Hội Ngộ
Kim Nên

    Mùa Xuân vừa qua mình và Bì rủ nhau đi Nhật để ngắm nhìn hoa anh đào nở, hai đứa nôn nao đầu tháng giêng đã lo để dành tiền, mua vé máy bay chuẩn bị đủ mọi thứ cho chuyến du lịch thật thích thú này. Thích thú vì từ báo chí, phim ảnh, từ những bài hát ca ngợi cái đẹp tuyệt vời của hoa anh đào nở rực rỡ giữa mùa Xuân trên mảnh đất Phù Tang đầy thơ mộng, đã quyến rũ mình từ thuở còn cắp sách đến trường.

    Một tuần lễ trước ngày khởi hành đi Nhật thì thiên tai động đất khủng khiếp đã xảy ra bên ấy. Thế là chuyến đi du lịch bị huỷ bỏ làm hai đứa tiu nghỉu. Mọi chi phí cho chuyến đi được hoàn trả trừ vé máy bay từ Houston sang Los Angeles. Ngày Lễ Tạ Ơn năm nay mình được 5 ngày nghỉ phép, lại nhân dịp có bà chị từ Pháp sang San Jose thăm con, thế là mình mượn cơ hội này dùng cái vé máy bay sắp hết hạn bay qua bên ấy thăm gia đình.

    Các bạn thân yêu, hai tuần trước tụi mình rủ nhau đi Plano thăm thầy Cao, sau ngày hội ngộ ấy niềm vui không dừng lại bởi tình các bạn như làn gió Xuân êm dịu ru mát tâm hồn ông đồ già khó tánh phải xuống núi, ngồi khai bút “Hãy loan báo cho toàn thế giới biết thầy trò mình đã hội ngộ nghe”. Sư phụ cám ơn tất cả A 2 vẫn luôn luôn dành tình cảm cho sư phụ vẫn như thời “non dại“ (Thuý Đinh gọi thầy Cao là sư phụ). Hôm nay mình lại đưa các bạn bay xa ngàn dặm về “Thung Lũng Hoa Vàng“ mãi tận miền Tây nước Mỹ để hội ngộ người sáng lập cái tên Hoa Nắng năm nào, cô Tô Mỹ Hạnh.

    Sacramento, thủ đô của tiểu bang California nơi cô Mỹ Hạnh cư ngụ, cách thành phố San Jose còn gọi là “Thung Lũng Hoa Vàng“ khoảng 2 giờ lái xe. Ban đầu mình và Bì tính chở nhau đến nhà cô Hạnh, sau đó hai đứa sẽ đi một vòng thăm viếng thành phố, nhưng cô bảo thứ bảy cô sẽ về San Jose đám giỗ, tiện đường cô sẽ ghé nhà Bì gặp tụi này. Mình đến nhà Bì sớm để đón cô Hạnh. Nhà Bì có cái vườn rau nho nhỏ xanh tươi. Nào cải bẹ xanh, nào cải tần ô mọc đầy, rồi rau thơm đủ mọi thứ, có cây ớt trái dài mấy gang tay, có giàn bí, mướp trái treo lủng lẳng trông thật dễ thương. Khí hậu ở đây lành lạnh như Đà Lạt nên rau cải tốt tươi, dễ trồng. Mình yêu thích thiên nhiên, lấy trời mây nắng gió, cây cỏ làm niềm vui, nên rất thích trồng trọt. Đến nhà ai là đi thẳng sân sau nhà để ngắm nhìn xem có vườn rau, vườn hoa gì không. Nhìn thấy vườn rau xanh mình mê quá, liền ngồi xuống nhổ mấy cộng cỏ dại mọc trong luống rau tần ô. Bì nói: “Thôi đừng nhổ Nên ơi, tay mày dơ hết”… “Không sao đâu tao thích mà. Cải bẹ xanh này mà đổ bánh xèo thì ngon lắm”. Nhắc bánh xèo làm mình nhớ những ngày còn đi học ở trường Trịnh Hoài Đức, hôm nào giáo sư không đến dạy thì cả lớp vui mừng, lý láo um sùm như cái chợ chồm hổm vì được về nhà sớm. Mà có về nhà đâu. Có đám thì rủ nhau đến nhà bạn nào có vườn trái cây gần trường. Có đám thì kéo nhau về Lái Thiêu. Riêng cái đám nhà ở Bình Dương thì hối hả đón xe về, đi chợ mua bột, rồi cùng nhau vào nhà nhỏ Nga đổ bánh xèo. Mình không nhớ là bánh xèo có ngon không, mà cũng không nhớ bánh xèo có tôm thịt không, nếu có thì lấy tiền ở đâu mà mua. Nhớ mỗi lần cả đám đi chợ là phải đi ngang qua cái quán cơm của má mình, không nói dối được thế là cả đám cười trừ rồi vô tư theo nhau đến nhà Nga.

    Tiếng anh Bá nói đưa mình trở về hiện tại: “Sáng nào tôi ăn mì gói thì ra sân cắt vài cọng cải cúc là ngon lành”. Cô cháu gái hỏi: “Cải cúc là cải gì chú?”… “Cải tần ô đó”. Mọi người vừa cười vừa nói, đứa cắt rau, đứa nhổ cỏ dại. Thấy vui quá con cháu gái nhỏ nói: “Con nhổ cỏ được không?”. Hai bà cháu đang mải mê ngoài vườn thì Bì kêu: “Nên ơi! Cô Hạnh tới rồi”. Mình vội vã rửa tay, chạy vào…



    Vừa gặp cô Mỹ Hạnh là cô nhận ngay ra mình: “Kim Nên trưởng lớp…”. “Dạ chào cô…”. Cô Hạnh vui vẻ hỏi chuyện lớp tụi mình: “ À, em có đem tờ Hoa Nắng cho cô không?”. “Dạ không vì tờ Hoa Nắng em nhận được chỉ nhắc đến thầy Vượng dạy Anh Văn thôi”. “Sao lại là thầy Vượng cái tên Hoa Nắng là cô chọn đặt mà”. “Dạ em cũng nhớ như vậy, để em liên lạc với Nga, Thuý coi có còn tờ Hoa Nắng nào nữa không?”.

    Cô Hạnh muốn xem hình lớp mình nên Bì đưa cô lên phòng mở trang nhà Trịnh Hoài Đức cho cô xem. Thế là thầy và các con cô Hạnh cũng tháp tùng đi. Mình ngồi với cô Hạnh. Mọi người đứng chung quanh. Mình vào trang nhà tìm lá thư cô Hạnh viết cho nhỏ Nga ngày xa xưa. Trong lá thư đó cũng có mấy tấm hình Nga chụp chung với cô Hạnh trước nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn. Bì nói: “Ủa con Nga đi đâu mà chụp với cô Hạnh ở Sài Gòn vậy”. (Cô Hạnh dạy tụi mình lớp đệ ngũ thì lúc ấy tụi mình mới khoảng 13, 14 tuổi, mà nàng Nga đi Sài Gòn một mình thì gan thật. Hèn chi lúc nào nó cũng như Sư Tỷ vậy). “Tao đâu có biết, con Nga thì thân với cô lắm”. Có lẽ lần đầu tiên các con cô Hạnh được nhìn hình ngày cô mới đi dạy ở Trịnh Hoài Đức nên suýt soa khen mẹ đẹp quá. Mình tìm mấy tấm hình các bạn họp mặt ở quê nhà. Thoạt đầu mình giới thiệu hình như là Hồng Bồ thì cô Hạnh đã bật khóc vì quá xúc động làm mọi người ngậm ngùi theo. Sau đó là hình của tất cả các bạn. Cô nhớ không sót đứa nào. Cô bảo em ơi nhớ copy hình này, thư này cho cô, đâu Nga đâu?. Lời cô hối hả như muốn níu lấy, muốn ôm chặt vào lòng những hình ảnh của đám học trò đã cho cô thật nhiều kỷ niệm yêu thương.

    Trở xuống dưới nhà, cô trò lại tiếp tục nói cười. Cô Hạnh rất chân thật cởi mở. Cô bảo bây giờ ai cũng thay đổi, nếu gặp nhau ngoài đường phố thì khó mà nhận diện. Riêng mình thì thấy cô khác nhiều dù mình cố nhớ lại nhưng cũng không hình dung được hình dáng cô ngày xa xưa. Gần năm mươi năm rồi còn gì nữa, lúc đó tụi mình học lớp đệ ngũ, tuy nhiên cái nét dịu dàng và thích làm đẹp vẫn còn trong cô. Tóc cô xoã dài như nàng M. Lan của tụi mình, khi chụp hình thì cô thích để mái tóc một bên vai, thích có bình hoa tím… Thầy của cô hiền lành ít nói, các con cô dễ thương đã vui vẻ chụp mấy tấm hình lưu niệm cho cô trò mình.
    Tụi này mời gia đình thầy cô đi ăn trưa nhưng cô từ chối vì phải đi đám giỗ. Ngày vui qua mau, đến giờ cô phải đi… Cô trò lại lưu luyến giã từ, chúc nhau bình an hẹn tái ngộ mùa Hè sang năm. “Cô ơi nhớ đừng quên giỏ rượu…” “Không, rượu đó là quà cho hai em, cô tính ghé qua chợ mua heo quay nữa nhưng đi lạc đường… “ “Sao cô lại cho tụi em quà, tụi em biếu quà cho cô mới đúng”.

    Cô Mỹ Hạnh đi rồi mình bước vào nhà nhìn cái giỏ rượu chợt thấy lòng ấm áp, bùi ngùi, nhớ nhớ thương thương, tình Người, tình Cô. Lời thầy Chu Bá Cao vẫn còn vương vấn đâu đây: “Tạ ơn Trời, tạ ơn Đời, tạ ơn Trò, tạ ơn cái không gian rộng lớn này vẫn còn đủ chỗ chứa cho cái ân tình giữa thầy trò chúng ta“. Tạ ơn Thầy, tạ ơn Cô.

(12/2011)