Trung Học
Trịnh Hoài Đức
Vùng Kỷ Niệm!
Nguyên
Thảo
Con người ta lớn lên thường có những mơ ước! Trong
cuộc đời tôi cũng có mơ ước, mơ ước đó mà
tôi đã ôm ấp nó trong nhiều năm của thời thơ
ấu, gần như trong những năm đầu tôi chẳng hề phai. Tới cuối
cùng thấy mình chỉ là mơ ước thôi, nên
tôi đành lặng im bằng lòng với những gì
mình đang có được! Điều ấy tôi đã viết trong
bài “Ước mơ: Về Trường Trịnh Hoài Đức!”.
Quả thật, tôi mơ ước quá nhiều về ngôi trường Trung
học Công lập đầu tiên của Tỉnh Bình Dương lúc
bấy giờ. Ngôi trường mang tên một Danh Nhân: “Trịnh
Hoài Đức”. Ngôi trường ấy đã là ước mơ của
tôi không phải vì tính cách khang
trang, dãy lớp học lầu hay cảnh cánh đồng lao xao
sóng lúa xung quanh của nó, mà chính
nó là trường Công lập: Vào học được khỏi tốn
tiền! Mỗi năm khỏi phải tốn tiền của cha mẹ với một số tiền cũng
khá nhiều, thì cha mẹ tôi có thể cho
tôi đi học được lâu hơn mà không phải bẩn chật
về vấn đề tài chánh. Nhưng tôi đã
không hoàn thành được ước mơ của mình ngay
từ thuở ban đầu, dù khi còn ở Lớp Nhất trường Tiểu học
Tân Phước Khánh tôi đã là một học sinh
thuộc loại “Rất khá” trong lớp. Tôi “rớt” đi trong sự buồn
lòng của mình cũng như sự tiếc nuối của thầy cô,
nhất là Cô Vũ Thị Hồng Ngọc, người Cô trẻ đẹp gốc
Bắc đã dạy chúng tôi trong lớp Nhất đầu tiên
của trường năm ấy!
Sau đó, nhiều chúng tôi không có tiền
để nhảy ra học ở trường tư như trường Nguyễn Trải, An Mỹ hay Trí
Đức gì đó chẳng hạn. Thế là chúng tôi
cứ “rúc” theo những lớp tiếp liên hay xin học lại ở lớp
nhất cũ. Đến khi hay tin trường An Mỹ tư có thể được biến
thành Công lập thì chúng tôi cũng xin
cha mẹ được “bấm bụng” để xin chuyển về học ở trường An Mỹ trong một
thời gian mà “chờ thời”! Tuy nhiên thời đã
không đến và gần như mỗi người đều có “duyên
phận”, tôi và một số bạn bè cùng nhau cuốn
gói lên một quận hơi hẽo lánh gần “chiến khu D” để
gia nhập lớp “đội ngũ đầu tiên” của một trường Trung Học mới mở:
Đó là Trường công lập Phước Thành của một
tỉnh mới được thành lập, ấy là Tỉnh Phước Thành!
Trong những năm đầu, tôi vẫn ao ước cuối năm xin chuyển về Trường
Trịnh Hoài Đức; nhưng chỉ hoài công! Từ đó
tôi không còn mơ ước hão huyền nữa, và
cứ kéo lê như vậy thêm hai năm sau. Rồi ngày
thi Trung Học Đệ nhất Cấp qua đi! Trường Phước Thành không
có mở lớp Đệ Tam, trường sẵn sàng chuyển học sinh đi về
những trường nào mà học sinh thích. Bấy giờ
tôi lại không dám về trường Trung học Trịnh
Hoài Đức, vì trình độ của mình không
khá lắm, sợ về ở đó mình sẽ thua kém bạn
bè cho nên cuối cùng phải chọn về trường An Mỹ,
dù sao ở đây tôi vẫn là một thành
viên của lớp đầu đàn, tôi không phải dấn
thân với những bạn bè “gạo cội”; vả lại, An Mỹ vẫn gần với
xã Tân Phước Khánh của tôi hơn là An
Thạnh (Búng). Với trường An Mỹ tôi có nhiều điều
kiện “thoải máy và rỗi rảnh”! Cũng may, trong thời gian
nầy tôi rơi vào hoàn cảnh bi đát của
mình, nhưng tôi còn có cơ hội để tiếp tục
theo đuổi sự học; chứ nếu tôi về trường Trịnh Hoài Đức
chắc tôi đã bỏ cuộc tự lâu rồi! Điều ấy cho
tôi đôi lúc suy nghĩ về “số phận” của con người (hay
của mình) trong cuộc đời!
Nhưng rồi, tôi vẫn được về Trường Trịnh Hoài Đức ở năm sau
cùng vì trường An Mỹ thuở ấy không mở lớp Đệ Nhất
(tức lớp 12 sau nầy). Sự an ủi trong mơ ước của tôi được trở
thành hiện thực! Một năm học tích tụ mơ ước của tôi
trong sáu năm trời dài đăng đẳng. Dù thật ngắn
ngủi, nhưng nó cũng đem lại cho tôi rất nhiều kỷ niệm từ
bạn bè cho đến thầy cô. Từ một Thái Văn Bạn pha
trò hay nói bậy một cách duyên dáng;
một Nguyễn Ngọc Cẩn, Ngô Trọng Hải giỏi tất cả các bộ
môn, nên chẳng trách chi tụi nó khi đi thi
đậu hạng “Tối Ưu” trong khi bao nhiêu bạn bè chỉ cần đậu
thường thôi cũng được. Một Nguyễn Thành Tri bị Thầy Nguyễn
Vũ Hải làm cho một trận không biết phải xử lý thế
nào? Một Lê Minh Văn từ Lái Thiêu lên
thường hay đọc thơ mình thơ người như một thi sĩ cao hứng, nhưng
có lúc nỗi nóng “rượt” Nguyễn Văn Hải chạy khắp
sân trường. Ở đây tôi gặp lại hai người bạn cũ chia
tay từ trường Trung học Phước Thành là Trần Tấn Lực,
Nguyễn Ngọc Thạch để rồi thằng Thạch vẫn là Thạch “A”, và
tôi cũng mãi là Thạch ”B”. Bạn bè thì
nhiều lắm, nhưng người tôi nhớ nhứt có lẽ là Từ Văn
Nhung, vì tôi với nó là hai kẻ bị Thầy Vũ
Hải “dợt” cho một câu ngay trong buổi học đầu tiên của lớp;
sau năm ấy tụi tôi tứ tán thỉnh thoảng gặp nhau vài
“tay”. Ngày tôi còn học trong trường Quốc gia Sư
Phạm Sài gòn, thì có một lần Nhung sang
chơi với bạn bè cũ khi đó Từ Văn Nhung đang học bên
trường Đại Học Sư Phạm thì phải, rồi sau đó bao
nhiêu năm không còn gặp nhau nữa cho đến bây
giờ. Cuộc đời có nhiều cái cũng hay: Bao nhiêu đứa
từ nơi xa tụ họp về chung một lớp, một trường để rồi sau đó đi
muôn phương mà lâu lắm chưa có lần gặp lại
như “mây họp rồi tan”!
Còn về Thầy Cô thì nhiều, nhiều lắm: Cô Kim
Hưng dạy Vạn Vật với thuật nhớ những dây Thần Kinh xương sống,
rồi đột nhiên Cô từ giã trường để đi đến nơi
khác; thầy Trí Lục lên thay với thí dụ “nằm
ngữa ăn trái chuối”. Thầy Trần Văn Hải dạy Anh Văn với ba
bài hát “Tạm Biệt” tiếng Việt, tiếng Pháp
và tiếng Anh; thầy Nguyễn Huy với những câu chuyện
ngoài lề Sử Địa; thầy Ngọc Em với “con léc” (con lắc)
“léc qua léc lại” mà quần của thầy dính đầy
phấn sau mỗi tiết học; thầy Quang Tuấn dạy Lý thế thầy Em
có lần nỗi giận với tôi vì quan điểm xã hội
của tôi mà đã “đề cập Karl Marx nói..” mặc
dù thuở ấy tôi chẳng biết chủ nghĩa Công sản
là gì?. Một thầy Nguyễn Văn Phúc đẹp trai, dạy
Triết khá hay đi qua đi lại như một con thoi suốt trong tiết
dạy, phải nói kiến thức của tôi sau nầy có nhiều
ảnh hưởng từ các bài dạy ấy mặc dù thuở ấy
tôi học chẳng nhớ được là bao nhiêu. Một thầy Tăng
Huyên linh hoạt dạy Công dân cứ muốn được dạy
bên trường nữ. Một thầy Phó Đức (hay Bá?) Long hay
chắc lưỡi mỗi khi lớp ồn không chịu nghe giảng bài nhưng
có một nụ cười “duyên dáng và đáng
yêu”. Một thầy Nguyễn Ngọc Thạch dạy Pháp Văn từ
Phú Giáo chuyển về đuổi một học sinh lớp Đệ Tam ngỗ
nghịch nào đó mà gặp tai họa sau đó với
những người lính địa phương (sau nầy nghe nói thầy
là Tác giả của bài thơ “Đừng kể Bắc, đừng kể nam…”
mà Nguyễn Đức Quang, nhạc sĩ du ca, đã phổ nhạc;
và thầy cũng chính là “Tư Trời Biển” của một tờ
báo nào đó ở Sài gòn trước 30/4/75.
Với thầy lớp chúng tôi tập hát bài
“Xuân Ca” của Phạm Duy vào dịp gần Tết, nhưng có
bạn lại kháo nhau: “Thầy Thạch chắc khoái cô
Xuân nên cho mình hát bài Xuân
Ca đó!”, nhưng đó chỉ là lời kháo nhau, chứ
chưa phải là sự thật, mà cũng có thể là sự
thật mà chỉ có thầy Thạch mới biết mà thôi!
Có ông Thầy số một mà không ai có thể
quên: Ấy là thầy Vũ Hải, Nguyễn Vũ Hải. Thầy dạy rất hay
nhưng cũng rất ư là nghiêm khắc. Học trò vừa sợ
mà cũng vừa nễ thầy, nhưng đến lúc nghe được thầy
tâm sự, cả lớp chúng tôi đều mũi lòng;
không ngờ trong con người lý trí của thầy cũng
có những giai đoạn tình cảm đến thế ư? Vì thế
mà từ giây phút ấy đến về sau lớp chúng
tôi rất là hiểu thầy! Không biết lớp khác
có đồng cảm ứng với lớp chúng tôi không?
Nhưng đó là sự “hiểu” của chúng tôi đối với
thầy Vũ Hải…Ôi! Những kỷ niệm trường lớp không thể
quên mặc dù tôi chỉ có được vỏn vẹn chỉ một
năm ở ngôi trường mà tôi đã mơ ước gần suốt
giai đoạn học trò của mình.
Nói đến kỷ niệm của những năm sau cùng trong thời học
sinh ở nơi ngôi trường Trịnh Hoài Đức, tôi cũng
không thể quên những kỷ niệm hằn sâu vào
tâm trí, đó là nơi ở trọ: Chùa Phước
Tường! Với ngôi chùa ở xóm Lò rèn của
xứ Búng, tôi đã làm quen với những người em
đáng mến từ xứ Phú Hòa Đông (Bến Cỏ)
ngày nào: Nguyễn Hữu Lịnh, Lê Thị Niềm và
Lê Thị Hồng ngoài ông bạn vai thứ “Bác” của
tôi là Bùi Văn Cõi. Chúng tôi
là những người vui buồn có nhau trong một khoảng thời
gian không nhiều (3 tháng) đối với tôi. Nhưng
chúng không thể ra ngoài ký ức của
tôi, nhất là những lúc chúng tôi quay
quần bên ngọn đèn học trên một bàn
dài; hoặc những lúc tôi chỉ “dọng” chuông cho
Lịnh tụng Kinh Vu Lan Bồn mà Lịnh rất đắc ý mỗi lần
lên chánh điện công phu thế cho Cô Ba, khi
thầy Trụ Trì đi vắng. Thắm thoát mà đã
khoảng 45 năm rồi đó còn gì! Thời gian qua
quá mau phải không các bạn?
Vì tuổi trong giấy tờ của tôi không đủ để thi
vào các ngành nên tôi đành lang
thang trên ngưỡng cửa Đại học một năm. Một năm thi vào
trường nghề trể hơn các bạn! Và với một năm đó
tôi học cũng chỉ là hoài công: Vì sau
hai lần biến cố tôi không còn nhớ được nhiều,
trí óc tồi tệ hơn. Vào lớp với những suy nghĩ cơm
áo gạo tiền và nơi trọ. Cuộc đời lênh đênh
nơi chốn đông người trong những khu nhà ổ chuột và
xóm lao động bình dân! Nhưng rồi một năm cũng qua
đi!
Sau hai năm hoàn tất trong trường Sư Phạm Sài Gòn,
tôi đi về quận Dầu Tiếng xa xôi để bắt đầu cho nghề nghiệp
của mình. Hai năm ấy cũng tràn đầy kỷ niệm nơi xứ “đi dễ
khó về” vì “mủ cao su”, nhưng cũng may là
tôi chẳng bị dính mủ mà lại vấn vương tiếng ve sầu
kêu nơi vườn cao su của những buổi trưa hè. Ở đây
tôi cũng trải lòng mình trên những
dòng thơ! Những dòng thơ ấy ngày tôi đi vượt
biển đã để lại ở nhà và chúng sau nầy cũng
biền biệt ra đi. Tôi bắt đầu làm thơ để vui chơi có
lẽ là lúc ở chung với Niềm, Hồng và Lịnh tức
là năm Đệ Nhất. Tôi cũng không ngờ đến những năm sau
nầy tôi lại làm nhiều bài thơ như tôi
đã làm, bởi vì:
Tôi chỉ là một người làm thơ tài tử
Viết để chơi và chỉ trải lòng mình
Viết ghi đời với cuộc sống lung linh
Để thiên hạ xem qua cho biết!
Cho nên thơ của tôi mang tính hiện thực, hay văn của
tôi cũng mang tính cách xã hội giống như
khuynh hướng xã hội mà tôi đã có từ
khi còn nhỏ. Đối tượng của tôi là xã hội,
tôi phải mỗ xẻ vạch trần xã hội để người đọc có
được một chút ít nào đó sau khi đã
đọc thơ hay văn của tôi. Chúng có phần đả
phá nhưng cũng có nhiều bài để xây dựng.
Tôi muốn đóng góp cho một cuộc đời được tốt
và đẹp hơn trong một xã hội vật chất và đầy
cám dỗ ở thời đại ngày nay. Nhưng đó chỉ là
“Ước mơ” thôi!
Vào năm 73, khi thầy Nguyễn Văn Phúc rời trường Trịnh
Hoài Đức để lên làm Chánh Sở, tôi
cùng một số bạn bè được đi tu huấn để về được “chuyển
cấp” lên dạy ở trường Trung học. Tôi lại được bổ nhiệm về
lại Trường Trịnh Hoài Đức để dạy Sử Địa Đệ Nhất Cấp (tức cấp 2)
bây giờ. Những kỷ niệm ngày xưa và những kỷ niệm
mới quyện lên nhau. Duyên của tôi trước kia với
trường Trịnh Hoài Đức thật ngắn ngủi, nhưng sau nầy cũng
kéo dài thêm được hai năm nữa. Trong thời gian nầy
ngoài những bạn bè cùng cấp tôi còn
có thêm những bạn mới như Hồng Lĩnh, Chung Hữu Tâm,
thầy Đào, thầy Mẹo, thầy Lộc, thầy Phước, thầy Thọ, thầy Kiệt,
thầy Thiện Thuật, Bé Tám…Và các cô
Nho, Chánh, Mai, Xuân, cô Lý, cô
Dung...Nhưng có lẽ năm mà chúng tôi phải rời
trường cấp III An Thạnh để trở về trường cấp II An Thạnh mà cơ
sở là trường Trịnh Hoài Đức nữ cũ. Ở đây đồng hội
đồng thuyền, đồng cam cộng khổ trong giai đoạn hăng hái nhưng
đầy gian nan nhất của thời kỳ sau ngày đất nước thống nhất. Biết
bao nhiêu kỷ niệm không thể nào nhớ hết để ghi lại
mà trong đó các thầy lớp trước như Thầy
Quý, thầy Kiệt, thầy Bé Tám, hoặc lớp chúng
tôi như Hữu Tâm, Bửu, Chánh, Là, Phúc,
Phước, Vĩnh Khánh, Công, Thế, Quang, Tiểu Nam… Và
bên nữ là Cô Minh, Dung, Cúc, Điệp,
Chánh, vợ Tiểu Nam hình như Tuyết thì phải, Loan,
cô Hữu Hiếu… mà tôi không tài
nào nhớ tên hết. Và cũng ở đây, trong thời
gian nầy tôi đã học được rất nhiều bài học để đưa
vào ký ức của một thời: “Một thời đầy kỷ niệm”, thế
thôi! Năm sau tôi phải rời bạn bè để về với trường
Bình Chuẩn để hai năm sau tôi phải trôi nỗi
thêm ở một số trường rồi mới về trường của làng cũ
quê xưa như “Lá rụng về cội” cho đến một ngày của
năm 83: “Ấy là ngày tôi rời gia đình
và ra khơi!” và từ giả luôn nghề nghiệp xưa cũ như
là hết ân oán, nợ nần!
Nguyên Thảo,
19/12/10.