Dấu Yêu Còn Mãi
T. Thúy
(với bạn bè K.9, Cẩm K.14 và mùa-Thu của tôi)



Thời tiết vừa se se lạnh mùa Giáng Sinh, những cây thông vẫn còn lấp lánh đèn sao, không khí Tết Dương lịch chưa tan thì Tết ta đã chen chân bước tới. Người ta nói năm nay ăn Tết sớm, nghe thật buồn cười phải không? Bởi một năm vẫn từng ấy ngày (không kể những năm Nhuần làm gì), sớm hay muộn cũng thế thôi mà. Phố xá bắt đầu thay đổi, ồn ào hơn, nhộn nhịp hơn, hối hả hơn. Không biết tôi nên vui hay phải buồn? Thêm một tuổi là con dốc đời ngắn thêm một đoạn nữa, mỗi người già thêm một chút nữa, khoảng cách từ quá khứ đến hiện tại dài thêm một chút nữa…

Như khi nhìn thấy tấm ảnh Cẩm chụp tên trường, cổng trường hôm gặp lại thầy xưa, thật lòng tôi đã bồi hồi xúc động. Thương quá những năm tháng tuổi trẻ của bạn bè, của tôi, ở đó. Tất cả giờ xa như trời mà đôi lúc cũng gần trong tầm tay. Như  giữa tháng Mười Một, Kim Nên đã đi về gần ngàn cây số để thăm Chu sư phụ, tưởng Houston lên Dallas như Saigon về Bình Dương.

Niềm vui gặp gỡ sau hơn bốn mươi năm không thể nói hết bằng lời nên thầy đã viết “Plano. Một trưa Chúa Nhật“ thật hay và cảm động. Rồi Nên cũng gõ nhanh tường trình  Thầy trò hội ngộ“ gởi về cho tôi kịp in ra cùng lá thư “Thầy trò“ đưa đến bạn bè trong tiệc cưới con trai Kim Hồng. Ngắm thầy cô và Nên trong ảnh mấy đứa A2 đã long lanh nước mắt, những nụ cười đã lâu mới tròn đẹp trên môi... Hạnh phúc thật đơn giản, bình dị như gương mặt  đám học trò Trịnh Hoài Đức ngày xưa của thầy và tôi mừng vì mình đã tìm ra điều giản dị đó một cách dễ dàng.

Và niềm hạnh phúc lại được nhân đôi nhân ba sau lễ Tạ Ơn năm nay khi Kim Nên và Bì gặp được cô Tô Mỹ Hạnh ở nhà Bì trên San Jose. Tôi đã gọi và nghẹn lời với Bì, với Nên, sao cô giáo dạy Văn nhỏ xinh của tụi mình năm đệ Ngũ bây giờ trông lạ quá. Năm tháng đi qua đời người, còn lại là môi cười quen thuộc của cô đã đưa A2 trở về vùng trời Hoa Nắng với Diễm Phượng ngày xửa ngày xưa. Rồi sẽ có nhiều giọt nước mắt nhớ cô, nhớ một thời ép lá đề thơ, nhớ… em tan trường về đường quê gió hát trên cánh đồng lúa chín vàng không cô ơi! Cô ơi! Tiếng gọi từ trái tim tôi và bạn bè như vọng về cõi chiêm bao nào đó, nửa tỉnh nửa mê, hoang mang hồn xác bất ngờ.

Như  khi Tiếp gởi mấy tấm hình đón thầy Lộc ở Cali hồi cuối tháng Năm, có tấm Tiếp nói chụp với thầy để gởi riêng cho tôi, đã làm tôi buồn vui đan xen kỳ lạ. Những ông đồ già hao gầy như vẫn còn nguyên dáng bên bục giảng năm nào. Ở đó là lớp tôi, lớp bạn, lớp được thương, lớp tỵ hiềm; là hành lang ngại ngùng đi qua lao xao mắt nhìn; là khung cửa sổ có khoảng sân cỏ nối dài hai dãy phòng học cùng đợi một giờ ra chơi… Ở đó còn có Từ, một ngày Houston tháng Tám hào hứng kể cho tôi nghe chuyện bày trò phản đối thầy P. làm hai đứa được một lần cười thích thú vì chưa bao giờ vui như thế. Ôi những ngày xưa thân ái là gia vị cho cuộc sống hôm nay, là sợi dây liên lạc bền vững, là tình cảm thiêng liêng tìm lại được sau hơn bốn mươi năm chia cách. Cầu xin được nâng niu và gìn giữ đến khi lìa xa cái cõi trần gian tạm bợ này.

Bây giờ là khoảnh khắc ngắn ngủi còn lại của năm cũ, hình như chỉ có trên mảnh đất quê nhà và chỉ có với những ai làm người ở lại như bọn tôi. Đọc trên email nhiều câu chúc Tết mà ngậm ngùi. Mùa Xuân bay lạc đâu đó lâu lắm rồi. Dòng sông ký ức cứ cuốn trôi cuộc đời mất hút về một chỗ nào, không nhìn thấy nữa. Mỗi năm qua như đánh dấu một bậc thềm bước xuống, ba mươi sáu rồi ba mươi bảy, một chặng đường chênh vênh quá, chông gai quá cho cả người đi kẻ ở. Tuổi trẻ của tôi đã ngủ yên trong ngôi trường cũ, bình an của tôi đã gởi lại trên góc phố xưa. Nơi mà mỗi bận về ngang trái tim cứ nhói đau tiếc nhớ, cứ nghe lời muôn trùng dỗi dằn nhắc nhở. Bàn tay đã che khuất bên trời, một mắt nhìn nghiêng nghiêng lạ lẫm. Bàn tay đã miệt mài trên phím chữ, trên dây đàn, đã vẽ giấc mơ tuyệt vời, cầu mong được thành hiện thực. Bàn tay đã đan những sợi tóc trắng làm tơ lưới đợi đón một giọt lệ rơi trong đêm… Tất cả gom vào mùa-vàng-son như là Tết để vỗ về mình - thôi cũng vui đi.

Như một bài Xuân ca thuở trước lồng lộng trong gió chiều, hàng cây cao vẫn rụng những chiếc lá tàn muộn, lá hát dưới chân tôi và con đường bỗng dài vô tận. Con đường dẫn lối chiêm bao, con đường mộng mị năm mười bốn mười lăm, con đường gian nan của một thời đổi thay không ngờ. Trăm nẻo rồi cũng về bến đỗ cuối cùng, hết ngày là đêm, hết xuân-hạ-thu-đông rồi lại Tết. Dù đã lâu, rất lâu không  nghe tiếng pháo nhưng trong sâu thẳm hồn tôi vẫn còn văng vẳng âm thanh đó, còn nguyên mùi khói cay nồng khó chịu đó. Dù đã lâu đánh mất những chiều cuối năm ngồi canh lửa cho nồi bánh tét của Ngoại nhưng tôi vẫn nhớ như in góc sân sáng lung linh môi cười mong Mùng Một tới. Dù đã lâu lắm rồi… mà vẫn không quên phải không những người-muôn-năm-cũ?

Như năm nay, thử về với phiên chợ thâu đêm suốt  sáng trước tối giao thừa ở Lái Thiêu, Búng hay Bình Dương để sống lại thời thơ trẻ của chúng mình đi. Sẽ thấy mai vàng rực rỡ bên sông, sẽ thấy lòng nôn nao muốn mang hết những hoa trái về nhà, sẽ tìm được bình yên khi đứng nhìn dòng nước trôi miên man những tảng màu lục bình xanh xuôi qua cầu. Sẽ đặt chân trên nhịp ván xưa mà nhớ vòng xe đạp ai ngập ngừng chờ ai buổi tan trường về. Nghĩ vậy thôi mà mắt tôi đã rưng rưng, muốn khóc, thương lắm khung trời quê quen thuộc mà ai xa chắc phải quặn thắt tim đau. Chỉ xin nỗi đau thật dịu dàng lắng đọng, đừng đày đọa,  đừng hành hạ nhau là tôi mừng. Cho đường về vẫn thênh thang và những hội ngộ thầy-trò-bạn-bè vẫn tiếp nối cùng năm tháng. Xin thời gian hãy đứng yên để tuổi đời đừng chất chồng thêm nữa. Cất gánh nặng trên vai , lòng nhẹ tênh hát khúc tương phùng trong bốn mùa đều là Xuân không thôi.

<>  <>
    Rồi những ngày cuối năm cũ sẽ qua nhanh, những ngày đầu năm mới sẽ đến trong vô vàn tâm trạng buồn vui của mọi người. Tôi sẽ có nhiều sớm mai lặng lẽ trên đường đi lễ nhà thờ. Những buổi sáng hiếm hoi nhìn phố phường ngủ muộn, thưa thớt người và xe cộ, thấy sự thanh thản tự nhiên ùa về, như  đang sống lại một thời đã mất.

Con sóng nhắc vỗ vào bờ nhớ thật nhẹ nhàng để ru mình chìm đắm trong từng lời kinh cầu nguyện cho tất cả thân sơ xưa nay. Và tôi biết, ở một nơi xa lắc xa lơ kia cũng có người góp lời nguyện cầu cho tôi, bình an nhé phần đời còn lại. Cứ để sóng đưa thuyền về phía trước, đừng bận tâm cây đa cũ bến nước xưa còn hay mất. Bởi mọi thứ đều nguyên vẹn trong ngăn kéo kỷ niệm, làm của để dành mang theo về cuối dốc ngày mai.

Mùa Xuân cứ ẩn hiện, lan man trên từng con chữ lạc nghĩa, không biết bắt đầu và kết thúc ở đâu. Viết để chung tay với Tâm, tôi nghĩ đơn giản như thế nhưng thật khó cho một chủ đề quen thuộc.  Muốn trở lại thời học trò làm báo Xuân Trịnh Hoài Đức cũng không dễ chút nào. Cảm nhận sự lẻ loi len vào tận ngõ ngách tâm hồn nên cứ loay hoay hoài. Phải chi tôi dàn trải được hết nỗi lòng ra đây, được nói cười tự nhiên với những bằng hữu ngày xưa, được về ngồi lại một lần ở dãy bàn học cũ nghêu ngao hát…”Cho tôi lại từ đầu, cho tôi lại từ đầu. Để được khóc, được thương, được nhớ. Cho tôi lòng thật thà… trên môi đời nghiệt ngã. Để hương xưa…nhỏ xuống tình già…” .

Thôi cũng đành  dặn dò mình lặng im, quên đi phiền muộn để bước tiếp vào một hành trình mới. Có thể gập ghềnh thêm hay bằng phẳng trở lại, làm sao ai biết được. Mùa Xuân hay mùa Thu đều giống nhau phải không người ở đó? Nhớ  tiếng cười kéo dài theo chữ “thôi“ hôm nào còn mãi trong tôi… một nỗi niềm thật lạ. Đã nối gần hai bờ vui, đã xóa mờ những dấu chấm hỏi, đã có chung một đức tin…và bây giờ còn có chung một năm dài đang đến nữa. Nhiều giông bão cần yên ắng, nhiều bất an cần sẻ chia, và lối hẹp cần soi sáng để thoát ra cùng nắng ấm bên ngoài. Cũng cần thu ngắn những hạn kỳ mà tôi phải lãnh nhận theo buồn vui thất thường của trời đất xa xăm. Cũng cần nghe để đáp lời à ơi cho bản tình ca đồng vọng muôn đời muôn kiếp, không phai.

Thêm một lần chia tay Trịnh Hoài Đức ở đây nhé!. Xin mùa Xuân gieo đầy hạt yêu thương trên những mảnh đất đời riêng lẻ. Nhờ gió đưa hương Tết  nồng nàn đến khắp mọi nơi, mọi nhà. Mong nỗi nhớ quê cũ trường xưa vẫn ngập tràn trong tim mỗi người, mãi mãi... Và bây giờ, thôi trả mấy câu thơ lỗi nhịp bay về trời, đừng vu vơ nhắc tới nữa để được vui  như  là Tết… (cũng hết phải không người yêu dấu, chim mùa Xuân bay về lối thu không, em đâu đó xin đừng bật khóc, giọt lệ vàng đủ nhức nhối trăm năm)

  <>
(Xuân Nhâm Thìn 2012)