Mèo Móng Đỏ
Nguyễn Viết Tân
Ở miền Nam, người ta thường có câu "Đi o mèo".
Cứ chiều chiều mỗi khi nắng tắt, mấy anh chàng công tử
miệt vườn thường mặc bộ đồ bi-da-ma trắng, tay cầm dù đen, đi
guốc mộc, đầu chải bri-ăng-tin bóng lưỡng, hút thuốc thơm
Ara hay Ruby, thả rểu đầu trên xóm dưới để lấy le, để o
mèo.
Mấy đứa con nít hùa nhau hát ghẹo:
-Muốn người ta người ta không
muốn
Xách cái
dù đi xuống đi lên.
Về sau này không ai dùng chữ o mèo để tả
cái sự đi cua gái, tán đào nữa, mà
"có mèo" thường là để chỉ cái vụ có
bồ nhí, vợ hai vợ ba mà thôi...
Tục ngữ có câu "Mèo mả gà đồng", chắc
là vì loài mèo và gà đồng khi
chúng nó yêu nhau thì vào lúc
đêm tối, nơi vắng vẻ ở tha ma mộ địa, thế nên ái
tình bất chính bị gọi là mèo chăng?
Mèo thường là mấy bà góa chồng, là
các cô thợ may hay bán quán, ở cách
nhà ông mất nết chừng vài ba cây số. Dĩ
nhiên mèo thì trẻ tuổi và có
bóng sắc hơn vợ nhà, nhưng cũng có nhiều trường
hợp con mèo lại xấu đau xấu đớn, có lẽ nó
rù quến được chồng người vì biết chiều chuộng đàn
ông và giọng nói ngọt như mía lùi
chăng.
Một con mèo nổi danh thế giới, đánh bạt người vợ
chính thức đẹp tuyệt trần như Công Nương Diana là
bà Camilla. Chẳng biết mắt Thái tử nước Anh có bị
gì không, chứ đàn ông thế giới đều chê
ông ta có mắt mà như mù "Chê tôm
ăn cá lù đù".
Trong thâm cung bí sử của nước Cờ Hoa, cũng chẳng
còn gì là bí mật khi nhắc tới Marylin
Monroe và anh em nhà Kennedy, hay em Monica của
chàng Cờ-lin-tơn và hình ảnh chàng khi
lên TV trước quốc dân đồng bào, tay nhịp nhịp
“Tôi không biết người phụ nữ ấy” .
Trước khi Bộ Luật Gia Đình ra đời (thường gọi là bộ luật
bà Ngô Đình Nhu) thì ở thôn quê
có nhiều người hai ba vợ, ở thành phố thì hiếm
hơn.
Trong khoảng 20 năm của nền Cộng Hoà, báo chí
có đăng nhiều ông lớn có mèo, các
bà lớn ghen tuông tùm lum, mà nổi
đình đám, tiếng vang lâu dài nhất là
vụ vũ nữ Cẩm Nhung bị tạt át xít hồi 1958.
Mãi tới năm 1976 hành khách đi ngang phà
Cần Thơ vẫn thường thấy một người với gương mặt méo mó,
da đầy sẹo kéo chằng chịt, mang cái loa nhỏ, ca
hát rong để xin tiền. Bà ta đeo trước ngực tấm
hình lớn đôi nam thanh nữ tú, phiá dưới
có đề Tr/t Thức và Cẩm Nhung...
Cẩm Nhung là một vũ nữ xinh đẹp, có nhiều người theo
đuổi, y như câu tả Đạm Tiên trong Truyện Kiều: “Xôn
xao ngoài ngõ thiếu gì yến oanh”.
Xin trích một đoạn hồi ký của Nguyên Sa:
Chúng tôi ngồi trong
gian phòng khách nhỏ, người thiếu nữ khuôn mặt
đã trang điểm, đôi mắt rất đen và rất to, phấn nền
và phấn hồng đều mỏng, nói với tôi chào anh,
nói với Mai Thảo chờ em. Mai Thảo giới thiệu, người thiếu nữ
và tôi có thêm cơ hội làm những cử chỉ
lịch sự. Nàng mau chóng đi ra phía sau bức
bình phong, không phải là bức tứ bình
có những khoảng không gian ngăn cách mai lan
trúc cúc, chỉ là bình phong hình chữ
nhật chiều ngang lớn hơn chiều cao, phía ngang kín bưng,
ngoại trừ hai phiá đầu và chân không được che
kín. Người thiếu nữ đã đứng vào sau bình
phong cười với chúng tôi. Thân mình
nàng được che khuất, phiá trên ngang tầm vai,
phía dưới tới đầu gối. Nàng cũng khởi đầu nói
những câu chuyện thông thường với Mai Thảo, em tưởng anh
quên, tay chơi cười nhếch mép nói quên thế
nào được, thiếu nữ nói tiếp, Mai Thảo chỉ nhếch
mép. Thiếu nữ nghiêng đầu nhìn xuống phía
dưới. Tôi nhìn theo đường nhìn của nàng,
tôi nhìn thấy hai ống chân của thiếu nữ, thấy
nàng làm động tác chân đá đá
đẩy ra chiếc quần đã rớt xuống. Nàng có di chuyển
thế đứng một bước nhỏ, để cho chiếc quần đi ra khỏi vướng víu.
Chiếc quần dài rớt xuống trước, trước quần ngắn hơn nhiều,
màu sắc cũng nổi bật hơn nhiều rớt xuống sau. Thiếu nữ
nhìn tôi cười có nét e thẹn, tôi cười
đáp lại, có phần ngượng ngùng. Mai Thảo dường như
không chú ý, anh tiếp tục hút thuốc
nhìn khói bay lên chậm và tan loãng
còn chậm hơn trong gian phòng nhỏ đóng kín.
Khi bàn tay của người con gái để lên trên
bình phong tôi ghi nhận ngay trên đó
đã có để sẵn quần áo, có một chiếc quần
dài, màu đen trông loang loáng, chắc sa
tanh, càng lấp lánh khi phản chiếu ánh đèn,
một chiếc quần ngắn hơn, màu sắc tươi mát hơn, và
chiếc áo dài lụa màu nâu gụ có
thêu bông. Người con gái lấy xuống chiếc quần ngắn
trước, rồi quần dài, đoạn cởi ra chiếc áo cánh,
lấy chiếc áo dài nâu thêu bông.
Chúng tôi đi, thiếu nữ
ngồi kế bên Mai Thảo trên băng trên, lần đó,
nhiều lần khác nàng ngồi băng sau, tôi ngồi kế
bên Mai Thảo. Câu hỏi mình đi đâu của
tôi khi được nêu lên mỗi lần có những
câu trả lời khác nhau. Tôi không hỏi đi
đâu từ trước, đi đâu thì đi, lên xe hỏi han
thế thôi, không có định kiến. Câu trả lời
thường đến từ phía người con gái.
- Cho em vào Arc en Ciel!
- Cho em đi đâu cũng được!
- Hỏi bác tài!
Vào Arc en Ciel những
hôm nàng đi làm, em đi chơi với chúng
mình là câu trả lời đến từ Mai Thảo những lần khởi
hành khác. Mai Thảo lái xe chừng mực hơn mỗi khi
có phụ nữ. Anh chỉ bay bướm nhẹ nhàng khi xe đề pa
và khi dừng lại.
Nhưng lần chót tôi gặp
lại người phụ nữ ấy, Mai Thảo dừng xe có phần gấp gáp,
không có nét bay bướm nào. Anh đang
phóng nhanh bỗng thắng két, tấp xe vào lề, đậu xe
bên phía tay mặt đường Pasteur. Mai Thảo ra khỏi xe
không một lời giải thích. Tôi không hỏi, xuống
theo ngay, linh cảm có chuyện gì khác lạ.
Chúng tôi băng qua con lộ xe chạy một chiều vun
vút. Mai Thảo dừng lại trước một người hành khất, một
người phụ nữ, móc trong túi ra một nắm giấy bạc, anh
chuyển nắm giấy bạc sang tay kia, tìm kiếm thêm, tôi
không nhận ra người hành khất là ai, chỉ thấy mặt
loang lổ những vết cháy nổi lên những mảng thịt nửa đỏ nửa
tím sậm, dị dạng, hai mắt vết cháy càng
rõ, lòng trắng và lòng đen bị hủy hoại lổn
nhổn. Bạn tôi bỏ nắm tiền vào chậu bằng nhôm, những
tờ giấy chạm vào tay người đàn bà hành
khất, dường như nàng biết ngay người cho tiền là ai, sự
va chạm của bàn tay vào những tờ giấy bạc cho nàng
biết ngay là ai, ai có thể cho nàng nhiều tờ giấy
bạc như thế, nàng ngẩng mặt lên gọi "anh", Mai Thảo vỗ nhẹ
vào bàn tay nàng có tiếng nói an ủi
bằng xúc giác, không có âm thanh
nào được phát lên.
Tôi muốn nói lên
tên người đàn bà hành khất. Tôi chưa
kịp nói Mai Thảo kéo tôi băng qua đường. Tôi
ngồi vào trong xe, nói lên ngay tên
nàng. Mai Thảo gật đầu. Cẩm Nhung. Tên người vũ nữ thay
quần áo sau tấm bình phong mỗi lần Mai Thảo và
tôi đến đón nàng đi làm hay đi ăn, đi ra
Pointe des Blagueurs hóng mát. Cẩm Nhung bị tạt át
xít trong một trận đòn ghen có sức mạnh của tiền
hô hậu ủng, có sự tàn bạo mới của thế kỷ khoa học.
Tôi nhìn bạn
tôi ngậm ngùi:
-Cẩm Nhung!
Mai Thảo nhìn về phía
trước mặt, như nói một mình, rất khẽ:
-Nhung đấy!
(Hết trích)
50 năm qua đi, những người muôn năm cũ như Mai Thảo, Nguyên
Sa đã lần lượt ra đi. Không biết bây giờ vợ chồng
ông Thức còn sống không, nhưng ai cũng cho rằng "con
Mèo Cẩm Nhung" đã chết rồi, chết khá lâu
trước khi phà Mỹ Thuận ngừng hoạt động khi chiếc cầu dây
văng đã nối liền đôi bờ, vì không ai
còn nhìn thấy tấm thân tiều tụy ấy đi hát
xin tiền trên từng chuyến phà nhếch nhác, bẩn thỉu
nữa.
Ấy vậy mà nhân dịp họp mặt KQ mấy tuần trước, khi nghe
tôi đề cập đến người vũ nữ ngày xưa ấy, anh chị
Thành Cối cho biết là Cẩm Nhung vẫn còn sống
lây lất xin ăn ở quanh chợ Tân Định, năm nay đã hơn
bảy mươi tuổi và bịnh tật rề rề. Còn anh BTM thì
nói hồi năm 1970, thường thấy cô ta quẩn quanh ở
góc đường Lê Lợi và Nguyễn Trung Trực.
Thời ấy trong mục Từ Thành Đến Tỉnh mà người ta thường
gọi đùa là "Tin Chó Cán Xe" không mấy
ngày không có chuyện đánh ghen, mà đề
tài này mới là mục có nhiều độc giả, từ
bà lớn mệnh phụ đến cô bán hàng, từ cô
thư ký công tư sở đến em Ma ri Sến, cũng đều hăm hở đọc
như là câu chuyện có mình tham dự.
Nào là "con mèo" bị sởn lông sởn tóc,
bị xé áo xé quần trước bàn dân
thiên hạ, bị đổ nước mắm pha ớt hiểm vào trong chỗ
kín v v... Họ đọc báo với tấm lòng hồ hởi,
ít người tỏ lòng thương hại, cũng chẳng thèm
tìm hiểu gia cảnh nạn nhân như thế nào, cô ta
có bị người đàn ông lừa gạt hay tự ý
âm mưu đoạt chồng người. Mà cũng ít khi thiên
hạ quy tội cho người đàn ông, người ta chỉ chép
miệng mà rằng:
- Ối, đàn ông như cái gậy thằng ăn mày,
nó bạ đâu chọc đấy, mình là đàn
bà con gái khôn thì nhờ, dại thì
ráng mà chịu.
Đến sau 1975 có nhiều ông lớn hay thương gia Ba Tàu
cũng dắt díu qua trại có hơn một bà... Lúc
đó biết rằng nếu khai đa thê thì sức mấy Mỹ nhận,
nên mấy ông đành khai là em vợ, em họ v v...
nhưng chẳng chóng thì chầy, những người em hờ này
cũng cao chạy xa bay, vì họ có thể tự lực cánh
sinh, kiếm được ông chồng cho riêng mình trong thời
buổi gái thiếu trai thừa ấy, dại gì sống kiếp "kẻ đắp
chăn bông, kẻ lạnh lùng", mà những ông chồng
giàu có, uy quyền hét ra lửa mửa ra khói
ngày nào bây giờ dở thầy dở thợ, chẳng còn
ai coi trọng thì bị bỏ rơi cũng là phải phải.
Ngay sau khi Miền Nam thất thủ, người dân hay cán bộ
nào dính tới "Ái tình bất chính"
thì ôi thôi thê thảm. Họ bị lôi ra
bêu xấu trước tổ dân phố, nếu là cán bộ
thì bị khai trừ khỏi đoàn đảng, bị hạ tầng công
tác, có khi bị đuổi cổ khỏi guồng máy cai trị nữa.
Ấy vậy mà ngày nay, sau bao năm tiến nhanh, tiến mạnh,
tiến vững chắc, rất nhiều người lấy làm hãnh diện khi
có một cô thư ký chân dài cặp
kè bên mình đi hội nghị đó đây. Người
nào không có được thì cảm thấy dưới cơ, đối
tác nhìn mình chẳng ra gì!
Bây giờ các quan chức và đại gia chẳng còn
ai thèm cặp với gà móng đỏ trong các
quán massage hay nơi chốn ăn chơi như bar rượu, vũ trường cho
nó nhẹ thể, mà phải là Nữ Sinh Viên, biết
nói vài ngoại ngữ, biết đấu hót văn chương
và nói chuyện chính trị tầm cỡ ... thế giới.
Các "Trung gia" như chủ xe hàng, chủ xe tang, nuôi
cá, nuôi vịt thì lo bao mấy nữ Công
nhân Khu Công Nghiệp, trong khi họ đang trọ ở những
phòng ngủ tồi tàn. Mấy cô bèn cho đi
chút đỉnh ái tình để kiếm thêm chút
tiền gửi về nhà, nếu khéo cư xử có khi cũng mua
được chiếc wave Tàu!
Các ông đứng như chờ người nhà gần cổng, mắt
láo liên cho điểm từng cô gái đi qua như
người ta kiểm điểm đàn vịt, ưa cô nào thì
rà theo đến tận phòng trọ.
Mỗi chiều khi tan tầm, hàng mấy ngàn nam nữ công
nhân tuá ra từ các hãng xưởng, các
cô gái tuổi đôi mươi gốc gác ở miền quê
xa xôi lên thành phố kiếm việc làm, họ sống
thanh đạm, phải nói là quá nghèo nàn
nên khi có người tán tỉnh, đeo bám, cho
quà nọ thức kia, thì cho dù ông đó
có hơi lớn tuổi, thì lâu ngày cây cũng
bị cưa đổ.
Họ sẽ được mướn riêng một phòng trọ chứ không
còn phải chung đụng năm sáu người, để người tình
kia thỉnh thoảng ghé thăm.
Mấy tháng sau khi cái bụng nhu nhú thì
người tình biến mất. Cũng có khi người con gái ấy
bị một đám nặc nô đánh ghen mướn kéo tới
hành hung, đành phải bán xới dọn đi nơi
khác.
Khi người Pháp còn cai trị Việt Nam, họ vẫn cho
phép một người đàn ông được lấy nhiều vợ, nhất
là trong giới quan quyền và những nhà phú
hộ. Đặc biệt là chính những bà vợ mang sính
lễ đi cưới vợ bé cho chồng.
Năm 1958 khi gia đình tôi từ Bình Dương về sống
chung với người Bắc Di Cư ở vùng Cái Sắn, tôi
không hề thấy có ông Bắc Kỳ nào hai vợ,
vì hầu như họ là dân toàn tòng trong
họ đạo Công Giáo, nếu có ông bà
nào “hó háy với nhau” một chút thì
tiếng đồn ùn lên, mang tiếng lắm, chỉ còn có
nước đi chơi chỗ khác như lên miệt SG.
Nhưng như đã nói ở trên, những ai đã
có nhiều vợ trước khi luật mới ra đời vẫn được đa thê như
cũ, không phải bỏ bớt bà nào chi cho uổng. Ở đầu
Kinh 5 có vài gia đình người Nam có hai vợ.
Gia cảnh họ cũng không giàu có gì:
- Ông Mười Hàm làm nghề nông và
còn đan lát lọp và ống trúm bắt lươn.
Nhà ông ở ngay bến đò Kinh 5. Năm nay chắc
ông cũng xấp xỉ 90 tuổi. Lần về thăm VN gần đây nhất,
tôi thấy ông đã lụm cụm lắm. Tuy tên là
Mười Hàm, nhưng trên mặt ông chẳng còn
hàm nào vì răng đã rụng sạch. Tôi
quên không hỏi thăm hai bà vợ ông còn
hay đã mất.
- Ba vợ chồng anh Lu- theo cách gọi của bà Phần Phụng kế
bên nhà tôi - Anh Lu còn trẻ và hai vợ
của anh là hai chị em ruột. Cả ba thường đi cấy lúa mướn
trong kinh.
Một hôm vào mùa nước lớn, anh Loan con bà
Phần Phụng đang phát cỏ thì nghe cái cụp, anh nghĩ
là mình chặt trúng con cá khá lớn
nên thò tay xuống nước mà mò, nhưng
không ngờ nó là một con rắn, bị cái phảng
chặt trúng gần đuôi, nó táp cho anh một
phát. Anh cáu sườn cầm cái cù nèo
đập năm sáu cái rồi gọi anh Lu đang cấy lúa ở
lô ông Bạ Tụng:
- Nè anh Lu, có lấy rắn không?
Anh Lu bỏ mói xuống ruộng vừa chạy vừa nói, “Lấy chứ, lấy
chứ”.
Thuở ấy hầu như người Bắc chưa có mấy người dám ăn thịt
rắn.
Khi đến gần, thấy anh Loan dùng cù nèo móc
lên một con rắn dài thoòng lớn hơn cổ tay,
có khoang đen khoang trắng thì Ba Lu dội ngược:
- Tôi không lấy con rắn này đâu, nó độc
lắm, rắn trung mà, nó cắn một cái là chết
liền!
Anh Loan giơ bàn tay ra:
- Chết cái khỉ khô. Nó mới cắn tay tôi, dấu
răng còn ràng ràng đây nè.
Ba Lu xanh mặt, tặc lưỡi mấy cái:
- Trời, trời. Không biết con rắn trung này nó cắn
người Bắc thì sao, chớ nó cắn người Nam một cái
là chết liền!
Gia đình ông Mười Hàm và Ba Lu tuy một
ông hai bà nhưng sống rất hài hòa và
hạnh phúc. Tuy nhiên ai cũng nhận thấy việc này rất
hiếm hoi, chứ thường ra ông nào đèo bòng
cũng cảm nhận “Sung sướng một vài ngày, mà
đau khổ cả một đời”.