Tưởng chừng
đã mất.
Mưa Ngâu
Những làn gió nhẹ nhàng lành lạnh sau
mùa Giáng Sinh xuyên qua lớp áo vải mỏng học
trò màu trắng cùng những làn khói
lưng lững, lười biếng dật dờ giữa những cánh đồng ruộng đang
cháy rơm chỉ còn trơ ra những gốc rạ và cây
Bạch Mai trong sân nhà tôi, chừng như có một
vài nụ bông vừa he hé thẹn thùng khoe sắc
là dấu hiệu của mùa xuân lại một lần nữa chực chờ
đến… hay chính là đóa Mai Trắng trong tôi,
trắng như màu áo học trò và tình
yêu đầu đời được ai đó khêu lại sau hơn nửa đời
người “bóng chim tăm cá”.
Câu chuyện bắt đầu từ email ngắn ngủn của anh : ”P.. có nhớ xứ Búng
ngày xưa, có còn nhớ thằng con trai ngày
xưa đạp xe mỗi ngày qua nhà P.. nhiều lần không… ?”
Dòng email xa lạ và đột ngột từ bên kia bờ đại
dương như ngọn gió khêu lại đống tro tàn,
còn sót lại một đốm than nhỏ xíu, và đốm
than chợt trở mình sau hơn bốn mươi năm chờ đợi, âm
ỉ…âm ỉ… từ từ bùng lên ánh lửa nhỏ nhưng ấm
áp giửa cánh rừng già mùa đông lạnh
giá ẩm ướt của Fork.
Trong đống tro tàn, ngọn lửa nhỏ ánh lên với email:
“P.. chào anh, làm
sao P.. quên được… ngày xưa, xứ Búng với
tình yêu đầu đời…”
*****
Ngày xưa đó…. cùng học chung trường Trịnh
Hoài Đức, đứa con trai học trường nam, đứa con gái học
trường nữ ngày ngày nơi đầu con đường vô trường nữ,
anh vẫn đứng im lặng chờ từ đàng xa bóng áo
dài trắng học sau mình hai lớp đi học về, đứa con
gái biết điều nầy qua người bạn, qua nụ cười của ai đó
đạp xe chạy chầm chậm qua nhà mình, nụ cười thật rạng rỡ
và thật hiền của cậu con trai 15 tuổi… Bức thư bằng giấy
tập học trò vội vã trao, đứa con gái bỏ vội
vào cặp, đôi má đỏ bừng vì sợ người ta thấy,
vì xúc động… Đôi guốc lóc cóc gỏ lỗi
nhịp qua cội bạch mai già phủ đầy bông trắng trước
sân nhà, mùi hương ngọt ngào quyện trong
tà áo trắng, trong mái tóc dài….
Nhà không có phòng riêng phải ngụy
trang bức thư anh gửi trong trang tập sử ký, học sử mà
má hồng lên vì lời tỏ tình của ai đó
dài hai trang giấy đôi. Má gọi dọn cơm,
thoáng thấy con gái vui hơn mọi ngày, nhưng
không để ý hai má con gái ửng hồng,
và mái tóc dài như dài hơn một
chút và bóng hơn một chút, đen hơn một
chút … vì lời khen trong thư.
Một bức thư hồi âm trao lại qua người bạn… một cách
bí mật, bức thư cũng bằng giấy tập học trò… Chỉ như vậy
thôi, những bức thư trao vội, những buổi tan trường bao giờ cũng
có ai đứng đầu ngỏ chờ đi qua, xa lắc quay lại vẫn còn
đứng đó, chiều chiều làm bộ ra sân nhà đợi
anh đạp xe đi qua với nụ cười tinh khôi… và mỗi tuần
vài lần thường thường xin phép: “ Má ơi, con qua
nhà Huệ mượn tập..”. Đường từ nhà tới nhà bạn hơi
xa, qua ngôi giáo đường cổ kính có những
cây Sao già cao vút sân Giáo Đường
rộng với tượng Thánh trước sân mênh mông
gió, rồi mới tới nhà Huệ (nhà Huệ cạnh nhà
anh).
Tóc tai bù xù vì gió, đôi
má đỏ ửng vì nắng hay vì sắp… gặp anh, trái
tim rộn ràng muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Lần nào cũng
vậy, chạy vào nhà bạn như một cơn gió lốc,
và anh đứng đó ngoài hàng hiên
nhà anh tự bao giờ, hai con chim non nớt gặp nhau chỉ biết cười
thôi, đôi khi có bức thư anh trao vội
vã trong cuốn tập. Rồi như lúc đến, tôi vụt chạy về
… tại sao không đi mà chạy? Vì lúc ấy
tôi…phải tốn ba năm trăng mới đủ tròn.
Không dám hẹn hò, không dám tới
nhà, không.. không gì cũng không
dám hết, chỉ như thế thôi… Nhiều tháng trôi
qua, nhưng rồi má tôi cũng biết, và anh hai
tôi cũng biết… chuyện tình trẻ thơ của tôi với L..
Gia đình tôi cấm (không cấm làm sao được khi
con gái mình còn quá nhỏ dại). Nhưng chuyện
tình học trò ấy không chấm dứt được, vì L…
vẫn đứng đầu ngỏ chờ tôi xách cặp đi qua mỗi
ngày…mỗi ngày. Và chiều nào tôi cũng
đứng dưới gốc bạch mai già xao xác gió lập
đông chờ anh đạp xe đi qua nhiều vòng, chỉ để hai đứa được
nhìn nhau, được mỉm cười với nhau. Những trang giấy học
trò vẫn được trao qua người bạn, điều má cấm tôi
được là không ra khỏi nhà trừ đi học mà
thôi. Và làm sao cấm được, mãnh lực
ghê gớm của tình yêu, dù là
tình yêu tuổi học trò. Anh không thể đến
nhà tôi được nhưng tôi có thể đến nhà
bạn Huệ để gặp anh. Nhiều lân tôi đã cải lời trốn
cha mẹ, trốn anh hai, chạy đến nhà Huệ, chỉ để hai đứa
nhìn nhau một chút, nói vài ba câu vu
vơ như: “ P.. học bài chưa? P.. đi trưa nắng mà
không đội nón về bệnh làm sao? “. “ Tại P..
lén đi mà, đội nón anh hai thấy làm sao?”,
“Tuần sau Noel rồi, P.. đi lễ nhà thờ với L.. nghe? “. “P..
đâu có đạo, vô nhà thờ P.. biết làm
sao? “. “Thì L.. làm sao P.. làm vậy. Nghe,
đi nhà thờ nghe. “. “Ừ. L.. ơi, một lát về
nhà, anh hai mà biết P.. bị đòn! “.
Nhiều lần trốn đi, cũng có lần bị bắt gặp, khi tôi chạy
ào vào nhà mặt mày đỏ lơ đỏ lững. Anh hai
tôi đứng trước mặt, chỉ nhìn mặt tôi là anh
hai đã biết tôi đi đâu về. Tôi không
biết nói dối nên hôm ấy tôi bị một trận
đòn (sau nầy còn nhiều lần bị đòn nữa). Bị
đòn đau nhưng hình như trái tim tôi
vui hơn, hạnh phúc hơn như một vị Thánh tử vì đạo,
vì ngày hôm sau L… biết tôi bị đòn,
ánh mắt anh nhìn tôi tha thiết hơn, anh đạp xe qua
lại nhà tôi nhiều lần hơn và nụ cười anh trao cho
tôi thương yêu hơn…
…Giáng Sinh năm đó, tôi cũng không hiểu
vì sao khi tôi xin phép má tôi đi dự
lễ Noel với một người bạn gái, má tôi cho
liền. Tối 24/12 tôi mặc áo dài trắng lần đầu
tiên bên anh đi lễ trong nhà thờ uy nghi rộng
lớn, tôi thật lạ lùng ngơ ngác. Tôi mở mắt to
nhìn khi mọi người cầu kinh, khi mọi người quỳ tôi
còn đứng, anh phải kéo tôi quỳ xuống với nụ cười
thật hiền: ’’ L.. phải dạy P nhiều thứ’’ ‘’,”P… lần đầu đi nhà
thờ mà, không sao đâu’’…Tối Noel năm ấy, sau lễ nửa
đêm L.. đưa tôi về nhà, hai đứa trẻ chỉ biết nắm tay
nhau, im lặng đi trong đêm tối, trên trời rất nhiều sao
trời lấp lánh như soi đường vì hai đứa đi giữa những dảy
thép lạnh đường rầy bắc ngang. Nhiều lúc anh phải đỡ
vì tôi vấp ngã… Noel năm ấy trời rất lạnh nhưng tay
anh rất ấm. Lần đầu tiên anh nắm tay tôi, tay anh ấm nhưng
tay tôi lạnh chẳng hiểu vì sao… Khi hai đứa chia tay
nhìn nhau thật thánh thiện, tinh khôi, còn
chưa biết hôn nhau dù đường khuya rất vắng…
… Mùa tựu trường áo dài má tôi may
cho dài hơn một tấc, tóc tôi dài hơn, đầu
đường đến trường nữ anh nhìn tôi mặc áo dài
mới với nụ cười tinh nghịch như muốn nói : ”P.. nhổ giò
quá rồi đó “. Còn anh trong mắt tôi
là một chàng thư sinh cao nhồng dễ thương quần xanh
áo trắng, phù hiệu cùng trường. Anh cao hơn
tôi một cái đầu, trông hai đứa thật tức cười, lớn
không ra lớn, con nít không ra con nít. Trong
thư nhiều lần anh đã viết : “L.. thích mái
tóc dài của P.. nhất. Mái tóc dài
là của L.. đó nha P...”
Mười ba tuổi, dù sao tôi vẫn là đứa trẻ, một người
dì ở Sài gòn về chơi, tôi choáng mắt
với nét đài cát, sang trọng của dì, mười
ngón tay, mười ngón chân dì sơn đỏ
trông thật ‘’đẹp’’, tóc dì cắt ngắn đánh rối
lên, rồi son phấn… Tôi, một con bé nhà
quê chưa một lần biết son phấn là gì nhìn
dì thật đẹp và thật ngưỡng mộ… Dì nhìn
tôi nói: “Con còn nhỏ, để tóc dài
quê lắm, già đi, cắt ngắn vừa trẻ vừa đẹp”. Tôi tin
dì một cách tuyệt đối, tôi nghe lời dì
quên đi lời dặn của anh. Dì dẫn tôi đi cắt phăng
mái tóc dài óng ã, đen tuyền ngang
lưng, nhìn trong gương, mái tóc ngắn củn cởn
tôi biết mình đã sai, nhưng làm sao nối
tóc lại được nữa. Tôi nhớ anh, nhớ lời anh nói,
và tôi cầm mớ tóc khóc ngon
lành trong tiệm.
Sáng thứ hai đi học, dù tôi đã biết thế
nào anh cũng giận, vẫn quần trắng áo dài trắng
tinh anh, nhưng khi anh nhìn tôi với mái tóc
ngắn, mắt anh như sửng sờ, như có dấu hỏi to tướng, như
có sự thất vọng rất lớn trong anh, không có nụ cười
trìu mến như mỗi ngày. Anh im lặng nhìn tôi
đi qua giận dổi không nói một lời.
Ngày hôm sau tôi nhận được bức thư giấy học
trò của anh chỉ vỏn vẹn hai hàng: “Một đêm Noel.
Một mái tóc”. Tôi khóc và trả lời thư
cũng bằng một câu: ” Tóc P.. cắt ngắn rồi dài lại,
sao L.. không tha thứ…”.
Từ ấy tôi không gặp L.. nữa. Không một cánh
thư. Không. Gì cũng không. Dù nhà
tôi cách nhà anh khoảng một cây số. Dù
cùng trường cùng tên. Dù trường nam
cách trường nữ chỉ một cây số. Tôi tự ái
không tìm anh ở nhà Huệ nữa. Giáo Đường vắng
bước chân tôi qua. Tôi chỉ biết khóc một
mình trong nhiều đêm dài của nhiều năm sau
đó. Thời gian làm lành vết thương lòng
nhưng vết sẹo vẫn còn. Mối tình đầu chưa kịp nở vẫn
còn, đâu đó trong ngăn ký ức và
mãi mãi trong sáng như ngày nào…
Tôi 13 và anh 15 tuổi.
43 năm sau, thường trong những câu chuyện là 10 năm sau,
dài hơn nữa là 20 năm sau, còn chuyện của
tôi 43 năm sau, khi mà mỗi người chúng tôi
đã đi qua lưng chừng con dốc cuộc đời, trời xui đất khiến
chúng tôi gặp nhau trên trang web trường trung
học ngày xưa, trong tiếng kêu gọi bầy xao xác của
những đàn chim các khóa gọi nhau, tìm nhau,
của kẻ lạc chân mây kẻ cuối trời. Anh tìm tôi
bằng một email ngắn như trên đầu bài viết. Tuổi trẻ, kỷ
niệm xa xưa chợt ùa về. Tôi khóc như đứa trẻ 13
tuổi ngày xưa. Con tim hóa đá nhiều năm
bùng cháy trở lại, đau nhói như có ai
đó bóp nát, máu chảy xuống từng
giọt…từng giọt đỏ tươi…Dù là bây giờ L… và
tôi cộng thêm mỗi người 43 tuổi, cái tuổi
không còn trẻ nữa, nếu không nói là
thời gian không còn nhiều nữa… rồi đi vào
thiên thu…./.