Giấc mộng đêm giao
thừa
Phạm thị Nhung
“ Xuân đáo bách hoa khai”
Năm tôi học đệ thất, ở nhà sau những lúc bài
vở học hành xong xuôi, khi có dịp tôi thường lén
cha tôi để đọc những bài thơ cổ được cha ghi chép rất
cẩn thận trong một quyển sách bìa cứng. Cha tôi
rất yêu thích, đó là hiển nhiên rồi,
vì những người của thế hệ trước mình thường có cái
thú vui ấy. Nhưng không hiểu sao những bài thơ
với những âm điệu và ý nghĩa ấy lại cuốn hút hồn
tôi đến thế.
“Xuân đến trăm hoa nở”
Tôi cảm nhận hồn thơ với tâm hồn của một con bé
mười một tuổi, mùa Xuân là một niềm vui bồng bềnh trong
tâm trí không bút mực nào tả hết.
Tả sao cho hết được khi mùa Xuân đến, chỉ nghĩ đến giây
phút giao thừa thôi cũng đủ để lòng mình tươi
vui hớn hở. Này bạn ạ, chắc chắn bạn cũng như tôi, ngày
ấy chúng ta đều mong Xuân đến để được mặc áo quần mới,
được nhận những phong bao đỏ tiền lì xì những khi mình
chúc mừng tuổi người lớn. Bánh trái và
đồ ăn thức uống ngày Tết thì ngon khỏi chê rồi.
Nhưng điều làm cho chúng ta háo hức nhất có lẽ
là được thêm lên một tuổi, thêm được một đoạn đường
gần hơn với tuổi người lớn.
Điều háo hức của tuổi hoa niên ấy tạo thành
niềm vui trong tim, tỏ lộ ra ngoài bằng tiếng hát. Tôi
hay hát lắm bạn ạ, hồi ấy ở nhà chắc mọi người cũng phải phiền
lòng vì tôi. Vắng nhà thì thôi,
có mặt ở nhà là tôi cất tiếng hát, biết
là tuy không hay nhưng cứ hát, hát vì
trong tim mình vui quá.
Nhất là những ngày gần Tết, được nghỉ học ở nhà,
tuy mọi việc trong nhà đã có bà vú lo
toan sắp xếp, nhưng tôi cũng thích phụ giúp đôi
chút. Tôi vừa phụ việc nhà vừa hát.
Tôi phụ bà vú lau quét dọn dẹp trong nhà
ngoài hiên. Nhắc đến ngoài hiên, thì
tôi không thể quên một việc mà tôi thích
nhất đó là chăm sóc những chậu kiểng lớn của cha tôi.
Một cặp chậu bạch mai, một cặp mai rừng và một cặp mai tứ quý.
Chưa kể cây sung kiểng và cây si kiểng. Gọi là
kiểng vì người ta chiết cành từ những cây lớn để có
thể trồng ở trong chậu được.
Có lần Thúy Liễu, cô bạn học cùng lớp
cười mỉm chi nói với tôi rằng: Ai trồng cây si trước nhà
Nhung vậy? Tôi cứ ngớ mặt ra rồi trả lời: Đâu có ai đâu.
Thúy Liễu phải phì cười: Con nhỏ này không hiểu
gì hết.
Bà vú nuôi cứ mỉm cười nhìn tôi
và đôi lúc nhướng mắt ngạc nhiên vì tôi
hát to quá: “Sớm bắt bướm hái hoa kêu la
nô đùa, chiều lại ra dạo chơi vườn hoa. Tối quyến luyến
má ba, vui ca bên đèn, bảy giờ đêm nằm ngủ mơ thấy
tiên”. Tôi nói với bà vú nuôi:
Thôi “dú” ơi, con sửa bài hát lại là:
“Mười giờ đêm nằm ngủ mơ thấy tiên”, nghe “dú’".
Chớ ai đi ngủ bảy giờ sớm dữ “dậy”? Bà vú nuôi của
tôi cười hiền: Ừ, thì sửa.
Thế là tôi cứ vừa phụ làm việc nhà và
vừa hát um sùm: “Sướng thay cho đời trẻ thơ, mỗi trang là
một bài thơ”. Tết ấy người bạn của cha tôi biếu cha một
cành Đào rất sai bông, cha tôi cắm trong một cái
độc bình lớn để ở phòng khách, trong nhà sắc
hoa đào màu hồng tươi thắm. Ngoài hè những
chậu mai lớn được ngắt lá, tỉa cành vào dịp Rằm tháng
chạp vừa rồi nên đơm đầy nụ, nở hoa đầy cành, sắc vàng
của Hoàng Mai, sắc trắng của Bạch Mai. Nếu mình không
yêu hoa, khi nhìn thấy hoa đẹp như thế thì cũng phải
yêu thôi.
Vừa rồi tôi có nhắc với bạn về giờ giao thừa phải không
? Ai trong chúng ta mà không nhớ đến giây phút
thiêng liêng ấy, nhà mình nhang khói trên
bàn thờ cúng Trời Phật Tổ tiên Ông Bà.
Em cầu xin Trời Phật.
Sao cho em lấy chàng.
Tôi chưa lớn như cô bé trong “Đi chùa
Hương” của Nguyễn Nhược Pháp, nên tôi không cầu
xin như cô ấy. Nhưng trong những đêm giao thừa kỷ niệm
thời niên thiếu, tôi thường cầu xin cho những bậc trưởng thượng
được sống lâu. Còn riêng tôi thì cầu
xin được ngủ mơ thấy bà Tiên.
Tôi ngồi ở phòng khách, nói với bà
vú nuôi: “dú” ơi, tối nay con phải thức chờ giờ Giao
Thừa nghe, “dú” biết tại sao không, con phải thức để viết Khai
Bút Đầu Xuân nghe. Thế rồi tôi ngồi chờ giờ giao
thừa, hai đứa em gái của tôi không ráng nổi nên
đã vào giường ngủ từ lâu. Tôi xếp sẵn giấy bút
để trên bàn, đó là trang đầu của một quyển vở
mới, rồi suy nghĩ xem lát nữa mình sẽ viết câu gì
đầu năm mới cho thật gãy gọn để Khai Bút. Đó là
tập tục riêng của một số gia đình, sau này tôi
nghĩ người lớn bày ra thế để mình luôn thấy rằng từng
giờ phút, từng việc làm đều đáng quý trọng.
Tôi còn đang suy nghĩ thì có vài
người thấp thoáng ngoài cửa như định hỏi thăm điều gì,
tôi lên tiếng gọi bà vú nuôi ra tiếp đón
và hỏi xem họ cần gì trong giờ này. Tôi
nghĩ thầm, ai mà lại đi tới đi lui trong giờ này vậy ta?
Hổng chịu ở nhà mà đón giao thừa? Cha tôi
đang thắp nhang bàn thờ Phật nên chưa nhìn thấy họ.
Không thấy bà vú nuôi, chắc bà
không nghe tiếng tôi gọi, tôi liền bước ra và chợt
nhận thấy mấy cô này trẻ và đẹp quá, những tà
áo dài màu tươi sáng tha thướt dịu dàng.
Vì thấy không quen biết nên tôi hỏi: Thưa
các cô tìm ai? Một cô xinh đẹp nhất trong
đám trả lời: Không cưng, không tìm ai, vì
thấy hoa nở rộ nên xin phép gia chủ đứng xem giây lát
thôi. Tôi nói: Mấy cô cứ tự nhiên
nghe.
Có hai cô nghiêng mình ngó vào
trong phòng khách và khen hoa đào nở đẹp quá,
tôi sung sướng mỉm cười vì thấy có người cùng
ý thích với mình. Cả bọn họ đứng trong một hồi
lâu, tôi không biết bao lâu, khi tôi nhớm chân
bước vào nhà thì xa xa đã nghe tiếng pháo
của những nhà trên con đường Ngô Quyền đã bắt đầu
nổ lẻ tẻ. Cha tôi cũng mua nhiều phong pháo để đốt mấy
ngày Tết. Đó cũng là một tập tục của người Việt
Nam, nhưng cũng là một thú vui. Nghe tiếng những tràng
pháo nổ đêm giao thừa, xen trong khung cảnh trang nghiêm
mà nghe tim mình rộn rã.
Một tràng pháo Xuân ai đốt sớm tiếng nổ rất
gần nhà làm tôi giật bắn mình. Nhìn
qua bên, bà vú nuôi đang nhìn tôi
mỉm cười, thì ra là giấc mơ thôi, giấc mơ Xuân
êm đẹp quá. Tôi nói: Sao “dú”
không kêu Nhung vô giường ngủ. Bà vú
nói kêu thì tội nghiệp, mà vô ngủ rồi lại
lỡ giờ Khai Bút đầu năm. Vú bỏ đi thì sợ Nhung
té đùng ra nếu ngủ say quá, nên kéo ghế
ngồi kế bên. Tôi nhìn bà vú thương
cảm, và lòng vẫn còn vương vương cái đẹp của
giấc mơ Tiên, tôi vẫn còn say trong giấc mơ màng.
Cha tôi đang chuẩn bị tràng pháo Xuân
để đón giây phút thiêng liêng đầu năm mới,
anh Trình khen tôi thức giỏi quá nhỉ, anh đâu
biết tôi vừa ngủ thiếp đi trên bàn học và vừa có
giấc mơ Tiên. Tôi theo chân cha bước ra hè.
“Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”
Những chậu mai tươi thắm của cha tôi đang nở rộ khiến tôi
liên tưởng đến câu thơ cuối của bài thơ cổ. Tôi
tự hỏi vậy hoa là tiên hay tiên là hoa?
Vậy những sắc màu áo hoa đào hoa mai mà những
cô tiên nữ mặc chắc là màu hoa mà tôi
cứ say sưa ngắm mấy ngày này. Lòng bâng
khuâng nghĩ ngợi và hồi tưởng lại những chi tiết thật
đẹp của giấc mơ.
Kể từ đấy và thật nhiều năm sau nữa, tôi không
bao giờ được mơ một giấc mơ tiên như vậy nữa, mặc dù tôi
vẫn nhìn thấy những cành Đào, cành Mai khoe
sắc mỗi độ Xuân về. Ngay cả những mùa xuân trên
quê nhà hay những mùa xuân ly hương, trong gió
đông se se lạnh, nhìn những cánh hoa Đào phơn
phớt hồng lay nhẹ trong cơn gió trong lành của đất trời, tôi
không khỏi chạnh nhớ đến một câu thơ cổ trong quyển sách
thơ của cha tôi ngày nào:
“Đào
hoa y cựu tiếu đông phong”
Phạm thị Nhung