Trại Tết - Trại hè

Từ Minh Tâm

Thỉnh thoảng tôi có nhận được email của bạn bè nhắc lại những kỷ niệm hồi học Trịnh hoài Đức. Nhiều bạn nhớ chuyện học hành, thầy cô … trong khi tôi chỉ nhớ ba cái chuyện ăn chơi, vui vẻ. Phải công nhận trường Trịnh Hoài Đức của chúng ta học cũng giỏi mà các sinh hoạt cộng đồng cũng rất nổi. Đó chính là nhờ trường mình có những giáo sư thật “chịu chơi” (xin lỗi quý thầy cô khi dùng chữ nầy) như các GS Nguyễn Trí Lục, Lê Tấn Lộc, Nguyễn trọng Nhượng, Đoàn Phế, Chu bá Cao … Nhờ các sinh hoạt tập thể đó mà chúng tôi trở nên dạn dĩ, sẵn sàng đảm nhận những trách nhiệm lãnh đạo sau nầy, chớ không chỉ biết học từ chương, có kiến thức mà không ứng dụng được trong cuộc sống.

Bây giờ xin ghi chép lại một vài sinh hoạt học đường mà tôi có dịp tham dự trong thời gian học Trịnh Hoài Đức từ năm 1965-1972. Chuyện lâu quá rồi nên chắc cũng thiếu sót nhiều, tác giả chỉ viết vài hàng mở đầu với ước mong bạn đọc sẽ bổ túc thêm.

Trại Tết mừng xuân Đinh Mùi 1967:

Đây là trại Tết đầu tiên mà tôi có dịp tham dự khi học năm Đệ Lục. Trại tổ chức ở trường Nam vào cuối năm âm lịch để chuẩn bị mừng năm mới. Trại chỉ có một ngày và chia làm 7 nhóm lớp từ đệ thất tới đệ nhứt. Mỗi nhóm lớp gọi là một “làng” và có một khoảng sân để dựng lều, dựng cổng … Lều dựng lên cho vui cho có hình thức cắm trại chớ không phải để trú nắng. Vài ấn tượng mà tôi còn nhớ là:
-    Có ông tỉnh trưởng Bình Dương là Trung Tá Lý tòng Bá xuống tham dự và vui chơi với học sinh.
-    Liên lớp đệ lục có anh Trịnh Phi Anh là cựu học sinh học rất giỏi đang học Kỹ Sư Điện ở Phú Thọ về làm cố vấn. Anh tổ chức một nhóm múa lân đi chào các “làng” khác. Lúc đó tôi xung phong làm Ông Địa (mà không có quần áo ông Địa gì hết, chỉ kiếm đồ độn bụng cho bự mà thôi). Còn đầu lân thì làm bằng một cái rỗ, đuôi lân thì kiếm một miếng vãi nào đó để buộc vào.
-    Chúng tôi thuộc nhóm lớp Đệ Lục. Bạn Võ thành Hậu cứ bảo tôi làm cái bảng của trại là Liên Lục (để chọc cô Liên và thầy Lục) mà tôi không dám làm.
-    Tranh giải thể thao: Liên Lục có hai đội đá banh: Đội Lục A (lớn) đá với Đệ Ngũ, Đội Lục B (nhỏ) đã tranh giải với Đệ Thất. Hai đội đều thua. Tôi thuộc đội Lục B thua nhóm Đệ Thất nhỏ hơn mình. Lúc đó tức dữ lắm, cứ đổ thừa trọng tài thiên vị. Đội Lục B lúc đó có Trần văn Lực, Từ Minh Thạnh, Từ Minh Tâm, Lê Quang Phước, Phạm văn Thảo, Võ thành Hậu, Trần công Hảo … thua lớp đệ thất mới vô (bây giờ gọi là Khoá 12 - của Lưu Thanh Bình).
-    Trại có tổ chức thi đua văn nghệ. Tôi làm trưởng ban văn nghệ lớp Đệ Lục A5 và có tham gia một màn kịch vui do bạn Đào Minh Việt (lớp P4) làm đạo diễn. Kịch nầy ngắn, đại khái có một ông chủ và một thằng người ở khù khờ (do tôi đóng). Ông chủ đưa hai đồng tiền và hai cái chén biểu anh người ở đi mua một chén dầu và một chén nước mắm. Anh người ở đi một vòng rồi trở lại hỏi: “Chén nào đựng dầu, chén nào đựng nước mắm?. Ông chủ tức mình nói :”Chén nào cũng được”. Anh người ở đi thêm một vòng lại trở lại hỏi: “Còn đồng nào trả tiền mua dầu, đồng tiền nào trả tiền mua nước mắm?”. Ông chủ tức mình nói thôi để tao đi mua cho lẹ. Đại khái kịch đơn giản và hơi ngớ ngẩn nhưng không biết bạn Đào minh Việt kiếm đâu ra kịch bản và đạo diễn cho chúng tôi thực hiện. Diễn xong chẳng thấy ai cười hết, chỉ thấy diễn viên hơi vui vì dù sao mình cũng được lên sân khấu.
-    Trong kỳ cắm trại nầy tôi có dịp biết thêm những “bông hoa” xinh tươi của các lớp Đệ Lục P1, A2 bên trường Nữ qua để tham gia và biểu diễn văn nghệ. Ôi thôi, cô nào cô nấy đều xinh xắn như những đoá hoa mới nở làm cho lòng của thằng bé nầy xao xuyến quá chừng. Nhưng đối với tôi, dễ thương nhứt chính là ba cô: Tuyết Đông, Phùng và Hoàng Mai. Thằng bạn thân nhứt của tôi là Nguyễn đình Dũng dạy tôi rằng (nguyên văn): “Mầy mà thích “con” nào thì cứ việc “chiếu tướng” nó cho nhiều. Thế nào nó cũng xúc động.” Sau nầy tôi có đem bài học nầy ứng dụng vài lần. Chưa thấy kết quả như thế nào thì “quân sư quạt mo” theo gia đình dọn về Saigon mất nên tôi không biết tiếp tục phải làm gì? Đúng là hơi khờ phải không bạn? Nguyễn đình Dũng hiện là một giáo sư đạo mạo, hay là một Hiệu Trưởng, Hiệu Phó gì đó ở Biên Hoà. Không biết anh ta còn nhớ những kỷ niệm ngày xanh hay không?



Trại Tết ở Trịnh Hoài Đức

Trại Tết mừng xuân Mậu Thân 1968:

Qua năm sau, trường tiếp tục tỏ chức Trại Tết một lần nữa. Ấn tượng của tôi trong kỳ trại Tết nầy là chúng tôi được chơi những trò chơi tập thể rất vui. Ngoài ra, tôi bắt đầu thích những bài hát sinh hoạt cộng đồng như:

Về Với Mẹ Cha
Nguyễn Ðức Quang

1. Từ Nam Quan Cà Mau
Từ non cao rừng sâu
Gặp nhau cho non nước xây cầu
Người thanh niên Việt Nam
quay về với xóm làng
Tiếng reo vui rộn trong lòng

2. Cùng đi lay Trường Sơn
Cùng đi xoay Hoành Sơn
Cùng đi biến rừng hoang ra lúa thơm
Vượt khơi ra đảo xa
Lướt ngàn núi sông nhà,
Ta đắp bồi cho mẹ cha …

3. Nhìn non sông tã tơi
Tình quê hương đầy vơi
Người thanh niên Việt Nam ngậm ngùi
chờ chi không vùng lên
thiết tha với xóm làng
Cứ co ro ngồi sao đành …

Lời ca thật hào hùng, kích thích lòng hăng hái, kêu gọi những người trẻ hảy vùng lên để xây dựng đất nước. Lúc đó khi hát những bài hát nầy, lòng tôi như rực lên, trong lòng muốn làm một cái gì đó có ích lợi cho đất nước, cho xóm làng … (Ngày nay nghe lại bài hát thì thấy cũng hay nhưng tiếc rằng mình đã già rồi mà chẳng làm được gì hết – Hơi buồn năm phút)

Năm nay ngoài các tiết mục văn nghệ và thể thao, trường có tổ chức triển lãm thi vẽ với đề tài Tranh Tết. Chúng tôi hăng hái tham gia và triển lãm đầy bốn vách của Phòng Thí Nghiệm. Hỏi thầy Lê văn Bình nên đề giá bán là bao nhiêu. Thầy đề nghị 500 đồng cho một bức tranh khổ học trò. Khi triển lãm thì thấy nhiều anh chị học lớp trên vẽ rất đẹp trên khổ lớn gấp 4 lần mà chỉ đề giá có 50 đồng (nhờ đó mà bán được vài bức). Còn tranh của chúng tôi cũng được vào chung kết nhưng không ai mua vì nét vẽ còn non nớt mà “hét” giá cao quá.

Tuy nhiên tôi cũng được giải thưởng an ủi của Ban Giám Hiệu, tặng một hộp màu nước và vài cây cọ vẽ. Có một điều học sinh phàn nàn là Giải Nhứt tặng cho một tác phẩm vẽ về Tết Trung Thu (trật chủ đề). Bây giờ nhớ lại thấy anh nầy vẽ bức tranh đó rất công phu vì trong tranh có rất nhiều người (khó vẽ) và mỗi người có nét riêng (thể hiện sự cảm nhận sâu sắc của tác giả).

Năm nầy, lớp tôi trình làng một tờ bích báo thiệt đẹp do Lê Thanh Sơn trang trí. Đây là bích báo duy nhứt của trường trong năm 1968 vì sau đó chiến cuộc xảy ra, chúng tôi nghỉ học dài dài vì thầy cô từ Sài gòn bị kẹt đường không lên dạy được. Tới lúc đi học lại sau Tết thì thấy trường ốc bị bắn hư hại khá nhiều. Thời gian nầy, ở đây đã xảy ra một trận đụng độ lớn giữa hai phe Quốc Cộng ở đây. Sau nầy, khi đá banh trên sân trường, học sinh còn thấy vài trái lựu đạn còn gài trên sân cỏ, phải gọi lính ở Búng lên phá nổ. May là mấy trái lưưụ đạn nầy không nổ trong lúc tụi tui đá banh trên sân. Nếu không chắc hôm nay cũng không còn mạng để viết bài nầy.

Sau Tết, đi học lại thì thấy trong lớp vắng đi một người bạn. Đó là anh Nguyễn văn Hoà. Mới 14 tuổi, anh ta đã vô khu “không một lời từ giã”. Hiện giờ Hoà làm tới chức Tỉnh Uỷ ở Bình Dương . Hỏi anh còn nhớ gì về thời học Trịnh Hoài Đức thì anh ta nói chỉ nhớ lúc đó có cô Liên dạy Anh Văn!

Chuyến đi Vũng Tàu năm 1968:

Cuối niên học 1967-1968, Chương Trình Phát Triển Sinh Hoạt Học Đường (CPS) do thầy Nguyễn trọng Nhượng phụ trách và trường Trịnh Hoài Đức tổ chức đi du ngoạn Vũng Tàu. Chuyến đi ngắn chỉ có hai ngày. Thứ bảy đi chủ nhựt về. Không biết tại sao mà tôi lại được chọn đi trong số trên 20 nam nữ học sinh. Tôi xin phép má tôi thì bà không cho đi. Chắc bà lo vấn đề an ninh dọc đường vì lúc nầy chiến sự cũng còn gay gắt lắm. Tôi thì thấy bạn bè ai cũng đi hết mà mình ở nhà thì làm sao chịu cho nổi. Thế là cứ trốn đi đại, lúc đó trong túi chỉ có vài chục đồng mà thôi. Trường Công Binh cho mượn một xe “nhà binh” để chúng tôi di chuyển. Phải khiêng băng ghế học sinh để ở phía sau xe mới có chỗ ngồi. Chuyến đi thật vui vì đây là lần đầu tiên tôi được đi xa khỏi Bình Dương và thấy núi, thấy biển … Vừa ra tới Rạch Dừa, nghe mùi nước biển mặn là đã háo hức lắm rồi.
Phái đoàn do thầy Nhượng làm Trưởng đoàn, có thầy Lộc và thấy Tích (dạy Việt Văn) đi theo hướng dẫn. Quý thầy mượn một căn biệt thự trên triền núi ở bãi Dứa để chúng tôi tạm trú một đêm. Chiều hôm đó chúng tôi xuống tắm ở bãi Dứa rất vui. Trong khi đó mấy nữ sinh theo đoàn còn mắc cỡ chưa chịu xuống tắm biển. Sáng hôm sau, chúng tôi tắm ở Bãi Ô Quắn. Lúc nầy mấy cô thấy vui quá nên xuống tắm tới trưa mới chịu lên. Chiều hôm đó về nhà cứ sợ ăn đòn của má. Té ra bà cũng không nói gì. Chuyến đi nầy bên nữ sinh tôi không nhớ ai hết mà chỉ nhớ có bạn Kim người lùn lùn, học sau tôi một lớp. Không phải tôi để ý cô ấy đâu mà tại vì trên đường về thì không biết ai trên xe đã hát bản “Cớ Sao Buồn Nầy Kim” mà thôi.

Trại Vũng Tàu 1969 (đầu năm lớp đệ Tứ):

Đầu năm 1969, trường lại phối hợp với CPS tổ chức trại du ngoạn Vũng Tàu nữa. Kỳ nầy đi lâu hơn tới 3 ngày và số lượng học sinh cũng nhiều hơn với gần cả trăm em đi trên ba chiếc xe nhà binh do Trường Công Binh cho mượn. Có cả Hướng Đạo Lái Thiêu cắm trại “ké” nữa.

Chúng tôi cắm trại ở triền dốc cạnh Bãi Ô Quắn. Tối đầu tiên thì có đốt lửa trại và thi đua văn nghệ lửa trại nữa. Thật là một đêm vui đến giờ tôi vẫn nhớ.

Sáng hôm sau, đoàn đi tắm biển ở Bãi Sau. Vài cô bạn cùng đoàn có dịp khoe những bộ bikini thời thượng làm cho mấy anh “lé” mắt hết.

Tối hôm sau trời đổ mưa lớn, cả trại ướt như chuột vì thật ra những lều kiểu tài tử làm sao chịu nổi cơn mưa gió bão bùng. Có vài học sinh đã bắt đầu bị bịnh. Thế là cả đoàn phải nhổ trại về tạm trú ở khán đài sân vận động Lam Sơn. Tối đó tôi nhớ mình ngủ gần bạn Cao Minh Huệ. Anh nầy có lúc lên như diều gặp gió. Còn bây giờ lại bị rắc rối với luật pháp. Chỉ mong anh ấy được bình an trong tuổi già ..

Trại sinh hoạt học đường đầu năm đệ nhị (1970):

Hai năm 1969-1970 không có nhiều sinh hoạt tập thể, chỉ có những giải thể thao mà đội bóng chuyền Trịnh Hoài Đức liên tiếp dành thắng lợi. Đó chắc nhờ những bạn gái đi theo ủng hộ như Nguyễn thị Bảy, Lưu Ánh Tuyết nên anh em chơi rất hay.

Đến đầu niên học năm 1970, có một ngày làm đẹp trường sở để chuẩn bị đón năm học mới. Hôm đó thứ bảy, chúng tôi dành nguyên ngày để sơn, vẽ khẩu hiệu, dọn dẹp sân trường cho khang trang, chuẩn bị đón phái đoàn của Bộ Giáo Dục lên thăm viếng. Tôi không chớ bạn nào đã tham gia trại công tác nầy chỉ nhớ có chị Vương Hoàng Phượng mà thôi vì lúc đó hình như khi sơn, vẽ chỉ đã bị té. Lúc nầy thầy Lê Tấn Lộc đã làm hiệu trưởng rồi.

Trong ngày trọng đại nầy, trường có tổ chức triển lãm hình ảnh sinh hoạt và trưng bày bích báo của các lớp. Kỳ nầy lộ ra một danh tài vẽ rất hay là Huỳnh Thanh Hùng ở Lái Thiêu. Anh vẽ trang trí cho các phần trưng bày rất đẹp. Còn về bích báo thì tôi thấy bích báo của lớp 11B4 là đẹp nhứt nhờ có sự tham gia của Dương Tiểu Nam. Có một trắc trở trong ngày lễ. Đó là anh Trưởng Ban Đại Diện Học Sinh là anh Lâm (Nghĩa Sinh – đã mãn phần) không biết tại sao không có mặt để tuyên thệ. Hình như anh nầy hơi có “mắc mứu” gì đó với Ban Giám Hiệu. Thành ra, anh bạn khác cùng lớp 11 là Trần văn Tới (11B4) phải thay mặt để tuyên thệ. Lễ khai giảng diễn ra suôn sẻ nhưng nghe đâu có người muốn phá hoại mà không được.

Trại Sinh hoạt học đường ở Chùa Hội Khánh (1970):


Sau khi vào học được chừng một tháng, chúng tôi có dịp tham gia một trại sinh hoạt học đường ở Chùa Hội Khánh. Trại nầy chia làm bốn tiểu trại: Học Tập, Văn Nghệ, Báo Chí và Thể Thao. Mỗi trại sẽ họp bàn để coi năm học nầy sẽ có những hoạt động gì. Tối hôm đó có tổ chức lửa trại và thi đua văn nghệ. Ngược đời một chút là Ban Thể Thao (do Trần Thiện Nguyện làm Trưởng Ban, Lưu Ánh Tuyết làm Phó Ban) lại chiếm giải nhứt về thi đua văn nghệ. Chắc nhờ màn kịch khá vui do Tập và Tâm thủ diễn. (Trong màn nầy, Tâm đã dội một thùng nước lên bức tượng giả là anh Tập làm cho khán giả cười quá xá). Ngoài ra còn có màn tứ ca với bản Nhìn Những Mùa Thu Đi được soạn bè rất chuyên nghiệp. Ban Văn Nghệ (do anh Võ văn Nhãn làm trưởng ban) chiếm giải về mục … trang trí trại. Ban Học Tập (do Nguyễn văn Hiệp làm trưởng ban) hình như chiếm giải nấu ăn ngon. Hiệp đã mãn phần sau 1975.

Trại Vũng Tàu năm 1970:

Năm nay chúng tôi có số đi chơi. Một trại du ngoạn Vũng Tàu được tổ chức và tôi có tham gia, nhưng nói thật, hôm nay tôi quên hết nhưng diễn biến của chuyến đi nầy, chỉ nhớ là chúng tôi ngủ ở Nhà Trọ Thanh Niên của sân vận động Lam Sơn. Ngoài ra không nhớ rõ có phải đây là dịp tụi tôi đấu bóng chuyền giao hữu với trường trung học Vũng Tàu không (trận nầy Trịnh Hoài Đức thằng 2-1). Tôi chỉ nhớ mang máng là khi ngồi xe đò thì chúng tôi ca hát rất vui với những bài ca bị “sửa lời” như:

Ai ra mà xem cái gì nó ngồi trong hang
Nó đưa cái lưng ra ngoài
Nó là … con cóc
Con cóc nó ngồi … nó khóc
Nó đưa cái lưng ra ngoài
Nó là cóc con.

Sau đó lại sửa con cóc thành … con gái …

Ai ra mà xem cái gì nó ngồi trong hang
Nó đưa cái lưng ra ngoài
Nó là … con gái
Con cóc nó ngồi … nó …. (chữ nầy hơi tục, là động từ âm với chữ gái)
Nó đưa cái lưng ra ngoài
Nó là con gái.. con.

Hay bài:

Nhà bên kia có con gà mái gáy
Bắt nước sôi bỏ vô nồi là hết gáy
Đem về ta xé phay ăn liền …

… hát bậy bạ như vậy mà chúng tôi vui lắm. Đúng là cái vui của tuổi trẻ …

Vào buổi trưa, chúng tôi đi tắm ở Bãi Sau có một anh bạn cùng lớp tên Tăng Chí. Anh nầy đi tắm biển mà mặc quần trắng. Khi biết rằng mình có thể bị “lộ hàng” thì anh ta không dám lên bờ mà nhờ tụi tôi kiếm cho ảnh cái quần khác để thay. Dĩ nhiên đám bạn trời đánh có dịp cười nắc nẻ và bắt anh ta chờ cả tiếng đồng hồ ở dưới biển trước khi đem cho anh ta một cái quần tây đen để thay. Hiện giờ không biết Tăng Chí ở đâu. Hy vọng anh ấy đã vượt biển thành công và đang tạm dung ở một nước nào đó trên thế giới. Nếu có bạn nào biết tin thì nhớ cho tác giả biết.


Cắm trại Vũng Tàu

Văn nghệ học đường cuối năm 1970:

Cuối năm 1970, chuẩn bị đón mừng năm mới âm lịch, trường Trịnh Hoài Đức tổ chức một đại nhạc hội tại rạp Thanh Bình. Chương trình rất phong phú và được thầy Bé Tám tập luyện rất kỹ. Tôi, Thạnh, Tập, Tân có một màn tứ ca với bài hát Những Bước Châm Âm Thầm. Bài hát nầy do Nguyễn Đức Tập soạn bè làm đạo diễn.

Chương trình đại nhạc hội có hai buổi. Một xuất buổi sáng và một xuất buổi chiều. Ngày trình diễn là ngày 28 Tết nên không có nhiều khán giả. Tuy nhiên đây là một chương trình văn nghệ hay nhứt của trường từ năm 1965 tới nay. Các tiết mục đều hoàn chỉnh không có gì sơ sót. Cuối chương trình là kịch bản Hội Nghị Diên Hồng thật hay thật khí thế để nâng cao tinh thần yêu nước của dân tộc. Vai Trần Nhân Tông chính là do Tập thủ diễn. Anh nầy có tài văn nghệ mà hát cũng hay. Tiếc rằng vì ham văn nghệ nên Tập thi rớt Tú Tài, sau đó anh ta đi không quân và nghe nói đã chết.

Trung học Trịnh Hoài Đức lên truyền hình:


Gần gần ngày thi Tú Tài 1, trường Trịnh Hoài Đức được Đài Truyền Hình mời thực hiện một chương trình văn nghệ học đường. Các tiết mục hay của kỳ Đại Nhạc Hội được chọn lựa và tập lại để trình diễn. Chương trình nầy đã thành công mỹ mãn. Trung Học Trịnh Hoài Đức và tỉnh Bình Dương được nhiều người biết tiếng. Thầy Hiệu Trưởng được thăng chức lên làm Giám Đốc Học Khu Miền Đông Nam Phần.

Trại Du Ngoạn Đà Lạt hè 1970:

Mùa hè năm 1970, trường Trịnh Hoài Đức cùng với CPS lại tổ chức trại du ngoạn Đà Lạt trong vòng 4 (hay 5) ngày. Tôi may mắn có mặt trong chuyến du ngoạn nầy. Chuyến đi do thầy Nguyễn trọng Nhượng lãnh đạo với sự phụ tá của thầy Đoàn Phế và Nguyễn Bé Tám. Khoảng 50 học sinh nam nữ đã được thăm các thắng cảnh và các cơ quan công quyền nổi tiếng của Đà Lạt như Viện Đại Học, Nha Địa Dư, Trường Võ Bị … Đây là chuyến du ngoạn “đẹp” nhứt trong đời tôi vì trong chuyến đi nầy tôi đã biết thêm về quê hương đất nước và cũng bắt đầu biết yêu đời, yêu người dù đó chỉ là một tình yêu đơn phương yếu đuối.

Sau nầy, tôi có trở lại Đà Lạt nhiều lần, nhưng không lần nào Đà Lạt để lại cho tôi nhiều ấn tượng như kỳ du lịch nầy. Xin cám ơn quý thầy cô đã tổ chức và giúp cho chúng tôi có những kỷ niệm thật đẹp như vậy.


Trại hè Đà Lạt

Trại Tết Trịnh Hoài Đức năm 1974:


Năm lớp 12 (niên khoá 1971-1972), chiến sự trở nên khốc liệt nên sinh hoạt học đường cũng không phát triển. Năm đó cũng không có lễ phát thưởng như các năm khác. Giỏi nhứt lớp là Nguyễn Hoàng cũng chỉ có một bằng khen mà thôi.

Chúng tôi ra trường, thi Tú Tài và đậu đại học trong sự cố gắng tột cùng. Đó chẳng qua là do sức ép của thời cuộc. Không học giỏi, không đậu Tú Tài thì đi lính. Đó là điều không ai muốn.

Hai năm sau, vào dịp Tết cuối năm 1974, trường Trịnh Hoài Đức (lúc nầy do thầy Nguyễn văn Hộ làm hiệu trưởng) có tổ chức trại Tết. Tôi, Thạnh, Hảo có về tham dự. Ở đây chúng tôi gặp Lê Thiết Hùng và Nguyễn thị Kim Hưng nữa. Tôi có ghé trại của em gái thì thấy mấy đứa bạn của nó như Lan Chi, Quyền, Xuân Mai, Mỹ Linh, Thuỳ Linh .. đứa nào cũng đẹp quá chừng vì đang ở độ tuổi mới lớn.

Trong màn văn nghệ, tôi thấy thầy Chu bá Cao (thổi kèn harmonica) được nhiều khán giả hoan nghinh. Chúng tôi có tham gia tranh tài bóng chuyền giữa hai đội cựu học sinh gồm Tâm, Thạnh, Lực, Hảo … và đội học sinh Trịnh Hoài Đức có sự tăng cường của giáo sư Trần văn Em. Lúc nầy đang sung sức và háo thắng, đội cựu học sinh đã hạ đội Trịnh Hoài Đức te tua, không nhường thầy Em chút nào.

*****

Mỗi độ xuân về, chúng ta lại … già thêm một tuổi. Nhưng mỗi khi nhắc lại chuyện xưa lúc học Trịnh Hoài Đức lòng tôi lại cảm thấy trẻ lại, yêu đời hơn và thấy mình có nhiều ước muốn hơn. Tôi ước rằng, phải chi mình còn trẻ, được trở lại học dưới mái trường xưa, được tham gia các sinh hoạt học đường chắc chắn mình sẽ vui hơn nhiều lắm. Thời gian qua rồi, không bao giờ trở lại. Nhắc chuyện xưa để nhớ mãi những kỷ niệm êm đềm …