CÁCH ĂN TẾT CỦA NGƯỜI BÌNH DƯƠNG XƯA

HOÀNG ANH
(07-12-2010)





Người An Nam mình thường nói “Ăn Tết”, chứ không nói chơi Tết hay thưởng thức Tết, và “ăn” không phải một ngày mà kéo lê thê nhiều ngày, như vậy, Tết với dân ta là mùa, chứ không phải chỉ một đôi bữa. Nay có người ăn học văn minh, chê người Việt ta ăn tết dài quá, lãng phí quá. Mà ăn vậy mới vui chứ! Ngó lại mà coi đi, làm lụng cực khổ bù đầu quanh năm suốt tháng, Tết ăn có một hai bữa thì thắm tháp nỗi gì!

Mùa Tết có thể coi như khởi sự từ ngày 12 tháng chạp, bữa đó cúng tổ thợ may. Lúc này cứ đôi lát lại nghe pháo nổ đì đùng xa xa như báo động cho mọi người biết rằng Tết lại một lần nữa sắp trở về đó nghen. Chợ búa đã bắt đầu nhộn nhịp hơn trước, và lòng mọi người có vẻ cũng chộn rộn hơn, nhất là sắp nhỏ, cứ theo nèo nẹo đòi quần áo mới. Tiếp đến, 20 là ngày cúng tổ thợ mộc, thợ sơn mài, thợ giày…Các nghề khác, thực ra không biết tổ mình là ai, cúng cho đúng là ngày nào, cứ canh hai ngày này mà hè nhau cúng. Nghề sơn mài và đồ gốm một năm cúng hai lần, lần đầu vào ngày 13 tháng 6, cúng nhỏ hơn lần sau, ngày 20 tháng chạp.Ông tổ nghề sơn mài Việt Nam nghe truyền lại là ông Trần Thượng Công, người làng Bình Vọng, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông, sống đời Lê Nhân Tông (1443-1460).Vua sai ông đi sứ sang Trung Quốc, khi qua đến tỉnh Hồ Nam, học được nghề sơn, sau về nước xin vua mở trường chỉ dạy lại cho dân ở tỉnh Phú Thọ, Bắc Việt.Từ chỗ này, người này chỉ người kia, học lóm người nọ, riết mà rồi nghề sơn mài nay mới đặng lan truyền ra cả nước.

Thập niên 80, 90 là thời vàng son của ngành sơn mài trên vùng Tương Bình Hiệp, Tân An…Vào đêm 20, dường như nhà nào cũng cúng. Đi dạo trong xóm, thấy trước nhà ai cũng có bàn nhang đèn, bông trái, gà hay vịt luộc…Có người còn cúng cặp gà, một trống một mái. Gà mái thì kiếm mua luôn cả ổ gà đang đẻ, luộc luôn trứng bởi tin là biểu tượng của gà đẻ trứng vàng, làm ăn phát đạt. Cúng tổ phải đợi giữa khuya, như cúng giao thừa. Nhưng từ lúc mới đầu hôm bọn thợ đã bày ra nhậu lai rai. Tới giờ thì người nào người nấy đã say ngất ngưởng, trong lúc pháo nổ ran cả đêm, khói toả mù mịt như có sương phủ khắp xóm làng, toả mùi thơm ngào ngạt. Đi chân nam đá chân xiêu ngoài đường, có cảm giác bềnh bồng như lạc giữa thiên cung, lòng ngập tràn hạnh phúc sau một năm làm ăn mệt nhọc mà phát đạt.

Ngày 23, đưa ông Táo, có câu “Hăm ba đưa ông Táo, hăm sáu đưa học trò”. Cúng ông Táo có chè xôi nước, giấy tàu bay ngựa chạy, “cá chép” đốt để ông Táo cởi về Trời, có các loại bánh kẹo chỉ bán vào dịp tết, gọi là “thèo lèo cứt chuột”. Đây cũng là lúc sửa sang lại bếp lò. Mấy cái bếp lò cũ đem ra để ở mấy gốc cây bự ở chỗ vắng vẻ như cây đa, cây bời lời.Lâu ngày, mấy cái gốc cây đó lũ khủ nào ông địa nhe răng cười, nào bếp cũ nằm chỏng chơ, đi ngang mấy chỗ đó phải bước cho thiệt lẹ vì nghe lạnh sau ót. Ở quê, người ta lựa chỗ sạch sẽ đào đất sét lên, trộn với rơm nặn thành ba cục đất tượng trưng cho ba ông bà táo, lấy làm chân bếp lò. Không có điều kiện tự làm thì đi mua, người bán các cục đất ông Táo, cùng với “mực tàu giấy đỏ”, ngồi lác đác ở bên lề các con đường dẫn vào chợ. Đối với trẻ con, nhất là trẻ khó nuôi, vào trưa ngày 23 những năm ba, sáu, chín, và mười hai tuổi là phải cúng để tạ ơn ông Táo đã phù hộ cho con được khoẻ mạnh, khôn lớn.Năm 12 tuổi cúng lần cuối nên cúng lớn, phải có đầu heo. Về tục thờ ba ông bà Táo, sách xưa giải thích:

“Lại thờ thần Táo quân (vua bếp) hai bên vẽ hai hình đàn ông, ở giữa vẽ hình người đàn bà, cũng là theo quẻ Ly là hoả, trong hai hào dương lấy một hào âm làm chủ”
 (Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Nxb. Giáo dục, 1998, tr. 142)

Với người có đạo Công giáo, trước ngày lễ các Thánh 1-11 phải đi dẩy mả, để đến sáng sớm ngày 2 là lễ các Đẳng, tới nghĩa trang có ông Cha làm lễ, người ta cắm bông huệ trắng, đốt đèn cầy trắng trên mả, nhang khói nghi ngút hương thơm trong sương mai lạnh lẽo. Có nơi, người ta đến rất đông từ đầu hôm đốt đèn cho tới sáng, cả nghĩa trang được thắp đèn lung linh rực rỡ, đẹp như ngày hội hoa đăng Người Tàu thì dẩy mả trong tiết Thanh Minh, từ mồng 3 đến mùng 10 tháng 3. Dịp này làm cỏ sạch sẽ và đắp thêm đất, lại mang theo nhang đèn, trầu cau, bông, trái cây, giấy tiền vàng bạc, rượu thịt…Cúng xong, giấy tiền vàng bạc của họ đủ màu, bay theo gió nằm vương rải trên mấy cái gò mả, trông thấy đẹp mà sao nghe cũng buồn buồn, cứ như có hồn người chết về lảng vảng đâu đây.

Người Việt mình dẩy mả trong những ngày cuối tháng chạp, đi đông nhất là ngày 25. Bà con tụ lại cùng dẩy mả ông bà sạch sẽ để ông bà cũng ăn Tết như cháu con. Đem theo đồ cúng, dẩy xong xúm lại ngồi ăn rao ráo cho ông bà vui, thấy con cháu thuận hoà, hiếu thảo. Nhiều người cùng đi dẩy mả, xong đốt cỏ khô, khói bốc nơi này một đám, nơi kia một đám, đẹp mà vui, như ngày đốt rạ trên đồng cuối mùa gặt. Cái vui hiền hoà, giản dị của một thời, nay bầy trẻ không còn cảm được. Ngày dẩy mả, tuy đổ mồ hôi hột, nhưng lắng đọng trong lòng người nhiều tình cảm khó phai, mỗi khi nhớ đến cứ nghe bùi ngùi. Có mấy ông nhà văn, hay chữ nghĩa, nói như vầy, nghe mấy ổng nói mà nhớ xưa chịu không thấu:

“Ngày tạm biệt Bàu Bèo đã trở nên xa ngái.Thỉnh thoảng tôi lại về quê vào dịp tết để giẫy mộ ông bà vào những ngày cuối năm, đến đình đến miếu khấn vài nén nhang mới hay quê mình cũng đã nhiều nhang khói.”
(Lưu Thành Tựu, Đồng Bàu Bèo, Kỷ yếu 20 năm văn học nghệ thuật Bình Dương (1986-2006), nxb Trẻ, 2007, tr.879)
“Kế đến, ăn Tết là dẩy mả.Đạo thờ cúng Ông Bà gồm tưởng nhớ, thờ cúng và dẩy mả ngày Thanh Minh và ngày Tết, ông Sáu đã theo cha dẩy mả từ thưở ông lên bảy và cứ như vậy đến năm ông hai tám, cha ông qua đời, ông đi dẩy mả một mình tới ngày chạy giặc là năm ông ba lăm.

Ông đã gần gũi tổ tiên ông mỗi năm hai lần, nghe thương mến người dưới các nấm đất ở đầu làng lắm, mà đã hai mươi năm rồi, ông không được dảy mả nữa.”
(Bình Nguyên Lộc,Hai người xuống tinh thần,tạp chí Hương Quê, tr.23)

Tục lệ dẩy mả này có từ đời tổ tiên, sách cũ còn ghi chép rành rành:

“Ở Gia Định, cứ đến cuối năm thì tế, quét dọn bồi đắp phần mộ tổ tiên, việc ấy đã có điển lệ của nhà nước.Thiết nghĩ gần đến ngày tết, đầu năm nhà ai cũng còn sắm sửa chỉnh đốn, huống chi là con cháu thì người chết cũng như lúc còn sống, sao nở ngồi nhìn cỏ cây rậm bẩn, mồ mả sụt lở, mà không sửa đắp lại ư? Tuy việc tế mộ, cổ lễ không có, nhưng lễ bởi nghĩa mà sinh ra, so với Trung Hoa ngày thanh minh tế tảo mộ, thì nước ta tế về tháng Chạp còn có nghĩa hơn.”
(Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Nxb. Giáo dục, 1998, tr. 146)

Lo mồ mả xong là đến phiên lo nhà cửa, dọn dẹp, lau chùi, sơn phết từ trong ra ngoài. Nhà có lư đồng thì phải chùi lư cho bóng láng, mà chùi cho nó láng thì mỏi rã hết hai tay nên bọn trẻ rất ngán công việc này.

“Tục cứ đến cuối năm may áo mới, đẹp, quét rửa sạch trong nhà ngoài sân, dán câu đối mới, bày bàn ghế, sửa soạn chỗ thờ cúng tổ tiên, có thứ gì bày ra hết để khoe với nhau, răn bảo con em, phàm việc gì phải cẩn thận, để bói xem điềm triệu trong một năm.”
(Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Nxb. Giáo dục, 1998, tr. 143)

Cánh đàn bà thì lo cắt lá chuối, xay bột, đem phơi, lúc này nắng mỗi ngày một ấm hơn, vàng hơn, các nia bột trắng tinh như được ươm nắng, nằm óng ả đầy trước sân nhà.Lại còn lo làm bánh mứt, đủ thứ trên đời, tới khuya lắt khuya lơ vẫn chưa đi ngủ, lẫn trong mùi thơm ngào ngạt của đường mật,của mùi gừng cay cay là tiếng cười nói khúc khích của mấy bà mấy cô tới gần sáng mới dứt.

Một vài cách vui Tết thưở xưa, chỉ còn đọc thấy trong sử sách:

“Ở Nông Nại (tức Đồng Nai), đến cuối năm, vào đêm 28 tháng chạp, có na nhân (tục danh Nậu Sắc Bùa) đánh trống mọi, gõ bản phách, mười lăm người làm một bọn, đi dong khắp phố, xóm, nhà nào hào phú thì đẩy cửa mà vào, dán bùa vào các cửa, niệm đọc thần chú, trống phách, tiếp đến lời hát chúc mừng.Chủ nhà lập tức đem cỗ bàn chè rượu thết đãi, và phong tiền thưởng tạ.Lại đi đến nhà khác cũng như thế, đến trừ tịch (30 tết).Cũng là ý đuổi tà tống ma, bỏ năm cũ đón năm mới vậy.”
(Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Nxb. Giáo dục, 1998, tr. 143)

Ngày 30 dựng nêu, nhưng nay cũng ít ai làm.Câu ca dao: “Cu kêu ba tiếng cu kêu. Mong cho tết đến dựng nêu ăn chè” chỉ là câu của hoài niệm.

“Ngày trừ tịch, mọi nhà đều trồng nêu tre ở trước cửa lớn, trên buộc cái sọt bằng tre, trong để trầu cau và vôi, bên cạnh treo giấy vàng bạc, gọi là trồng nêu.Sự tích tường tận từ trước thế nào, không thể khảo cứu được mà cái thuyết ba giới chia trị, là thuyết hoang đường, không nên theo
(Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Nxb. Giáo dục, 1998, tr. 143)

Trưa 30, cúng rước ông bà về nhà ăn tết với cháu con.Lúc này gần như mọi người đã ngừng công việc làm ăn, có thể thảnh thơi ngồi nhậu lai rai, nghe tiếng pháo nổ đì đùng lác đác trong xóm. Chợ búa chỉ còn sót vài người nghèo ráng ngồi bán kiếm tiền, ngoài đường vắng vẻ, xe cộ lưa thưa.

Chiều 30, cúng rước ông Táo. Trước cửa nhà dán hai tờ giấy vuông màu đỏ năm nào cũng phải mua mới, một vẻ hình con cọp, một vẻ lá bùa, dân gian có người gọi bùa niêu. Có vị cao niên giải thích hình con cọp này như sau:

“Thật ra, dán hình con cọp trước cửa là phong tục của người Tàu do tích trong truyện Phong Thần; Triệu Công Minh theo Triệt giáo, cởi cọp cầm Giáng Ma Chử trị ma quỷ ra trận đấu với 12 vị tiên của Xiển giáo học trò của Ngươn Thuỷ thiên tôn, đứng đầu là Nhiên Đăng đại sư nhưng bị mất mạng.Sau được Phong Thần trị ma quỷ.

Thông Thiên Thánh Mẩu và Ngươn Thuỷ là học trò của . . . Lão Tử vì hiểu lầm nhau do Thân Công Báo đặt điều nên sanh chuyện.
Người ta dán con cọp là tại như vậy.”
Chiều 30 cũng là lúc bắt đầu nấu bánh tét bánh ít.Bánh lâu chín nên phải đốt bằng mấy khúc củi to, thường lựa mấy cái cù lự, khó bửa để dành sẵn, lửa bập bùng tí tách cả đêm, nước trong nồi cứ sôi ùng ục.

“Nhiều thứ lắm, bà không biết nói ra. À…ở…thí dụ như lửa tết, lửa đêm ba mươi nấu bánh tét, quanh lò lửa lớn ấy có mặt đông đủ cả nhà, ai đi mần ăn xa ở đâu, cũng phải về, đông đủ cả nhà mà đôi khi đông đủ cả họ nữa, vì có những bà con nghèo, không gia đình, không nhà cửa, họ xin hưởng ké sự ấm cúng của bất cứ người nào trong họ mà có được một bếp lửa.
-Còn thứ gì nữa bà ngoại ?
-Còn lu bù thứ.Cả nhà họp mặt đông đủ thì vui, nấu nướng suốt đêm các món ăn ngon, kể cho nhau nghe chuyện mần ăn của mình ở xa, nhắc lại chuyện ăn Tết ngày xưa của ông bà tổ tiên.Đêm cuối năm gió lạnh lắm, mà quây quần quanh bếp lửa, ấm ghê đi. Nhà có nhúm lửa, nghe như là sung túc, mà nhúm những bếp lửa lớn, nghe càng sung túc hơn. Đó rồi thì ngày mai lại,lửa cháy trong bếp suốt ba ngày đêm, không được hạ ngọn phút nào hết, cho nó vui.Ở làng, người ta cất nhà lớn, nhưng cả nhà đều ở sau bếp, không phải sợ nhà trên mòn mà không dám ở, mà vì nhà bếp vui hơn, mà vui hơn là nhờ lửa.”
(Bình Nguyên Lộc, Lửa Tết, tuyển tập BNL, II, nxb. Văn Học 2001, tr.968)

Những năm gần đây cấm đốt pháo, đêm giao thừa, đi trên đoạn đường dài từ Bến Cát về đến Lộc Ninh, Bù Đốp…ta thấy hai bên đường có rất nhiều đống lửa cháy bập bùng trong bóng tối, củi nổ tí tách, tạo cảm giác ấm cúng và gợi nhớ nét cổ sơ của thời đi khẩn đất.

Đêm ba mươi, đón giao thừa, thời khắc thiêng liêng nhất trong năm.Trên trang và ngoài bàn thiên thắp đèn sáng trưng hơn mọi khi, nhà khá giả còn đốt trầm, hương bay thơm ngát. Bông trái cũng nhiều và đẹp hơn, xưa, dĩa trái cây còn phải có dưa hấu và đường phổi. Đoạn văn sau đây, trích từ truyện ngắn “Một thảm kịch ở thôn quê” mô tả cho ta biết rõ hơn về loại đường này (đăng lần đầu trên tạp chí Hương Quê, sau có tên là Bảo Mật, trong tập truyện Thầm Lặng của Bình Nguyên Lộc):

“Các bạn có biết đường phổi là gì không?Nhiều bạn trẻ chưa bao giờ thấy mặt miếng đường kỳ lạ ấy, vì trong những năm chiến tranh, Bình Thới không có điều kiện bán ra ngoài thổ sản của mình.
Đường phổi không phải là đường.Thật ra nó chỉ là một thứ quà ngọt chế tạo bằng đường cát trắng, tròng trắng trứng gà và một vài chất khác mà nhà nghề giữ kín cho đến mãi ngày nay.
Miếng đường phổi mang hình dạng một lá phổi mà bên trong, nó cũng có hang, lỗ y như phổi người.
Đó là một lễ phẩm, người dân Đồng Nai dùng cúng tổ tiên ngày Tết.
Thành phần hoá học của đường phổi, và cách chế tạo nó, những nhà nghề trên ấy thọ lãnh của tổ tiên ngoài Quảng Ngãi, Quảng nam khi bỏ làng di cư vào Đồng Nai, cách đây trên ba trăm năm.”
(Bình Nguyên Lộc, Bảo mật, tuyển tập BNL, II, nxb. Văn Học 2001, tr.183)

Đón giao thừa phải cúng vái ngoài sân, ở bàn Thiên, tức bàn Thông Thiên, một bàn thờ đơn sơ, nơi thờ một vị quan nhỏ gọi là Thiên Quan, một dạng “sứ giả” của cõi Trời nên thường có dán một tấm liễn nhỏ ghi: “Thiên quan tứ phước” ý là xin vị quan này ban phước cho gia đình.Dân gian thường nghĩ rằng Thiên tức là Trời, tức Ngọc Hoàng Thượng Đế, vua của Thiên Đình. Ngẫm nghĩ, lẽ nào vị vua tối cao như thế lại để ông chịu đựng nắng cháy mưa dầm cả năm ròng ngoài sân như vậy, chắc là không phải!
Bắt đầu từ sáng mùng một là phải kiêng cữ đủ thứ, vì vậy đến ngày ba mươi là mọi việc sửa soạn trong nhà ngoài sân phải rán lo cho xong hết ráo.Gạo phải đầy khạp, nước phải  đầy lu vì ba ngày Tết không được động tới giếng.Sân phải quét dọn sạch sẽ vì Tết không được quét, sợ quét luôn ông Thần Tài, tiền ra hết khỏi nhà thì khổ.

Đêm trừ tịch, tới đúng thời khắc giao thừa, pháo rền vang khắp nơi.Những năm tháng chiến tranh, lính tráng còn bắn súng hay trái sáng lên trời, biết nguy hiểm nhưng nhiều người thích ra sân đứng xem cảnh tượng ngoạn mục trên bầu trời đen đang được thắp sáng rực rỡ bởi muôn màu sắc. Ai hên thì lượm được mấy cái dù, nhưng thế nào rồi cũng có người chết hay bị thương vì đầu dạn rơi xuống mà cũng chẳng ai ngán, vui mà, dân Việt mình lúc nào lại chẳng gan dạ cùng mình!

 Đốt pháo mừng xuân là tục đã lâu đời, gắn liền với đời sống cư dân nông nghiệp mấy trăm năm:

“Đốt nhiều pháo; lại có thứ pháo bằng ống đồng, ống sắt, tiếng kêu dậy cả rừng núi, kêu ran không dứt”
(Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Nxb. Giáo dục, 1998, tr. 144)
Danh sĩ Trịnh Hoài Đức giải thích cho tập tục này:
“ Xét ý nghĩa thì cũng như ở Trung Quốc ngày mồng một tết dùng pháo và bùa gỗ đào, ngày Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5) cắm lá ngải, lá xương bồ v.v…, là lấy ý nghĩa tiêu biểu cho năm mới, trừ bỏ cái xấu cho năm cũ mà thôi”
(Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Nxb. Giáo dục, 1998, tr. 143)

Chờ cho tiếng pháo trong xóm làng thưa thớt dần, người ta mới đi ngủ. Sáng ra, chưa kịp mở con mắt đã lại nghe tiếng pháo mừng năm mới râm ran trong xóm, báo cho biết ngày Tết chờ đợi cả năm ròng, chuẩn bị mệt đừ cả nửa tháng nay đã chính thức tới. Mùng một, xưa có tục xông đất, tức người hợp tuổi với gia chủ sẽ đến sớm để là người đầu tiên mừng tuổi chúc Tết chủ nhà.Nay ai cũng cử không dám đến nhà ai sớm, sợ chẳng may năm đó họ gặp điều xui xẻo thì mình lãnh đủ. Đàn bà có thai hoặc nhà có tang trong năm thì tuyệt đối không dám đi đâu trong ngày này.

Sáng dậy thay đồ mới, đến thắp nhang cúng tổ tiên trước tủ  thờ sáng rực ánh đèn. Trên mấy cây cột gỗ trước bàn thờ có dán những tờ giấy đỏ viết chữ Tàu, hoặc là câu đối, hoặc các chữ như Tân Xuân Vạn Hạnh, Ngũ Phước Lâm Môn…Lạy ở bàn thờ xong, con cháu đến khoanh tay chúc Tết mừng tuổi ông bà, cha mẹ, nhận tiền lì xì. Những nghi thức này trải qua mấy trăm năm không thay đổi bao nhiêu:

“Mồng một tết, đầu giờ dần, dậy đốt đèn hương, dâng nước chè nóng, lễ bái tổ tiên, rồi đến mừng tuổi người tôn trưởng, chúc cho sang năm mới giàu và sống lâu, làm cỗ bàn đặt cúng tiên tổ, mỗi ngày sang chiều hai buổi, như để cung phụng người còn sống.”
Xét ra cúng ngày mồng một tết, tuy trong sách lễ không có, nhưng việc đó cũng là tụt hậu, không hại gì đến nghĩa lý. Kẻ sĩ phu kính tuân điển lễ của nước, tuỳ theo chức phận phải làm, kính cẩn tuân hành, không nên tự tiện đổi bỏ. Trừ ra tuân theo điều kiện điển lễ nên làm thì không kể, còn như việc nào trái lễ, như tục truyền là ngày mồng 3 nhà quan tống tiễn tổ, nhà thường dân không nên cúng tiễn vào ngày ấy để tránh cho tiên tổ ở dưới âm, hoặc có bị đòi bắt, đài tải vật công chăng, vì thế để chậm đến ngày mồng 5 tháng 7 cũng có, mà mỗi ngày thì lấy món cũ dâng cúng; việc ấy hồ đồ quái đả, khinh nhàm việc tế lễ, nên theo điển lễ nhà nước ngày mồng 5 cúng tiễn là phải. Phàm gặp những việc ngoa truyền trái lễ như thế, nên tham chước lễ nghĩa mà đổi đi.”
(Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Nxb. Giáo dục, 1998, tr. 144)

“Ngày mồng một tết cúng tổ tiên, có người bầy cỗ cây mía, cũng là loại quả phẩm thức ăn, tục có người ngoa truyền là để cúng tổ tiên, làm gậy cho người già chống, đến nỗi có người ngu viết vào văn khấn, rất là sai bậy, đáng cười”
(Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Nxb. Giáo dục, 1998, tr. 145)

“Ngày mồng một tết, người sang hèn lớn nhỏ đều cùng no say rong chơi, tuy là người thôn quê mùa hèn hạ cũng có lễ phép khả quan.Từ ngày trồng nêu trở đi, nhà nào cũng đánh bạc và làm các trò chơi, pháp luật không cấm, đến ngày hạ nêu thì thôi.”
(Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Nxb. Giáo dục, 1998, tr. 145)

Nhà văn Bình Nguyên Lộc cho ta biết thêm cách đón Tết của vùng Đồng Nai xưa:

“Ngày đầu năm, người nào trong gia đình cũng xẻ thử một trái dưa hấu, xem nó có thật đỏ lòng, mặt lòng dưa có xam xảm cát hay không? Để đoán tương lai tổng quát của họ trong năm”
(Bình Nguyên Lộc, Gói hột dưa bí mật, tạp chí Hương Quê, tr.26)

Thời trước, nhất là nhà nghèo, hay lấy vỏ dưa hấu để làm gỏi, chỉ vạt bỏ lớp vỏ xanh bên ngoài thôi.Gỏi vỏ dưa giòn, ăn nghe thâm trầm lắm, bầy trẻ trào bầy giờ sung sướng có đứa nào chịu động móng tay mà làm nữa đâu.

Lúc này ngày ba bữa cúng cơm ông bà, cúng xong cả gia đình mới ngồi ăn chung với nhau.Ngại đến nhà người khác sớm thì kéo đi chùa lạy Phật, xin xăm, hái lộc; hoặc đi thăm mồ mả, thắp nén nhan khấn vái.Con cháu ở xa dắt díu chở nhau về thăm ông bà cha mẹ, tiếng cười tiếng nói mừng vui vang rân trong xóm.

Mùng 2, hết phần lễ lạt, thoải mái rồi, hôm nay tha hồ thăm viếng, ăn nhậu, đánh bài, coi cải lương thả cửa trên vô tuyến truyền hình.Gặp nhau người ta chào hỏi, người có ăn học huê dạng thì nói “Cung Chúc Tân Xuân” chứ có ai mà bắt chước tiếng tây tiếng u nói “Happy New Year” búa xua như đời bây giờ. Dọc đường, người ta túm tụm quanh các sòng bài bạc, bầu cua cá cọp hay tài xỉu. Những người khác đi hối hả thành dòng trên đường, nhìn là biết liền họ kéo nhau đến rạp hát xem cải lương hay chớp bóng chớ chẳng có chạy đâu.

Mùng 3, “mùng ba tết thầy”, cũng là ngày đưa ông bà, lại phải cúng, làm tiệc.Có mâm cúng ở bàn Thiên, giếng nước, chuồng trâu bò, heo, gà…và phải dán giấy tiền vàng bạc mấy chỗ đó nữa, dán cả lên mấy gốc cây lớn xung quanh nhà, mấy cây mai già trước sân cũng dán hết trọi trơn:

“Hôm mùng ba Tết, tới nhà chủ lò để dự đêm cúng Thần Đất Đai, chủ lò đã sai anh đem bùa dán vào Che”
(Bình Nguyên Lộc, Thần Che báo oán, tạp chí Hương Quê, tr. 23)

Gặp nhau trong ngày này, người ta thường thở than, mau quá, mới đó mà đã qua ba ngày Tết.Những ngày vui trôi qua cái vèo, sắp đến sẽ là những ngày nắng cháy, khô hạn, công việc năm mới chưa biết sẽ ra sao, nghĩ tới cái cảnh phải tiếp tục đi cày kiếm cơm mà ngao ngán!

Mùng bốn, hết tết rồi nhưng chưa hết hẳn, ai đi làm, cứ đi, ai còn rảnh thì còn chơi tiếp, đến thăm những người thân quen mà mấy ngày qua chưa thăm được, hoặc đi coi ngày khởi công, coi sao hạn trong năm mới.Mùng bảy hạ niêu, hồi nẳm, phải mãi đến ngày này thì Tết mới thực sự kết thúc.

“Ngày mồng 7 hạ nêu xuống, gọi hạ nêu.Phàm công nợ vay mượn còn thiếu lại, nội trong ngày tết không được đòi hỏi, phải đợi ngày hạ nêu rồi mới được đòi hỏi.”
(Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Nxb. Giáo dục, 1998, tr. 144)

Mùng 8 cúng sao hội, nhiều người vào cúng lạy trong chùa, kẻ khác bày cúng trước sân.Phàm người nào cúng sao gì phải sắp đèn cầy theo hình của sao đó. Ai sao tốt còn bỏ qua, chứ đụng “nam La Hầu nữ Kế Đô” thì đố mà dám, phải lo cúng cho đàng hoàng tử tế. Mùng 9 cúng Trời, tức “Ngọc Hoàng Thượng Đế”, ngày này là ngày vía, cúng ở bàn Thiên. Miền Bắc ít nhà có bàn thiên, ngoài Huế mỗi nhà lại có đến hai bàn thiên, thường đặt bên hông sân, quay hướng ngược với cửa nhà. Ở Bình Dương thì bàn thiên đặt ngay trước giữa sân và nhìn trực diện vào cửa chánh, lại thường trồng các loại bông trang, bông mồng gà…xung quanh để làm cảnh, người khá giả lại làm hòn non bộ, coi ngộ lắm!

Mùng mười cúng đất, tức Ông Địa, ông này và ông Thần Tài thường để dưới đất, thờ chung trong một cái trang nhỏ. Người Hoa rất trân trọng hai ông này nên bày trí trang thờ rất đẹp, thắp đèn sáng choang, màu sắc đỏ tươi. Cúng ông Địa và ông Thần Tài, đặc biệt là giới buôn bán, mỗi sáng sớm đều van vái cầu xin phù hộ để buôn may bán đắt, lễ cúng khá qua loa, một bình bông, nhan đèn, ly nước, thêm ly cà phê hay điếu thuốc tuỳ mỗi người. Thần tài, có thuyết cho rằng là ông Triệu Công Minh, một người dân ở núi Võ Đang bên Tàu.Thuyết khác, cho là một cô gái Tàu có tên là Như Nguyện. Xưa, có người lái buôn tên là Âu Minh khi đi thuyền qua hồ Thanh Thảo gặp cô đem về nuôi trong nhà như một cô hầu. Từ đó làm ăn buôn bán ngày càng phát đạt, trở nên giàu có. Một hôm vào Tết Nguyên đán, ông nóng giận đánh Như Nguyện làm cô sợ chui vào đống rác trốn mất. Kể từ đó, người chủ làm ăn ngày càng lụn bại, trở nên nghèo khổ. Người ta cho rằng Như Nguyện chính là Thần Tài, và vì sự tích này nên có tục kiêng cữ quét rác và hốt rác trong ba ngày Tết, sợ Thần Tài đi mất Cũng vì tích này mà trang thờ Thần Tài luôn đặt dưới đất, nơi góc nhà hay hàng hiên. Người ta cũng thờ chung ông với thần khác như Ông Địa. Ngoài hai bức tượng còn có một bài vị viết bằng chữ Tàu. Thần Thổ Địa còn gọi đầy đủ là Môn Khẩu Thổ Địa Tiếp Dẫn Tài Thần: thần Thổ Địa trực ở cổng để đón Thần tài vô nhà.

Image Hosted by ImageShack.us

Chợ Bình Dương xưa

Ngày 13, xưa có lễ cúng, nay bỏ đã lâu:

“Phàm các thứ quả, mứt, bánh, hết thảy các món ăn dàn bày rất nhiều, đến ngày 13 thì tống thần, gọi là đệ tiễn, đồ cúng thì có vàng hồ, đồ mã”
(Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Nxb. Giáo dục, 1998, tr. 144)

Tết hết, nhưng những ngày vui của dân Bình Dương vẫn chưa hết vì còn có lễ Thỉnh Tào Kê của người Tàu.Tiếng trống múa cù cứ thùng thình từ sáng tới tối trên các nẻo đường chợ Thủ làm lòng dạ ai nấy cũng muốn nhảy cà tưng. Sau lễ này, không khí lễ hội ở Bình Dương dịu hẳn lại, đường phố vắng hơn, mọi người bắt tay lo toan công chuyện làm ăn cho năm mới. Một số người có tiền bạc thì chuẩn bị đi viếng chùa ở nơi xa hoặc đi nghỉ mát, tức du lịch Vũng Tàu hay Đà Lạt…

Trào bây giờ, lớp trẻ ngày càng thờ ơ với Tết, nói không phải giả ngộ, chứ sắm cho bộ đồ mới chúng không mừng, đồ ăn dọn sẵn ỉ ôi chúng cũng không ưng. Nhắc chuyện Tết xưa, kể, có khi cũng chỉ để mình nghe, rồi nhớ mông lung thui thủi một mình.Nhớ bao người thân yêu đã khuất, đã xa, bao hình ảnh khi mình còn là đứa trẻ nhỏ, mừng hết cở vì có bộ đồ mới, có tiền lì xì, chạy nhảy tung tăng, tất cả giờ đã nhạt nhoà, chỗ còn chỗ mất.

Ở đời, có cái gì mà chẳng trôi qua!