Chuyện Học
Trò Làm Báo
Nguyễn thị Cẩm
Khóa 14- Lớp A3
Hồi năm học lớp đệ thất, tôi thấy cái
lạ nhất so với thời học ở trường tiểu học là có
những tờ bích báo. Nhớ thuở ấy ở trường nữ Trịnh
Hoài Đức bích báo cứ được các lớp
làm rồi lần lượt gắn lên bức tường đối diện cầu thang,
bên hông phòng giám thị. Những tờ bích
báo hoa hòe xanh đỏ lòe loẹt mới được
dán thu hút đông đảo đám học sinh giờ
ra chơi, vài ngày sau thì loe hoe ế khách,
vài hôm nữa thì bị gỡ xuống rồi lại xuất hiện
tờ báo của lớp khác. Cứ thế quanh năm chứ
không chỉ có vào dịp Tết.
Qua cái thuở ngơ ngác đệ thất, năm đệ
lục lớp tôi cũng ti toe làm báo. Tôi cũng
không nhớ rõ năm ấy lớp tôi thầy cô
nào là giáo sư hướng dẫn ( bây giờ gọi
là giáo viên chủ nhiệm) và có
đóng vai trò gì trong việc làm bích
báo hay không?. Nhưng tôi nhớ rất rõ cứ mỗi
lần làm bích báo thì chúng tôi
lại nhờ cậu của bạn Huỳnh Nga vẽ hình trang trí bên
trên góc trái của tờ báo. Bạn nào
thích thì viết bài, thơ, văn, vui cười… rồi
góp cho trưởng ban báo chí lớp. Vài bạn
viết chữ đẹp tranh thủ giờ chơi hì hục chép hoặc ôm
tờ giấy croquis to tướng về nhà bạn nào đó
rồi cùng nhau viết, vẽ trang trí. Giờ nghĩ lại còn
phục mình, sao hồi xưa còn nhỏ mà tụi
mình có tinh thần trách nhiệm cao và
lòng say mê đến vậy!
Thuở nhỏ tôi mê đọc và cứ ước ao
lớn lên sẽ thành nhà văn cho dù chưa viết
câu chữ nào ra hồn, vậy mà năm đệ lục tôi
viết bài “Một Buổi Picnic” kể về lần đi chơi suối với một
nhóm bạn bè. Bài được đăng báo - báo
tường của lớp thôi - cũng đủ làm tôi vui hết biết.
Qủa vậy, năm nào trường cũng có ra Giai Phẩm Xuân,
nhưng đâu dễ gì bài của
mình được đăng! Từ năm lớp 8 (đệ ngũ) Tết nào
tôi cũng gửi bài cho báo Xuân của trường, vậy
mà đâu có được đăng. Có lẽ khó vậy
nên năm lớp mười, chúng tôi rủ rê nhau
làm một giai phẩm xuân cho riêng mình. Được
giáo sư hướng dẫn lúc ấy là cô Ngọc Sương
đồng ý, lớp tôi dự kiến sẽ làm cho mỗi học
sinh của lớp một quyển, thêm một số quyển tặng cho các
thầy cô và giao lưu với các lớp bạn. Về chi
phí, cả lớp sẽ hùn tiền lại. Bài vở góp về
cho cô Sương chọn, có bạn nộp đến 2, 3 bài, thật
là phong phú. Cúc nhờ một người quen
vẽ giúp trang bìa, nhưng đến giai đoạn đem đi in mới thật
là nan giải. Túi tiền học trò có hạn,
đâu thể thuê ngoài, vậy là nhờ vả thôi.
Thời ấy không photocopy dễ dàng như bây giờ
mà phải đánh máy lên giấy stencil rồi
nhờ thầy Bùi Thế San quay ronéo. Xuân Mai đem
bài về nhờ người chị đang làm thư ký
đánh máy giúp được một số trang rồi do chị bận
việc gì đó phải ngưng. Tưởng đâu phải bỏ dở giữa
chừng nhưng lũ học trò bướng bỉnh không bỏ cuộc.
Không nhờ được người đánh máy thì viết tay
vậy. Viết trên giấy stencil rất khó, hình như
lúc ấy chúng tôi dùng đầu compa, vừa phải ấn
mạnh cho hằn nét chữ mà lại không được
làm rách giấy. Hẹn nhau mỗi chiều ở nhà Thầy
Bùi Thế San gần Gò Đậu, nhà thầy có
sẳn bàn ghế (hồi đó thầy có lớp dạy
thêm) mấy đứa chúng tôi hì hục chép.
Trời ạ! Mỏi cả tay mới được một dòng, chúng tôi
đâm nản. Tết đến nơi rồi, Giai Phẩm Xuân của trường
mình, trường bạn đến tận lớp mời mua ào ào,
các lớp đàn chị cũng xong báo lớp đem biếu thầy,
biếu bạn tưng bừng, vậy mà chúng tôi còn
đang hì hục chép tay từng chữ. Không nhớ
chúng tôi phải mất bao nhiêu buổi chiều như
thế mà khi xong việc rồi thì không còn thời
gian quay roneo nữa, tất cả được xếp lại, nằm chờ chúng
tôi ăn Tết.
Qua Tết, chúng tôi chăm chút
trang trí, vẽ thêm hoa lá cành gì
đó cho từng trang rồi quay roneo. Có lẽ quyển báo
Xuân của lớp 10A3 THĐ là tờ báo duy nhất được
hoàn thành sau Tết. Hí hửng cầm trên tay
chồng báo Xuân còn thơm mùi mực có in
bài của mình, chúng tôi mang đi biếu thầy
cô, tặng lớp bạn mà không hề áy náy
ngượng ngùng. Giờ nghĩ lại mới thấy buồn cười, quê thiệt!!!
Thời gian thầy Nguyễn văn Hộ làm hiệu
trưởng, năm nào trường cũng mở cuộc thi làm
bích báo hẳn hoi. Bên trường Nữ làm xong nộp
qua trường Nam chấm chung. Năm nào lớp tôi cũng hăng
hái dự thi nhưng có lẽ Trưởng Ban Báo Chí
& Văn Nghệ lớp (là tôi) quá tệ nên chưa
được giải bao giờ! Năm 1974-1975 lớp 12 chúng tôi chuyển
qua học ở trường nam, lần đó cuộc thi bích báo
được chấm và được trưng bày thật hoành
tráng nơi phòng thí nghiệm. Thật là ganh tỵ
với lớp đàn em là lớp 11C ( lớp ban C đầu tiên của
trường) do Thầy Lê Vĩnh Thọ hướng dẫn thực hiện tờ
báo tường thật chất lượng và phong phú với 3 tờ
croquis trình bày thật đẹp đoạt giải nhất, nhưng
sau đó lớp không trưng bày chung ở phòng
thí nghiệm mà mang trưng bày ở trước cổng trại
Tết của lớp mình.
Giai Phẩm Xuân của trường như thường lệ vẫn cứ
ra đều vào dịp Tết, năm học lớp 11 tôi mới bắt đầu
có bài được đăng. Nhưng là báo của trường
nên tôi chỉ việc gửi bài, còn tất cả
những lo toan vất vả phía sau tờ báo tôi
không hề biết. Ngay cả việc một số bạn tình nguyện mang
báo đi bán tôi cũng không tham gia,
không phải tôi không nhiệt tình nhưng
ngoài việc bán báo cho các bạn trong
trường còn phải đi bán cho các trường bạn tận
Bình Dương, Lái Thiêu mà tôi
không có xe gắn máy nên đành chịu. Vậy
mà có một điều tôi nhớ mãi là gần Tết
năm 1975, sau khi bán báo xong xuôi, Thầy
Lê Vĩnh Thọ trao cho tôi (học trò cưng của Thầy!)
năm chục ngàn đồng nói đó là tất cả
tiền lời từ việc bán báo. Thầy giao tôi
trách nhiệm lo bữa tiệc liên hoan cuối năm để mời
các Thầy Cô trong trường và tất cả các học
sinh có bài viết, có công đi bán
báo tham dự. Uả, hóa ra làm báo
Xuân mà cũng có lời ư?!!! Đối với tôi
đó là một số tiền rất lớn, tôi giữ số tiền chỉ
có vài ngày mà lòng cứ nơm nớp lo
âu, sợ mất. Nhưng may quá, Nông Thị Ngọc Điệp lớp
12A2 chia sẻ cho tôi gánh nặng. Bạn nhận một số tiền để
đặt bánh patéchaud và các loại bánh
kẹo khác ở Bình Dương mang xuống. Tôi chỉ có
mỗi việc đến tiệm tạp hóa ở chợ Búng mua
xá xị, nước cam mà thôi. Bữa tiệc thật vui. Nhạc cụ
của trường thời đó rất nhiều và tốt. Tôi còn
nhớ giàn đàn trống thật hiện đại nhưng khi chúng
tôi mời thầy Lê Vĩnh Thọ góp vui, thầy đã
yêu cầu ngưng đàn trống, và chỉ với cây ghita
thùng và giọng hát ấm áp Thầy đã
làm cả hội trường lặng đi vì xúc động.
Bao nhiêu năm đã trôi qua, tưởng
chừng đã quên nhưng không phải vậy. Tết năm
ngoái được đọc đặc san Xuân của CHS Trịnh Hoài Đức
bỗng dưng sống lại trong tôi bao kỷ niệm. Một thời
đã qua rực rỡ của tuổi cắp sách đến trường thật
khó quên không chỉ trong tôi mà
có lẽ trong tất cả mọi người.