Tản mạn ngày xuân
Tư Nguyễn
Sắp đến ngày rằm tháng Chạp, vậy là chẳng
còn bao nhiêu ngày nữa sẽ tới Tết Nguyên Đán.
Những ngày nầy ở xứ Bình Dương quê tôi
thuộc về ngoại ô Sài Gòn nên vẫn còn
dáng vẻ của thôn quê. Nhà nào cũng bắt đầu
làm củ kiệu, mứt gừng, mứt tắc, mứt chùm ruột,
mứt dừa ... Bây giờ ở ngoài thị trường người ta làm
bánh mứt không vệ sinh, nên nhà nào cũng chịu
khó tự làm vài món để cúng Ông Bà và
đãi khách.
Nói cho có vẽ rộn ràng vậy chứ cái
việc làm bánh mứt nầy thì cũng chỉ mấy
người già như tôi, ở nhà rảnh rổi thì làm
vậy thôi, hoặc là người nào kinh tế eo hẹp
nên còn giữ chút gì thói quen xưa, cây nhà lá
vườn của ông bà để sửa soạn đón Tết, chứ
bây giờ bọn trẻ nó tất bật với
công việc ở công ty, công sở, còn thời gian
đâu mà tủn mủn những việc nầy. Đôi
lúc bọn nó còn phải tăng ca đến ngày 30 Tết
mới được lãnh lương, sau đó vội vã
chạy ra chợ còn gì thì mua cái ấy, hoặc vài hộp
bánh về đãi khách là xong.
Đó là nói những gia đình nghèo. Còn những
người khá giả thì họ đã mua sắm từ Tết dương
lịch. Bánh trái là loại nhập khẩu chứ
không mua hàng nội địa đâu đó nhé. Họ mua sớm
để biếu cho người thân và bạn bè, chứ
không có thì giờ đâu mà tẳn mẳn làm
từng miếng mứt cho cực khổ.
Nhắc đến Tết Nguyên Đán của ngày xưa thì
thật trang trọng vô cùng. Một năm chỉ chờ có
những ngày này để được nghỉ ngơi, ăn uống, thăm
viếng nhau, và chúc nhau những lời tốt
dẹp đầu năm, để quên đi tháng ngày nhọc nhằn,
quần quật với công việc bù đầu,
tối mặt, mà không dám ăn ngon, mặc đẹp.
Tôi nhớ rất rõ những ngày còn thơ dại,
cha mẹ tôi suốt tháng năm phơi mình ngoài
ruộng đồng, không một ngày ngơi nghỉ, dù
cho đó là ngày chủ nhật. Nhưng đến tháng chạp khi
lúa thóc đã thu hoach đầy bồ, Mẹ tôi bắt
đầu chuyển sang chuẩn bị đón Tết. Bà làm mứt, làm củ
kiệu, xay lúa nếp sẵn sàng, để đến ngày
30 Tết là Mẹ tôi gói thật nhiều bánh
tét, bánh ít, để biếu bà con và cúng ông bà.
Đêm giao thừa tôi quây quần bên
chân Mẹ cạnh nồi bánh tét đang rừng rực lửa, mà
lòng thì như mở hội, vui mừng chờ đợi đêm tàn
để sáng mai dậy sớm mừng tuổi ông bà
ngày đầu năm.
Bọn trẻ như tôi cũng khổ lắm đó nghe. Mừng
Tết trong dạ vui sao kể cho xiết, muốn
nhảy tung lên, la hét cho nó khoái chí, nhưng không
biết có ai giống tôi không, hứng chí lắm,
nhưng phải cố gắng đè nén vào lòng, không dám
hó hé vì ngày đầu năm mà để Mẹ gỏ đầu vì
cái tội lí lắc là xui lắm đó, suốt năm sẽ bị ăn
đòn liên miên. Đó là truyền thuyết từ
ngàn xưa để lại mà Mẹ tôi từng nhắc nhở vào
đêm giao thừa. Bọn trẻ tôi thời ấy
phải hết sức giữ mình.
Lại còn nhớ da diết những bao lì
xì đỏ chót mà ngày đầu năm Ba Mẹ chuẩn bị sẵn từ
thuở nào, sẽ đem ra lì xì cho bọn tôi vào
thời khắc quan trọng này. Ôi - Sao mà khoái
hết chỗ chê!. Còn nữa, một bộ
đồ mới toanh mà hôm 20 Tết Mẹ dắt ra chợ mua,
cũng để dành đúng ngày mùng một đầu năm
Mẹ sẽ mặc cho. Mùi vải mới thơm tho phảng phất làm cho
lòng tôi lâng lâng.
Không phải cái thuở còn bé tí xíu, tôi nao nức
mừng Tết đến, mà cái tới khi đã là cô học
trò trung học rồi nhưng vẫn còn hồn nhiên
vô tư chờ đón năm mới. Lòng cũng đánh nhịp rộn
ràng theo từng ngày của tháng chạp nầy.
Ngày xưa Tết đến là như thế đó, còn hôm nay
thì quá nhiều ngày vui, ngày mới. Tết Nguyên
Đán hôm nay không còn trang trọng như thuở nào.
Vừa qua là Tết dương lịch, người người cùng chào đón
tưng bừng, cũng pháo hoa, nhạc hội. Ai cũng hăng hái ra
đường chờ đợi giờ giao thừa với muôn sắc màu rực rỡ
ánh đèn. Đường phố chật kín người, áo
quần của họ mới mẽ, bảnh bao. Họ cũng cùng nhau chúc mừng
năm mới. Nhưng cũng còn nhiều cái không có như
Tết quê ta. Đó là những cánh hoa mai vàng chưa kịp
nở. Không có nồi bánh tét đêm giao thừa và
không có những bao lì xì mừng tuổi ông bà.
Vậy là Tết Nguyên Đán vẫn còn
cái rất riêng mà chưa bị đánh mất. Cũng như
hôm nay, nơi quê nhà ngày Tết gần
kề, dù sao thì tập tục xưa của ông bà vẫn
còn, mọi người, ai cũng chuẩn bị cho gia đình đầy
đủ, dù ít hay nhiều để đón ông bà
về ăn Tết.
Hoa mai bắt đầu đơm nụ. Những gian hàng bán Tết đã
trưng bày đầy ấp. Người ta đem từ miệt xa
xôi về tràn ngập trên đường những
bông hoa vừa chớm nụ đủ loại, đủ màu sắc cho kịp ngày
Tết. Những người quê ở xa đã lục đục lo mua vé tàu
để còn kịp về sum họp gia đình. Không khí đã
ngập tràn hương vị Tết.
Vậy bạn tôi ơi - Bên kia nửa vòng trái
đất, các bạn có về không? Các bạn có đang
chuẩn bị lên phi cơ để về lại quê
hương đón chào năm mới chưa?
Bạn đã ra đi từ thuở nào, xa quê, xa người thân, xa
bạn bè ngút ngàn, bạn có hưởng được hương vị ngày Tết
nơi quê người không? Ngày Tết nơi xứ lạ, bạn
có chạnh lòng vài phút giây để nhớ về
một thời tuổi thơ bên bạn bè, nơi xóm làng xưa
mình không? Đêm giao thừa, nơi đất khách, bạn
có nhớ mùi thơm từ nồi bánh tét mà Mẹ già đang
ngồi canh chăng? Hay là bạn mãi miệt mài
bên công việc mà không hay ngày tháng
lặng lẽ qua nhanh.
Bạn ơi - Nếu bạn chưa kịp về lại nơi làng xưa,
quê cũ để êm đềm chờ thời khắc giao thừa
đến, thì bạn chớ để rưng rưng dòng lệ nóng
trong phút giao mùa ấy, mà lòng sẽ nặng trĩu khi mà năm
mới vừa bước sang bạn nhé.
Làng quê vẫn còn đây. Bạn bè
vẫn ở nơi nầy. Ngày Tết gần kề.
Chờ bạn, chờ mãi, chờ đến một ngày bạn sẽ lại
về để mừng đón giao thừa nơi quê nhà thân
yêu. Tất cả những tâm tình thân thương,
tôi xin góp lại để gửi về nơi xa cho bạn mình
ơi, những lời chúc đẹp nhất trong ngày đầu năm của
Tết quê hương ...