Melbourne có gì lạ không em ?

Ngày xưa Nông thị
 

    Gia đình Thu Vân (THĐ khóa 13) đến Melbourne vào cuối tháng 11 để dự đại hội Đại Học Khoa Học Sài gòn, năm nay được tổ chức tại Úc. Lần thứ nhất được tổ chức ở Mỹ năm 2008. Đây là lần thứ nhì được tổ chức ở Sydney. Trước khi tham dự chương trình đi chơi bắt đầu từ Sydney thì Vân… ”nhảy dù” xuống Melbourne thăm viếng vài ngày trước.

    Mùa hè ở Úc bắt đầu vào tháng 12 cho đến hết tháng 2. Thông thường, cuối tháng 11 thì “Trời không mưa tôi cũng lạy trời mưa” như nhà thơ Nguyên Sa đã viết. Không hiểu trời đất đảo điên hay do nhiều người tham dự đến từ Âu châu, Mỹ (mang theo cả  mùa đông “trời buốt ra đi”), nên trước khi Vân đến, thời tiết dự báo là bốn ngày Vân ở Melbourne trời sẽ âm u, có mưa rào và gió cả bốn ngày! Có hôm chỉ có 19 độ. Có hôm mưa như mưa Sài gòn, làm một cái ào rồi ráo hoảnh. Tuy nhiên cũng có lúc, 9 giờ đêm cũng vẫn còn chút mặt trời le lói. Ai hay ngủ sớm, dậy sớm (có phải đa số chúng ta như vậy hay không? Nếu câu trả lời là “phải” thì đó là điều tự nhiên của tuổi già mà thôi!) thì cảm thấy hơi xáo trộn một chút và khá bỡ ngỡ. Đi ra đường là phải cụ bị dù, áo ấm. Vài tiếng đống hồ sau là áo vất lên vai, lên cổ, đúng với câu “một ngày bốn mùa” khi nói đến Melbourne. Trước đó lạnh buốt. Vài giờ sau thì Melbourne thay đổi hoàn toàn. Melbourne như khoác một chiếc áo mới, nắng vàng rực rỡ, nóng lên đến 24 độ.

    Trước khi Vân đến, Liễu đã phối hợp với người bạn ĐHKH của Vân là Tùng Hương, ở Melbourne, để hoạch định chương trình. Hai người nói chuyện như bắp rang mà chưa hề gặp mặt cho đến lúc đi đón gia đình Vân ở phi trường thì mới biết người. Gia đình Vân khá ngạc nhiên khi thấy Liễu vào tận cổng máy bay đón. Đi ra ngoài gặp vợ chống Tùng Hương. Khi được giới thiệu, anh Điển, chồng Tùng Hương mới biết là Liễu, vì anh tưởng Liễu là tiếp viên hàng không khi thấy tháp tùng gia đình Vân từ bên trong đi ra!

    Trời mưa lúc lớn lúc nhỏ. Lúc như mưa bụi, lúc lại đổ xuống mờ trời. Cây quạt nước phải làm việc tối đa mới thấy rõ, để vẫn giữ được tốc độ 100km/giờ. Lúc xe chui xuống đường hầm bên dưới dòng sông South Yarra thì Vân đỡ… run hơn vì… được chạy 80km/giờ! Từ phi trường về nhà Tùng Hương khoảng 50km “đội mưa mà đi” rồi thì cũng đến nhà. Vân và anh Sáng cứ nói, Liễu lái xe như là…đàn ông!

    Gặp nhau thì không gì qua được ăn uống. Ăn trưa xong rồi lại ăn chiều. Vân than lạnh quá. Vậy là phải “trưng dụng” áo lạnh của chủ nhà (bà chủ nhà và con trai cho Vinh, con Vân). Anh Sáng biết thân đem phòng hờ cái áo gió. Nhờ vậy mà được ấm áp trong suốt chuyến đi. Gia đình Tùng Hương đưa gia đình Vân lên núi Dandenong thăm viếng ngày hôm sau. Chỉ tiếc một điều là trời âm u nên những đoàn chim két không chiu ra khỏi tổ. Núi Dandenong cũng là một trong những chỗ nên thăm viếng khi đến Melbourne, nơi còn có những cây dương xỉ khổng lồ, cây cối thiên nhiên (nhưng được chánh phủ chăm sóc/dể ý đến), nhiều két đủ màu rất thân thiện với người: đến gần, đậu lên vai, lên tay du khách, như những chú chim bồ câu ở một nhà thờ ở Milan (Milano) – Ý.


Vợ chồng Tùng Hương (bạn ĐHKH của Vân),
 vợ chồng Vân, Lệ (bạn), Liễu, Điệp, Liên (học trò TMThạnh)

và vợ chồng Nguyễn Hoàng

    Theo chương trình, gia đình sẽ ở nhà Tùng Hương 2 hôm và Liễu 2 hôm. Muốn đón Vân đến nhà Liễu sớm nhưng gia đình cần đi lễ sáng Chủ nhật. Đến lúc Liễu đến đón thì lại phải ăn tiếp mới được phép rời nhà! Lúc rời nhà thì cũng gần xế chiều. Sáu giờ chiều lại tới phiên Liễu làm cơm đãi bạn. Thấy bếp núc lạnh tanh,Vân tưởng sẽ được ăn món…mì ăn liền. Dè đâu, lúc “nổi lửa lên em”, mỗi người… hai tay (chứ không phài một tay) thì cũng đề huề full course. Trước lạ sau quen. Cùng đến có vợ chống Nguyễn Hoàng, Điệp – em Liễu, khoá 13, Liên học trò Từ minh Thạnh (con của cựu THĐ, có lẽ khoá 17?) và vợ chồng Tùng Hương. Không khí thật ấm cúng, đầy tiếng cười. Chuyện xưa, chuyện nay, chuyện tiếu lâm, chuyện học trò thì không bao giờ dứt. Đâm ra, đã là học trò rồi thì phải phá phách, nghịch ngợm mới là học trò. Học trò trung học phá kiểu khác. Học trò đại học phá kiểu khác.

    Vậy là gia đìnhVân chỉ còn có 1 ngày thứ Hai để đi một vòng Melbourne. Đưa gia đình Vân đi thăm thành phố Melbourne (đúng ra là “chạy” chứ không phải “đi”) trong vòng 2 tiếng (vì mua vé xe lửa 2 tiếng) rồi về nhà lấy xe đi ăn trưa. Hai tiếng đồng hồ đủ để mua quà lưu niệm mang về VN, đủ để viếng những ngôi nhà thờ cổ, thật đẹp trong thành phố, nhất là chung quanh chỗ Liễu làm. Ăn trưa ở St Kilda cách nhà khoảng 20 phút lái xe trong quán cà phê ngay bãi biển. St Kilda vào thập niên 80 là một tên các đấng mày râu thường nhắc đến vì là nơi tập họp của mấy chị em ta! Giờ thì chị em ta được chính thức hóa ở rải rác khắp nơi. (Nhưng không có nghĩa lá không có những nơi…”làm chui”!). Ở Úc những căn nhà với cái đèn đỏ trước nhà, nếu không là phòng làm việc của bác sĩ thì là phòng làm việc của chị em ta! Bãi biển St Kilda nầy, nếu đến vào lúc hoàng hôn sẽ thấy nước biển dâng lên sát chân tường của tiệm cà phê, phản lại ánh nắng đỏ hực còn sót lại của ban ngày tạo thành một bức tranh thiên nhiên vô cùng tuyệt diệu. Một cảnh chiều tàn qua lăng kính của nhà thơ Xuân Diệu như một sự nhớ nhung tha thiết:

“Bữa nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm
Anh nhớ em, em hỡi. Anh nhớ em”

    Trên đường đi ăn, Liễu lái xe qua “con đường xưa em đi” ở chung quanh nơi Liễu ở, với những hàng cây đan vào nhau rợp bóng mát vào mùa hè cũng như hai hàng cây khô rũ rượi lúc mùa đông rất là… Melbourne!

    Chương trình còn dài. Muốn đưa gia đình Vân đi xem những đặc biệt của Melbourne như dốc nam châm, cầu West Gate, Aquarium rồi rốt cuộc không đủ thời gian vì 6giờ chiều được mời ăn nữa nên chỉ có thể viếng Aquarium mà thôi. Trên mạng thông báo giờ mở cửa từ 9 giờ sáng cho đến 6 giờ chiều. Đậu xe vào đến nơi mới 5:15pm thì bảng lại ghi giờ mở cửa chỉ đến 5 giờ. Té ra, Úc cũng có chuyện “nói một đằng, làm một ngã”! Cả bọn đành nhìn mấy con chim cánh cụt (penguins) từ xa xa rồi hẹn lại lần sau. Aquarium ở ngay trung tâm thành phố được dựng lên với hơn 2.2 triệu lít nước biển (chứ không phải nước muối), tuyết thật sự và là nhà cho cả ngàn loại động vật, thực vật ở biển, đặc biệt ở Úc chẳng hạn như cá mập, cá voi, san hô, chim cánh cụt v.v..  Aquarium được thiết kế như một đường hầm bằng kính để du khách đi bên trong có thể nhìn thấy được cá lộì chung quanh mình như thể đang đi dưới thủy cung trong chuyện cổ tích đọc khi còn bé.

    Cầu West Gate nối liền trung tâm thành phố với vùng miền Tây Melbourne và là cầu huyết mạch của Melbourne. Cầu dài thứ ba của nước Úc với chiều dài hơn 2 cây số rưỡi và dài gấp đôi Harbour Bridge của Sydney (Tuy nhiên Harbour Bridge được nhiều người nhắc đến hơn). Cầu cao hơn mặt nước sông Yarra khoảng 60m và là nơi để mhiều người chán đời nhảy xuống tự tử. Theo thống kê thì trong vòng 7 năm, với 62 người tự tử thì có được 7 người còn sống sót. Số người tự tử ngày càng cao cho nên chánh phủ làm đã bắt đầu dựng thêm hàng rào sắt trên cầu để tránh cảnh nhảy sông. Công trình gần hoàn tất với tổn phí hơn 20 triệu đồng.

    Hanging Rock ở xa Melbourne khoảng 2 tiếng lái xe, là một nơi du ngoạn, leo núi, có lúc hội tụ những ban nhạc trình diễn, mua bán sản phẩm tiểu công nghệ. Đặc biệt là có một đoạn đường dốc ngắn mà khi xe hơi đậu cuối dốc thì xe (sau khi tắt máy) tự động chạy ngược lên đầu dốc với vận tốc khoảng hơn 10 km/giờ. Dưòng như chỉ có một vài nơi trên thế giới mới có hiện tượng trên,. Chính phủ không khuyến khích người đi thăm viếng nơi này vì đây thuộc về nông trại tư nhân, cho nên với lượng xe cộ lui tới sẽ làm ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường của người dân địa phương. (Anh Phú có câu giải thích về hiện tượng nầy. Tuy nhiên người viết không ghi ra đây để giử sự hoang đường và bí mật của Melbourne và ít ra cũng có lý do cho mình đi chơi xa nữa chứ).

    Sau khi đi xem… hụt Aquarium, cả bọn qua nhà Lý thị Nhi, cựu học sinh THĐ, cùng lớp với Bảy, Vân, Yến. Thu Vân không dè gặp lại Nhi ở Melbourne nên thật ngạc nhiên và mừng rỡ. Nhi cũng là một tay giựt bảng danh dự lớp đều đều vào những năm đệ nhị cấp ở THĐ. Sau này vào ĐHKH Saigon, rồi lập gia đình với Hổ, cùng trường, cùng ngành. Liễu không có mặt trong buổi họp mặt cựu sinh viên ĐHKH Melbourne đó nên không biết hai bạn Vân-Nhi… la hét đến cỡ nào! Nguyễn Hoàng thì bận học và đường xa quá nên không đến được. Cùng gặp nhau có thầy Trần minh Đẩu, cựu sinh viên ĐHKH và cũng là cựu giáo sư THĐ (có lẽ vào những năm khoá 11 nầy đã ra trường). Nhi không thay đổi nhiều, có lẽ nhờ cuộc sống êm đềm, không thăng trầm? Vậy mà Nhi còn than thở, giờ nhìn lại thấy bạn bè nhiều người nhận không ra. “Chắc bạn bè nhìn mình cũng nói vậy quá?” Đúng vậy Nhi ơi “Cái già xồng xộc nó thì theo sau” (Hồ xuân Hương). “Bốn chín chưa qua, năm ba đã tới”. Sau năm mươi, dường như thời gian chạy quá mức (mình) ấn định (speeding). Một buổi sáng thức dậy, tự dung thấy lưng mỏi, khớp xương bắt đầu cứng cứng, sinh chuyện. Nhìn ngón tay, ngón chân lại thấy bắt đầu cong cong, quẹo quẹo. Hết rồi “Tay em mười ngón thiên thần”. Nhìn vào kính thì dường như có thêm vết nhăn ở đuôi mắt, chung quanh miệng. Trời. Trời. Sao cái da cổ sao giờ nhăn dữ vầy nè? Từ hồi nào vậy? Mắt xệ xuống, thêm vào nét quầng thâm và nét nhìn thì bớt long lanh, tinh anh. Còn đâu nữa:

    “Mắt em là bể oan cừu
    Hồn anh đắm đuối trong lòng mắt em”
 
của… hồi đó !

    Rồi thì đôi lúc chuyện muốn quên thì lại nhớ, chuyện ráng nhớ lại không nhớ nổi. Cầm tờ báo lên đọc ngày càng phải đưa ra xa. Người viết đeo kính cận lúc học năm Dự bị Văn khoa, ban Việt-Hán. Có thể do phải đọc, viết chữ Hán với những nét li ti chăng ? Sau đó laị được thêm chứng loạn thị. Mua kính cần phải bifocal (kính hai tròng). Một ngày đẹp trời, đi đo lại độ mắt thì được báo tin buồn là cần thêm kính để đọc nữa. Không sao. Từ bifocal thành…multifocal (đa tròng) cũng đâu có gì. Đằng nào cũng phải đeo kính thôi ! Tuổi già không từ, không nhân nhượng người nào. Lỡ có yêu nhau muộn màng, xin níu kéo chút thời gian, cũng vẫn không được:

    « Thời gian ơi, xin dừng lại.
    Thời gian ơi, xin dừng lại.
    Cho đôi tình nhân yêu trong muộn màng
    đừng khóc ly tan ».
    (Không nhớ tên tác giả của bài hát « Đêm nay ai đưa em về »)

    Anh chàng ngày xưa mình thầm yêu trộm nhớ giờ gặp lại không còn linh hoạt, sắc bén như xưa, bụng thì phệ ra. Cô nàng mủm mỉm với cặp mắt nai tơ, dáng người và nét mặt làm bủn rủn lòng bao nhiêu chàng trai ngày xưa, giờ gặp lại thấy chánh hiệu « bà ngoại ». Bắt đầu câu chuyện bằng hai chữ « hồi đó ». Ngoài năm mươi, đi đến tuổi sồn sồn thì gần như không có sự ngoại lệ. Đi mua mỹ phẩm thì… tấp qua hàng chưng bày những món với chữ « age » (có tuổi). Mua thuốc bổ ngày xưa cứ vớ vitamin cho đàn bà là được. Giờ phải lấy kính ra xem tìm cho được chữ 50+ (trên 50). Tóc rụng nhiều hơn tóc mọc.Người viết có lần chứng kiến một bà khách cự nự cô làm tóc về chuyện thuốc nhuộm tóc tuần rồi không tốt. « Gì đâu mới có mấy ngày mà dòm nè, bạc lung tung ! ». Cô nàng cố gắng giải nghĩa : Cô ơi. Đây là những sợi tóc bạc mới mọc ra, nguyên cả một sợi chứ đâu phải cái chân tóc nhuộm hồi tuần trước mà bay màu. Cuộc cải cọ còn kéo dài nữa nhưng chung quy là khách không chấp nhận tóc mình bạc từ lúc mới mọc. Chuyện cách nay vài năm. Đến năm nay chắc bà khách đã nghiệm được điều đó rồi !

    Đó là chưa nói đến « Nhất áp, nhì đường, tam cô, tứ béo »

áp - huyết áp
đường - tiểu đường
« cô » : cholesterol (bonjour Cholesterol – Cholesterol ơi, Chào mi)
béo: mập phì

    Bữa ăn ở  nhà Nhi đượm tình Bình Dương, thầy cũ, bạn cũ. Lại kể chuyện của thời đi học trung học. Lại trao đổi, kể nhau nghe những cay đắng trong cuộc đời hiện tại. Dường như ngày đó « ăn chưa no, lo chưa tới » nên những kỷ niệm in dấu trong suốt cuộc đời với những tình cảm làm chúng ta tưởng như không làm sao quên được, nếu ngày đó có hơi…phiêu lưu tình cảm. « Ngày đó, có em, đi nhẹ vào đời ». Có tình và ở được với nhau thì là duyên. Ở với nhau nhưng chỉ có tình yêu một chiều và sự phục vụ một chiều là nợ, Tình đang tha thiết mà phải chia tay (vì bất cứ lý do gì) thì người ‘bị’ chia tay phải chịu cái nghiệp. Lòng vòng thì chỉ có chữ ‘tình’ lôi kéo mình trong cái vòng lẩn quẩn.

    Ôi những mối tình thơ mộng, lãng mạn như những lời da diết của Ngô thụy Miên :

« Một lần gặp gỡ đã như quen thuở nào.
Một lần gặp gỡ như tình ngỡ xa xôi.
Mây có bay và em có hay, ta ngại ngùng yêu em lần đầu.
Ta đã say hồn ta ngất ngây.
Men yêu đương dã thắm cuộc đời.
Một lần nào đó bước bên em âm thầm.
Một lần nào đó, ta vẫn không nói yêu người.
Yêu em, ta yêu em như tuổi ngây thơ.
Bên em, bên em ta hát khúc mong chờ.
Ngày nào người cho ta biết tình yêu đắm say.
Ngày nào, người cho ta biết tình là đắng cay. »

    Vợ chồng Nhi quá chu đáo và hiếu khách nhưng rồi cũng phải nói chia tay để ngày hôm sau gia đình Vân còn đi Sydney sớm bắt đầu chuyến ‘du hý’ đã chuẩn bị từ  bao nhiêu tháng trước. Vợ chồng Nhi thì hẹn sẽ gia nhập kỳ đại hội tới. Nhớ nhé. Liễu ghi vào sổ rồi đây ! Sau khi trở về Melbourne thì vài ngày sau lại có…hậu/mini ĐHKH được tổ chức ở nhà Tùng Hương. Vợ chồng Nhi ghé đến ở chơi cho đến tiệc tàn. Hai tuần sau, Liễu… « hồ hởi phấn khởi » lại mời cả nhóm đến nhà ăn uống cho đến nửa đêm luôn. Cuối năm mà, ai cũng nghỉ cả.

    3/12 là ngày chính của chương trình họp mặt  ĐHKH. Sau khi đi làm ra, Liễu xuống Sydney tối hôm trước. Sáng hôm sau thì gia nhập chương trình đi chơi với gia đình Vân và Tùng Hương (cứ giả bộ mình cũng đủ thông minh để làm dân cựu sinh viên Khoa Học vậy mà !). Đến vừa đúng lúc xe bus chuẩn bị khởi hành. « Ai đặt đâu  ngồi nấy”. Liễu được xếp ngồi cạnh thầy Chí, ngày xưa từng « bút sa gà chết » biết bao nhiêu sinh viên (chắc trong đó có anh Phú của tui quá ! Thi hoài không được cái chứng chỉ SPCN để vào Y, ảnh nổi quạu, đòi thi vào…Võ Bị Đà Lạt - trong khi được miễn dịch vĩnh viễn vì lý do Sắc tộc - làm ông già… « quạt » cho một trận). Thầy có kiến thức rộng khi trao đổi những đề tài trước và sau 30/4/75. Nhờ… « trúng đài » nên cuộc hành trình cũng thú vị. Hy vọng rằng thầy không nghĩ Liễu mới được…lột lưỡi ! Đêm đến có chương trình ăn uống, văn nghệ được tập luyện và trình bày do thầy và trò đảm nhiệm khá quy mô và tốn thời gian. Đến 12giờ đêm, con của Liễu điện thoại, bảo sao chưa về, khuya quá rồi. Liễu cho hay: “Còn đang vui mà con. Con đi ngủ trước đi ! Ngày xưa mình kêu nó ngưng chơi đi về ngủ. Giờ  thì ngược lại ! ”  

    Tiệc tàn. Lại chia tay nữa. Lần nầy thì Vân sẽ đi tiếp chương trình viếng thăm
 nước Úc vào  ngày hôm sau. Liễu thì về lại Melbourne, “một ngày như mọi ngày”.

“Gặp nhau đây rồi chia tay… “

“Thế rồi cuộc đời là. Những cuộc tình chia xa…”

có phải vậy không?

    Vân mang về VN những kỷ niệm của một chuyến đi xa, gặp lại bạn cũ với những thân thương ngày xưa thật bất ngờ. Liễu giờ cũng có thêm bạn (cũng bất ngờ) và hát bâng quơ: “May mà có em. Đời còn dễ thương”. Nói theo thuyết nhà Phật thì sự gặp gỡ nào cũng do “duyên”. Đi dến “nợ” hay “nghiệp” sau nầy thì…que sera,sera?

Melbourne ngày cuối năm 2010

    TB: “Ông báo chí” có gởi Liễu một bài thơ phổ biến trên internet, không biết tác giả là ai. Xin được chuyển đến các bạn cùng đọc để cùng cười và cùng chấp nhận: GIÀ.

 Già
 
Lâu nay cứ tưởng mình già
Bây giờ mới biết quả là y chang
Suốt ngày nói chuyện thuốc thang
Gặp nhau lại kể cả tràng chuyện xưa
Tivi dỗ giấc ngủ trưa
Sức khoẻ lại giảm, mắt mờ, da nhăn
Đọc chữ phóng đại mấy trăm
Lại còn đãng trí, tần ngần, hay quên
Cả ngày mỏi mắt đi tìm
Hết tìm khoá cửa lại tìm khoá xe
Nhiều hôm thăm viếng bạn bè
Được dăm ba phút nằm phè ngủ ngon
Tóc bạc chen chúc tóc non
Không dám nhổ nữa sợ còn bình vôi
Kiến thức mới nuốt chẳng trôi
Bước ra khỏi cửa trùm người áo len
Ra đường chẳng ai gọi tên
Cứ gọi chú, bác có phiền hay không ?
Khi lên xe buýt dẫu đông
Dăm người nhường chỗ 'Mời ông cứ ngồi
Lại hay nhạy cảm, tủi đời
Thích được săn sóc hơn thời ngày xưa
Thấy tình nhân trẻ vui đùa
Mà lòng chua xót phận vừa cuối thu
Suốt ngày trung tiện lu bù
Cơm thì phải nhão, phở cho thật mềm
Thích nghe tiếng hỏi, lời khen
'Lúc này thon thả, trẻ hơn dạo nào'
 Thức ăn cứ lấy ào ào
Ăn thì chẳng nổi mà sao cứ thèm
Ngủ trưa giấc cứ dài thêm
Đứng, ngồi, 'chuyện ấy' ngày thêm chậm rì
Đánh răng, tìm thuốc loại gì
Để răng được trắng không thì khó coi
Cà phê chỉ hớp một hơi
Đêm về trắng mắt nhìn trời đếm sao
Gặp người cùng tuổi như nhau
Thường hay hỏi 'Bác thế nào ? Khoẻ không?'
Cell Phone thì khổ vô ngần
Lúng ta lúng túng thường không trả lời
Để chuông reo mãi một hồi
Mở ra thì đã chậm rồi còn đâu ?
Bệnh tật nó đến từ đâu
Cao mỡ, cao máu lâu lâu ... tiểu đường
Tránh né việc nặng là thường
Việc nhẹ thì cũng đau xương, mệt nhoài
Đi chơi càng khổ gấp hai
Đi đâu cũng ngại đường dài lái xe
Giữ thân cho khỏi tròn xoe
Vòng hai sao cứ bè bè phình to
Thang lầu càng nghĩ càng lo
Chỉ sợ trượt ngã khổ cho thân này
Ngủ thì chẳng ngủ được say
Bốn năm giờ sáng dậy ngay tức thì
Sinh nhật, sinh nhiếc làm gì
Cái chuyện lẻ tẻ ấy thì nên quên
Vẫn hay nhìn kiếng thường xuyên
Xem chân dung đã trở nên thế nào
Buồn tình đếm thử xem sao
Bao nhiêu triệu chứng ấy bao nhiêu già!
(sưu tầm từ interrnet)



(xin bấm vào đây để xem thêm hình ảnh Melbourne Hội Ngộ)