Ngơ
Ngác Cuối Năm
Chu ngạn Thư
Khi người bạn đời nhắc nhở : - “Anh ơi hãy
ngưng tưới mấy chậu bông giấy để kịp ra hoa vào
giáp Tết đó”. Mình ngẩn người ra !, ấy thế
là chuẩn bị đội thêm trên đầu một tuổi nữa và
cũng chính trên mái đầu nầy lại xuất hiện muối
nhiều hơn tiêu.
Nhớ lại lão thi sĩ Nguyễn Đức Sơn – Sơn
Núi đã từng nói lại lời Khổng Tử:
… ‘ tam thập nhi lập
tứ thập mần gì mần gấp
kẻo ngũ thập run lập cập ! ‘ …
Vậy mà mình đã bước qua ngưỡng lục thập.
Vẫn còn năng tưới được cây , quý quá rồi .
Tròn 42 năm bước chân rời khỏi
mái trường, nơi đã gói gọn thời học sinh trung học
của mình. Ngôi trường cũ bây giờ không
còn công trình xây dựng nào được giữ
lại, ngoài pho tượng bán thân của danh nhân
Trịnh Hoài Đức, trong Gia Định Tam Gia, được lấy tên đặt
cho ngôi trường trung học công lập đầu tiên của tỉnh
Bình Dương sau hiệp định Geneve 1954 .
Pho tượng ngày đó được dựng trước văn
phòng nhà trường, nay văn phòng đã đập bỏ
xây lại một công trình trệt, chẳng biết sử
dụng làm gì ? Ba cây dầu tơ trồng lúc an vị
tượng, bây giờ đã sừng sững dáng hình cổ
thụ, phủ bóng mát lên khoảng sân
khiêm nhường nơi đặt tượng.
Nhớ năm nào thầy Lê Tấn Lộc và
phu nhân về thăm trường, một số anh chị em khóa 8
có ghi được cùng Thầy mấy tấm hình dưới chân
tượng nầy, không biết bây giờ Thầy Lộc có còn
giữ hay không ? (*)
Mình không thấy các anh chị
hôm đó có ai giữ được tấm ảnh nầy, xin post
lên trang nhà Trịnh Hoài Đức để cả nhà
cùng xem .
Bỏ viết văn xuôi ngay sau 1975, giờ ngồi thử
viết lại sao thấy nai vàng ngơ ngác thế nào!
Hoài niệm, phải chăng là một trong những điều “ắt
có và đủ” cho những lứa tuổi đi phía hoàng
hôn ?
Gần hết năm dương lịch, thấy bạn Từ Minh Tâm
giục viết bài cho báo Xuân. Tuổi nầy có
còn háo hức đón Tết hay không ? Lại nhớ đến
những trại Tết của trường, rộn rã ngày đó,
đón chờ giai phẩm xuân của trường, của các trường
bạn từ Ngô Quyền (Biên Hòa) đến Gia Long,
Petrus Ký (Sài Gòn) trong những ngày cuối
năm cùng xuất hiện trong trường. Quá khứ đầy ắp kỷ niệm,
bây giờ quên nhớ lẫn lộn rồi .
Thơ gửi đăng báo Tết, mình sợ nhất chữ
Xuân, sợ nhì chữ Tết . Cố gắng lắm thì ráng
dán vào hai chữ cuối năm, mấy tập thơ viết từ năm 1971
đến tận bây giờ, đọc lại thấy chỉ có một bài
có Xuân: Bài Xuân Vịnh. Có lẽ
đây là vết tích còn lại trong mình
khi học năm đệ tứ với thầy Nguyễn Đông Ngạc và năm đệ nhị
với thầy Nguyễn Tăng Huyên về môn Quốc văn. Lục ra
và chép lại gửi Minh Tâm đưa lên trang
Nhà Trịnh Hoài Đức đọc chơi !
chẳng thượng cao lâu, ra quán cóc
uống rượu chờ say, chắc ngồi lâu !
quán tưởng ngồi lâu tay hào sảng
ta rầu tàn rượu, bước về đâu ?
đâu biết về đâu, ngày xuân nhạt !
đành ngồi quán cóc, trước cao lâu
có phải mềm môi nghe rượu lạt
hay đôi môi ngậm lệ ai trào ?
bạn bè đôi đứa nơi viễn mộng
cách mặt, ta “trừng” cả chiêm bao
những muốn nhắn nhe thằng xa xứ
với ta thà mạt với quê nghèo
chợt bàn tay nhón râu con mực
ngẫm cuộc đời ta vướng lưỡi câu
tuổi trời cho đã ngoài bốn chục
dòm thấy trong gương, mặt dàu dàu !
kiếm cơm sao phải thân điên đảo
chữ nghĩa nổi cơn quậy - xé - rào
thường mặc vợ lo đường áo
thương em chưa nếm vị ngọt ngào
ngày xuân con chẳng thêm tấm áo
cơm nhìn chỉ thấy muối độn rau !
ngày xuân thèm một thằng bạn cũ
ra quán cóc ngồi nhắm - tào - lao
chẳng thấy liễu xanh và áo đỏ
ngó chừng chai rượu, sợ cạn mau !
bài thơ như vậy mà đã gần hai mươi năm, giờ
thì đâu dám trách bạn bè phương
xa, bạn cũ có đứa ở gần – rượu chẳng dám đụng; nên
bây giờ rượu sao chậm cạn quá !
thôi đành ngơ ngác cuối năm.
vậy thôi ./.
CNT. 01/12/2011
(*): Hình đính kèm do thầy Lê Tấn Lộc gởi
đăng trên trang nhà GS & CHS Trịnh Hoài Đức.