Thầy Trò Tôi Trong Mùa Xuân Cũ

CHS  Trịnh Hoài Đức   - Lớp Đệ Ngũ P1


Mùa xuân Mậu Thân 1968.  À!   Đây là vấn đề rắc rối của dân tộc tôi.  Nhưng những dòng chữ tiếp đây, là những dòng tâm tư của chúng tôi, những thiếu niên thời ấy, sanh ra và trưởng thành trong cuộc chiến tranh Quốc Cộng.  Chúng tôi chưa kịp nhận biết là người lớn nghĩ gì mà đánh nhau.

Nhưng riêng tôi, có thể là cả đám thiếu niên chúng tôi nữa, đều nghĩ rằng mấy người lớn này kỳ cục quá xá, sao mà cứ ghét nhau và lo mà đánh nhau hoài, không biết mệt mỏi là gì sao kìa,  không ai nhường ai hết. Nhưng nhường làm sao được, khi bên nào cũng có vết tích của thương đau.  Nhưng lúc ấy tôi ngây thơ mà chỉ nghĩ đến một điều: Bộ hết chỗ rồi sao mà rủ nhau tới ngay trường tụi tui mà uýnh lộn, còn đem súng tới nữa chớ, làm đổ nát hư hại không có đủ chỗ học hành.  Kỳ quá là kỳ!

 Cùng  năm ấy, thật quả là năm vận hạn xấu của trường tôi (trường Nữ nặng hơn trường Nam)  tôi không nhớ vào tháng nào, nhưng thật là họa vô đơn chí, một cú sét đánh trời giáng xuống trường Nữ chúng tôi!!! (Chắc chắn không phải là cú sét đánh tình yêu dành cho các chị lớp lớn đâu, mà là trời đánh thật đó).  Cú sét đánh này làm mái trường trống hốc tan hoang.  Cộng thêm với những thiệt hại đổ nát do súng đạn đánh nhau, nên trường Nữ bị hư hại nặng nề.  Sửa chữa xây cất lại không biết bao giờ mới xong.



Trường Trịnh Hoài Đức (Nữ)

Thế mới ra cớ sự.  Thầy trò chúng tôi theo lệnh của ông Hiệu trưởng qua bên trường Nam để mà tỵ nạn.  Chiến tranh trong mùa Xuân ấy đã làm cả trường Nam lẫn trường Nữ đều bị hư hại, điều này thì chẳng phe nào cười phe nào được.  Nhưng các bạn cứ thử nghĩ xem, nếu chỉ có vài lớp chúng tôi theo lệnh của ngài Hiệu trưởng mà đi trọ học ở trường Nam, như thế thì thân phận chúng tôi ra sao.

Thật là một cơ hội tốt cho bọn họ trêu chọc, cười nhạo.  Nào là con gái dữ quá nên bị trời phạt. Nào là con gái điện âm nhiều nên ma quỷ trú đóng dưới mái nhà, hút  dòng điện dương, đó là sét đánh. Nào là con gái ác độc nên trời không thương xót. À, lúc ấy thì trăm điều tiếng xấu, vì dậu đổ thì bìm leo.  Thôi cũng đành chịu vậy, vì có những ngày mưa xối xả, dội xuống lớp học thì làm sao mà học được, làm sao mà thầy trò tôi chịu nổi chứ.

Vì là học nhờ bên trường bọn họ, thân phận tỵ nạn mà, nên chúng tôi phải ngồi học ở phòng thí nghiệm. Lúc ấy tôi nghĩ, miễn sao có chỗ mà ngồi học là tốt lắm rồi, ở những vùng quê xa xôi họ còn không có bàn ghế lớp học để mà ngồi thì sao.  Duy chỉ có một điều là khi tan trường, thì phải nhanh chân mà tránh bọn họ, phòng thí nghiệm có lợi thế là gần cổng trường hơn những lớp kia, thì nên mau chân mà rời trường lớp, may hơn nữa là có được chuyến xe đò hay xe lam rộng chỗ mình có thể lên xe mà về nhà cho sớm.  Nhưng ít khi được may mắn như vậy.

Thời gian mà thầy trò chúng tôi trọ học bên trường Nam, bọn học trò chúng tôi cứ nhớ thương về ngôi trường Nữ thân yêu của mình biết là bao nhiêu.  Nơi chốn ấy chúng tôi tuy vất vả lắm để mà đến trường trong cả những ngày mưa hay ngày nắng, lội bộ cả đoạn đường dài, sau khi đã phải đón những chuyến xe để đến chợ Búng.  Nhưng chúng tôi rất là quý mến từng giây từng phút ấy, vì đó là trường của mình.  

Trong thời gian phải trọ học bên trường Nam, tôi nghĩ rằng sau này mà có được trở về ngôi trường Nữ thân yêu ấy, thì tôi nhất định sẽ cố gắng học chăm chỉ hơn nữa, và sẽ không bao giờ giận lẫy bạn bè, chúng tôi sẽ thân nhau,và quý mến nhau hơn.  Và hơn lúc nào hết, chúng tôi nhớ lớp học mình vô bờ bến, nên khi mà  được trở về trường, tôi sẽ yêu lớp học tôi hơn nữa, tôi tự nhủ thế.  Nhưng điều mơ ước ấy không thực hiện được, vì chúng tôi trọ học ở trường Nam mãi cho đến cuối năm ấy mà trường Nữ cũng chưa sửa chữa xây cất xong.  Rồi cuối năm đệ Ngũ ấy gia đình tôi chuyển về Sài Gòn, tôi đành vĩnh biệt ngôi trường thân yêu kể từ đó đến nay.

Hãy trở lại câu chuyện trọ học ở trường Nam.  Bây giờ trong những lúc rảnh rỗi của giờ ra chơi hay những lúc đến trường sớm, trong lớp học ( tức là phòng thí nghiệm ) tôi thường ngồi mơ màng ôn lại từng kỷ niệm với thầy cô và bạn bè khi còn học bên trường Nữ.  Tôi kể bạn nghe về một trong những kỷ niệm ấy nhé.

Năm ấy chúng tôi học đệ Ngũ P1, lúc ở bên trường Nữ, lớp tôi có một thay đổi lớn.  Giáo sư Đào thị Thảo dạy chúng tôi môn Quốc văn sẽ thuyên chuyển đi trường khác, nghĩa là chúng tôi không còn được học với cô nữa.   Cô ra đi trước vụ Tết Mậu Thân.

Ngày cuối thầy trò chúng tôi chia tay, cô Thảo cho chúng tôi nghỉ học 2 giờ quốc văn hôm ấy, và quây quần bên cô để chuyện trò cho vui.  Chúng tôi còn bé và ngây thơ đến độ đứa nào đứa nấy ngồi vây quanh cô mà cứ ngớ mặt ra, chẳng đứa nào biết nói năng chuyện trò gì.  Mặc dù chúng tôi thương cô và sẽ nhớ cô lắm khi cô rời trường.  Sau buổi học ấy thì cô ra đi và chúng tôi không còn được gặp cô nữa.

Thầy cô nào sẽ về thay cô Thảo, lúc ấy chúng tôi chưa được biết, và thầy cô mới sẽ cho điểm ra sao?  Chúng tôi sẽ được biết vào hai giờ Quốc Văn kế tiếp của tuần ấy.  Nhưng ngay bây giờ có một điều chúng tôi biết rất rõ, đó là từ nay trở đi khó có thể chúng tôi nhận được những điểm số 18 hay 20 cho một bài luận văn.  Đó là những điểm số rộng rãi, mà chúng tôi nhận được của thầy cô trong những năm còn bé ở bậc trung học, như Quốc Văn, Nhạc , Vẽ… Không phải là tất cả, mà chỉ có một số thầy cô thường cho điểm rộng rãi như thế để mà khuyến khích chúng tôi cố gắng, vả lại khi ấy chúng tôi vẫn còn bé lắm.

********

Tôi lấy hai tay che mắt lại, rồi lại mở ra nhìn.  

Rồi tôi lại lấy hai tay che mắt lại, rồi lại mở ra…

Rồi tôi lấy tay phải nhéo vào tay trái để biết là mình không có nằm mơ…

Nhưng đó là sự thật.  Một cái  “hột vịt” bự thiệt là bự đứng trước con số 8.  Trời!  Bài luận văn của tôi đây ư?  Chứ còn tên ai vào đây nữa.  Tôi đau xót nhìn bài luận văn của tôi. Tôi cũng không hỏi các bạn ngồi gần ngồi xa trong lớp coi họ được bao nhiêu điểm bài luận văn này.  Tôi nghĩ cả lớp đã bị “sao quả tạ” chiếu rồi, thì đứa nào lo đau khổ phần đứa đó, chúng tôi bạt hồn kinh vía chẳng còn sức đâu mà hỏi nhau.  Sở dĩ tôi nghĩ thế vì cả lớp đang im lặng như tờ.
Vị giáo sư mới rất đẹp, cái đẹp khắc khổ sang trọng của một nhà hiền triết, vẻ thầy khép kín ít nói chứ không thân thiện vui vẻ với chúng tôi như cô Thảo.  Lúc ấy chỉ nhớ đến tên cô thôi thì tôi đã gào lên trong tiếng khóc vô thanh: Cô ơi, Cô ơi…

Cái việc làm của hai bàn tay úp mở trên mặt của tôi không qua được đôi mắt thâm trầm bí hiểm của nhà hiền triết. Thầy nhìn tôi, rồi đưa mắt nhìn khắp cả lớp như nhìn những con bé quen được nuông chiều chưa bao giờ bị rầy la, đánh mắng và hôm nay bị một roi đòn chí mạng.  Tôi cảm nhận điều ấy rất rõ, vì chưa bao giờ trong lúc phát bài kiểm ra mà chúng tôi lại im lặng đến thế, thường thì chúng tôi xôn xao, đứa nọ nhìn điểm đứa kia, bàn này chạy sang bàn khác.  Còn vị giáo sư mới này thì nhìn chúng tôi như nhìn qua mặt nước hồ phẳng lặng thấy được tận đáy hồ.

Không phải chúng tôi không biết tới cái “hột vịt” bao giờ, nhưng ở các môn khác kìa, như là những môn Toán, Lý Hóa mà phần đông bọn con gái chúng tôi kém xuất sắc.  Nhưng những môn cần gạo bài, hay môn Quốc Văn, thì chúng tôi có thể đạt được đìểm cao chứ.  Nhất là môn Quốc Văn trời đã phú cho bọn con gái chúng tôi những “lời văn bẩm sinh” để sau này mà nói chuyện cùng chồng con.  Thử hỏi làm sao mà tệ được.  Thế mà đã vài bài luận ăn điểm như thế trôi qua.

Trong lòng tôi khi ấy đã có một quyết định, chỉ chờ cơ hội thuận tiện là sẽ thực hiện.  Quyết định ấy theo tôi nghĩ là rất dân chủ, là nói lên ý nghĩ của mình, có thể bạn nghĩ là táo bạo.  Nhưng không, thầy mình sẽ không bao giờ giết mình đâu, và biết đâu là nhờ nói ra, mà thầy sẽ thay đổi lập trường của thầy đối với chúng tôi khi ấy.  Tôi định chờ cơ hội thuận tiện sẽ đến nói với thầy, à không!  Đến thưa với thầy là: Thưa thầy, chúng con đã quen với những điểm số 18, 19, 20.  Nay thầy cho chúng con điểm số gắt gao quá, chúng con đau khổ lắm.  Vả lại, bài làm của chúng con cũng không lấy gì làm tệ lắm, bằng cớ là giáo sư Đào thị Thảo đã rất hài lòng với những bài luận văn của chúng con.

Nhưng tôi chờ mãi cũng không có cơ hội thuận tiện ấy, tức là khi tôi nói chuyện với thầy thì chung quanh phải đừng có ai nghe, vì tôi mắc cở khi có người thứ ba nghe được cuộc đối thoại ấy của tôi. Tôi còn lo xa, lỡ thầy từ chối mà còn bị rầy nữa thì “ghuê” lắm.  À, có một điều tôi quên chưa kể với bạn về thầy mới của tôi, chúng tôi nhìn thầy như nhìn những ngôi sao sáng trên trời cao ( không phải là movie star đâu).  Tức là chúng tôi ngưỡng mộ thầy lắm, vì trên văn đàn Việt Nam thời bấy giờ, thầy là nhà văn, nhà dịch thuật nổi tiếng Huỳnh Thành Tâm, quê thầy ở Bình Dương, cha tôi thường đọc sách của thầy.

Tôi cứ chờ một cơ hội thuận tiện.  Nhưng khi Trời cho, thì cơ hội tốt cũng sẽ phải đến, tuần lễ ấy đề luận văn thầy cho là:  “Em hãy viết thư cho người bạn cũ, nay đã rời trường đi học nơi khác, và nói với bạn cảm tưởng của em”.  Vớ được đề luận văn này tôi mừng còn hơn mèo mù vớ cá rán.  Đây là cơ hội ngàn năm một thuở để dùng bài luận văn ấy gián tiếp mà làm một “thỉnh nguyện thư”, nên tôi viết miên man, viết như chưa bao giờ được viết, như viết cho một người bạn thân thực sự kể lể những buồn vui hiện tại, và thố lộ với “người bạn cũ” cái mong ước của mình.  

Nguyên văn bức thư thì ngày nay tôi không nhớ hết, nhưng những cảm xúc thì như vẫn còn nguyên vẹn.  Tôi kể và so sánh hai thang điểm khác nhau của thầy Tâm và cô Thảo, tôi nói ra những ý nghĩ của mình là chúng tôi chưa quen với những điểm số quá gắt gao, và tôi nhớ có câu này là rất nguyên văn:”Ngày xưa cô TH. cho điễm bài luận văn của chúng mình 19,20 nhưng nay thầy T. chỉ cho bài luận văn 08, 09 điểm mà thôi.  Tụi mình bây giờ buồn lắm”.

Sở dĩ tôi viết tắt chữ TH là tên cô Thảo, và chữ T là tên thầy Tâm, là vì tôi lo xa.  Bạn biết không, tôi phải nghĩ đến một điều là nếu thầy cho đó là lỗi thì thầy không bắt lỗi tôi được, vì tôi không viết tên thầy.  Còn nếu thông điệp ấy được chấp thuận thì chúng tôi sung sướng biết bao nhiêu, sẽ không còn những cảnh lãnh “hột vịt” buồn muôn thuở nữa.  Cùng lúc tôi cũng không quên tả nét đẹp hiền triết khắc khổ của thầy giáo mới và tả luôn cái tướng sang, nhàn hạ của thầy cho “người bạn cũ” của tôi được biết. (Những tướng này tôi đọc trong một quyển sách của cha tôi ).

Thật ra tôi không có cái tính cho người khác đi tàu bay giấy bao giờ, mà tôi chỉ đưa ra nhận xét vô tư khách quan của mình mà thôi, tôi cũng thích nhận xét qua các tướng cách như vậy giúp mình dễ hiểu người khác hơn.  Nhưng bạn hãy từ từ chờ xem một con bé con xem tướng cho thầy của mình như thế nào nhé.  Lúc làm bài luận văn ấy, lòng tôi hăng say vui vẻ chỉ nghĩ đến lúc được thầy mình “chuẩn tấu”.  Nhưng khi nộp bài luận văn cho thầy rồi, thì lòng tôi quả thực không yên.  Thường thì bài luận văn sẽ được trả lại sau một tuần, một tuần lễ vừa hy vọng lại vừa lo lắng.

Rồi cũng đến ngày trả lại những bài luận văn ấy.  Cái “thông điệp” của tôi vẫn nằm trong bí mật và nằm trong tay thầy một tuần nay, các bạn trong lớp không ai biết đến, hôm nay thì tôi có cảm tưởng cái bí mật ấy sẽ phải nổ tung như cái bong bóng bị bơm căng quá mức.  Hai giờ đầu tiên của buổi học là môn Quốc văn, thầy Huỳnh Thành Tâm bước vào lớp, chúng tôi theo đúng lễ nghi đứng lên đồng loạt để chào thầy.  Thầy khoát tay cho chúng tôi ngồi xuống, tôi nhìn thầy và cố nhận xét xem trên gương mặt kia có nét gì buồn hay giận không, dù chỉ là thoáng một chút đi nữa thì tôi cũng hiểu ngay rằng nguyên nhân là ở “lá thư gửi bạn cũ” của tôi.

Tuyệt nhiên là không, gương mặt ấy thản nhiên một cách rất là hiền triết, tôi nhìn và không thể đoán nổi thầy tôi nghĩ gì.  Thầy thong thả ngồi xuống lựa trong giấy tờ và lôi ra một xấp những bài luận văn của chúng tôi.  Tôi hồi hộp quá mức, tim tôi đập mạnh tưởng mấy phen nhẩy ra khỏi lồng ngực rồi chứ.  Thầy gọi từng đứa lên nhận lại bài, bình thường thì chỉ nhận bài rồi bước về chỗ ngồi, chỉ khi nào bài của mình có lỗi gì quá đáng thì phải đứng lại để bị rầy và thầy sẽ bảo cho biết sai ở cái gì.

Lúc ấy, tôi tự hỏi: Bài của tôi có lỗi gì quá đáng không?  Thì có câu trả lời thầm bên tai mình là: Lỗi chỉ bằng cái ĐÌNH mà thôi, lỗi là dám chỉ trích thầy mình. Cứ lần lượt các bạn được gọi tên lên lãnh lại bài luận, mãi cũng chưa đến tên tôi, tôi có cảm tưởng người tôi run bắn lên, trái tim như cứ muốn chạy vọt ra ngoài làm cho tôi cứ muốn chạy theo mà chụp nó lại.  

Cuối cùng thầy cũng gọi đến tên tôi, tay chân tôi run rẩy và tôi bước ra khỏi chỗ ngồi tiến về phía bàn của thầy.  Cái bàn ấy kê ngay góc lớp gần cửa ra vào, tôi vẫn còn run rẩy không bình tĩnh lại được.  Thầy tuy gọi tôi lên nhưng chưa đưa trả lại bài luận cho tôi mà cứ nhìn vào đấy như thể muốn đọc lại một cái gì, tôi cố đoán xem chuyện gì sắp xảy ra cho tôi nhưng không đoán được gì trên gương mặt hiền triết ấy.  Tôi bối rối nhìn thầy, rồi lại nhìn ra ngoài cửa lớp, rồi lại nhìn thầy, rồi lại nhìn ra ngoài trời xanh tự do kia, gió đang nhè nhẹ thổi và mây trắng tựa nhẹ nhàng vào đấy mà trôi mênh mang. Tôi nhìn lại thầy lần nữa, rồi bất giác tôi vụt bỏ chạy băng qua cửa lớp, thầy như chẳng thèm chú ý đến tôi và như cứ nhìn vào bài luận văn làm tôi càng sợ hơn mà chạy thẳng ra sân cỏ của trường.

Các bạn trong lớp cũng dường như không nhìn thấy tôi, vì ai cũng đang bận tâm về bài luận của mình.  Lúc ấy tôi ao ước được làm đám mây kia, tôi sẽ bay vút đi thật xa.  Hai tay tôi chới với đưa lên:  Mây ơi, mây ơi….cho ta theo với… Bất chợt tôi nghe đám mây nói với tôi, giọng thầm thì nhẹ nhàng: Trở về lớp học đi, đừng theo ta.  Tôi nói: tôi sợ lắm.  Mây nói với tôi lời dịu dàng hơn: Không sao đâu, quay về lớp học đi.

Tôi lủi thủi quay về, đến cửa lớp tôi nhìn vào, thầy tôi vẫn còn đang nhìn vào bài luận văn của tôi, tôi định bước vào chỗ tôi đứng lúc nãy thì lạ chưa?  Nơi ấy có một con thỏ lớn bằng tôi đang đứng đấy, nó có gương mặt giống như tôi vậy, nó đang run lẩy bẩy như thần tử thấy Long Nhan, còn mắt thì chớp chớp như sắp khóc.  Bất chợt thầy tằng hắng khiến tôi giật bắn người lên mà trở về thực tại.  Thì ra nãy giờ tôi mải mê với daydream.  Cái giật bắn người của tôi khiến thầy ngạc nhiên ngước lên nhìn.  Rồi thầy “ phán “ một lời mà lời ấy đeo đẳng theo tôi mãi cho đến bây giờ:  “Trò này nữa lớn làm phóng viên được đó!”

Lúc ấy tôi hiểu theo trí phán đoán non nớt của mình là thầy giận đứa học trò nhỏ và mỉa mai nó.  Mãi đến hôm rồi khi tâm sự với Kim Ngân những kỷ niệm xưa về thầy, Kim Ngân nói là: “Thầy khen bồ đó chớ”.  Bây giờ tôi tin tưởng lời bạn nên tôi nghe lòng nhẹ nhàng khi nghĩ về thầy.

Nhưng tôi cũng muốn kể lại với bạn những suy nghĩ của tôi vào lúc ấy, tôi cảm thấy như tôi là kẻ phản bội thầy, trên trán như có một vết nhơ phản bội, như một tên bán chúa. Trí non trẻ của tôi nghĩ thế, và tôi cúi đầu buồn bã vì chuyện “trọng đại” trong đời, cái tuổi nhỏ bé thì như vậy đã lấy làm trong đại lắm và buồn lắm.  Tôi định đưa tay nhận lấy bài luận văn rồi bước về chỗ ngồi.  Nhưng thầy chưa trao ngay cho tôi bài luận văn của tôi, chắc còn một lỗi lầm gì đây.  Thầy nói:  “Đáng lẽ bài luận văn này được 14 điểm, nhưng vì tả sai nên tôi trừ nửa điểm về lỗi sai ấy”.

Tôi liếc nhìn thấy con số 14 và tôi gào thầm lên trong trí:  “Mười bốn điểm!!”. Trái tim tôi như nở hoa. Thế là “thông điệp” kia đã có kết quả!. “Thỉnh nguyện thư” đã được chấp thuận!.  Tôi muốn chạy vụt ra sân trường lần nữa vì vui.  Nhưng tôi chợt định thần lại kịp, để nghe thầy nói tiếp là tôi tả sai cái gì.  Nhưng thầy trừ nửa điểm ư?  Không hề gì, hãy nhìn vào con số nguyên thủy 14 là đáng kể mà thôi.  Rõ ràng là vẫn chưa phải 18, 20 như cô Thảo, nhưng “ăn” được 14 của thầy Tâm không phải là dễ dàng.

Lần này giọng thầy không có vẻ khô khan xa cách nữa, mà hơi pha một chút dí dỏm, chỉ một chút thôi.  Thầy bảo:  “Tại sao lại có người tay dài như tay vượn được, điều ấy không đúng với sự thật.  Tôi trừ nửa điểm vì lỗi tả người sai này”.  

Nói rồi thầy liền ghi bên cạnh con số 14 một cái dấu -1/2 điểm.  Lúc ấy thầy mới trao lại bài luận cho tôi.  Mặc dù vui vì thông điệp của mình thành công, nhưng lòng tôi vẫn ấm ức. Tuy tôi không dám giận thầy nhưng vẫn ấm ức vì thầy hiểu sai ý mình, và rõ ràng là thầy không biết về tướng số đó chứ.  Trong quyển sách tôi đọc, tả rõ dáng dấp người đời xưa giống như dáng dấp của thầy, ông ta có cuộc đời quý hiển vượt bực làm tới chức Tể Tướng trong triều, chứ đâu phải thường đâu nà!!

Sự ấm ức ấy vẫn còn đến bây giờ.  Bất cứ sự đoán tướng số nào cũng cần thời gian lâu mau để mà kiểm chứng.  Nay tôi mời các bạn nhân dịp Xuân về cùng nhắc về thầy cô cũng là dịp nhớ đến công ơn dạy dỗ tụi mình.  Bên cạnh sự nhắc chuyện về thầy, tôi cũng muốn mời các bạn cùng trường cùng lớp làm “trọng tài” nhận xét xem cái tài “đoán số mạng” của tôi năm xưa về thầy Huỳnh Thành Tâm.  Đến nay thì mình có thể nhìn lại quá khứ để thấy rằng, quả thật trong văn học Việt Nam thầy mình là một nhà văn, nhà dịch thuật, và là giáo sư danh tiếng, chỉ có người bằng thầy chứ chưa ai hơn được.  Đó là niềm tự hào.  Riêng điều ấy đã vinh hiển ngang với chức Tể Tướng rồi, còn biết bao điều khác thầy thực hiện cho Văn Học nước nhà mà chúng tôi khi ấy trí óc trẻ con thấp bé, làm sao hiểu thấu hết đường bay cao của cánh chim đại bàng kia.

Chưa hết, khi về già thầy lại cũng có một đời sống yên vui sung túc an nhàn ở mảnh đất được ban phước lành, và còn có những phúc lộc khác của thầy mà chúng ta chưa hoặc không biết đến.  Các bạn thấy chưa, nếu các bạn công bình mà nhìn sự việc, thì ngày nay thầy Tâm không những không trừ bài luận văn của tôi 1/2 điểm, mà còn sẽ cho tôi thêm 1/2 điểm vì những điều học trò của thầy ngày xưa mô tả đã thành sự thật.  Có hôm, tôi và Thúy Liễu trong khi kể lại cho nhau nghe những kỷ niệm xa xưa. Ni Cô dễ thương và tôi cùng cười khúc khích với nhau như những ngày còn học dưới mái trường thân yêu Trịnh Hoài Đức.  Ni Cô cũng đồng ý với tôi về điểm ấy.

                       “Những người muôn năm cũ,
                        Hồn ở đâu bây giờ”.


Đời người có sống lâu cũng chỉ hơn trăm tuổi, nhưng chúng ta sao vẫn cứ mong cho thầy cô mình trường cửu vĩnh viễn với thời gian.  Theo tôi nghĩ chỉ có tình cảm của loài người là bất diệt, chỉ một bài thơ danh tiếng của Vũ Đình Liên cũng làm cho thi sĩ sống với các thế hệ chúng ta hàng vạn niên sau.  Những tác phẩm hoặc những công trình về văn học nghệ thuật của thầy cũng đưa cuộc sống của thầy về hàng vạn niên sau như thế. Hoặc giả chúng ta cứ giữ vững truyền thống ngàn đời tốt đẹp của Tổ Tiên Ông Cha ta để lại, là luôn ghi nhớ công ơn dạy dỗ của thầy cô mình thì cho đến hàng vạn niên sau thầy cô mình vẫn còn sống mãi./.