngày hôm qua bỏ đi về là sai, dù có bị đòn chảy máu môi cũng phải đứng ngoài cửa lớp!

Kỷ niệm thứ hai là hôm ấy thầy vô lớp sớm khi bàn giáo sư còn nhiều đồ đạc linh tinh chưa kịp dẹp. Thầy hỏi của ai, cả lớp im lặng. Thầy không dạy, phạt cả lớp ngồi im đến hết giờ, luôn cả tuần sau, không khí thật là ngột ngạt, khó chịu. Không biết sao, sau đó nhỏ L. thú nhận. Thầy phạt L. quỳ gối giữa cửa ra vào đến hết giờ hôm đó. Tuổi trẻ dễ quên và ngày hôm sau vẫn hồn nhiên vô tư đùa giỡn… Giờ nghĩ lại thấy thầy thật nghiêm khắc, nhưng chính nhờ sự nghiêm khắc ấy chúng tôi ngày nay mới nên người.

Thầy Nguyễn Tường Thuỵ dạy toán. Thầy trẻ, bao giờ cũng chỉ mặc độc một tông màu là quần kaki vàng và áo sơ mi trắng. Giờ học toán thật vui và lạ lùng nhất vì tập toán không ai được bao sạch sẽ. Học hình học hay bất cứ điều gì không được kẻ bằng thước kẻ, mà kẻ bằng tay, cho nên chỉ một cây viết và một cuốn tập trong giờ toán mà thôi. Thầy bảo là để chuẩn bị cho chúng tôi năm sau vào đại học, không ai đọc cho chép đâu, thầy giáo đại học chỉ giảng bài như bay trên bảng, học trò bên dưới muốn ghi bài ra sao thì ghi. Sau nầy tôi cũng thấy nhờ vậy, nên chúng tôi không hề lạ lẫm trong giảng đường đại học. Có một kỷ niệm đẹp với thầy mà bây giờ tôi mới nói. Không phải chuyện của tôi mà chuyện của một người bạn cùng lớp. Hôm ấy, bạn tôi cứ ngập ngừng mãi, rồi cuối cùng nhờ tôi một chuyện thật bất ngờ, không có trong trí tưởng tượng của tôi. Bạn tôi nhờ tôi trao dùm cho thầy Thụỵ một phong thơ. Tôi ngu ngơ làm theo lời bạn nhờ, lúc thầy đứng một mình ở hàng ba lớp học, tôi đưa bao thơ đó cho thầy. Thầy nhận và mỉm cười không nói gì. Rồi tôi chạy vụt đi khi mình đã hoàn thành nhiệm vụ. Các bạn cũng biết đó là bao thơ gì rồi chứ.

Thật là vụng dại, sau nầy bạn tôi cũng quên đi như bao kỷ niệm đẹp của một thời làm học trò nhiều mơ mộng.

…Ký ức mênh mang dẫn tôi giã từ trường nữ, đi lại con đường cũ trở lại trường nam. Ngã ba đường rầy có ngôi nhà xinh đẹp giữa vườn cây đầy hoa bướm vẫn còn đây, nhưng con đường đến trường mỗi ngày của tôi và Huỳnh Chân không còn nữa. Cánh đồng lúa vàng cạnh trường nam đã biến mất thay vào đó phố thị sầm uất, xe cộ ngược xuôi. Tất cả giờ chỉ còn trong kỷ niệm. Trường xưa được xây cất lại thật hoành tráng, đẹp như trong truyện cổ tích, chứng tỏ sự phát triển của nước nhà, nhiều dãy lầu ngang dọc, mái ngói đỏ thắm nhìn xuống hàng phượng vĩ rợp bóng sân trường.

Bước chân tôi dừng lại  bên tượng người xưa dưới tàng cây dầu xao xác lá vàng rơi trong cơn gió cuối năm lạnh buốt, chứng tích duy nhất ngày xưa còn sót lại. Hàng cây dầu vẫn còn đây giờ đã thành cổ thụ. Tượng người xưa vẫn còn đây vai áo bạc màu năm tháng. Và hình như cơn gió lạnh vừa thổi qua là cơn gió của những ngày cuối năm lớp 12. Còn y nguyên tiếng cười của Huỳnh Chân, của Hoàng Mai hồn nhiên trong vắt bên hồ nước long lanh dưới chân tượng đài. Chiếc lá vàng nào đó rơi trên vai bức tượng làm nhớ lại bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan mà  thầy Cửu trên bục giảng năm nào:

    ...Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
    Đền cũ lâu đài bóng tịch dương... 

Văn phòng trường nam xưa với khoảng sân rộng mênh mông cũng chỉ còn trong quá khứ. Bây giờ nơi đây là phòng truyền thống, xây dựng chiếm luôn khoảng sân xưa, hoành tráng rộng lớn hơn nhiều nhưng sao vô hồn và xa lạ quá. Biết cuộc đời là vô thường nhưng sao lòng tôi vẫn xót xa…

Bóng chiều đã về màu tím trên ngọn cây dầu cổ thụ. Gió cuối năm xao xác thổi từng cơn lạnh giá.

Xin giã từ tất cả, giã từ những kỷ niệm buồn vui, giã từ trường trung học thương yêu, ký ức và hiện tại đan xen. Cánh cổng trường khép lại sau lưng tôi, như thầm hiểu rằng đây là lần cuối cùng tôi trở lại .

Ôi! Một thời tuổi trẻ hạnh phúc nhất xin giữ lại làm hành trang cho con đường phía trước không còn bao xa nữa. Dù mỗi người trong chúng ta có được vòng tròn viên mãn hay không viên mãn. Dù cuộc đời còn không ít khó khăn, xin hãy để nụ cười ánh mắt hồn nhiên ngày xưa đó xoá tan mọi ưu phiền khi nhắc lại.     Giã từ Trịnh Hoài Đức với lòng nhẹ tênh!. Cho tôi xin được yêu thương và xin được thứ tha! Trịnh Hoài Đức ơi ! Thầy cô ơi! Bạn bè ơi!

NTĐ
Cuối năm 2011.