Tết hải ngoại
Bạn phương xa
Bạn thân,
Nghe bạn kể chuyện ăn Tết ở quê nhà
mà lòng tôi bâng khuâng một nổi nhớ về
những ngày xuân trên quê hương. Tuy
nhiên chắc bạn cũng thắc mắc, không biết người Việt ở hải
ngoại ăn Tết như thế nào, có vui không và
có gì khác so với ở quê nhà. Vậy
bây giờ tôi sẽ kể cho bạn nghe chuyện ăn Tết ở địa phương
mà tôi sinh sống. Đó là Khu Little Saigon.
Không khí ăn Tết cổ truyền của
dân tộc bắt đầu sớm nhứt ở các siêu thị Việt Nam. Từ
sau Tết Dương Lịch người ta đã bày bán bánh
mứt đủ loại. Trong chợ thì nhạc xuân rộn rã, nhưng
nghe cũng hơi tức cười vì hôm nay mới đầu tháng
chạp mà thôi, còn cả tháng nữa mới tới Tết.
Tiếp theo là báo Xuân được
phát hành. Hồi xưa, tới rằm tháng chạp mới
có báo Xuân. Bên đây, do cạnh tranh
nên mới đầu tháng chạp là báo Xuân
đã xuất hiện ở các sạp báo. Năm nay thấy có
báo xuân Người Việt, Việt Báo, Viễn Đông,
Việt Weekly... giá mỗi tờ chừng 7-11 đô la. Báo
Người Việt còn tặng thêm thẻ gọi điện thoại nữa. Nội dung
thì cũng na ná như nhau, cũng gồm biên khảo,
phóng sự, lịch sử, văn hoá dân tộc ...
Tới gần Tết thì trước khu Phước Lộc Thọ
có chợ hoa. Tuy không đẹp như ở Việt Nam nhưng hoa mai
vàng ở Mỹ cũng rất rực rỡ và bán rất mắc, mỗi chậu
cả trăm đô la. Có loại mai Mỹ nữa nhưng xấu hơn, và
bán rẽ hơn nhiều. Sau mai là phong lan và địa lan,
giá một chậu khoảng 30-40 đô. Loại hoa nầy rất được ưa
chuộng vì chưng được nhiều ngày. Ngoài ra
còn có cúc đại đoá (một cặp 14 đô la)
và các loại hoa khác. Củ thuỷ tiên cũng
có bán tại các chợ của người Hoa trong vùng.
Người Việt ở Mỹ không gói bánh
chưng, bánh tét mà mua ở chợ vì có
những hãng sản xuất sẵn. Năm ngoái một cái
bánh chưng hay bánh tét giá khoảng 13-15
đô la. Năm nay chưa biết bao nhiêu nhưng chắc mắc hơn
vì đô la mất giá, hàng hoá lên
giá.
Cận Tết, nếu vào ngày cuối tuần
thì xe cộ quanh khu Phước Lộc Thọ rất đông đảo gây
ra kẹt xe dữ lắm. Các tiệm thịt quay, vịt quay làm
hàng bán không kịp. Người mua phải chờ đợi rất
lâu để mua các món nầy.
Tối 30 Tết, dân Việt đổ xô đến
các nhà thờ và chùa trong vùng để
đón giao thừa và xem đốt pháo. Ở chùa Huệ
Quang, đúng 12 giờ người ta đốt sơ sơ có một triệu
viên pháo mà thôi ... Khói pháo
mù mịt, dân chúng coi đông đúc chen
chúc nhau. Ai cũng hân hoan, vui vẻ. Ngoài đường,
cảnh sát Mỹ phải tới canh giữ trật tự nhưng hầu như ít
có vấn đề gì về an ninh.
Tết Việt Nam ở Mỹ vào ... mùa
đông nên còn lạnh lắm. Người nào làm
biếng và sợ lạnh thì ở nhà mở truyền hình
ra coi văn nghệ giao thừa hay trực tiếp truyền hình cảnh ăn Tết
từ các chùa trong vùng. Ở đây có 6
đài truyền hình Việt Nam loại digital (kỹ thuật số).
Chương trình rất phong phú và phát tối
ngày sáng đêm, giờ nào mở lên cũng
có.
Đốt pháo mừng xuân ở khu Phước Lộc Thọ
Sáng mùng một Tết, dạo quanh khu Phước
Lộc Thọ thì nghe pháo nổ đì đùng liên
tu bất tận. Trước thương sá, người ta đốt không biết bao
nhiêu pháo mà kể. Kéo dài hai, ba
tiếng đồng hồ. Thêm vào sự rộn rã của ngày
Tết ở đây là tiếng trống lân của vài
đoàn lân đang múa để mừng xuân nữa. Trong chợ
đôi khi có vài sòng bầu cua cá cọp
... để bà con chơi vui ngày mùng một. Cảnh
sát địa phương biết nhưng “làm lơ” cho dân Việt ăn
Tết.
Đông đảo du khách tới chơi ở khu Phước Lộc thọ
Ngày cuối tuần đầu năm, ở đây hay
có hội chợ do sinh viên tổ chức. Trong hội chợ có
văn nghệ, có các trò chơi truyền thống của
dân tộc như đánh cờ, thi thơ, thi hoa hậu ... Ngoài
ra còn có các gian hàng bán thực
phẩm Việt như chả giò, nem nướng ... Người Việt tại chỗ
thì ít vào hội chợ nhưng người Việt từ các
thành phố xa xa thì hay về đây vui chơi cả
ngày.
Hàng năm, trên con đường lớn đi qua khu
Việt Nam là đường Bolsa lại có tổ chức diễn hành.
Lúc nầy các cơ sở thương mại, tôn giáo,
các hội đoàn đều tham dự tạo nên một khung cảnh
nhộn nhịp vui vẻ.
Trước hay sau Tết, các hội đoàn địa
phương đều tổ chức họp mặt vui xuân với nhau. Hội Ái Hữu
Đồng Hương Bình Dương cũng hay họp mặt sau Tết vài
ngày. Lúc đó có khoảng 150 - 200
người tham dự.
Đó là sinh hoạt công đồng.
Còn ở nhà riêng thì ai cũng có
bàn thờ ông bà và cúng đón
giao thừa như ở Việt Nam mặc dù ở đây đón sau Việt
Nam hơn nữa ngày. Anh chị em, bạn bè hay tụ họp ăn uống
vui chơi với các thức ăn truyền thống ngày Tết. Sau
đó họ đi thăm mã ông bà, cha mẹ, hay đi
chùa, nhà thờ. Chùa nào cũng đông.
Đến chùa thường được thầy trụ trì lì xì cho
một trái quít gọi là lộc đầu năm.
Múa lân đầu năm
Riêng tôi, năm nào Tết vào
cuối tuần thì vui vì có dịp đi Little Saigon coi
đốt pháo, múa lân hay diễn hành. Năm
nào Tết vào dịp giữa tuần như năm Tân Mão
nầy thì cũng đi làm bình thường. Vô sở, mấy
xếp gặp mình thì nói “Kung Hi Pat Choi” (Cung Hỉ
Phát Tài). Câu nầy để chúc cho người
Tàu chớ người Việt mình ít nói như vậy.
Nhưng thây kệ, hơi đâu mà sửa họ.
Người Việt ở Little Saigon ăn Tết như vậy đó.
Có thể ở đây không vui như ở quê nhà
nhưng có một điều là người dân được tự do muốn
làm gì thì làm, muốn nói gì
thì nói. Ai không có việc làm
thì được chánh phủ trợ giúp, ai có việc
làm ổn định thì còn khoẻ hơn nữa. Đó phải
chăng chính là niềm vui vĩnh cửu có được suốt 365
ngày trong năm !
Thư cũng đã dài, xin ngừng bút
nơi đây, chúc bạn một năm mới nhiều sức khoẻ, an khang,
thịnh vượng, làm ăn phát tài, con cái học
hành tấn tới ...
Ký tên
Bạn phương xa.