Nhớ Tết ngày xưa

Nguyễn Thị Hai

 
    Một mùa Xuân nữa lại trở về trên Quê Hương. Mùa Xuân mang niềm vui và sức sống đến cho con người, cỏ cây và hoa lá. Nhưng sao tôi lại thấy chạnh lòng khi nhớ đến những người thân yêu, bè bạn ớ nơi xa và trong tôi vẫn còn hoài niệm mãi những cái Tết của ngày xưa, của cái thời còn đi học.

    Tết ngày xưa vui lắm, tôi nhớ rất rõ những ngày giáp Tết, không khí hối hả, rộn rã vô cùng, ai cũng lo trang hoàng nhà cửa, sắm sửa, người làm việc nầy, kẻ làm việc kia, nhưng lúc nào cũng cười tươi, vui vẻ. Hoa mai là loài hoa đặc trưng của miền Nam trong ngày Tết, nhà nào cũng chưng ít nhất 1 cành mai trong nhà, với ý nghĩa được nhiều may mắn trong năm mới. Cũng vì thế mà Ông Ngoại tôi đã lọ mọ trong vườn từ tháng 9 để chăm sóc, bón phân cắt tỉa những cây mai đã được trồng mấy chục năm rồi từ hồi Ông Ngoại còn là trai tráng. Nên cây nào cây nấy rất to và đẹp lắm. Ông canh đúng ngày 15 (tức ngày rằm tháng chạp) thì lặt lá mai, ngày ấy Ông đã kêu cả nhà dậy từ lúc 5, 6 giờ sáng để phụ lặt lá mai, Ông dặn lặt lá phải cẩn thận, vì lúc ấy các nụ hoa còn nhỏ lắm, cở bằng hạt gạo, nếu sơ ý để gãy 1 nụ là mất mấy cái bông lận. Sau khi lặt lá xong, cây mai nhìn trụi lũi, khẳng khiu, vậy mà chỉ sau mấy hôm tưới nước sương sương (nếu tưới nhiều thì hoa sẽ trổ sớm) những nụ hoa xanh xanh bắt đầu lớn dần. Ông tôi vẫn tưới nước đều đặn và nhiều hơn. Khoảng 25 Tết thì lác đác có 1, 2 nụ hoa đã nở, năm nào thời tiết thuận lợi thì hoa mai nở đúng lắm, khoảng 29, 30 Tết là bắt đầu nở rộ, cây nào cây nấy vàng ươm trong vườn, nhìn từ xa như những dãy lụa vàng, phất phơ trong gió vậy. Ông tôi chọn một nhánh mai thiệt là đẹp cắt xuống để chưng trên bàn thờ.

Ngày xưa ở quê chuẩn bị Tết rất chu đáo, trên bàn thờ bên trái chưng cành mai, bên phải là một mâm trái cây lớn với 5 thứ gọi là ngũ quả như quýt, hồng, mảng cầu, xoài, đu đủ… Phía ngoài cùng hai bên cái lư nhang là một cặp dưa hấu mà phải đều đặn, to và đẹp nữa chứ, vì thế mà má tôi phải mất mấy đêm đi chợ để chọn mà mua. Tôi thường được Má cho theo để cầm cây đuốc. Trong lúc Má tôi lo lựa những quả dưa lớn, tôi sà xuống đống dưa nhỏ, tay mân mê từng trái, tuy nhỏ như cái chén ăn cơm vậy, mà người bán dưa xẻ ra trong ruột đỏ au, ngon ơi là ngon!!! Hồi đó đến Tết mới có dưa hấu nên rất quý. Sau khi Má đã mua xong, chuẩn bị gánh dưa về, tôi được người bán dưa cho 2 trái dưa nhỏ. Lúc đó tay cầm 2 trái dưa mà tôi thiệt vui đến cở nào vậy !!!

     Trên bàn thờ việc vất vã nhất là chùi bộ lư đồng, Ông tôi và đứa em trai đã làm cật lực tới 2 ngày mới xong, vì lư đồng phải chùi cho bóng và láng thì mới đẹp.

    Khâu bánh mứt thì Bà tôi và Má tôi là chánh, còn tôi chỉ theo làm lặt vặt thôi. Nói tới mứt là tôi còn ấn tượng với cái món mứt gừng, vì khi làm phải để nguyên ánh gừng, phải dùng bàn xăm mà xăm tới xăm lui cho gừng mềm, nhưng không được gãy và ép cho hết nước cay. Hồi đó 2 bàn tay tôi cũng muốn tơi tã theo mấy ánh gừng luôn vậy đó.

    Ngày 30 Tết là bận rộn nhất vì là ngày gói bánh tét. Má tôi phải lục đục dậy từ lúc 3 giờ sáng để chuẩn bị nấu nhưn, gút nếp, nạo dừa… lá gói, dây cột bánh đã được lau sạch ngày hôm trước. Bà Ngoại tôi là Trưởng ban gói bánh tết, vì bà gói rất khéo, còn Má và tôi là 2 phụ tá cột dây. Khâu cột dây nầy coi vậy chứ khó à nha, phải cột vừa tay thôi, không được xiết dây chặt quá (vì nếu chặt quá hạt nếp sẽ không nở được nên bị sống) còn nếu cột lõng quá thì khi chín đòn bánh tét sẽ long lẽo không tròn trịa và đẹp. Khi gói xong thì đem đi nấu, phải chụm lửa liên tục và châm nước vào nồi xấp xấp không thôi bánh sẽ bị cháy khét. Có năm Má và tôi thức chụm bánh tét mà lỡ ngủ quên, đến khi bánh bị khét mới hay. Năm đó bị Ngoại cằn nhằn quá đỗi !!!

    Tối 30 Tết rất là vui. Mọi người lăng xăng làm cho xong việc để đón giao thừa. Giờ phút ấy rất thiêng liêng vì đó là sự giao hòa giữa năm cũ và năm mới, nên ai cũng nô nức đợi chờ.

    Tất cả đều ăn mặc chỉnh tề thơm tho, tươm tất. Trên bàn thờ đã chuẩn bị sẵn hoa, quả, nhang, đèn và 2 đòn bánh tét mới nấu xong thơm phức còn nóng hổi. Đồng hồ gõ 12 tiếng. Con cháu cùng nhau lần lượt cúng Tổ tiên, Ông Bà. Cả nhà quây quần chúc nhau những điều tốt đẹp trong năm mới. Trẻ con (có tôi trong đó nữa à) quần áo mới thúng tha, thúng thính cười tít mắt khi nhận được những bao lì xì màu đỏ. Tiếng pháo đì đùng, lẹt đẹt nổ vang trong xóm để chào mừng năm mới đã sang.

    Niềm vui không kể xiết khi gia đình đoàn tụ, vui chơi trong những ngày Tết. Nhà  nào cũng đầy ấp tiếng cười, từ trong nhà ra tới ngõ, không khí đâu đâu cũng vui lạ. Thỉnh thoảng tiếng pháo lại đì đùng, lạch tạch vang lên nghe mà rộn rã, tưng bừng. Tụ năm, tụ bảy trẻ nhỏ chơi lắc bầu cua, cá cọp. Lớn hơn một chút thì kêu lô tô, chơi bài cào,.. Các Ông thì đánh cờ tướng, các Bà gặp nhau thì thăm hỏi chuyện chồng, con,.. Ồn ào, rôm rã suốt ngày. Bạn bè thì rủ nhau đi Chùa lễ Phật cầu, gia đình hạnh phúc và cầu duyên,… Ai cũng ăn mặc đẹp đẽ, lịch sự cầu nguyện với tấm lòng thành. Tiếng kinh cầu nguyện, tiếng chuông vọng trầm bổng, hòa lẫn mùi hương trầm ngào ngạt khiến người ta tưởng như lạc vào cõi bồng lai, tiên cảnh.

    Sau khi Lễ Phật xong thì đi chúc Tết. Đi đến nhà bạn nầy xong thì đi đến nhà bạn khác, đến nhà nào cũng “bị ăn” đủ thứ nào là bánh mứt, giò chả, bánh tráng cuốn,.. Thích nhất là được ăn món bánh tráng, củ kiệu, dưa giá cuốn thịt và món bánh tét ăn kèm với củ cải muối. Hai món nầy là không thể thiếu trong những món ăn của ngày Tết. Cả bọn kéo nhau đi muốn rả hai cặp giò luôn. Vừa mệt lại vừa vui quá trời !!!

    Ngày nay đất nước đã đổi mới nền kinh tế tăng cao đời sống sung túc hơn ngày xưa, nhưng sao mỗi năm Tết đến và đi một cách lặng lẽ không ồn ào náo nhiệt như xưa, chắc có lẽ do Ông Bà đã nằm xuống, con cháu thì đi xa, có khi xa gần nữa vòng trái đất. Còn bạn bè thì cũng xa tít tận chân trời, ngày Tết thấy thiếu nhau mà lòng buồn vô hạn, muốn sum họp nào có dễ gì đâu ???

    Bài viết này gợi lại những ngày Tết của mấy mươi năm trước như một món quà của Quê nhà gởi đến những người thân yêu, bạn bè đang ở phương xa với lời nhắn hãy nhớ mãi Quê hương Việt Nam./.