Nhớ Về Một Thuở
Lưu Thanh Bình
 

Thời trang

    Đầu thập niên 70, thời trang nữ sinh có một sự thay đổi đáng kể: chiếc áo dài raglan tay ráp không thắt eo giúp người mặc có vẻ cao hơn, tha thướt hơn và che bớt đi những khiếm khuyết cơ thể, nhất là làm giảm đi độ cong của những chiếc lưng tôm và phần mông không bị phình ra (thắt eo như chiếc áo dài cũ khiến người nhìn có cảm giác thân thể người ta chia làm hai phần: trên eo và dưới eo), vạt áo rút ngắn lên dưới gối một chút, trông thanh thoát hơn, trẻ trung hơn và gợi cảm hơn. Cộng thêm chiếc giày bít mũi quai dây tréo vừa kín đáo vừa khoe khoang một chút. Rồi thêm chiếc nón lá và chiếc cặp che ngang là đủ bộ. Những năm đệ nhị cấp, buổi sáng chịu khó đi học sớm hơn một chút, không phải để quét lớp mà ra tựa lan can ngắm tà áo dài Tuyết Đông và Tuý Oanh thướt tha khoan thai băng qua sân trường. Ngày đó kể như đủ vốn.



Nữ sinh khoá 11 (ảnh Nguyễn Xuân Dung)

    Hình như hồi ấy gu nhỏ nhắn, thon mảnh đang lên ngôi kiểu “vai em gầy guộc nhỏ”, nói chung ốm là đẹp.     Còn thời trang nam sinh, cứ nhìn trong trang nhà Trịnh Hoài Đức phần hình ảnh sinh hoạt, các bạn sẽ nhớ lại một thời: Áo sơ mi không còn rộng thùng thình nữa mà ôm sát người kiểu The Beatles, cổ áo bẻ to bản, chất liệu vải KT 3000 trông thật mỏng manh, nếu rủi mà bị ướt do mưa chẳng hạn thì phần da thịt như lộ hẳn ra ngoài, quần không còn túm nữa mà dưới gối bắt đầu loe ra đến 20-30 cm, thắt lưng ít khi may con bọ để xỏ dây nịt mà cài bằng móc nhỏ vắt qua,  giày bốt cao hơn mắt cá chân, đa số chuộng màu nâu hoặc vàng da bò hơn màu đen…


GS Nguyễn thiện Thuật và nam sinh khoá 12 (ảnh Lê thành Danh)

     Ở Sài Gòn hiện nay có một quán cà phê thoáng mát yên tĩnh nằm trong một ngõ nhỏ trên  đường Nguyễn Văn Trỗi (Công Lý cũ) Q3, tường treo đầy những hình ảnh sinh hoạt Sài Gòn thời thập niên 60, 70 thế kỷ trước như cầu Bình Lợi, cổng tam quan Lăng Lê Văn Duyệt, chiếc Velo Solex, trường nữ Lê Văn Duyệt, trường Văn Hiến, trường Gia Long, xe taxi con cóc, chợ Bến Thành, đường Lê Lợi, Thảo Cầm Viên… làm khách gợi nhớ đến một thời đã qua. Thật khó bứt ra khỏi những hình ảnh đen trắng hoặc màu nhờ nhờ cắt ra từ những tờ báo cũ cách nay nửa thế kỷ. Chứng tích của một thời mà mỗi người đều tự tìm thấy mình trong đó. Quán cà phê có tên là Một Thuở.
 
Thơ

    Mỗi lần đi qua Biên Hoà, mình thường đưa mắt tìm trường trung học Ngô Quyền toạ lạc bên trục đường chính, có kiến trúc y hệt như Trịnh Hoài Đức chúng ta. Nếu Trịnh Hoài Đức hãnh diện là chiếc nôi của Nguỵ Văn Thà thì Ngô Quyền cũng hãnh diện với một Nguyễn Tất Nhiên (sinh năm 1952), nhà thơ trẻ một thời nổi tiếng với những bài Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ, Masoeur, Khúc Buồn Tình, Hai Năm Tình Lận Đận (đã được Phạm Duy phổ nhạc), Linh Mục (Nguyễn Đức Quang phổ nhạc) … Nhà thơ tuổi Nhâm Thìn, đồng tuổi với cựu học sinh khoá 9, khoá 10 trường ta. Tuổi ấy ra đường lúc nào cái bóp cũng dày cộp, không phải có nhiều tiền mà nhiều…giấy tờ.

 
Nguyễn Tất Nhiên (nguồn: Wikipedia)

    Thơ Nguyễn Tất Nhiên thật lạ, vần điệu ra ngoài những khuôn sáo cũ, tứ thơ cũng thật dữ dội, mà lại phù hợp với tâm lý giới trẻ nên được đón nhận nồng nhiệt, nhất là khi một số bài đã được phổ nhạc. Thật buồn là nhà thơ đã tự kết liễu cuộc đời đầy trắc trở của mình khi mới 38 tuổi, hay tại tinh anh phát tiết ra ngoài sớm quá nên yểu mệnh? Mộ ông hiện nằm trong nghĩa trang Westminster, Little Saigon California, đến nay vẫn được nhiều người đến viếng.

Khúc buồn tình (1970)

Người từ trăm năm
Về ngang sông rộng
Ta ngoắc mòn tay
Trùng trùng gió lộng
(Thà như giọt mưa
Vỡ trên tượng đá
Thà như giọt mưa
Khô trên tượng đá
Có còn hơn không
Mưa ôm tượng đá)…

(Phạm Duy phổ nhạc bài này thành “Thà Như Giọt Mưa”)
   
Có một khoảng lặng sau năm 1968, an ninh tạm vãn hồi ở các đô thị và trục lộ chính. Sinh hoạt hiệu đoàn Trịnh Hoài Đức nhờ vậy cũng hoạt động rất sôi nổi: thể thao, văn nghệ, công tác xã hội và cắm trại. Hiệu trưởng là thầy Lê Tấn Lộc cũng rất ủng hộ những hoạt động này, mà điển hình là lần văn nghệ học đường Trịnh Hoài Đức lên truyền hình và lần cắm trại toàn trường tại Vũng Tàu đầu năm 1971. Đây cũng là thời hoàng kim của báo học trò: báo tường, báo lớp, báo trường, báo liên trường… nhất là những dịp Xuân về Tết đến, tất cả lại rộn ràng với những chương trình, kế hoạch viết bài như trăm hoa đua nở. In xong rồi phân phối cho lớp, khối lớp kiểu cây nhà lá vườn.
    Rồi thành lập đoàn đi bán báo dạo ở các trường bạn. Thầy cô phải dừng lại bài giảng vài phút để “phái đoàn” tiếp thị. Đi dọc theo lối đi giữa lớp, mỗi bàn rải vài quyển nơi đầu bàn kèm một cái nhoẻn cười thật dễ thương. Trong lúc đó một cô nàng lém lỉnh đứng giữa lớp thao thao tự giới thiệu. Gọi đặc san cho oai chứ thật ra chỉ là tập giấy xấu màu ngà, quay roneo khổ nhỏ, nhiều trang chữ bị vết mực lem luốc, bên ngoài là hình bìa thường trang trí những chú chim bồ câu, những cánh phượng rơi rơi và làn tóc dài buông xuôi xuống hai vai.
    Nhớ có lần một cô nàng nữ sinh trường bạn lại còn đưa thơ vào lời giới thiệu đặc san của trường mình làm thầy cô cũng bật cười:

    Tóc em dài, em cài hoa thiên lý
Cái miệng em cười, anh để ý anh thương

    Bao năm qua rồi cô nàng là “dân” ở đâu không còn nhớ nữa, hình như là Ngô Quyền hay Lý Thường Kiệt gì đó, nhưng cái miệng liến thoắng nhí nhảnh thì không quên được…

Nhạc

    Nếu được hỏi ai là người hát nhạc Trịnh hay nhất thì tôi xin trả lời ngay: Khánh Ly ! Một giọng ca trời phú để hát nhạc Trịnh, rất riêng, rất độc đáo. Khi Khánh Ly hát bài nào của Trịnh Công Sơn rồi là như đặt luôn dấu ấn lên bài đó, như đúc cốt luôn, những người hát sau chỉ là tráng men mà thôi. Đối với công chúng, họ là người của nhau. Thật xúc động khi nghe Khánh Ly thổn thức “…ông là hình còn tôi là bóng…”  trong một đêm diễn năm 2001 để tưởng niệm đến cố nhạc sĩ.
    Nói thế không có nghĩa là phủ nhận giọng hát của Lệ Thu, Cẩm Vân, Hồng Nhung, Lan Ngọc… là những giọng hát cũng rất điêu luyện khi hát nhạc Trịnh sau này, nhưng làm sao xoá được dấu ấn Khánh Ly trong lòng người yêu nhạc (Đây chỉ là cảm nhận chủ quan của người viết mà thôi). Sự gắn kết của hiện tượng Khánh Ly – Trịnh Công Sơn còn do đặc điểm thời cuộc, hoàn cảnh ra đời của nhạc Trịnh lúc đó. Và nổi tiếng cùng thời  với nhạc sĩ Trịnh còn có Ngô Thuỵ Miên, Vũ Thành An, Phạm Duy…  mỗi người có nét hay riêng như bầu trời có nhiều vì sao cùng soi sáng cho nhau.
     Dù cho đến nay vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều khi nhận xét về con người này, khen có chê có nhưng khó mà phủ nhận mảng tình ca của Trịnh Công Sơn có một vị trí đặc biệt trong lòng giới sinh viên học sinh thời ấy. Nhớ những ngày xuống Sài Gòn đi học thêm toán lý hoá, buổi trưa tấp vào cà phê Nguyễn Du trốn nắng, nhấp từng ngụm cà phê nghe Hạ Trắng, Như Cánh Vạc Bay xen với những bản hoà tấu của Paul Mauriat, The Beatles…
    Nhạc Phạm Duy cũng rất gần với giới sinh viên học sinh. Mỗi lần qua đường Duy Tân bây giờ gọi là Phạm Ngọc Thạch mình lại nhớ bài Trả Lại Em Yêu với câu “uống ly chanh đường, uống môi em ngọt”. Thực ra gu hồi ấy là trà Lipton chanh đường chớ không phải chanh đường. Nhưng cây dài bóng mát thì quá đúng, mát chỉ thua Thảo Cầm viên mà thôi. Và biệt tài phổ nhạc thơ hay của ông thì ai ai cũng công nhận.
    Ngoài ra nhạc tiền chiến cũng chiếm một vị trí đáng kể trong lòng giới sinh viên học sinh yêu nhạc. Lời nhạc trữ tình lãng mạn, cung bậc êm êm nhẹ nhàng sâu lắng. Nên ai đang yêu thì rất thích nghe mà ai đang … không được yêu cũng thích. Thực ra gọi là nhạc trữ tình mới đúng, như bài Mắt Biếc của Ngô Thuỵ Miên do Duy Trác hát, có thể nói hay không thua bài Lá Thư của Đoàn Chuẩn - Từ Linh chút nào. Sau này có thêm bài Riêng Một Góc Trời (1997) do Tuấn Ngọc hát cũng vậy.
    Chỉ trừ dòng nhạc bolero là không được (giới HS-SV) yêu chuộng, đó cũng là một bất công mà mình đã nói đến trong bài Khai Bút Đầu Xuân… Thử nghe lại bài Tạ Từ Trong Đêm trong một không gian trầm lắng, yên tĩnh coi. Có thể bạn sẽ trải nghiệm một cảm giác chưa hề biết đến, như gặp lại người bạn cũ sau ba bốn mươi năm quên lãng, như đọc lại một quyển sách quen quen đã bị một lớp bụi thời gian phủ mờ… Nhạc vàng một thời bị lên án, nay cũng đã lấy lại vị trí vốn có của nó. Bằng chứng là Chế Linh, Thanh Tuyền… cũng được ái mộ rần rần khi về Việt Nam biểu diễn ở Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn vừa rồi. Quả thực thời gian là vị phán quan công bằng nhứt. Chỉ mong sao một ngày nào đó, sử trong nước cũng sẽ được viết lại, đánh giá lại khách quan công tội triều Nguyễn chứ đừng giận cá chém thớt bôi đen cả một vương triều như vậy.




Học hành

    Hồi ấy, mỗi tỉnh ở miền Nam đều có một trường công lập mang tên danh nhân lịch sử mà chỉ cần nghe tên là biết ngay trường đó ở đâu, như Trịnh Hoài Đức - Bình Dương, Ngô Quyền - Biên Hoà, Lý Thường Kiệt - Hóc Môn, Nguyễn Đình Chiểu - Mỹ Tho, Phan Thanh Giản - Cần Thơ, Thoại Ngọc Hầu - Châu Đốc, Hoàng Diệu - Trà Vinh, Châu Văn Tiếp - Phước Tuy… Học sinh các tỉnh được mang phù hiệu trường công lập là một vinh hạnh bởi vì không phải ai muốn vô học cũng được mà phải thi tuyển, có khi phải hai keo mới vượt vũ môn. Trường tốt, học sinh giỏi, giáo sư tận tâm nên tỷ lệ học sinh đậu Tú Tài cũng cao hơn những trường khác.
    Nhớ những buổi trưa từ trường về lua vội ba hột cơm rồi hối hả vọt xuống Sài Gòn học thêm. Nắng gay gắt như đổ lửa khiến mặt đường nhựa QL 13 hắt lên những dòng không khí nóng loáng thoáng như làn hơi nước. Kẻ ngồi trước gò người ghì chặt tay lái mà mắt nhíu lại dưới vành nón, cố vượt qua cung đường ngã tư Bình Phước, quán Mèo Mun, đồng Chó Ngáp, cầu Bình Triệu… rồi vào nội thành, hoà vào dòng xe cộ hối hả xuôi ngược như đàn kiến khổng lồ. Thỉnh thoảng tất cả đều phải nép sang một bên nhường đường cho những đoàn công voa GMC mui phủ bạt trùm kín, phun khói bụi mù trời…
    Nhớ mùa hè Sài Gòn 1972 với những cơn mưa chiều dai dẳng, ngày đã tàn mà đèn phố chưa lên; những ánh đèn mà Trịnh Công Sơn gọi là “nắng khuya” trong bài Chiều Một Mình Qua Phố, mình cùng Quang, Lắm, Có bốn đứa vừa chạy vừa tránh từng vũng nước to nhỏ đọng trên mặt đường, từ Lý Thái Tổ men theo Yên Đỗ ra Hai Bà Trưng về  ngã tư Phú Nhuận, Quân y viện Cộng Hoà, thành Cổ Loa, ngã tư Ga, cầu sắt xe lửa Phú Long… Về đến nhà thì áo quần sũng nước, mười đầu ngón tay móp hết; khi ấy thì với bản tính vô tư của tuổi mới lớn, bọn mình nào biết đến sự bồn chồn lo lắng của các đấng sinh thành, mãi đến sau này khi trông ngóng con sau giờ tan học mới hiểu được lòng cha mẹ. 
    Nhớ buổi sáng dừng xe trên đỉnh dốc cầu Bình Triệu nhìn về hướng cư xá Thanh Đa, xa xa là những bựng khói đen che kín cả một bầu trời, nghe kháo kho xăng Nhà Bè bị đánh bom. Chiến tranh không còn giới tuyến nữa mà đã len vào đô thị, vào từng nhà người dân miền Nam. Cuộc sống trở nên đầy bất trắc, lo âu cùng với những bốt gác dã chiến xét hỏi giấy tờ mọc lên bên đường. Năm 1972, Hiệp định Paris đang đi vào giai đoạn cuối, các bên đều muốn giành thắng lợi quân sự để chiếm ưu thế trên bàn họp nên cuộc chiến thật khốc liệt, lệnh tổng động viên đặt dấu chấm hết cho những học sinh học trễ tuổi theo quy định. Kỳ thi Tú Tài chưa tới mà số phận kể như đã an bài. Kể cả những sinh viên Văn khoa và Luật khoa năm hai, năm ba mang kiếng cận dày cộp cũng vậy. Sau này, chiến trường Quảng Trị năm 1973 đã thu hút phần lớn số đó. Lớp 11 B5 cũng nằm trong hoàn cảnh chung, sĩ số học sinh hao hụt đến nỗi mùa tựu trường năm sau lớp phải bổ sung thêm gần phân nửa là dân mới, những học sinh giỏi của các trường tư thục trong tỉnh.
    Nhìn lại quãng thời gian đã qua, quả thực thời cắp sách đi học ở trường Trịnh Hoài Đức thật đẹp. Chỉ biết học và vui chơi. Trong thời buổi nhiễu nhương, bom đạn khói lửa, bọn mình như những người lữ hành may mắn được náu mình vào ốc đảo yên bình giữa sa mạc nóng bỏng. Dù không thể nói là xã hội ấy không có bất công nhưng chỉ nội việc tạo cơ hội “hoãn dịch vì lý do học vấn” thì kể như số phận bọn mình cũng được ưu ái hơn hàng trăm ngàn bạn kém may khác rồi. Có ai thống kê số người đồng trang lứa như bọn mình (sinh năm 1954) bao nhiêu người đã nằm xuống, bao nhiêu người thành phế nhân. Như lớp mình là Khiết, Đực, Đức, Hùng Dũng, Thể,  Hùng A, Hùng C, Thành, Sên… Xét cho cùng họ có tội tình gì ? Rất nhiều bạn trong số đó biết đến cây súng trước khi biết thế nào là tình yêu. Và vĩnh viễn như thế. Có lần không nhớ bạn nào đó đã nói đùa: “Tuổi 54 chín nút mà sao xui quá”. Nghe như có vị chua chát làm sao!

(12- 2011)