Dưới Mắt Học Trò

Bài và ảnh: Huỳnh T. Nhung

<>(Lớp A2 – Khoá 13)
 
    Xuân lai

    Chuyển mùa, khi hơi sương se lạnh, bạn mình liên tục Alô: có tin báo hỷ, tập trung nha. Và cũng có tin buồn: Alô chia sẻ với bạn mình nhe. Chúng tôi, những cô học trò nho nhỏ được các bạn nam sinh hồi đó gọi là mấy Tiểu Thư khoá 13. Khoá ra trường năm 1974 mà Thầy Cô đều ấn tượng gọi là khoá IBM (bạn nào buồn, ráng chịu).
    Năm ấy, lần đầu tiên sau 13 năm ra trường, chúng tôi về lại mái trường thân yêu xưa được hơn chục đứa. Vô cùng cám ơn Anh Bình đã có công nối kết. Chúng tôi chờ nhau trước cổng trường: “Ủa, bạn …. đó hả? Sao phì nhiêu dzậy?. Đẹp …. lão dzữ nha, tóc bạc hết trơn rồi”.
    Lại ríu rít hồn nhiên mày tao như hồi nảo hồi nao. “Sao rồi?. Có cháu nội ngoại gì chưa?”. Kỷ niệm đầy ắp kể hoài không hết. Chuyện học giỏi ngoan hiền ít nhắc tới. Chuyện xí xọn lại được nhắc nhiều: bị thầy cô rầy, bị điểm 0 môn toán tới 26/50 học sinh cả lớp. Nhổ trộm củ sắn bị cô Hương kêu lên văn phòng, Cô chưa rầy đã khóc. Chuyện văn nghệ: làm đặc san Lớp, bích báo, Nhóm Múa, hội trại Xuân. Những giờ học được nghỉ đi chơi nhà bạn Ngọc Tuyết. Lúc nào cũng được Bác Sáu gái dọn cơm cho ăn, rồi ra gốc mận ngồi ăn mận chấm nước mắm đường. Sao vui, sao ngon quá là ngon. Chuyện đi xe ngựa đến nhà bạn Ngọc Ánh ở Bà Lụa. Má bạn đãi một bữa cà tím nướng nhớ đời ngon hết biết….
    Mùa mưa, chúng tôi đi bộ trên đường đất đỏ từ quốc lộ 13 vô trường Nữ. Học trò nhỏ - áo dài trắng - mang guốc thuyền sơn đen quai trắng, trong cặp táp phải có mấy cây đinh đóng
guốc, phòng khi đứt quai. Mùa mưa, áo dài trắng thành áo dài hoa lấm bùn là chuyện thường ngày có gì mà mắc cỡ. Bài thơ “Chiếc Áo Dài Bông” viết trên tường trường nữ ngày đó, giờ đã quên rồi.
    Còn chuyện bây giờ mới kể: tìm bạn bốn phương, những bức thư trong hộc bàn nếu kể ra thì: “mua vui cũng được một vài ...”.
    Nhớ ơi là nhớ chuyện học trò. Có chuyện bạn này tưởng quên được bạn khác nhắc lại. Chuyện hồi đó mà cứ như là cổ tích. Rồi bạn ở nơi xa: Thuỷ, Loan, Hạnh ở Úc về, và lại có cơ hội đoàn tụ rồi.
    Bạn Mộng Hoài ở CaLi mong tìm lại bạn cũ. May quá, có anh Huỳnh Xuân Khai nối nhịp cầu vui. Thế là alô, gửi hình về coi còn đẹp gái thì gả chồng cho. Vui đến các đấng phu quân cũng vui theo và ngạc nhiên: “Sao mấy bà dzui dzữ vậy?”.
    Bạn đồng môn bảy năm nên hoài niệm nhiều ơi là nhiều. Còn các bạn khác giờ ở tận đâu?. Cuộc đời có được như mơ ước? Vẫn tìm, vẫn mong tin bạn và mong nhận hồi âm.

    Ôn cố

Năm đầu:
    Trường Nữ THĐ năm 1967 có 2 lớp đệ thất nữ là P1 (Pháp Văn) lớp A2 (Anh Văn). Sau đó có thêm lớp A3. Lớp tôi có đến 7 bạn tên Tuyết và 1 bạn tên Phước thì hơi lùn, vì vậy các thầy hay gọi lớp tôi là “7 Bạch Tuyết, 1 chú lùn”. Thầy Huỳnh Ngọc Anh vào lớp vừa mở nón xong nói: “Lấy tạp ra đạp”, “Repeat after me”. Thầy phì cười khi chúng tôi cũng lặp lại “Repeat after me” (mà thường xuyên lặp lại vậy đó). Thầy Phán Giám Thị rầy rà: “Chém cha không bằng pha tiếng”.
    Thương ơi là thương Thầy Bình dạy Vẽ chìu chuộng học trò hết biết. Cô Hiếu dạy Nữ Công tha hồ cho mấy chị trổ tài. Thầy Nguyễn Nhật Duật dạy Việt Văn mà mỗi lần nhớ thầy đều tiếc nuối. Sao không tiếp thu kho tàng văn học của thầy được một tí tì ti nào, cứ líu ríu: “Thầy ơi không hiểu”. Thầy an ủi: “Lớn lên sẽ hiểu”. Lớn lên và cần hiểu, thì có còn thầy đâu mà hỏi?.
    Thầy Bùi Thế San dạy Vạn Vật. Thầy là “Papa” của chúng tôi rất nhiều năm, nên cũng phát huy được một chút phong trào văn nghệ. Làm sao quên được những ca khúc vượt thời gian mà thầy từng hát: Mộng Dưới Hoa, Dư Âm, Ngậm Ngùi, Suối Mơ, Tiễn Em ……
    Trường Nữ năm đó, lớp tôi có một giờ học nhạc với thầy Bé Tám. Nhưng thầy nghỉ. Giờ học đó, lớp tôi tiếp những vị khách lạ rồi nhận những tờ màu hồng, xanh, vàng bằng giấy pelure giấu trong ống tay áo dài. Cờ được kéo lên cột cờ phất phới. Sau sự kiện đó, chúng tôi được chuyển qua học bên trường Nam và học buổi chiều. Chúng tôi có những anh chị “hộc tủ” buổi sáng. Sau nầy mấy bạn chỉ cho: “Anh Thiện hồi đó viết thư bỏ trong hộc bàn cho mình đó”. Có người chị kết nghĩa Yến Châu vừa học giỏi vừa hiền. Tết đến chị còn gửi thiệp chúc xuân chúc các em học giỏi, sau nầy mới biết chị học cùng lớp với chị Đinh Thúy. Không kể cũng biết: một bạn viết thơ nhưng có tới hơn một chục bạn làm đạo diễn: “Phải viết dzầy nè…...”. Trường mời phó nhòm chụp hình cho chúng tôi hình trắng đen. Bạn nào cũng nhỏ xíu xinh xinh (đính kèm)

Năm đệ lục:
    Làm sao kể hết những niềm vui. Năm đó đến giờ Lý Hoá của thầy Bùi Lý Hồng, bạn mình gọi giờ Lý Hoá là giờ hồi hộp. Thầy có thể gọi trả bài bất chợt. Một hôm thầy giở danh sách lớp. Chúng tôi đang hồi hộp hộp hồi. Thầy hỏi: “Em nào hay ăn quà nhất lớp?”. Sợ quá, chỉ chỏ: “Bạn H. đấy”. H. bị gọi đứng dậy. Thầy móc tiền trong túi ra: “Đi mua củ đậu giúp thầy”. Hết hồn.
    Cô Nghiêm Thuý Liễu dạy Sử Địa luôn khuyến khích học trò thuộc bài bằng phần thưởng là những quyển sách hình, nhìn thấy đã mê mẩn (sách nước ngoài mà). Môn đó chăm học ơi là chăm.
    Cô Nga dạy Toán cho điểm 0 : 26/ 50 em. Thiệt đáng đời, môn Toán mà. Nhờ vậy các bạn siêng hơn một tí. Thầy Bình dạy vẽ khuyến khích chúng tôi vẽ theo bìa Báo Tuổi Ngọc, Tuổi Hoa. Lúc chấm điểm, thầy hỏi: “Sao nhiều em giống nhau thế” (“cọp dê” ấy mà).

Năm lớp 8:
    Năm đó không còn ghi trong học bạ chữ  Đệ ngũ, mà viết là Lớp 8.
    Một năm học qua quá nhanh với bao nhiêu là niềm vui. Cô Hoàng Thị Đàn Hội với chiếc áo dài màu tím Huế, giọng nói như chim hót, dạy môn Sử Địa. Nghe riết giọng Huế của Cô mà ghiền.
    Thầy Bùi Thế San dạy Vạn Vật, phong trào văn nghệ tưng bừng. Giờ học của thầy, bạn nào
cũng được thầy khuyến khích hát để thầy được nghe giọng hát học trò. Ca sĩ hát trên đài chuyên nghiệp làm sao bằng các em hát. Làm sao quên được những lời thơ qua tiếng nhạc. Cảm nhận học trò hồi đó sao thiết tha:
…. Chưa gặp em tôi vẫn nghĩ rằng…..
…. Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ…..
…..Nắng chia nửa bãi chiều rồi vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu….
…..Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi…….
… Lên xe tiễn em đi chưa bao giờ buồn thế….
    Và cũng thật bất giờ khi Bạn Lương Thị Lễ Minh học giỏi nhất lớp hát bài Clementime bằng tiếng Anh điệu nghệ…..
    Năm đó, tôi được thầy Bé Tám đào tạo song ca bài “Trường tôi” với hoa khôi Trịnh Hoài: Nguyễn Thị Mỹ Linh. (xem hình).
    Vào dịp lễ cuối năm, chúng tôi múa bài “Cành Hoa Trắng”. Nhóm múa gồm 7 bạn: Tuyết Phan, Giang Mỹ, Nguyệt Hồng, Nhung, Phụng Loan, Mỹ Hạnh, Mỹ Linh (ngồi giữa). Tuyết Phan là đạo diễn. Năm đó chúng tôi chụp hình với cô Hà Thị Liên dạy Anh văn. Học trò cứ len lén ngắm cô mà mơ ước: lớn lên giống Cô mặc áo dài không cổ màu xanh thiên thanh, mang giày ‘bit’. Không làm sao quên được vẻ đẹp xinh tươi hồn nhiên quý phái của cô.
    Chuyện bây giờ mới kể: Giờ Toán của thầy Đặng Văn Danh. Trường Nữ có Phòng Giáo Sư ở trên lầu một. Bạn X. ở lớp A1 đã bóp khoá nhốt thầy bên trong. Hai lớp bị rầy mà lớp tôi thì bị hàm oan. Ai cũng biết là bạn X., nhưng đến giờ vẫn nhất quyết thề không khai báo (nhất quỷ, nhì ma, thứ ba là con gái).

Năm lớp 9:
    Chúng tôi học ở Trường Nữ. Lớp tôi bắt đầu có những thành tựu ở những bài báo tường. Chúng tôi ra đặc san “Dưới Mắt Học Trò”. Báo in ở nhà sách Khai Trí của Thầy San. Thầy Đoàn Phế đã vui vẻ khuyến khích và chỉnh sửa bài viết của chúng tôi.



Hình bìa đặc san Dưới Mắt Học Trò
    Biết bao nhiêu là chuyện hậu trường quanh đặc san. Thầy Đinh Đức Vượng đã dành riêng cả buổi cho chúng tôi thảo luận cái tên đặc san.      Nhiều ý kiến ý cò. Thầy cà rỡn: “Thì giản dị thôi: tên là “Ăn Uống Ngủ”. Dzậy mà bí quá, cả bọn ồn ào: “Theo ý của thầy đi”. May quá, Thầy Phế đã gỡ rối cho lớp, để bây giờ bao nhiêu bạn đọc lại bồi hổi bồi hồi: “Hồi nhỏ mình cũng giỏi dzữ hén?”.
    Cuối năm, nhóm múa diễn bài Mùa Hoa Anh Đào với 4 bạn: Phụng Loan, Thẩm Mỹ, Lại Tuyết, Nhung. Chúng tôi không tập múa ở trường mà tập ở hang Đức Mẹ ở Nhà Thờ Lái Thiêu. Giờ nhớ lại, bạn nói: “Sao quởn dzậy nhỉ?” .
    Trong năm nầy, tôi vẫn tiếp tục viết bài cho đặc san Xuân của Trường, tham gia đi bán báo trường, học đàn với thầy Bé Tám, dự các hội trại của Trường. Cũng bày đặt ghi bút danh cho bạn bình loạn lung tung. Dù sao cũng một thời áo trắng.

Lớp 10:
    Nhiều dấu ấn cùng thầy bạn. Bắt đầu điệu điệu. Lại được cô Hương Giám Thị quan tâm cho đi dự các chương trình của trường vì các chị lớp 11, 12 phải thi Tú Tài 1, Tú Tài 2. Thầy Lê Vĩnh Thọ dạy Việt Văn. Nhà thầy toàn là sách, nhiều hơn cả thư viện của trường. Cô Nguyễn Thị Xuân dạy Anh Văn. Cô dạy hát rất nhiều bài: Dola dola, Silent night….. Thầy Võ Kim Lân dạy Pháp Văn với một chuyện cười bằng câu: “Fémine et masculin?”, hoặc “Vỏ cá bự lại rẻ” từ chữ vocabulaire. Thầy Gởi dạy Vạn Vật với chữ ký giống hệt hàng rào kẽm gai dài ngoằng. Thầy Đình đạo mạo. Thầy Em dạy môn Công Dân. Học trò ví von thầy giống lính dù rằn ri hơn thầy giáo. Lúc thầy bị tai nạn giao thông ở Cầu Bà Hên, học trò líu ríu đi thăm ở Bệnh viện Bình Dương mới có cảm tưởng thân thiện với thầy.

Lớp 11:
    Chúng tôi qua trường Nam học, đã được gọi là tiểu thư và nhiều bạn đã nhận được thư
(gửi bằng phi tiêu bay) :
Có phải em mang trong áo bay
Hai phần gió thổi một phần mây,
Hay là em gói mây trong áo
Rồi thổi cho làn áo trắng bay.
(Thơ Nguyên Sa)
    Tuổi ô mai mới lớn kỷ niệm nào cũng quá ngọt ngào. Tình hình thời sự bên ngoài càng dữ dội, chúng tôi càng quý mến nhau. Năm đó, chúng tôi mỗi đứa diện một bộ đồ trắng đi diễu hành. Đi đầu là chị Ngọc Liễu nên đứa nào cũng biết chị.
    Chúng tôi đọc Vòng Tay Học Trò của Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng, đọc Buồn Ơi Bắt Tay của Fr. Sagan, đọc Doctor Zivago, Chiến Tranh Hoà Bình, Cuốn Theo Chiều Gió, tiểu thuyết của Quỳnh Dao …. với kỳ vọng sau nầy thành đại ... văn hào.
    Năm đó báo Xuân của Trường có bài viết của tôi với lời khen của thầy Lê Vĩnh Thọ và thầy Phước, Phó Hiệu Trưởng.
    Thầy Phan Huy Đạt dạy Sử Địa đã đem lại cho chúng tôi thật nhiều kiến thức về lịch sử.
    Chúng tôi quý mến thầy, quý hơn nhiều nhiều vì thầy là em trai của bà Phan Lệ Thanh, người đã dịch tác phẩm Love Story.
    Thầy Võ Kim Lân là giáo sư hướng dẫn lớp. Thầy nhiệt tình đem thư từ văn phòng cho mấy đứa không có tên trong danh sách lớp. Mỗi khi thầy kêu Ngọc Minh có thư, là rất nhiều bạn phì cười. Tội cái “ông” đứng trước cổng trường chờ gặp Ngọc Minh mà không hề biết Ngọc Minh là một nhóm, nên văn hay chữ tốt quá chừng chừng.
    Một chuyện làm đau lòng bạn Võ Hồng và bạn Thanh Thuỷ. Giờ học của thầy Hào dạy Anh Văn. Buổi chiều u ám ấy, chúng tôi về trễ. Hai bạn bị mất trộm hai chiếc Honda Dame mới tinh. Thời buổi ấy, chiếc xe đó có giá trị lớn, là niềm mơ ước của rất nhiều người. Ngày hôm sau, một nhóm bạn đi Vũng Tàu, nghỉ ở nhà thầy Lê Bích, hiệu trưởng trường Nghĩa Phương. Thầy Lộc hiệu trưởng trường Trịnh Haoì Đức cùng Thầy Bích đi nghỉ ở khách sạn, nhường nhà cho học trò cưng. Bạn Út nói: “Mình đi chơi vui, bạn mình thì buồn” .

Năm cuối:
    Thầy Phúc dạy Triết học. “Thầy ơi … không hiểu gì hết”. Thầy an ủi: “Thầy còn chưa
hiểu hết, lớn lên các em sẽ hiểu”. Một nhóm rủ rê đi học thêm Anh Văn. Thầy Hào dạy ở nhà Thầy Anh đường Bạch Đằng. Môn Lý Hoá học với Thầy Phạm Ngọc Em ở trường Nguyễn Trãi. Thầy ơi, trò học dở là có tội nhiều lắm với người thầy đã đem hết tâm huyết ra giảng dạy cho trò. Rồi một nhóm lại bon chen xuống trường Văn Học ở Sài Gòn học Triết với thầy Trần Bích Lan (nhà thơ Nguyên Sa). Trường lớp ngột ngạt chật chội. Thầy kể hết chuyện phiếm nầy đến chuyện phiếm khác chẳng liên quan gì đến Triết học, mà học trò vẫn ngủ ngon. Thầy tự trào, có công “tôi ru em ngủ”, “mộng vẫn bình thường”.
    Chúng tôi học tiếp năm cuối với thầy Phan Huy Đạt dạy Địa Lý. Quý thầy nhiều hơn khi thầy trò cùng làm Báo Xuân Trịnh hoài Đức năm 1974. Bây giờ tôi vẫn nhớ mình đã làm thơ trên sân cỏ Trịnh Hoài với nắng vàng dưới gót chân. Nhưng giấc mơ làm nhà văn, nhà thơ…. thẩn của tôi vĩnh viễn chia ly ngậm ngùi với tôi sau bài thơ lãng mạn đến nỗi tôi bị ăn đòn của cha tôi năm ấy.
Xuân đến, trường tổ chức Hội Tết. Thầy Mẹo, giáo viên chủ nhiệm, giúp chúng tôi xây dựng khu trò chơi. Lớp tôi lo trang hoàng, nhưng con gái mà…. Trại chúng tôi hoa lá cành đủ kiểu và vui mắt nên được bằng Tưởng Lục của trường. Tôi lên nhận bằng khen từ thầy Hiệu Trưởng Nguyễn Văn Hộ. Có một bạn bày tỏ niềm vui trên bảng trắng “Vương quốc A2 giành giựt giải nhất”. Bây giờ mình nghĩ lại, chỉ có Phụng Loan là hay nghịch nhất nhưng bạn nói quên hết rồi.
Rồi chúng tôi viết lưu bút chia tay. Bạn Thu Hà vẫn giữ còn như mới, đọc lại giống hệt tuồng cải lương cũng mùi thấy thương… Phía sau tấm hình lưu niệm nhất định phải là câu: “Dù cho ảnh có phai màu, xin đừng xé bỏ mà đau lòng người”. Ôi kỷ  niệm sao mà ...
    Một niềm vui lớn trong năm học năm học cuối cùng của tôi là được nhận phần thưởng an ủi do trường tặng. Tôi chụp mấy tấm hình nhưng không rõ mặt các Thầy và quan khách đến dự.
    Thêm một kỷ niệm với thầy Phan Huy Đạt khi học ở Trường Đại Học Văn Khoa. Tôi cùng
thầy và các em khoá sau làm đặc san Xuân 1975. Tôi nhớ hoài câu Thầy nói: “Hành trang của Thầy chỉ có một valy đựng sách”.
    Mùa xuân, mùa vui tươi, mùa hội ngộ. Tôi sợ sẽ rớt rơi hết những kỷ niệm trường lớp nên xin ghi lại những kỷ niệm xưa để nhớ về khối tình trường, lớp, bạn bè, và để hãnh diện khoe cùng con cháu: Trịnh Hoài Đức là ngôi trường mà tôi đã học ./.