Vài
Hồi Ức về Phong Trào Hướng Đạo ở Lái Thiêu
Lưu Thanh
Bình
(tưởng nhớ về Akela Én nhộn Nguyễn Lương Ích,
người Thầy, người Huynh trưởng Hướng Đạo kính mến của tôi)
Mùa hè năm 1966, thầy Nguyễn Lương
Ích, một giáo viên tiểu học năng động và tận
tụy với nghề gõ đầu trẻ tại Lái Thiêu, dự lớp
huấn luyện Bạch Mã tại Vũng Tàu do Hội Hướng Đạo Việt Nam
(HĐVN) tổ chức. Đây là khóa đào tạo ra
các Huynh trưởng cầm Đoàn cho phong trào. Thầy
tham gia hai lớp: Bạch Mã Ấu (hướng dẫn lứa 8-12 tuổi) và
Bạch Mã Thiếu (hướng dẫn lứa 12-15 tuổi). Sau khóa thụ
huấn, thầy về địa phương bắt tay vào thành lập đội kiểu
mẫu đầu tiên gồm tám thiếu sinh do đội trưởng Nguyễn Văn
Đức (cựu học sinh THĐ khóa 11, đã mãn phần)
và đội phó Lê Gia Hiển (cựu học sinh Nông
Lâm Súc, mất tích) dẫn dắt. Từ những hạt giống
này, mầm Bách hợp (còn gọi Hoa huệ, biểu tượng của
phong trào Hướng Đạo) nở rộ, thu hút rất nhiều thanh
thiếu niên tại địa phương và nhận được sự tín nhiệm
cao của phụ huynh.
Chỉ qua vài tháng sinh hoạt,
tiếng lành đồn xa, các phụ huynh đưa con em đến gia
nhập ngày một đông nên từ tám thiếu sinh
nòng cốt đầu tiên, phong trào Hướng Đạo tại
Lái Thiêu mở rộng ra thành một Thiếu đoàn
hoàn chỉnh gồm ba mươi hai em, phiên chế trong bốn đội
Trâu (đội trưởng Đức, cũng là đội trưởng nhất), Hổ (đội
trưởng Hiển), Én (đội trưởng Đạt) và Sóc (đội
trưởng Bình). Kế đến là sự ra đời của Ấu Đoàn với
bộ đồng phục Sói con thật đẹp, thật dễ thương mà cho đến
nay chưa thấy có đồng phục nào đẹp bằng.
Thực ra Hướng Đạo không phải là một hội
đoàn thể thao hay giải trí như nhiều người có thể
lầm tưởng. Cho dù trong Hướng Đạo có rất nhiều trò
vui chơi, thể thao, giải trí… nhưng nó được dùng
như môt phương tiện để đạt tới một mục tiêu giáo
dục, chứ tự nó không phải là mục đích.
Có thể có nhiều nguyên nhân thu hút
các em đến với phong trào, do lời động viên của phụ
huynh, do muốn lấp kín thời gian nghỉ hè, do ham đi trại
xa hoặc đơn giản chỉ do đồng phục đẹp… nhưng sau này tất cả đều
công nhận Hướng Đạo là một sân chơi lành mạnh
bổ ích, giúp các em định hình nhân
cách sống tốt đẹp sau này.
Những năm 1965, 1966 chiến sự bắt đầu lan rộng, điều kiện an ninh
không cho phép đi xa nên địa điểm họp đoàn
thường loanh quanh sân đình, sân vận động ấp Trưởng,
khu tạm cư Bình Hòa, Piscine Bạch Đằng hoặc sân
trường tiểu học Tân Thới. Nhưng cũng nhờ không có
nhiều sự chọn lựa vui chơi nên các thiếu niên gia
nhập phong trào Hướng Đạo rất đông, lúc cao điểm
(1971) lên đến hơn 100 em, gồm cả bốn ngành Ấu, Thiếu,
Kha, và Tráng.
Năm 1967, Liên Đoàn Quang Trung gia
nhập Đạo Vạn Thắng (Phú Cường - Thủ Dầu Một), trở thành
một nhân tố chính trong phong trào Hướng Đạo
Bình Dương nói chung. Đây là đơn vị Hướng
Đạo lớn nhất tỉnh, tập hợp được nhiều thanh thiếu niên, trụ sở
nằm trong khuôn viên nhà thờ Phú Cường đến
nay hãy
còn. Nhưng chỉ
một thời gian ngắn , nhận thấy Vạn Thắng quá thiên về sinh
hoạt tôn giáo, không giống với tôn chỉ
nhân gian, thế tục của phong trào, hơn nữa khoảng
cách sinh hoạt quá xa, nên các huynh trưởng
xin tách ra để về với Đạo Hoa Lư (sinh hoạt trong khuôn
viên trường kỹ thuật Phú Thọ).
Về với Hoa Lư, Liên Đoàn nhận được sự
quan tâm ưu ái của Trưởng Trương Trọng Trác, Thiếu
trưởng Đống Đa đồng thời cũng là một giáo sư trường Kỹ
thuật Phú Thọ. Cứ vài tuần, anh lại dẫn dắt các
thiếu sinh đạp xe lên Lái Thiêu sinh hoạt chung, vừa
giúp các em đi thám du mở rộng tầm nhìn,
vừa thắt chặt tình thân hữu giữa hai đơn vị. Đoàn
sinh của Đống Đa rất giỏi trong kỹ thuật chuyên môn như
nghi thức, phương hướng, dấu đường, cứu thương, morse & semaphore,
nút dây…, còn đoàn sinh của Quang Trung lại
giỏi về sinh hoạt như ca hát, trò chơi, bơi lội, thủ
công trại… Nếu Quang Trung cười ngất khi thấy cả đám Đống
Đa đứng trầm trồ một gốc chanh (ăn chanh nhưng có thấy cây
chanh bao giờ) thì ngược lại chuyện Đống Đa phải giúp
Quang Trung chỉnh sửa nút cột giày và khâu
khăng quàng trước khi chào cờ là chuyện thường…
Do biến cố Tết Mậu Thân năm 1968, mối
liên lạc giữa hai đơn vị Quang Trung - Đống Đa cách trở mờ
nhạt dần, một lần nữa Liên Đoàn Quang Trung lại
tách ra để trở thành một Liên Đoàn độc lập
(duy nhất toàn miền Nam lúc đó) với sự cho
phép của Hội HĐVN và sự giúp đỡ của Tổng Ủy
viên Trần Văn Lược. Nhắc lại chuyện xưa để thấy sự truân
chuyên chìm nổi của Liên Đoàn mà nếu
không nhờ Trưởng Ích vững tay chèo thì
không biết Hướng Đạo Lái Thiêu đi về đâu.
Sau năm 1968, tình hình chiến sự tạm
lắng đọng, an ninh vãn hồi, đây cũng là thời
hoàng kim của Hướng Đạo Lái Thiêu. Liên tiếp
nhiều trại xa được tổ chức: Vũng Tàu, Long Hải, Đà Lạt,
Thủ Đức, Sài Gòn…, trại thám du Búng, Bửu
Long, Phú Lợi, Sóng Thần, Thảo Cầm Viên…, đỉnh cao
là tham dự trại họp bạn Hướng Đạo quốc gia năm 1970 (trại Giữ
Vững) tại Suối Tiên Thủ Đức, nay hãy còn lưu lại
nhiều kỷ niệm trong quyển Đoàn phả. Đặc biệt nhất và cũng
là lần duy nhất, Hướng Đạo Lái Thiêu được bảo trợ
tổ chức một cuộc trại dài ngày tại Vũng Tàu, đi
và về đều bằng phương tiện máy bay quân sự.
Năm 1972 là năm có nhiều sự kiện đặc
biệt. Lứa thiếu sinh đầu tiên ngày thành lập nay
đã trưởng thành, một số được các huynh trưởng gởi
đi học các lớp huấn luyện cầm đoàn (lớp Dự bị) để về
làm công việc phụ tá Trưởng. Chiến sự bùng
nổ ác liệt, Hướng Đạo Lái Thiêu thường xuyên
tham gia công tác xã hội tại trại tiếp cư Gò
Dậu, nơi tiếp nhận đa số là đồng bào nạn nhân chiến
cuộc từ Lộc Ninh, Bình Long, Chơn Thành về tị nạn. Sau
đó vài tháng, hàng chục tráng sinh,
kha sinh lên đường nhập ngũ theo lệnh tổng động viên, đội
ngũ thưa thớt làm cho Liên Đoàn Quang Trung yếu đi
thấy rõ.
Dù sau này các huynh trưởng
có cố gắng duy trì sinh hoạt nhưng không bao giờ
Hướng Đạo Lái Thiêu còn được trở lại những năm
tháng huy hoàng như trước. Phút lóe
sáng là tại trại họp bạn Hướng Đạo Quốc Gia Tam
Bình Thủ Đức năm 1974, Hướng Đạo Lái Thiêu nổi
tiếng vì chiếc lều sàn bằng tre độc đáo và
tiết mục múa lân sôi nổi ngày khai mạc trại,
cả hai đều được đưa lên truyền hình trong loạt
phóng sự ảnh dài khoảng 20 phút.
Đầu những năm 90 thế kỷ trước, một số đoàn
thể Hướng Đạo nhen nhóm hoạt động trở lại ở các
thành phố lớn miền Nam, đầu tiên là Sài
Gòn, tại các công viên Gia Định, Hoàng
Văn Thụ, Lê Thị Riêng, Lê Văn Tám… Đông
nhứt là tại công viên Tao Đàn. Hiện mỗi
sáng chủ nhật quy tụ gần 1 ngàn Hướng Đạo Sinh. Sau
đó là Nha Trang, Huế, Đà Nẵng, Ban Mê Thuột
, Cần Thơ… nhưng tất cả đều hình thành đều theo dạng “tự
phát” , “chui”, “xé rào”. Một vấn đề tế nhị (gọi
theo bây giờ là “ nhạy cảm”) là có sự
dè dặt, nghi ngại của nhà cầm quyền Việt Nam khi
xét đến việc cho Hướng Đạo sinh hoạt công khai: sợ
làm giảm đi ảnh hưởng của phong trào Đoàn thanh
niên, Đội thiếu niên tiền phong… trong giới thanh thiếu
niên. Mặt khác cho công khai tức là chấp nhận
cho có trụ sở hội đoàn, có phát hành
ấn phẩm, có lớp huấn luyện trong ngoài nước, có sở
hữu đất trại, có trại giao lưu quốc tế, có tài trợ
nước ngoài… cùng một loạt các hệ lụy khác
phát sinh theo. Và cuối cùng, giải pháp tốt
nhất là quản- không- được- thì- cấm.
Phong trào Hướng Đạo tồn tại là một sự
thực hiển nhiên khó phủ nhận, cũng như nhu cầu được chơi
Hướng Đạo của các em thiếu niên, thiếu nhi là một
nhu cầu chính đáng, do tính chất vui chơi hấp dẫn,
lành mạnh, bổ ích, hướng thiện và rèn luyện
nhân cách, đạo đức giúp cho các em sau
này trở thành một công dân tốt. Nếu gọi ba
yếu tố cấu thành nên một nền Giáo dục công
dân hoàn chỉnh là gia đình, nhà
trường và xã hội thì phong trào Hướng Đạo
chính là một nhân tố quan trọng trong vế “
xã hội ”. Hiện nay, tất cả các nước ASEAN đều có
Hội Hướng Đạo do nhà nước bảo trợ kể cả Campuchia, chỉ trừ Việt
Nam và Lào. Hongkong và Macao vẫn duy trì
Hướng Đạo sau khi đã sát nhập vào Trung Quốc.
Uống nước nhớ nguồn:
Năm tháng qua mau, nay nhìn lại đa số
các cựu Hướng Đạo Sinh Lái Thiêu đều đã qua
tuổi ngũ thập, da mồi tóc bạc, những ký ức về một thời
hoạt động sôi nổi đã lùi xa, nhưng vẫn còn
đó những lời tâm niệm ngày tuyên hứa như kim
chỉ nam cuộc sống; dù may mắn thành đạt hay lận đận
trên con đường đời, dù còn trong nước hay xa
cách nơi chân trời góc biển, mọi hướng đạo sinh
Lái Thiêu đều nhớ về anh, người huynh trưởng Hướng Đạo
đã cống hiến suốt cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục thanh
thiếu niên tại địa phương.
Sau biến cố 75, số phận gia đình anh cũng
chìm nổi theo vận nước như nhiều gia đình miền Nam
khác. Sáu con theo mẹ xuất dương, năm con theo cha ở lại
giống như tích Lạc Long Quân –Âu Cơ. Nay cuối đời,
anh may mắn có được người bạn thủy chung nâng khăn sửa
túi, âu cũng là cơ duyên của số phận hay sự
đền đáp của tạo hóa cho những cay đắng mà anh
đã nếm trải.
Năm 2010 vừa qua, các con anh đã vượt
trùng dương về Việt Nam , hợp sức cùng các anh chị
trong nước và các cựu Hướng Đạo Sinh tổ chức lễ tiệc mừng
thượng thọ 80 tuổi cho người Cha, người Thầy, người Huynh trưởng
đáng kính của họ. Chỉ một nửa gia đình mà
đã lên tới con số 22 người vừa con vừa cháu. Dĩ
nhiên là rất đông cựu Hướng Đạo Sinh từ các
nơi xa về dự, trong đó có nhiều Lão Huynh trưởng ở
độ tuổi 70, 80 nhưng vẫn còn tráng kiện. Tưởng cũng
nên nói thêm, trưởng nữ của anh là Nguyễn Thị
Phụng Loan, cựu học sinh THĐ lớp A2 khóa 13 hiện định cư tại
Úc. Thời sinh hoạt Hướng Đạo, Loan là Baloo tận tụy của
Bầy Quang Trung.
Điểm lại trong số bốn đội trưởng đầu tiên
ngày thành lập, hai đã bỏ cuộc chơi (Đức, Hiển),
một đang ở tận phương trời xa (Đạt), chỉ còn đội trưởng đội
Sóc sinh sau đẻ muộn (Bình) đang cố gắng nối lại mối
dây đã đứt, hàng năm chủ trì cuộc họp mặt
cựu Hướng Đạo Sinh Lái Thiêu để mừng sinh nhật Akela
Én Nhộn và chúc Tết đầu năm, như một đền
đáp cho những gì tốt đẹp đã nhận được từ phong
trào, nhất là từ các huynh trưởng Ích,
Hưởng, Ý, Trác…
( Lập Đông Tân Mão 12-2011 )